Kim dạ nguyên tiêu…

Lê Học Lãnh Vân

Mấy người bạn quý của tui, trong đó có hai chị bạn thân, vốn cũng là người tích cực viết lách, thường than thở sao thiên hạ làm thơ nhiều quá, lại rất nhiều thơ dở hay tàng tàng, na ná nhau!

Làm rồi in, in rồi tặng, mắc mệt!

Ai biểu chị mệt? Tặng thì cầm lấy, về đọc không tùy mình!

Họ tặng mình phải khen, khen mới mệt. Kiếm được một chữ khen cũng mệt!

Biết tui hay làm thơ (không phải làm thơ hay), hai chị dặn trước:

Tụi tui không nhận thơ tặng à nha!

Các anh chị có quan sát thấy trên nhiều trang Phây cũng xuất hiện những lời bộc bạch tương tự?

Tui thích đọc thơ. Miễn thơ gợi cho mình niềm vui hay nỗi buồn là thích. Cũng thích những bài thơ khiến mình suy nghĩ về một cấu trúc thơ mới phù hợp với ý tứ. Cũng thích những bài thơ dù không được tu từ thích hợp nhưng khiến mình cảm nhận sự chân thành của tình, ý… Nói chung tui thích đọc thơ, chơi thơ, ít khó tính về thơ, vậy mà nhiều khi đọc những bài văn vần phải tự hỏi, có phải thơ không! Kể cả khi đọc những bài trang trọng đăng trên báo, báo chính thống nữa, mà tự lo sợ, và tự hỏi không biết mình có “mát”, có “hâm” không! Ấy là bởi nếu người làm, người đăng những bài thơ đó không “mát” thì người đọc thơ với cảm nhận như tui phải “mát”, phải “hâm”!

Có người nói thơ không có tính chính trị mới là thơ! Tui nghĩ khác, những bài của ông Tố Hữu bảy tám chục năm xưa như bài Ly rượu thọ, bài Tiếng hát sông Hương… chính là thơ, lại thơ hay! Dễ thấy tính chính trị trong các bài thơ ấy, và đồng thời chúng cũng nói lên tâm trạng, số phận, ước mơ, hoài bão… của không ít người. Vậy chính tâm trạng, số phận, ước mơ, hoài bão… của nhiều người, khi được diễn tả chân thành bằng từ đắc địa, câu đặt khéo léo, tứ tinh tế thích hợp… mới khiến bài văn vần thành bài thơ. Sau này, khi đọc ông Tố Hữu viết về khai thác dầu khí ngoài khơi Vũng Tàu, tôi phì cười!

Ta nhìn khói lửa cay mi mắt

Lại nhớ Lê-nin, nhờ bác Hồ” (Khói lửa này cách nơi nhà thơ đứng xa lắm lắm, không đủ sức khiến ông cay mi mắt!)

Ông Lê-nin mất thủa ông Tố Hữu mới toe toe tiếng khóc chào đời, dù theo con đường Lê-nin vạch ra, ông Tố Hữu sao lại có “dư nước mắt khóc người đời xưa” được như vậy? Một người cháu nội, dù tự hào về dòng họ, ông bà, ngày giỗ ông nội, người đã mất lúc mình mới sinh ra, chỉ thấy lòng thành kính, yêu quý ấm cúng trong ngày sum họp chứ hiếm người cháu nào khóc cay mi mắt (hic)! Tình cảm ông Tố Hữu diễn tả là cái tình rất rất rất hiếm trong nhân gian cho nên bị cảm nhận giả dối, không thành thật. Thơ mà bị cảm không thành thật thì làm sao đủ mức rung động lòng người? Bài thơ có tính chính trị rõ rệt, lại bị cảm nhận không thành thật thì người đọc không chỉ thấy thơ dở mà còn đặt câu hỏi khác về người viết! Nếu ông Tố Hữu còn sống, những bài thơ như vậy có được trân trọng thả lên trời đêm Nguyên Tiêu không?

Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức vào tối ngày 15 tháng giêng âm lịch hàng năm, tức đêm Nguyên Tiêu. Trong đêm lễ đó, bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường được nhắc tới (1). Cũng như mọi sự kiện của nước Việt, Ngày Thơ Việt Nam được tung hô rầm rộ bởi một nhóm người và cùng lúc bị chê bai không kém bởi một nhóm khác. Thiệt tình, thoạt đầu, tui không hiểu người ta phản đối, chê ngày này vì lý do gì! Nhiều người Việt thích làm thơ, đọc thơ, những người đó tổ chức Ngày Thơ cho họ thì có gì phải phản đối?

Ngày Thơ đầu tiên được tổ chức năm 2003 tại Quốc Tử Giám “nhằm tôn vinh thành tựu thơ Việt Nam, theo quyết định của Hội Nhà Văn Việt Nam, dưới sự đồng ý và chỉ đạo của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam”. Như vậy, Ngày Thơ có tính chính trị rất rõ rệt, và theo cách quản lý xã hội Việt Nam, đối tượng chính của ngày này là những nhà thơ, những bài thơ tôn vinh Đảng, ca tụng cái đẹp của xã hội hiện nay. Những nhà thơ độc lập, cảm nhận trước và dự báo những hiện tượng, sự việc không hay, không đẹp có thể xảy ra cho Tổ quốc, dân tộc, những nhà thơ này khó chen chân… Phải chăng đó là một lý do của những chê bai, dè bỉu Ngày Thơ?

Thơ nói riêng và văn chương nói chung cần không khí tự do mới nảy lộc, đâm chồi. Mới cách tân, sáng tạo muôn hình thức diễn tả sinh động, hấp dẫn. Mới giới thiệu, du nhập các trào lưu tư tưởng tiến bộ, văn minh của nhân loại. Mới nâng trình độ người dân gần rồi ngang bằng trình độ thế giới. Không khí thiếu tự do, ít cởi mở khiến thơ ngày càng đi vào lối mòn, sáo rỗng về hình thức và tắc tị về chủ đề, tư tưởng. Không khí thiếu tự do sẽ khiến xã hội ngày càng bức bí, và điều này liên quan biện chứng với tính ao tù nước đọng của văn chương. Phải chăng đây là một lý do khiến các bạn tôi than thở về nền thi ca nước nhà hiện nay như nói ở phần mở đầu?

Bài viết này không phản đối Ngày Thơ. Chỉ mong đêm Nguyên Tiêu mỗi năm, khi ngâm câu Kim Dạ Nguyên Tiêu (1), giữa mịt mờ sương khói của Yên Ba Thâm Xứ (1), trong số các nhà tổ chức có một hai ông lão giăng câu quan sát trăng thu gió xuân (2), thấu hiểu lẽ đời, lòng người, góp phần canh tân để tiếng nói các bài thơ trong Ngày Thơ ngày càng đa chiều hơn. Có thể hy vọng được không rằng điều này góp phần để Ngày Thơ Việt Nam ngày càng được đông đảo người Việt yêu quý và tham gia rộng rãi như Ngày Lễ Âm Nhạc hàng năm của Pháp?

Ngày 06 tháng 02 năm 2023

====================

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Nguyên tiêu

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền (Hồ Chí Minh)

Lấy ý câu “Quán khan thu nguyệt, xuân phong” trong bài từ của Dương Thận, nghĩa là thường nhìn trăng mùa Thu, gió mùa Đông, ý nói hai ông lão Ngư, Tiều từng trải. Bài từ này rất nổi tiếng, được Mao Tôn Cương lấy làm bài thơ mở đầu Tam quốc chí diễn nghĩa khi hiệu đính tác phẩm này. Trong bài Nguyên tiêu có câu “Yên ba thâm xứ đàm quân sự” khiến nhớ tới câu “Yên ba thâm xứ hữu ngư châu” của Cao Bá Quát, từ đó liên tưởng đến hình ảnh ông lão giăng câu có tầm nhìn thông thiên cổ trong bài từ nói trên của Dương Thận.

Comments are closed.