Lan man từ nỗi lo của đại tướng

Lê Học Lãnh Vân

Ông Phùng Quang Thanh vừa mất. Đinh đã đóng vào săng thì cũng xin khép lại “cuốn sổ bình sinh” (Trương Vĩnh Ký) chép những trách giận với ông! Bài viết này chỉ ghi lại vài suy nghĩ lan man về một góc lịch sử – thời sự gần đây có liên quan tới vai trò đại tướng!

Sau khi ông Phùng Quang Thanh mất, báo chí chính thống đăng những bài viết nhắc lại chiến công và lòng dũng cảm của ông thời đánh Mỹ. Gọi là đánh Mỹ, thực chất là đánh người Việt tại Miền Nam, vì trên thực tế đối diện với mũi súng và những trái lựu đạn chủ yếu là đồng bào Việt Nam ngã xuống!

Rất nhiều người Việt hôm nay cho rằng có thể hiểu được cuộc chiến kháng Pháp giành độc lập, nhưng sang cuộc chiến chống Mỹ thì họ đăt câu hỏi có phải đã xác định sai mục tiêu, sai đối tượng, nên sau cuộc chiến Việt Nam mới chậm tiến như thế này! Dù sao, với những chiến sĩ ủng hộ việc Miền Bắc lao mình vào Miền Nam chống Mỹ, tôi thương họ khi họ thực lòng tin rằng mình đang đi vào cái chết vì lý tưởng. Ở vị trí cấp dưới, họ không chịu trách nhiệm quyết định chiến tranh. Dù không ủng hộ cuộc “hai mươi năm nội chiến từng ngày” (Trịnh Công Sơn), tôi khâm phục sự dũng cảm của ông Phùng Quang Thanh và những người như ông. Phải dũng cảm và có thành tích chiến đấu ông mới được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời đó!

Khi cuộc chiến giữa hai miền Bắc và Nam Việt Nam kết thúc, Trung Quốc đưa quân giết người, cướp đảo, cướp biển Việt Nam, kiểm soát vùng biển truyền thống của dân Việt, triệt đường sinh sống của ngư dân Việt và luôn tìm cách đẩy Việt Nam vào thế phụ thuộc Trung Quốc. Các việc này kéo dài hàng chục năm cho thấy chánh sách nhất quán của họ. Ở vị trí của mình, ông Phùng Quang Thanh chứng kiến điều đó. Ông cũng chắc chắn phải biết trong liên tục mấy chục năm trước đó Trung Quốc đã thể hiện ý đồ rất xấu với Việt Nam, luôn can thiệp sao cho Việt Nam nghèo yếu!

Vậy mà, khi người dân tụ họp phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, ông Phùng Quang Thanh, một trong những người ở đỉnh cao quyền lực, lại tuyên bố rất lo lắng khi nhiều người Việt ghét Trung Quốc bành trướng và xâm lấn Việt Nam! Điều này được lý giải ra sao? Cùng một chủ quyền, tại sao trước năm 1975 ông liều thân dũng cảm bảo vệ, và sau năm 1975 thì ông khoanh tay đứng ngó, xem kẻ xâm lấn chủ quyền là bạn thiết và chống lại những thể hiện của người dân bảo vệ chủ quyền? Ở vị trí của đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phát biểu của ông gây nhiều tổn hại vì là cú đấm trực diện vào tinh thần, truyền thống bảo vệ nền độc lập của người Việt!

Trước rất nhiều tiếng ồn ào lên án, tôi lùi xa một chút để quan sát…

Ông Hoàng Xuân Hãn từng cho tôi biết rằng trước khi bước vào trường kỳ kháng Pháp, ông Võ Nguyên Giáp nói với ông:

Chúng ta chỉ mất mười, mười lăm năm để đánh Pháp, rồi sau đó làm bạn với Pháp luôn. Nhưng chúng ta sẽ mất cả ngàn năm đối phó với Tàu” (tư liệu do tiếp xúc riêng).

Ông Ngô Đình Nhu cũng có cùng cách nhìn thời cuộc như vậy. Dù người anh và cháu trai trong gia đình ông Nhu bị Việt Minh giết, ông vẫn thông cảm với ông Hồ Chí Minh và ông Võ Nguyên Giáp về việc hai ông này dựa vào khối Cộng sản để giành độc lập. Và ông yêu cầu Miền Bắc đừng tiến công Miền Nam sau năm 1956 để hai Miền yên ổn phát triển kinh tế. Ông sợ nội chiến khiến Việt Nam suy yếu rồi sẽ lại rơi vào vòng mất tự chủ bởi thế lực ngàn năm luôn muốn nô thuộc Việt Nam. Ông đã nhìn thấy từ năm 1960 rằng Việt Nam mà theo khối cộng sản là Việt Nam đưa đầu vào tròng cho Trung Quốc nắm, và ông kinh khiếp khi nghĩ tới tương lai!

Ông Hoàng Xuân Hãn thì thân tại Pháp mà lòng lúc nào cũng nghĩ về tổ quốc, làm việc cho tổ quốc. Năm 1996 ông đi bộ tới toà đại sứ Việt Nam trao lá thơ gởi lãnh đạo Việt Nam yêu cầu cảnh giác với các động thái của Trung Quốc bất lợi cho Việt Nam. Ông mất năm đó vì té khi đi bộ từ toà đại sứ Việt Nam về nhà!

Ông Nhu, ông Hãn, ông Giáp, ba ông có thể có phong cách khác nhau, chính kiến khác nhau, có giải pháp cho đất nước khác nhau, nhưng có cùng tầm nhìn.

Ấy là bởi ba ông có nền học vấn cao sâu và chịu khó học hỏi suốt đời. Cho nên các ông có tầm nhìn xa, phân biệt rõ ràng cái hoạ trước mắt với cái hoạ lâu dài, mục tiêu độc lập với phương tiện giành độc lập. Các ông dùng phương tiện để đạt mục tiêu chứ không vì lo giữ phương tiện mà bỏ mục tiêu. Các ông biết thứ tự ưu tiên, tập thể nhỏ phải nằm trong, nằm dưới tập thể rộng lớn hơn! Kiến văn sâu sắc về lịch sử khiến lòng yêu nước, yêu dân tộc của các ông chính xác là vì dân, vì nước chứ không vì một cái gì bên ngoài dân bên ngoài nước. Đó mới là căn bản của những nhà lãnh đạo mà đất nước cần!

Người ở vị trí trách nhiệm cao không có tầm học vấn tương xứng khó có năng lực và dễ mất đạo đức. Họ không phân biệt các giá trị, lẫn lộn các khái niệm. Có mảnh bằng ưu đãi tưởng có kiến thức; trọng hư danh hơn thực tài; để tiền của bất chánh che lấp trách nhiệm. Tầm nhìn ngắn hạn hay sai lệch của họ là nguy cơ đẩy quốc gia vào “chính sự phiền hà” và có thể lần lần vùi dân chúng xuống “hầm tai vạ” (Bình Ngô Đại Cáo).

Cái họa của Việt Nam hiện nay đã rõ. Đó là nguy cơ tụt hậu hơn nữa và mất tự chủ về tay Trung Quốc, quốc gia mà mấy chục năm qua Việt Nam đã tự để mình lệ thuộc quá nhiều mặt! Cái hoạ này, so với cái hoạ gây ra bởi tầm nhìn ngắn hạn hay sai lệch của người ở vị trí trách nhiệm cao, cái hoạ nào đáng lo hơn, lớn hơn?

Bài viết này mơ hồ thấy những mạch thay đổi ngầm đang bắt đầu chảy dưới lớp đất khô cằn. Phải chăng cùng đang tắc biến? Hy vọng những dòng chảy ngầm nhỏ lần lần hợp mạch đủ sức giúp những mầm trí thức và đạo đức phát triển thành cây xanh phủ đất… Chỉ có màu xanh tri thức mới giúp quốc gia cường thịnh bền lâu!

Ngày 12 tháng 9 năm 2021

Comments are closed.