Miêu (kỳ 1)

Khuyết Thư                                                                                                     Truyện ngắn

Giấc mơ làm nhẹ cõi lòng hay sẽ khuấy sâu vào khoảng trống ngút ngàn. Cơn mơ đến rồi đi không báo trước, hễ vào giấc là thể xác duỗi cứng, ngũ giác chờn vờn trong cơn hôn mê bất tận trong phòng trắng, chẳng chụp với được gì, sự tỉnh táo trôi vào ảo cảnh hệt như hiện tượng xuất hồn – đấy là những gì tôi nghiệm được kể từ khi sang Đức, tôi chưa mơ bao giờ. Không tính những lúc chợp mắt vội vã, ngủ khi đã mệt nhoài, li bì theo đúng chu kỳ sinh học tái tạo năng lượng thì tôi chẳng hay biết gì khi đã sa vào cõi mộng, tôi chỉ ngủ, ngủ cho đủ thời gian tái tạo năng lượng, hết giấc thì dậy và chẳng nhớ được gì.

Đọc tử vi, tướng số, soạn một ngày khờ đi xem tarot không lý thú bằng việc ghé tai vào giấc mơ người sống. Trong giấc mộng, lòa nhòa bóng hình một người thân đã chết về hội ngộ với vòng ôm vô hình, tiếng dép thân quen náu nương trong một khuôn mặt lạ. Rồi thì mơ thấy rụng răng, bị trượt chân ngã xuống vực sâu, máy bay cháy trên không, biển cuộn sóng phun lên hàng trăm xác cá mập dự báo cho một hiểm họa không biết xảy ra lúc nào, ở đâu, với ai, có người hốt hoảng gọi điện giữa đêm kể về giấc mơ nhìn thấy tên mình trên cáo phó. Trí nhớ không đồng lõa với giấc mơ, chúng xóa sổ lẫn nhau. Rất ít người có thể nhớ tỉ mỉ giấc mơ của mình, sự nhớ tủn mủn lúc mới tỉnh giấc, trí óc còn ngơ ngẩn.

Tôi luôn khó mơ và đã có một thời gian sa đà trong rượu và cần sa, uống, hút cho tới lúc lả đi, kiệt sức, răng lợi nồng nặc hơi rượu, phải súc nửa chai nước muối mới hết mùi. Chất độc từ cần sa khiến tôi mơ màng trong ảo giác, hiện thực bị bóp méo thành quái hình ma quỷ, tôi thấy quỷ trạng lúc còn thức chứ không thể mơ.

Mấy năm trước, David nói rằng mơ thấy bị đóng đinh trên thánh giá, giọng run rẩy, đôi mắt xanh lơ giãn căng đầy sợ hãi. David lành tính nhưng chẳng ngoan ngoãn gì, thằng bé cố chấp và thích làm theo ý mình, lẽ tất yếu ở tuổi bẻ gãy sừng trâu. Cách vài ngày, David lại gọi điện hẹn tôi, lầu bầu về giấc mơ bị đóng đinh. Mỗi tuần với bảy giấc mơ bị cắm ngập trên thánh giá, lắm lúc David choàng tỉnh bởi một cơn giật mình, thần trí vẫn mơ màng thì cảm thấy tức ngực, tim đập nhanh, loạn như sắp vỡ.

Đinh sắt và cây thánh giá thường trực trong mỗi giấc mơ và liên tiếp như vậy hàng tháng trời. David tìm đến những cốc café đặc sánh pha bằng bốn muỗng café, ngấu nghiến modafinil. Thằng nhóc yếu đi, gầy rộc thịt da nhưng vẫn gượng sức lết đến chỗ tôi mỗi chiều, thều thào về cơn mộng. Sau cùng, tôi phải cõng David vào bệnh viện. Sau nhiều tháng điều trị bằng thuốc cùng tư vấn tâm lý, David ổn hơn, quên dần giấc mơ bị đóng đinh nhưng mỗi lần đi qua nhà thờ, thằng nhóc lại thấy nhói ngực. “Sương xuống mái đầu xanh”, tôi nói thế và chắp tay trước cây thánh giá trên nóc nhà thờ, nghĩ ngợi về nụ cười của David lúc tạm biệt tôi chuyển sang tiểu bang phía Tây.

Tháng trước, tôi lịm vào giấc ngủ trong trạng thái tốt nhất, không mệt mỏi, không một giọt rượu, không thuốc lá, bữa tối chay tuyệt đối. Cơ thể tôi mềm xuống sau cái ngáp dài, tôi nằm dài trên chiếc giường nhỏ, gối êm, cửa sổ để mở. Hôm sau, tôi bừng tỉnh vào sáng sớm. Một giấc ngon không thành mộng. Tuồng như ánh nắng ngây ngô phía cửa sổ đã rửa hết giấc mơ của tôi. Nếu nghĩ rằng giấc mơ sẽ hiện hữu khi não bộ đang quá tải, cứ nghĩ nhiều, nghĩ đi nghĩ lại thì tôi vẫn thất bại. Màu sắc là nấc thấp nhất của giấc mơ nhưng tôi không thể thấy gì mỗi khi ngủ. Mọi thứ câm biến, thứ tôi nhớ được khi ngủ dậy vẫn là thế giới mình đang sống, ngóng ra cửa sổ chỉ thấy tuyết trắng, màu của đời thực chứ không phải cõi bồng lai trong tiềm thức.

Tôi luôn tìm kiếm một giấc mơ như để ăn thua, an ủi mình không lạc lõng giữa cuộc đời, đúng, chỉ một cơn mộng ngẫu nhiên trong phút chợp mắt, tôi sẽ nuôi dưỡng tro ảnh, đặt lên giá vẽ, thiết kế từng nét hình, thêm màu cho đến khi thành câu chuyện. Tôi sẽ không vội kể giấc mơ của mình cho ai mà âm thầm ghi lên giấy rồi giấu tiệt như lấp mộ, lâu lâu mở lại xem rồi nuôi dưỡng ảnh mơ bằng cảm xúc trong cuộc sống cho đến khi tìm được một người để thì thào giấc mơ biến tướng theo ngày tháng, bện tầng bện lớp như rừng già trong lúc cả hai ngồi ở bãi biển ngắm hoàng hôn.

Chẹp miệng rồi thở dài, giấc ngủ của tôi luôn lèo phèo không hình không sắc. Tôi là kẻ chết mơ.

Miêu thều thào bên tai tôi những giấc mơ chập chờn. Giọng Miêu khẩn trương, khi lại rụt rè, ngần ngại rồi im lặng vài tíc tắc trước khi nói vang “Cứ ngủ là mộng…”. Đôi mắt quầng thâm, nét tinh anh đã mất hút từ bao giờ. Giấc mơ của Miêu không lộn xộn hơn ngôi nhà khóa kín, trải đầy giấy báo, cốc café uống dở, vỏ hộp mì, chiếc ghế mất chân chỏng trơ dưới sàn cùng hóa đơn thanh toán chuyển phát nhanh. Tôi góp vào căn phòng thêm một dấu giày, chút tàn thuốc lá, vài câu chuyện, đôi khi chỉ là sự im lặng kéo dài đúc hai người thành bức tượng suy tư đặt giữa căn phòng.

Chỗ ngồi trong nhà đứa em họ tùy ý, đâu cũng được và không cần che miệng lúc ợ hơi, ngáp ngoác kiểu cá đớp mồi, tôi có thể cởi trần, nằm ườn dưới sàn nhà, lục lọi trong tủ lấy một thứ ngon lành như chai rượu, nửa con mực khô rồi đem nướng, hai anh em cùng nhậu. Cửa nhà Miêu không khóa ngoài hay chốt trong nên kéo cửa, đẩy là vào được nhà nhưng không phải ai cũng muốn vào làm khách.

Miêu chỉ có bạn cùng lớp, bạn cũ, không học cùng nhau không đến lớp thì không ai gặp ai, nghe họ hàng kể thì Miêu ngày càng cổ quái, khép mình với tất cả người trong gia đình, trừ cô Linh, mẹ Miêu. Cửa nẻo đóng hờ mỗi khi Miêu ở nhà, muốn gặp Miêu thì cứ đến thẳng nhà, thấy nhà om om thì gọi cửa, nhà sáng đèn thì kéo cửa mà vào, thậm chí chẳng quan trọng đèn đóm, cứ bạo dạn kéo cửa bước vào, cùng lắm thì cười xòa thay lời xin lỗi với đứa em. Miêu ít ra ngoài và không có cảm tình với đường phố lúc nửa đêm.

Đã rất lâu, ngôi nhà nhỏ này không tiếp khách, trừ mấy người thu tiền điện, nước, internet thì tôi là khách quen của Miêu. Cô Linh cho Miêu căn nhà này, cô thuê một căn chung cư trên Cầu Giấy, lâu lâu cô lại ghé thăm nhà cũ, Miêu luôn dọn dẹp chăn chiếu cho mẹ, mỗi người một tầng. Người mẹ không phàn nàn khi chỗ ở của con quá chật với hai người, vài lần, bà mẹ ở lì trong nhà cả tối, ngoài việc nấu nướng, cô Linh kể các mẩu chuyện chắp vụn không đầu không cuối. Khi bắt được một ánh lóe đột ngột từ trí nhớ, người mẹ mỉm cười, nói nhanh và nhiều như sợ sẽ quên mất. “Có!”. Miêu nói với tôi rằng đã trả lời mẹ như vậy chứ Miêu không nhớ. Nụ cười của đứa trẻ khi được bú no, khuôn mặt thiên thần thiu ngủ trong vòng tay rám nắng cho đến lúc đi vững cả hai chân, cười tít mắt lúc đánh vần được tên mình vẫn là tài sản của người mẹ. Đứa trẻ nào cũng bám mẹ cho đến lúc đi học, hăm hở trong môi trường mới, những bài học mở ra thế giới, thầy cô, những người bạn đáng nhớ đáng quên, các mối tình ngây ngô tuổi học trò…

Khi người mẹ mất quyền sở hữu con mình thì cũng là lúc đứa trẻ lớn lên, có thêm nhiều mối quan hệ và cả những bí mật, lúc còn ở Việt Nam thì bố mẹ có quyền lục lọi nhật ký, tra hỏi mọi điều của con còn khi sang Đức, tôi được dạy rằng không ai được phép sục sạo bí mật người khác trừ chủ nhân của chiếc rương khóa. Miêu im lặng, tỏ vẻ hưởng ứng lời mẹ. Một lần khác, mẹ Miêu lại ghé thăm. Ánh mắt đứa con hắt vào người mẹ và hắt qua thân thể mẹ, hình ảnh người đàn bà trong suốt, chập chờn như ngọn bấc đêm. Miêu thả ánh nhìn vào các vị trí khác, cái đèn ngủ, cửa ra vào, vết nứt trên bức tường, con nhện thả tơ góc trần nhà…Một lần, bà mẹ vuốt lưng khiến Miêu sực tỉnh, hoảng hồn buông một chữ Không làm bác gái giật mình, dường như Miêu đã vớ lấy cái gì đó chĩa về phía người vừa chạm vào cơ thể mình nhưng thấy đó là mẹ thì thở phào, thả tay xuống. Miêu biết mình vừa chợp mắt, có bữa, Miêu xuống tầng Một, thấy mẹ ngủ gật trong lúc đan khăn len. Chiếc đèn có lý do để tắt, Miêu có lý do ra ngoài, bước nhẹ và thật khẽ, không để mẹ vỡ giấc. Vị khách ruột rà sẽ bỏ đi khi người chủ ngôi nhà trở về. Miêu kể vậy còn tôi chỉ nghe, ghi tạc mọi câu chuyện của Miêu trong im lặng.

Một cú xoay vai, Miêu thở một tiếng ngắn rồi lầu bầu về giấc mơ. Trong lúc kể chuyện, mắt tôi chăm chú vào em họ còn mắt Miêu đảo tứ phía, hướng nhìn như cái la bàn chạy loạn trong khu rừng rối. Nếu cả hai đang trong nhà, mắt Miêu cất cánh đến vách tường là rơi xuống, lúc cả hai cùng ra ngoài, tầm mắt có cơ hội về một đường chân trời, tiếc thay Miêu luôn nhìn xuống đất. Chợt, Miêu trút một hơi dài hơn làn khói rồi viết thêm một trang trong sổ mơ hình ảnh con rắn mắc kẹt trên trần nhà, “Rắn ngủ đông quá lâu nên không biết cái hang đã bị lấp, con vật cố chui ra nhưng chướng vật trong bụng quá lớn, không thể tiêu hóa hoặc cái đuôi biến dị theo giấc mơ thành quái hình to gấp đôi thân mình nên cố sao chỉ rúc nửa thân trước khỏi tường. Biết đâu, một kẻ ác đã đóng hai cây đinh trên trần rồi lấy dây thép tròng cổ con rắn, buộc hai đầu dây được vuốt căng vào hai đầu đinh, con rắn bị phong ấn trên trần nhà”. Miêu hờ hững đặt một dấu hỏi trong lòng tôi rồi chuyển sang cảnh mơ khác, giọng kể của đứa em thì thào như mộng du.

“Anh chẳng nằm mơ, nhiều lúc thèm lắm được mơ thấy lúc chúng ta còn bé”. Tôi nói thế với Miêu trong cuộc gặp thứ hai. Tôi biết Miêu là người dễ ngủ và dễ mơ. Suốt mười hai năm sống cùng Miêu ở nhà tập thể, tôi biết Miêu là đứa hay ngủ, bạ đâu ngủ đó, có khi còn ngủ gật trong lúc mấy anh em đang chơi điện tử băng, từ tấm bé đã vậy, cho đến khi lớn lên, già đi, liệu Miêu có đi vào xứ vĩnh hằng cũng bằng một giấc ngủ? Miêu ậm ừ, coi lời tôi chẳng quan trọng, tôi hẹn Miêu một cuộc đi dạo ở những địa điểm cũ, lúc cả hai còn ngây ngô như chim sẻ.

Một tiếng khẽ, dường như Miêu nghĩ rằng tôi không nghe thấy nên đã lắc đầu. Đã bao nhiêu năm trôi đi kể từ ngày tôi cất cánh khỏi Hà Nội… Thời gian vút nhanh không tưởng, đôi lúc chậm chạp như con gấu ngủ đông. Ai cũng từng kỵ thuốc lá, thứ chất độc gây ung thư và biến dị bào thai, nhưng rồi ai cũng tìm đến thuốc lá như một thú tiêu khiển. Miêu không hút thuốc dù biết hút, còn tôi lạm dụng loài cỏ khói đến mức cơ thể yếu đi trông thấy. Tôi phải kiêng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Cả thế giới đang lên án thuốc lá, ông bác sỹ người Do Thái khám cho tôi bảo vậy và tôi lặp lại với em họ.

“Ở đây không còn cấm luật nào nữa”. – Miêu nói.

“Em hút thuốc không”? – tôi chìa gói thuốc trước mặt Miêu.

“Không có lý do để em hút thuốc” – Miêu nói.

“Nếu muốn thì cần gì lý do” – tôi lấy gói Caster7 móp méo trong túi quần, rút một điếu thuốc nhàu nát, vuốt thẳng rồi quẹt lửa. Nuốt miếng khói đầu tiên, tôi đã ho. Miêu nhìn tôi, nói rằng nếu cả hai đang trong nhà vệ sinh trường học hoặc một góc nhỏ sau trường, anh sẽ bật cười một lần nữa.

“Cười được là tốt lắm rồi” – tôi nói.

“Không thể, ông anh ạ. Em đã mất rất nhiều thứ khi lớn lên. Nếu anh không thể mít ướt sau một cú ngã, thà tranh giành với người khác một cô gái hơn là miếng bánh ngon thì đừng đòi hỏi em về tiếng cười. Anh có thể đấm vào mặt em ngay lúc này. Trước kia, chính em đã gạ gẫm anh hút thuốc. Lần hút đầu tiên, anh sặc khói còn em cười phá lên, lần thứ hai, em chỉ điểm cho sao đỏ bắt sống anh khi đang hút thuốc trong đợt thanh tra về trường”.

“Em không sao chứ”?

“Em vẫn vậy, anh mới có vấn đề”.

“Đúng! Anh đã quay lưng với cuộc đời mình”.

***

Tên tôi là Nam, cái tên định danh tôi từ lúc chào đời, trên giấy khai sinh, chứng minh thư, thẻ thư viện lẫn hộ chiếu, vẫn một chữ Nam viết đậm, tôi không cần đến một cái tên thứ hai, một sinh ngữ tây tàu đệm trước đệm sau, tôi chỉ có một cái tên dùng cho mọi chương trình đăng nhập, đấy là Nam.

Tôi nói tốt tiếng Anh và tiếng Đức nhưng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ. Ngôn ngữ cuống rốn không thể sử dụng bởi tính chất bất thông dụng, ngay cả quán bar do tôi làm chủ thì ngôn ngữ chủ đạo vẫn là tiếng Đức và tiếng Anh, bảng hiệu là Erinnerung chứ không phải một cái tên thuần Việt như chính cái tên tôi: Nam. Thiếu gì người Việt gốc Đức hoặc bố/mẹ Việt, con lai, quốc tịch Đức. Mày còn tên nào khác không, nhiều người đã hỏi tôi như vậy, tất nhiên, tôi nói một chữ Nam thật vang. Họ không vừa ý, đợi chờ một danh xưng khác, đáng tiếc từ trước đến giờ tôi không còn biệt danh nào ngoài cái tên Nam, đến một nickname phụ cho các trình duyệt máy tính vẫn một chữ Nam làm tên chính bên cạnh danh xưng Mr cùng những con số, ký hiệu cho hợp lệ độ dài tạo tài khoản.

Mỗi lần sang Mỹ, vào quận Cam thăm họ hàng, tôi hay thấy các cuộc biểu tình của người Việt ngoài đường phố, tôi hiểu rằng quê nhà đang có một ngày lễ. Các khuôn mặt cỗi bụi, nhăn nheo xếp thành hàng lối ngay ngắn diễu hành dọc ngang các tuyến đường có người Việt cư trú, quảng trường, công viên, trước cổng đại sứ quán. Chiến tranh qua lâu rồi, trước cả lúc tôi sinh ra nhưng thương tật vẫn âm ỉ, quá khứ không thể sang trang, cứ dai dẳng trong khẩu hiệu hòa hợp hòa giải. Mỗi lần mở trang tin tức liên quan đến Việt Nam, tôi ngần ngừ nhưng rồi vẫn đọc không sót dòng nào. Hai luồng tư tưởng, hai thể cách chính trị vẫn giao chiến dù thế kỷ 20 sắp hạ hồi. Tôi luôn đứng ở một góc khuất, chứng kiến các cuộc biểu tình. Tôi dõi theo nhóm người cho đến khi họ đi hết con đường, và tôi cũng rẽ vào đường khác, tìm một quán ăn Việt, gọi bát phở bò nhiều hành.

Hà Nội đang lạnh, dường như thế, tôi thấy ai cũng mặc áo khoác. Mỗi lần có cuộc hẹn không thể vắng mặt với những người họ hàng, ai cũng khoác áo ấm. Những khuôn mặt với cái tên mờ mờ trong trí nhớ đã mất hẳn ánh đuốc tái tạo, họ già đi quá nhanh hay tôi quá vô tình với bổn phận con cháu trong dòng họ nhưng chắc đấy không phải lý do. Thời gian không đủ quyền năng xóa bỏ ký ức trong trái tim người, thời gian luôn làm tốt phận sự của người gác mộ, kẻ đợi chờ trong thinh lặng, xúc đầy xẻng mọi vết tích của người sống lẫn người chết nhồi vào cái hòm màu lông quạ.

Tôi về, đứa con trai xa nhà lâu ngày của mẹ, người đàn bà đã ly thân với ông chồng lúc nào lúc sặc sụa mùi rượu, thằng cháu đáng yêu ngày nào nay đã không thể ẵm trong vòng tay. Tương tự như chuyến về nước đầu tiên sau ba năm học ở Đức, tôi được họ hàng chào đón, vẫy tay gọi từ xa, miệng cười giòn tan, chiều lòng họ, tôi kể rất nhiều đến mức để mình trôi bềnh trong cái miệng liến thoắng, ai nấy cũng tò mò về cuộc sống của một du học sinh, còn chín năm sau, ngoài mấy câu chào hỏi qua loa, họ chỉ vòi quà nhưng trong quà không có tiền nên khuôn mặt họ xìu xuống, miệng cười bảo có quà là tốt rồi. Ông bác ruột cộc cằn ngày càng hung dữ, chín năm rồi, chú Cẩm qua đời để lại vợ và đứa con, bố mẹ tôi mỗi người một nơi, rất khó để hàn gắn hai người theo đúng nghĩa một gia đình đầy đủ thành viên, tôi là sự ràng buộc, trói hai người trong mâm cơm đoàn viên, chẳng ai muốn nhưng tất cả vì con, đó như một khẩu ngữ nguy hại truyền đời, căn bệnh đầu độc cả đời người.

Từ nhỏ, tôi không thể mơ, trí não đã nhiều lần phác thảo về một cuộc tái hợp theo khuôn hình các bức ảnh đen trắng trong album. Bố mẹ tôi không đi bước nữa, họ đã già, tình yêu giữa hai người đã chết và chuyển hóa vào đứa con, tôi đinh ninh như vậy một thời gian dài trong căn phòng thuê rẻ tiền sau lưng tòa Freiburg, viết những lá thư dài gửi riêng cho bố mẹ. Tôi mong họ gặp nhau, cùng đọc thư của con trai. Tâm tư vui buồn của tôi không hóa giải được vết thương câm nín trong mỗi người…Một thời gian dài rất dài như vậy, thế rồi, tôi ngừng chuyện viết thư. Những trận gió trên đường phố cắt qua tuyết cắt qua sương cắt qua tôi. Berlin không thỏa hiệp với ai về giấc mơ đoàn tụ.

“Miêu à. Anh và em từng sống chung trong khu tập thể, ở sát nhà nhau, em là đứa mau khóc, một cú vấp ngã là òa toáng lên như gặp quỷ. Anh khỏe hơn em, cách biệt về tuổi tác dẫn đến sự chênh lệch về thể lực ư, anh lại nghĩ em là đứa trẻ tinh quái, sành sõi trò nước mắt để làm nũng lòng người, em sở hữu muôn vàn giấc mơ, anh thì không. Anh là kẻ giỏi kiểm soát cảm xúc nhất là chuyện khóc, càng lớn anh càng không cho phép mình khóc dù đau đớn, ê chề thế nào. Đàn ông khóc là hèn ư, chà, có khi đàn ông gian trá mới là kẻ không dám khóc. Đòn roi của đấng sinh thành không đáng ghi nhớ, con người, chỉ có hai lần khóc, lúc sinh ra đời và khi vỡ mộng cuộc đời.

Ngọn lửa năm đó đã dẫn lối tiếng khóc thứ hai của anh. Không nức nở, không một cảm giác xé ruột gan thành trăm ngàn đoạn, anh không vướng vào trạng thái tủi thân như mấy cô gái Việt cùng lớp, mỗi trận ốm là một lần khóc mình, miệng ú ớ về miền quê cổ tích. Mắt anh cay xè nhưng miệng mỉm cười. Đề luận văn của ông thầy người Đức vỏn vẹn chỉ một dòng “Alles über Dich”, ông gợi ý rằng mỗi sinh viên hãy tự hoàn tất bài viết của mình, xóa nhòa màu trắng trên giấy bằng cái gì đó để thuyết phục ông. Anh chàng người Phi thuần chủng viết những điều anh không một lần nghĩ đến hoặc có nghĩ nhưng thiếu can đảm viết ra, anh cần sự cho phép, một nguyên tắc hợp lệ và tưởng rằng phóng bút tùy thích là điều chỉ tồn tại trong giấc mơ tiểu thuyết.

Năm đầu ở Berlin với anh thật dai dẳng, mỗi ngày trôi đi thật chậm. Thư viện là nơi anh chạy trốn, sự cần cù của một con trâu đã quá quen với việc cày ruộng theo ý chủ và lúng túng, ngoái vòng vòng khi không thấy cái cày trên lưng, cứ vậy đứng lì giữa cánh đồng, phải rất lâu chàng ngốc mới dám chạy, nhảy xuống suối, ngụp lội, bơi chán thì lên bờ, nhấm nháp vị ngọt trên cỏ.

Tôi là người da đen, máu tôi màu đỏ, đấy là đề tài của cậu bạn da màu, bài của cậu khiến ông thầy bật khóc, ông sao lại bài thi rồi gửi cho hiệu trưởng và các nhà giáo dục, bài của anh đem so với bất cứ ai trong lớp đều kém cỏi nhưng vẫn qua, chẳng do sức học mà vì ông thầy đã chủ trương chấm đậu tất cả nhưng người thuyết phục được ông mới là người có triển vọng, anh nằm trong nhóm không thuyết phục được thầy. Về nhà, anh mượn bài cậu bạn da đen về đọc rồi đối chiếu với bài của mình, thật xấu hổ, một đứa giỏi toàn diện cấp thành phố, từng ăn giải quán quân Đường Lên Đỉnh Olympia như anh lại không thể tư duy sắc sảo, nghĩ nhiều và sâu như anh chàng cục mịch, xuất thân từ nơi nghèo đói nhất thế giới, anh đã khóc, đốt bài luận văn cùng mọi giải thưởng mình đạt được ở quê nhà, khói tro khiến mắt anh cay, khóc nhiều đến mờ mắt, càng khóc càng thấy dễ chịu, vừa khóc vừa cười, anh đã thua cậu bạn da đen hay thua chính mình? Có thật anh ra đi để hoàn thiện giấc mơ của mình? Du học sinh vốn dĩ là khái niệm được trồng trong óc bởi mẹ anh cùng các ông bác trong dòng họ. Trên tấm topic chụp tấm hình hai đứa trẻ mỉm cười, đôi mắt sáng nhìn về tương lai. Tấm bìa lớp luyện học ngoại ngữ dành cho du học sinh là như vậy. Sinh ngữ chủ đạo là English, tiếng Đức chỉ là phần học thêm cấp tốc. Lấy học bổng du học quá dễ dàng với anh, chuyện học ngoại ngữ cũng vậy.

Anh đã phải cặm cụi hết ngày hết tháng để có thành quả dát vàng lên mặt gia đình. Thời gian của anh mất đi không vô nghĩa nhưng đã được bán, ngã giá trong lời tuyên dương của nhà trường chứ không phải niềm hân hoan khám phá thế giới. Phải, anh đã tiêu đi thời gian quý báu của tuổi học trò, ra đi như một kẻ không nhà. Sân bay Nội Bài chia cắt anh với Việt Nam. Đó là lần đầu tiên anh ngồi máy bay và tuyệt không có một chuyến du lịch nghỉ mát nào, anh bị đuổi khỏi đất nước bởi chính gia đình mình. Người nhà anh mong muốn gì ở anh, thằng Phi, cái Ngọc, nhóc Phương, lũ em họ yêu quý của anh còn nhớ gì về anh ngoài một thằng to xác học giỏi luôn được bố mẹ chúng lôi ra so sánh.

Học giỏi, thành công với công việc, chức to hái ra tiền là niềm kiêu hãnh của gia đình chứ không phải sự trưởng thành, tự quyết lấy tương lai của đứa con. Là anh, kẻ luôn sống theo sự sắp đặt của người lớn, sợ bố mẹ buồn nên luôn cố sống đúng khuôn khổ một đứa trẻ chăm ngoan, học giỏi. Gia đình chu cấp cho anh những năm đầu và khi anh có thể tự lo cho mình thì gửi tiền về cho họ cùng một ít quà. Những cuộc chuyện trò trôi nổi trên Webcam, vài dòng thăm hỏi, dò xét thành tích học tập và thu nhập riêng, chỉ thế và chỉ thế.

Hai ngày trước, anh đến thăm bố. Vẫn căn nhà tập thể trong hẻm, mỗi người một gian và hàng chục người trong tòa nhà xuống cấp như một phế tích hậu chiến tranh. Anh thấy mình khờ đi trong sự loay hoay gợi chuyện, nói mãi một kiểu chuyện với những người hàng xóm xửa xưa. Bên xứ người, đời sống lạnh lùng nhưng tính ra còn nhẹ nhõm chán so với việc cứ phải chuyện trò, hỏi đáp xã giao hết người này đến người kia.

Trong cảnh sáng tối lập lờ, cái cầu thang bê tông vẫn lắt léo như vậy. Lâu rồi, anh không nhìn thấy bức tường quét sơn vàng, chuỗi dây điện xích vào nhau rồi bời, đếm không xuể mấy lần anh suýt ngã vì lối đi gồ ghề. Tầng ba, cuối hành lang, sau cánh cửa gỗ là bố. Một cái gõ cửa hơi mạnh khiến cánh cửa hé hờ mở ra, trơn hết cánh. Bố anh già đi, anh trông rõ điều này dù mái tóc ông bóng đen đến đáng ngờ. Nếp nhăn trên khuôn mặt ông xô lệch, bộ răng xỉn vàng ngóac ra chào anh, rồi ngáp vặt. Nụ cười của anh được nối bằng sự vui mừng của bố.

Vỏ chai khắp nơi, căn phòng ẩm thấp, kết tủa đủ thứ mùi trên đời. Sau vài lời chuyện trò như xã giao, anh ra ngoài hút một điếu thuốc. Mấy ông cậu, bà dì sống tầng trên và hàng xóm bên cạnh nhìn thấy anh, thốt vài lời chào hỏi, vài cái cười. Anh chào họ như cách họ chào mình, hỏi thăm từng khuôn mặt đã thoái hóa đến mức không nhận ra. Con về rồi. Anh đã quên nói điều này với bố, anh xuất hiện cùng lời chào gọn và ngắn hơn vết chân kiến: Con chào bố. Hết một điếu thuốc, anh quay vào phòng. Bố vẫn ở đó, mặc mỗi chiếc quần đùi, ông đứng gần chiếc áo khoác anh treo trên mắc, ông lần từng túi một, tìm thứ gì đó, chợt, bố nhìn ra cửa và thấy anh. Hút thuốc xong rồi à, bố nói thế. Anh im lặng một lúc lâu. Hai người ngồi đó, thời gian không biết bao lâu. Ông với điều khiển bật một lèo, chẳng biết xem gì rồi tắt. Bố đang nghĩ gì? – Anh hỏi thế. Tao cần tiền, bố anh trả lời như vậy. Ngoài tiền ra? Anh lại hỏi bố. Mày cho mẹ mày bao nhiêu… Bố anh trả lời thế và chỉ như thế. Lúc gặp nhau trong bữa cơm nhà thì hai bố con ít có dịp nói chuyện và khi anh và bố gặp riêng thì anh chỉ biết hỏi, những câu hỏi mãi bỏ ngỏ”.

“Này!” – tôi nói vang khi không thấy Miêu. Căn phòng trống, cửa sổ mở hé nhưng cửa chính đã khóa chìa. Nhìn sang trái, phải, mắt tôi lướt qua bức tường nhuộm trắng trong ánh đèn led. Tiếng gọi thứ hai của tôi cất lên rồi vút mất. Miêu đang ngồi trên đỉnh cầu thang, thả hai chân xuống.

“Em lên đó lúc nào thế!” Tôi đi lùi đến gần sát tường, nhìn lên. Miêu ngồi chống cằm, tay còn lại để ngang, bàn tay xòe ra chống khuỷu tay. Miêu không nhìn xuống tôi, không nhìn về bức tường trắng trước mặt. Theo lời đứa em thì ngôi nhà này đáng lẽ có hai tầng. Tầng dưới ngoài cánh cửa dẫn vào nhà tắm và bếp là hết. Không có chiếc giường nào, Miêu nằm nghỉ trên chiếc chiếu cói với cái chăn mỏng phủ lót phía trên, không có gối, lớp chăn đủ dày để gối. Cầu thang xây lưng chừng thì dừng lại. Đỉnh cầu thang chìa ra một khoảng rộng, nơi Miêu đang ngồi lúc này, trên đó chỉ có cái tủ quần áo và cái bàn làm việc, xếp đầy mô hình đồ chơi và manga. Căn phòng riêng không thể thành hình bởi không đủ chi phí, một lý do khác thuyết phục hơn, Miêu muốn giữ lại mọi thứ của bố.

“Lại mơ…”

“Em tìm thấy nó trong lúc anh đang nói”?

“Ông già anh không cần tiền đến thế đâu”.

“Anh cũng nghĩ vậy”.

“Ý em là, ông ấy đang dò xem giữa ông và vợ, anh chọn ai. Tiền không đo được lòng người nhưng ối kẻ vẫn thích lấy tiền làm chỉ số đánh giá cuộc đời”.

“Trước kia, bố anh không…”.

“Anh quá mải hoài niệm mà quên đi hiện thực”.

“Thời gian thật tàn nhẫn”!

“Sai! Con người mới tàn nhẫn, thời gian chỉ thử thách nhân tính của người”.

Tôi định nói gì đấy mà quên khuấy, chẳng biết mình đã buột miệng nói gì. Một tiếng ho khan không biết của ai và một tiếng thở phù không rõ từ đâu. Miêu bắt đầu kể giấc mơ của mình. Tôi ngước lên nghe, giọng Miêu nhỏ như tự thầm. Tôi lại quên, Miêu từng bảo rằng đời cậu chỉ còn cõi mộng, Miêu đã vứt bỏ mọi thứ ở tuổi mười tám.

(Còn tiếp)

Comments are closed.