Năm cây cau đứng thẳng hàng trước sân (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 148)

Tương Lai

clip_image002Tôi hỏi nhà ông Ba Bủng, người ta nói, cứ rẽ trái lúc nào thấy năm ngọn tre đứng thẳng hàng là nhà ông hỏi đấy. Quả đúng vậy, nhà rất dễ tìm. Hai chúng tôi bước vào một khoảnh sân rộng có năm câu cau thẳng hàng như vạch chỉ, gợi một cảm giác vừa trang nghiêm vừa thân thuộc.

Trời xanh ngắt không một gợn mây như đẩy cao hơn, khoáng đạt hơn những thân cau cao vút lên. Mừng thầm chắc tâm hồn sẽ thư thái hơn khi sống ở đây với những người mình chưa từng gặp. Không gian vắng lặng, nhà đi vắng cả hay sao. Tôi đằng hắng, rồi hỏi to: “Thưa có ai không ạ”. Thoáng có tiếng trả lời ở góc bếp cuối nhà đang có khói toả từ vách liếp: “Tôi ra ngay đây”.

Một chiếc khăn mỏ quạ vấn vội còn vương mấy sợi rơm thò ra cửa liếp: “Mời các bác vào”. Hai chúng tôi, anh Phạm Bá Rô và tôi bước vào nhà, vừa ngồi xuống chiếc tràng kỷ trước bàn nước kê chính giữa nhà, thì bà cụ chủ nhà từ nhà bếp bước lên, xởi lởi: “Hai bác cứ tự nhiên. Chúng tôi đã được xã báo trước rồi, đang đợi các bác đây, mời thong thả uống chén nước vối vừa mới ủ, rồi tạm ngả lưng trên cánh phản cho đỡ mệt vì đường xa. Tận Hà Nội mà về đây thì quý hoá quá. Ông nhà tôi chắc cũng phải mặt trời khuất ngọn cau mới về được”.

Bà chủ nhà khoảng ngoài năm mươi, gần 60 gì đó, đậm người trong chiếc áo cánh nâu đã bạc màu, ngồi ghé bên mép chiếc tràng kỷ, với tay cầm bình nước vối ủ trong cái giỏ mây, lật hai cái chén úp trên khay gỗ rót nước còn ấm, mời chúng tôi. “Nhà neo người lắm các bác ạ. Ông nhà tôi lên phố huyện cứ sẩm tối mới về. Tôi quanh quẩn với mảnh vườn suốt ngày cũng đủ bữa cơm rau, đàn gà luẩn quẩn giữa sân và đào bới khắp vườn làm bạn với tôi, lúc trái gió trở trời thì mấy mẹ con nhà chúng nó ở xóm trên mới đến chăm nom, mẹ cháu nấu cháo để đấy rồi vội về lo cơm nước cho nhà chồng, hai đứa cháu ngoại ở lại ngủ với bà nhỡ đêm hôm cần đỡ đần, nhưng rồi chúng nó còn phải đi học. Thôi thì “gái gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho. Tôi lủi thủi một mình với con chó và đàn gà. Nay có hai bác đến nhà, ngôi nhà vui vẻ ấm cúng hẳn lên, hai bác coi như ở nhà mình, chẳng cần phải câu nệ gì cả”. Bà cụ dừng chuyện, bước xuống bếp. Chừng giập bã trầu, bà bê lên một rá khoai đặt trên miệng cái bát mẫu cho ráo nước, khói vẫn còn bốc hơi thơm lừng. “Khoai vừa chín tới, mời các bác chút quà đồng quê lót dạ đợi trưa rồi mời các bác xơi cơm. Mọi thứ ông trưởng xóm đã chu toàn cả rồi, các bác thử nếm khoai vừa dỡ mấy luống ngoài vườn, chẳng chợ búa gì đâu”.

clip_image004Nhấm nháp vị thơm bùi của khoai vườn nhà, tôi nhìn ra dãy cây cau trước sân: “Nhà ta có dãy cau đẹp quá, càng ngắm càng thích”. Bà chủ nhà thủng thẳng: “Ông nhà tôi chăm chút mấy cây cau kỹ lắm. Đắp vôi vào những chỗ thân cây bị sâu đục lỗ, chặt bớt những tàu cau úa, săm soi từng kẽ lá, buồng cau cứ như một thú vui của ông ấy khi ở nhà không lên phố huyện. Cũng chẳng phải là “đất thiếu trồng dừa, đất thừa trồng cau” đâu bác ạ. Chúng tôi chắt chiu từng thước đất vườn nhà trồng khoai, trồng sắn, trồng rau củ để đủ ăn quanh năm, cũng vất vả lắm, nhưng ông nhà tôi vẫn dành đất cho mấy cây cau mà ông ấy, nói chữ nghĩa rằng có dáng dấp quân tử gì đó, tôi cũng không hiểu thật ngọn ngành ra sao”.

À ra thế, tôi đã phần nào hình dung ra cốt cách của vị chủ nhà khi nhớ lại câu thơ của Nguyễn Công Trứ:

Kình thiên một cột giơ tay chống
Dẫu gió lung lay cũng chẳng nao

clip_image006Thú vị rồi đây. Vì chính tôi cũng đang cần một tâm thế “Dẫu gió lung lay cũng chẳng nao” khi khởi đầu cho một chặng đường mới khá nặng nề và u uất kể từ hôm trả lời Phạm Hựu, Bí thư chi bộ Viện Triết học: “Vậy thì tôi sẽ đi, và đi ngay hôm nay. Chào anh”. Tôi đến nhà anh Phạm Như Cương, Viện trưởng Viện Triết học đang ở trên xóm Đồng Đá chỉ cách xóm Đồng Cao, chỗ tôi đang ở nơi “sơ tán” gần một cây số. Tôi thuật lại với anh Cương những lời Phạm Hựu vừa nói với hai chị em tôi (chị Ngọc Trai đang làm việc ở Tổ Đạo Đức học do Phạm Hựu làm tổ trưởng): “Tôi xin thẳng thắn nói với chị Trai và anh Tương Lai, mong được thông cảm. Chắc chị và anh Tương Lai đã biết là Viện đang được tổ chức lại để thoát ra khỏi ảnh hưởng của “một dinh luỹ của chủ nghĩa xét lại” do ông Hoàng Minh Chính để lại. Với thành phần lý lịch như của chị và của anh Tương Lai thì sẽ gay go đấy. Vì vậy chị và anh nên cân nhắc xem có nên ở đây nữa không hay nên chọn một nơi công tác mới thì đỡ phức tạp hơn cho anh chị, và cả cho chúng tôi”.

Chị Trai tôi chỉ cười nhạt, thong thả đứng dậy buông một tiếng “vâng” và bước ra cửa, còn tôi, thẳng thừng đáp lời Phạm Hựu câu tôi vừa nói ở trên.

Anh Phạm Như Cương hơi lúng túng ngồi im một lúc rồi anh đứng dậy, hai tay đặt lên vai tôi: “Mình rất tiếc, đúng là rất tiếc cơ sự lại diễn ra như thế. Nói gì bây giờ, Tương Lai đã nói như thế, quyết như thế thì mình cũng chẳng muốn nói gì thêm. Có chăng chỉ nói một điều, mình rất hiểu cậu và quý cậu. Thôi cứ đi đi, mình vẫn biết Sở Giáo dục Hà Nội vẫn quý trọng cậu, ở đó cậu vẫn sẽ làm việc tốt. Nếu rồi đây cậu thay đổi ý định muốn về lại với hoạt động nghiên cứu triết học thì mình sẵn sàng đón nhận cậu”. Mối quan hệ với anh Phạm Như Cương sẽ còn dài dài xin để có dịp sẽ kể. Chỉ gợi ra đây một chuyện mà có lần Phạm Xuân Đại, người bạn thân mà tôi thường nhờ anh xuống thăm và chuyển lời thăm hỏi của tôi đến người thủ trưởng cũ của mình khi tôi đã chuyển vào Sài Gòn. Một lần, Đại cảm động kể lại với tôi dạo đến thăm ông Cương đang nằm dưỡng bệnh sau khi về hưu: “Chú biết không, ông ấy cảm động nói với cháu: “Nghĩ lại mình thấy vui và như được an ủi là thời kỳ làm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam mình đã bổ nhiệm được Hà Văn Tấn làm Viện trưởng Viện Khảo cổ và người thứ hai là Tương Lai làm Viện trưởng Viện Xã hội học”. Cháu cho đó là tấm lòng của ông ấy dành cho chú đấy.

clip_image008Trở lại câu chuyện với Phạm Hựu, ngay chiều hôm ấy tôi thưa chuyện với bác chủ nhà ở xóm dưới Đồng Cao về chuyện tôi phải chuyển công tác. Bác hơi ngơ ngác và có vẻ buồn, nhưng rồi cũng lặng lẽ giúp tôi đóng gói sách vở tài liệu và mấy bộ áo quần. Tôi tặng lại bà chủ nhà chiếc đèn bão làm kỷ niệm. Trời còn tối đất, dắt xe khỏi cổng, tôi dông thẳng về Hà Nội.

Anh Nguyễn Đăng Lan, một cán bộ Miền Nam tập kết, quê Đồng Tháp – người bạn tri kỷ hay cùng tôi tâm sự bên ly cà phê hay tách trà nơi sơ tán – biết chuyện từ chiều, đã sang đứng đợi ở cỗng tiễn tôi. Nắm chặt tay nhau chẳng nói gì: “Thôi mày đi, còn tớ cũng chưa biết rồi sẽ đi đâu”. Sau 1975 tôi đến thăm anh tại Sài Gòn. Anh đang ở với bà vợ cũ mà khi đi tập kết chị phải ở lại với với hai con nhỏ của anh chị, một đứa lên hai, một đứa lên bốn. Ba mẹ con sẽ sống sao đây giữa sự nhốn nháo của một “Sài Gòn” tạm chiếm ngổn ngang lính Mỹ với cái lý lịch chồng Việt cộng đang ở miền Bắc. Chị phải tìm một bờ vai để dựa, đó là một viên đại tá công binh vốn là đồng hương với gia đình chị xưa kia ở Bạc Liêu. Anh Nguyễn Đăng Lan biết chuyện, chỉ ngậm ngùi thương vợ con, sống cảnh “ngày Bắc đêm Nam” khi đi tập kết, anh là hiệu trưởng một trường đảng tỉnh để cũng phải gánh một “lý lịch” như vợ mình, chỉ có điều là “đảo vế”, hai hướng ngược lại! Nguyễn Đăng Lan cười chua chát làm cho vị cà phê sữa đắng ngắt trong cổ họng tôi. Thế rồi anh xây dựng gia đình mới với chị H. người Quảng Nam tập kết, có một cháu trai. Quả là những “thiên tình sử” éo le và tàn nhẫn, chứng nhân bất đất dĩ và hết sức tàn nhẫn của đất nước một thời tao loạn.

Buổi chia tay với anh Nguyễn Đăng Lan hơi nặng nề, để lại trong tôi một tâm trạng trống rỗng và nhiều giằng xé trên suốt quãng đường đạp xe trên giữa đồng không mông mông quạnh chẳng một bóng người. Chị Trai tôi thì còn nấn ná ở lại nhà bà cụ Binh để còn thu xếp cho Mẹ tôi và các cháu rồi mới đi được.

Anh Vũ Khiêu, người mời tôi về Viện Triết, hiện đang ở Hà Nội nên tôi định sẽ nói chuyện với anh ấy lúc về đến đấy, vả lại cũng chẳng vội gì, chuyện với anh Vũ Khiêu thì rồi cũng còn dài dài, mà có khi tôi rủ cả chị Trai tôi cùng đến thì dễ nói được nhiều chuyện hơn vì anh Vũ Khiêu là bạn thân với anh Nguyễn Hồng Phong, chồng chị Trai tôi. Rồi chị sẽ về Báo Văn Nghệ ở tổ văn nghệ Miền Nam.

Một buổi sáng đầu đông trời đã rét đậm, gió hun hút trên con đê dọc sông Cầu, kéo cao cổ áo bông, quấn chặt chiếc khăn len vào cổ, tôi mải miết đạp, đầu óc trống rỗng. Bụng cũng trống rỗng, muốn kiếm một cái gì ăn cho đỡ đói nhưng đang còn sớm quá, hàng quán chưa ai mở cửa. Cái quán miến dong ở góc đường cái, một điểm đến được mong chờ khi rẽ vào đường đất chợ Bầu mà tôi và Thái Đồng hay vào đây mỗi tờ mờ sáng vượt vội qua cầu Đuống để dằn bụng, thì chưa có bóng người, chưa có ánh lửa. Đành dựng xe bên cái chõng tre, mở ba lô rút ra một thanh lương khô gặm tạm.

Tựa đầu vào cái cột tre, lơ mơ ngẫm ngợi về tình cảnh của mình lúc này đây bỗng nhớ đến anh Phan Ngọc, người bạn mà tôi tôn làm thầy, hay tranh thủ khai thác cái đầu uyên bác học giả của anh, nhớ đến lý do gì mà anh lại lấy bút danh là Nhữ Thành. Trương Hoành Cừ đời Tống viết: “Bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ ư thành (貧賤憂戚 庸玉汝於成也, “nghèo khó, lo lắng clip_image009sẽ mài giũa ta thành viên ngọc”). Anh nói, bút danh ấy là cụ thân sinh – học giả Phan Võ, nhà nho học nổi tiếng – đặt cho anh.

Gặm hết thanh lương khô, tu hết nửa chai nước lọc, tạm ngả lưng trên cái chõng đợi bà miến dong, lại lơ mơ ngẫm ngợi về chuyện lo lắng sẽ mài giũa ta thành viên ngọc để mà vấn vương trong lòng về cụ thân sinh của tôi, cái “nguồn cơn lý lịch” để tôi quyết liệt ra đi không một chút vương vấn. “Mài giũa” cách nào đây?

Nhớ đến câu của Mạnh Tử: “Ngã thiện dưỡng ngô hạo nhiên chi khí. Ta giỏi bồi dưỡng cái khí hạo nhiên (chính khí) mà ta có được, và dùng tấm lòng vô tư trong sáng để bồi dưỡng chính khí trong tâm.

Cụ thân sinh của tôi cũng từng dẫn cái ý ấy của Mạnh Tử: Trong Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Chuyên đề về sử liệu Việt Nam số 5 (103). 2013 Lạc Viên tiểu sử, ở trang 76 có đoạn: “Phán sự Lê Thanh Cảnh thông dịch xong [tức là thông dịch cuộc nói chuyện giữa cha tôi và viên Khâm sứ Trung Kỳ] ra nói rằng: “Sao quan lớn can đảm cương quyết đến thế, tôi chưa thấy ai như vậy. Nếu mọi người đều như quan lớn thì quan trường đâu đến nỗi sa đoạ. Tôi [tức là cha tôi] cười, nói: “Tôi chỉ khéo nuôi dưỡng chí khí hạo nhiên của tôi mà thôi””. Liệu rồi tôi có theo được cái “chính khí trong tâm” như lời Mạnh Tử mà cha tôi đã dẫn để có thể sống mà không hổ thẹn với mình.

Trong cái quán nhỏ trống không bên con đường mòn giữa đồng không mông quạnh, phải chăng cái trống không của quán vắng bóng người, vắng ngọn lửa ấm sáng của buổi rạng đông, cũng là cái trống không của đầu óc tôi khi không chút đắn đo mà bật ra câu trả lời thẳng thừng với Phạm Hựu?

Hình như không phải thế. Đó là một thái độ cần có và phải có. Đó là sự phản kháng của tôi. Phản kháng theo cách của Camus, nhà văn hiện sinh tiêu biểu nhất mà tôi hay nghiền ngẫm: “Người phản kháng là gì? Người dám nói không” (Qu’est-ce qu’un homme révolté? Un homme qui dit non.).

clip_image011Bữa cơm đạm bạc nhưng thật ấm lòng. Dù đã lót dạ mấy củ khoai, nhưng vẫn còn đói nên tôi nhấm nháp ngon lành món cá rô om tiêu thơm phức trong chiếc niêu đất đặt giữa mâm, bát canh mồng tơi cua đồng còn bốc khói, ít tép rang có rắc vài lá rau thơm hái trong vườn và đĩa rau lang luộc chấm tương. Tất cả được đặt trên cái mâm đồng đã xỉn màu. Bà cụ chủ nhà hài lòng vì chuyện ăn uống tự nhiên không chút câu nệ của hai chúng tôi khi bưng cái mâm đồng xuống bếp.

Uống xong chén nước vối, “Vô phép bà, cháu ngả lưng nghỉ một lát ạ”, tôi thưa, có tiếng trả lời từ bếp vọng lên “Bác cứ tự nhiên, phản đã lau sạch nên tôi không trải chiếu”. Vừa ngả lưng chừng vài phút, tôi đã lim dim ngủ. Anh Rô ngồi tựa lưng vào thành ghế tràng kỷ đọc một cái gì đó, tính anh vẫn vậy, không mấy khi ngủ trưa.

Việc bố trí nhà ở trong thời gian sơ tán cho hai chúng tôi là sự chu đáo có phần ưu ái của anh Nguyễn Tuấn, vốn quen biết tôi từ lâu. Anh được Thành uỷ Hà Nội điều về làm Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Gặp nhau, anh nói rất chân tình: “Nghe anh chuyển về đây, tôi rất mừng. Anh Phảng, bí thư đảng uỷ nhà trường, nguyên là Trưởng phòng Tổ chức của Sở, người đã đồng ý cho anh chuyển về Viện Triết học còn ân hận là chưa kịp làm hồ sơ tăng lương cho anh, nay chắc có dịp sửa sai khi anh trở về lại ngành giáo dục. Anh và anh Rô ở cùng nhau trong ngôi nhà sáng sủa và yên tĩnh này thì tha hồ mà chuyện trò. Lúc nào thư thả tôi xin đến góp chuyện. Cũng chẳng mấy khi có dịp gần nhau”.

Hình như cái khoảng trống rỗng trong đầu tôi đã bớt trống rỗng hơn bởi sự chân thành của những người bạn cũ lâu ngày gặp lại. Cũng hình như James Allen, nhà triết học Anh có một câu mà tôi còn nhớ mãi: “Gieo một hành động, và bạn gặt một thói quen. Gieo một thói quen, gặt tính cách. Gieo một tính cách, gặt vận mệnh”.

Đang lơ mơ trong giấc ngủ trưa tôi nghe tiếng lao xao bèn nhổm dậy. Thì ra ông cụ chủ nhà đã về: “Biết là hôm nay nhà có khách nên tôi về sớm”. Vừa nói ông vừa đẩy chiếc xích lô vào phía trái gian nhà, nơi đặt một cỗ áo quan gỗ mít rất đẹp. Bước vào nhà, ông vừa ngồi vào chiếc tràng kỷ rót nước uống vừa trầm giọng nói trống không: “Nghe nói có hai ông giáo về đây, tôi bỏ mấy cuốc xe, chứ mọi khi còn la cà ngoài phố huyện. Cũng là để nhìn thiên hạ người ta quay cuồng cho khuây khoả, và để kiếm thêm chút đỉnh cho bà nó nhà tôi có thêm đồng ra đồng vào chứ cũng không nhằm nhò gì cái nghề mạt hạng này”.

Tôi lờ mờ đoán ra cái sự “khuây khoả” này của ông già đạp xích lô phố huyện. Lại nhìn ra hàng cau đứng sắp hàng trước sân đón gió từ sông Đáy thổi vào. Bỗng nhớ mấy câu thơ của thi hào Nguyễn Du về con sông Đáy:

茫茫遠水三春樹 Mang mang viễn thủy tam xuân thụ, Khói tỏa đôi bờ nhà lác đác

落落人家兩岸煙Lạc lạc nhân gia lưỡng ngạn yên, Cây xuân mấy khóm nước mênh mông

極目鄉關在何處Cực mục hương quan tại hà xứ, Cố nhìn quê quán nơi đâu nhỉ

極目鄉關在何處. Chinh hồng sổ điểm bạch vân biên. Trắng một màu mây, cánh cánh hồng

Thật ra thì bài thơ này, Thanh Quyết giang vãn thiếu, Nguyễn Du tả cảnh chiều trên sông Thanh Quyết, tức là sông Gián Khẩu, đoạn hạ lưu sông Đáy. Đến địa phận huyện Mỹ Đức, nơi chúng tôi sơ tán ở thôn Linh Trung này, thì sông Đáy tiếp nhận dòng chảy suối Yến, thủy lộ vào chùa Hương nổi tiếng.

Không chỉ viết về con sông Đáy, Nguyễn Du còn có nhiều bài thơ viết về sông rất hay ví như bài Lam Giang 江原. Chỉ xin dẫn ra đây một tứ thơ tôi nghĩ là rất lạ:

如何世間人, Như hà thế giai nhân, Cớ sao người thế gian

乘險不知畏。 Thừa hiểm bất tri uý. Nguy hiểm không sợ hãi?

去者何滔滔, Khứ giả hà thoa thao! Người trước ào ào đi

來者尚未已。 Lai giả thượng vị dĩ. Người sau ùn ùn tới

帝德本好生, Đế đức bản hiếu sinh, Lòng trời vốn thương người

那得長如是。 Ná đắc trường như thị? Sao để như thế mãi?

擬驅千仞山, Nghĩ khu Thiên Nhẫn sơn, Muốn đem Thiên Nhẫn sơn

填平五百里 Điền bình ngũ bách lý. Lấp bằng sông Lam lại.

(Phạm Khắc Khoan, Lê Thước dịch)

clip_image013Cũng nên nhớ rằng Thanh Hiên thi tập gồm 78 bài thơ Nguyễn Du viết thuở hàn vi, nghĩa là vào những năm trước 1802, lúc ông khoảng 30 tuổi. Chính cái tứ thơ lạ này làm cho tôi phải thảng thốt giật mình rồi sẽ nói dưới đây.

Hoá ra ngôi nhà có năm cây cau mà ông cụ chủ nhà nâng niu nhìn ngắm thuộc một vùng danh lam thắng cảnh Hương Sơn với quần thể hang động, núi sông và chùa chiền nổi tiếng như động Hương Tích, suối Yến, chùa Hương của thơ Chu Mạnh Trinh đủ khiến cho ai đó “giật mình trong giấc mộng”:

Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.

Liệu trong “ai đó” có chúng tôi không nhỉ. Mà giấc mộng gì đây? Mộng hay thực thì chưa tỏ, nhưng giật mình với câu hỏi của cụ chủ nhà thì đã rõ: “Các bác là người chữ nghĩa, học rộng, hiểu dài, tôi xin được hỏi các bác một câu: Tại sao thằng con trai tôi lại yểu mệnh oan uổng như vậy. Tôi đã dự tính cưới vợ cho nó. Con bé xóm trên cũng nết na hiền thục. Thế rồi thằng con tôi xung phong đi bộ đội, hẹn ngày thắng lợi trở về cưới vợ cũng không muộn vì nó mới mười chín. Chưa được bốn tháng thì có giấy báo tử trên huyện gửi về, tôi khuỵu xuống van trời đất cho tôi clip_image015được chết thay cho nó. Con bé cũng ôm lấy bà nhà tôi, cả hai khóc hết nước mắt.

Rồi ngày nào nó cũng quanh quẩn bên luống khoai, giàn trầu hay ngồi với bà ấy bên bếp lửa. Tôi phải quặn ruột mà đuổi nó về. Con trai tôi thì đã đành phận, nhưng con gái người ta thì sao, nó phải đi lấy chồng phải không các bác. Quạnh hiu vắng vẻ thì cũng đành chứ biết làm sao. Nhưng rồi không chịu nổi cái quạnh hiu tang tóc đó trong ngôi nhà của mình. Tôi phải lẩn tránh nó, mua cái xích lô cũ để la cà trên phố huyện cũng là để nhìn thiên hạ người ta quay cuồng như vừa thưa với các bác. Tôi thửa sẵn cỗ áo quan, ai đi trước, tôi hay bà nó, thì nằm vào. Cũng ở cái tuổi gần đất xa trời rồi chẳng còn ham hố cái gì nữa”.

Theo một nếp quen thuộc, tôi đành an ủi: “Thôi cụ cũng đừng quá đau buồn nữa. Cũng là cái số của cháu nó thế”. Tôi không ngờ ông đanh giọng vặt lại: “Số má cái gì? Vào chỗ tên rơi đạn lạc mà con người ta vẫn sống còn con trai tôi lại chết. Tôi là tôi không tin vào chuyện có số đâu. Thế là tin rằng con trai tôi phải chết à, là chắc chắn nó đi sẽ không trở về nữa à, tin rằng nhà phải trống vắng quạnh hiu thế này à?”. Đứng sững như trời trồng, không dám mở miệng khuyên can, an ủi gì nữa, mặc dầu chính tai tôi nghe hai tiếng “yểu mệnh” ông vừa thốt ra. Trong đôi câu đối đáp thân mật ông vẫn phản ứng gay gắt về điều gọi là số mệnh, hình như đó là điều ông tự day dứt khôn nguôi với chính mình. “Một câu hỏi lớn. Không lời đáp/ Cho đến bây giờ mặt vẫn chau” (Huy Cận), tôi nghiệm ra được nỗi giày vò quằn quại của vị chủ nhà.

Tôi phân vân nên gọi vị chủ nhà là cụ, là bác hay là ông. Nhìn vóc dáng thì ông còn tráng kiện nhưng gương mặt thì khắc khổ già nua so với tuồi gần 60, giọng nói đôi lúc đanh lại bất ngờ, nhưng lời lẽ thì lại khá rành rẽ của người am hiểu và từng trải. Thôi thì tuỳ nghi, gọi sao cũng đúng, cũng được, chẳng sao. Nhưng rồi tôi ngờ ngợ thoáng qua chút bóng dáng một nhân vật của Nguyễn Đình Chiểu,

Ai hay trong quán ẩn tàng kinh luân

clip_image017 Dĩ nhiên vị chủ nhà của tôi không thuyết giảng về “kinh luân”, nhưng trong phong thái ung dung và lời lẽ trao đi đổi lại giữa chúng tôi, thì tôi nghĩ là con người này không phải là người không hề quan tâm đến chữ nghĩa. Đặc biệt là thái độ trân trọng với anh Rô khi thấy anh ấy chong đèn dịch sách (từ dạo ấy anh đã bắt tay vào dịch Chùm nho phẫn nộ của John Steinbeck, Nobel Văn chương năm 1962, “người khổng lồ của văn học Mỹ”, nhưng năm 1975 mới được NXB Tác Phẩm Mới in tập 1 và năm 1989 in tập 2 và đến năm 1994 tái bản với NXB Hội Nhà văn). Ông càng tỏ ra có phần cung kính khi tôi giới thiệu công trình dịch thuật đồ sộ của dịch giả Phạm Thuỷ Ba, người đang ở trong nhà ông. Rồi hai hôm sau, tôi thấy ông thay một bóng đèn mới sáng hơn để người ngồi dịch khỏi nheo nheo mắt tìm chữ nghĩa.

Tiếc rằng gần đây tôi mới đọc được một bài viết ngắn khá cảm động về dịch giả đáng kính – người bạn chí thân của tôi – đã đưa ra một chi tiết có thể làm cho cụ chủ nhà hiểu thêm về vị khách đang ở trong nhà ông, mà dạo ấy tôi chưa đọc để kể.

Xin trích ra đây một đoạn trên BachvietBooks: “…Khi nhận kế hoạch tái bản Chùm nho phẫn nộ, người sửa bản in ở đơn vị chúng tôi có thốt lên: “Phạm Thủy Ba… Lâu lắm mới thấy lại tên cụ”Cũng như nhiều dịch giả gạo cội khác, cụ Phạm Thủy Ba cho ra đời những bản dịch từ một nơi rất tuềnh toàng, đậm chất bao cấp:

“Thú vị nhất là cái bàn ông bạn tôi ngồi viết và dịch sách chỉ có ba chân, chân thứ tư là thân cây ổi, ngọn chìa ra cửa sổ để che bóng nắng, nhưng mưa thì lại dẫn nước vào nhà nên phải có ‘giải pháp’ che chắn! Ngồi dịch sách, ông bạn tôi lấy ánh sáng từ cái cửa sổ này vì điện quá chập chờn, thời gian bị cúp nhiều gấp nhiều lần thời gian chiếu sáng, ông bạn tôi phải đi đôi ủng có bít tất vì nhà lắm muỗi. Khi dịch vừa xong cuốn tiểu thuyết của Charles Dickens thì một cây cỏ dại từ dưới nền đất nện đã đủ sức vươn lên xuyên qua khe hở của tấm gỗ mọt ghép làm mặt bàn. Tôi đưa tay tỉ mẩn vuốt ngọn lá cỏ, nheo nheo mắt ngoái nhìn dịch giả. Anh nở nụ cười quen thuộc, hiền lành nhưng rất hóm!

[…] Sự cống hiến thầm lặng của người trí thức xứ Nghệ trên lĩnh vực dạy học, dịch sách văn học, xã hội học mà người bạn chí thân “hết ngày dài lại đến đêm thâu” cặm cụi là một nét tuyệt đẹp mà tôi cố giữ gìn và noi theo.

(Chia sẻ của GS. Tương Lai trong bài Nhớ về một cái Tết Hà Nội”)”

clip_image019Càng ngày tôi lại càng cảm thấy gần gũi và thân thiết với vị chủ nhà. Một hôm ông nói với cả hai chúng tôi: “Rồi tôi cũng bán tống bán tháo cái xích lô kia đi. Tôi chẳng phải loại người “con rô cũng tiếc, con diếc cũng ham”, tôi sẽ lại dồn sức vào mảnh vườn nhà tôi. Vật thêm mấy thước đất để mở rộng cái ao cá ở góc vườn mà tôi biết chắc sẽ sinh lợi gấp mấy lần ngày ngày la cà ở phố huyện với chiếc xích lô cà tàng. Mùa mưa, gặp trận mưa to kéo dài, nước sông Đáy tràn bờ, lũ cá rô ngoi lên ruộng kiếm mồi, tạnh mưa nước rút nhanh đàn cá chưa kịp lần về ao, cứ lết bùn mà vật ngang vật dọc, vơ một buổi được cả lưng thúng. Tôi nói các bác hay, cứ chọn lũ rô ron chà muối sạch sẽ để ráo nước, rồi ném vào chảo mỡ đang sôi đến khi nó vàng rượm vớt ra cùng với chén nước mắm gừng tỏi, thì đưa cay không chê vào đâu được. Con cá quả bơi xuôi theo dòng nước / Con cá rô bơi ngược lên dòng mà, thì từ xưa các cụ đã dạy thế rồi. Cữ này thì cũng mưa to, mưa dai rồi đây. Tôi sẽ mời các bác đưa cay với cá rô ron rán giòn thì cứ gọi là chén rượu sẽ rất đượm cho mà xem”. Chao ôi, tôi đang mong mưa như trẻ mong mẹ về chợ đây.

Cầu được ước thấy, mấy hôm sau trời mưa to kéo dài cả ba ngày lúc tạnh lại đúng chiều thứ bảy. Hôm sau Chủ nhật, tôi nhắn anh Tuấn và anh Phảng, mời đến lai rai vào buổi trưa. Hai ông bà cụ chủ nhà tỏ vẻ hào hứng khi tôi thưa chuyện. Cá rô ron vẫn đang quẫy trong cái thạp đặt ngoài cửa bếp.

Ông Tuấn kẹp nách một chai vodka Nga, ông Phảng xách một cái túi cói trong lót chiếc lá sen gói một cỗ lòng chay thái sẵn, trút ra bày lên ngon lành trên một cái đĩa vừa xuống bếp hỏi mượn bà cụ chủ nhà.

clip_image021 Hôm nay đón khách, nên có chiếc chiếu trải ngay ngắn trên phản với cái mâm gỗ rộng đặt giữa với mấy cái ly nhỏ cạnh hai đĩa cá rô ron vàng ướm thơm phức, chén nước mắm gừng tỏi ớt bắt mắt, đĩa lòng lợn hấp dẫn.

Nét mặt cụ Ba Bủng chủ nhà dường như không còn đăm chiêu nữa mà thoáng vẻ trịnh trọng tươi cười: “Vui vẻ quá, xin mời các bác ngồi vào chiếu cho, chẳng mấy khi. Bà nhà tôi thì chẳng bao giờ ngồi vào đây đâu, các bác khỏi phải giục thì bà ấy cũng đã vui lắm rồi. Chảo cá rô vẫn đang sôi mỡ dưới bếp, bà ấy còn phải trông”.

clip_image023 Cao hứng, dịch giả Phạm Thuỷ Ba nói trống không: “Có chén mắm tôm vắt chanh cho sủi bọt trắng và vài lát ớt dậy mùi nữa thì hay”. Cụ chủ nhà cười khà: “Tưởng cao luơng mỹ vị gì chứ thứ ấy thì có ngay. Bà nhà tôi lúc nào cũng để sẵn trong góc chạn lọ tương Bần hoặc tương Cự Đà và hũ mắm tôm, món thường nhật của chúng tôi mà. Thầy giáo sành rượu đấy”. Mà quả là sành rượu với món đưa cay. Anh Rô cầm chai vodka nhỏm dậy đem đến đặt vào cái tủ chè kê tựa lưng vào tường trước mặt bộ bàn nước, quay cái nhãn vodka ra ngoài, rồi trở về chiếu mở nút lá chuối chai rượu rót ra năm chiếc ly con. Mùi rượu thơm lừng chẳng kém cạnh gì với rượu làng Vân nếp cái hoa vàng danh tửu của xứ Kinh Bắc. Không hiểu có phải đây là rượu Đòng của vùng danh lam thắng cảnh này không, chỉ biết là rất ngon. Mà ngon hơn nữa là tôi cảm nhận được một sự giải toả nào đó trong cảnh huống lạnh lẽ quạnh hiu của ngôi nhà, giải toả bớt đi nét đăm chiêu trong đôi mắt mờ đục của vị chủ nhà. Khoảnh sân nhà sạch bóng hơn sau những cơn mưa cọ rửa giùm, giàn trầu như xanh hơn, hàng cau như thanh thản vút cao hơn trên nền trời xanh với những tàu lá đong đưa đón ngọn gió mát lành từ sông đáy thổi vào.

clip_image025Buổi đưa cay với vị cá rô đồng kỳ thú buổi ấy còn đọng lại một hương vị sâu đậm khó tả. Rượu vào, ngẫu hứng tôi buông ra câu thơ

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi

Nhưng rồi đã kịp dừng lại không đọc tiếp bài thơ nổi tiếng Luơng Châu từ của Vương Hàn thời Thịnh Đường:

 

葡萄美酒夜光杯, Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, Rượu bồ đào cùng với chén lưu ly

欲飲琵琶馬上催. Dục ẩm tì bà mã thượng thôi. Muốn uống nhưng đàn tỳ bà đã giục lên ngựa

醉臥沙場君莫笑, Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, Say khướt nằm ở sa trường, anh chớ cười

古來征戰幾人回? Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi? Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về đâu.

(Chỉ dịch nghĩa vì chưa chọn được bài dịch thơ nào thật đạt nên chưa đưa vào đây, sẽ bổ sung khi tìm được bài hay)

Dừng không đọc tiếp, bởi chợt nhớ ra câu cuối của bài thất ngôn tứ tuyệt này kết thúc với một ý có thể khuấy động trở lại nỗi đau mất con trai của ông cụ chủ nhà đã phần nào nguôi ngoai vì ngôi nhà đã bớt đi phần nào sự trống vắng, quạnh hiu, từng giằng xé nỗi lòng của hai cụ chủ nhà. Vì lý do nào thì không dám võ đoán.

Câu chuyện tôi vừa kể đã trôi đi gần nửa thế kỷ, nhưng bụi thời gian chưa hề che phủ những ấn tượng sâu đậm như gợn sóng triều khuấy động dòng chảy của hồi ức trong tôi. Tôi thấm thía một điều, cuộc sống này, có những lí do chẳng thể gọi thành tên, có những điều mà lý trí chẳng giải thích nổi.

Ngày 10.8.2023

Chú thích vài tấm ảnh:

1. Chia tay anh Phạm Như Cương, ảnh 3

2. Hoàng hôn bên sông Đáy, ảnh 4

3. Sông Đáy đoạn chảy qua huyện Mỹ Đức, trang 5

4. Thuyền vào Chùa Hương, ảnh 7

5. Sông Đáy đoạn chảy qua trước nhà chúng tôi ở, ảnh 8

Comments are closed.