Phỏng vấn: Những trăn trở tháng Tư – Nguyễn Tấn Cứ

Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện

hinh Nguyễn Tấn Cứ

Nguyễn Tấn Cứ

1
Nguyễn Thị Thanh Bình:
Sau 44 năm không còn tiếng súng đạn pháo, liệu tháng Tưư 1975 trong lòng bạn vẫn còn là tháng Tư đen, và mỗi người trong chúng ta dường như đều có mỗi cách riêng để nghĩ về hoặc truy điệu cho Ngày 30/4 chăng? Ví dụ bạn có cảm hứng sáng tác một chút thơ “riêng tư” nào cho tháng Tư như thắp lên nén hương lòng chẳng hạn? Nếu bạn không làm thơ thì bài thơ tháng Tư hay tác phẩm nào khiến bạn xúc động nhất? Đại khái lúc trước tôi rất tâm đắc những linh cảm tiên tri của thi sĩ Vũ Hoàng Chương trong mấy câu thơ: “Nhổ neo rồi thuyền ơi xin mặc bến”, hoặc “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ”… Coi như là chuyện “thơ thẩn”, vì dường như khi lòng mình chưa quên lãng nguôi ngoai thì người Việt vốn là dân tộc yêu thơ, nên đều muốn được gởi gấm cùng Thơ. Kỳ thực bạn ơi, nếu có một ai đó đang muốn lắng nghe một câu chuyện tháng Tư của bạn như “chuyện bây giờ mới kể”, thì liệu bạn có muốn chia sẻ điều gì cho mốc điểm 30/4 năm nay? Và liệu có bao giờ bạn tự hỏi giang sơn đất nước chúng ta đã quy về một mối, sao điều gì vẫn khiến lòng người ly tán và không thống nhất được?

Nguyễn Tấn Cứ:

Tháng Tư với tôi là một cuộc trốn chạy khốn cùng, trốn kỷ niệm, trốn nắng, trốn nóng và kinh khủng hơn là trốn chính mình… khi mà những cuộc di tản vẫn còn bốc khói trong lòng, ký ức không phải là thứ dễ lãng quên, và ai đó nói không có gì để nhớ thì đúng là họ “không có gì để nhớ” với họ không có quá khứ của chiến tranh, không có những cuộc “tháo chạy” thì chuyện bắt tay thỏa hiệp rong chơi với kẻ thù, với văn chương Cộng Sản… là chuyện đương nhiên, nó như một cuộc nhậu thời cuộc và họ chỉ là những kẻ bàng quan đứng ngoài.

Nhân hỏi về thơ, xin gởi đến các bạn hai bài thơ nhỏ viết cho cái quê hương cay đắng buồn phiền này:

NGÀY ĐỘC LẬP

Được kéo lên từ những ngọn cờ

Được bay lên từ những cơn gió

Được dựng lên từ những cuộc chiến

Được ca lên từ những nấm mồ

Ngày độc lập

Giấc mơ của một đất nước buồn

Ba mươi năm bắn nhau

Ba mươi năm giết nhau vì độc lâp

Một dân tộc mệt nhoài vì chiến tranh

Một dân tộc mệt nhoài vì xâu xé

Bom Mỹ đạn Nga B40 Trung Cọng

Vũ khí của lòng căm thù nhân loại

Trao tận tay và dạy cách bóp cò

Chúng tôi đã ngã xuống

Cha ông tôi đã ngã xuông

Anh em tôi đã ngã xuống

Ngã xuống và ngã xuống

Ba mươi năm ngơ ngác

Chúng ta chết vì sao – vì sao chúng ta chết?

Vì độc lập

Trên mộ bia ghi như thế

Vì độc lập

Trên huân chương ghi như thế

Bầy quạ đen nghiêng mình

Bầy diều hâu xệ cánh

Chúng đang ré lên giai điệu cầu hồn

Vì độc lập

Tận sâu dưới những nấm mồ

Những anh hùng đang cựa quậy

Những linh hồn đang tháo mồ hôi

Vì sức nặng – móng vuốt của bầy kên kên

Đang rỉa rói những giấc mơ vì độc lập

Ôi vinh quang thay những anh hùng

Cỏ đã xanh trên nhưng nấm mồ hoang vắng

Ôi vinh quang thay cho kẻ thù

Cỏ đã xanh trên những nấm mồ cô độc

Chúng ta đều đã ngã xuống cho một nền độc lâp

Hãy cất lên tiếng ca – cho dù một lý do nào

Hãy tha thứ cho nhau – cho dù một lý do nào

Họ đã ngã xuống buồn buồn như lá đổ

Họ đã ngã xuống khi tay đang cầm sự sống

Họ đang đọc Whitman mong manh

Mong manh như lá cỏ

Chúng tôi không muốn chết

Ôi những bài thơ tươi đẹp

Chúng tôi không muốn chết

Ôi những bài thơ xung trận

Hãy nói cho chúng tôi nghe Độc lập là gì?

Độc lập là gì?

Ba nhiêu năm huân chương đỏ ngực

Nhà thì quá cao trên mộ chí trùng trùng

Những kẻ sống – đang vây quanh người chết

Hơn bốn mươi năm chúng ăn không mỏi mệt

Chúng đang nhai xương những Anh hùng

Chúng đang giết những anh hùng thêm lần nữa

Bằng bài ca… Vinh quang… quang… vinh quang

Vinh quang… vinh quang và vinh quang

Hãy chết thêm lần nữa hỡi những anh hùng

Chúng tôi đang sống – sẽ không bao giờ chết

Chúng tôi đang hát ru các anh đây

Hỡi những anh hùng

Vì độc lâp

Hãy CHẾT THÊM LẦN NỮA!!!

ĐẤT NƯỚC CỦA NHỮNG CƠN GIẬN

Được ngóc đầu lên từ những con rắn
Luôn ước mơ được biến thành rồng
Từ cỏ dại mộng thành bông
Luôn khát khao
Hoa nỡ tràn trên sa mạc
Và quẩn quanh như một con lạch
Luôn muốn được thành sông
Một Đất nước của Tự Do
Giả hình
Thoát thân từ nô lệ
Một đất nước của sự ngủ yên
Bị cầm tù bởi những chiêu bài Độc Lập
Và Hạnh phúc như… sương
Sau bao nhiêu năm không tiếng súng
Chiến tranh như một nỗi buồn
Nằm trong niềm vui gượng
Một đất nước có rất nhiều con đường
Chỉ một chiều thôi
Đổ về một phương mặt trời đỏ rực
Không có hoàng hôn
Không có những giấc mơ
Cho con trăng nằm mộng
Một đất nước của một ngọn cờ hồng
Phất phơ trước gió
Cứ bay mãi trong niềm vui khốn khổ
Nó không biết đã rất lâu rồi
Mộ bia đã quá nhiều cỏ dại
Phủ dày trên những chiến công
Một đất nước được
Chôn sâu
Tận dưới mồ kia
Là những cơn giận
Chỉ muốn vùng lên
Bức tung xiềng xích
Những xiềng xích vô hình
Bao năm rồi
Trói buộc dân tôi!

2
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nếu chỉ một lần cần quay lại cuốn phim Hà Nội vứt bỏ Hiệp Định Đình Chiến Paris, để mang danh nghĩa giải phóng Miền Nam, giữa đôi mắt “quan sát” ráo hoảnh của Liên Hiệp Quốc, liệu bạn còn nhớ cảm giác hụt hẫng mất mát, khi cả nhà cùng mở đài phát thanh nghe tin T.T Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng kéo cờ trắng buông súng? Cảm giác sững sờ tê điếng ấy nếu có thử hỏi có giông giống cảm giác lặng người bên vỉa hè MN Sài Gòn chan hòa nắng đẹp tự do của nhà văn Dương Thu Hương, vì chợt nhận ra chiếc mặt nạ tuyên truyền dối trá của cách mạng giải phóng? Thật tình hình ảnh vẫn còn ghi đậm trong tâm trí của bạn về Ngày 30/4 là gì? Bạn có chứng kiến cảnh những người lính VNCH cởi quân phục vất đầy đường, hay đại khái những âu lo tang thương khi “đàn bò vào thành phố” như câu nhạc bất ngờ của Trịnh Công Sơn? Nếu bạn cũng “bất ngờ” thuộc diện “Bên Thắng Cuộc” thì ngày 30/4/1975 bạn có nhớ mình đang làm gì, và khung cảnh, không khí cũng như cảm giác tưng bừng hoa lá như thế nào ở Miền Bắc lúc đó. Đặc biệt khi nghe báo tin trên đài cuộc chiến đấu thần thánh chống Mỹ đã cáo chung và Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng Miền Nam từ đây anh em một nhà?

Nguyễn Tấn Cứ:

Với chế độ Cộng Sản thì văn hóa văn nghệ của Miền Nam Việt Nam là “tàn dư của Mỹ Ngụy” nó nguy hiểm đến mức cần phải “đốt sạch phá sạch”, và những ai còn lưu luyến với nó đều có nguy cơ trở thành kẻ thù của cách mạng cho nên sau ngày đánh chiếm Sài Gòn nhiệm vụ đầu tiên của đám “Hồng Vệ Binh” mang băng đỏ là đi lùng sục khắp nơi để “lùng và diệt” và sách của chế độ cũ là mồi ngon cho những cuộc “đốt sách” không cần biết là sách gì, cứ sách của Sài Gòn in là “đốt sạch” đến mức họ đã in nguyên một cuốn “Danh mục cấm những tác phẩm văn chương được in ấn phát hành của Sài Gòn thứ tự ABC…”, điều này nó cho thấy cộng sản sợ đến như thế nào với nền văn hóa văn nghệ tự do của Miền Nam.

Nhưng kỳ lạ là nó không chết đi mà vẫn sống, nó trở thành của quý hiếm sau năm 1975, nó trở thành kế mưu sinh của nhiều anh em văn nghệ trong thời buổi ăn bo bo sắn mì trừ cơm, những phố sách cũ ở Calmette, Lê lợi, Tự Do [Đồng Khởi bây giờ] vẫn lén lut hoạt động, bởi nhu cầu tự thân, bởi sự cần thiết của cuộc sống tù ngục, nhiều gia đình vẫn cố giữ nó trong những cuộc tản cư và những lúc đói kiệt cùng thì tủ sách gia đình trở thành “gạo cứu sinh”. Vậy CS có “ngu dân” được không, xin thưa là họ không bao giớ làm được, ngay với những cán bộ văn nghệ trong hồi ức của họ thì “họ đã choáng ngớp bởi hàng núi sách quý từ Jean Paul Sarte đến Albert Camus, Leo Tolstoy, Dostoievski, Herman Hesse… và đó cũng là chiến lợi phẩm vô hình sau những TV, tủ lạnh, xe Honda và búp bê biết hát, cho nên không có “ngu dân” nào ở đây hết màngược lại chính “Sài Gòn đã Giải Phòng tôi” như Nhà văn Việt Cộng Nguyễn Quang Lập tuyên bố trong “Hồi Ức 30/4”…

3
Nguyễn Thị Thanh Bình: Với chính sách ngu dân, Việt Cộng đã mở những chiến dịch truy lùng truy diệt và thiêu hủy toàn bộ sách vở sách báo của văn hóa, văn học Miền Nam. Họ còn trâng tráo đến độ quy tội đó là thứ văn hóa nô dịch, đồi trụy, phản động. Nghe nói học giả Vương Hồng Sển đã có lần viết thư năn nỉ họ và tuyên bố đòi được chết theo sách, nếu toàn bộ sách quý trong thư phòng của ông bị đốt cháy. Bạn nghĩ gì về “tội ác” cố tình diệt chủng nền văn minh văn hóa của MN này? Và giả thử bạn cũng là nạn nhân của một tủ sách gia đình đáng quý, liệu bạn xử trí ra sao lúc ấy? Còn nếu bạn đã lên tàu vượt biên hay di tản, thì thử hỏi cuốn sách nào vào thời buổi đó được bạn vội vã trân quý mang theo? Tôi nghe nhà thơ Trần Mộng Tú nói là chỉ kịp vác theo cuốn Truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm thì phải?

Nguyễn Tấn Cứ:

Với tôi tháng Tư không phải để nhớ hay quên mà nó đã là một vết sẹo dài chỉ cần “sờ tay là thấy” nó sần sùi thô nhám nham nhở làm cho mình có cảm giác kinh sợ, như một lỗ thủng của viên đạn B40 phang thẳng vào đoàn người chạy loạn, tôi nhớ đến “Đại Lộ Kinh Hoàng” của mùa hè đỏ lửa Quảng Trị 1972. Nhớ đến đoạn đường QL1 đầy máu ở Bình Liên – Bình sơn – Quảng Ngãi đêm 25 /3 / 1975, nhớ đến Cố đô Huế với những “hố vùi xác người tập thể” Mậu Thân năm 1968. Tôi nhớ mình đã giẫm chân trên máu trên những xác người, giẫm trên những con đường quê hương thê thiết đớn đau bởi những kẻ giết người không gớm tay, nhớ đến thằng bạn bật nảy người lên gục xuống, sau cú bắn thẳng từ khẩu súng AK của một tay du kích và tôi chỉ kịp thoát chết khi mẹ tôi dùng thân mình che chắn và gào lên “đừng bắn nó là sinh viên, nó vô tội”. Tôi chỉ kịp nhìn thấy đôi mắt đỏ vằn lên sát máu đấy hận thù “Sinh viên gì chỉ có bọn đế quốc Mỹ tóc tai mới dài thậm thượt như vậy, tha cho nó về nhà cắt tóc đi đồ Mỹ Ngụy”!!! Họng súng lại hướng về nơi khác… Bạn hỏi có gì để nhớ, có sáng tác nào cho tháng Tư không. Không, không, không có gì hết, chỉ có những cuộc chạy, luôn luôn chạy… mỗi khi tháng Tư về chạy… đến hết tháng, chạy đến hết năm chạy đến hết đời, để làm gì, để không còn thấy những ngọn lửa táp rượt trên đầu sau lưng dưới đất, để không còn thấy những rừng cờ máu phấp phới tung bay, không còn nghe những tiếng gào la của những “kẻ thắng cuộc” không có gì mới ngoài những nỗi buồn đang mọc nhánh, không có gì vui ngoài những phiền muộn chất chồng theo năm tháng. Chúng tôi là những kẻ “hậu sinh” không tham gia vào cuộc chiến nhưng vẫn là những “kẻ thua cuộc”, hòa bình chúng tôi buộc phải ngồi cùng với những “kẻ thắng cuộc”. Đôi khi sự trâng tráo kiêu mạn thấy rõ khi phải đối thoại cùng họ, đôi khi buộc phải ngó lơ trước sự “khệnh khạng” của những tay Cách Mạng 30 buộc phải vờ vịt thua kém trước những tay “Hồng Vệ Binh” văn chương báo chí của chế độ cộng sản. Đủ thứ văn chương chống Mỹ, văn chương Thanh niên xung phong, văn chương thời bình dựng xây XHCN … không sao hết, vẫn phải sống, vẫn phải chén thù chén tạc nhưng sẽ không bao giờ đi chung đường, chung giai cấp và dĩ nhiên không bao giờ có chung quyền lợi, nói gì đên danh vọng hão huyền.

4
Nguyễn Thị Thanh Bình: Cách đây khoảng hơn một năm, không chỉ trong giới cầm bút mà hầu như đâu đâu cũng nghe người ta bàn tán về một thứ hội nghị gặp gỡ giao lưu kiểu hòa hợp hòa giải dân tộc về văn học văn chương trong và ngoài nước, do chủ tịch Hữu Thỉnh của Hội Nhà văn Việt Nam chủ xướng gọi mời. Hẳn nhiên khi đụng phải phản ứng từ chối mạnh mẽ của nhà văn “quân đội” Phan Nhật Nam, người ta cũng đâm ra muốn đặt lại vai trò liệu nhà văn có thể lãnh nhận sứ mệnh to tát như thế để mở ra những cuộc đại đoàn kết dân tộc? Thật tình hễ nghe người ta “khuyên bảo” về hai chữ đoàn kết, tôi không biết có bao giờ họ muốn dang tay ra đoàn kết với người dân… thật, hay chỉ cốt đoàn kết có tính cách cục bộ trong những đảng viên của Hội Nhà Văn Việt Nam với nhau mà thôi? Và như thế bạn nghĩ có phương cách gì để những vết thương được ngừng ung mủ, chảy máu? Thử hỏi làm sao để chúng ta có thể “giải phóng” những uất ức của Ngày Quốc Hận 30/4, và sau 44 năm liệu ai mới thực sự giải phóng ai?

Nguyễn Tấn Cứ:

Vậy nên đừng nói đến chuyện “ Hòa hợp hòa giải” văn chương thứ thiệt lại càng không. Với cái Hội Nhà Văn Việt Nam của CHXHCNVN thì càng không bao giờ. Chuyện viết thư kêu gọi các nhà văn nhà thơ Hải ngoại về quê hương ngồi vào bàn để “cùng nhau viết nên một trang sử mới” thì quả thiệt quá hoang vu sáo rỗng. Đó chỉ là chuyện “giải ngân” kiếm tiền uống rượu của mấy anh quan chức cán bộ Đảng Viên Nhà Văn Cộng Sản, họ cần chuyện đó và Nhà Nước sẵn sàng cung cấp tiền bạc cho họ làm chuyện đó và làm được tới đâu là một chuyện khác. Và họ đã thành công, báo cáo là đã thành công vì cũng có vài con nhạn lạc bầy vô danh tiểu tốt nào đó từ hải ngoại bay về (cùng với vài con chim mồi bại hoại điếu đóm của văn chương viễn mơ còn sót lại trong nước) họ được xênh xang “áo gấm đi đêm” để bắt tay bắt chân ăn nhậu phát biểu tưng bừng để Đảng Nhà Nước thấy là cuộc “hòa hợp hòa giải văn chương với khúc ruột ngàn dặm” đã thành công tốt đẹp. Bây giờ không chỉ có tháng Tư nữa, cũng không phải là “quốc hận hay miền Nam đen tối” nữa mà phải nói là những ngày dài hoang vu của dân Việt, không phải là “Quốc Cộng” nữa mà là những đêm dài của bầy chó săn đang nhe nanh canh gác đất nước này. Nó là một chuỗi đau thương tù ngục xiềng xích vô hình mà người Việt đang hứng chịu, người Việt bây giờ nhìn nhau kinh hoàng bởi nạn cướp đất cướp nhà, bởi những oan khiên chồng chất, bởi môi trường sống độc hại đang ngày đêm làm chết dần chết mòn dân tộc, bởi những niềm vui ngụy tín đang mọc đầy trên quê hương khốn khổ, và nó được nuôi dưỡng từ xa, được lừa mị ngay từ trong nước bởi guồng máy tuyên truyền… dối trá chồng lên dối trá không có cơ may cho sự thật ngóc đầu. Người dân vẫn con mê ngủ, hoặc đã thức những vẫn mịt mờ chạng vạng, vẫn u mê ám chướng bởi những giấc mơ về quá khứ, bởi chiến tranh khốc hại đã làm cho đất nước này kiệt quệ, bởi độc tài Cộng Sản với tham ô nhũng lạm tài nguyên đất nước vẫn còn đè nặng lên những giấc ngủ vùi nghèo đói mỏi mệt của dân đen. Hòa bình luôn có giá của nó. Là cuộc “cam chịu” dài hơn 40 năm, nó được “hỏa châu soi sáng định hướng bởi lý luận Mác Lê tàn bạo” quê hương bị đì cho sát ván đến hơn 40 năm thì quá kinh khủng cho một dân tộc, một cách nào đó đã hơn hai thế hệ được sinh ra và lớn lên, được nhồi sọ bởi một “nền văn chương minh họa vô tính” được sản sinh ra hàng loạt, được chăm sóc hết lòng của chế độ thì không lý do nào để họ “chung đường hòa hợp hòa giải” với một ai – và nếu có – thì đó chỉ là khẩu hiệu dối trá lưu manh để lừa bịp con người… Như Satan với Chúa, như quỷ vương với Phật – chỉ có sự gian trá quyến rũ tập thành – không ai là không biết nhưng để có thể nhận dạng cái ác trong chính bản thân mình để rời bỏ nó không phài là chuyện dễ dàng. Nhưng chắc một điều rằng, mọi thứ đều phải có ngày kết thúc, như chiến tranh đã kết thúc với những câu hỏi vẫn còn neo lại, nó là lịch sử của đau đớn hận thù, nó là câu chuyện về những “kẻ thân Cộng” cần phải được viết ra, để ký ức đau thương sẽ dần dần phai nhạt, để những hoài nghi phải nhường đường cho một thế giới minh bạch, nhường đường cho một nền văn chương mới không bóng ma cộng sản, trong một thế giới không có đêm đen của một băng đảng Mafia đang cai trị đất nước này…

Comments are closed.