Nhớ bác Nguyên Hồng

Nguyễn Thị Hiền

Bác Nguyên Hồng đang lảo đảo, ngà ngà say, ngả nghiêng đi vào nhà bố tôi – nhà văn Kim Lân. Bộ quần áo nâu sồng, quần xắn lên một bên cho vào cạp quần, ống thấp ống cao, áo mở phanh, ngực rắn chắc như một bác nông dân, chắc nịch, da đỏ au, chòm râu phấp phới, quần áo bay lật phật, bác vừa đi vừa hát. Trông thấy tôi, bác dừng ngay lại, chỉ vào tôi kêu lên: "Ối ! Ông Kim Lân ơi. Hi… hi… Con Hiền nó đã lớn lắm rồi ông nhỉ, con bé này nó làm tôi và vợ chồng ông vất vả quá nhỉ? Bướng lắm, bướng lắm…". Rồi bác lại cười hích… hích…
Tôi vội vã chào bác và dẫn bác vào nhà. Vừa gặp bố tôi, bác lại chỉ vào tôi cười hích… hích… Biết ngay thế nào bác cũng nhắc lại câu chuyện muôn thuở, việc bác cùng bố tôi đã dẫn mẹ tôi đến nhà hộ sinh để sinh ra tôi như thế nào, và thế là cả nhà cũng lại cười đến đau cả bụng.
Chuyện là mẹ tôi sinh tôi là con đầu lòng. Cứ mỗi lần bà chuyển dạ đau bụng là bác Hồng và bố tôi lại đưa mẹ tôi lên nhà hộ sinh.
Đường tới đó phải đi qua một cái chợ. Cứ đi đi lại lại như vậy cả tháng trời, mẹ tôi vẫn không sinh được.
Đến một lần bác Hồng và bố tôi lại dìu mẹ tôi lên nhà hộ sinh, đi qua chợ, mấy bà bán hàng không nhịn được, liếc mắt nhìn ba người, bụm miệng cười rúc rích.
Bố tôi đã diễu hành như thế cả tháng trời, thấy mọi người cười rinh rích, ngượng quá, đỏ mặt tía tai quát lên: "Cười cái gì mà cười!".
Các bà sợ quá im thin thít. Bỗng một bà mạnh bạo đứng lên nói:
– Chúng tôi nhìn ông bà đi qua chợ cả tháng nay, mà vợ ông vẫn không sinh được, nói cho ông biết đứa bé này bướng bỉnh lắm, nó không chịu ra đâu. Muốn cho vợ ông sinh được, ông phải lội qua ao, trèo qua nóc nhà ba lần thì vợ ông mới sinh ra nó được.
Lần nào kể đến đây bác Hồng cũng cười hi hí, nước mắt ràn rụa. Còn bố tôi thì cười ha ha, mẹ và chúng tôi thì cười đến nỗi cứ nhăn nhúm hết cả mặt, đau cả bụng cả ruột. Bác Hồng chỉ vào bố tôi, rồi quay sang tôi:
– Cháu có biết không đưa mẹ cháu về nhà xong, đợi lúc vắng người, bố cháu leo tót lên nóc nhà, leo lên leo xuống đúng ba lần, vừa leo vừa nhìn quanh sợ có người nhìn thấy. Xong tụt xuống đi vội ra ao, xắn quần phầm phầm lội qua lội lại đúng ba lần, xong lên bờ thở ầm ầm, quần áo ướt lướt thướt tưởng giấu không ai biết…. Ai ngờ bác Hồng nhìn thấy hết… ha… ha…! Rồi bác kể tiếp: "Ấy thế mà hay. Bố cháu vừa trèo qua nóc nhà, vừa lội qua ao xong, ngày hôm sau mẹ cháu đau bụng trở dạ, bác và bố cháu lại dìu mẹ cháu tới nhà hộ sinh, mẹ cháu sinh ra cháu ngay lập tức. Bướng quá, bướng quá…".
Cứ mỗi lần trông thấy tôi là y như rằng bác Nguyên Hồng vừa cười vừa kể. Bác Hồng còn khoái chí chỉ vào bố tôi cười, nước mắt cứ ràn rụa; bố tôi thì làm ra vẻ bẽn lẽn cười; cả nhà nghe bác Hồng vừa kể vừa cười. Chúng tôi ngồi nghe cũng trố mắt như nghe một chuyện vui cũng cười lăn lộn. Có một chuyện đấy nhưng cứ hễ bác Hồng đến nhà mà nhìn thấy tôi là y như rằng bác chỉ vào tôi rồi gọi bố tôi: “Ông Lân ơi bướng lắm, hi… hi…”. Và chuyện đó lại được bác kể ra, và lần nào bác kể chuyện này, cả nhà tôi lại ôm bụng mà cười.

image

Nhà văn Nguyên Hồng (thứ ba từ trái qua) uống rượu cùng nhà văn Kim Lân (ngoài cùng bên trái) và họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.

Bây giờ nhìn lại mấy tấm hình chụp hôm đám cưới tôi, bố mẹ tôi mời bác đến nhà ăn cơm thân mật trước khi tôi về nhà chồng, tôi lại buồn cười.
Mới đấy mà bây giờ bác Hồng, mẹ tôi, chồng tôi, bố tôi đều đã bỏ tôi ra đi vĩnh viễn. Đời người thật đúng như một cái chớp mắt vậy.
Lại nhớ không biết bao nhiêu lần bác Hồng đến nhà chơi, ăn cơm với gia đình, đàm đạo với bố tôi, nhớ những lúc bác đọc cho bố tôi những đoạn văn bác vừa viết xong. Tâm trí tôi vẫn còn như in bài thơ Hng Hà tên con mà bác Nguyên Hồng đọc:
Tên con Hng Hà
Dòng sông ch
y miết
Gi
a đôi b đói rét
Dòng sông vang d
i
Nh
ng nc n kh nghèo…
Tiêng đọc sang sảng, lên bổng xuống trầm. Bác Nguyên Hồng không bao giờ đọc khẽ. Bác rất hay cười, nhưng cũng rất hay… khóc. Bác vừa hích… hích… đấy nhưng một lúc vào câu chuyện cảm động, bác lại khóc sụt sùi. Đó thường là những lúc bác Nguyên Hồng đang thả hồn vào tác phẩm và những nhân vật văn học của bác. Bác cuốn chúng tôi vào câu chuyện của bác để cười cùng bác, khóc cùng bác, phẫn nộ cùng bác và thương yêu cùng bác.
Tôi chưa thấy ai sống cùng nhân vật của mình sâu sắc, trầm lắng, yêu ghét sôi sục đến như bác Nguyên Hồng.
Khi bác đọc những bản viết tay của bác, lúc nào tôi cũng rón rén ngồi gần lắng nghe và chỉ một lúc sau tôi cũng cười, cũng giận, cũng thương và cũng khóc thút thít y như bác vậy.
Tôi đươc đọc chuyện của bác Nguyên Hồng từ lúc còn bé tý. Bố tôi bảo con chưa đến tuổi đọc B v, tôi nói "Vâng ạ", nhưng vẫn giấu bố, nhét sách vào trong áo, chui vào một chỗ và đọc.
Gia đình tôi và gia đình bác Nguyên Hồng gắn bó với nhau từ lúc tôi còn chưa ra đời. Sau này kháng chiến chống Pháp, gia đình bác và gia đình bố mẹ tôi sống ở đồi ấp Cầu Đen, Yên Thế, Bắc Giang cùng gia đình các bác Ngô Tất Tố, Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình… Đến khi về Hà Nội, nhà bác ở phố Trần Nhân Tông, trên một cái gác, bố tôi thường dắt tôi lại chơi.
Nhà tôi cũng chuyển tới ở gần nhà bác ở phố Chợ Đuổi (phố Tuệ Tĩnh) bây giờ, sau đó thì bố mẹ tôi chuyển về xóm Hà Hồi. Song dù ở đâu, gia đình tôi và gia đình bác Nguyên Hồng vẫn thường qua lại rất thân thiết.
Bác Hồng là bạn tri kỷ của bố tôi, tôi cũng yêu quý, kính trọng bác vô cùng.
Năm 1967 tôi tốt nghiệp trường mỹ thuật. Một hôm tôi nói với bác tôi muốn vẽ chân dung bác, bác đồng ý ngay. Khi đến cho tôi vẽ, bác ngồi ở trước cửa ngôi nhà của bố tôi, hai tay đan vào nhau chắp vào đầu gối. Bác nói với tôi, khi bác ngồi một mình, bác thường ngồi như thế này, và mắt bác nhìn đau đáu. Bác nhắc tôi: "Cháu nhớ nhé, mắt bác nhìn đau đáu"…
Tôi đã vẽ bác hai bàn tay đan vào nhau, bàn tay thô mộc giống như tay của một người nông dân, nhưng vầng trán trí tuệ và mắt bác nhìn đau đáu như muốn ghi thấu mọi thứ trong đời với sự hồn hậu thương yêu, cả tin, pha chút buồn giận và mong đợi cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn như tấm lòng của bác dành cho con người vậy.
Thời gian bác Nguyên Hồng đưa gia đình quay trở lại sống ở ấp Cầu Đen, quả "Đồi văn nghệ" – nơi gia đình tôi đã từng được sống trong kháng chiến chống Pháp cùng gia đình bác khi xưa. Bác đã hoàn thành tiểu thuyết Sóng Gm trong bộ tiểu thuyết Ca Bin hơn 2.000 trang.
Một số tác phẩm nổi tiếng khác cũng được bác Nguyên Hồng viết tại đây. Cũng tại quả "Đồi văn nghệ" nhiều kỷ niệm này, nhà văn Nguyên Hồng, người bạn tri kỷ của bố tôi, người mà tôi thương yêu như ruột thịt, đã tạ thế ngày 2/5/1982. Khi đó tôi sống ở TP Hồ Chí Minh. Bố tôi báo tin cho tôi là bức chân dung tôi vẽ bác đã được gia đình chọn để làm di ảnh trước linh cữu tiễn bác về nơi yên nghỉ.
Bác Nguyên Hồng ra đi đã được hơn 30 năm, tôi cũng đã nhiều lần quay trở lại Nhã Nam thăm quả "Đồi văn nghệ" trong tuổi thơ của tôi, đi trên con đường đất sỏi đỏ, xa xa có mái trường mang tên Nguyên Hồng, vào nhà thắp hương cho bác. Bức chân dung tôi vẽ bác vẫn treo ở đây. Nhìn bác, những kỷ niệm ấu thơ của tôi lại trở về. Sang thăm lại ngôi nhà cũ của cha mẹ tôi nay đã chẳng còn gì, chỉ còn cây ổi mà ngày xưa mỗi lần muốn ra đó hái quả, tôi phải đi rất xa, giờ thấy nó ở ngay gần nhà. Có người hàng xóm nay đã già lắm vẫn nhận ra tôi. Thật kỳ lạ quá.
Đi xuống chân đồi, qua chiếc cầu bắc qua con suối, hai bên cỏ cây xanh rì nổi bật trên con đường đất đỏ là tới mộ bác và bác gái, thắp nén nhang cho hai bác, lòng tôi bồi hồi vô cùng.
Hồi bố tôi còn sống dù sức khỏe không tốt, ông vẫn thường xuyên đi thăm mộ bác Nguyên Hồng. Khi bố tôi đã yếu lắm, đi thăm mộ bác Nguyên Hồng lần cuối, rót cốc rượu tưới lên mộ bác, bố tôi nói:
– Ông Hồng ơi, tôi cũng yếu lắm rồi, già rồi, lần này là lần cuối cùng tôi còn lên thăm ông được, ông uống với tôi chén rượu. Bây giờ âm dương cách biệt nhưng ông đợi tôi, tôi sắp đến lúc đi gập ông rồi. Lúc đó chúng ta sẽ lại cùng nhau uống rượu, nói chuyện thế sự nhân tình, lại đọc cho nhau nghe những tác phẩm lại khóc lại cười cùng nhau ông nhé…
Tôi như nhìn thấy mồn một ở cõi xa xăm nào bác Hồng và bố tôi đang ngồi đối ẩm cùng nhau như xưa kia, chẳng biết bác có nhắc lại chuyện kể muôn thuở của bác về tôi như xưa và cùng bố tôi cười hích… hích… ha… ha… nữa không.
Và chẳng hiểu sao mấy chục năm qua rồi, tôi vẫn thuộc như in bài hát một chiều nào bác Nguyên Hồng hát vang ngoài ngõ Hà Hồi nhà bố mẹ tôi:
"Tôi có hai mi tình / x s ca tôi và Paris / mãi mãi vì hai mi tình đó / con tim tôi luôn hân hoan / J’ai deux amours / Mon pays et Paris…"
Tôi nghĩ bác Nguyên Hồng cũng có hai mối tình. Đó là xứ sở của văn chương với bao nhiêu nhân vật mang theo tình yêu đời và yêu người bác gửi gắm. Và quả đồi đất đỏ trên ấp Cầu Đen, Yên Thế, Bắc Giang, quả "Đồi văn nghệ" thủa xưa nay đã là nơi bác yên nghỉ mãi mãi.
Sài Gòn, đêm 31/1/2013

Nguồn: FB Nguyễn Thị Hiền

Comments are closed.