Lang thang qua chiến tranh (3)

Thanh Thảo

Uống rượu ở Đài giải phóng, lại nhớ thủ trưởng là ông Hai Xuyên. Ông này lành hiền lắm. Có lần, Đài tổ chức học chính trị nghị quyết gì đó, đám biên tập viên phóng viên chúng tôi được học riêng, do đích thân ông Hai Xuyên giảng bài. Chúng tôi mắc võng ở một khoảng rừng, quần tụ xung quanh giảng viên. Ông Hai Xuyên cũng mắc võng, nhưng ông ngồi giảng bài, còn chúng tôi…nằm để nghe. Ông chả có ý kiến gì về chuyện nằm ngồi, cứ thế chậm rãi truyền đạt nghị quyết. Còn chúng tôi, nằm một lúc thì bắt đầu… ngủ. Ở rừng, nằm võng nghe giảng nghị quyết mà không ngủ có họa là Thánh ! Chúng tôi ngủ say quá. Có anh bắt đầu nói…mớ, có anh ngáy rất to. Đến nỗi, hiền như ông Hai Xuyên mà phải ý kiến : «  Các đồng chí ngủ đừng…ngáy to quá thế ! Tôi đang giảng nghị quyết mà ! » Dễ thương thật đấy, thủ trưởng Hai Xuyên ! Ở Đài giải phóng hồi ấy nhiều thủ trưởng dễ thương lắm. Chú Tư Tịnh Đức – người duy nhất tôi gọi bằng « chú » – do trong kháng chiến chống Pháp chú từng làm việc cùng bố tôi. Ông Sáu Hoàng Hà – người bị Mỹ bắt năm Mậu Thân 1968 và đã từng được Mặt trận giải phóng đổi bằng một… đại tá tình báo Mỹ bị quân ta bắt được. Ngon đấy chứ ! Hay như ông Tư Phan, bạn đồng hương của chú Tịnh Đức – hai ông già này cứ buổi chiều là ngồi lầm thầm tâm sự với nhau, bên chén rượu thuốc. Những lúc ấy, tôi với Lê Điệp đều tìm cách tiếp cận hai ông, trò chuyện góp vui, nhưng chính là để… moi rượu uống. Hai ông này dân Quảng Ngãi, kỹ tính lắm ! Nhưng chúng tôi vẫn có cách khiến các ông phải vui, phải nổi hứng lên, và lúc ấy, chú Tịnh Đức lọ mọ lục « kho » nhà chú, lôi ra một chai rượu thuốc. Tôi với Lê Điệp mỗi đứa chỉ được hai ly nhỏ. Thôi, thế cũng tạm rồi, có gì vẫn tốt hơn là chả có gì. Những lúc ngồi trên mặt đất chờ tới giờ B52 hay B57 đánh bom, mà có chén rượu thuốc nhâm nhi, nghĩ cũng đỡ khổ! Với ông Sáu Hoàng Hà, thì ông này làm việc nhanh nhẹn, biên tập rất có nghề, và cũng chịu chơi với bọn trẻ chúng tôi. Ở rừng mà gặp được những thủ trưởng như vậy, chẳng mong gì hơn. Họ đều là những người có học, chứ không phải cán bộ chính trị « chay ». Vì làm ở Đài, không có học thì làm không được việc. Ngay Đài Tiếng nói Việt Nam hồi trước cũng vậy, thủ trưởng từ cấp trưởng ban trở lên đều là những người học hành tử tế, giỏi một vài ngoại ngữ cả. Tôi cứ xàng xê đánh võng từ Binh vận sang Đài, nên riêng khoản đó đã « lang thang trong tổ chức » rồi.

Sau chiến tranh, cái nghèo ở Hà Nội càng lộ rõ, nhất là khi những người ở Hà Nội được vào Sài Gòn và chứng kiến cái « phồn hoa giả tạo » của « Hòn ngọc Viễn Đông » này. Dạo đó, hàng hóa Sài Gòn thì ê hề, mà bất cứ món hàng nào, dù hàng thật hay hàng « nhái » của Sài Gòn, cũng đều là « hàng độc » đối với người ở Hà Nội. Vì thế, mới có những chuyến nhận họ hàng từ một phía và xin cho vơ vét cướp giật từ một phía khác. Lập tức dân gian nảy câu đối : « Chiến tranh xuất quân/Hòa bình xuất tướng/ Miền Nam nhận họ/Miền Bắc nhận hàng » Một câu đối quá hay mà chỉ những sĩ phu Bắc Hà thâm nho mới làm được. Tôi ở Sài Gòn suốt tháng 5/1975 nên cũng chứng kiến được nhiều cảnh cười ra nước mắt khi « miền Nam nhận họ » và hết cười nổi khi « miền Bắc nhận hàng ». Có lần, đang lang thang ở chợ Cũ thì gặp ông bạn Nguyễn Chính và thằng em Lê Văn Mười (tôi sẽ kể sau) đang nhậu lai rai vỉa hè. Chính kéo ngay tôi vào bàn nhậu và giới thiệu với một người bạn chạy xe lam, nói là có họ hàng với chị Quyên (vợ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi). Chị Quyên lúc bấy giờ hình như đang ở ngành thương nghiệp giải phóng, chị làm ở một nhà hàng nào đó, sau chuyển về nhà hàng Vĩnh Lợi chuyên bán món… thịt rắn mà Nguyễn Công Khế có lần đưa tôi tới ăn. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, uống bia tưng bừng, anh xe lam bao trọn gói. Cũng chẳng biết nếu anh có họ với chị Quyên thật thì anh được cái gì. Nhưng hồi đó là vậy. Người Sài Gòn rất tự hào nếu có họ hàng với miền Bắc, nhất là có họ với phía VC giải phóng miền Nam. Họ hàng thế thôi, cho nó có chỗ dựa tâm lý, chứ chẳng dám nhờ đỡ hay cưu mang. Trong khi, các mẹ chị đi xe đò tuyến Sài Gòn-Mỹ Tho trên quốc lộ 4, mặc dù chả họ hàng gì với tôi cả, nhưng đã nhờ được tôi mang giùm mấy can xăng cho họ. Hồi đó xăng dầu bị cấm buôn bán theo kiểu « hàng xách tay » trên xe đò. Thấy tôi ngồi hiền lành, mặc quân phục giải phóng, thế là nhờ. Tôi vui vẻ nhận lời, cứ để mấy can xăng ngay dưới chân mình mà không hề lo vấn đề cháy nổ. Mới giải phóng bà con đã buôn… xăng dầu rồi, đủ biết buôn bán món hàng này dễ kiếm tiền thế nào ! Chẳng thế mà « ông xăng dầu » lúc nào cũng kêu… lỗ, lỗ quá anh ơi, nhưng không bao giờ nhả ra món hàng này, mà không thích mua xăng dầu nhà máy lọc dầu Dung Quất, chỉ thích… nhập ngoại. Lại nói, không chỉ các mẹ chị buôn xăng nhờ, tôi còn được bác tài và mấy anh phụ xe đò nhờ nữa. Chả nhờ gì, chỉ… dựa hơi thôi. « Dựa hơi » quân giải phóng, để tránh mấy anh « dân vệ đời mới » làm khó dễ khi bắt dừng xe giữa đường. « Xe có chở quân giải phóng ! », thế là mấy anh « dân vệ đời mới » dạt ra ngay, không hạch sách gì nữa. Thích thật đấy ! Ngồi trên xe đò với bà con, tôi có cảm giác lâng lâng tự hào, nửa vì mình là VC, nửa là mình đã giúp được bà con chút đỉnh. Tôi nghĩ, VC cứ như tôi, thì ai chả thích ! Không dọa dẫm, xin xỏ hay giật dọc ai cái gì, lại sẵn sàng giúp bà con cùng… buôn xăng, ngây thơ hồn nhiên vô nhiễm. Hồi mới giải phóng, đi xe đò thấy lạ. Lạ nhất là hai anh phụ xe cứ đứng ở hai cửa xe mà hò hét suốt dọc đường « zdo-zdo-zdo…ale ale ale » cứ như Trần Tiến hát nhạc bóng đá vậy. Tử tế ghê, thấy ai đứng lớ ngớ bên đường là đều rà xe mời lên đi… xe đò, dù người ta không có chút nhu cầu nào ngồi xe đò để cùng… buôn xăng dầu cả. Cung cách mời chào ấy thể hiện sự cởi mở, điều mà tôi không thấy ở miền Bắc. Vì thế, trong hoàn cảnh khó khăn nhất sau chiến tranh, không chỉ Sài Gòn, nhiều đô thị khác ở miền Nam, như Đà Nẵng mà tôi từng sống mấy năm, người dân rất năng động, buôn bán ì xèo mặc cấm đoán, và nhiều người đã khá giả lên ngay những lúc trăm bề khốn khó ấy.

Nhưng sao tôi lại nói Hà Nội năm 75 là một thành phố không bình thường ?

Lâu nay người ta cứ đề cập về những “sang chấn tinh thần” của lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam, sau khi về Mỹ đã không thể sống một cuộc sống bình thường. Chúng ta lo cho Mỹ quá, mà quên rằng, chính mình, chính con em mình, thành phố của mình, làng quê của mình còn bị những “sang chấn tinh thần” khốc liệt hơn nhiều. Khốc liệt trong lặng lẽ. Điều đó còn đáng ngại hơn. Hà Nội sau tháng 5/1975 chính là một thành phố khi gồng mình gánh chịu trực tiếp chiến tranh trong thời gian dài, đã bị những vết thương tinh thần hành hạ. Những vết thương cụ thể thì dễ nhận ra. Còn những vết thương tinh thần, khó hơn, nhưng không phải không thể thấy. Điều đó, tôi không thấy ở Sài Gòn, dù Sài Gòn trong bao nhiêu năm vẫn nằm trong “vùng phủ sóng” của chiến tranh, thậm chí chiến tranh đã từng vào trong các đường phố Sài Gòn Tết Mậu Thân 1968. Vì Sài Gòn chưa bao giờ đội bom B52 Mỹ như Hà Nội. Vì Sài Gòn chưa bao giờ, trong nhiều năm liền, liên tục bị một lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới như không quân Mỹ uy hiếp, bắn phá, dội bom cả. Thành phố cũng là một cơ thể sống. Khi nhiều năm dài phải sống trong căng thẳng tột cùng như thế, rồi đột ngột, qua khỏi thảm họa, ra khỏi chiến tranh một cách khó tin, thì làm sao giữ được một tinh thần cân bằng, một tâm thế bình thường cho được? Sau giải phóng, tôi đã ngạc nhiên: vì sao người Sài Gòn hồn nhiên như thế ? Chẳng biết họ có thích “VC” thật không, nhưng họ chấp nhận. Và họ vui nhất, vì hòa bình đã hiện diện trên đường phố. Những “đám rước” ở các đường phố Sài Gòn năm 75 là những “đám rước Hòa Bình”, mừng hòa bình. Mừng cuộc sống sẽ yên ổn. Họ ùa cả ra đường, và tham gia rất nhiều các hoạt động nửa tuyên truyền nửa vui chơi trên đường phố. Trong khi, ngược lại, những hoạt động tuyên truyền ở Hà Nội thì rất nghiêm túc, thậm chí rất cứng đờ, không bao giờ kèm yếu tố “vui chơi” cả. Người Sài Gòn có vẻ dễ tính, đã đành, nhưng chính hoàn cảnh của thành phố, tính cách nội tại của thành phố đã phát huy sự dễ tính dễ thích nghi ấy. Hà Nội mà tôi yêu tha thiết, mà tôi nhớ về trong bao nhiêu năm, sau giải phóng lẽ ra phải là một thành phố hạnh phúc, nhưng hình như không phải vậy. Đúng là Hà Nội quá khó khăn về vật chất, thậm chí, rất khốn khổ. Đi trên các phố thấy hàng hóa lèo tèo, chỉ tuyền những quán giải khát xập xệ bán độc “chè đỗ đen có đá”. Đá lạnh trở thành một nhu cầu, thậm chí như đặc sản. “Có đá!”, đó là một tiếng reo. Điều tôi vui mừng nhất khi trở về Hà Nội, sau khi được gặp thầy má mình, là gặp bạn bè.

Nhà thơ Trúc Thông, bạn thơ từ hồi tôi còn ở Hà Nội, nghe tin tôi về, đã sang ngay tận nhà tôi bên Trại tằm Gia Lâm. Anh em gặp nhau vô cùng sảng khoái. Rồi nhiều bạn cũ của tôi, ai cũng mừng khi gặp lại nhau. Lại đạp xe hay đi bộ lang thang Hà Nội, cả ban ngày lẫn ban đêm. Lại qua cầu Long Biên để nhìn ngắm sông Hồng. Lại “chè đỗ đen có đá”, và nhất là, bia hơi. Sau bao nhiêu năm, điều mà tôi thấy Hà Nội không thay đổi, điều mà tôi sướng nhất ở Hà Nội, chính là những quán bia hơi vỉa hè. Đó mới thực sự là một nét văn hóa của Hà Nội. Chen lấn xếp hàng mua chục vại bia trào bọt trắng, chỉ kèm thêm mấy gói lạc rang húng lìu hay món nộm giản dị, là anh em bạn bè chúng tôi có thể lai rai bao nhiêu là chuyện, nhấm nháp bao năm tháng đã trôi qua, và hy vọng mơ hồ về những ngày sắp tới. Cứ ngồi bệt xuống các vỉa hè không lấy gì làm sạch sẽ, lấy mặt vỉa hè làm bàn nhậu, lấy không khí quán bia hơi làm gia đình, chúng tôi tự nhiên lại có cảm giác hạnh phúc. Một cảm giác không dễ có vào lúc bấy giờ. Tôi nhớ, khi tôi với bạn Nguyễn Chính từ chiến trường B2, với Thái Bá Lợi từ chiến trường khu Năm, ba anh em ngồi bệt vỉa hè phố Đường Thành uống bia hơi, chúng tôi đã vô cùng thỏa nguyện. Chỉ ba anh em, mà uống tới hơn hai chục vại bia, lại uống buổi trưa, nên say xỉn, nôn ọe tùm lum. Tôi nhớ, đúng lúc ấy, một anh cảnh sát khu vực đã hỏi chúng tôi có mệt lắm không ? Tôi với Thái Bá Lợi nói, anh em chúng tôi vừa ở chiến trưởng ra, gặp nhau mừng quá, chỉ uống có một vại bia mà say. Thực ra, mỗi đứa chúng tôi đã uống gần…chục vại. Say là phải. Anh cảnh sát khu vực tin lời chúng tôi, những thằng lính từ chiến trường ra, và anh đưa chúng tôi vào một hàng giải khát gần đó, gọi nước cam cho chúng tôi uống giải rượu. Lúc đó, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. 5 năm mình lang thang qua chiến tranh không uổng. Mình đã được yêu quí, được tôn trọng. Phải vì thế, mà anh bạn Đồng “đen” của tôi, khi vừa từ Huế ra Hà Nội, đã quyết định làm đám cưới với người con gái chờ đợi anh 5 năm, khi anh vào chiến trường Trị-Thiên. Biết đâu, quyết định ấy chợt đến lúc anh với chúng tôi ngồi bia hơi vỉa hè Đường Thành hay đâu đó ? Thú vị thật!

Vừa đây, trong đám giỗ ở Đức Phổ, tôi gặp lại chú em tên Vinh, tục gọi « Vinh xẹo », ngày mới giải phóng tình nguyện đưa tôi và Ngô Thế Oanh đi nghêu ngao khắp Sài Gòn. Không rõ gặp Vinh ở đâu, chỉ nhớ mấy anh em cứ tấp vào với nhau, là đi. Chú em Vinh người Quảng Ngãi, học năm thứ 4 đại học Vạn Hạnh. Sau này tôi mới biết, chú là em trai của một người bạn học cùng lớp với tôi ở khoa Ngữ văn-đại học Tổng hợp Hà Nội, tên chị là Yến Tuyết. Hồi đi học, chúng tôi hay xấc láo gọi là « con chị », do chị Tuyết yêu một bạn học cùng lớp, mới hơn hai mươi tuổi đầu mà tóc đã bạc trắng, chúng tôi gọi là « thằng cụ ». Người yêu của « thằng cụ », dĩ nhiên phải gọi là « con chị », dù gọi như thế hơi bị khiếm nhã. Nhưng lớp tôi hồi ấy quậy lắm, tính tình đứa nào cũng như trẻ con, hay đùa, hay nghịch. Lại nói, chú em Vinh ngày giải phóng đưa chúng tôi đi khắp Sài Gòn, mà tuyệt đối đi bộ, không có bất cứ phương tiện cơ giới nào. Mới qua chiến tranh, chúng tôi đứa nào đi bộ cũng giỏi. Lạ, chú em này ở Sài Gòn nhưng đi bộ cũng giỏi không kém. Đi với chúng tôi, chú em luôn đeo một cái túi mìn claymore, chân mang dép râu, đúng như một « VC… 30/4 thứ thiệt » Thì ra, do nhà nghèo, bố tập kết, nên Vinh đi học cũng toàn cuốc bộ. Tôi với Oanh đã tới nhà trọ của chú em, trông còn nhếch nhác thảm hại hơn nhà trong rừng của chúng tôi nữa. Ngày ấy có đi bộ mới biết, Sài Gòn còn nhiều người nghèo lắm. Thành phố hoa lệ thật, nhưng những khu ổ chuột còn rất nhiều. Thành phố xa hoa thật, nhưng có không ít những « ngôi nhà » mà vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng…hộp các-tông bỏ đi. Tôi, một người ở rừng rất lười dựng nhà, cũng phải ngả mũ trước những ngôi nhà hộp…các-tông này. Phải gọi những « ngôi nhà » kỳ lạ như thế bằng tên gì, tôi cũng chưa nghĩ ra. Người ta sống, sinh hoạt trong đó từ mùa mưa tới mùa khô, sinh con đẻ cái trong đó, thì lạ thật ! Chú em Vinh tình nguyện còn dẫn chúng tôi đi thăm nhiều nơi ở Sài Gòn, gặp gỡ nhiều tầng lớp dân Sài Gòn, nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất với những « ngôi-nhà-các-tông » ở Chợ Lớn. Con người vẫn có thể sống được « nơi tưởng chừng cạn nước », như cây xương rồng, « mà lặng lẽ nở hoa » vậy sao ? Tôi không hiểu. Thực tình, tôi không hiểu.

Cũng còn sự khích lệ khác. Khi tôi với Ngô Thế Oanh đi mua sách bán « xon » ở vỉa hè Lê Lợi, cơ man nào là sách, nhiều quyển sách dịch rất quí( không phải quí theo kiểu đồ cổ, mà quí vì tầm thế giới của những tác phẩm ấy) được bán với giá rất « bèo ». Chúng tôi tha hồ chọn lựa, thậm chí có thể trả treo, người bán vui vẻ chấp nhận hết. Những người bán sách chỉ lập tức cuốn ni-lông thu gọn đống sách khi có…công an hay « thanh niên 30/4 » đến càn quét. Thấy chúng tôi là quân giải phóng mà đi mua sách nhiều như vậy, nên người dân ngạc nhiên để ý. Có một nhóm người ngồi cà phê vỉa hè theo dõi chúng tôi, mà tôi đoán là những trí thức Sài Gòn. Họ lặng lẽ nhìn chúng tôi mua sách. Sau đó, mấy người ra giúp chúng tôi gói sách, chủ yếu để đọc tên sách chúng tôi mua. Họ ngạc nhiên thực sự: toàn là sách kinh điển, sách « lớn ». Có vài anh hỏi chúng tôi: các anh cũng đọc những sách này à ? Tôi vui vẻ: vâng, có một số quyển tôi đã đọc từ hồi trong rừng, nhiều quyển khác tôi biết danh nhưng chưa được đọc. Mấy vị trí thức Sài Gòn tỏ ra thích thú. Họ đã khám phá thêm một nét mới ở VC trẻ: có học, thích đọc sách. Và đọc sách kinh điển. Họ mời chúng tôi uống cà phê, và cho địa chỉ nhà riêng, hẹn chúng tôi đến nhà uống rượu. Chúng tôi vui vẻ nhận lời, thời gian cụ thể sẽ thu xếp theo đường… đi bộ (chứ không phải theo đường ngoại giao). Sau đó, tôi với Oanh, có chú em Vinh tình nguyện dẫn đường, đã tới nhà mấy vị trí thức này (gồm luật sư, nhà văn, nhà báo…) và uống rượu rất vui, nói bao nhiêu là chuyện. Chúng tôi hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau hơn, từ những cuộc gặp gỡ tình cờ như thế. Ngày đó, nói thật, tôi đã rất nhuyễn chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc của cách mạng, vì tôi thường xuyên viết bài cho Đài theo chủ đề này qua nhiều năm. Nhưng từ nói tới làm là một khoảng cách. Từ suy nghĩ tới thực tế trực tiếp lại là một khoảng cách khác. Đã bao lần tôi viết bài trao đổi với những trí thức Sài Gòn về hòa giải và hòa hợp dân tộc, bây giờ mới là cuộc gặp mặt thực sự, trao đổi có đối tượng thực sự. Hóa ra, mọi chuyện phức tạp hơn tôi tưởng. Nhưng tôi cũng chỉ là một người viết báo, cùng lắm thì được gọi là nhà báo. Sau 39 năm, tôi còn viết báo về đề tài này, và mọi chuyện vẫn chưa xong. Đủ biết, cuộc chiến tranh này kéo dài đến thế nào! Bao nhiêu năm sau khi chiến tranh kết thúc, cái « đuôi sao chổi » của chiến tranh vẫn còn.

Từ khi vào bộ đội và đi làm cơ quan, tôi đã rất ý thức trong chuyện xưng hô. Không bao giờ tôi gọi các thủ trưởng bằng « chú », dù có thể họ cũng gần đáng tuổi chú mình. Chỉ gọi bằng « anh » và xưng « tôi », một cách lễ phép nhưng rõ ràng. Bởi tôi biết, nếu gọi họ bằng « chú », tôi sẽ rơi ngay vào « vùng phủ sóng quan hệ theo kiểu gia đình ». Và lúc ấy thì thật khó xử, khó nói. Tôi lại không bao giờ muốn các thủ trưởng nhờ xưng là « chú » mà áp đặt lên mình. Chắc ban đầu một số thủ trưởng ở chiến khu hay chiến trường thấy cách xưng hô như vậy của tôi cũng không hài lòng lắm. Nhưng tôi muốn họ quen với cách xưng hô đó để dễ làm việc với tôi, nếu họ muốn. Còn không thì thôi. Ở rừng những năm ấy, quan hệ « chú cháu » là rất phổ biến, thậm chí, như không thể khác. Vậy mà tôi vẫn giữ được cách xưng hô của mình một cách bình thường. Có một « thủ trưởng be bé » của tôi, chức vụ chỉ là tổ trưởng thôi, mặt sắt đen sì, lúc nào cũng cau có, cứ như đang « hận đời đen bạc, hận kẻ bạc tình, xa quê hương nhớ mẹ hiền ». Không hiểu sao, tôi rất ghét ông này, dù ông cũng chẳng làm gì được tôi, ngoài một lần họp cơ quan ông bức xúc quá nên nói: « Anh đừng tưởng anh không Đoàn không Đảng thì muốn làm gì làm ! » Tôi đã ngang ngược trả lời: « Đúng thế đấy ! ». Sau này, biết tin ông làm một chức vụ rất to thuộc ngành kiểm sát một thành phố lớn, tôi đã nói với nhà thơ Chim Trắng: « Thế thì chết dân rồi ! » Anh Chim Trắng cười, tỏ ra tán đồng với tôi. Quả đúng thế thật ! Những người « không ổn » trong chiến tranh, không bao giờ là người ổn trong hòa bình. Chiến tranh khiến con người tự bộc lộ nhiều mặt lắm, trong đó có những mặt con người cố che dấu. Như ích kỷ. Đố kỵ. Hèn nhát. Tham ăn. Và nhiều thứ khác. Hồi đi Trường Sơn, tôi nhớ trong đoàn chúng tôi – một đoàn ghép gồm nhiều thành phần – có một ông, là cán bộ hẳn hoi, hai mùa kháng chiến hẳn hoi. Khi anh em trong đoàn đã hết cả bột ngọt (hồi ấy gọi là « mỳ chính ») để nấu canh lá rừng húp tạm, biết ông ‘cán bộ » này vẫn còn cả gói bột ngọt to, bèn xin ông một chút, nhưng ông quyết không cho. Thực ra, bột ngọt thì ai cũng biết, chẳng thể ăn nhiều được. Xin một tí cũng không cho, thì đúng là ích kỷ rồi còn gì! Sau này, khi vào chiến trường B2, chúng tôi mới biết tin ông « cán bộ » nọ đã đi chiêu hồi. Không phải vì tiếc một chút bột ngọt với đồng đội mà ông đi chiêu hồi. Nhưng đời là vậy! « Chán hơn con gián », phải không ạ? Hồi ở B2, mấy anh bạn tôi ở Y4 còn kể chuyện có một ông thủ trưởng cấp… vừa( không nhỏ không to) có lon guigoz đựng thịt gà kho sả (kho mặn) nhà gửi lên, đêm đêm ông phải nằm võng, trùm chăn kín người, bật đèn pin lên để… ăn. Ăn gì lạ. Ăn thế thì khát nước chết. Ông đó có thể là nhân vật chính trong phim « Nằm võng ăn thịt gà một mình » đấy nhỉ! Người như thế, về sau hòa bình, cũng không ổn lắm.

Nhân nói chuyện ăn khuya trong rừng, mới nhớ, tôi cũng đã hơn một lần được ăn khuya cùng thủ trưởng B6 -Tuyên truyền Binh vận của tôi. Ông thủ trưởng này thuộc loại « có máu mặt » và cả cơ mưu nữa, nhưng không hiểu sao, ông đối với tôi khá tốt, nể trọng, và đặc biệt là không bao giờ phê bình tôi cả, dù tôi có sống hơi tự do (vô kỷ luật). Có những đêm trong rừng, tôi đã chuẩn bị đi ngủ, thì chú em cận vệ của thủ trưởng xuống tận « nhà » tôi, chuyển lời mời của thủ trưởng, giọng rất thì thào: « Chú Hai mời anh lên chơi ». Tôi biết ngay là có món gì chén rồi! Cái ấy thì không thể, và không nên, từ chối. Vì ở rừng đói lắm, thiếu chất lắm. Thường khi tôi lên, chỉ có thủ trưởng với tôi, và anh cận vệ. Hôm nào thủ trưởng vui hơn, thì mời thêm một người nữa, có thể là bí thư chi bộ, hay một tổ trưởng nào đó. Tôi ghét nhất là hôm nào có ông « mặt sắt đen sì » cùng ăn khuya, ăn mất cả ngon. Nói chung, mấy món ăn khuya của thủ trưởng tôi hơi bị ngon. Chẳng hạn, anh em bảo vệ gài bẫy được con cheo, hay con mển nho nhỏ. Cả cơ quan ăn không bõ, thôi thì dành bồi dưỡng cho thủ trưởng và mấy người có công gài bẫy. Cheo nướng lò (lò đắp bằng đất tổ mối), hoặc mển chiên beefsteak. Đồ uống, dĩ nhiên là rượu thuốc loại tốt. Thủ trưởng của tôi thường có những cử chỉ như ra hiệu, bí mật. Ông nói năng nhỏ nhẹ, càng về khuya giọng của thủ trưởng càng có âm vực thấp. Tôi cũng không thể nói lớn trong lúc ấy, dù có thể « ăn to », vì tôi biết, rừng khuya tiếng vang xa lắm. Mình nói to, phiền cho thủ trưởng, và có thể sau này… « mất mối ». Cho nên tôi vừa trò chuyện rất nhỏ nhẹ vừa ăn uống rất thật tình. Thực ra, nếu có ăn khuya trong rừng thì nên ăn như thủ trưởng của tôi, cũng được. « Ở nhà một mình » thì không sao, chứ ăn một mình, chán lắm, dù là ăn khuya.

Sau hòa bình, có một dạo anh Bùi Minh Quốc làm thơ ngợi ca rất máu lửa, rất cuồng nhiệt. Những bài thơ ấy được nhà văn Nguyễn Chí Trung khuyến khích, và được in ngay trong tập “Đôi mắt nhìn tôi”. Cũng hơi lạ. Có lần, đọc bài thơ của anh Bùi Minh Quốc: “Đại hội Đảng họp bên bờ sông Hàn”, tôi dựa hơi là đồng nghiệp cùng cơ quan, mới tâm tình với anh Quốc: “Đại hội Đảng (tỉnh QN-ĐN) họ họp ở đâu là việc của họ, mắc gì anh phải làm thơ “họp bên bờ sông Hàn”, nhỡ có chuyện họ đổ cho anh thì sao ?” Không thấy anh Quốc nói gì. Nhân chuyện anh Bùi Minh Quốc, lại xin thêm mấy lời về cái cách sau này người ta đối xử với anh. Đó là sự đối xử hoàn toàn không công bằng, và thiếu tình đồng đội – cái tình đã kết nối chúng ta qua chiến tranh. Riêng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, giải thưởng mà nhà thơ Bùi Minh Quốc-Dương Hương Ly rất xứng đáng được trao do những đóng góp to lớn của anh cho thơ ca chống Mỹ, tới bây giờ vẫn chưa được trao cho anh. Tôi nghĩ, thật không khó để làm điều này. Làm điều tốt thì không bao giờ là khó cả. Chỉ cần người lãnh đạo chân tình, chỉ cần sự trao tặng phần thưởng trân trọng nhưng thật lòng, thì người được trao, dù muộn, họ vẫn vui lòng đón nhận.

Nếu bây giờ dân kêu về những quan chức, thì tôi nghĩ, những tệ hại của quan chức hôm nay đã có nguồn từ hồi còn chiến tranh kia. Dĩ nhiên, hồi ấy có đỡ hơn về mặt này, nhưng ở mặt khác lại khắc nghiệt hơn, thiếu nhân tình hơn.

Dòng sống cuốn chúng ta đi. Ai rồi cũng phải lo về những cái gì đó hết sức cụ thể. Cho bản thân. Cho gia đình. Nhưng không phải vì thế mà ngọn lửa đã tàn, đã tắt trong lòng những người kháng chiến cũ chúng tôi. Nhìn những tai họa hôm nay, sự độc ác bất nhân đang tràn lan ở xã hội hôm nay, không thể nói chúng tôi không có một tí trách nhiệm nào trong đó. Và không nên chỉ ngồi chửi đổng hay lên mạng chém gió mà lờ đi trách nhiệm của mình, sự can dự của mình trong thảm họa. Có cả những người kháng chiến cũ-vì những ai đã đi qua chiến tranh ở phía VC đều có thể gọi là người kháng chiến cũ-độc ác còn hơn những người chẳng hề tham gia kháng chiến, những người chỉ là thường dân. Độc ác và tham lam một cách công khai, trắng trợn, bất chấp. Dù bây giờ đa số họ đã nghỉ hưu. Nhưng họ cũng chả hơn gì đám quan chức tham nhũng lớp sau họ. Và nạn nhân của họ, bao giờ cũng là những người lương thiện, thấp cổ bé họng. Thơ trở nên bất lực trước những thảm trạng này. Bởi vì thơ cũng chỉ là những sinh linh biết yêu thương nhưng hiền lành, thiếu khả năng tự bảo vệ chính mình, huống chi bảo vệ người khác. Kể cả với thơ chính luận, vốn được coi là có “mang tính chiến đấu”.

Trong năm 2012 tôi đã phải lên tiếng trong hai vụ Đoàn Văn Vươn: Đoàn Văn Vươn Tiên Lãng, và “Đoàn Văn Vươn Paris”. Vụ Đoàn Văn Vươn Tiên Lãng thì ai cũng biết, nhưng tôi lại không quen trực tiếp anh Vươn. Còn gọi là vụ “Đoàn Văn Vươn Paris” thì nạn nhân là một người em thân thiết của tôi. Gọi như thế vì có sự giống nhau ở một mức độ nào đó giữa một gia đình người Việt ở ngay quận 5 Paris, ở một ngôi nhà thuộc quyền quản lý của Đại sứ quán VN tại Pháp gọi tên rất nhân tình là “Foyer Viet Nam” (Mái ấm VN) với một gia đình nông dân Việt ở Tiên Lãng-Hải Phòng. Và Foyer VN, đó là một quán ăn, một nhà hàng Việt. Quản lý nhà hàng là một nhà thơ, quen thân với tôi kể từ khi tôi lần đầu được sang Pháp năm 2003 dự Festival Thơ Quốc tế Val-De-Mart. Cho tới khi nhà thơ-quản lý nhà hàng bị cướp chỗ làm, bị hành hung và bị đuổi ra khỏi nhà. Trong cả hai vụ Đoàn Văn Vươn, dù ở Tiên Lãng hay quận 5 Paris – điều lạ lùng là đều có sự ra tay của xã hội đen. Và đều dây dính với người Việt. Cơ sự cũng cũng chỉ vì nhà hàng Foyer VN làm ăn phát đạt, tuy chủ nhà hàng chỉ là người điều hành, kẻ làm công ăn lương, và tiền lãi thu được đều thuộc về cơ quan chủ quản là Hội Việt kiều tại Paris. Cũng như đất thuê làm hồ ao nuôi cá của nhà anh Vươn Tiên Lãng, từ khi sinh ra hoa lợi, sinh ra tiền, và nhất là từ khi nó nằm trong “qui hoạch” làm sân bay gì đó, thì người ta mới bày mưu tính kế trục xuất gia đình anh Vươn để chiếm mảnh đất hồ ao mà gia đình nhà Vươn đã bỏ cả máu xương để gây dựng nên. Một vụ “đồng Nọc Nạn” ở miền Bắc. Chỉ khác nhau ở quan tòa. Quan tòa “Tây” (thực dân) trong vụ đồng Nọc Nạn Nam Bộ, xem ra còn tốt hơn, có tình có lý hơn quan tòa “ta” ở Hải Phòng. Gọi “Đoàn Văn Vươn Paris” vì vụ này xảy ra ở quận 5 Paris, tác nhân trực tiếp là Hội Việt kiều Paris, còn tác nhân gián tiếp nhưng có ý nghĩa quyết định là một nhóm người ở Đại sứ quán VN tại Pháp. Nói thật, đã có một số lần xuất ngoại, từ Liên Xô (cũ) tới Tây Âu, nhưng tôi rất ít có cảm tình với các đại sứ quán VN ở những nơi đó. Lý do tôi không cần nói ở đây, nhưng chắc rất nhiều người đã biết. Sau khi viết bài về vụ “Đoàn Văn Vươn Paris”, vào đúng chiều 30 Tết cách đây 2 năm, khi tôi đang cúng rước ông bà tại nhà, thì chuông điện thoại reo vang. Tôi nhấc máy. Đầu giây bên kia là giọng một người phụ nữ lạ thuộc loại “sồn sồn”. Tôi rất ít quan hệ với người lạ, nên hơi ngạc nhiên. Chị ta không giao đãi, hỏi tôi ngay vì sao viết bài về “Đoàn Văn Vươn Paris”. Tôi giải thích lý do. Chị ta cực lực phản đối, thậm chí kết tội tôi. Nhưng khi tôi hỏi: “Chị có phải ở Đại sứ quán VN tại Paris không?”, thì chị ta bối rối, và chối, nói mình chỉ là Việt kiều. Nhưng tôi biết, chị này không những là cán bộ Đại sứ quán, chị còn là cán bộ an ninh (công an) VN ở Đại sứ quán nữa. Khi tôi thưa là có thể nói ngay tên chị ta, vì tôi có thông tin, thì cuộc điện đàm xuyên lục địa lập tức chấm dứt. Nhanh hơn cả khi nó bắt đầu. Đúng là “chán như con gián”!

(còn tiếp)

Comments are closed.