KÝ ỨC LÀNG CÙA

Tiểu thuyết

Đặng Văn Sinh

PHẦN BA

Chương 11 (tiếp theo)

2

Mặc dù đang đói nhưng làng Cùa vẫn phát động phong trào bài trừ văn hoá nô dịch, chống mê tín dị đoan. Toàn thể thanh thiếu niên, kể cả một số con cái địa chủ phú nông đều phải tham gia chiến dịch này. Lê Văn Khải được cử vào đội tiêu huỷ sách cũ, còn Lê Văn Nghiên trong đội phá đình chùa. Bộ phận của Khải do Trưởng công an Cao Khắc Thông phụ trách. Anh ta tập hợp mọi người ra đình, đọc thông tri của cấp trên sau đó hướng dẫn trình tự công việc. Trong số hơn ba chục thanh niên, có già nửa mới thoát nạn mù chữ, phần đông đang học các lớp bình dân do các ông thầy vừa biết đọc biết viết khoá trước dạy. Cao Khắc Thông cử tổ thông tin quét vôi vào tường đình, tường miếu, đầu hồi nhà rồi kẻ dòng khẩu hiệu bằng thứ chữ in hoa có chân đế cao bằng cả gang tay: Triệt để bài trừ các loại thầy bói thầy cúng và chó dại hoặc Kiên quyết tiêu huỷ văn hoá phẩm nô dịch. Mấy ông cung văn chuyên gảy đàn cho các bà đồng bóng ở đền Sòng cứ nhấp nha nhấp nhổm như bị kiến vàng đốt đít, chỉ sợ công an đến rước đi Trại Sung.

Người được Cao Khắc Thông dẫn quân ra thăm viếng đầu tiên là chưởng bạ Giang. Nhà ông Giang có ba kệ sách chữ nho, một hòm khoá chuông vừa sách chữ Pháp và Quốc ngữ của anh Giảng. Sở dĩ ông Giang không bị quy lên địa chủ mà chỉ dừng ở mức phú nông là vì anh Giang lúc ấy đang là cấp chỉ huy quân đội. Anh ta về làng đúng vào dịp Cải cách, áo đại cán bốn túi, súng lục trễ bên hông, mũ gắn sao vàng trông rất oai nhưng vẫn bị Đội Lạc cho dân quân đến bắt. Người nhà ông Giang vội đi Hải Phòng báo cho đơn vị. Ngay chiều hôm sau, vị chỉ huy sư đoàn cùng với bốn chiến sĩ khoác tiểu liên đánh xe command car về làng gặp Đội Cải cách, đón Giảng đi.

Ông chưởng bạ học chữ nho với cụ khoá Phùng ở kẻ Sộp. Cụ Khoá đã có lần vác lều chõng đi thi vào đến Nhị trường. Vì không có con trai, trước khi mất, cụ Phùng làm di chúc giao lại toàn bộ số sách ky cóp được cả một đời cho người học trò làng Cùa. Trong số thư tịch của cụ Khoá để lại có những bộ rất quý như Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt điện u linh tập, Dịch kinh, Luận ngữ, Mạnh tử, Cựu Đường thư, Tấn thư, Đường thi tam bách thủ , Liêu trai chí dị, Tam quốc chí diễn nghĩa… Hòm sách của anh Giảng có Les Miserables (Những người khốn khổ) của Victor Hugo, Les Troismousquetaires (Ba người lính ngự lâm) của A. Dumas, tuyển tập Voltaire, thơ Lamartine, Cô giáo Minh, Hồn bướm mơ tiên, Đò chiều, Tắt lửa lòng, Ai hát giữa rừng khuya, Cơm thầy cơm cô, Lục xì, Số đỏ… Nhìn thấy khối lượng sách giá trị như thế sắp bị thiêu huỷ, Khải không đành lòng bảo với Cao Khắc Thông :

– Đây toàn là sách quý, theo tôi không nên đốt, sau này có lúc cần đến.

Trưởng công an xã phẩy tay:

– Cậu đừng giở cái giọng tiểu tư sản ấy ra. Đống sách này là sản phẩm của Chủ nghĩa tư bản đang giãy chết, là thứ văn hoá nô dịch phản động, vì nó mà bọn địa chủ cường hào như Chánh Bang, Cả Huê, Phó lý Kiền mới thẳng tay bóc lột bần cố nông, dân ta mới mất nước. Phải đốt hết để trừ tận gốc.

Lửa được nhóm lên ngay giữa sân đình. Hàng ngàn cuốn sách đủ chủng loại bị hiến cho hoả thần, lúc đầu quăn bốn góc sau đó cháy lem lém. Khói đen bay lên từ những cuốn sách chữ Hán có mùi hăng hắc của loại bìa phất cậy, bay vòng vèo rồi tan dần vào không khí. Lựa lúc Cao Khắc Thông vào đình hút thuốc lào, Khải nhanh tay rút một tập Bách khoa toàn thư của nhà xuất bản Galimard nhét vào bụng. May mà không ai trông thấy. Tay Xã đội sẵn sàng quy kết anh ta vào tội danh phản động nếu phát hiện ra cuốn sách chứa một phần tri thức mấy nghìn năm của nhân loại bị đánh cắp.

Nhưng đến nhà ông cửu Mẫn thì tình hình không thuận lợi. Ông Mẫn làm nghề thầy cúng cũng có một kệ sách chữ nho, rất giỏi bói dịch. Vốn là người lo xa, ông cho tất cả sách quý vào chiếc hòm sắt, trét sáp ong kín các khe hở rồi giấu trong hầm bí mật. Đoàn của Cao Khắc Thông đến nơi, thấy kệ sách rỗng không, anh ta nghiêm giọng bảo ông thầy cúng :

– Biết điều thì mang sách ra nộp, đừng để chúng tôi phải khám.

Ông cửu thản nhiên như không :

– Chẳng giấu gì các anh, tôi vốn dát, nghe thấy lệnh phải tiêu huỷ “văn hoá nô dịch” là bảo các cháu mang xuống bếp đốt sạch.

Đời nào Trưởng công an và Xã đội trưởng lại tin lời một lão thầy cúng già đã từng hành nghề mê tín dị đoan nổi tiếng khắp vùng Ba Tổng. Cung Văn Luỹ cười tinh quái:

– Bác giấu ở đâu thì mang ra đi, chuyện này không thể đùa được.

– Đã bảo là tôi chấp hành lệnh của xã, đốt từ mấy hôm trước rồi.

Cao Khắc Thông gườm gườm nhìn ông thầy cúng bằng cái nhìn chẳng hứa hẹn điều gì tốt lành:

– Được, ông cố tình chống lại chính sách của đảng phải không? Các đồng chí đâu, lục soát!

Cung Văn Luỹ ra lệnh cho đám dân quân :

– Tìm kỹ ở trong buồng xem, có thể ông ta cất trên gác xép.

Lê Văn Khải làm một cách chiếu lệ. Anh ta biết, một người có vốn nho học uyên thâm như ông cửu không bao giờ đốt sách. Từ cổ chí kim, làm chuyện này chỉ có Tần Thuỷ hoàng và Néron. Bởi vì, đốt sách chính là biểu hiện của sự ngu dốt. Những kẻ đi chinh phục, nếu chỉ dựa vào sức mạnh của họng súng và lưỡi gươm mà thiếu văn hoá hoặc ở tầm văn hoá thấp, cho dù được nguỵ trang bằng đủ thứ chủ thuyết mỹ miều cũng không thể thu phục được lòng người. Ông ta dấu ở đâu nhỉ? Nền nhà, nền bếp, góc vườn đều bị các loại xà beng, cuốc chim, thuốn sắt đào bới thăm dò. Thùng trấu, gác bếp, chuồng trâu, thậm chí cả nhà xí cũng không thoát khỏi con mắt xoi mói của ông Trưởng công an, thế mà hàng trăm cuốn sách như có phép lạ tàng hình. Nhìn toàn cảnh ngôi nhà lúc này như một bãi chiến trường bởi hàng đống hòm xiểng, vứt lỏng chỏng cùng với đất cát bị đào bới nham nhở, ông cửu hất hàm bảo Cao Khắc Thông:

– Phiền các anh sắp xếp lại cho rồi hãy sang nhà khác.

Trưởng công an cau mặt :

– Ông đừng có đùa với nhà chức trách. Bây giờ phải đi với chúng tôi ra Uỷ ban.

– Các anh bắt tôi?

Thông lắc đầu:

– Chúng tôi chỉ tạm giữ đến khi nào ông khai thật số sách kia giấu ở đâu thôi.

Ông cửu mang theo chiếc tráp sơn then, không phải đựng sách mà để bộ quần áo gụ với chiếc khăn mặt bông nhuộm nâu. Vì căn buồng uỷ ban còn giam hai thằng ăn trộm gà nên Cao Khắc Thông bảo mấy dân quân nhốt tạm ông thầy cúng vào hậu cung đình Cả cho suy nghĩ một đêm rồi sáng mai ra trụ sở làm việc. Đầu canh tư, ông cửu đau bụng, ruột quặn lên, mót đại tiện nhưng không làm thế nào ra được. Mấy tay dân quân gác ngoài, buổi tối đánh tú lơ khơ đến tận khuya, ngủ mệt, ông Mẫn đập cửa rầm rầm vẫn không thèm dậy. Hậu cung tối mò mà cái thứ đau bụng kiểu này không thể cố nhịn để dành đến mai được, thế là ông thầy cúng bật ra sáng kiến, mở tráp lôi bộ quần áo ra, tương vào đấy rồi đậy nắp, coi như không có chuyện gì xẩy ra. Sáng sớm, cửa đình vừa mở, ông cửu len lén xách tráp đổ ra góc ruộng rồi xuống ao rửa, lúc quay về gặp tay Đốm, anh ta thấy lạ, hỏi :

– Cái tráp của ông có vàng bạc gì mà lúc nào cũng kè kè bên người?

Ông cửu chống chế:

– Có gì đâu, đựng bộ quần áo ấy mà.

Trưa hôm ấy, Cao Khắc Thông cùng Thân Văn Đốm áp giải ông cửu sang công an huỵện vì tội cố tình không nộp sách phản động mê tín dị đoan. Ông Trưởng công an mặc áo nâu nhuộm vỏ già cắt theo kiểu thành thị cổ bẻ bốn túi, pantalon([1]) xanh, ngồi sau chiếc án thư sơn son (chắc là tịch thu của một hộ địa chủ nào đó), trước mặt là khẩu súng lục để nguyên trong bao, bên phải đặt lọ mực và chiếc bút parker cùng cuốn sổ tay bìa đỏ. Nhìn bộ dạng nhơn nhơn của ông thầy cúng, Trưởng công an ghét lắm hỏi mỉa:

– Ông có biết khẩu hiệu chống văn hoá nô dịch và mê tín dị đoan của nhà nước như thế nào không?

Ông cửu cúi đầu đọc thuộc vanh vách:

– Thưa, nó thế này ạ: Triệt để bài trừ các loại thầy bói thầy cúng và chó dại.

– Đúng lắm.- Trưởng công an gật đầu – Nhưng ông có biết đã phạm tội gì không?

– Tôi giải nghệ rồi, sách cũng đã đốt thành tro, sao lại bảo là có tội?

– Có đấy. – Trưởng công an huyện cười nửa miệng. – Tội cố tình ẩn lậu văn hoá phẩm nô dịch, phá hoại công cuộc Cải cách ruộng đất của đảng và chính phủ.

Ông cửu cười nhạt:

– Công an xã đã khám xét khắp nơi, đào cả nền nhà, cuốc vườn, moi nhà xí đều không thấy sách, tôi không có tội, tôi chả sợ.

Ngay lập tức ông cửu bị đưa xuống buồng giam. Hoá ra không phải chỉ mình ông phải câu lưu vì án văn tự. Trong tuần qua hầu hết các thầy cúng, thầy bói, thầy địa lý trong huyện đã bị tóm về đây. Thật là một cuộc hội ngộ thiên tải nhất thì ở vùng Ba Tổng.

Ngôi chùa bị phá đầu tiên là chùa Đàn ở Đậu Khê. Toàn bộ kèo cột, rui mè, sau khi rỡ được chuyển về làng Cùa dựng trường học. Mấy cây cột lim khoát tư khoát năm không khênh được, uỷ ban xã phải cho thợ xẻ xuống tận nơi kéo co gần hai tháng mới xong. Những ngày ấy học sinh được nghỉ để lao động tập thể. Dưới sự chỉ huy của Cao Khắc Thông và Thân Văn Đốm, đám học trò tí nhau trèo lên nhà Tổ và Tam bảo khiêng tượng phật xếp thành một đống trên bãi cỏ phía sau nhà Tổ. Mấy ông hộ pháp kềnh càng bằng đất thì cánh thanh niên lấy búa tạ đập vỡ. Pho tượng A di đà sơn son thếp vàng ngồi trên toà sen bị tròng dây chão vào cổ giật đổ xuống, lập tức hai ông bần nông trung niên người Mạc Điền dùng cưa cắt làm ba đoạn vác về nhà. Tượng tạc bằng gỗ mít mật, bên trong yểm trầm không biết có từ đời nào, thớ vàng sẫm vẫn còn thơm. Loại này được chẻ nhỏ ra nhóm bếp, đượm phải biết. Một số bụt nhỡ và bụt ốc bọn trẻ con cầm chơi, chơi chán chúng ném xuống ao nổi lềnh phềnh giữa đám bèo ong, rau dút và bè muống. Ông khán Thịnh trước Cải cách là người trông nom chùa Đàn, nhìn cảnh tượng phật lặn ngụp dưới ao chép miệng than thở:

– Sao các ngài không về vật cho chúng nó hộc máu ra.

Xế chiều, đống tượng Phật vơi dần. Mấy bà làm đồng qua, tiện tay bê một hai pho về để bàn thờ. Số còn lại Cao Khắc Thông sai bọn học trò châm lửa đốt. Ông phật Di Lặc béo phệ với cái bụng vĩ đại, lửa bén đến cổ vẫn giữ nguyên nụ cười. Ông Xếp Đáy, chuyên nghề quăng chài, rượu ngang tu hàng lít, lúc nào cũng kè kè chiếc bao da bằng nửa cuốn sách làm ví tiền trước bụng nhưng bói chẳng ra một đồng, vừa ở sông Lăng về, liền lội xuống ao vớt một vị La hán cỡ bắp đùi vác lên vai, lúc đặt vào bàn thờ thấy ngài cao quá đành phải cưa phần đế cho vừa.

Nhưng thành tích lớn nhất của Chủ tịch Bùi Quốc Tầm trong chiến dịch bài trừ mê tín dị đoan phải là việc hoàn toàn phá bỏ ngôi nghè lớn nhất vùng Ba Tổng. Nghè làm từ thời Hậu Lê niên hiệu Bảo Thái nguyên niên cách ngày nay hai trăm năm mươi nhăm năm, do một vị nhị giáp tiến sỹ làm quan đến chức Tả thị lang Bộ Lại đứng ra quyên góp và hưng công, mất hơn ba năm mới hoàn thành. Chỉ riêng gỗ lim, từ cột kèo, kẻ, trụ, câu đầu xã phải thuê chín cặp thợ, xẻ thông sáu tháng mới xong. Số lượng gỗ thành khi xếp lại đo được ba trăm hai mươi chín khối. Hai phần ba gỗ xẻ dùng đóng bàn ghế học trò và trang bị nội thất uỷ ban, phần còn lại cán bộ xã dấm dúi chia nhau đóng tủ, đóng giường và làm cánh cửa. Mấy bác thợ mộc cũng nhân cơ hội bảo nhau mượn tạm vài mảnh đầu thừa đuôi thẹo về nhà làm chạn bát, ghế ngồi ăn cơm. Thừa thắng xốc tới, các vị lãnh đạo đang lên kế hoạch phá tiếp đình Cả, đình Lẻ và chùa Vĩnh Hưng thì bỗng xảy ra sự cố nên công việc phải hoãn lại.

Đầu tiên là ông Xếp Đáy, sau hôm cưa đít bụt, tự nhiên hoá rồ, hai tay cầm hai sợi thừng dài nhẩy vun vút còn thiện nghệ hơn cả các cô bé học trò lớp ba nhẩy dây. Múa may quay cuồng chán, ông ta phi thân lên mái nhà nhẹ nhàng như kiếm khách dùng thuật khinh công, hai mắt trợn trừng, lưỡi cứng lại rồi lăn xuống sân, bất tỉnh nhân sự. Thân Văn Đốm đang đêm nhảy khỏi giường xuống bếp rút con dao bầu bổ ra đường như ngựa vía, miệng lảm nhảm:

– Thằng Đốm dám báng bổ thần thánh, tội của mày không thể tha.

Hắn vừa chạy vừa lấy dao cứa cổ, máu chảy nhoe nhoét, đến chỗ gốc cây gạo đổ thì nhảy xuống ao Quan. Dân làng vớt lên được một lúc thì hộc máu mồm ra chết. Dưới Mạc Điền, hai ông cưa tượng A di đà đang ăn cơm bị trúng gió cấm khẩu. Vợ con tìm thầy chạy chữa, mãi ba hôm sau mới tỉnh nhưng một bị méo mồm, một bán thân bất toại nằm đâu ỉa đái ra đấy. Sợ nhất là Cao Khắc Thông. Chập tối ngày hai mươi bảy, anh ta đang uống rượu với cá rán ở nhà Bùi Quốc Tầm, hai mắt tự nhiên buốt như bị ong vò vẽ châm phải. Vợ Trưởng công an không biết đấy là bệnh thiên đầu thống, lấy ốc nhồi giã nhỏ trộn với rau má đắp vào, nửa đêm càng đau dữ dội. Thông kêu như lợn bị thiến, đến gần sáng thì hai con ngươi lòi ra. Các quan chức xã Đoàn Kết từ Bí thư, Chủ tịch cho đến trưởng các ban ngành, ông bà nào chót đem gỗ về đóng đồ, chẳng ai bảo ai đều lần lượt mang ra xếp vào góc đình Cả. Cánh thợ mộc cũng hốt, nửa đêm bắt vợ con chuyển hết những chạn bát, ghế đẩu, ghế ăn cơm xuống hành lang uỷ ban.

Cung Văn Luỹ và Bí thư phụ nữ Lương Thị Nhớn mới lên thay Chĩnh Con phải đến nhờ ông cửu Mẫn lập đàn cúng giải hạn. Ông cửu bảo:

– Tôi chả dại. Cúng bái là mê tín dị đoan, ông Tầm biết lại bắt tôi sang huyện.

Xã đội trưởng khẽ nháy mắt với Bí thư phụ nữ rồi bảo :

– Ông Tầm mới bị chứng đái rắt ra máu, đang nằm liệt giường. Cụ làm ơn giúp chúng cháu, sau này không dám quên ơn.

Ông Mẫn lại bảo:

– Các loại sách cúng đốt hết rồi mà việc này không có sách không làm được.

Cung Văn Lũy liếc mắt ra chân đống rơm sát gốc cây bưởi làm ông thầy cúng chột dạ:

– Anh tìm cái gì?

Luỹ hắng giọng:

– Chỗ ấy có cái hầm , tháng chín năm năm hai, cháu bị bọn Bảo an đuổi đã chui xuống đấy cùng với anh Khoán.

Ông cửu phẩy tay:

– Tao lấp từ lâu rồi.

– Cụ giấu cháu làm gì. Hôm bọn Cao Khắc Thông đến lục soát ở đây, cháu bảo chúng nó vào buồng tìm rồi lảng sang bên anh Nhận hút thuốc.

– Thì ra mày…

– Cụ giúp nhà cháu đi. Làm ban tối. Cháu sẽ gác ngoài cổng, đảm bảo an toàn.

– Mày không lừa tao đấy chứ?

Cung Văn Luỹ nhăn nhó:

– Sau vụ phá chùa, làng này chết mấy người, có các vàng chúng cháu cũng chẳng dám lừa cụ.

3

Một hôm Lê Văn Khải bảo mẹ:

– Có khi con phải đi tìm việc làm, cứ tình trạng này thì chết đói mất.

Khúc Thị Hài thương con nhưng xem ra cũng không còn cách nào khác đành miễn cưỡng gật đầu :

– Thế cũng được, ở nhà còn có em Nghiên, đến chỗ làm nhớ viết thư về.

Bà Hai lắc đầu:

– Không có giấy thông hành sao đi được hở cháu? Nhà mình bây giờ chẳng khác gì tù giam lỏng, ra khỏi làng không trình báo là bị rầy rà.

Lê Văn Nghiên vốn nóng tính, ngang tai trái mắt không chịu được, thủng thẳng bảo:

– Có xuống Uỷ ban xin giấy họ cũng không cấp đâu. Anh cứ đi trước đến chỗ lò gạch cũ ở Phú Đa ấy xem thế nào, nếu làm ăn được em cũng đi.

Khúc Hài bảo :

– Một đứa đi thôi, còn thằng Nghiên phải ở nhà. Chúng mày không thương bà hay sao?

Bà Hai hiểu rõ tâm tính hai thằng cháu từ bé, xem ra khó mà giữ chân chúng được đành chép miệng bảo:

– Cả hai anh em đi được càng tốt không phải lo cho bà. Tao còn khoẻ chán. Chúng mày mà còn ở làng Cùa thì suốt đời không ngẩng đầu lên được.

Sáng hôm sau hai anh em vác lưới ra sông Lăng. Thuyền xuôi xuống mãi bến Đoan mới sang cồn Vành. Khải khoác khăn gói lên bờ còn Nghiên bắt đầu thả lưới đánh cá. Cồn Vành mùa này toàn cỏ, có nơi cao quá đầu gối xanh tít tắp, rộng mênh mông như một thảo nguyên hoang dã. Hiếm hoi lắm mới nhìn thấy vài vạt ngô thấp lè tè còi cọc chen lẫn giữa những bạt cỏ lác, cỏ ống, cỏ tai voi. Chim ngói, chim xanh, chào mào, liếu điếu từ khắp nơi bay về kiếm ăn. Cánh thợ săn vác lưới đặt bẫy suốt ngày nhưng bắt được chúng không phải dễ.

Hầu hết các làng vùng tả ngạn Khải đi qua đều có một nét giống nhau là lắm cờ, nhiều khẩu hiệu. Thỉnh thoảng lại gặp một đoàn khất thực lầm lũi bước trên đường quan. Họ khoác trên người những thứ quần áo vá chằng vá đụp, vật vờ như đám cô hồn lúc mặt trời gác bóng, rủ nhau vào tá túc trong những gian điếm dột nát, nhịn đói, uống nước lã cầm hơi để đến sáng mai lại tiếp tục cuộc hành trình vô vọng. Sang đến ngày thứ tư, Khải đến Phú Đa. Anh ta tìm được dãy lều trại của những người thợ phơ nhưng không gặp ai. Khu lò gạch đã trở thành hoang phế. Khải vào làng gặp ông Tước, một thợ đốt lò nổi tiếng khắp vùng Cao Thượng. Ông này bị đau dạ dày, đang ôm bụng nhăn nhó, thấy khách đến hỏi bà Cảnh liền ngồi dậy bảo:

– Cậu có phải là cậu Khải?

– Vâng, cháu đây.

– Chuyện thế này, sau khi cậu đi mấy hôm, ông Cảnh mang cô Kiều Trâm về thành phố, nghe đâu đã lấy thầy Ký kia. Cuối tháng tám ở đây phát động Cải cách ruộng đất. Bà chủ kinh doanh lò gạch bị quy là thành phần tư sản, lãnh án mười lăm năm. Toàn bộ số gạch còn lại, Đội trưng thu chia cho bần cố nông, tôi cũng được hơn hai trăm viên xếp ngoài vườn kia.

Ông Tước không có con, từ khi vợ chết vì cảm thương hàn vẫn sống độc thân, mời Lê Văn khải ở lại nghỉ qua đêm. Tối hôm ấy, hai bác cháu uống rượu với cua rang lá chanh và bánh đa vừng. Sáng hôm sau, lúc Khải khoác khăn gói lên vai, ông bảo:

– Ra thành phố mà kiếm sống, ngoài ấy nghe nói dễ làm ăn. Mà này, hình như cái cô Kiều Trâm phải lòng cậu đúng không?

Khải chỉ cười không nói gì, sáng hôm sau từ biệt ông thợ đất lò.

Trái với lời khuyên của ông, anh ta không về thành phố mà ngược lên phía bắc. Nơi ấy là rừng núi. Từ nhỏ đến giờ Khải mới chỉ có khái niệm rất mơ hồ về rừng xanh núi đỏ qua những lần chặt tre bương ở miễu Đài Sơn, nhưng trong tiềm thức anh ta luôn nghĩ rằng cuộc đời mình sau này sẽ gắn với rừng. Tiếng gọi của thành phố dù có hấp dẫn bao nhiêu cũng không bằng tiếng gọi của định mệnh. Đường hình như cứ mỗi ngày một dài ra mà rừng mỗi lúc một âm u. Con đường hẹp trải thứ đất sỏi đỏ sẫm chạy chênh chếch dưới chân một quả đồi mọc toàn loại giẻ dầu lủng lẳng từng chùm quả non nhưng gai đâm tua tủa. Lũ khỉ đỏ đít, lông vàng cháy như vằn hổ, chuyền từ cành này sang cành khác, mắt láo liêng, thỉnh thoảng lại trêu đám khỉ cái bằng những tiếng choéc choéc nghe rất là phóng đãng. Mấy chàng vượn đen hầu như chẳng để ý đến những chùm vả chín mọng đang chảy mật mà chỉ mải mê đánh đu như say rượu trên ngọn cây đằng đằng với hàng loạt cú nhào lộn chóng mặt. Vài ả vượn cái cõng con sau lưng ngồi trên chạc cây báng, nhe răng trắng nhởn cười khèng khẹc cổ vũ cho đám mày râu. Một lão khổng tước cánh đen, ức trắng chẳng biết từ phương nào bay về, đậu ngay trên ngọn cây kiền kiền chênh vênh sườn dốc cất giọng gù gù gần giống tiếng ngỗng trời lạc đàn khi bay về miền nam tránh rét.

Khải ngồi xuống một rễ cây bên đường, mở nắp quả bầu khô, nhấp ngụm nước và lắng nghe tiếng rừng lao xao. Hôm nay đã là ngày thứ ba, anh ta chưa có hạt cơm nào vào bụng ngoài những quả dâu da, vả hoặc bưởi đào kiếm được ở chân đồi. Bầu trời xanh biếc lọt qua kẽ lá. Những tia nắng sớm nhảy nhót trên cành giẻ gai. Mùi hăng hắc của hoa long não thoang thoảng đâu đây.Tất cả đều kích thích trí tưởng tượng làm cho chàng trai họ Lê cảm thấy mình như đang trong trạng thái bồng bềnh, vô thức.

Sợ nhất là trong người không một mảnh giấy tuỳ thân. Con trai một tên phản động Quốc dân đảng như Khải lúc này, dù là người có học và lương thiện đến mấy cũng không ai dám đứng ra đảm bảo tư cách công dân. Đất nước mới độc lập, miền Nam còn đang dưới sự kiểm soát của gia đình họ Ngô, gián điệp, biệt kích như rươi, luôn tìm cách phá hoại thành quả kháng chiến, mọi người đi làm ăn xa bắt buộc phải có giấy thông hành để công an dễ bề quản lý, giám sát. Tất nhiên là Khải không đào đâu ra cái thứ tưởng như rất bình thường ấy. Thế là bị bắt. Lần thứ nhất ở Tân Phong. Lúc ấy đã lặn mặt trời. Lang thang ban đêm, theo cái lý của nhà chức trách, chỉ có bọn đầu trộm đuôi cướp hoặc gián điệp, thổ phỉ. Khải bị ông Xã đội trưởng tống vào gian chuồng trâu được cải tạo thành buồng giam từ ngày Cải cách. Đêm ấy anh ta ngủ khá ngon lành mặc dù mùi nước đái vẫn còn nồng nặc từ nền đất ẩm thấp bốc lên. Sáng ra, Xã đội trưởng bàn giao “phạm nhân” cho Trưởng công an. Ông Trưởng công an lưng hơi gù, giọng nhát gừng, hỏi:

– Anh cho xem giấy tờ.

Lê Văn Khải bắt buộc phải nói dối:

– Tôi lên Bắc Thoòng làm ăn, qua chợ Sàn bị kẻ cắp lấy mất hành lý.

– Quê quán ở đâu?

– Mai Sơn, Thanh Đa.

– Thành phần gia đình?

– Bần nông.

– Lấy gì làm bằng chứng để tin là anh nói thật?

– Tôi đang đói lắm, mấy ngày nay không được hạt cơm, ông có thể cho tôi xin tạm một bát.

Ở vùng bán sơn địa này có nhiều sắn, Uỷ ban xã không thể để cho Lê Văn Khải chết đói. Nhưng mà ngày hai bữa cứ phải mang cơm vào chuồng trâu cho một gã vô công rồi nghề làm ông Trưởng công an phát cáu:

– Hôm nay tôi bận họp, người nhà còn phải đi làm. Đây có ít gạo với mấy củ sắn anh tự nấu lấy mà ăn.

– Vậy thì tốt quá nhưng ông phải cho tôi mượn cái nồi.

– Tất cả đều ở trong góc nhà, đun khéo không cháy bếp.

– Tôi có chuyện này muốn nói với ông.

– Lại còn chuyện gì nữa? – Ông công an bảo. – Thôi được, nói đi, xem ra anh cũng không phải là người xấu.

– Hay là ông cứ cho tôi … ở tạm đây một thời gian. Trong túi tôi giờ chẳng còn đồng nào mà đường lên Bắc Thoòng còn khá xa.

Ông Trưởng công an phì cười :

– Anh nói như trò trẻ con ấy, giữ anh ở đây ngày nào là thêm phức tạp ngày ấy.

– Sao mấy hôm trước ông Xã đội bảo dẫn tôi về huyện?

– Cái lão Phưởng chỉ nói lấy được. Từ đây đến huyện, cuốc bộ lằng nhằng những mấy chục cây số, cả đi lẫn về ba ngày đường có mà nằm liệt giường. Tôi đã bảo các bố ấy rồi, dân nhà quê dưới đồng bằng lên mạn ngược tìm việc làm ngày nào chẳng đi hàng đoàn, cơm gạo đâu mà giữ lại.

– Bác nói thế là chủ quan đấy. – Khải làm ra vẻ thành thực bảo. – Phải nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng chứ.

Ông Trưởng công an văng tục:

– Cảnh giác cái con khỉ. Thôi anh đi đi!

– Vậy là bác thả?

– Ừ, cầm luôn cả ống gạo với mấy củ sắn dọc đường vào nhà dân nấu nhờ mà ăn.

Chín ngày sau Khải lại bị một trận hết hồn. Lần này thì anh ta mong có người đến bắt mình. Xế chiều hôm ấy, bụng đói lắm rồi, Khải vẫn còn cố vượt qua một sườn núi, vì có sang bên kia mới tìm được nhà trọ. Sườn núi không dốc lắm mà cây cối rậm rạp. Cách đấy không xa có con suối khá rộng, hai bờ mọc toàn dâu da đất với quýt dại rất nhiều quả chín nhưng chua gắt, ăn thử một múi ghê cả răng. Vào lúc mặt trời gác bóng, Khải đã đến đỉnh đèo. Anh ta ngồi nghỉ nhấm nháp quả dâu da chợt thấy mấy con khỉ bạc má trên ngọn cây bứa kêu chí choé có vẻ rất hoảng hốt. Chàng họ Lê ngoái lại phía sau, bỗng dựng tóc gáy. Một con hổ vằn nằm phục cạnh gò đất cách đấy chừng bảy tám mét. Cặp mắt nó như có phép thôi miên làm anh ta bủn rủn cả chân tay. Thời gian như bị đông cứng lại. Sự sợ hãi đã lên đến đỉnh điểm. Lúc này chỉ cần có một động tác bất cẩn là cái chết sẽ đến trong nháy mắt. Khải run bắn nhưng vẫn chằm chằm nhìn vào mắt con mãnh thú. Nó khẽ ve vẩy đuôi, cặp chân sau hơi nhổm lên lấy đà sắp sửa ra đòn thì anh ta ước lượng khoảng cách an toàn, nhao sang bên phải, cắt ngang cú nhẩy của con hổ rồi bám vào một cành gõ trắng leo lên chạc ba. Từ mặt đất lên đến chạc ba có khi phải đến hơn ba mét, vậy mà không biết làm thế nào Lê Văn Khải leo nhanh đến thế. Con cọp vồ hụt, cứ chạy vòng quanh cây gõ gầm thét. Trên đời này, không có gì kinh khủng hơn tiếng hổ gầm, nghe chẳng khác gì tiếng ma quỷ phụ đồng gọi hồn người chết. Xuýt nữa thì Khải tuột tay rơi xuống.

Suốt đêm hôm ấy, Lê Văn Khải cứ ôm chặt lấy cành cây không dám chợp mắt. Con mãnh thú tiếc mồi chắc chỉ quanh quẩn đâu đó chờ anh ta ngủ gật rơi xuống là xé xác. Phải đến gần trưa hôm sau mới có mấy người lên núi. Bọn họ khoác súng quân dụng và súng săn tự tạo. Khải từ trên cây gọi to, thấy họ đến gần mới dám tụt xuống.

Những người mang súng đều ở xã Cao Long. Con hổ xám từ rừng Tân Lập về núi Nứa đã mấy tháng nay. Dân các bản quanh vùng muốn đi chợ Đồng Vài đều vòng sang bản Puộc xa hơn mấy con dao quăng nhưng đỡ phải làm mồi cho chúa sơn lâm. Chính con cọp này, năm năm hai đã đón lõng ở hẻm núi Vòi vồ mất chín người vừa dân công vừa bộ đội. Dân bản Thó bảo nó ăn thịt người nhiều đã thành tinh chẳng biết sợ là gì. Có lần đoàn bộ đội đang hành quân giữa ban ngày, thế mà đến sạt một cái, nó vọt ra như ánh chớp, quắp luôn anh cấp dưỡng quàng ba lô gạo sau lưng. Trung đoàn 274 thành lập hẳn một đội đặc nhiệm rình bắn con cọp nhưng nó có tài xuất quỷ nhập thần, luôn biết cách thoát khỏi các loại bẫy và đặc biệt giỏi tránh đạn. Ba chiến sĩ bị nó tát chết, một bị bóc hẳn mảng lưng và một rách tai là kết quả đáng buồn sau hai tháng luồn rừng theo dấu chân con mãnh thú của đội đặc nhiệm. Đầu năm năm ba, con hổ chuyển địa bàn về Lũng Vài hoạt động. Cứ tầm lặn mặt trời, nó lại đến đầu xóm Còng, trèo lên chạc cây sung gầm thét hàng giờ rồi mò vào vác bò, lợn, dê. Tiếng hổ gầm làm dân làng chết lặng, đóng chặt cửa, cắm nứa nhọn, rắc rào gai quanh nhà. Hôm sau, mặt trời lên bằng con sào mới dám ra đồng. Khắp các ngõ ngách chỗ nào cũng có vết chân cọp. Chưa đầy một tháng nó đã vồ mất ba nhân mạng.

Ông Quản Tháp người Châu Khê mới tản cư về xóm Còng mấy tháng có khẩu súng kíp nòng dài trông như gậy cời bếp than rủ anh Khừm người Mán ra rình ở miếu Chùa. Con hổ biết có kẻ muốn hại mình, nó không vào làng gầm thét nữa mà tìm cách vồ ông Tháp. Một tối, ông ta vừa ra đến gốc cây si thì bất chợt con mãnh thú từ trong miếu phi ra. Nó dựng hai chân sau, gầm lên một tiếng như sấm dậy làm ông thợ săn luống cuống đánh rơi cả súng. Cũng may anh Khừm có khẩu trường mas vừa kịp xuất hiện, nhằm con cọp bắn hú họa một phát. Sáng hôm sau mọi người mới biết nó trúng thương vì có vết máu để lại. Từ đấy không thấy con hổ xuất hiện nữa. Mấy tháng sau có anh bộ đội qua xóm Còng cho biết, con hổ xám bờm vàng dính đạn bàn chân trái phía sau, bị thọt nên rất hung dữ. Lúc ấy nó đang luẩn quẩn vùng núi Nứa. Vậy là số Lê Văn Khải còn cao.

Sau trận chết hụt vì hổ, dân quân xã Cao Long đưa Khải về trụ sở. Ông Chủ tịch thương tình cấp cho anh ta tờ giấy thông hành tạm thời. Từ đây lên Bắc Thoòng cũng gần. Ở đấy anh ta có bà dì họ lưu lạc từ năm Kỷ Tỵ, nếu còn sống bây giờ cũng đã sáu mốt sáu hai.

Xã BắcThoòng nằm ở một vùng bán sơn địa đất rộng người thưa, khắp nơi, chỗ nào cũng thấy trồng chè với sắn. Chè búp ở đây nổi tiếng chẳng kém gì chè Tuyết ở Chapa và Suối Giàng, Nghĩa Lộ. Cách đây hơn ba mươi năm, bà Hai có người em họ tên là Thấm lấy một nhân viên kiểm lâm, được hơn một năm ông ta phải đổi lên trạm Bắc Thoòng, bà Thấm theo chồng và từ ngày ấy không về làng. Thực ra chuyến đi này Lê Văn Khải không mấy hy vọng. Ba mươi năm rồi, biết bao vật đổi sao dời, làm sao tìm được một người anh ta chưa từng biết mặt với một cái địa chỉ rất vu vơ. Tìm người chỉ là thứ yếu, cái chính là anh ta không thể chịu được sự o ép bởi không khí ngột ngạt đầy bất trắc ở làng Cùa. Ở lại Ba Tổng, những người như Lê Văn Khải có thể bị tống giam bất cứ lúc nào chỉ cần chót thốt ra một lời không vừa tai các nhà chức trách. Anh em họ Lê, trước mắt Bùi Quốc Tầm như một thứ tội phạm bị quản thúc tại gia, hoàn toàn mất quyền công dân, lúc nào cũng phải chịu sự giám sát và giáo dục của chính quyền nhân dân.

Gần nửa tháng, Lê Văn Khải đi khắp vùng Bắc Thoòng nhưng không một ai biết vợ chồng ông cựu kiểm lâm. Chỉ còn xóm Cầu Gỗ có hơn chục nóc nhà là chưa đến. Trời mưa bụi, đường mới mở toàn đất đá lổn nhổn. Khải đang chật vật lên sườn dốc bỗng người lạnh toát vì một con trăn hoa thò hẳn cái đầu mốc thếch từ lùm cây ngái xuống. Nó há cái miệng đỏ lòm phun phè phè làm anh ta co rúm, lùi dần, lùi dần cho đến khi hẫng chân lăn xuống vực.

Bờ vực vừa dốc vừa sâu, tận cùng là một con suối. Lê Văn Khải chẳng biết mình lăn bao nhiêu vòng, mới đầu còn ý thức được, nhưng sau một vài cú va đập với đá tảng, cành cây và các loại bụi gai thì anh ta thật sự bất tỉnh. Gần trưa, một cô bé gánh củi ngang qua, nhìn thấy chiếc khăn gói vướng vào cành cây, đoán là có người ngã xuống vực liền chạy về gọi ông. Hai ông cháu phải khó khăn lắm mới đưa được Lê Văn Khải lên. Trên người anh ta hầu như chỗ nào cũng có vết xây xát, không đá nhọn đâm thủng thì gai cào rách toạc. Một bàn chân trật khớp sưng tấy lên, còn sống mũi bị dập rát như phải bỏng. Ông già nắn khớp chân xong, xoa rượu mật gấu rồi bảo cô cháu gái rửa sạch các vết thương trên người Khải bằng nước muối sau đó vào rừng lấy lá thuốc giã nhỏ đắp lên. Khi Lê Văn Khải ngồi dậy được, ông già bảo:

– Dốc lên xóm Cầu Gỗ thường ít người qua lại, may mà cái Thảo nhìn thấy khăn gói của anh nếu không thì chẳng ai biết mà tìm.

Cho đến lúc này Khải vẫn còn run bắn khi nghĩ đến con trăn :

– Cháu thấy nó há mồn ra, phun phì phì nên mới bị ngã.

– Vùng này lắm trăn mắt võng, thỉnh thoảng có cả trăn gió nữa. Loại to bằng khúc gỗ là nuốt được cả người đấy. Mà này, anh lên tận xóm Cầu Gỗ làm gì?

– Cháu tìm bà dì nghe nói hơn ba chục năm trước đã ở vùng này.

– Tên bà ấy là gì?

– Là Thấm, em bà Hai Thoả ở tổng Kim Đôi.

– Bà Hai Thoả với anh là thế nào ?

– Là bà Ngoại.

– Thế thì tôi là Quyển chồng bà Thấm đây.

Khải ngập ngừng:

– Còn …. bà Thấm ?

– Bà ấy cùng với bố mẹ con Thảo đã chết trong trận Tây càn Bắc Thoòng tháng bảy năm năm hai. – Ông Quyển thở dài bảo – Chỉ còn hai ông cháu nên tôi cũng chẳng về quê nữa mà ở đây để tiện chăm sóc phần mộ cho người đã khuất.

– Sao bảo hồi ấy ông làm kiểm lâm cho Pháp cơ mà?

– Phải, nhưng chuyện dài lắm để tôi kể cho anh nghe. – Ông già ngắm nghía Khải một lúc rồi mới hỏi – Bây giờ anh định thế nào ?

– Cháu cũng chưa biết được nhưng chắc chắn không thể về làng. Họ truy bức ghê lắm vì bố cháu là Chủ tịch huyện bị Toà án đặc biệt của Đoàn ủy Cải cách xử tử do có kẻ tố giác liên quan đến Quốc dân đảng.

Ông Quyển gật đầu:

– Vậy thì cứ ở đây, chịu khó làm không chết đói đâu mà lo.

Tối hôm sau ông Quyển lại hỏi:

– Ở nhà có được học hành tí nào không ?

– Cháu đã tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp.

– Ạ chà, thế là trình độ cao đấy. – Ông cựu nhân viên kiểm lâm tỏ ý thán phục -Mấy hôm nữa cháu phải dạy em Thảo. Nó có được học mấy buổi i tờ nhưng hễ cứ đi lấy củi là quên sạch.

Ông Quyển là người Mạc Điền, thời trẻ đi mộ phu Nam Kỳ, khi sắp xuống tàu vào Nam, ông ký Thuận giữ lại xin cho vào đồn điền Phố Hàng. Đây là vùng đất chuyên trồng thứ chè Thái nổi tiếng Bắc Kỳ. Chủ đồn điền là Tây lai Laubart Nguyễn, chơi thân với quan chánh kiểm lâm Henry Barthe. Một hôm Barthe đến mừng sinh nhật con gái Laubart là Mariane, thấy người coolie[2] nói được tiếng Pháp liền ngỏ ý muốn xin chủ đồn điền cho anh ta sang làm kiểm lâm vì Sở lúc này đang cần tuyển nhân viên. Ông Quyển đã đỗ Cerificart, biết chữ Quốc ngữ và tính toán thành thạo được Barthe cử về trông coi rừng Bắc Thoòng.

Nghề kiểm lâm vất vả, được mấy đồng bạc lương thì suốt ngày phải trèo đèo lội suối tuần tra, chỉ cần lơ là một chút là cánh thương lái thuê thợ sơn tràng lẻn vào rừng chặt gỗ quý đóng bè thả về xuôi kiếm lãi bạc trăm. Nhưng sợ nhất vẫn là bọn quan chức phủ Thống sứ hoặc cánh tổng đốc, tuần phủ địa phương cậy thế cho người khai thác gỗ mà không cần xin phép kiểm lâm. Theo quy chế của ngành, rừng bị phá ít thì trừ lương nhân viên, bị phá nhiều sẽ phải truy tố nếu không tìm được thủ phạm. Cho nên nghề này làm không được lâu, có người chỉ sau vài tháng đã bỏ việc.

Lại nói về ông Quyển. Rừng Bắc Thoòng rộng hơn sáu ngàn héc ta phần lớn là rừng đầu nguồn toàn gỗ quý, lại gần suối Nậm Cơi, rất dễ vận chuyển ra sông. Hôm ấy, ông đang tuần tra ở lô số ba thì nghe thấy tiếng cưa xoèn xoẹt, tiếng rìu chặt chan chát phía chân đèo Đá Mài. Chắc lại bọn sơn tràng chặt trộm do thằng Ba Đen cầm đầu. – Ông nghĩ vậy và xách súng chạy đến. Không phải. Chúng là một đám lính khố xanh với bọn sơn tràng chừng hơn chục tên đang ra sức đốn cây lát hoa cỡ hai người ôm. Ông Quyển lên đạn, chĩa nòng súng vào bọn lâm tặc quát:

– Tất cả dừng ngay lại ! Ai cho phép các anh phá rừng?

Một gã mặc âu phục nhàu nát, đội mũ phớt, tay cầm chiếc roi ngựa, lại gần ông Quyển, giọng hách dịch:

– Anh là ai ?

– Tôi là nhân viên kiểm lâm.

Tay mặc âu phục nheo mắt chỉ roi ngựa vào đám lính khố xanh bảo:

– Họ đều là người nhà quan Tuần tìm vài cây lát về đóng đồ. Anh cứ coi như không biết, sau này cụ Tuần sẽ hậu tạ.

Ông Quyển hỏi:

– Cụ Tuần có giấy phép khai thác không ?

– Chặt mấy cây xin giấy làm gì cho phiền phức. Thôi, bỏ qua đi. Đây, có chút gọi là để thày uống rượu.

– Không được.- Ông Quyển lắc đầu. – Tôi nhận tiền lót tay để các người phá rừng là phải vào tù. Cây lát này quan Chánh đã đánh dấu.

Một viên đội khố xanh rút khẩu mauser khỏi bao da chỉ vào người kiểm lâm quát:

– Tôi hỏi, anh nghe theo lệnh quan Tuần hay lệnh sở Kiểm lâm ?

Ông Quyển vốn thẳng tính không chịu sự luồn cúi, nhìn tên đội cười gằn:

– Cấp trên của tôi là ông Henry Barthe dĩ nhiên là tôi phải nghe theo ông ta.

– Thằng này cứng cổ thật. – Viên đội hất hàm ra hiệu cho đám lính. – Anh em trói nó vào gốc cây vàng canh kia.

– Các người dám chống lại sở kiểm lâm? – Ông Quyển lùi lại, ngón tay đặt vào cò súng.

Gã mặc âu phục nháy mắt với viên đội rồi thong thả bảo:

– Ở vùng này không ai được phép vượt mặt quan Tuần. Anh đừng đem cái gã mắt xanh mũi lõ nhãi nhép ấy ra doạ bản chức. Biết điều thì quay về và hãy im mồm.

Ông Quyển định nhấn cò cho gã tham biện dinh Tuần phủ một viên đạn nhưng bọn lính khố xanh đã nhanh hơn, nổ liền mấy phát thị uy. Đạn bay sát sạt bên tai làm viên kiểm lâm sởn gai ốc.

Ba hôm sau ông Quyển xuống núi gặp chánh kiểm lâm Henry Barthe nộp đơn xin thôi việc:

– Tôi không hoàn thành nhiệm vụ, để người của quan tuần chặt mất cây lát quý, phụ lòng tin của ngài, xin được từ chức.

Henry Barthe bảo:

– Có súng trong tay sao anh không bắn vỡ đầu chúng nó ra?

Ông Quyển nhăn nhó:

– Quả thật lúc ấy không kìm được tôi đã định cho gã tham biện về chầu giời, nhưng bọn lính khố xanh thằng nào cũng có súng.

Ngài chánh kiểm lâm gật đầu bảo:

– Được, tôi sẽ cho lão tuần phủ này biết tay.

– Nhưng quan lớn phải cho tôi nghỉ việc

– Không được. – Barthe phẩy tay. – Anh đã làm ở đấy mấy năm, bảo vệ rừng tốt lắm, giờ xin nghỉ, ai chịu lên trên ấy ?

– Bẩm quan, ngài là người Pháp không sao, chúng tôi dân bản xứ còn có gia đình. Cứ tình hình thế này, chúng đốt nhà, giết vợ con tôi lúc nào không hay. Đấy là chưa nói bọn Việt Minh đang hoạt động ráo riết khắp nơi.

Cuối cùng thì ngài chánh Kiểm lâm cũng phải chấp nhận. Ông ta vỗ vai người cựu nhân viên của mình dặn:

– Lúc nào muốn quay lại Sở thì cứ bảo tôi một tiếng.

Sau tết, ông Quyển đưa vợ con về Bắc Thoòng. Năm bốn chín, tuy đã cứng tuổi nhưng ông vẫn gia nhập địa phương quân. Giữa năm năm hai, lúc ấy ông đang chiến đấu ở Đồng Sài thì Tây càn Bắc Thoòng, núi Nứa. Kế hoạch của chúng là bao vây, tiêu diệt Trung đoàn 48 vừa bí mật hành quân qua đây để sang Lạng Sơn. Hai tháng sau ông nhận được tin dữ, cả nhà bị chết vì đạn mortier câu trúng tranchée, chỉ còn mỗi đứa cháu lúc ấy chín tuổi theo bạn sang bản Nậm Cốc là sống sót.

Cuối năm năm tư, lúc ấy ông Quyển đã giải ngũ, về dựng lại nhà để chăm nom con Thảo. Đội Cải cách truy ra cái quá khứ làm kiểm lâm cho Tây, bắt ông giam nửa tháng. Đứa cháu gái ngày nào cũng phải mang cơm. Thật may, ông Chủ tịch xã lúc bấy giờ là bạn đồng ngũ tìm mọi cách gỡ cho mới thoát tội.

Kể ra được những nỗi trầm luân của cuộc đời mình, ông Quyển thấy tâm trạng bớt phần u uất. Ông chép miệng bảo :

– Tôi dại chứ ngày ấy đừng đăng ký mộ phu Nam kỳ thì bà Thấm không mất sớm mà cũng chẳng có cảnh ông cháu lưu lạc đất khách quê người như thế này.

Lê Văn khải an ủi:

– Ở đời chẳng biết thế nào mà đoán trước được số phận của mình đâu ông ạ. Như gia đình cháu đây này, hoà bình rồi, chẳng bom rơi đạn lạc gì mà bỗng chốc trở thành mẹ goá con côi. Người ta còn ép mẹ cháu phải lên đấu bố cháu để có thêm tội chứng cho toà án xử tử.

Lúc ấy đêm đã khuya. Rừng Bắc Thoòng thỉnh thoảng lại có tiếng hoẵng tác. Lũ chim ngủ gà ngủ gật dưới ánh sáng mờ mờ của vành trăng khuyết. Ông Quyển rút trên giàn xuống một tảng nai khô bảo Lê Văn Khải quạt than nướng rồi vào buồng lấy ra bình rượu thuốc ngâm tắc kè.

– Làm chén rượu cho ấm bụng.

– Cháu uống kém lắm.

– Có thịt nai khô ta nhấp nháp tí cho vui. – Ông Quyển bảo – Hồi còn đóng quân ở rừng Tân Mộc ta có nghe được câu chuyện về một con hổ. Chuyện lạ lắm. Chưa biết chừng nó chính là con hổ vồ hụt cháu trên núi Nứa.

– Thật hả ông ?

– Ta cũng không biết nhưng nói chung loài hổ sống rất lâu, càng già càng tinh khôn. – Ông già nhắp ngụm rượu, khà một tiếng rồi bắt đầu kể…

(Xem tiếp kỳ sau)

Chú thích:

(1): Tiếng Pháp là quần, phiên âm theo kiểu “bồi”là “phăng”tức quần Âu


[2] Tiếng Pháp nghĩa là phu, thợ, công nhân, phiên âm là “cu li”

Comments are closed.