Ký ức Hà Thành thời bao cấp (kỳ 3)

Vũ Ngọc Tiến

CHUYỆN NGÔI NHÀ CHUNG
VÀ CHÀNG HỌA SĨ
Có lẽ tôi phải vòng vo tam quốc, bắt đầu câu chuyện bằng việc kể sơ về một đường phố sầm uất bậc nhất trong khu phố cổ giữa lòng Hà Nội: phố HB. Nơi đây xưa kia tập trung nhiều thương nhân người Hoa buôn bán các mặt hàng thực phẩm đã chế biến, bánh kẹo đắt tiền hoặc mở tiệm cao lâu sang trọng. Nhà hàng Kinh Kinh hồi đó chỉ là tửu điếm hạng vừa so với nhiều cao lâu khác. Tuy thế, vẫn có một vài số nhà đóng cửa im ỉm, thi thoảng mới có khách đến giao dịch, bấm chuông đứng chờ ngoài cổng. Thật ra đó mới là những ông chủ lớn, thao túng thị trường các tỉnh phía Bắc, thậm chí có mặt hàng vào tận Sài Gòn rồi sang cả Nam Vang. Những ngôi nhà như thế có chiều sâu hun hút, thông sang phố khác. Về mặt kiến trúc, các ngôi nhà này rất giống nhau, đều là nhà ống hai tầng, lợp ngói âm dương, cầu thang và sàn tầng hai bằng gỗ lim. Tầng một chỉ có một văn phòng giao dịch ở cửa chính trên phố HB, còn lại là kho hàng thông thống chạy tuốt vào trong như một hang động bí hiểm. Phòng giao dịch có vài nhân viên do người quản gia phụ trách, việc giao nhận hàng hóa được thực hiện ở cửa phụ phía sau trên con phố khác. Tầng hai mới là nơi tiếp khách và sinh hoạt của gia đình ông chủ, chia ra nhiều phòng ốc với tiện nghi sang trọng, bài chí theo phong cách văn hóa Trung Hoa. Khi Chính phủ về tiếp quản thủ đô thì những gia đình giàu có, buôn bán lớn như thế đều đã di cư vào Nam, mấy ngôi nhà lớn này bị trưng thu, chuyển thành “ngôi nhà chung” vì hồi đó chưa có khái niệm “nhà tập thể”. Tầng hai sẵn có phòng ốc nên được giữ nguyên, chia cho vài gia đình cán bộ cấp Khu hoặc Sở của thành phố. Tầng một thông thống suốt chiều dài hàng bảy, tám chục mét phải sửa chữa lớn. Người ta xây ngăn lại thành hơn chục hộ công nhân viên cấp chức thấp, rộng hẹp khác nhau tùy theo nhân khẩu, chỉ chừa ra một khoảng trống ở cầu thang làm lối đi lên tầng hai và một lối đi chung áp tường rộng chừng 1,2 mét để vào các căn hộ tầng một. Lối đi này chạy suốt từ cửa chính vào sân sau của tòa nhà có cổng phụ đi ra phố khác, là nơi sinh hoạt chung của cư dân tầng một vô cùng nhốn nháo. Năm tháng qua đi, nhân khẩu cứ tăng dần, tầng một của ngôi nhà chung kiểu ấy trở thành một xóm dân cư khá đông và phức tạp như một động quỷ. Nhà nhà đua nhau làm gác xép tràn ra cả lối đi chung nên nó vốn đã rất hẹp và dài giờ trần lại thấp tè, người chui vào đó khác nào đi trong địa đạo Củ Chi hay Vĩnh Mốc. Cư dân tầng một lúc đầu đều là công nhân viên chức lương thấp không đủ sống buộc phải bỏ việc ra chợ đen kiếm sống. Họ vốn từ quê theo người thân làm cán bộ ra Hà Nội hy vong đổi đời, nhưng cuộc sống mưu sinh ngoài chợ đen, buôn bán hàng cấm hoặc đồ trộm cắp trong kho nhà nước nên lâu dần hoàn cảnh biến họ từ người thành quỷ cũng là lẽ tự nhiên…

Tôi có ông chú nhà ở phố HB, tuy hồi cải tạo công thương nghiệp cũng bị nhà nước trưng thu hết tầng một chia cho gần 10 hộ gia đình, nhưng vẫn còn nguyên tầng hai khá rộng lại ở gần hồ Gươm nên từ nhỏ tôi vẫn thường đến chơi, vào dịp nghỉ hè ham vui có khi ở lỳ nhà chú mỗi lần hàng tuần lễ hay nửa tháng. Ngôi nhà phố HB của chú tôi cũng trở nên thân thương như chính nhà của bố mẹ mình trên Bưởi. Vì thế tôi quen và chơi thân với thằng VP tính đến nay đã là hơn 60 năm trời chứ đâu có ít. Hồi ấy dân số Hà Nội còn ít, không khí trong lành nên vào buổi tối thường xuất hiện nhiều loại côn trùng có cánh từ đâu bay vào trong phố, nhiều nhất là ở những nơi nhiều ánh sáng, dưới chân các cột đèn. Bọn trẻ con chúng tôi ở phố cổ hồi ấy thường có thú vui rủ nhau đi bắt cà cuống ở cửa chợ Đồng Xuân hay quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục gần hồ Gươm, trước cửa hiệu kem Hồng Vân – Long Vân nổi tiếng thời đó. Đôi khi chỉ vì tranh nhau một con cà cuống cũng có thể xảy ra đánh lộn giữa phe trẻ con ở số nhà của chú tôi với phe thuộc ngôi nhà chung bên số chẵn do thằng VP cực kỳ ngổ ngáo cầm đầu. Sau một lần kịch chiến giữa hai phe không phân thắng bại, thằng VP chủ động giảng hòa, làm lành với tôi và từ đó hai đứa thân nhau. Nhờ quen biết nó nên tôi mới có dịp thám thính ngôi nhà chung đầy bí hiểm. Bố con nó được phân một căn hộ 18 m2 tầng 2 khá đẹp, sàn nhà và bàn ghế, giường tủ đều đánh véc ni bóng láng. Cùng ở trên tầng hai còn có gia đình của ba ông cốp làm lãnh đạo ở Sở Thương nghiệp nên mỗi nhà được phân 2 hoặc 3 phòng, tiện nghi lộng lẫy do chủ cũ người Hoa để lại. Bố thằng VP là bộ đội chuyển ngành, trên ngực áo đeo huy hiệu chiến sĩ Điện Biên nom rất oách, nhưng ông chỉ có một đứa con mang từ quê Thanh Hóa ra, còn vợ đã chết trong chiến tranh. Vì ít nhân khẩu, lại chỉ là Phó phòng hành chính tép riu nên ông được phân một phòng như thế cũng đã đủ là thiên đường mơ ước của các chủ căn hộ dưới tầng một bởi hai tầng là hai thế giới khác biệt. Tầng trên lộng lẫy thoáng mát bao nhiêu thì tầng dưới tối tăm, chật chội, lem luốc bấy nhiêu. Mỗi lần tôi muốn sang nhà thằng VP phải chui qua lối đi như cái đường hầm sâu hun hút, khai nồng, khó thở vì thiếu dưỡng khí. Chẳng hiểu tự bao giờ xuất hiện trong ngôi nhà chung khái niệm phân chia người ở tầng hai là “quý tộc” thượng tầng còn người ở tầng một là “thảo dân” hạ tầng. Chắc tại cái quy luật về mối quan hệ biện chứng trong thiết chế xã hội của cụ Mác nên “hạ tầng kiến trúc” như thế thì “thượng tầng kiến trúc” không thể bền. Mở đầu cuộc “tự diễn biến” của “hạ tầng” âm thầm xâm lấn “thượng tầng” là một quả bom nổ chậm chấn động cả khu phố. Chuyện là có thằng choai choai ở tầng một mới ở quê ra chẳng học hành gì, lêu lổng suốt ngày. Bố nó lấy vợ hai ở Hà nội, hương tình đang đượm, chẳng quan tâm gì tới thằng con trai bà cả, cho nó ở trên gác xép. Một lần nó vô tình phát hiện trên đầu mình là phòng riêng của cô tiểu thư con ông lãnh đạo Sở. Lúc đầu nó chỉ tối tối chọc gậy sắt lên sàn tầng hai trêu trọc, phá giấc ngủ cô bé, sau không biết bằng cách nào nó tán đổ con nhà người ta. Hai đứa thông đồng cậy hết đinh ở hai tấm ván sàn gần tường để đêm đêm chúng hú hí với nhau trong căn phòng đầy đủ tiện nghi của cô gái. Khi sự việc vỡ lở mọi người mới tá hỏa và mấy ông cán bộ lãnh đạo Sở trên tầng hai nối đuôi nhau dọn đi nơi khác. Quy định nghiêm ngặt về hộ khẩu buộc họ chỉ có thể bán nhà cho mấy người dưới tầng một nhờ buôn bán chợ đen mới phất lên. Để giữ bí mật việc mua bán, họ mua trọn gói cả tiền nhà, tiền đồ đạc bằng gỗ và gốm sứ quý giá do ông chủ cũ người Hoa để lại, lập tức đời lên hương, trở thành “quý tộc” tầng hai ngon xớt. Giới quý tộc tầng hai lúc ban đầu qua cuộc đổi ngôi ngoạn mục chỉ còn lại cha con thằng VP kiên cường bám trụ để rồi cũng sẽ “tự diễn biến” thành “thảo dân” hạ tầng…

Khi tôi mới quen thằng VP thì các hộ gia đình cán bộ lãnh đạo trên tầng hai vẫn chưa dọn đi. Nó sống ở đó rất lạc lõng, cô đơn vì chẳng đứa trẻ con nào trên tầng hai chơi với nó, còn la cà xuống tầng một lại bị bố nó mắng mỏ, cấm cản. VP là đứa hiếu động, ưa nghịch ngợm phá phách nhưng có tâm hồn lãng mạn, rất yêu thiên nhiên. Nhiều lần nó cao hứng rủ các em con ông chú tôi nhảy tàu điện lên nhà tôi trên Bưởi chơi đùa suốt cả ngày chủ nhật. Tôi cùng nó đi bơi, câu cá ở hồ Tây hay ra bãi tha ma ven đường Hoàng Hoa Thám mọc đầy những cây dứa dại để bắt châu chấu voi to bằng ngón chân cái, lại có đôi càng rất dũng mãnh mang về nhà ngắm nghia không biết chán. Lớn hơn một chút, khoảng cuối cấp 2 đầu cấp 3 phổ thông, thằng VP lại đầu têu nghĩ ra trò mua thực phẩm theo tem phiếu thuê cho các hộ ở tầng hai trong ngôi nhà chung của nó. Mỗi sớm chủ nhật, chúng tôi theo sự chỉ huy của nó kéo nhau ra chợ Đồng Xuân xếp hàng, thực chất là chen ngang để mua thực phẩm ở các quầy mậu dịch. Chẳng ai nỡ la mắng mấy đứa trẻ con, hơn nữa họ cũng ngại dây vào lũ quỷ sứ, có thằng VP đầu tóc bù xù, mắt luôn trợn trừng nom rất ngổ ngáo. Tiền mua thuê thu được do thằng VP quản lý rồi chúng tôi đi mua kem ăn với nhau hay sang chợ Bắc Qua mua chim sáo về nuôi, dạy nó biết nói tiếng người, toàn những câu rất bậy đều do thằng VP dạy cho chim sáo nghe sướng lỗ tai, cả lũ ôm bụng cười như nắc nẻ…

Năm tháng cứ êm đềm trôi, đưa chúng tôi xa dần tuổi thơ và cuộc đời cũng đẩy chúng tôi xa nhau theo chí hướng và hoàn cảnh mỗi người. VP ngày càng đổ đốn mà tôi không hề hay biết. Là con một được bố chiều chuộng, nó tự do chơi bời xả láng, biết làm tình từ tuổi 15, phá trinh hết lượt các cô gái mới lớn ở tầng một. Nó có biệt tài vẽ tranh từ thủa nhỏ, nhưng theo học trường Đại học Mỹ thuật đến năm cuối thì bỏ dở, chạy theo bạn bè sa vào hút hít, nghiện ngập đủ thứ. Từ khi bố nó qua đời, một mình làm chủ căn hộ có giá cả đống vàng trên tầng hai, khiến nhiều cô gái dưới tầng một mơ ước được làm vợ, tranh nhau chài mồi, chiều chuộng, càng làm nó thêm ảo tưởng, nghĩ mình là chúa tể, thay vợ như thay áo…

Khoảng năm 1985, tôi tình cờ gặp lại VP trong nhóm của họa sĩ TT nhận thầu thiết kế mỹ thuật cho phòng truyền thống của cơ quan. Hồi ấy, ông thủ trưởng cơ quan tôi trước lúc nghỉ hưu muốn có một nơi trưng bày các thành tựu khoa học của bộ môn địa vật lý mà ông thuộc lứa các nhà trí thức tiên phong gây dựng từ đầu cho đất nước và cho hai ngành địa chất, dầu khí. Hai đứa gặp nhau xiết bao mừng tủi, hàn huyên mọi kỷ niệm từ thủa ấu thơ. Nghe tôi hỏi chuyện về đường con cái nó lắc đầu thở dài nói: “Tao suốt cả thời trai trẻ là thằng khốn nạn hại đời bao cô gái và phá nát cả chính đời của mình. Giờ ở tuổi 40 nghe lời thầy TT muốn làm lại đời thì đã muộn. Bảy đời vợ trước tao không muốn có con, chỉ phá nát đời hoa của các nàng rồi vứt bỏ như vứt miếng giẻ rách. Cô vợ bây giờ đang sống với tao là đời vợ thứ tám do thầy TT giới thiệu. Nàng là con nhà lành, xinh đẹp và hiền thục, biết rõ cái lai lịch khốn nạn mà vẫn yêu tao đủ thấy trái trái tim nàng nồng ấm sự nhân từ, độ lượng biết bao! Tao đã hứa với thầy TT và thề với lòng mình đây sẽ là bến đỗ cuối cùng, khao khát muốn có con với nàng nhưng chậm mất rồi, mày ơi!…” Nó quay sang họa sĩ TT, nhìn ông bằng đôi tròng mắt đỏ hoe, đấm ngực hỏi: “Ông giời bắt tội, trừng phạt em là đáng lắm phải không hở thầy?” Họa sĩ TT buồn rầu giải thích thêm cho tôi rõ nguồn cơn: Trong số học trò cũ, VP là đứa ông yêu quý nhất. Ngay từ năm học đầu tiên ông đã phát hiện ra biệt tài vẽ tranh và bản năng nghệ sĩ của nó. VP đam mê vẽ tranh lập thể, nhưng khác người ở chỗ nó lấy màu trắng làm chủ đạo, các gam màu khác chỉ làm nền hoặc chấm phá xuất thần trong một bố cục chặt chẽ, nội hàm triết mỹ sâu sắc. Nhiều người sành sỏi trong nghề vẽ và sưu tầm tranh chưa cảm nhận hết cái đẹp trong tranh của nó, duy chỉ có ông nhìn ra và dự báo nó sẽ tiến xa. Ông bảo cả đời dạy vẽ dễ gì gặp được học trò thứ hai như nó. Vì vậy khi nghe tin nó bỏ học đi bụi đời ông tiếc lắm. Bao năm kiên trì khuyên nhủ, giờ nó mới chịu nghe ông trở lại với nghề, nhưng kinh nghiệm trường đời mách bảo ông rằng bên cạnh nó phải có một người đàn bà giàu lòng nhân ái và bản lĩnh mới có thể thuần phục con ngựa bất kham này. Rất may ông chợt nhớ tới KL, con gái út một người bạn là trí thức danh tiếng, dòng dõi hoàng tộc triều Nguyễn. Cô tốt nghiệp Đại học Sư phạm thì bị điều đi miền núi dạy học hơn 10 năm, khi về được Hà Nội đã 35 tuổi nên khó lấy chồng. KL đẹp người đẹp nết, thông minh và giàu bản lĩnh. Ghép hai đứa nên vợ nên chồng xong ông mới yên tâm giúp học trò bước tiếp trên con đường nghệ thuật. Ông tin tài năng thiên bẩm của trò sẽ có ngày tỏa sáng… Tôi nghe chuyện vừa thương vừa lo cho bạn, lại có phần tò mò về cô vợ thứ tám của nó. Quả nhiên qua lần tiếp xúc trò chuyện với KL, tôi cũng thấy mến nàng, tràn trề hy vọng. Nàng đã giúp chồng cai nghiện tại nhà thành công, giờ đang chuẩn bị đưa chồng lên Yên Bái gặp ông già người dân tộc Cao Lan chữa bệnh yếu sinh lý, tinh trùng chưa bơi đến đích đã chết ngóm, bằng bài thuốc gia truyền kết hợp với tập khí công trên một hòn đảo giữa hồ thủy điện Thác Bà. Nàng bảo, dù phải vét sạch tiền túi, bán hết vàng bạc nữ trang để chữa bệnh cho nó, nàng cũng cam lòng. Xong hai việc lớn ấy, nàng cũng sẽ bán xới khỏi nơi này cho ngôi nhà chung cả tầng một lẫn tầng hai thuần giống quỷ, còn nàng cũng yên tâm tái thiết cái tổ ấm con con của mình.

Sau lần trò chuyện ấy, KL về quê chồng đón một đứa cháu gái trong họ chừng 14 tuổi ra Hà Nội, huấn luyện cách nấu những món ăn bổ dưỡng và cách chăm sóc cho thằng VP trong ba tháng chữa bệnh. Khi đã thật sự yên tâm nàng mới thuê xe và mang theo tiền đưa hai chú cháu lên Yên Bái gửi tại nhà ông già người Cao Lan. Cái ngày thằng VP từ Yên Bái trở về là một kỷ niệm khó quên với tôi và cả vợ chồng nó. Tôi hăm hở phóng xe đạp từ cơ quan về thẳng ngôi nhà chung. Tới nơi tôi thấy con bé cháu gái của nó lễ mễ xách cái túi đựng con vịt quay của nhà hàng Kinh Kinh đứng chờ ngoài cửa. Hỏi con bé: “Sao lại đứng ngoài, còn chờ ai nữa mà không gõ cửa?” Con bé lí nhí đáp: “Chú sai cháu đi mua vịt quay bên nhà hàng Kinh Kinh, xếp hàng lâu quá nên chắc chú giận không mở cửa.” Lát sau thằng VP ra mở cửa, chẳng nói năng gì, mặt tỉnh bơ, còn vợ nó ngồi bên mép gường thì mặt đỏ lựng, tay chân lóng ngóng không dám nhìn mặt khách. Tôi ớ người không hiểu vì sao cho tới khi bị nó lôi tuột ra quán nước ngoài phố kể: “Tao không ngờ thuốc của ông già lù khù ấy lại công hiệu đến thế. Suốt dọc đường từ Yên Bái về Hà Nội tao cứ thấy người phát cuồng. Thế rồi vừa vào tới nhà tao chỉ muốn đè nghiến nàng lại sợ giữa ban ngày nhà thì bé tí hin, có mặt con bé cháu họ sao tiện. Nghĩ mãi, tao đành bấm bụng chơi sang vét hết số tiền còn lại sau ba tháng chữa bệnh cỡ nửa chỉ vàng chứ bỡn, sai cháu gái sang nhà hàng Kinh Kinh mua cả con vịt quay giá cao ăn cho đã. Thời gian xếp hàng bên đó đủ cho tao với nàng hành sự ngất ngây. Không khéo tao đã bị ghi sổ đen rồi cũng nên. Thời buổi gạo châu củi quế, tem phiếu dở hơi này ai có tiền đi nhà hàng đặc sản hay mua vịt quay ở Kinh Kinh đều bị theo dõi. Lấy gì đảm bảo hôm nay cùng xếp hàng với cháu tao không có cá chìm cá nổi…”. Tôi nghe nó kể ôm bụng cười thắt ruột, đâu ngờ nhờ cái vụ mua vịt quay nhà hàng Kinh Kinh ấy, 9 tháng sau cháu KH ra đời. Ngày đón tay cháu bé từ nhà hộ sinh về nhận làm cha đỡ đầu, tôi cao hứng tặng cho hai bố con thằng bạn biệt danh Kinh Kinh Cha và Kinh Kinh Con. Giờ muốn quên hai biệt danh ấy đi cho vợ nó đỡ ngượng, nhưng vẫn có lúc lỡ miệng, phiền thật! Thằng VP thì khác, nó thản nhiên bảo: “Đời tao và cái ngôi nhà chung ấy là gương tày liếp về cái thiết chế xã hội dở hơi lạc lõng giữa loài người. Có dịp mày cứ viết ra cho lớp trẻ sau này biết cũng có ích lắm đấy. Nếu vợ tao không quyết tâm bán xới khỏi ngôi nhà chung từ rất sớm, chắc gì con gái tao được nên người như hôm nay.” Được nó cho phép, tôi mới dám viết mấy dòng ký ức này, nhưng vẫn phải ẩn danh nhân vật, thay đổi một số địa danh, tên cửa hàng cho nó an toàn…
SG, thu 2019
VNT

Comments are closed.