Nhà thơ trầm lặng và cả quyết

Vũ Từ Trang

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, mũ và cận cảnh

Võ Văn Trực (1936 – 2019)

Nhà thơ Võ Văn Trực vừa qua đời vào hồi 2 giờ 42 phút ngày 5/4/2019, tức ngày 1/3 2019 âm lịch. Thương tiếc một nhà thơ, một nhà văn, một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian tâm huyết, Văn Việt xin đăng bài sau đây của nhà thơ Vũ Từ Trang – bạn ông.

Văn Việt

Tôi còn nhớ chuyến đi về thăm làng Hậu Luật quê ông. Bữa đó, hai anh em đem xe đạp lên tàu hoả, từ Hà Nội vào ga Vinh. Tàu qua đất Quỳnh Lưu, rồi vào Diễn Châu, khi vào ga rất nhiều em bé và bà mẹ già chạy dọc tàu mời mua kẹo cu-đơ. Những miếng kẹo được làm từ lạc, mật và bánh đa gạo, tạo ra vị ngọt đậm đặc. Đặc biệt hơn, nếu vừa ăn kẹo cu-đơ, vừa uống nước chè xanh đựng bằng bát đàn, thì phong vị xứ Nghệ, không dễ gì quên được.

Con đường vòng vèo nho nhỏ, dẫn về làng quê của ông. Đấy là một làng nhỏ, nằm bên dãy núi Hai Vai. Diễn Châu là huyện trù phú của Nghệ An. Nhưng làng xóm nơi đây không giống làng xóm xứ Bắc quê tôi. Không có cổng làng to. Không có cây cổ thụ đầu làng, Ông nói, thuở trước, phá hết cả rồi. Tiếc lắm. Tôi nhớ mái nhà ngói thâm thấp, gỗ lạt kèo cột nho nhỏ. Mẹ ông khi ấy đã già lắm, người nhỏ thó, ngồi nhai trầu bên ngưỡng cửa. Cái liếp cửa có cài búi tóc rối, chắc là những sợi tóc mẹ ông rụng sau mỗi lần chải, búi. Có một mảnh vườn nho nhỏ. Hình như đang mùa hoa cà tim tím, hoa mướp vàng đâu đó. Tôi thấy gần gũi quê hương tôi quá. Sau bữa cơm thân mật hàn huyên cùng gia đình, ông dẫn tôi đi thăm làng xóm. Con đường lát gạch gập ghềnh, có nhiều đoạn đường đất. Chúng tôi trèo lên thăm núi Hai Vai. Tuổi trẻ của ông từng tắm mình trong các trò chơi và các truyền thuyết, giai thoại về quả núi này. Chúng tôi vào thăm một ngôi miếu nhỏ bên bờ sông Bùng. Ông kể sự tích của ngôi miếu. Chúng tôi vào thăm một nghĩa địa. Những nấm mồ cao thấp như bao phận đời chìm nổi. Rồi trở về nhà người bạn thuở thiếu thời của ông. Người bạn tuổi thơ từng cùng chăn trâu cắt cỏ. Người bạn sống ở quê, mà lại có tài đặt ra nhiều bài vè rất hay mà làng xóm nhiều người còn thuộc. Người bạn bưng rổ khoai lang luộc và ấm chè xanh ra mời khách. Chúng tôi uống nước và ăn khoai. Vị khoai Nghệ bùi, vị nước chè xanh ủ đặc ngọt xít, gợi một hương vị quê kiểng không dễ gì quên được.
Ở nhà thăm mẹ, thăm anh chị, thăm cô bác một ngày, rồi chúng tôi lại ra đi. Phút chia tay, tôi thấy cặp mắt ông ngân ngấn. Ông vốn không nói nhiều. Chúng tôi đạp xe đi. Nhưng tôi biết tâm trạng ông rất nhiều buồn vui. Quê hương với ông thật là sâu nặng.
Ngày ấy tôi còn thơi thới và nông nổi. Tôi đâu hiểu hết được tâm trạng ông với quê hương. Mãi sau này, khi đọc một loạt văn thơ ông viết về vùng đất quê ông, tôi mới thấm hiểu. Dãy núi Hai Vai một thời thật kỳ vĩ và chứa đầy bí hiểm với tuổi học trò. Vậy mà nay họ phá núi lấy đá không tiếc tay. Không khéo dần mất quả núi mất. Làng ông, đã từng trải qua những cơn bão táp của cách mạng. Một thời đấu tố cải cách. Một thời dời mồ mả ông cha lên núi, dỡ bỏ chùa chiền để mở cuộc “cách mạng mới !”.
Bài bút ký “Tiếng kêu cứu từ một vùng văn hoá” của ông, là nỗi lòng kêu thét lên của một người yêu quê hương, khi thấy quê hương đang bị tàn phá, bởi lớp người ấu trĩ và quá tả.
Bao nhiêu chùa chiền, đình đền, miếu mạo được người dân xây đắp bằng bao mồ hôi công sức và bằng bao tâm linh thành kính đã tồn tại từ mấy trăm năm, nay bỗng bị đập phá, để xây trụ sở hợp tác, xây kho thóc. Tệ hại hơn nữa, mồ mả ông cha tổ tiên yên ổn bao đời, nay bị lớp người “cách mạng” bắt di dời lên núi. Họ còn bắt xây mộ theo hàng lối “tập thể”, không thể để riêng rẽ “cá nhân” được. Rốt cục, chùa chiền, đền đình bị đập phá, hàng trăm pho tượng sơn thếp linh thiêng vị xếp đống vào kho hợp tác bỏ mục nát. Mồ mả của ông cha di rời, để xây trụ sở hợp tác bỏ mốc meo và cánh đồng lúa càng gầy héo. Hình ảnh người con đi xa quê, về tìm mộ mẹ, vì sự “cách mạng” kia đã làm mất mộ người mẹ mình. Người con chỉ còn biết thắp hương vái vọng bốn phương trời, kêu gào tâm linh người mẹ với nỗi lòng đau thương vô vọng. Bài bút ký đã gây chấn động dư luận. Nó như lời lên án, kết tội những kẻ ngu dốt, quá tả, cơ hội, luôn nhân danh “cách mạng” để phá cách mạng. Văn học nghệ thuật, tới một điểm nào, ngưỡng nào, nếu đạt tới giá trị của nó, nó có thể đánh thức lương tri con người. Bài bút ký viết về quê hương, viết bằng sự yêu thương cao độ, bằng nỗi đau từ gan ruột chính người viết. Bài bút ký này, nhà thơ Võ Văn Trực đã đạt tới ngưỡng đó.

* *
*

Trong một bài viết, nhà thơ Võ Văn Trực mượn ý nhà thơ Xuân Diệu để nói khiêm nhường rằng: “Người Nghệ không thông minh, nhưng được cái tính cần cù“. Tôi phải ghi nhận, ông là một mẫu người cần cù trong số những người tôi quen biết. Tôi biết ông, khi ông đã thành danh trong con đường sáng tạo nghệ thuật. Ấy vậy, sự cần cù lao động nghệ thuật hầu như ở ông ngày một nâng cao. Ngày ấy, ông đang làm biên tập văn học ở Nhà xuất bản Thanh Niên. Một ngày, phải đọc biên tập hàng trăm trang sách. Chiều tối, trở về căn phòng nhỏ của gia đình, lo liệu cơm nước, bảo ban con học hành, rồi ông thắp ngọn đèn nhỏ góc phòng để đọc và viết. Ông tự đặt những kỷ luật rất quy củ cho bản thân. Một ngày phải đọc bao trang sách? Phải học thuộc mấy câu thơ Đường? Tháng này, năm này phải lo xong cuốn sách nào? Đã vậy, ông còn lặng lẽ theo đuổi học tiếng Pháp. Trên cánh cửa gỗ xuềnh xoàng căn phòng, ông lấy phấn ghi mấy câu thơ bằng chữ Pháp để học. Ông vừa học chữ, vừa học cái hay của câu thơ.
Đã một vài lần đi thực tế cùng ông, tôi thấy ông có thói quen ghi chép rất cẩn thận. Dù bận mấy, dù vui mấy, trước khi đi ngủ, lại thấy ông giở sổ tay hý hoáy ghi chép. Ông muốn lưu lại hình ảnh vùng đất, con người, hoặc ý nghĩ bất chợt của mình. Tôi không tò mò, nhưng chắc hẳn là ông đã ghi chép như thế. Những cuốn sổ ghi chép cuả ông cứ xếp dầy thêm theo năm tháng.
Đời sống con người vốn có nhiều cái hấp dẫn và chi phối. Hình như ông biết chia thời gian theo từng ô, từng khu vực, để làm việc. Chính vì thế, ông làm được nhiều việc. Trong tập thơ tuyển của ông, xuất bản tháng 11 năm 2003, mục “Cùng một tác giả” có ghi:
– Thơ và trường ca: 12 tập
– Văn: 14 tập (trong đó có 1 tiểu thuyết: 475 trang và 2 tập bút ký đã tái bản).
– Sưu tầm, biên soạn: 10 tập (có nhiều tập đã tái bản).
Tập hợp số đầu sách của ông đã xuất bản, thấy con số không nhỏ. Có người nói, văn học nghệ thuật là “quý hồ tinh hơn quý hồ đa”. Nhưng tôi lại nghĩ, có “đa” mới có “tinh” được. Để có được số đầu sách như thế, tôi thấy đó là kết quả làm việc nghiêm túc, với rất nhiều công sức và có nhiều đóng góp được ghi nhận. Riêng với Võ Văn Trực, ông không chỉ quan tâm là “tinh” hay là “đa”, là nhiều hay ít. Điều ông tâm niệm, phải cố viết hết những gì tâm huyết, gan ruột của mình với quê hương, với đất nước, với con người. Viết bằng sự chân thành, không giả dối, không hoa mỹ.
Ông từng được 2 giải thưởng về thơ (của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội). Ông chưa bao giờ khoe mẽ về các giải thưởng này. Mà thiết nghĩ, đối với người cầm bút thì giải này giải nọ đâu có phải là cái đích cuối cùng. Điều khao khát nhất là luôn tạo ra những tác phẩm hay hơn, mới hơn, thật hơn với chính mình. Có như thế, tác phẩm mới gần gũi với người đọc, nhà văn mới tồn tại. Thực tế, bao người từng giải này giải nọ, ầm ĩ một thời, ấy rồi lại sớm lu mờ với thời gian đó ư?
Trở lại số lượng đầu sách của ông, tôi không thấy sự cần cù và cách làm việc khoa học của ông. Hình như ông vẫn chia thời gian cho chính mình, lúc này tập trung cho thơ, lúc này tập trung cho văn, cho khảo cứu. Hoặc biết đâu, công việc lại cùng đồng hiện, đan chéo nhau chăng?
Ông là người ham đi đây đi đó. Bây giờ, việc đi lại có thuận tiện rất nhiều. Ngày trước, ông có cái xe đạp khung nam, phương tiện chủ đạo cho mọi cuộc dong duổi. Đã nhiều lần ông về Nghệ An bằng chiếc xe đạp đó. Những năm trước, đã có đôi lần ông rủ tôi đi thực tế. Chúng tôi cùng đạp xe đạp đi thăm làng xóm và chùa chiền xứ Kinh Bắc. Hồi ấy, trên boóc-pa-ga xe đạp của ông là cái ba lô bạc màu, trong đó có sổ sách ghi chép. Có cả cái rút dép do ông tự tạo. Thời đó, chưa có trào lưu đi giày da, dép da như bây giờ. Ông luôn dùng đôi dép lốp cao su có hai quai hậu. Đôi dép bôn ba nhiều ngả đường. Quai dép dễ tuột, nên luôn phải mang cái rút quai dép là như thế. Vốn tính cẩn thận, ông chú ý từng chi tiết nhỏ, để phục vụ chuyến đi được kết quả. Có chuyến, ông cho cả cô con gái bé nhỏ đi cùng. Cháu Vũ Hạnh Thắm ngày đó mới là cô học trò cấp một, nhưng ông muốn con gái bé bỏng của ông sớm được tiếp xúc với thiên nhiên và cảnh trí các miền đất, để tâm hồn giàu có thêm.
Ông có một thời gian dài làm việc ở báo Văn Nghệ. Rồi ông làm công tác quản lý tờ báo, chức vụ phó Tổng biên tập. Làm báo bận mấy, ông vẫn dành thời gian cho sáng tác. Ông là người khái tính. Khi đến tuổi về hưu, có quyết định về hưu, ông không xin xỏ ở lại nấn ná thêm, như người này người khác. Anh em kể lại, sau phút nhận quyết định hưu, ông dọn dẹp sách vở của riêng mình, cho cả vào bao tải rồi gọi xích lô chở thẳng về nhà. Có người bảo sao ông không chờ cơ quan tổ chức liên hoan đưa tiễn và chờ xe ô tô cơ quan chở về nhà giúp. Ông chẳng nói chẳng rằng, cứ lặng lẽ ra đi. Người bảo ông khái tính, có người lại bảo ông bất đồng với ai trong cơ quan hay sao? Với tôi, tôi hiểu, ông không thích phiền hà tới ai. Tính tự trọng của con người ông là thế.
Thế rồi ông về nhà lặng lẽ cắm mặt vào trang sách. Lại đọc, lại học, lại viết. Và ông ngẫm nghĩ sự đời… Căn nhà ông ở xa trung tâm thành phố, đã lặng lẽ, lại lặng lẽ hơn. Trong nhà, ngoài sách vở và đồ dùng đơn sơ, ông làm bạn với con mèo và mấy cây đa tự tay trồng trên sân thượng. Tôi không rõ sao ông lại thích cây đa? Phải chăng, nó gợi tới bóng dáng quê hương hay nó biểu tượng cho sự sống mạnh mẽ và bền bì? Lâu lâu, ông lại thu xếp đi thực tế miền đất này, miền đất nọ. Có khi đi một mình, có khi đi ké một đoàn nào đó. Khát thèm sống, khát thèm làm việc như được dấu chìm trong bóng dáng một con người trầm lặng và cả quyết đó.
Cuộc sống chuyển động. Đúng – sai. Tốt – xấu ông vốn nhạy cảm với cuộc sống. Tâm trạng ông càng nhiều giằng xé. Ông là người lặng lẽ, vậy đã có lúc thốt lên:
Nhà tôi ở giữa chung chiêng
Một bên phố xá một bên mặt hồ

Bên thì nhà cửa lô nhô
Bên thì phẳng lặng như tờ giấy xanh

Cuộc đời nhí nhố vây quanh
Nửa quê kệch, nửa thị thành, đan nhau
Khi buồn ngắm chiếc thuyền câu
Khi vui lại ngắm nhà cao nắng đầy.

Cuộc đời dở tỉnh dở say
Nửa kia điện sáng nửa này sương dăng
Bia trào bọt phía cao tầng
Bờ hồ con đĩ tụt quần nằm chơi.

Cuộc đời nửa chuột nửa dơi
Nửa bóng tối nửa mặt trời nhá nhem

Nhưng rồi ông điềm tĩnh lại:
Hai tờ sách mở hai bên
Tôi nằm ở giữa khâu bền sợi đau.

(Nhà tôi)
Ấy rồi tâm tư ông lại nhoi nhói:
Trong cơn tai biến rụng rời
Nhân tình càng rõ mặt người trắng đen.

Và:
Nhìn thằng bạn rởm, cúi đầu
Lẻn đi trong lúc tôi đau quặn mình.

(Trong cơn tai biến)
Có người nói là ông “hơi cứng quá”, nên thơ ông có phần thiếu chất đắm đuối, bảng lảng. Tôi chưa tin điều này lắm. Chỉ biết ông là người sống có bản lĩnh với chính mình.
Ông là người có thái độ rành mạch. Yêu ai, chơi thân. Ghét ai, không thèm nhìn mặt. Hình như ông chúa ghét sự thớ lợ. Ông là người đầy bản lĩnh trong cách cư xử quan hệ. Tôi biết, khi ông đang làm biên tập ở Nhà xuất bản Thanh Niên, ông đã đứng ra bảo lãnh để in tập thơ của một nhà thơ có tai tiếng về sinh hoạt (Xin lưu ý, những năm về trước, thời bao cấp, tác giả được in tập thơ riêng là sự kiện trọng đại). Trong cuộc họp Nhà xuất bản, có ý kiến là tác giả đó, rượu chè say sưa quá. Ông đứng lên bảo lãnh, đó là phần sinh hoạt, còn phần thơ tác giả đó xứng đáng in. Thế là tập thơ đó ra đời, rồi được tặng thưởng Văn học đề tài công nhân.
Trong lúc ngồi tâm sự thân mật, ông có phàn nàn về người này bạn nọ, cùng học cùng chơi thân nhau một thời, nay mới lên chức này chức nọ ở cơ quan xuất bản này, tờ báo kia, đã muốn lánh mặt, lên mặt với anh em. Ông cũng phàn nàn về người bạn thân bỏ viết lách để theo đuổi những việc quan chức.
Trong một bài thơ viết thời chống Mỹ cứu nước của ông, có câu thơ mà tôi thích, vì nó phản ánh đúng cốt cách, khí phách sống của ông:
Trong ngọn gió bình minh xoè đỏ lựng
Tung thóc giống bay qua tầm mũi súng.

Tháng 7-2004

Nguồn: FB Vũ Từ Trang

Comments are closed.