Mừng sinh nhật nhà văn Doãn Quốc Sỹ 100 tuổi

Trần Mộng Tú

“Chiếc chiếu hoa cạp điều” và tôi

Tuổi thơ của tôi được may mắn lớn lên trong thế giới thơ của thi sĩ Trần Trung Phương, là chú ruột tôi, một thi sĩ của nhi đồng cho học trò tiểu học. Những câu thơ thật trong và thật hiền.

Khi tôi lên 9 lên 10 tôi đã cả ngày nghêu ngao:

Mặt trời như quả cà chua

Chiều nay rụng xuống mái chùa làng ta

Ô hay! em thấy chiều qua

Mặt trời say rượu ngọn đa đầu đình.

Hoặc

Me ơi cái hộp sữa bò

Để trong bát chiết yêu to nước tràn

Thế mà đàn kiến khôn ngoan

Bắc cầu sợi tóc bò sang Me kìa.

Khi qua tuổi lên mười, bước vào trung học, xen kẽ với những sách dịch từ những tác phẩm nổi tiếng như Chiến tranh và hòa bình, Đỉnh Gió Hú, Giã từ vũ khí, Anh em nhà Karamazov, v.v. những tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ là những cuốn sách luôn luôn cha mẹ tôi tìm thấy trên giường, trên ghế, trên kệ, trên bàn ăn, trên bàn học của tôi và đôi khi trong bếp. Những tác phẩm này đã đóng vai trò phụ thân thứ hai trong đời sống trưởng thành của tôi. Những trang sách văn chương trong sáng, trung hậu đã dạy tôi những điều nhân nghĩa, ngay thẳng và đạo làm người. Tôi chắc chắn là những ai đã từng đọc Doãn Quốc Sỹ cũng được hưởng cái tinh thần đạo đức trong từng câu văn của tác giả. Tôi không may mắn là học trò trực tiếp của Thầy Sỹ, nhưng tôi là học trò trong mỗi tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ.

Một đoạn văn ngắn trong Chiếc chiếu hoa cạp điều dưới dây đã in sau vào tâm hồn tôi qua mấy mươi năm.

Quân Pháp sau khi từ chợ Me vượt qua sông Đáy tiến sâu vào huyện Lập Thạch đốt phá một ngày rồi rút lui về tỉnh. Cánh quân tiến sang tả ngạn sông Hồng đốt phá bến đò Rau cũng rút về vị trí cũ bên hữu ngạn. Dân chúng chạy loạn lục tục đâu trở về đấy ngay để còn kịp sửa soạn Tết. Làng Lũng Thượng trở lại yên tĩnh. Trưa hôm đó mẹ tôi ra phía bụi tre đầu nhà thấy cong queo dưới hầm trú ẩn một chiếc chiếu hoa cạp điều.

Đúng là chiếc chiếu của một gia đình chạy loạn nào khi về mừng quá bỏ quên. Mẹ tôi nói: “Thôi thế cũng là giời thương mà cho nhà mình!”

Đã lâu lắm, đêm đó tôi mới được thấy thằng em út tôi có chiếc chiếu đắp kín chân không trông thấy đôi bít tất buộc túm chỗ rách. Sáng ra, mẹ tôi cẩn thận gấp chiếu rồi vắt lên chiếc dây thừng căng cao ngang mái nhà. Thế là từ đấy đêm đêm nghe tiếng gió rít và những hạt mưa táp vào đầu hồi tôi cũng yên chí cho các em đã tạm đủ chiếu nằm, chiếu đắp.

Nhưng chiếc chiếu hoa cạp điều đó thuộc về người khác.

ông (Lý Cựu) ngửng nhìn thấy chiếc chiếu hoa cạp điều vắt ở dây thừng, ông đứng nhỏm dậy chạy lại kéo tuột xuống nói gọn:

– Chiếc chiếu này của tôi! Mẹ tôi chợt có một cử chỉ phản ứng, y như sự phản ứng của một người mẹ gìn giữ con trong cơn nguy biến.

Người nói: – Ấy chiếc chiếu đó của nhà tôi… Mẹ tôi vốn là một Phật tử trung thành. Người chỉ nói được đến đấy thì lương tâm Phật tử trở lại và người lúng túng quay nhìn ra ngõ.

Ông Lý Cựu thản nhiên gấp chiếu lại, cắp gọn dưới nách rồi thản nhiên nói: – Không, chiếc chiếu của tôi. Tôi mua đôi chiếu cạp điều này từ năm mới tác chiến, một chiếc còn trên kia.

Thì ra đôi chiếu đó, ông Lý mang đến gửi ông chủ nhà trong dịp vừa qua, rồi những người đến chạy loạn tự động mượn đem ra trải ở bụi tre nghỉ tạm. Lúc về vì chiếu rơi xuống hầm trú ẩn nên họ quên không trả lại chỗ cũ. Tuy chỉ một thoáng qua nhận biết hết sự thể là vậy nhưng tôi vẫn chưa chịu và tiếp lời mẹ tôi: – Chiếc chiếu này mẹ tôi mua của một người ở chợ Lầm. (Ý tôi muốn nói người đó lấy chiếu ở đây mang ra chợ Lầm bán.)

Ông Lý vẫn thản nhiên, thản nhiên một cách cương quyết: – Không, chiếc chiếu này của tôi! Rồi ông cắp chiếu đi thẳng lên nhà. Lúc đó vợ tôi cũng vừa trở lại với tôi để nhớ ra rằng cuối năm nay tôi đã thi xong, có thể ra thẩm phán. Tôi thoáng nghe phía sau tiếng vợ tôi thở dài rồi quay vào buồng. Tối hôm đó khi thấy tôi lấy chiếc chiếu rách cũ vớt ở lạch đắp cho thằng em út, mẹ tôi chép miệng nói khẽ:

– Thôi, sang Giêng trời bất đầu ấm, vả lại cũng sắp tổng phản công rồi! “Vả lại cũng sắp tổng phản công rồi!” – Mẹ tôi nghĩ thật chí lý. Tổng phản công để bờ cõi được vinh quang độc lập, để mọi người được trở về dựng lại quê hương yên vui. Tôi hiểu khi đó hầu hết các gia đình khác, cũng như chúng tôi, chịu đựng bao nhục nhằn với những phút sa ngã nhỏ như chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều. Tất cả những hy sinh đó – kể cả khi hy sinh một chút ít danh dự do sự yếu đuối thường tình của con người – tuy dằn vặt, ray rứt mà không tàn phá nổi niềm vui trong sáng, thanh thản của tâm hồn, vì ai nấy sống ngợp hy vọng một ngày mai vinh quang.

Sớm mùng một năm đó, mẹ tôi ra chùa lễ. Người quỳ rất lâu trước bàn thờ Phật. Giọng người thành kính thiết tha cầu đức Phật phù hộ cho chóng trở lại yên bình, gia đình được qua thì đói, khỏi thì loạn. Tiếng người khấn đôi khi nức nở. Tôi nghe, nước mắt muốn trào ra.

Tôi đọc tới đây nước mắt cũng trào ra. Thương cho nhà văn, thương cho những người dân Việt trong một đất nước triền miên chiến tranh và thương cho cả chính mình cũng đã lớn lên từ chiến tranh.

Tôi là một người cầm bút may mắn vì tuổi thơ của tôi được trưởng thành với những dòng thơ trong sáng của thi sĩ Trần Trung Phương, nhờ những câu thơ Mặt trời như quả cà chua của Trần Trung Phương mà mấy chục năm sau có câu thơ:

Buổi sáng trong như ly nước lọc

Lòng thấy hiền như một củ khoai

của Trần Mộng Tú.

Nhờ có Chiếc chiếu hoa cạp điều và những tác phẩm trung hậu, đạo đức tràn đầy lý tưởng khác của Doãn Quốc Sỹ mà trong suốt mấy chục năm cầm bút tôi vẫn giữ được cái tâm trong sáng, cái tâm lành ở mỗi chữ mình viết xuống.

Xin cám ơn nhà văn Doãn Quốc Sỹ và chúc người sống an vui khỏe mạnh đến cuối đường.

Ngày 10 tháng 12 năm 2022

 

 

Tóc trắng và con đường mùa Thu

Tóc ta trắng và lá Thu màu đỏ

Bầu trời trên cao mây nhẹ nhàng bay

Lưng vẫn thẳng ta chẳng cần gậy chống

Một trăm năm coi nhẹ như một ngày

 

Ta vẫn một tâm Gìn Vàng Giữ Ngọc

Dòng Sông ơi Định Mệnh chảy về đâu

Khu Rừng Lau xạc xào trong trí nhớ

Gió từ đâu thổi tạt tới phương này

 

Ở trước mặt có hàng cây lá đỏ

Một mình ta đi hết một con đường

Có ai đợi ở cuối đường không nhỉ

Nỗi Sầu nào coi cũng nhẹ như Mây image

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ – Đi bộ trong sáng Thu 2022.

Ta đang bước bằng bàn chân thế kỷ

Cát bụi nào Xóa được Dấu Chân qua

Ta đã sống bằng Tình Yêu Thánh Hóa

Mình Lại Soi Mình trong mỗi sát na

 

Trên con đường lá mùa Thu đỏ ấy

Ông lão vừa đi vừa nhập Vào Thiền

Bước vững chãi bàn tay nhè nhẹ nắm

Cả bầu trời như chỉ của mình riêng

 

Tôi ngắm mãi bức tranh mùa Thu đó

Thấy lòng mình như được trải Chiếu Hoa

Cạp Điều đỏ nhuộm tôi hồng tuổi dại

Bao nhiêu năm vẫn chẳng thể phai nhòa.

 

Viết cho ngày Dec.10-2022

 

Ghi chú: Chữ tô đậm là tên trong một số những tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ.

Gìn Vàng Giữ Ngọc

Giòng Sông Định Mệnh

Khu Rừng Lau

Sầu Mây

Dấu Chân Cát Xóa

Tình Yêu Thánh Hóa

Mình Lại Soi Mình

Vào Thiền

Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều

Comments are closed.