Kính tiễn Thầy, giáo sư Nguyễn Văn Hạnh

Lê Huyền Ái Mỹ

 

Lần đầu tiên được gặp và học thầy là môn Lý thuyết tiếp nhận thuộc chuyên ngành Lý luận văn học. Lâu nay toàn học lý luận thi pháp, về công việc của người sáng tạo, nhà văn, nhà thơ; giờ lần đầu được nghe giảng về phía độc giả. Thú vị. Dễ hiểu. Về lật đọc lại cuốn “Tìm hiểu thi pháp M. Bakhtin”, hồi lớp 11, “bị” cô giáo chủ nhiệm Võ Thị Quỳnh ép đọc, mới thấy hay vô cùng tận.

Tiết học cuối, thầy đề nghị, có ai hát cho thầy nghe một bài. Cả lớp xúi, mình cũng dại nghe theo, hát “Hạnh phúc lang thang” tặng thầy. Ánh mắt hiền từ, ấm áp, rất vui.

Hết môn, chạy xe lên lăng Tự Đức với bạn “ruột”, là cô giáo dạy khoa Pháp, khoe mới học xong môn Lý thuyết tiếp nhận rất thú vị. Tất nhiên là kể về thầy Hạnh. Cô bạn bảo, nếu không có thầy Hạnh thì vợ chồng mình không có hôm nay. Sau đó mình mới biết, cả hai vợ chồng, nhất là cô vốn đạo gốc, hồi mới giải phóng, họ không được đứng lớp. Nhưng chính thầy Nguyễn Văn Hạnh đã bảo vệ họ, bởi đơn giản họ giỏi và tận tâm.

2 năm sau, sau khi tốt nghiệp… 1 tuần, mình vô Sài Gòn. Gặp thầy. Thầy nhớ “con bé hát tặng thầy đây mà” và khuyên “đất này, cử nhân chưa đủ, có khi em nên về Huế học thêm rồi hãy vào lập nghiệp”. Mình cơ bản không muốn quay về lại nơi mình đã muốn rời đi. Nên khi thi đậu vào báo Phụ Nữ, rảnh quá, không biết làm gì ngoài viết vài ba tin bài, mình đi thi cao học. Ngày thi, mình chả nhớ môn nào cơ bản, cơ sở, nhưng thi ngành Văn học phương Tây, “gặp” ông Aragon. Rồi vào học. Môn văn học Nga, mình lại được gặp thầy.

Đến lúc đó thầy mới hay mình chẳng chịu nghe lời thầy khuyên. Hôm thi hết môn, thầy cho thi vấn đáp, điểm thi là 1 căn phòng nằm trong 1 khu chung cư cũ ở Phú Nhuận. Mình chọn Dostoyevsky và trình bày trước thầy chừng 10 phút, thầy hỏi thêm một hai câu, rồi thầy cho… mém 10. Mình nghĩ dại, chắc thầy cộng thêm điểm bài hát “dũng cảm” năm nào.

Ngày bảo vệ luận văn, thầy là chủ tịch hội đồng. Thầy Lương Duy Trung hướng dẫn thấy mình đến sớm, biết là chưa kịp ăn sáng, thầy dẫn ra căn tin ép ăn rồi dặn, con cứ coi các vị ấy là xà lách củ cải… Mình phì cười, như quên béng sự căng thẳng.

Rồi cũng qua mấy vòng. Rồi thầy kết luận. Mình chỉ nhớ một câu thầy nói, tôi không biết sắp tới cô sẽ chọn con đường nào để đi bởi tôi nhìn thấy ở cô cả tư duy lẫn hành động. Chính mình, cái thời non nớt ấy cho đến giờ, vẫn còn quá nhiều điều “không biết” để đi.

Một ngày nghe tin thầy bệnh, mình đi với chị bạn vô quận 5 thăm thầy. Đến khi đứng lên chào thầy ra về, thầy chỉ vô mình nói, thầy giao cho nó cái phong bì đựng đề thi nhờ mang tới giáo vụ, nó quên béng, đến ngày, phòng gọi hỏi thầy. Thầy biết con bé quên rồi, ra đề mới.

Thầy cười, nụ cười tươi nhất từ ngày mình biết thầy. Còn mình, đứng chôn chân.

Chào thầy, trở ra, mình lầm lũi bước trong con hẻm tối om, ngoái nhìn căn nhà ấm áp, yêu thương và đầy độ lượng…

Sao trước những thầy cô giáo, mình luôn là đứa học trò đầy lỗi thế này!

Thầy ơi…

image

Comments are closed.