Một năm nhìn lại (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 135)

Tương Lai

Nhìn lại những gì đây trong bộn bề những cảm hoài day dứt xốn xang, sực nghĩ đến mấy câu thơ Cao Bá Quát:

Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu

Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu 
Đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt
[1]

Mà quả có thế thật. Nghĩ về thế sự mênh mông và bất thường của những biến động không sao lường được để chọn được một cách nghĩ, cách sống giữa buổi nhiễu nhương này, mà “đem mộng sự” đối chiếu với hiện thực đang sống thì quá mệt và vô nghĩa. Nhớ đến bài ca đi trên bãi cát của Cao Bá Quát trên con đường dài của một đời người: “Bãi cát, bãi cát, ngao ngán lòng/ Đường phẳng mờ mịt, đường hiểm vô cùng!/ Nghe ta ca "cùng đồ" một khúc!/ Phía Bắc núi Bắc, núi muôn lớp!/ Phía Nam núi Nam, sóng muôn đợt!/ Sao mình anh còn trơ lại trên bãi cát?[2]

clip_image002[4]

Cao Bá Quát

Chỉ còn có một mình trên con đường đầy chông gai ấy mà ngòi bút của Chu Thần vẫn khoáng đạt, đầy uy lực: “Hãy bền lòng, chớ chút oán vưu/ Thời chí hĩ, ngư long biến hóa/ Thôi đã biết cùng thông là mệnh cả/ Cũng đừng đem hình dịch lại cầu chi/ Hơn nhau cũng một chữ thì. Hình như Cao Bá Quát chưa tìm thấy chữ “thì” ấy, chỉ có

Khét mùi thế vị chẳng thà không!

Thơm nức phương danh nên mới khổ[3]

Trần ai đếch chỗ ư? Không. Vẫn có chỗ đấy chứ! Cái chỗ đứng tự do, thanh thản giữa cuộc đời, không phải luỵ ai, chỉ luỵ lương tâm, và vì thế phải luỵ lương tri, không khuất phục trước sức ép nào, áp lực nào. Và, cái LUỴ này lớn lắm, nặng lắm Mấy ai hiểu rõ được lương tri. Vương Dương Minh, một trong bốn vị thầy vĩ đại nhất của đạo Nho, từng viết

Lương tri thấy được lúc độc tri,
Ngoài biết ấy ra há biết gì?
Ai mà chẳng có lương tri sẵn?
Hồ dễ mấy ai biết lương tri?
[4]

Mông lung trong miên man suy nghĩ, trước những mênh mông thế sự trong những ngày cuối năm. Bật dậy những cảm hoài về Hà Nội những ngày này cách nay đúng tròn nửa thế kỷ. Bỗng dâng trào biết bao hồi ức. Kỷ niệm ào về, dồn nặng ngón tay bấm phím tiếng gầm rú của B52, của F4B ném bom, và tiếng pháo đủ các loại, kể cả tiếng nổ nhỏ nhưng rất đanh CKC, trung liên, đại liên của cánh tự vệ nam nữ trên cầu Long Biên, tiếng rít của tên lửa phòng SAM 2 (sau này mới biết là vừa được Liên Xô tháo gỡ chủ trương hạn chế vì né tránh sự đụng độ lớn với Mỹ, nên khi SAM 3 chuyển vào trận địa sẵn sàng phóng thì Mỹ đã dừng ném bom). Thực ra những đêm 20, 21, 22 và 23 tháng 12 năm 1972 đứng ở xóm Bầu, Bắc Giang xốn xang nhìn về Hà Nội với ánh sáng ngang dọc cứ như sao sa và chỉ nghe ì ầm tiếng súng phòng không mà thắt ruột thắt gan.

Mờ sáng 24.12 là bon bon qua cầu Đuống về Hà Nội vì nghĩ là Mỹ ngừng ném bom nhân Giáng sinh. Mỗi lần qua đây là nín thở đạp một lèo vì Cầu Đuống là toạ độ hứng bom, nay lại ung dung dừng xe nghỉ một lúc cho thằng con nằm ngả dài ra bãi cỏ thư giãn vì ngồi trên chiếc ghế đèo hàng giữa bụng mẹ và lưng bố mỏi cẳng quá mà nén không dám kêu. Cao hứng tôi đọc thơ Hoàng Cầm:

Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ…

Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu, về đâu?…

Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương

Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông

Vợ tôi rất thích và hay nhắc lại hình ảnhSông Đuống trôi đi. Một dòng lấp lánh. Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ…”. Thằng con tôi háo hức về Hà Nội đã đứng dậy đến bên chiếc xe đạp. Như được tiếp thêm sức, tôi dồn sức đạp một mạch về đến nhà. Kỳ này kế toán Viện đã tạm ứng trước tiền phụ cấp, tôi tháo xong cái ba lô và mấy thứ lỉnh kỉnh buộc chằng vào hai bên ghế đèo hàng, rồi đèo cả hai mẹ con Tuấn lên Phở Bằng phố Hàng Hòm, hiệu phở ngon nhất buổi ấy, hào hứng gọi ba bát. Bé Tuấn cứ ngơ ngác nhìn bố mẹ, lại nhìn vào bát phở, tay vẫn cầm chặt cái thìa, lần đầu tiên được “hẳn” một bát phở? Mẹ cười: “Con ăn đi, cả bát là của con đấy, hôm nay Bố đãi nhân đánh thắng B52 đấy con”. Thằng con nhoẻn miệng cười xọc chiếc thìa vào bát phở, nhấm nháp.

Con trai tôi vốn ít nói nhưng rất thương bố mẹ, không hề kêu ca hay cau có vì ăn chưa no thì cơm, rau đã hết trong những ngày còn gay go thiếu thốn của thời đã hết bom đạn. Khi đã có thêm em gái, cháu luôn nhường phần cho em. Mẹ cháu có lần kể lại mà không cầm được nước mắt: Hôm cháu đi thi tuyển vào đại học, cô của cháu, chị ruột tôi, ở trong Viện Quân Y 108 đem cho ra cho cháu một chiếc bánh mì, mẹ cháu rán một quả trứng vịt bày ra mâm cho cháu ăn để đi thi, rồi mãi quét dọn sân, khi cháu chào “Con đi đây mẹ ạ” mới chạy vào tiễn con, ngoái nhìn lại đĩa trứng tráng vẫn còn. Thì ra cũng như mọi khi, cháu chỉ ăn có nửa đĩa trứng tráng một quả trứng vịt, còn sẻ lại một nửa để lại cho em! Kỳ thi ấy cháu đạt 27,5/30 điểm vượt chuẩn được xét đi học nước ngoài 7,5 điểm (điểm chuẩn được tuyển chọn là 20 điểm). Bạn tôi, anh Phạm Thuỷ Ba biết chuyện đã la lên: “Sao lại cho con ăn trứng vịt để đi thi hả?”. Để trấn an vợ, tôi vội nói át đi: Thì chỉ đủ tiền mua một quả trứng vịt, không tráng trứng vịt thì tráng cái gì, chẳng lẽ cắt thịt đùi tôi ra mà tráng, tôi đâu phải Giới Tử Thôi và còn đâu Trùng Nhĩ, mà hôm nay đâu phải tiết hàn thực!”.

Trở lại với chuyện B52. Ngày 24 đang yên chí sẽ thoải mái đón Noel thì buổi chiều đã nghe loa gọi phải trở lại ngay nơi sơ tán hoặc phải chuẩn bị hầm trú tránh bom ngay. Vừa kịp nghe loa báo “Đồng bào chú ý, máy bay Mỹ cách Hà Nội …km”. Thì cứ nghe, nhưng vẫn nghĩ là mình cảnh giác phòng xa thôi, gầm cầu thang xi măng thời Tây rất chắc, ba chúng tôi ung dung ngồi vào góc sâu. Loa gọi “Máy bay địch đã bay xa” lại leo lên nhà. Đúng lúc đó anh Phạm Thuỷ Ba đến hỏi thăm. Đoạn này tôi đã đưa lên “Mênh mông thế sự” năm kia. Xin dẫn lại vài dòng:

clip_image004[4]“…Tình cờ chiều tối hôm ấy anh Phạm Thuỷ Ba đến thăm – vợ tôi nhớ kể lại chứ tôi thì quên bẵng – vì chuyện tránh máy bay thì lắm quá. Sau nhiều lần chạy xuống nấp gậm cầu thang rồi lại lên, lại xuống, lại lên… Mặc dầu biết rằng chúng nó sẽ “chơi” quyết liệt, chúng vừa ném bom Bệnh viện Bạch Mai xong, nhưng mệt quá rồi vợ tôi liều mạng vẫn nằm yên không “chạy” nữa, thằng con trai tôi vừa khúc khích đó đã quay ra ôm mẹ ngủ ngon lành. Tôi và anh Phạm Thuỷ Ba ngồi bên chai Vodka gần cạn đáy do anh Nguyễn Tài Cẩn gửi cho. Vốn không uống được Vodka vì nặng quá, ông bạn xứ Nghệ của tôi nhâm nhi một mình giữa sàn nhà. Hết rượu, quay sang uống trà. Một lúc anh hỏi bâng quơ: “Nhà có hành muối không nhỉ?”. Vợ tôi bật dậy: “Em có”. Rồi cô lục lọi đâu đó đưa ra một lọ cà vừa ngâm dấm và chút muối đường, có tấm vỉ tre nén chặt. Anh Thuỷ Ba thú vị đón lấy: “Quá tuyệt”. Lấy cán bút bật cái vỉ tre nén cà ra, rồi cứ thế, hai ngón tay anh thò vào lọ cà, kẹp ra từng củ nhai ngon lành. Ngồi giữa sàn nhà, chúng tôi nhâm nhi chén trà Thái, nhắm với… hành muối! Hết lọ hành, anh nhỏm đứng dậy: “Thôi mình về, cũng muộn rồi, sốt ruột không hiểu các cậu sống chết ra sao với B52 nên đạp vội lên hỏi thăm, thế là ổn rồi, chúng cứ uỳnh oàng thế này, bà Châu Anh và chúng nó lại lo”.

Nhà anh tận Chợ Bưởi, phải đạp mất gần một tiếng. Tiễn anh ra cổng, thấy đường phố vắng lặng, tôi quay vào nằm thao thức nghĩ lan man, thầm cảm ơn vợ tôi quý bạn, rồi ngủ lúc nào không hay. Sáng hôm sau dậy sớm chạy ra cổng, gặp Đôn, chồng Mai Bích Ngọc: “Tối qua nó ném bom Khâm Thiên đấy anh ạ”. Tôi hoảng quá: “Khâm Thiên à?”. Nhớ ngay đến Hoan, vợ Nguyễn Đình An, người bạn thân nhất của tôi đang ở Mặt trận Quảng Đà. An hơn tôi hai tuổi, đi B năm 1968, đến năm 1973 anh được ra Hà Nội chữa bệnh rồi quay lại mặt trận. Hai anh chị đã hẹn ước với nhau khi An đi B, nay tôi giục giã họ làm đám cưới. Sau đó An cứ đi, mọi việc còn lại, vợ chồng tôi sẽ thu xếp. Khi An đang ở Quảng Đà thì Hoan sinh cháu Thuỷ. Vợ tôi đã kịp “cầu cứu” anh tôi ở Khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Việt Đức đến Bệnh viện C trợ giúp. Mẹ tròn con vuông, tôi vội báo vào cho An.

clip_image006[4]

Khâm Thiên sau trận B52 đêm 26.12.1972

Thế đó. Để rồi hôm nay tôi phóng xe đạp lên Khâm Thiên. Vượt qua đường Trần Quốc Toản quen thuộc, băng qua Nguyễn Thái Học vắng tanh, lên đường đê La Thành nhộn nhịp khác với mọi lần, đạp một mạch đến Khâm Thiên. Len lỏi dắt xe tìm vào ngõ có nhà Hoan, sững sờ vì những bộ mặt thảng thốt đầy lo âu, tôi không nỡ chen lấn, đứng nép bên đường để hỏi thăm. Cuối cùng rồi cũng thở phào nhẹ nhõm khi nhận ra được người quen cho biết: “Nhà ấy không việc gì vì còn cách ngã tư đến mấy chục số nhà, từ ngã tư trở đi mới bị nặng, chẳng còn gì”. Ném xe đạp vào một ngõ cụt ở góc phố hẹp, loay hoay khoá xe. Anh dân phòng đeo băng đỏ nói to: “Khỏi cần khoá. Cứ để đấy không ai lấy đâu. Ở đây ổn và nghiêm lắm. Không việc gì đâu, tôi đứng đây suốt từ khuya đến giờ, mọi việc an lành”. Len lỏi qua dòng người, tôi đến được nhà Hoan. Hai tiếng an lành lúc này sao mà nặng lòng và ấm áp đến thế.

Chúng nó đã lật lọng. Tối 18 tháng 12, khi nhà đàm phán Lê Đức Thọ vừa về đến nhà thì những trái bom đầu tiên trong Chiến dịch Linebacker II ném xuống Hà Nội. Sau một ngày nghỉ Giáng sinh, đêm 26.12.1972 chúng ném bom ác liệt Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh lân cận khi mà trước Noel chúng nó đã ném bom san bằng một cơ sở chữa bệnh lớn nhất Miền Bắc. Bệnh viện Bạch Mai bị ném bom 4 lần, trong đó trận bom ngày 22/12/1972 là thảm khốc nhất. Tiếp đó, 26/12/1972, B52 ném bom rải thảm dọc phố và khu chợ Khâm Thiên, 534 ngôi nhà bị san phẳng, 287 người chết trong đó có 40 cụ già, 56 trẻ em, 94 phụ nữ. Sáng 27/12/1972, máy bay Mỹ vẫn tiếp tục quần thảo trên bầu trời Hà Nội. Trong 12 ngày đêm Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc Việt Nam trong toàn bộ thời kì từ 1969 đến 1971. Sau này tôi mới biết, lúc 22 giờ 47 phút, khu phố Khâm Thiên bị trúng 3 vệt bom B-52 kéo dài từ Ô Chợ Dừa đến sát Công viên Thống Nhất, các loạt loạt bom trùm lên cả hai bên dãy phố dài tới 1,2 km. Trận đánh trả then chốt có tính quyết định khi các tiểu đoàn tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng đã bắn rơi 8 chiếc B-52, trong đó có 4 chiếc rơi tại chỗ. Trong buồng lái (cockpit) của chiếc máy bay B-52 rơi xuống Tương Mai, ta đã thu được một chiếc cặp trong đó có chứa các tài liệu kế hoạch bay, lịch bay, đội hình bay, mục tiêu đánh phá của B-52 và bản đồ các mục tiêu đánh phá của B-52 và bản đồ các mục tiêu, lộ trình bay kèm theo. Mãi đến gần đây, các tài liệu đó mới được tiết lộ. Như những thước phim quay chậm, những con người, những sự kiện cách nay gần nửa thế kỷ hiện dần lên, bao ưu tư da diết nỗi đau thầm lặng chẳng thể nào nguôi, chen vào đó là những giây phút tràn đầy niềm hứng khởi không thể quên được của người Hà Nội hào hoa. Đó là khi loa báo “Máy bay địch đã bay xa”, những cái đầu nhô lên sau khi gạt tấm bê tông tròn làm nắp đậy những hố cá nhân, tiếng cười nói râm ran: “Lên thôi chứ, còn làm mấy cốc bia. Mà phải nhanh lên chứ không xếp hàng được đến bia thì hết”… “Hai bố con tớ ngồi một hầm, chật quá, ê cả người, vọt lên được, như lên tiên”, …“Tớ đã bật nắp từ nãy, khi nghe tiếng tên lửa rít, chắc của mình, xem thử quân ta bắn thế nào, khoái vô chừng…”.

clip_image008

Chng tích xác B52 h Hu Tip, Hà Ni

Vòng quanh đài phun nước ở ngã bảy gần kề nhà Thuỷ Tạ, người ngồi la liệt, hể hả với vại bia sủi bọt. Có ông ngồi chồm hỗm với hai, ba vại bia đặt trên nền gạch lát, giữa hai bàn chân. Chuyện râm ran, tam sao thất bản, chẳng sao, miễn vui cái đã: Nào là “Phi công ta sau khi phụt hai quả tên lửa trúng B52 rồi thì ngửa bụng máy bay vọt lên ngọn lửa B52 cháy, chui vào mây bay về căn cứ ngon ơ, các máy bay phòng vệ cho B52 cứ là giương mắt ếch lên nhìn”, một ông vừa nói vừa múa tay thị giảng, cứ như thể ông vừa chĩa ống kính máy quay phim lên trời mà quay cận cảnh điều ông vừa trình diễn. Một anh chàng hứng khởi quá ngửa mặt lên trời hét to “Chúng mày cứ bê năm hai nữa đi, có thêm bê năm ba nữa chúng ông cũng đếch sợ”. Cả “hội bia” người ngồi, người đứng nhiệt liệt vỗ tay. Có anh nhảy cẫng lên: “Mẹ chúng mày, cứ vào đây, chúng ông cho ăn kẹo đồng tên lửa Liên Xô loại mới còn gin” rồi anh ta kể vanh vách SAM 2, SAM 3 cứ như một sĩ quan tên lửa thực thụ! Đúng vào lúc thăng hoa vì bia, và vì niềm vui B52 bị tan xác trên bầu trời Thủ Đô, các “Gavơrốt Hà Nội” đã kịp mang lạc rang húng lìu từ các “lò” ở Tạ Hiền, Hàng Buồm, Hàng Cháo đến. Như một đám chim sẻ sà xuống, các chú nhóc đưa từng gói nhỏ lạc rang hình chóp nón nằm gọn trong lòng bàn tay cho những người say bia, tay móc tiền trả mà cứ rung bần bật: “Thôi, chú mày cầm cả, không phải trả tiền thừa”. Chú bé lạc rang cũng vui vẻ “sòng phẳng”, thò tay vào túi móc ra một nắm vừa viên bom bi, vừa mẩu đuyra từ xác máy bay bị bắn rơi vung vãi trên bầu trời Hà Nội rơi xuống “Biếu bác làm kỷ niệm”. Chú còn hứa: “Lần tới nếu B52 còn rơi, bác còn ra đây uống bia, cháu có thể còn tặng bác các tút đạn đại liên đặt trên nóc cầu Long Biên bắn trả máy bay Mỹ, rơi hay không thì còn kiểm chứng, nhưng “các tút” thì vãi ra như trấu. Khó khăn lắm cháu mới nhặt được mấy cái”. Một anh hỏi cà chớn “Nếu chú mày kiếm được các tút của khẩu súng cài ở đuôi máy bay B52 nhằm hạ Mic 21 của ta, thì tớ sẵn sàng thầu tất cả lạc húng lìu của chú giá gấp mười lần để chú khỏi mất công bán từng gói”. Chú bé cười:Cái ấy thì chịu. Chú hỏi cụ Nguyễn Tuân hay hỏi chuyện phi công Mỹ ở Hoả Lò xem sao. Nhưng tìm cụ thì phải đi chếch về phía Nhà Hát Lớn, cụ hay ngồi ở quán bia Cổ Tân ấy”. Chú nhóc “Gavơrốt Hà Nội” tỏ ra am hiểu nhiều thứ, kể cả chuyện nhà văn Nguyễn Tuân, một “con người Hà Nội” thuần tuý nhất Hà Nội từ nghĩa đen cho đến nghĩa bóng. Ông nhất định bám trụ Hà Nội không chịu đi sơ tán, đầu đội mũ phòng không, chiều_chiều ung dung ngồi ở “quán bia Cổ Tân” gần Nhà Hát Lớn Hà Nội như chưa hề có sự hiện diện của “pháo đài bay” cùng những trận bom rải thảm! Ngọc Trai – chị tôi – nguyên Phó Tổng Biên tập Tuần báo Văn Nghệ, trong cuốn “Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tuân” đã ghi lại lời tâm sự của cụ Nguyễn như sau: “Mình sống được như thế này là lãi rồi, cần trốn tránh làm gì nữa! Bây giờ mình “Sống mãi với Thủ đô thôi” (tên một cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng).

clip_image010

Hình bìa cuốn sáchHà Nội ta đánh Mỹ giỏicủa Nguyễn Tuân

Ông cự nự với Ban Biên tập của Nhà xuất bản khi họ muốn đổi tên sách của ông: “Ba cái anh duyệt bài là hay chúa suy diễn. Tôi không có đứng trên đứng dưới cái gì sất, chỉ có điều là tôi không chịu được cái gì chung chung. Tôi nói Hà Nội ta là Hà Nội của chúng ta đây! Hà Nội của ta đây! Tôi tự hào với cái Hà Nội của ta, thế có được không? Thế còn đánh Mỹ giỏi thì phải nói rõ ra là đánh Mỹ giỏi chứ chỉ đánh Mỹ thì ai biết ta đánh Mỹ như thế nào? Một cái tên sách, nó cũng là cái tên sách của tôi, sao ông cứ bắt tôi phải giống mọi người? Nếu ông làm biên tập mà cứ muốn gọt tôi cho tròn vo như vậy, không có cá tính không còn gì của riêng tôi nữa thì thôi, để sách đó, tôi không in nữa”.

Nói đánh Mỹ giỏi, Nguyễn Tuân có cách nói mạnh mẽ khúc chiết. Nhưng khi cần nói đến cái tinh tế, ông lại thật tinh vi tế nhị. Xin dẫn ra đây câu chuyện của Vũ Thư Hiên: “Nguyễn Tuân dừng lại hồi lâu trên hè, nhìn phố Hai Bà Trưng thưa thớt người đi lại vào sáng sớm tinh sương, ông nghiêng đầu nói khẽ với tôi: Anh có thấy Hà Nội buổi sáng mồng Một này thiếu cái gì không?

clip_image012Tôi không cần động não để tìm câu trả lời. Câu hỏi được đặt ra chỉ là cái cớ cho câu trả lời đã có sẵn, chắc chắn là sẽ rất Nguyễn Tuân. – Thiếu sương! – Nguyễn Tuân, mắt vẫn nhìn chung quanh, thở dài. – Anh không nhận ra cái sự thiếu ấy, tôi không trách. Anh còn quá trẻ. Ngày trước, sáng mồng Một bao giờ cũng có sương nhè nhẹ, không nhiều, một chút gọi là có, nhưng đích thực là sương. Nó bay là là, thoang thoảng, như có mà như không. Rét ngọt. Chỉ có trên các lá cây mới có sương hiển hiện, lâu lâu đọng thành giọt, rơi xuống mặt mình, có khi lọt cả vào cổ áo mình, rất là Tết. Đã mấy năm nay, vào ngày Tết mình cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó mà không biết là cái gì. Bây giờ mới hiểu ra: đúng là thiếu nó, thiếu sương!”. Vâng thiếu sương, người Hà Nội vẫn tinh tế và biết trân trọng cái đẹp của tự nhiên.

Đúng nửa thế kỷ trôi qua, những ngày cuối năm 2022 nhớ lại hình ảnh của Hà Nội bi tráng, máu chảy, nước mắt rơi đi liền với niềm vui của người Hà Nội oai hùng và quật cường sống. Lầm lũi dọn dẹp đống đổ nát và bận rộn với những toan tính khó khăn sắp tới sau cái hoạ B52. Ấy thế mà bọn trẻ lại ríu rít, trong đám có bé chít khăn tang, kể cho nhau nghe tiếng tên lửa rít và thấy máy bay Mỹ rơi như thế nào. Hình ảnh Hà Nội buổi ấy cứ nhói vào tim tôi, bỏ máy tính vào bàn cho thêm trà vào ấm, ngả lưng vào ghế, uống chén trà nóng bỏng miệng mà nhớ câu thơ Cao Bá Quát:

Việc đời hơn bốn mươi năm có lúc thịnh lúc suy,
Chỉ có những đoá hoa sen vẫn đỏ thắm như ngày trước
[5]

Thầm nhẩm câu hát của Trịnh Công Sơn:

Lòng như thầm hỏi tôi đang nhớ ai

Sẽ có một ngày

Trời thu Hà Nội trả lời cho tôi.

Sẽ có một ngày

Từng con đường nhỏ trả lời cho tôi[6]

Chưa tìm thấy câu “trả lời” ấy. Mà chỉ nghe một lời nhắc

Ôi tiếng buồn rơi đều

Nhìn lại mình

Đời đã xanh rêu[7]

Đời của người nhạc sĩ thiên tài ấy chưa hề xanh rêu mà là bất tử, nhưng hình tượng “đời đã xanh rêu” cứ ám ảnh tôi khi viết “nhìn lại đời mình”. Vào tuổi 87, khi sức lực đã mỏi mòn với một lô những đơn thuốc đã kê, toàn những tiểu đường, tim mạch, u xơ tiền liệt tuyến, gout, nay lại thêm suy thận. Con gái tôi cảnh báo: “Bố có nguy cơ phải chạy thận đấy nếu không cố gắng kiêng cử và tích cực điều trị”. Mỗi lần nghe cô cháu xướng lên: “Ông cho tiền đi mua thuốc” cứ giật thót cả mình. Nhẩm thử trong đầu một bài toán cộng trừ với tiền hưu mà tự thấy khéo mình “xanh rêu” thật chứ chả bỡn! Ấy thế sao tôi lại cứ nhơn nhơn mà nghĩ đến thơ Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ. Thì cũng để cho nhẹ bớt ưu tư và những cảm hoài về những ngày cuối năm gợi nhớ bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Thế thôi.

Nhân sinh ba vạn sáu nghìn thôi

Vạn sáu tiêu nhăng hết cả rồi.

Nhắn con tạo hóa xoay thời lại…[8]

…Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Được mất dương dương người tái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
[9]

Chẳng hiểu tại sao vào lúc này tôi lại nghĩ đến Ông, một nhà thơ mà tôi rất thích đọc mỗi khi đã mệt và tắt máy tính. Phải chăng vì nó gợi lên một nét phóng túng, ngang tàng ung dung thanh thản vượt qua mọi thách đố gay gắt của một đời người. Ngẫm nghĩ mãi về “Quẻ Vị Tế” kết thúc cuốn hồi ký “Người Ham Chơi” rất hay của Hoàng Phủ Ngọc Tường ký tặng tôi: “Vận mệnh thịnh suy, đường thế gập ghềnh, người đi tới cuối cuộc lữ hành ngồi thở phào nhẹ nhõm ở quẻ Ký Tế (đã qua sông;quẻ 63). Đến đây tưởng rằng việc đã xong, nợ đời đã trả, chỉ còn một bước nữa thôi là đi hết đường dài. Điều hoàn toàn bất ngờ của Kinh Dịch, ở cái bước sau cùng ấy lại chính là quẻ Vị Tế: Một dòng sông khác lại hiện ra trước mặt, và con người phải tiếp tục cất bước, khởi đầu trở lại cuộc hành trình. Đúng như thế, Vị Tế là một thông điệp vĩnh hằng về phận người: Hỡi người, người sinh ra không phải để yên nghỉ mà lên đường, lên đường bằng tất cả lo âu của kẻ vượt sông”.

Nỗi lo âu của kẻ vượt sông ư? Với tôi, nỗi lo âu ấy dường như là những nỗi lo âu tôi đã gửi vào “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi” mà tôi đã giải thích cho Benedict Kervliet, giáo sư xã hội học, bạn thân của tôi, nhà nghiên cứu và đã có những công trình về Việt Nam và Đông Nam Á hiện sống ở Hawaii. Anh hỏi: “Vì sao

các bài tản văn chính trị, thời sự của anh đưa lên mạng đều mang tên là Mênh mông thế sự để gió cuốn đi?”. Tôi viết trả lời:

Dùng cái tên đó, tôi mượn ca từ của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi…”. Mượn hình tượng đó, tôi biểu tỏ quan điểm cầm bút của tôi: Ngòi bút tôi viết ra bộc lộ “một tấm lòng” của tôi với cuộc đời theo cách của tôi, tự do trong suy nghĩ, trong tư duy đổi mới cho kịp với thời cuộc, trong phóng khoáng tìm người đọc khi gió cuốn đi, rồi vô tình đậu lại đâu đó, ai thích thì đọc, không thích thì quay mt thn nhiên bỏ đi hoặc cm vứt đi. Tôi không phải phiền ai, không luỵ ai ”.

Bởi lẽ vì từ năm 1999 tôi đã bị cấm không được xuất hiện trên tất cả báo chí chính thống trên cả nước cho dù trước đó viết báo là nghề phụ của tôi, và tôi sống vào nhuận bút của bài viết bổ sung vào tiền lương hưu trí quá ít, nhất là tôi lại là người chủ động từ chức Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam năm 1997 [là người duy nhất từ chức một chức danh đang giữ một thứ bậc không thấp trong bộ máy quyền lực vào thời điểm đó). Cấm xuất hiện trên báo chính thống cả nước cũng là ngón đòn quen thuộc đánh vào “cái dạ dày” người cầm bút. Thì tôi, thà sống chật vật một chút chứ nhất định không cúi đầu, bẻ queo ngọn bút. Vì, tôi hiểu chảy từ suối ra là nước, chảy từ ngọn bút ra đều là máu [hình như ý này là của Lỗ Tấn]. Những lời tâm huyết tôi mượn gió cuốn đi đó không có ai trả nhuận bút cả, tự tôi trả cho tôi, đó là sự thúc giục của lương tâm, lương tri. Nhuận bút ấy lớn lắm, đo không xuể ”.

Những điều trả lời cho ông bạn nước ngoài cũng là những điều thường trực trong tôi, trong tâm thế của một cá nhân trong một thế giới mới mà các biến số lấn át hằng số, chu kỳ, tần suất, tính chất các sự kiện biến đổi chóng mặt. Khi internet và mạng xã hội là những biến số đang làm đảo lộn trật tự truyền thông, thì việc thay đổi tư duy và hệ quy chiếu của người Việt quá chậm, ấy vậy mà, thay đổi tư duy và hệ quy chiếuđiều kiện tiên quyết để tháo gỡ những bế tắc trong tư duy lý luận “thiên kinh địa nghĩa” của những người cầm quyền tự cho mình cái quyền ban phát những mệnh đề lý luận nhằm “vạch đường chỉ lối”, mà thực chất cốt lõi là những giáo điều cũ kỹ được đánh bóng mạ kền lại cho có vẻ mới, buộc mọi người đi theo.

Mọi người là ai?”. Trả lời câu hỏi đó không khó vì thực tiễn đã phơi bày quá rõ nhưng đó không là vấn đề cần nói trong bài này. Nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã trình bày một cách sòng phẳng về vấn đề ấy: “Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hoá trước đây, nay không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường, thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho phát triển. Vì vậy, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với nền kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách”.

Đổi mới hay là chết”, với nhận thức đó của người lãnh đạo cao nhất trong thời điểm chuyển giao gay cấn Đổi Mới “vòng một” với Đại hội VI đã thành công. Nhưng rồi tiếp theo đó với những người kế tục lại “kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa”! Sự nghiệp Đổi Mới lại chập chừng, thậm chí có lúc lùi lại do những mưu toan của những người còn quá nặng đầu óc giáo điều đgắn với toan tính về cái ghế quyền lực. Ở Đại hội IX, nếu không có những tiếng nói kịp thời và quyết liệt của Võ Hồng Phúc, Lê Đức Thuý thì chút nữa những mưu toan lén đưa vào nghị quyết Đại hội những xuyên tạc trắng trợn về tháo gỡ kinh tế tư nhân để tạo ra động lực mới cho sự phát triển, với quan điểm cho rằng khai mở thị trường tức là xoá bỏ xã hội chủ nghĩa, lực cản với tiếp tục thúc đẩy Đổi Mới là rất lớn.[10]

Những thúc đẩy tiếp tục đổi mới nhằm cải tổ hệ thống chính trị bị ngăn chặn, tư duy Đổi Mới của Đại hội VI lại ngập ngừng, đứt đoạn. Chính vì thế sau Đại hội VI, nước ta đã có cơ hội để phát triển, nhưng vẫn có nguy cơ tụt hậu vì cứ loay hoay với “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đã có Uỷ viên Trung ương nói thẳng: “Chủ nghĩa xã hội đích thực có đâu mà tìm!”.

Nhưng những người nghĩ vậy thì nhiều, dám thẳng thắn nói ra thì còn hiếm, vì thể chế toàn trị đuợc sự cổ vũ của Tập Cận Bình vẫn còn áp đảo. Những tấm guơng Trần Xuân Bách, Trần Độ, Kim Ngọc với tính răn đe vẫn còn đó. Những kẻ ăn theo nói leo đang vẫn khá nhiều với cái mồi lợi ích quá hấp dẫn, tuy rồi phút chốc bị tống vào lò cũng quá dễ dàng. Cái lò “nhân tình, nhân ái, nhân bản” đuợc rao giảng mùi mẫn ấy chẳng qua cũng là một thứ

Lò cừ nung nấu sự đời

Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương

mà Nguyễn Gia Thiều của thế kỷ XVIII đã vẽ nên từ hơn hai trăm năm trước đó. Từ miệng của ông Tổng Bí thư chứ chẳng ai khác thì từ 2016 đến nay cả nước có 87.000 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật (cách chức, khai trừ Đảng, khởi tố), trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và cựu ủy viên Ttung ương Đảng, và 23 tướng lĩnh. Đấy là chưa kể các đại án như Việt Á, Cục Lãnh sự, Tân Hoàng Minh, FLC và AIC, chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Gần đây nhất những lủng củng, dấm dúi trong tuyên bố về kỷ luật một số nhân vật cao cấp thể hiện sự giằng co giữa những thế lực trong cuộc đấu tranh quyền lực vẫn chưa ngã ngũ và liệu có phải là do tác động của Bắc Kinh mạnh yếu ra sao trong cuộc đu dây. Nếu tính về lịch sử thì kể từ khi “Đảng trở thành đảng cầm quyền”, chưa lúc nào sự suy thoái, biến chất, trở thành kẻ tham nhũng đục khoét ngân sách Nhà nước đuợc xây nên từ tiền thuế của dân, lại khủng khiếp như triều đại trị vì của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!

Ấy thế mà theo dõi trên màn hình tivi, vị lãnh đạo nào trong hàng “tứ trụ”, sau khi kết thúc, hoặc mở đầu của diễn văn hay báo cáo, cũng đều phải có câu “dưới sự lãnh đạo… đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”! Sao thế nhỉ?

Tôi nhớ là thời kỳ Mao khởi xướng “đại cách mạng văn hoá vô sản” để loại bỏ hoặc tiêu diệt lực lượng không tuân phục Mao, thì trên tay mọi Uỷ viên Bộ Chính trị xuất hiện trên lễ đài cũng như cả lũ hồng vệ binh toàn quốc đều phải cầm một cuốn “Ngữ Lục” màu đỏ ghi lời của Mao! Trong số các người được xem là gần gũi Mao nhất có Lâm Bưu, người được chính Mao chỉ định là người sẽ thay Mao, cũng phải cầm trong tay một “ngữ lục” như vậy. Thế rồi chính Lâm Bưu là người có âm mưu lật đổ Mao không thành phải chạy trốn, và máy bay của Lâm bị bắn rơi. Chính Giang Thanh, vợ Mao cũng nằm trong nhóm “Tứ nhân bang” bị vào tù sau khi Mao chết. Cái kết cục của mọi chế độ toàn trị đều thê thảm như vậy, không loại trừ một ai! “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” ấy gần như mang tính phổ biến tuyệt đối!

Trong một bài viết gần đây đăng trên Viet-Studies, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy nói lên một sự thật mang tính cảnh báo rất sâu sắc: “Năm 2022 là năm bước ngoặt đối với Việt Nam cũng như thế giới. Nếu không kịp thời đổi mới tư duy và hệ quy chiếu để thoát hiểm và “biến nguy thành cơ”, Việt Nam có thể lỡ nốt chuyến tàu hội nhập của “kỷ nguyên công nghệ số”. Đó có thể là chuyến tàu cuối cùng”. Và năm 2022 đã chấm dứt, cuộc sống lại sang trang. Cái gì sẽ bắt đầu đây?

clip_image014Thế rồi vào dịp cuối năm, tôi nhận được món quà chúc mừng năm mới 2023 từ ngài Tổng Lãnh sự Mỹ ở TP. HCM, một hộp rượu Whisky Mỹ rất đẹp với những lời trang trọng. Một nhắn gửi gì đây? Lăn tăn với câu hỏi của RFI đặt ra với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon: “Washington muốn nâng cấp quan hệ với Hà Nội, từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược”. Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam muốn như thế nhưng dè chừng Bắc Kinh tức giận. Đâu là những lợi ích và trở ngại cho Việt Nam nếu thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ. Không hiểu các nhà lãnh đạo ta sẽ trả lời câu hỏi này thế nào. Mà vừa rồi chẳng phải VOV đã đưa tin đó sao: “Thủ tướng nhất trí thông qua Tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Mỹ, đóng góp xây dựng mối quan hệ chặt chẽ đối phó hiệu quả với thách thức toàn cầu, vì một ASEAN tự lực, tự cường, phồn vinh và thịnh vượng”. Việt Nam đâu có nằm ngoài ASEAN, ngược lại, người ta cho là trụ cột của khối tự lực, tự cường, phồn vinh và thịnh vượng này cơ đấy!

 

Quay lại với “Quẻ Vị Tế một thông điệp vĩnh hằng về phận người đã dẫn ở trên. Hỡi người, người sinh ra không phải để yên nghỉ mà để lên đường, lên đường bằng tất cả lo âu của kẻ vượt sông”. Lo âu ư? Quả có thế nhưng cũng không hẳn là thế. Vì rằng,

Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.

Ví dù giải kết đến điều,

Thì đem vàng đá mà liều với thân[11]

Đây là lời của kẻ si tình, nếu xem đây là sức mạnh đáng nể của một đấng tình si thì vẫn thấy được cái logic quen thuộc trong ứng xử của người đời trước những lời vẫy gọi của chân, thiện, mỹ. Tôi muốn dẫn ra đây một đoạn văn đầy ắp suy tưởng của giáo sư Cao Huy Thuần, người bạn phương xa mà tôi rất mực quý trọng và yêu thương và thường suy ngẫm rất lâu những dòng viết nhẹ nhàng và sâu thẳm triết lý muốn nhắn gửi:

Picasso viết: "Ai cũng có một dự trữ như nhau về năng lượng. Người trung bình phung phí năng lượng của họ bằng trăm nghìn cách. Tôi, tôi dồn tất cả sức lực của tôi vào một hướng mà thôi: vẽ. Và tôi hy sinh tất cả mọi chuyện khác vì nó: hy sinh anh, hy sinh tất cả mọi người, kể cả tôi". Kể cả tôi!  Chỉ còn vẽ thôi. Người vẽ cũng không còn.  Cũng trống trơn. Vì không còn người đứng vẽ nữa cho nên Picasso có thể vẽ ba bốn giờ liên tục, không làm một cử chỉ nào thừa. Có người hỏi ông đứng lâu như thế có mệt không, ông lắc đầu: "Không. Khi tôi làm việc, tôi để cái thân của tôi ngoài cửa, như các người hồi giáo cất bỏ giày dép trước khi vào giáo đường. Trong tình trạng đó, cái thân chỉ nguyên vẹn hiện hữu dưới dạng cây cỏ, và chính vì vậy mà giới họa sĩ chúng tôi thường sống rất lâu". Giống hệt như thiền, bí quyết của sáng tạo nghệ thuật là trở về lại với cái đầu trống trơn, cái đầu của đứa bé, cái sơ tâm, cái đầu chưa hề bị ảnh hưởng về bất cứ cái gì khác. Viết một câu văn cũng vậy, một câu thôi, không người cầm bút nào nảy ra được một ý hay, một tứ mới, nếu không vứt bỏ đi hết những gì đã học, đã đọc”.[12]

Nếu đúng là “Ai cũng có một dự trữ như nhau về năng lượng thì đó là một thông điệp cổ vũ và giúp con người tự vượt lên chính mình. (Điều đáng lưu ý nữa là nhân nói về Picasso phải nhắc thêm một sự kiện quan trọng: Nhà hoạ sĩ thiên tài ấy đã từng vẽ chân dung Hồ Chí Minh năm 1946 lúc Người sang Paris với tư cách Chủ tịch Nước, đến thăm người bạn thân của mình từ thuở hàn vi, và Picasso nhớ ra ngay và vẽ tặng người bạn thân bức hoạ, một báu vật quốc gia đang không biết nay đang ở trong tay ai mà những người có trách nhiệm cần phải đặc biệt lưu ý tìm kiếm và kêu gọi mọi người cùng quan tâm. Phải chăng khi người ta đang rầm rộ những hội thảo về văn hoá và chuẩn giá trị thì đây là một hành vi văn hoá rất cụ thể).

Để kết thúc bài viết đã dài, xin trở lại với “Quẻ Vị Tế”: “Con người phải tiếp tục cất bước, khởi đầu trở lại cuộc hành trình. Vị Tế là một thông điệp vĩnh hằng về phận người. Ấy thế mà cha tôi, người chỉ nói một câu: “Chỉ vì tôi biết và cố nuôi dưỡng cái chí khí hạo nhiên của tôi mà thôi để trả lời câu hỏi của người cộng sự Lê Thanh Cảnh: “Sao ngài can đảm và cương quyết đến thế, tôi chưa thấy ai như vậy. Nếu mọi người đều như ngài thì quan trường đâu đến nỗi sa đoạ.[13]

Hạo nhiên hàm nghĩa mênh mông, như nước tràn bờ. Chắc là cha tôi muốn nhắc đến ý của Mạnh Tử, người quân tử sở dĩ hơn người thường là biết cách “thiện dưỡng hạo nhiên khí” (khéo nuôi dưỡng cái khí hạo nhiên) [Kỳ vi khí dã, chí đại chí cương, dĩ trực dưỡng nhi vô hại, tắc tắc hồ thiên địa chi gian]. Học giả Nguyễn Hiến Lê dịch là: “Cái khí ấy rộng lớn mênh mông, rất cứng cỏi. Nếu mình sử dụng sự cương trực để bồi dưỡng nó mà dùng thì nó lan ra khắp trời đất”.[14]

Tôi nguyện học và làm theo ý chí và bản lĩnh của cha tôi, nuôi dưỡng cái chí hạo nhiên để rèn và giữ bản lĩnh sống ở đời.

Ngày 29. 12. 2022


[1] Chuyện đời lên hay xuống, xin anh chớ hỏi. Kìa, giữa khói sóng thăm thẳm kia, có một con thuyền câu. (Bài ca trù Nghĩ đời mà chán)

[2] Bài ca ngắn đi trên bãi cát, Huệ Chi dịch.

[3] Tài tử đa cùng phú, Nguyễn Tường Phượng sưu tầm, giới thiệu.

[4] 良知就是獨知時Lương tri tựu thị độc tri thì

知之外更無知;Thử tri chi ngoại cánh vô tri.

人人都有良知在,Nhân nhân đô hữu lương tri tại,

知得良知卻是誰?Tri đắc lương tri khước thị thùy?

[5]

Vinh khổ tứ thập dư niên sự,

Chỉ hữu hà hoa tự cựu hồng.

(Hương Giang tạp vịnh)

[6] Nhớ mùa thu Hà Nội.

[7] Tình xa.

[8] Đời người thấm thoắt. Đoàn Tử Huyến sưu tầm và dịch

[9] Bài ca ngất ngưởng.

[10] Xem phát biểu của Giáo sư Đào Xuân Sâm đã đưa lên Mênh mông thế sự số 72, ngày 2.8.2019.

[11] Nguyễn Du, Truyện Kiều.

[12] Cao Huy Thuần, Vẽ cây, vẽ chim. Diễn Đàn & Văn hoá Phật Giáo, 5-2006.

[13] Lạc Viên tiểu sử. Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 5 (103) 2013, trang 76.

[14] Nguyễn Hiến Lê, Mạnh Tử. NXB Văn Hoá 1990, trang 181.

Comments are closed.