Nguyễn Đức Dương
Đọc hai bài của GS Nguyễn Tài Cẩn và nhà ngữ học Cao Xuân Hạo trên tạp chí Ngôn ngữ (số 1 và số 6/2003), trong óc tôi nảy ra một loạt ý nghĩ thú vị. Những ý nghĩ đó cứ lởn vởn mãi trong tâm trí, không chịu buông tha. Để đỡ bị ám ảnh, tôi thành thực muốn đem ra chia sẻ cùng các đồng nghiệp với hy vọng việc mình làm sẽ gợi lên trong trí những ai nặng lòng với tiếng Việt những cảm nhận minh xác hơn và gần sự thật hơn, nếu những ý kiến mình đưa ra không đến nỗi vô bổ.
Trước hết, tôi nhận thấy hai bài trên đều có chung một điểm: cả hai tác giả đều bỏ ngỏ vấn đề, không đi đến một kết luận dứt khoát. Hình như hai ông muốn nhường cái quyền ấy cho người đọc. Riêng tôi, tôi không tin là hai vị đó hoàn toàn thực tâm khi làm thế: tôi mơ hồ cảm thấy rằng GS Nguyễn Tài Cẩn trong thâm tâm vẫn tin chắc rằng thuyết RONG VÁT của mình là duy nhất đúng; còn PGS Cao Xuân Hạo cũng tin rằng thuyết TÀI SẢN/CỦA CẢI của ông là duy nhất đúng, mặc dầu cả hai đều thừa nhận SONG VIẾT [viết tắt là SV] còn có thể có nhiều cách đọc và cách hiểu khác nữa, như PGS Vương Lộc từng nêu trong cuốn Từ điển từ cổ của ông.
Tuy biết mình tuyệt nhiên không có chút tư cách nào để làm trọng tài, tôi cũng xin góp một tiếng nói rất nhỏ trong số những tiếng nói có thể, để góp phần làm sáng tỏ thêm đôi chỗ trong vấn đề hiện chưa ngã ngũ này.
Đầu tiên, tôi xin chia sẻ quan niệm của số đông các nhà khảo cứu: dù có diễn đạt nghĩa gì chăng nữa, dù có thể hiểu theo một cách duy nhất hay nhiều cách, hai chữ SV bao giờ cũng phải phù hợp với cái văn cảnh trong đó nó xuất hiện, tức phải có “tính khả dung”. Và, do thế, cách kiểm nghiệm tối ưu vẫn là thử xét xem trong các văn bản hữu quan, nó có làm cho câu trở nên sai ngữ pháp hoặc vô nghĩa hay không.
Những ngữ liệu mà nhà ngữ học Cao Xuân Hạo lấy từ Nguyễn Trãi toàn tập tân biên để trắc nghiệm thiết tưởng cũng đã đủ cho thấy điều đó. Tiếc thay, một đôi từ ngữ và câu cú được ông trích dẫn theo Nguyễn Trãi toàn tập tân biên hình như chưa quen thuộc lắm với cảm thức nhiều người đọc. Bởi vậy, để tiện kiểm nghiệm, tôi xin sử dụng lại mấy chục câu được PGS Vương Lộc dẫn ra trong công trình vừa nhắc và tiến hành công việc dự tính bằng chính những câu này[1].
Bây giờ tôi xin bắt tay vào việc.
1. Trong câu [1], Con cháu chớ hiềm SV ngặt, Thi thư thực ấy báu nghìn đời (Quốc âm thi tập [QÂTT], b.10), SV đi với NGẶT. Bởi vậy, SV có nhiều khả năng là một ngữ đoạn danh từ [dt.] (với cái nghĩa là TÀI SẢN/CỦA CẢI, chẳng hạn), chứ rất khó lòng là một ngữ đoạn vị từ [vt.] với nghĩa THƠ THẨN/DONG CHƠI, v.v. Nói khác đi, trong văn cảnh đang bàn, SV “có tính khả dung” cao hơn RONG VÁT nhiều, và nghĩa của câu thơ đang xét có thể được diễn giải như là: ‘Con cháu chớ có e ngại tài sản [nhà ta] nghèo’.
2. Những gì vừa nói về câu [1] rõ ràng cũng có thể dùng để nói về câu [2], Con cháu mựa hiềm SV ngặt, Nghìn đầu cam quýt ấy là tôi (QÂTT, b.13), vì nghĩa của MỰA và của CHỚ vốn gần nhau.
3. SV dùng trong câu [3], SV hằng lề phiến sách cũ, Hôm dao đủ bữa bát cơm xoa (QÂTT, b.18), rõ ràng cũng là một ngữ dt. vì ngữ đoạn đi liền sau nó là PHIẾN SÁCH CŨ. Hơn nữa, nếu HẰNG LỀ và ĐỦ BỮA, PHIẾN SÁCH CŨ và BÁT CƠM XOA là những cặp đối rất mực cân xứng thì SV và HÔM DAO cũng phải là một cặp đối như thế, một khi không muốn cho câu thơ bị lâm vào thế “chông chênh”. Mà HÔM DAO đã là một ngữ dt. thì SV không có lý do gì để lại là một ngữ đoạn thuộc từ loại khác cả.
4. Với câu [4], SV lại toan nào của tích, Bạc mai, vàng cúc để cho con (QÂTT, b.49), tình hình khác hẳn: ở đây ta không có một căn cứ nào đủ vững để đưa ra những nhận định xác đáng về tính từ loại của SV. Đó là lý do khiến tôi thúc thủ, và đây là trường hợp đầu tiên trong bốn trường hợp mà tôi sẽ lần lượt trình bày rõ thêm ở các đoạn sau (ss. thêm câu [7], câu [8] và câu [15] dưới đây).
5. Trong câu [5], Buồng văn khép cửa lọn ngày thu, Đèn sách nhàn làm SV nho (QÂTT, b.58), SV kết hợp với NHO. Nếu coi SV là một ngữ vt., ta đành phải xem NHO là bổ ngữ của nó. Giả thiết vừa nêu e khó được chấp nhận: *DONG CHƠI NHO, *THƠ THẨN NHO, *NHÀN TẢN NHO hay *PHÓNG TÚNG [KHOÁNG] NHO đều là những ngữ đoạn chẳng chỉnh mấy về ngữ nghĩa (và cả về ngữ pháp nữa !). Từ những gì vừa diễn giải, chúng ta có thể tạm kết luận: nên coi SV dùng trong câu này như một ngữ dt. thì hơn, vì chỉ làm như thế ta mới có cơ may đưa ra cho câu thơ một lời diễn giải thuận tai, chẳng hạn như lời diễn giải sau: ‘[Phỏng] tư nghiệp của ai có thể sánh bằng tư nghiệp của nhà nho’.
6. Trong câu [6], SV có nhiều dân có khó, Cửa nhà càng rộng thế càng phiền (QÂTT, b. 143), SV cũng được dùng với tư cách là một ngữ dt. diễn đạt nghĩa TÀI SẢN/CỦA CẢI, vì hai lẽ: nó (a) vừa
“mạch lạc” về nghĩa với hai ngữ CÓ NHIỀU và [dân] CÓ KHÓ [= NGHÈO] đi sau nó, vừa (b) là vế đối cân xứng của CỬA NHÀ ở câu tiếp theo.
7. Câu [7], SV huống còn non nước cũ, Mặc dầu thua được có ai tranh ? (QÂTT, b. 156), là trường hợp thứ hai khiến chúng tôi lúng túng vì những lí do tương tự như lí do đã diễn giải ở điểm 4.
8. Có thể lấy những gì vừa nói tại điểm 4 và điểm 7 để nói về câu [8], Một yên, một sách, một con lều, SV bao nhiêu mặc bấy nhiêu (QÂTT, b.164), và đây là truờng hợp thứ ba khiến chúng tôi bó tay
khi thử diễn giải cho tám câu thơ trong QÂTT.
9. Nếu NĂM HỒ và BỐN BIỂN là một cặp đối rất chỉnh thì SV và NẾT NA trong [9], Năm hồ những lấy làm SV, Bốn bể đều thời thấy nết na (Hồng Đức quốc âm thi tập [HĐ], b. 32), có nhiều khả năng cũng sẽ tạo nên một cặp đối như thế. Chỉ có một điều khiến chúng tôi còn e ngại: chưa rõ vào thời Hồng Đức, NẾT NA đã chuyển từ loại để trở thành một ngữ vt. diễn đạt nghĩa ‘tốt nết, dễ mến (chỉ nói về con gái và phụ nữ còn trẻ)’[2], như hiện thời hay chưa?
10. Riêng với câu [10], Ngư hà SV ngày hằng đủ, Bạng duật đôi co thế ngại dòm (HĐ, b. 54), SV và ĐÔI CO phải là hai vế của một cặp đối. Vì vậy, SV phải là một ngữ vt.. Đây là trường hợp đầu tiên cho thấy giả thiết RONG VÁT thắng thế. Nhưng ngay cả ở Nguyễn Du, như nhiều nhà khảo cứu giàu kinh nghiệm từng nêu rõ, ta vẫn gặp không ít trường hợp không tuân thủ nghiêm ngặt lắm luật đối ngẫu. Bởi vậy, đó vẫn chưa phải là một chứng cứ đủ xác đáng để loại bỏ hẳn cái nghĩa CỦA CẢI ở SV. Cho nên, có lẽ cũng chẳng có gì là phi lý cả một khi ta vẫn diễn giải câu thơ theo cách: ‘Ngư hà là thứ của cải lúc nào cũng đủ’.
11. Ở câu [11], (HĐ, b.59) (cũng như ở câu [12], Một rìu, một búa của hôm chiều, SV ai bằng SV tiều (HĐ, b.60), câu [13], Một cày, một cuốc, phận đã đành, SV ai bằng SV canh (HĐ, b.61), và câu [14], Nẻo ra thì thấy phu đồng bộc, SV ai bằng SV mục (HĐ, b. 62), tiếp theo), có lẽ ta nên coi SV là ngữ dt. vì những lý do như đã trình bày tại điểm 5: ‘[Phỏng] tư nghiệp của ai có thể sánh bằng tư nghiệp của dân chài lưới [/của dân đốn củi, /dân làm ruộng, /dân chăn thả gia súc]? Hiểu theo cách đó, nghĩa của toàn câu sẽ tự nhiên hơn là hiểu theo mô hình cú pháp: ‘ai chơi nhởi cho bằng dân chài [/dân đốn củi, /dân làm ruộng,…] chơi nhởi’ hay ‘xét về xuôi ngược thì ai bằng được sự xuôi ngược của dân chài ? [/của dân đốn củi, /của dân làm ruộng,…]’, một cách hiểu đòi hỏi phải thêm thắt khá nhiều để “chỉnh trang” ngữ vt. thành một ngữ dt., hoặc phải đảo trật tự vốn có của câu; rốt cục, nguyên bản tất sẽ bị thay bằng một văn bản khác hẳn.
12. Câu [15], Phong nguyệt ít nhiều SV đủ, Khứng đâu vay bợ, khứng cho ai (HĐ, b. 63), lại đẩy chúng tôi vào tình thế lúng túng, như khi thử diễn giải cho câu [7] hoặc [8].
13. Câu [16], Bốn mùa SV một thuyền chài, Sớm chốn giang hồ, tối nguyệt đài (HĐ, b. 64), theo cảm giác chủ quan, là trường hợp duy nhất trong đó giả thiết SV và RONG VÁT nằm ở thế quân bình nhau. Thậm chí nếu thay SV bằng RONG VÁT, ta còn có một câu thơ giàu hình ảnh hơn so với cách hiểu SV là TÀI SẢN, tuy rằng cách hiểu thứ hai này tuyệt nhiên không phải là một cách hiểu phải bị loại bỏ.
14. Ở câu [17], Khách đến hỏi: nào SV ? Nữa rằng: còn một túi thơ treo (Bạch Vân quốc ngữ thi [BV], b. 35), SV với nghĩa là CỦA CẢI lại thắng thế: thay SV bằng RONG VÁT hiểu theo bất cứ cái nghĩa nào trong số những nghĩa được GS Cẩn đề nghị, câu thơ cũng sẽ mất ngay tính “mạch lạc” về mặt nghĩa, vì lời đáp của chủ nhà có cho biết: “Ngoài những món TÀI SẢN mà ông [tức là “khách”] vừa thấy, tôi [tức chủ nhà] còn muốn ông lưu ý thêm một món nữa: cái TÚI THƠ TREO ở đằng kia!”.
15. SV dùng trong câu [18], SV hãy còn hai rặng quýt, Thất gia chẳng hết một căn lều (BV, b. 47), cũng lại là một ngữ dt., bởi lẽ nó vừa “mạch lạc” với HAI RẶNG QUÝT về nghĩa, vừa cùng với THẤT GIA tạo nên một cặp đối chỉn chu.
16. Do kết hợp với NHO ở câu [19], Buồng văn cài cửa, luận Xuân thu, Đèn sách nhàn làm SV nho (BV, b. 113), và với NHÀ CÒN NGẶT ở câu [20], Mựa hiềm SV nhà còn ngặt, Tích đức cho con ấy mới mầu (BV, b.122), nên SV rất khó có có thể là một ngữ vt.).
Nói tóm lại, giả thiết SV đã thắng thế rõ rệt ở 14 trong tổng số 20 câu tồn nghi. Với sáu câu còn lại, thì ngoài câu [16], trong đó SV và RONG VÁT nằm ở thế quân bình, ở năm câu ([4], [7], [8], [10], và [15], ta hiện chưa có một chứng cứ ngôn từ xác đáng nào để khẳng định dứt khoát tính từ loại của SV cả.
Từ những gì đã trình bày, tôi trộm nghĩ chúng ta có thể đi đến một kết luận nhỏ: cái nghĩa thường xuyên nhất (hay có mặt nhất) trong hai mươi trường hợp đang xét chính là cái nghĩa TÀI SẢN/CỦA CẢI.
Viết bài này, tôi chỉ mong góp một số suy nghĩ của một người không chuyên về Hán Nôm, chứ tuyệt nhiên không hề có tham vọng nói lên tiếng nói sau cùng.
Tháng Tư năm 2003
[1] Theo PGS Vương Lộc (Từ điển từ cổ, in lần thứ hai, có sửa chữa và bổ sung, Nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2002, tr. 146), SV hiện có tới sáu cách đọc. Ngoài hai cách vừa nhắc:
(1) RONG VÁT = ‘dong chơi, thơ thẩn, nhàn tản, phóng túng’ (Nguyễn Tài Cẩn) và
(2) SONG VIẾT = ‘tài sản, của cải hay ‘tư nghiệp’ (Cao Xuân Hạo & Trần Xuân Ngọc Lan),
hai chữ này còn có thể được đọc là:
(3) SONG VIẾT (Trần Văn Giáp & Phạm Trọng Điềm)
(4) SUÔNG NHẠT (Đỗ Văn Hỷ),
(5) NÔ BỘC, SỚM TỐI (Đào Duy Anh) và
(6) SONG NHẬT (= ‘Ngày chẵn trong tháng, nhà vua không ra ngự triều, các quan không phải vào chầu vua, được nhàn nhã, nghỉ ngơi, thong thả’ (Nguyễn Quảng Tuân & Bùi Văn Nguyên).
[2] Như Từ điển tiếng Việt (1994) từng định nghĩa.