Gió bụi – Truyện ngắn Nguyễn Quang Thân

Truyện ngắn của Nguyễn Quang Thân

unnamed

Nhà văn Nguyễn Quang Thân

Văn Việt: Nhà văn Nguyễn Quang Thân sinh năm 1936 tại Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông từng sống ở Hải Phòng trong thời gian dài, sống tại Hà Nội từ năm 1996 và chuyển vào Sài Gòn từ năm 2008. Ông viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản điện ảnh, đã có gần 20 đầu sách được ấn hành

Thật không hay chút nào đến Paris vào mùa đông, sát ngày Noel và đầu năm mới, nhưng nhờ vậy mà tôi có được một cuộc gặp. Sắp tối, trời lạnh, khoảng một hai độ C, trong ga tàu điện ngầm thì ấm hơn. Nấn ná trên lối đi rộng dẫn lên trạm Place d’Italie, tiếng nhạc réo rắt giữ tôi lại. Một ban nhạc Dzigan đang chơi bài Sông Danuble xanh, bên lối đi được mở rộng ở chỗ ngoặt, có khoảng năm sáu người, không kể một cô bé mũi hếch, da nâu đi lại tay cầm cái mũ vải chìa ra. Khách đi tàu điện có tới vài chục người đứng nghe, rút euro lẻ thả vào chiếc mũ, kèm theo một nụ cười. Quả thực khó mà cưỡng không dừng lại chỗ nào nào đó khi có người Dzigan chơi bài Danuble xanh với dàn violon và một cái sáo, “tủ” của họ.

Tôi chú ý trong đám ấy một ông già, trong khi người ta đầu trần thì ông mũ nồi, thỉnh thoảng dựa cây đàn vào chân, xoa tay cho đỡ cóng. Cái mũ bê-rê lệch, nước da ngăm đen, mái tóc bạc và cái dáng cao ráo, mạnh mẽ thật khác lạ. Một ông già khỏe mạnh, lưng thẳng, chiếc măng tô mới, hàng hiệu hẳn hoi, không nghịch mà lại hợp với dáng người nhanh nhẹn của ông. Tôi chăm chú vào ông, không phải nghe ông chơi đàn mà nhìn cái cách ông vừa chạy ác-sê vừa lim dim mắt, miệng hé một nụ cười, lạ thay vẫn nguyên đôi hàm răng trắng. Một thoáng ký ức, cái này tôi đã thấy, đã nghe, đã trải qua, người chơi, cách chơi và tất cả… tự nhiên tôi thấy mọi thứ trên ông, trong ông, từ ông toát ra đều rất quen thuộc với riêng tôi, khó giải thích nhưng chắc tôi không nhầm. Một người Việt Nam chơi đàn trong đám Dzigan lang thang khắp châu Âu? Hãy chờ xem. Bỗng ông ngừng chơi, tay run run cho đàn vào bao, xoa đầu cô bé rồi thả vào cái mũ một đồng năm euro. Đám đàn ông Dzigan vẫn chăm chú chơi đàn, không mảy may để ý đến ông, sông Danuble vẫn cuốn họ đi hoặc họ đã quá quen cách ông ngừng chơi ngang xương và cho tiền hậu hĩnh. Ông đi ngược lại, ra đường tàu.

Tôi quên cả đường về, đi theo ông cách năm bảy bước chân như bị ông dắt bằng sợi giây vô hình. Tôi đang ngâm tráng một bức hình trong buồng tối, cứ mỗi giây tấm hình lại hiện ra một ít, càng rõ cho đến lúc ông ló dạng hoàn chỉnh qua đám mây mù thời gian, ít nhất thì cũng là do tôi tin như thế. Tôi liều mạng gọi từ phía sau, gọi rất to: “Thầy Chín!”.

Ông đứng lại, suýt nữa tôi va vào ông. “Xin lỗi, ông có phải là…” tôi ngưng không thể dứt câu vì cái nhìn chằm chằm của ông, xoáy vào tôi như mũi khoan rồi bật lên một câu lắp bắp: “ Thành phải không?”.

***

Chúng tôi mất nhau chẵn năm mươi năm. Tôi vẫn nhớ như in câu bà Vun, hàng xóm hay thóc mách của chúng tôi bữa đó: “ Thằng Chín dẫn cu Khôi với bốn đứa nữa trốn sang Lào theo Tây rồi!”. Đội cải cách đã lục tục về nên phát ngôn của những “cốt cán” được chọn làm “rễ” như bà Vun là rất quan trọng. Đó là thông tin cuối cùng tôi nghe về ông. “Thằng Chín” là thầy tôi, ông thầy dạy nhạc ấy học trên chúng tôi ba lớp, chỉ hơn tôi mấy tuổi. Dạo đó tôi mười sáu, anh hai mươi, sắp lấy bằng tú tài, gặp nhau vẫn xưng em gọi anh. Nhưng anh giỏi nhạc cho nên được nhà trường mời làm thầy môn này. Chín nổi tiếng tài hoa vì đàn gì cũng chơi được, ấn tượng nhất là violon, thứ đàn dễ làm thủ công, khá phổ biến ở vùng kháng chiến thiếu thốn đủ thứ. Tôi gọi thầy, có lúc là anh. Đến khi anh yêu bà cô họ tôi thì lại chuyển gọi chú.

Nhà cô cháu tôi cách nhà anh một quãng đồng. Trước nhà anh có một cây đa. Cô tôi con quan, xinh đẹp, từ Huế tản cư về, đã lấy bằng tú tài 1, tân thời, hát hay và thổi sáo giỏi, tóm lại là rất “hay hay”. Một ngày bão lụt, cánh đồng quanh làng thành biển nước, cô bảo tôi chèo thuyền đưa cô sang làng bên mua thức ăn cho bữa tối. Đó là làng anh Chín, có cái chợ chiều, nước ngập thì chợ chuyển lên đồi. Hai cô cháu mua xong các thứ thì trời vừa tối, ra thuyền tam bản nhỏ như lá tre chèo về. Bỗng mưa to gió lớn, cánh đồng nổi sóng, tối mịt mù. Chưa biết tính sao thì gặp anh Chín. Tôi và anh cùng trường, chạm mặt nhau luôn, nhưng cô tôi thì không, chỉ nghe nói về anh vì anh có tiếng giỏi đàn, giỏi nhạc. Anh bảo chúng tôi vào nhà, ngay đây thôi, chỗ có cây đa. Anh ở với bà nội, nhà không có bát hương thờ ông bà nhưng treo ảnh một ông mắt xanh đẹp trai, đó là Chúa của hai bà cháu. Tạnh mưa anh bảo: “ Để tôi đưa hai o cháu về”. Trăng cũng vừa lên, cánh đồng nước lặng sóng. Nhanh như sóc, thạo việc, anh cột chiếc tam bản nhà anh phía sau thuyền chúng tôi, kéo đi. Anh chèo thuyền, bóng anh cao lớn, phía sau là bầu trời vừa dứt cơn mưa, đã có nhiều ngôi sao. Cô Hảo rút sáo ra thổi, bài Trương Chi của Phạm Duy “Đêm năm xưa khi cung đàn lên tơ, hoa lá quên giờ tàn, mây trắng bay từng đàn…”, chiếc thuyền trườn đi trong đêm trăng khải huyền.

Sau hôm “sét đánh” đó, chắc là hai người có gặp lại nhau nhiều lần, họ đã là gì với nhau tôi không biết. Chỉ thấy thỉnh thoảng vô cớ cô Hảo tìm tôi. “Vào Đòng chơi đi!”. Đòng là làng anh Chín. Thời đó một cô gái như cô Hảo không thể “xăm xăm đè nẻo vườn khuya” đến nhà anh Chín mà không có lính hầu hay lính canh đi kèm. Chú lính ấy là tôi. Vào nhà, sau mấy câu chào hỏi là tôi ra gốc đa ngồi học bài hay đọc sách. Tôi bảo “ngoài ấy mát!”. Bà ngoại anh cũng lấy cớ gì đó “đi chơi chỗ khác”. Thỉnh thoảng vọng đến tai tôi tiếng đàn violon của anh Chín và tiếng sáo trúc của cô tôi, lại “hoa lá quên giờ tàn, mây trắng bay từng đàn”. Một lần, dọc đường về, cô bảo: “ Anh Chín nghĩ cũng tội!”. Tôi gạn hỏi bố mẹ anh đâu mà anh phải ở với bà ngoại? Cô tôi kể: “ Bố anh ấy làm việc ở Sở giây thép bên Lào, vùng Pháp chiếm. Hai năm trước ông ấy cho anh theo một toán buôn trâu đồng hương, vượt biên về quê ở với bà ngoại thuộc vùng tự do, như cô từ Huế về đây tránh giặc vậy đó. Anh ấy bảo, mẹ và em gái thì ông bố cho qua Mê Kông sang Thái Lan, chạy loạn một nhà ba nơi, người biết lo xa thì không cho tất cả trứng vào một rổ. Tự dưng thành trẻ mồ côi! Thật tội!”. Lòng thương xót, yêu thương từ cô làm tôi chao đảo theo. Người anh, người thầy lắm tài, lại thêm một cảnh ngộ oái oăm càng hấp dẫn.

Cái tin anh Chín rủ rê trai làng vượt Trường Sơn qua Lào theo Tây từ làng Đòng lan sang ồn ào cả làng tôi. Vì trong làng có cu Khôi người bên đạo học trên tôi hai lớp đi cùng anh. Ngoài tôi ra, chắc không ai biết vì sao cô Hảo tôi buồn như thế, chỉ mấy ngày mà gầy rộc, rồi đổ bệnh. Nhờ uống thuốc Bắc của bố mà cô qua khỏi. Tôi biết từ nay không bao giờ được cô rủ vào làng Đòng chơi nữa. Tôi hận người anh, người thầy và chú Chín! Kẻ phản bội cuộc tình tôi ngưỡng mộ và là đồng lõa. Hơn nữa, tin chiến thắng Điên Biên Phủ đã dội về, kháng chiến thắng đến nơi rồi, sao anh ấy lại bước vào con đường phản quốc? Nhưng thời gian sau thì Đội cải cách ruộng đất về làng. Họ xuất hiện một cách bí mật trong tiếng thì thầm đây đó, trong những khuôn mặt lo lâu, thấp thỏm, sợ hãi…Chẳng ai nhắc tới chuyện anh Chín theo Tây mang theo mối tình bí mật của cô Hảo tôi nữa.

– Thành mới từ bên nhà sang hả? Tôi mừng lắm, Thành ơi, thật là mừng. Sao Chúa còn cho tôi gặp lại Thành ở đây?

Anh Chín ôm chầm lấy tôi, quên cả cây violon, nếu tôi không đỡ thì nó đã rơi xuống đất. Lúc đó cả hai chúng tôi đang đứng trên ke sát đường ray. Hai bóng đèn pha của chuyến tàu đang tới đã chớp chớp phía xa. Không cho tôi kịp phản ứng, anh nói như ra lệnh:

– Về ngủ nhà tôi một đêm. Tôi không chịu mất Thành lần nữa đâu!

 Tôi cũng không muốn mất anh lần nữa. Anh đẩy tôi lên một toa tàu. Và đêm ấy, trong một căn hộ khá tồi tàn ở quận 13, Paris, hai chúng tôi không ngủ. Anh Chín chỉ hơn tôi ba tuổi. Chúng tôi đều đã già.

– O Hảo tôi mất rồi.

– Chuyện đó thì mình biết, biết trước cả ngày sang đây. Không nhớ ai nói cho biết hoặc chỉ được báo mộng. Cầu Chúa cho linh hồn Hảo bình an.

– Dạo đó sao anh lại sang Lào?

– Thong thả, chuyện dài lắm…

Đêm Paris già nua, không ồn như tôi tưởng. Không nghe tiếng kèn xe. Nhưng giá như có một tiếng kèn để giúp đánh thức hồn tôi, lâu rồi, tôi đã đánh mất ký ức, ít khi nhớ về cái gì đó, do cuộc sống quá hối hả, quá bất trắc. Anh Chín, lọt giữa chiếc xô-pha lớn cùng màu với áo măng tô của anh. Như là chiếc xô-pha đang nói.

“Ở đây nhưng mình biết hết chuyện bên nhà. Cả cái cầu mới xây gần Bãi Bè  trên sông Phố, cả con đường tà vẹc do trâu đi chỗ làng chúng mình đã được đổ bê tông nữa. Cái gì muốn biết thì hỏi Gúc-gờ phải không ?”

Anh bật thêm một ngọn đèn, lấy ra mấy bức hình chụp từ Google Earth, chỉ cho tôi cái này, cái kia, những nơi tôi vừa mới đi qua tháng trước nhân có việc về quê. “Đây là nhà mình nhưng sao không thấy cây đa? Nếu còn thì Google nó đã chụp được. Đây là chỗ cột thuyền, Thành còn cái đêm mùa lũ ấy không?”. Tiếng anh mỗi lúc mỗi nặng âm hưởng xứ Nghệ. Anh và tôi như đang ở quê, bụng đói meo ngồi tán gẫu bên ấm nước chè. Dù không ai nói ra nhưng đúng tôi đang là cái cớ làm sống lại những gì anh đã chôn vùi từ lâu. Ảnh Google, cây đàn violon, buổi tham gia kéo đàn ngẫu hứng với đám Dzigan, cái cung cách anh sôi nổi hẳn lên trong câu chuyện đầu Ngô mình Sở xa hay gần đều dính tới một người là cô Hảo tôi.

Vẻ mệt mỏi, anh pha cà phê, những giọt nước đen nhánh nhỏ qua phin đặc sệt, chẳng giống gì với thứ cà phê nhạt phèo người Paris quen uống.

“Có ai có cuộc đời như tôi không? Chúa biến tôi từ không thành có làm gì khi lại bắt cái hình hài trần gian này nếm đủ mùi tân khổ trước khi về hầu Ngài. Tôi nghĩ chỉ có Chúa mới làm như vậy được mà thôi. Để tôi kể Thành nghe những chuyện đáng lẽ ra Thành phải biết từ năm mươi năm trước”.

****

Khắp nơi khói lửa, “sơn hà nguy biến”. Anh Chín được bố thu xếp vượt rừng Lào và đồn bốt của Pháp ở Lạc Xao về quê sống với ngoại. Đó là cuộc vượt biên lần thứ nhất của anh. Anh theo cánh buôn trâu Lào. Ông bố anh cũng như mọi người ly hương, thường chỉ nhớ tới quê mẹ khi gặp bất hạnh. Nhờ về quê mà anh mới có mấy năm được tiếp tục đi học ở vùng “tự do”, trong “hòa bình”, được gặp cô Hảo, mối tình đầu tiên của anh. Tôi chứng kiến và biết rất nhiều chuyện nhưng có lẽ chưa biết  mối tình ấy sâu sắc đến mức nào. Cuối năm anh Chín chia tay chúng tôi, mang ba lô ra Thanh Hóa học dự bị đại học. Tin tức của bố anh, mẹ và em gái vẫn mịt mù!

“Thành hỏi vì sao tôi bỏ lại Hảo để sang Lào? Nghe đây…”.

Trên đường ngủ trọ ở Cầu Giát, anh gặp con trai người bạn đồng hương bố anh gửi mẹ và em gái từ Lào sang. Cậu ta từ Thái Lan về quê mấy năm nay cũng để chạy loạn như anh, sống với người chú ruột. Cậu kể cho anh nghe một chuyện động trời: mẹ và em gái anh bị đóng rọ thả xuống sông Mê Kông vì người ta nghi là gián điệp cho Pháp. Nhiều người từ Lào sang tránh bom đạn chiến tranh bị một số người Việt yêu nước nghi kỵ như thế. Anh quá sửng sốt, mẹ anh, người sống trong nhà như một cái bóng, nhất nhất tuân lệnh ông chồng gia trưởng, chỉ biết nấu nướng và thêu thùa, sao lại có thể là gián điệp được? Cậu bạn bảo: “Chiến tranh là chiến tranh, la guerre à la guerre! Guồng máy giết chóc bắt đầu vận hành rồi. Bây giờ mày tính sao?”. Anh không còn hồn vía tính chuyện học tiếp nữa, nghĩ mình khó sống sót khi có một lý lịch như thế. Bố làm cho Tây, mẹ là “gián điệp”, liệu anh có yên thân sống và học hành ở vùng Việt Minh được không? Anh trở lại làng Đòng không cho ai biết, giấu cả cô Hảo lẫn tôi, rủ thêm cu Khôi và mấy người trong họ đạo tìm đường sang Lào. Đèn pin làm từ cái magnito xe đạp cũ, la bàn là chiếc kim khâu cho nhiễm nam châm. Anh không phản quốc, cũng chẳng là Việt gian, anh chỉ tìm đường sống bằng hai thứ công cụ tự anh chế tạo ra để đi rừng, mong gặp lại bố và đó là lần thứ hai anh vượt biên, lần này ngược chiều với lần trước.

“Mình cho Thành biết một bí mật nhé. Thật ra trước khi đi mình có gặp Hảo. Nhưng Hảo đã từ chối đi cùng…”.

Mười lăm ngày lận rừng Trường Sơn cả bọn mới tới được Lạc Xao. Chỉ hai ngày sau, nhờ mấy cú điện thoại bố gửi gắm, Chín đã có mặt ở Sài Gòn. Thành phố rất lộn xộn vì Tây đang thua to ở Điện Biên Phủ. Những chiếc cam nhông chạy như điên trên đường phố. Cảnh thua trận thay thầy đổi chủ nào cũng hỗn loạn. Anh ở nhờ một ông bạn của bố, lấy bằng tú tài rồi vào đại học. Thời cuộc đảo chiều, anh em ông Diệm về, cái “guồng máy chết chóc” tưởng dừng hẳn lại đang được vận hành cật lực. To cao, thẳng thớm, mắt mũi tinh tường, Chín được chọn đi học lái máy bay. Lần đầu tiên sang Mỹ tu nghiệp, chiến tranh bỗng ở sau lưng, anh chưa bao giờ ngửi được mùi thuốc súng. Về Sài Gòn với cái bằng lái đủ loại máy bay, oai lắm, nhưng thực ra chỉ là anh lái xe trên không, một thằng lính có hoa mai mà thôi. Cuộc đời là thế, chẳng mấy chốc nó biến cậu học trò nhà quê như anh thành sát thủ, có thể ném bom, bắn đại liên xuống bất kỳ nơi nào khi có lệnh mà không biết mình đã giết ai. Phải chăng đó là lỗi của mảnh bằng tú tài, cái thân xác to cao mắt mũi tinh tường và đôi tay khéo léo của anh?

Rồi một chuyện bất ngờ làm thay đổi đời anh. Chín nhận lệnh lái một chiếc C 47 chở toán biệt kích nhảy dù xuống vùng núi Ninh Bình. Với một phi công, đường bay là vạch đen trên bản đồ bay hình quả trứng vịt. Từ Ban Mê Thuột bay đi, xong việc, lại vòng về. Nhưng với anh cái vòng tròn đường bay ấy thật đặc biệt. Nó đi qua quê anh, làng Đòng, sông Phố, Ngàn Éo… Trên đường về, bay qua dãy núi Thiên Nhẫn trong đêm trăng, anh không còn là anh nữa. Từ ngày xa nhau, chưa bao giờ anh nhớ Hảo bằng đêm ấy, khi anh bay ở độ cao mười lăm ngàn phít, qua làng Đòng. Anh bay chậm lại để nhìn rõ tất cả, bằng mắt thường, tháp chuông nhà thờ Kẻ Đòng cách nhà anh không xa, giá như anh có thể đáp xuống cánh đồng đã nhận ra nhờ mấy cái họng đơm cá mùa lũ, hai con suối chảy qua và con đường ngoằn nghèo nối làng Đòng với làng Kế. Nỗi nhớ quê, nhớ người yêu và một quãng đời bất kỳ cái gì cũng thân thương nay đã thành đất địch làm anh se lòng. Anh lượn một vòng, rồi vòng nữa, mỗi lúc một bối rối… Anh biết không có khẩu cao xạ nào bắn lên, thậm chí chưa chắc người ta đã biết có anh trên trời. Nhưng anh thì biết dưới đó có những ai. Anh cố nhìn qua ánh trăng mọi thứ, những gì nhìn không rõ thì anh tưởng tượng ra. Và khi anh lượn xong vòng thứ ba quanh làng Đòng thì chợt đèn nhiên liệu báo không còn đủ cho anh bay về căn cứ. Anh hốt hoảng vọt đi, xin hạ cánh khẩn cấp ở sân bay Đà Nẵng thay vì Ban Mê.

Mỗi vòng bay của anh đều không lọt qua kiểm soát không lưu bên kia vĩ tuyến 17. Đó là chuyến bay quân vụ đầu tiên mà cũng là cuối cùng của Chín. Sếp là một trung tá người đồng hương xứ Nghệ gọi anh lên: “Tội mi đáng bắn bỏ! Mi khùng sao?”. Anh nói: “Em nhớ quê quá sếp ơi!”. Anh thoát cảnh “lao công đào binh” nhờ có chút quen biết và liên tài của ông sếp có thế lực này. Anh bị chuyển sang lái máy bay vận tải dân sự, lãnh một chiếc C 5 Galaxy cũ mèm, lấy vợ, sinh con. Năm ngày sau khi chiến tranh kết thúc, Chín bình thản từ giã vợ và năm đứa con lên trình diện Ủy ban quân quản. Anh không ngờ mình phải đi ngay hôm đó mà không kịp ghé qua nhà. Mười năm học tập ở tận Sơn La trả nợ cho một chuyến bay đêm trong đời chiến binh!

“Mình qua được là nhờ mấy cái tài lẻ”.

“Thầy kéo violon?”.

“Đâu có, chữa đồ điện tử, mấy cái transitor, radio cho cán bộ trại, rồi cán bộ huyện, xã trong vùng. Mà có Chúa giúp hay sao ấy, kiểu gì mình cũng chữa được. Nếu cứ ngày hai vắt cơm trộn bo bo mà phải “vác tre đẵn gỗ trên ngàn” như anh em thì chắc là đã bỏ xác trên rừng Tây Bắc!”. Anh nói với vẻ thản nhiên.

Chín được về nhà vào khoảng 1986. Dạo ấy chưa có HO, mà anh cũng không muốn chờ ai cứu mình. Anh hùn hạp với bạn bè, cùng vợ con lên tàu vượt bể sang Philippines. Đó là cuộc vượt biên lần thứ ba trong đời anh. Rồi Cali. Sau khi vợ mất, mấy đứa con trưởng thành, có việc làm ở Mỹ thì anh mang tiền trợ cấp tị nạn sang Paris thuê một căn hộ để sống. Tất nhiên con cái phải giúp thêm nhiều. Chúng nó bảo: “Từ nay bố muốn ở đâu thì ở, không phải vượt biên nữa!”. Tại sao lại Paris? Anh không biết nữa. Chúa biết trong thâm tâm anh hằng mong muốn sống ở Pháp và Ngài đã sắp đặt cho anh… J’ai deux amours, Sai Gon et Paris… anh hát khẽ. Chuyện cơm áo ở đây không dễ dàng gì nhưng cũng không làm anh quá bận tâm. “Ta đã làm chi đời ta chưa hả Thành? Ở cái tuổi này…”. Anh gõ nhịp ngón trỏ lên tay xô-pha, hỏi tôi bằng câu thơ của Vũ Hoàng Chương với vẻ triết lý thâm trầm. Chính tôi cũng không biết có đúng như thế không dù chỉ thua anh vài tuổi và cũng đã tới “cái tuổi này” như anh.

Căn hộ của anh trở nên chật chội trong cái đêm tôi có mặt ở đó. Nó đấy ắp kỷ niệm và rác rưởi của thời gian. Hình như không còn gì quan trọng nữa. Anh không nói nhiều, cũng không cay cú gì về “cuộc đời khốn nạn” (chính lời của anh) đã trải qua. Cũng không nhiều lời về cuộc chiến nay đã quá xa xôi với một người già như anh và tôi. “Quên hết rồi!” anh nói vẻ chán nản. Không có “guồng máy chết chóc”, bom đạn, chuyến bay đêm, cũng không có trại tù và ngày hai vắt cơm độn bo bo, không có cả cái rét chết người miền Tây Bắc, không có ba lần vượt biên trong một đời người… Cả cô Hảo tôi nữa, hễ mỗi lần chạm đến tên cô hay chuyện gì liên quan đến cô là anh lại lảng ra. Anh lảng ra không muốn nói tới hay tình yêu của anh chỉ còn là cái bóng mờ trong cuộc diễu hành hư ảo của kỷ niệm. Còn tôi? tôi không phải “vượt biên” đến ba lần để tìm một ngõ sống, cũng không mười năm ở tù như anh. Nhưng tôi khác anh chỗ nào nhỉ?

“Cái đám người Dzigan ấy thế mà sướng, họ chỉ biết đàn và ca hát. Mình quen hết toán này toán khác mỗi lần họ đến đây. Kéo đàn với họ cũng vui được mấy ngày”.

Tiếng anh Chín như giọt nước đứt quãng rơi trên đá. Tôi đã ngủ lúc nào rồi. Có vẻ như nghe được cả tiếng mình ngáy nữa, một giấc ngủ vùi chập chờn, mệt nhọc. Lần thứ hai đến Paris, cái thành phố này nó vẫn hành tôi với mạng xe điện ngầm chằng chịt, nó đánh thức mọi cảm giác, ký ức, nó buộc mình phải nhìn ngắm khen chê và suy nghĩ như lần đầu. Quả thật câu chuyện của anh Chín và một ngày lang thang ở đây đã làm tôi mệt rã rời.

Bỗng tôi nghe một tiếng rên, không, một câu nói thiếu mạch lạc chứ không phải một tiếng rên: “Nhớ Hảo quá, Thành ơi!”. Tôi mở mắt nhìn chiếc ghế xô-pha. Anh Chín vẫn ngồi lọt thỏm trong đó, mắt mở to, ngơ ngác như vừa bị lạc đường ngay trong nhà anh.

 Paris 2010 – Sài Gòn 2013

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.