Lan man về hai bài thơ xướng họa Tôn Phu Nhơn quy Thục

Lê Học Lãnh Vân

Ngày 18/7/2023, anh Lê Nguyễn vừa post lại bài TÔN THỌ TƯỜNG, DANH SĨ ĐẤT GIA ĐỊNH THẾ KỶ XIX trên trang Phây của mình. Bài viết nhắc bài thơ Tôn Phu Nhơn quy Thục của Tôn Thọ Tường và bài họa của Phan Văn Trị, hai danh sĩ phương Nam. Hai bài này gợi nhớ một số kỷ niệm gần gũi với tôi, xin chép ra mời anh chị đọc và đáp tạ bài viết của anh Lê Nguyễn!

TÔN PHU NHƠN QUY THỤC

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng,

Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông!

Lìa Ngô, bịn rịn chòm mây bạc,

Về Hớn, trau tria mảnh má hồng.

Son phấn thà cam dày gió bụi,

Đá vàng chi để thẹn non sông.

Ai về nhắn với Châu Công Cẩn:

Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng

và Cử nhơn Phan Văn Trị đã họa lại như sau:

Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng,

Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông.

Ngút tỏa đồi Ngô ùn sắc trắng,

Duyên về đất Thục đượm màu hồng.

Hai vai tơ tóc bền trời đất,

Một gánh cang thường nặng núi sông.

Anh hỡi! Tôn Quyền: anh có biết?

Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng.

Bài viết dưới đây xin được chia hai phần: Phần 1: Bình hai bài xướng họa trên, và Phần 2: Kể những kỷ niệm và suy nghĩ liên quan.

Phần 1: Bình hai bài xướng họa Tôn Phu Nhơn quy Thục

Luôn luôn tôi cho rằng bài của Tôn Thọ Tường hay hơn. Bài của Tôn Thọ Tường đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú.

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng

Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông!

Nếu dựa vào Tam Quốc Chí, chúng ta thấy hai câu trên làm tròn nhiệm vụ hai câu đề, giới thiệu Tôn Phu Nhơn, người con gái danh gia vọng tộc đất Giang Đông, tính hào sảng và thích chơi đùa với binh khí. Thực là bậc cân quắc anh thư, không cam bề gia thất với một công tử văn nhược mà quyết chí chọn trượng phu trong chốn anh hùng rồng hổ. Phu nhơn mang gươm lên ngựa về với Lưu Huyền Đức.

Lìa Ngô, bịn rịn chòm mây bạc,

Về Hớn, trau tria mảnh má hồng

Lạy giã biệt Mẹ già, rời quê hương Đông Ngô về với chồng nơi đất Thục cho trọn phận má hồng. Lưu Huyền Đức thuộc dòng dõi nhà Hán (dân Miền Nam gọi là Hớn) nên về với chồng là về Hớn. Hai câu Thực làm rất tròn vai trò, nơi đây là tả hoàn cảnh cuộc ra đi!

Son phấn thà cam dày gió bụi

Đá vàng chi để thẹn non sông

Đời xưa, đường từ Giang Đông (Ngô) sang Thục khó như đường lên trời. Thục đạo nan, Thục đạo nan! Cô gái trẻ không ngại đường xa hiểm trở, quyết xông pha gió bụi cho trọn nghĩa phu thê, không thẹn với non sông. Ba chữ “thẹn non sông” không hề cường điệu vì đây là đám cưới vương giả, đám cưới kết nghĩa giữa hai gia tộc chúa Giang Đông và chúa Ích Châu (Thục). Hai câu này rất xứng với vai “Luận” vì nêu rõ ý chí và hào khí ngất trời của Tôn Phu nhơn!

Ai về nhắn với Châu Công Cẩn:

Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng

Và hai câu kết chốt lại lời nhắn gởi Châu Du Châu Công Cẩn, đại tướng Đông Ngô, và qua đó cũng thưa với anh Tôn Quyền, rằng em đi chuyến này là vì bổn phận với xã tắc Đông Ngô, với nghiệp lớn họ Tôn, cũng là trọn đạo tam cương. Sở dĩ có hai câu kết này là vì chuyến xuất giá của Tôn Phu Nhơn bị các đạo tinh binh của Châu Du, với sự đồng ý của Tôn Quyền, chặn đánh kịch liệt. Thử tưởng tượng, sau đoạn đường nguy hiểm, khi Tôn Phu Nhơn bước chân an toàn lên đất Thục, bà quay lại nhắn với quân tướng Ngô đang tiu nghỉu…

Ai về nhắn với Châu Công Cẩn:

Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng

Thì hai câu này hợp tình cảnh, hợp tâm lý bao nhiêu! Mà cũng là hai câu kết tuyệt vời!

Ngoài hay về nội dung, bài thơ của Tôn Thọ Tường cũng rất tuyệt về hình thức. Niêm chặt chẽ. Vần toàn chính vận, trừ câu đầu vận ong, tất cả các câu hai, bốn, sáu tám đều cùng vận ông. Thực ra thì ong và ông cũng có thể xem như chính vận!

Bốn câu Thực và Luận đối rất chỉnh. Chỉnh về âm, chỉnh về từ loại, chỉnh về vai trò của từ trong câu, chỉnh về cấu trúc câu!

Niêm chặt, vần chính, đối chỉnh nhưng toàn bộ bài thơ rất thanh thoát và uyển chuyển tự nhiên. Điều này chứng tỏ tác giả rất thành thạo kỹ thuật thơ thất ngôn bát cú. Xin mời anh chị đọc chậm rãi hay ngâm nga bài thơ này để cảm mức độ thanh thoát của nó.

Lại thêm một chi tiết: bài thơ viết bằng văn mộc mạc của vùng đất mới mở. Thơ Đường luật thất ngôn bát cú dễ viết hơn với từ Hán Việt, bài thơ của cụ Tôn Thọ Tường lại rất ít từ Hán Việt, ngoại trừ một số từ Hán Việt đã được dùng thông dụng như từ thuần Nôm như tòng, hồng mà trên thực tế đã rất gần gũi với văn chương bình dân. Nhớ lại thời đó, cách nay khoảng trăm rưỡi năm, khi những bài viết còn khá ngô nghê thì người viết được bài này phải là tay tuyệt bút!

Bài họa của cụ Phan Văn Trị không có những điểm xuất sắc như bài của ông Tôn Thọ Tường. Thông điệp rõ rệt của bài họa là, Tôn Phu Nhơn theo chồng là đúng, nhưng anh Tôn Thọ Tường à, anh là đờn ông, phận trai phải thờ chúa chớ lẽ đâu bắt chước đờn bà theo chồng! Về mặt họa để tranh luận, bút chiến, bài của cụ Phan hay vì đạt mục tiêu. Nhưng có lẽ mãi theo luận đề, cụ cử Trị không có dòng thi hứng tự nhiên như ông Tôn Thọ Tường nên đường bút có chút gì đó gò ép. Vai trò của các câu Đề, Thực, Luận, Kết vừa không rõ ràng lắm vừa có chút gì đó chồng lấp nhau. Thí dụ, câu thừa đề không còn vai trò giới thiệu, dẫn nhập mà đã phần nào bước qua vai trò của câu thực…

Phần 2: Kể những kỷ niệm và suy nghĩ liên quan

Hai bài thơ này chúng tôi được học và từng bình giảng từ lớp dưới. Lên lớp 12 chúng tôi học triết với một giáo sư vừa trẻ trung phóng khoáng, vừa có khối kiến thức dồi dào, được nhiều bạn trong chúng tôi coi là thần tượng! Ngộ ghê, thầy xuất thân trường Tây, giảng bài lâu lâu xổ tiếng Pháp, vậy mà mê thích văn chương Việt, ông là nhà văn nổi tiếng mà! Ông thường nói chuyện dẫn dụ chúng tôi vào thế giới văn chương lẫn triết học.

Sau năm 1974, khi các tạp chí Văn, Văn Học… không còn và một phần giới văn nghệ sĩ Miền Nam tan tác, tôi thường tới thăm ông tại căn nhà trong hẻm bên hông rạp Quốc Thanh. Trong những câu chuyện văn chương, thầy ưa nhắc và thuyết cho tôi nghe Victor Hugo, Albert Camus, André Gide, Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh, Một thời để yêu và một thời để chết… Và Thầy biểu tôi nói về cổ văn. Hai bài thơ xướng họa Tôn Phu Nhơn quy Thục được chúng tôi nhắc tới trong một dịp như vậy.

Bài bình trong phần một là nội dung chính tôi trình bày với thầy. Thầy đồng ý với ý kiến về bài của ông Tôn Thọ Tường, và không đồng ý với nhận xét về bài của cụ cử Trị. Theo ý thầy, không thể nhận xét về bài thơ họa như vậy. Đó là bài họa rất hay trong văn học sử Việt Nam, lý luận thuyết phục, đầy chính nghĩa lẫm liệt và chứa giá trị đạo đức truyền thống sáng ngời. “Trai ngay thờ chúa” nghĩa là thờ giang san tổ quốc. Của tiền Bến Nghé vừa tan bọt nước, nhà cửa Đồng Nai vừa bị Pháp đốt khói đen mây, Pháp đặt ách xâm lược trên quê hương thì bài thơ họa này của cụ cử Trị như tiếng sấm ngang trời, coi như tiếng nói thời đại!

Là giáo sư trường Trương Vĩnh Ký, thầy từng đưa ý kiến với học sinh rằng trong khi tôn trọng tư cách học giả của ông Trương Vĩnh Ký, ta cần xem lại tư cách làm quan của ông. Khi vua Hàm Nghi vì chống Pháp phải bỏ ngai vàng bôn đào, Đồng Khánh được Pháp đưa lên ngôi nhằm ổn định chế độ thực dân tại Việt Nam, ông Trương Vĩnh Ký lại nhận lời làm thầy dạy cho vua Đồng Khánh! Quan điểm của thầy về bài thơ họa Tôn Phu Nhơn quy Thục của cụ cử Trị nhất quán với quan điểm về ông Trương Vĩnh Ký!

Quan điểm này của thầy cũng là quan điểm khá rộng rãi của xã hội thời đó. Lúc ấy, ngoài hai mươi tuổi, tôi mở to mắt tiếp thu ý kiến của thầy. Sau này, hai thầy trò đều ra nước ngoài. Tại Paris, tôi nhớ nhiều chuyện cũ…

Hồi đó, người Miền Nam đa số tôn trọng các nhân vật Nguyễn Tri Phương, Đồ Chiểu, Nguyễn Trung Trực, Trương Định, Thiên Hộ Dương, những tấm gương chống Pháp. Với những nhân vật này, tôn vinh họ thì được, nhưng chê bai là gặp phản ứng ngược lại, nhất là phản ứng trong môi trường giáo dục trung học. Trong môi trường đa nguyên, người ta có thể có ý kiến khác ra ngoài cái hộp chung mà không chịu sự đàn áp hay cấm đoán nào, nhưng, dù sao, cái quan điểm chung của xã hội (public opinion) vẫn có sức ràng buộc! Do đó, Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt là phải được khen, Tôn Thọ Tường là phải bị chê!

Lòng không khỏi tự hỏi, nếu từ trăm năm trước…

Những câu hỏi như quan điểm cương cường chủ chiến của Nguyễn Tri Phương có là nguyên nhân của sự chậm tiến của Việt Nam không, có là nguyên nhân của sự ít chịu học hỏi cái hay của Phương Tây để canh tân xứ sở không, những câu hỏi ấy được cả xã hội tham gia thảo luận, tranh biện trên tinh thần học thuật thì đất nước có khác bây giờ không?

Xã hội có quan điểm thoáng hơn với những ý kiến xét lại hay ngược chiều về các nhân vật được “sùng bái” hay các nhân vật bị “lên án”, đất nước có khác bây giờ không?

Xã hội thúc đẩy thành viên nhìn về tương lai, học cái hay của thế giới thay vì quay trở lại tự giam mình trong tư tưởng người xưa, đất nước có khác bây giờ không?

Học, học thật, học cái tinh túy, cốt lõi của đề tài, chúng ta có đủ kiên trì, dũng khí học không?

Phải chăng đó là nguyên nhân căn bản mà thầm lặng của của việc người Việt sống chết lao ra giành độc lập thay vì canh tân xứ sở giàu mạnh bằng khiêm tốn học hỏi nâng cao dân trí?

Hổm rày, nhìn trước mắt, miếu đường trở lại thành chiếu làng trăm năm trước nơi lý toét xã xệ say sưa giành nhau chỗ ngồi, công đường thành chiếu bạc nơi lường gạt và vùa tiền nhau, lòng thật cảm khái…

Tiền bất kiến cổ nhân, Hậu bất kiến lai giả.

Hào kiệt xưa vắng bóng, hào kiệt nay chưa thấy!

Ngày 19 tháng 7 năm 2023

Có thể là hình ảnh về văn bản

Tờ trình viết tay của Tôn Thọ Tường (Ba Tường) gửi Giám đốc Nha Nội chính Nam Kỷ (Directeur de l’Intérieur de la Cochinchine) (Tư liệu riêng của Lê Nguyễn)

Comments are closed.