Nhớ chiếc xe Land Cruiser (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi, số 140)

Tương Lai

clip_image002Sao không nhớ người, nhớ chuyện, nhớ những gì khác, lại dở hơi đi nhớ chiếc ô tô. Duyên do là vì một quãng đời quanh co khúc khuỷu của tôi trong suốt 13 năm ở Viện Xã hội học gắn bó với chiếc Land Cruiser này do Xích Việt lái. Cũng là cơ duyên mà tôi gặp được Việt, người chiến sĩ từng rong ruổi nhiều năm trên những cung đường Trường Sơn vào những thời kỳ bom Mỹ ném ác liệt nhất, thế mà không một mảnh bom nào dính được vào người anh. Khi sức khoẻ giảm sút không cầm được vô lăng của những chiếc xe tải, và cũng là lúc B52 Mỹ tập trung vào chiến dịch… bắn phá dữ dội hậu phương và Hà Nội, anh được về hưu non. Tình cờ vợ anh, cô Hạ, lại là nhân viên Khoa Sản Viện Quân y 108 do chị tôi làm Chủ nhiệm Khoa, biết Việt là người đứng đắn và trung thực, chị tôi bảo tôi nên xin Việt về. Thế là từ đó hai anh em tôi gắn bó với nhau suốt 13 năm trời trên những chặng đường đất nước cho đến khi tôi từ chức Viện trưởng. Việt vẫn ở lại Viện thêm mấy năm nữa. Tôi nhớ mãi câu Việt nói với tôi: “Anh đi chúng em hụt hẫng. Cũng tại anh “cương” quá, hạ bớt đi một chút thì hay hơn và cho chúng em được nhờ”. Lặng yên, tôi không trả lời chỉ nắm tay Việt, vỗ vỗ vào vai anh rồi quay đi. Lòng xốn xang.

Cũng nên có vài lời về chiếc Land Cruiser này. Đây là tài trợ của UNDP cho Dự án Dân số Việt Nam, một Chương trình nghiên cứu tương đối quy mô đầu tiên của Việt Nam có sự góp sức xứng đáng của Phạm Bích San, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, nguyên là Trưởng ban Nghiên cứu Dân số của Viện. Đây là chiếc Land Cruiser duy nhất trong số mấy chục ô tô của cả Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Có lần tình cờ gặp nhau trên đường từ Vĩnh Phú về, Đức Lượng, bạn tôi, là Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân và Đinh Thế Huynh, Phó tiến sĩ vừa ở Liên Xô về, đang là cán bộ biên tập ở Ban của Đức Lượng, đã khẩn khoản đề nghị tôi cho chuyển hai cán bộ Xã hội học trẻ đang ngồi cùng tôi sang chiếc Volga đời mới của họ để họ chuyển sang chiếc Land Cruiser ngồi thử xe của tư bản ra sao. Khi về đến cửa trụ sở báo Nhân Dân, tôi tiễn hai ông bạn ngồi nhờ với nụ cười cởi mở: “Này, chửi Gorbachev vừa vừa thôi nhé không rồi “hố”, nhỡ rồi có khi phải dựng tượng cho ông ta cũng nên”. Cả hai anh bạn cùng trợn mắt: “Sao anh dám nói liều thế”. Tôi cười không nói gì thêm, đóng cửa chiếc xe tư bản, vẫy chào qua cửa kính xe. Thế đó.

Vào những lúc nhớ nghề, tôi bay từ Sài Gòn ra, rủ thêm vài bạn Xã hội học trẻ thân thiết như Phạm Xuân Đại, Hoàng Đốp, Trịnh Hoà Bình… trở lại Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, những nơi nhiều kỷ niệm sâu đậm và thú vị trong quãng đời làm xã hội học của mình. Lãnh đạo Viện Xã hội học như anh Trịnh Duy Luân, người kế nhiệm tôi, đã ưu ái cho phép Việt đưa chúng tôi đi. Đó cũng là mấy tỉnh tôi từng đưa những người bạn nước ngoài đến khảo sát thực tiễn ở nông thôn Việt Nam, từng giữ lại những ấn tượng không hề phai mờ trong tâm trí tôi.

Có lẽ người nước ngoài đầu tiên cùng tôi về làng Nguyên Xá, huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình là Chabor (có thể tên tôi viết không đúng) nhà xã hội học Hungari. Ông ấy rất khoái chí khi tôi nói với ôngclip_image004 về truyền thống của nơi ông sẽ ở lại nhiều ngày “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” xứng với niềm tự hào “Nếu là con mẹ con cha / Thì sinh ở đất Duyên Hà – Thần Khê”. Điều Chabor ngại nhất là mỗi lần phải vào ngồi cầu tiêu nằm sát cạnh chuồng lợn, nhưng quen với nghề xã hội học nên chuyện đó không gây khó khăn gì lắm cho ông khi phải sâu sát với thực tế của nông thôn Việt Nam trong chuyến đi khảo sát nhiều ngày. Chabor thành thạo rất nhanh với cách cầm đũa thay cho dao và nĩa, dễ dàng ngồi xếp chân khi ăn bữa cơm đặt trên chiếu trải ngay giữa nền nhà. Sau sự kiện Berlin và sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa, Hungari tiến rất nhanh trên đường dân chủ hoá và Chabor trở thành Quốc vụ khanh phụ trách về lao động. Ông được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc nhiệm toàn quyền ở Việt Nam. Gặp tôi tại Sài Gòn, ông thân thiết ôm chầm lấy tôi, dí dỏm nhắc lại những ngày “đi thực tế” ở Nguyên Xá dạo nào. Phong cách xã hội học vẫn đậm nét ở người bạn Hungari, Đại sứ Hungari thân thiết của tôi.

Người bạn nước ngoài thứ hai tiến hành khảo sát xã hội học về nông thôn đồng bằng Bắc bộ mà tôi hết sức kính trọng là François Houtart, giáo sư người Bỉ. Thật may mắn là nhờ có giáo sư Phạm Huy Thông với uy tín của mình trong quá trình hoạt động tại Hội đồng Hòa bình thế giới, đã quen biết giáo sư François Houtart, một nhà xã hội học uy tín của Bỉ, Giám đốc Trung tâm Ba châu (CETRI) của Đại học Công giáo Louvain ở Bỉ, nên đã mời vị Giáo sư này đến thăm Việt Nam và hợp tác nghiên cứu. Nhờ vậy, từ cuối những năm 1970, François Houtart và Geneviève Lemercinier đến Việt Nam và có quan hệ hợp tác nghiên cứu Xã hội học ở Việt Nam – ngành học đang òi ọp vì là “một môn khoa học tư sản” theo quan điểm tệ hại của buổi ấy.

clip_image006Tôi cũng không thể không chen vào đây sự trân trọng biết ơn giáo sư Phạm Huy Thông, cũng là người ký quyết định bổ nhiệm tôi làm Phó Viện trưởng Viện Triết học với những lời ân cần dặn dò, trao gửi thật ấm lòng, để rồi sau đó ông vĩnh viễn ra đi – một cái chết bí ẩn mà đến nay vẫn còn trong bóng tối – khiến tôi vẫn âm thầm day dứt, nhớ những lời căn dặn của ông khi người tôi yêu kính đã phiêu diêu nơi miền cực lạc: “Nhưng than ôi, vận trời khi đã mất / Sức “lay thành nhổ núi” mà làm chi!”. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân đã viết về Phạm Huy Thông: “Một người có những ham muốn dị thường như thế ắt phải ưa sống cái đời của những vị anh hùng thời trước… Hơi văn mà đến thế thực đã đến bực phi thường. Anh hùng ca của Victor Hugo tưởng cũng chỉ đến thế. Giữa cái ẻo lả, cái uỷ mị của những linh hồn đang chờ sa ngã, thơ Huy Thông đã ồ ạt đến như một luồng gió mạnh. Nó lôi cuốn bừa đi…”. Hiểu về đều này tôi càng thấm thía những lời căn dặn của ông khi đề xuất và ký giấy bổ nhiệm tôi trong lần ngồi trên chiếc ghế gỗ kê bên tường phòng chờ lên gác ông. Quàng lên vai tôi ông thầm thì nói. Trong lời căn dặn mà tôi hiểu là những lời tâm sự “động trời” của ông dành cho tôi không thể viết ra đây. Sau đó, giáo sư Phạm Như Cương chuyển tôi sang làm Viện trưởng Viện Xã hội học thay người tiền nhiệm là giáo sư Vũ Khiêu.

Trên chiếc Land Cruiser do Xích Việt lái, tôi đã cùng ông rong ruổi trên những con đường của nông thôn đồng bằng sông Hồng trước khi đến xã Hải Vân thuộc huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định. Đây là nơi ông cùng với tiến sĩ Geneviève Lemercinier đã tiến hành một cuộc khảo sát xã hội học quy mô và rất bài bản với phương pháp khoa học của những bậc thầy, để rồi năm 2001 cho ra đời bản dịch tiếng Việt công trình Xã hội học về một xã ở Việt Nam. Với tôi, đó là một cuốn sách “gối đầu giường” của những nhà xã hội học đang cố tự trau giồi, rèn luyện để trở thành một nhà xã hội học thực thụ.

Lần này về lại Hải clip_image008Vân để F. Houtart kiểm tra lại “vườn thuốc nam” mà ông đã đầu tư cho xã để gầy dựng một vườn thuốc nam quy mô và chất lượng để từ đó làm mô hình mẫu cho việc nhân rộng lên trong xã Hải Vân và các xã lân cận. Biết được cung cách làm việc của “các quan xã” tôi đã cho Hoàng Đốp về trước chuẩn bị, vì Đốp là dân Hải Hậu. Và thế rồi anh hốt hoảng cho biết là các vị ấy đang cuống cuồng “tân trang” lại vườn thuốc nam.

Với cái nhìn nhân hậu của một lão nhân dạn dày kinh nghiệm, F. Houtart chỉ cười tỏ vẻ động viên bà con nông dân Hải Vân, nhưng rồi ghé tai tôi ông nói: “Chúng ta phải đầu tư công sức làm lại từ đầu”. Ngượng chín cả người, tôi chỉ nắm chặt tay ông gật đầu vâng theo. Về lại Hà Nội, hôm sau tôi đến ăn sáng với ông tại khách sạn Dân chủ không xa nhà tôi ở bao nhiêu. Bữa ăn sáng đạm bạc của một học giả lớn chỉ là hai quả trứng gà trụng nước sôi mà ông húp ngon lành với hai lát bánh mì phết bơ. Gần một tiếng đồng hồ bên tách cà phê đã nguội, ông say sưa nói với tôi về bà con nông dân xã Hải Vân mà ông từng tiếp xúc.

clip_image010Tình cảm sâu nặng với Hải Vân của nhà xã hội học nổi tiếng thế giới đã dạy cho tôi một bài học nghề nghiệp và cái tâm của một người làm xã hội học đích thực. F. Houtart không hề biết rằng cái tên xã Hải Vân đã làm những người tiền nhiệm rồi chúng tôi điêu đứng một thời gian dài. Chả là, ai đó ở cơ quan an ninh nghe tên Hải Vân đã “chữ tác vác ra chữ tộ”, tưởng rằng chúng tôi đưa một linh mục, từng được đào tạo trường Đại học Công giáo Louvain của Bỉ đến nghiên cứu đèo Hải Vân, một vị trí chiến lược trọng yếu. Thế là điều tra, là giải trình “lên bờ xuống ruộng” ở nhiều cấp. Cho đến khi vỡ nhẽ ra thì chúng tôi mới được thở phào “giải tội”!

Tuy chuyện Hải Vân vừa kể đã lắng xuống sau khi sự nhầm lẫn tai hại quá ấu trĩ đã được “giải mã”, ấy vậy mà khi chiếc Land Cruiser của Xích Việt đang chậm rãi lăn bánh để nhà xã hội học Bỉ có thể thoải mái nhìn ngắm cảnh vật, tôi vẫn giật thột khi Công an yêu cầu dừng xe, Việt phải xuống trình các loại giấy tờ đi đường. Một tâm trạng bất an, tâm trạng của “con chim ngại làn cây cong”. Ngồi trên xe, F. Houtart thoải mái vui thú ngắm cảnh đồng quê Việt Nam qua cửa xe đã hạ kính xuống theo yêu cầu của ông để được hít thở không khí đồng quê, nơi ông đã dành tâm huyết tiến hành một công trình nghiên cứu rất bài bản để cho ra một cuốn sách nghiên cứu có giá trị khoa học rất cao. Thỉnh thoảng ông quay lại nói với chúng tôi: “Đồng quê của các bạn đẹp vô cùng, tôi đã đi nhiều nơi, nhưng quả thật ruộng đồng, thôn xóm tôi nhìn thấy dọc đường đi thật là mê đắm. Các bạn đã dành cho tôi một phần thưởng quý giá là chuyến đi này”. Tôi bấm vào lưng Việt đang ngồi sau vô lăng: “Là ông ấy nói với cậu đấy”.

Trong đầu thoáng gợi câu thơ Tố Hữu: “Bánh xe quay trong gió bánh xe quay. Cuốn hồn ta như tỉnh như say. Như lịch sử chạy nhanh trên đường thép…”. Không biết lịch sử chạy nhanh hay đang chạy quá chậm để nhanh chóng thoát khỏi những ngày u ám, lú lẫn nhiễu nhương này. Nhưng bánh xe chiếc Land Cruiser của Việt thì đang “quay trong gió bánh xe quay” thật, và cũng đang “cuốn hồn ta như tỉnh như say” thật trong đôi mắt mải miết xúc động ngắm nhìn những thửa ruộng trĩu nặng những bông lúa chín đậm màu vàng tươi trải dài hai bên đường, và xa xa thấp thoáng những hàng cau xanh trồi lên giữa những ngôi nhà sẫm màu với những làn khói trắng lan toả. Đúng là “như tỉnh như say” khi đắm mình say sưa nhìn ngắm qua cửa kính chiếc Land Cruiser vì tôi ngồi phía sau không hạ kính xuống được, đang rong ruổi trên những nẻo đường quen thuộc đã được nâng cấp của đồng bằng sông Hồng.

Làng quê, những làng quê mà người Việt Nam nào chẳng từ đó ra đi và suốt đời thương nhớ. Không hiểu nhà xã hội học hàng đầu thế giới vừa mới có công trình nghiên cứu về xã Hải Vân có thấy thật sâu điều đó không. Chỉ biết rằng ông cùng với Geneviève Lemercinier đã tìm hiểu rất kỹ về con người và công việc đồng áng cùng với những nghề phụ mà bà con nông dân ở Hải Vân đang làm, rồi với đôi mắt của nhà xã hội học bậc thầy và tấm lòng nhân hậu, họ đã nhìn thấu vào thực tế sống động của một địa phương họ đã khảo sát để đưa những kết luận khoa học.

Ấy thế mà tôi lại đọc thấy những ý kiến của ai đó cố tỏ ra mình am hiểu thực tế đã cố tìm ra “những điểm yếu” trong công trình nghiên cứu tâm huyết và rất bài bản của một phương pháp khoa học tiên tiến nhất, tác giả của cuốn sách tôi đang cầm trên tay. Chẳng hạn như các “học giả” này cố tỏ ra mình là khoa học “thật” để bắt bẻ: Chắc gì chọn Hải Vân để nghiên cứu về nông thôn đồng bằng sông Hồng là đúng đắn rồi đưa ra những kết luận và những gợi ý cho cả một châu thổ đồng bằng Bắc bộ rộng lớn, chiếm một vị trí đặc biệt về nông thôn và người nông dân cả nước.

Trước mắt tôi là cuốn sách Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ (Le village en questions) dày hơn 700 trang khổ lớn của Philippe Papin và Olivier Tessier – hai học giả người Pháp – làm chủ biên. Cuốn sách này là thành quả của một chương trình nghiên cứu khoa học được tiến hành trong suốt bốn năm dưới sự chỉ đạo của giáo sư Lê Bá Thảo – thầy học kính mến của tôi. Quả là “Vấn đề còn bỏ ngỏ”.clip_image012 Trong cuốn sách này chưa nói gì đến Xã hội học về một xã ở Việt Nam của F. Houtart và Geneviève Lemercinier. Vấn đề còn bỏ ngỏ vì khi cho ra cuốn Làng ở vùng Châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ thì công trình nghiên cứu về Một xã ở Việt Nam của hai học giả Bỉ chưa xuất bản.

Tôi đã cho xuất bản mấy cuốn sách về vấn đề này như Xã hội học và những vấn đề của sự biến đổi xã hội dày 379 trang do Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội in năm 1997, Nông dân, nông thôn & nông nghiệp. Những vấn đề đang đặt ra do Nhà Xuất bản Tri Thức in năm 2008 dày 302 trang, trong đó phần đầu Về nông thôn và nông dân do Tương Lai viết và mấy cuốn khác nữa, trong đó tập trung phân tích: “Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát tiển vẫn chưa phát triển”. Liệu có cần xem xét đến một điều mà Max Weber đã từng lưu ý khi phân tích chủ nghĩa tư bản và xã hội nông thôn ở Đức thế kỷ XIX: “2000 năm quá khứ vẫn không huấn luyện cho người nông dân sản xuất ra để kiếm lợi nhuận”. Vậy thì người nông dân Đồng bằng sông Hồng đã được huấn luyện nhằm làm ra sản phẩm hàng hoá để kiếm lợi nhuận như thế nào trong quá khứ và hiện nay. Chúng ta đang đứng trước một song đề trong ứng xử với làng xã, không chỉ về kinh tế mà đặc biệt còn là về văn hoá và xã hội.

Thấy rõ vấn đề này hơn khi giáo sư Lê Bá Thảo mời tôi tham gia vào Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước của giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, một học giả có uy tín – người đã có những công trình tiêu biểu về sông Mê Kông, vùng Đồng bằng sông Cửu Long – do ông làm Chủ tịch Hội đồng khiến tôi thấm thía về cái song đề vừa nói vì tôi chỉ mới có vài nghiên cứu rời rạc về dân số học và tác động của nó vào đời sống nông thôn Nam Bộ nói chung và ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Cái song đề ấy hiện nay lại là ứng xử thế nào với một chủ nghĩa tư bản hoang dã đang được khoác một cái áo quá khổ và bịp bợm bằng tên gọi là nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa để những “đại gia” được hậu thuẫn, hay trực tiếp là sân sau của những người đang nắm quyền lực từ làng xã đến huyện, đến tỉnh và đến trung ương để thoải mái cướp đoạt đất đai của người nông dân chân lấm tay bùn từng là lực lượng chủ yếu trong ba cuộc chiến đấu chống xâm lược mà dai dẳng cho đến hôm nay là cuộc chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược. Sự định hình những “mafia” ấy trong một bối cảnh mà pháp luật như một trò đùa với những chỉ thị “bỏ túi” hoăc mệnh lệnh tuỳ tiện từ mồm của các “quan địa phương” dần đến các cấp cao hơn ở trung ương mà việc buộc Chủ tịch Nước phải từ nhiệm với những tội danh mập mờ, là một minh chứng quá rõ ràng rất khó bào chữa.

Nhưng, tôi e rằng việc cách chức một Chủ tịch Nước vào đúng mấy ngày cuối năm cận Tết là một hành vi “cạn tàu ráo máng”, chà đạp lên truyền thống ngàn đời của tộc “làm gì cũng đợi cho qua ba ngày Tết” cho thấy sự hốt hoảng của ai đó trên chóp bu chịu áp lực từ một thoả thuận ngầm cũng của ai đó không thể không thanh toán những thế lực “bài Trung” có xu hướng dân chủ hoá thân phương Tây. Sự xử lý những vấn đề có tầm chiến lược mà cứ rối rắm, luống cuống như gà mắc tóc gây chấn động mạnh đến tâm thế của người dân vừa tạm thoát khỏi đại dịch COVID, nhưng những vết thương trên cơ thể đất nước còn chưa lành, tâm lý bất an vẫn đang đè nặng trong lòng tuyệt đại bộ phận nhân dân. Cho nên “bánh xe quay trong gió bánh xe quay” đúng là khiến “hồn ta như tỉnh như say” trên chiếc Land Cruiser, vẫn phải tỉnh táo lại để thấy cho rõ diễn biến của thời cuộc mà định hướng hành động. Những chuyện này xảy ra đã cách xa thời điểm của F. Houtart cùng đi với chúng tôi để nhìn ngắm cảnh vật nông thôn Việt Nam qua của kính ô tô.

Là một học giả cánh tả dành tâm huyết cho những nước chậm phát triển, trong đó có Việt Nam, ông là người sáng lập ra Trung tâm Ba châu (CETRI) tại Louvain-la-Neuve (Bỉ). Đây là một trung tâm nghiên cứu, xuất bản, lưu trữ và giáo dục về sự phát triển và các mối quan hệ Bắc-Nam cũng như là nơi thể hiện tiếng nói của các nước Phương Nam thông qua tạp chí Alternative Sud do ông sáng lập vào năm 1996. Trong giai đoạn 1960-1999, ông là Tổng biên tập tạp chí Social Compass, tạp chí quốc tế về Xã hội học tôn giáo. Ngoài việc giảng dạy và nghiên cứu, ông còn là người đấu tranh không mệt mỏi cho các nước thuộc Thế giới thứ Ba. Tôi càng kính trọng và thân thiết với ông hơn sau một tuần đến CETRI theo lời mời của ông.

Ở đây tôi gặp nhiều bạn trẻ đến từ ba châu lục khác nhau: người từ Sri Lanka, người từ Bangladesh, từ Indonesia, từ Peru, và tất nhiên, từ Việt Nam… Họ được chọn lửa bởi cái nhìn “thiên tả” của người sáng lập CETRI như tôi nói ở trên. Tôi hoà đồng rất nhanh với những người bạn trẻ cho dù tôi lớn tuổi gấp đôi gấp ba họ, vì chúng tôi hiểu rõ lý tưởng mình đang theo đuổi. Chỉ có điều chúng tôi chỉ gặp nhau tại nhà ăn của CETRI vì F. Houtart đã ưu ái mời tôi nghỉ ở một phòng riêng gần cạnh phòng khách của ông, gần đối diện với phòng ngủ của ông.

Đêm đầu tiên tôi thao thức không ngủ được, thấy phòng khách vẫn sáng đèn, tôi mở cửa nhìn ra, thấy ông bạn già của tôi đang lúi húi nhìn ngắm và chỉnh sửa mấy bức tranh gà lợn, đám cưới chuột, lợn ăn lá ráy… tôi vừa tặng. Ông bạn già kính mến đang thích thú nhìn ngắm những bức tranh dân gian thuộc dòng Hàng Trống truyền thống rất dí dỏm và giàu chất triết lý. Tôi tiếc là vốn tiếng Pháp của mình quá mỏng và khập khiễng không diễn đạt nổi bài thơ Đám cưới chuột đỏ xanh của Lê Đại Thanh – ông ngoại của nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh – để tô đậm thêm ý nghĩa kỳ diệu của những bức tranh qua cái nhìn đằm thắm và gợi mở của một nghệ sĩ tài hoa và sự uyên bác của một nhà giáo về hưu từng là một nhà hoạt động chính trị, mà tôi chỉ dẫn ra đoạn cuối trong cái nhìn của người nghệ sĩ dân gian từng chìm sâu vào tâm hồn tôi

Rồi khói lửa thắt khăn tang cuộc sống

Không giết nổi người nông dân lao động

Yêu tranh lợn gà như yêu vợ yêu con

Mỗi xuân về cô Tố nữ thoa son

Lại gẩy đàn tranh gõ xênh đón Tết

Đất nước Việt Nam ngàn năm bất diệt

Màu phẩm son, bàn khắc mộc đơn sơ

Còn người tôn trọng đời thơ

Còn người xây dựng giấc mơ tâm tình

Đám cưới chuột đỏ xanh

Âm thầm kéo quân đi trên vách

Chiếc roi tre điểm sách

Họ cóc học đánh vần

Vợ chồng nhà ỉn kiễng chân

Xoắn tít cái đuôi đinh ốc.

clip_image014 Có vẻ vị học giả đang nghiền ngẫm ý nghĩa thâm trầm của những bức tranh dân gian mà ông đã nhận ra. Cũng có thể ông đang nghĩ về câu nói của Picasso: “Ai nhìn được đúng gương mặt con người: nhiếp ảnh gia, cái gương, hay người họa sĩ?. Và cũng Picasso giải thích “Tôi vẽ sự vật như tôi nghĩ về nó, không phải như tôi nhìn thấy nó”. Phải chăng cái triết lý thẳm sâu ẩn chứa trong những bức tranh vẽ trên giấy dó đang cuốn hút sự suy ngẫm của vị học giả theo cách giải thích của Picasso: “Chúa là một nghệ sĩ. Ông ấy tạo ra hươu cao cổ, voi, mèo. Ông ấy không có phong cách cụ thể nào, Ông ấy liên tục thử nghiệm những mới mẻ”. F. Houtart vui vẻ nói với tôi: “Phải treo ngay để thoả thích nhìn ngắm và để cho những vị khách đến đây củng thưởng ngoạn”. Còn bức tranh sơn mài Hội làng (lâu ngày tôi quên mất tên tác giả) thì được ông cẩn trọng treo trên tường của phòng nghỉ. Dẫn tôi vào phòng, một căn phòng thanh nhã và đạm bạc, trên tường có treo mấy bức tranh sơn dầu rất đẹp và bàn ghế thật ngăn nắp nhưng chỉ vào loại bình thường giản dị. “Anh có thấy bức sơn mài anh tặng đã làm sáng căn phòng lên không?”. Tôi nghĩ là ông nói thật lòng, chỉ cười, đứng im không trả lời nhưng trong tôi xao xuyến bao suy ngẫm.

Nhưng thế rồi khi viết những dòng này thì tôi mãi mãi không còn được gặp ông nữa. François Houtart hơn tôi 10 tuổi đời, ông trở về với Chúa cũng là hợp lẽ đời, nhưng sao tôi vẫn xót xa day dứt. Những người hiến thân cho lý tưởng sống cao cả như ông thật toàn bích và hiếm có. Cuộc đời có được bao nhiêu người như ông? Không gia đình, không sở hữu. Nhưng ông sở hữu một tâm hồn cao thượng dành cho nhưng người cùng chí hướng ở ba châu lục hội tụ tại CETRI do ông sáng lập, gắn liền với những hoạt từ thiện đi đôi với hoạt động khoa học trên những nẻo đường gồ ghề, khúc khuỷu hay bằng phẳng, hào nhoáng trên khắp thế giới. “Trên quả đất vốn không có đường, người ta đi lâu thì sẽ thành đường thôi”, đấy là Lỗ Tấn nói về con đường cụ thể để hàm chứa một triết lý sâu xa. Học giả, cũng từng là một linh mục, François Houtart đã tạo cho mình một con đường nhân ái, nhân bản thẳng tắp hướng thẳng đến ý nghĩa cao cả của cuộc sống Người mà ông đã hiến thân.

Trĩu nặng một nỗi buồn, tôi lại nghĩ đến Hoàng Đốp, người tôi cử đi tiền trạm để chuẩn bị cho chuyến về lại Hải Vân của François Houtart để nghiệm thu “Vườn thuốc Nam”, người gắn bó sâu nặng nghĩa tình, gia đình tôi xem anh ấy như người nhà, cũng đã đi theo thầy mình. Cay đắng xót xa tôi đến thăm anh những ngày cuối, anh nằm như dán vào giường bệnh vẫn cố chìa tay nắm chặt lấy tôi thều thào: “Em sắp đi rồi anh ạ, đau đớn phải xa anh, anh cố giữ gìn vì nhiều việc anh phải làm hơn nữa , còn vì anh cũng không thiếu kẻ thù”. Tôi nắm chặt tay anh lòng quặn thắt.

Thế là những người tốt đã lần lượt ra đi, những Sáu Dân, Việt Phương, Đào Xuân Sâm, Hoàng Tuỵ, Lê Bá Thảo và bao người khác. Trong buổi lễ tưởng niệm giáo sư Đào Xuân Sâm ngày 110.1.1984, bốn ngày sau khi anh qua đời tại căn hộ của tôi ở quận 7 Sài Gòn, tôi đau đớn nhắc lại lời anh nói với tôi qua điện thoại chỉ mấy ngày trước khi anh ra đi mãi mãi: “Tình hình đất nước thế này thì mình chết không nhắm được mắt”. Lời của anh làm lạnh buốt trái tim tôi. Thế là mãi mãi tôi không còn nghe những lời tâm sự của người ban vong niên mà tôi rất mực kính trọng và yêu thương. Còn nhiều những Đào Xuân Sâm tôi may mắn gặp được trên đường đời nay đã khuất núi.

“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu.

(Đoàn Thị Điểm)

clip_image016

Ngày chủ nhật buồn

Còn ai còn ai?

(Trịnh Công Sơn)

Còn người. Những người đang tiếp tục dấn thân trên con đường vạn dặm, trên những nẻo đường đất nước mà tôi đã từng may mắn và sung sướng được rong ruổi trên đó.

clip_image018Tôi vừa nhận được một tấm ảnh chị Xuân Phượng, một lão bà 93 tuổi vẫy chào tôi từ Mũi Cà Mau với dòng chữ tế nhị “Thay em đến nơi tận cùng đất nước khi biết tôi đang phải nằm một chỗ. Viết trả lời tôi tự hào kể: “Chị ơi, cách đây hơn 30 năm Em đã đứng nơi Chị đang đứng, địa đầu của đất nước ở phía nam, trong một chuyến đi dài xuyên Việt từ Lũng Cú tỉnh Hà Giang em đến Mũi Cà Mau. Dạo ấy em có chụp một tấm ảnh với một chú bé Năm Căn vừa lặn hụp mò cá dưới bãi lầy, người vẫn lấm đấy bùn, hàm răng trắng cười rất tươi”. Câu chuyện này tôi đã kể trên một Mênh mông thế sự cách nay nhiều năm. Năm Căn là điểm cực Nam trên đất liền, còn trên biển là Hòn Đá Lẻ, quần đảo Hòn Khoai tỉnh Cà Mau. Tôi vẫn ước ao đến đấy mà chưa thực hiện được. Nhưng ở địa đầu phía Bắc của tổ quốc mà người ta hay nói thì tôi đã đến. Đó là Lũng Cú. Thật ra thì điểm cực Bắc của Việt Nam là mỏm đá nhô ra trên bờ sông Nho Quế (điểm phân định biên giới Việt Nam – Trung Quốc là clip_image020đường trung tuyến giữa dòng sông), thuộc địa giới hành chính thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang – nơi con sông chuyển hướng từ Đông Bắc sang Đông Nam để xuôi về huyện Đồng Văn, Mèo Vạc. Tôi đã đến những nơi đó với chiếc Land Cruiser của Xích Việt. Đó là một chuyến đi cực kỳ lý thú. Tin chắc tay lái của người từng dạn dày trên đường mòn Trường Sơn thuở nào, thế mà vẫn cứ chờn chợn khi chênh vênh trên con đường độc đạo một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Nhưng rồi mọi hồi hộp với chút lo lắng đã ta đi khi con sông Nho Quế hiện ra tuyệt đẹp. Con sông xanh trong vắt, ngoằn ngoèo uốn lượn như một dải lụa thanh thiên khoác lên núi đèo hùng vĩ cuốn hút tầm mắt ngắm nhìn qua cửa kính chiếc Land Cruiser chầm chậm lăn bánh.

Sau chuyến đi Lũng Cú, Việt lại đưa tôi đến hồ Thuỷ điện Sông Đà, nơi chúng tôi thực hiện một cuộc khảo sát về kế hoạch chuyển cư dân khỏi nơi mà công trình thuỷ điện xả nước vào có tên gọi khá độc đáo là kế hoạch “di vén”. Ô tô dừng dưới chân núi, chúng tôi trèo lên vùng đất mà đồng bào được tạm định cư ở đó. Đường lên dốc dựng đứng, có lúc Việt phải vất vả dìu và đẩy tôi lên. Cuộc trao đổi cảm động với bà con vừa an cư tại nơi ở mới trên núi, nhìn thẳng xuống hồ thuỷ điện khiến tôi thấm thía hơn nỗi vất vả của người nông dân lam lũ mong đợi môt cuộc đổi clip_image022đời với kế hoạch công nghiệp hoá. Cuộc đổi đời ấy chắc còn gian lao nhưng cảnh vật của hồ Thuỷ điện Sông Đà thì quá đẹp. Tôi và Đại ngồi trên thuyền nhìn ngắm hồ thuỷ điện với bao vui buồn lẫn lộn. Những người nông dân lam lũ và nhẫn nại bán lưng cho trời, bán mặt cho đất với hy vọng đủ cơm ăn áo mặt, con cái được học hành nay đang chui rúc trong những ngôi nhà chật chội, tuềnh toàng không che chắn nổi cái rét nơi núi cao, con cái không đi học được vì trường đóng quá xa dưới chân núi. Ngồi nói chuyện với bà con, đôi lúc tôi rưng rưng không cầm được nước mắt.

Bỗng tôi chợt nghĩ, khi tiễn tôi lên chiếc Land Cruiser thực hiện một chuyến đi dài ngày thì vợ tôi vội vàng quay về lúi húi dọn chuồng lợn. Rồi phải hối hả đợi trời chạng vạng thì quẩy đôi thùng đi lấy nước gạo. Tường Vân, cô học trò cũ mến yêu của tôi nay đã mất, nhà ở gần một tiệm phở ở phố Hoà Mã đã tranh thủ xin nước gạo đổ vào “thùng phuy” để vợ tôi đến lấy. Có hôm chính cô đèo hai thùng nước gạo treo vào chiếc đèo hàng rồi đạp xe đến tận nhà cho vợ tôi. Con lợn ấy là nguồn “phụ thu” quyết định cho những bữa cơm đạm bạc của các con tôi. Tôi nhớ hồi vợ tôi sinh cháu gái năm 1974, anh Nguyễn Tài Cẩn đến thăm, chỉ đứng ngay ngoài cổng, anh chìa cho tôi một gói nhỏ: “Mừng chị ấy mới sinh, gửi cậu ít mì chính bà Nona vừa mua ở căng tin Đại sứ quán về”. Rồi anh cười vội vã quay đi. Nửa ký mì chính buổi ấy là một món quà rất quý, vì mì chính thuộc loại tem phiếu mà mỗi nhà chỉ được môt gói nhỏ xíu chỉ rắc vài hạt “làm phép” để bát canh “không người lái” có vị ngọt. Có lần, buổi tối gần Tết, anh ruột tôi còn phóng xe đạp từ nơi làm việc về nhà tôi để tiêm cho con lợn một liều kháng sinh “vì con lợn mà có làm sao thì nhà chúng nó hết Tết”. Vợ tôi mừng rỡ tần ngần đứng lặng, không nói một lời cám ơn anh.

Vợ tôi là người đảm đang lo toan mọi việc nhà, chăm lo chuyện học hành của hai đứa con, và chạy đi chạy lại góp phần cùng các chị phụng dưỡng mẹ tôi đang phải ăn qua “xông” ở giai đoạn cuối. Tất tần tật mọi chuyện cốt để cho chồng an tâm công tác, vì vợ tôi rất thấu hiểu nhữg khó khăn của tôi. Hình ảnh bà vợ mà nhà thơ Nguyễn Khuyến vẽ nên như cuộn vào nỗi nhớ của tôi “Nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân đăm đá chân chiêu, vì lão đỡ đần trong mọi việc”. Vợ tôi đang là cán bộ giảng dạy tại Đại học Tổng hợp, đã không nghĩ đến việc đi đào tạo để có những học vị, học hàm cao hơn, mà chỉ tự bằng lòng với việc ngày ngày nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Vi sinh để giảng dạy cho sinh viên bộ môn này cho tốt. Hết giờ làm việc tại phòng thí nghiệm, lại vội vã tất tưởi phóng xe đạp về nhà để kịp cho lợn ăn, rồi lo cơm nước cho chồng con.

Thế rồi một hôm, Minh Quang, cũng là học trò cũ, thận trọng nói với tôi: “Thôi thầy bảo cô đừng nuôi lợn nữa, chẳng ăn nhằm gì. Em tính có thể xây một cái nhà “cho Tây thuê” ở ngay mảnh đất lưu không từ hàng rào vào đến bậc thềm nhà thì thừa sức. Chỉ có điều thầy phải cưa cây khế, mà chuyện này thì phức tạp đấy, chỉ có thầy quyết thì mới được”. Chuyện cây khế trĩu quả được xem là lộc của cả gia đình tôi và cả phố đều có thể cùng hưởng lộc thì quá dài dòng, miễn kể ra đây.

Chỉ kể chuyện tôi cậy nhờ đến Đỗ Bá Hiệp – nhà ngoại cảm danh tiếng một thời – một lần đến thăm tôi đúng vào Mồng Một Tết. Tôi hỏi chuyện cưa cây khế. Bước ra sân nhìn ngắm một lúc, anh lắc đầu: “Không được, không thể được”. Thế là bao hy vọng đã dập tắt. Nhưng rồi Mồng Ba tết, Đỗ Bá Hiệp gọi điện cho tôi: “Anh xuống quán cà phê ở Mai Hắc Đế được không?”. Tôi trả lời được, rồi vội vã nói với vợ ở nhà tiếp khách, xách xe đạp đi ngay. Bên tách cà phê còn nóng bỏng môi mà chủ quán – nghệ sĩ kịch Bùi Bài Bình danh tiếng – vừa pha, Đỗ Bá Hiệp hỏi tôi: “Là viện trưởng mà anh không có cách nào để cho bà ấy khỏi phải nuôi lợn à?”. Tôi ngượng nghịu lắc đầu, Đỗ Bá Hiệp cười, nhưng rồi nghiêm trang nói: “Thế thì tôi đành phải giúp anh thôi, ngày Mồng Sáu tới, anh bảo chị ấy sửa một cái lễ, tôi sẽ đến làm lễ để tôi gánh đỡ cho anh. Cái lễ cũng đơn giản thôi, một cút rượu trắng, một nải chuối, một miếng thịt lợn đặt lên đĩa. Tất cả đặt lên mâm. Thế thôi.”

Sáng mồng Sáu trời mưa, ruột tôi nóng như cào, chỉ sợ Đỗ Bá Hiệp không tới được. Nhưng quãng 19 giờ thì anh gội mưa đến, vừa cởi bỏ mảnh ni lông che mưa, anh vừa nói: “Chuyện cúng bái thì không bao giờ tôi thất hứa, phải tội”. Ấm trà vừa vơi thì trời tạnh. Đỗ Bá Hiệp bảo đem kê chiếc ghế đẩu dưới gốc khế rồi đặt mâm lễ lên đó. Anh nghiêm trang và thành kính lầm rầm khấn, vợ chồng tôi đứng phía sau. Khấn xong, anh bảo: “Thế là xong. Gọi người cưa cây khế được rồi đấy. Tôi đã làm lễ và khấn sẽ gánh đỡ cho anh chị rồi. Không phải e ngại gì nữa đâu”.

Ba từ “tôi gánh đỡ” nặng trĩu trong lòng tôi mỗi lần nhớ tới Đỗ Bá Hiệp – ân nhân của chúng tôi – người đã giúp tôi một bước quan trọng cải thiện cuộc sống một cách đàng hoàng và minh bạch. Trong chuyện này tất nhiên tôi phải ghi nhớ sự giúp đỡ của Minh Quang, Phan Quốc Thắng…

clip_image024Có đi, có đến mới thấm thía niềm tự hào với núi sông hùng vĩ thiên nhiên đã ban tặng cho Tổ quốc thương yêu của chúng ta mà ông cha ta đã hàng ngàn năm gìn giữ với khí phách “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm. Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.image

 

Có đi có đến mới hiểu được nỗi đau của sự chia cắt đất nước, nỗi đau của vĩ tuyến 17, nỗi đau của con sông Bến Hải. Tôi vẫn còn giữ tấm “bưu thiếp chia cắt” có đóng dấu Bưu điện Chợ Lớn một bên và Bưu điện Hà Nội một bên mà Hồng Tuyến gửi cho tôi hồi tháng 1.1976. Hơn 60 năm đã trôi qua. Buổi ấy tôi 30 tuổi và Hồng Tuyến 27 tuổi. Và gần 30 năm sau chúng tôi mới gặp được vợ chồng Tuyến và hai cháu nhỏ tại ngôi nhà của họ ở phố Lý Trần Quán, Sài Gòn. Hơn một tháng sau, chúng tôi mới được ngồi bên nhau trên Đồi Cù ngắm hồ Xuân Hương của thành phố Đà Lạt, hai cháu trai của Hồng Tuyến chạy đuổi nhau hét vang quanh đồi. Chả là, biết tôi đang thỉnh giảng ở Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Hồng Tuyến đưa hai con đi nghỉ ở Đà Lạt vì cũng đã lâu các cháu chưa được đi, tiện thể đến thăm tôi. Tôi bỗng thầm nhắc câu thơ của Hàn Mặc Tử:

clip_image026Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều

Để nghe dưới nước đáy hồ reo

Chúng tôi ngồi bên nhau, nói chuyện về chiếc cầu Ông Thượng ngăn đôi Vỹ Dạ với làng Lại Thế của tôi. Vỹ Dạ là nơi có nhà Hồng Tuyến, tôi hay sang đánh tennis với Văn, Đương, các anh của Hồng Tuyến. Nói tennis cho oai chứ thực ra chỉ với chiếc vợt bằng gỗ và chiếc sân xi măng nhỏ nằm giữa hai căn nhà. Tuyến hay đem nước cho chúng tôi và đôi lúc đưa tôi đến đầu cầu Ông Thượng rồi quay lại. Chiếc cầu nay vẫn còn.

Sau một phần tư thế kỷ khoác ba lô rời làng quê Lại Thế lên chiến khu Dương Hoà rồi cứ thế lội bộ sáu tháng trời ra Việt Bắc “thủ đô gió ngàn”, khi trở về thì ngôi nhà của tôi chỉ còn cái nền cỏ mọc tràn lan, rêu phong che kín, mà theo cách nói của thơ Bà huyện Thanh Quan là

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

Nước còn cau mặt với tang thương

Sau lần ngồi trên Đồi Cù Đà Lạt hồi gia đình Tuyến chưa đi Mỹ, vào Sài Gòn, tôi vẫn đến thăm. Anh Toại – một bác sĩ quân y, chồng của Tuyến – nay phải ở nhà, và Tuyến thì đang dạy đàn kiếm sống. Chúng tôi nói với nhau rất nhiều chuyện, vừa đằm thắm vừa thông cảm cho hoàn cảnh và số phận của những người bạn thân từng phải ở hai nửa đất nước với bao chuyện éo le như biết bao thân phận người khác nhau, mỗi người mỗi cảnh nhưng nói chung cũng không ngoài cảnh ngộ éo le. Con gái tôi một lần đi họp ở Chicago – Mỹ đã đến thăm gia đình hai bác Toại Tuyến. Cả nhà mừng rỡ đón cháu như đón người thân, xúc động gợi nhớ bao nhiêu kỷ niệm ấm lòng. Con gái tôi sung sướng nhắc lại con búp bê rất xinh, chiêc xe đạp mini của Nhật do cô Tuyến gửi cho mà cháu và mẹ cháu vẫn tự hào khoe với bạn bè mỗi khi đạp xe đi chợ, đi làm về gốc gác của chiếc xe.

Cho đến hôm nay, chúng tôi vẫn chuyện trò với nhau qua email. Có lần tôi gửi cho Hồng Tuyến hai câu thơ trong bài Khoảng trời và hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ:

Ðất nước mình nhân hậu

Có nước trời xoa dịu vết thương đau

Vết thương đau”, trong đó có nỗi đau chia cắt thì cũng có nhiều dạng. Cái vĩ tuyến 17 ác nghiệt và phi lý từ nhiều khía cạnh, nhưng có lẽ tệ hại nhất là là mưu toan của Chu Ân Lai câu kết với Pháp và Mỹ sau chiến thắng Điện Biên Phủ nhằm thực hiện mưu đồ đen tối của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ với bao máu thấm đẫm trên từng thước đất từ Lũng Cú đến Năm Căn mà tôi đã đi qua. Vết thương cũ chưa lên da non, dân tộc ta lại phải thường trực đối diện với kẻ thù truyền kiếp suốt mấy ngàn năm. Đó là một chuyện dài phải khắc dạ ghi tâm khỏi kể ra ở đây.

Vấn đề cần nói là chiến tranh đã lùi xa, nhưng “đất nước mình nhân hậu” vẫn đang giằng xé bởi câu chuyện hoà hợp dân tộc. Nỗi đau này “nước trời” không xoa dịu được. Đây phải là quyết tâm của cả dân tộc, phải là ý nguyện chân thành của những người đang lưu chảy trong huyết quản dòng máu Lạc Hồng cộng với sự sáng suốt đầy thiện chí và chân thành của những người đang nắm quyền lực trong tay. Một khi mà cái não trạng khốn nạn “thà để mất nước chứ không để mất đảng” còn ám ảnh đầu óc của ai đó để cứ bám riết lấy cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin” – thực chất là sản phẩm của Stalin gắn với sự dung tục hoá bởi ý đồ đen tối của Mao Trạch Đông khi du nhập vào Việt Nam – vẫn đang là “kim chỉ nam” (đúng hơn, chỉ là cái áo khoác hào nhoáng bên ngoài để che đi cái cốt lõi bên trong là lợi ích trần trụi và bẩn thỉu của người chiếm hữu được quyền lực ví như để có tiền mua nhà và gửi con qua Mỹ, qua châu Âu, qua Australia du học và chuẩn bị hậu phương sau khi tranh thủ “ngoạm một miếng rồi chuồn”) thì khó mà nói đến chuyện hoà hợp dân tộc. Vấn đề này tôi đã viết trong tham luận để đọc tại Hội thảo về “Nghiên cứu chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh” do Tô Huy Rứa chủ trì và cũng chính ông ta gửi giấy mời và gọi điện thoại hối thúc, nhưng rồi tham luận của tôi không được đọc, tôi đã đưa lên Mênh mông thế sự nên khỏi nhắc lại ở đây.

Chỉ nói một việc nhỏ, liệu có phải nguyên nhân chủ yếu và cũng có thể nói là vớ vẩn và vô nghĩa để gia đình Hồng Tuyến phải đi Mỹ, chỉ là chuyện hai cháu bé của anh chị không được quàng khăn đỏ để được sinh hoạt thiếu nhi như các bạn cùng trang lứa. Cũng cần nói rằng, hai cụ thân sinh của Tuyến – mẹ của Tuyến là chị ruột của lão thành cách mạng Phạm Ngọc Thạch – đã được tổ chức chôn cất trọng thể để thực hiện nguyện vọng được đưa tro cốt về nước của hai cụ. Tôi đã đứng cạnh Hồng Tuyến trong buổi lễ trang nghiêm theo nghi thức nhà nước đó tại Thủ đô Hà Nội cùng với đông đảo các anh chị và họ hàng của Hồng Tuyến.

Cho dù vậy, họ vẫn không thể ở lại. Cái “nghi thức Nhà nước” trang trọng ấy rồi cũng phôi pha rất nhanh trong dòng chảy nghiệt ngã của cuộc sống đời thường không nằm trong phạm trù lễ tiết ngoại giao nhằm phô trương sự “bao dung và hoà hợp” của chế độ. Có biết bao gia đình ở Miền Nam buổi ấy cùng chung cảnh ngộ như hai anh chị Toại và Tuyến! Đương nhiên còn là bởi nhiều lý do khác cấp bách hơn, nhiều áp lực hơn.

Thật mỉa mai là tôi lại nhớ đến giai điệu và ca từ Trịnh Công Sơn mà tôi cảm thấy na ná với những ý tôi nghĩ trong đầu khi gợi đến vấn đề này:

Đường chạy vòng quanh

Một vòng tiều tuỵ

Một bờ cỏ non

Một bờ mộng mị ngày xưa

Từng lời tà dương là lời mộ địa…

Con “đường chạy vòng quanh một vòng tiều tuỵ” mà Trịnh viết, liệu có thể là con đường luẩn quẩn mà ta đang đi không đây? Đúng hôm nay, 18.4.2023 theo Quốc Phương từ London đưa tin về quan điểm của một học giả Mỹ, Jonathan London: Về ngoại giao với Mỹ, việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện (Comprehensive Strategic Partnership) là ‘chuyện bình thường… nên làm, vì làm thế cũng chỉ nâng Mỹ lên ngang hàng Ấn Độ, Trung Quốc, Nga… mà thôi. Nhất là khi cả khối ASEAN đã nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp này từ tháng 11 năm ngoái rồi, tại sao Việt Nam lại để chậm thế”.

Phải chăng chậm vì áp lực từ ông láng giềng “là đồng chí cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa với ông Trọng” hay là vì cuộc chiến quyền lực chưa ngã ngũ trước thềm của Hội nghị Trung ương sắp tới? Cái “vòng tiều tuỵ” này có phải đã hay sẽ nói lên “lời mộ địa” không? Lý do gì cũng sẽ đánh mất “thời cơ vàng” mà chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ chuẩn bị cho một bước đi mới trong quan hệ Mỹ-Việt đã mở ra. Việt Nam đã từng đánh mất nhiều cơ hội để có thể dần dần nới bỏ cái xiềng mà ông “đồng chí cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” quàng vào cổ. Liệu lần này có thể đánh mất thêm một lần nữa không đây?

Nhưng vấn đề còn ở một chiều cạnh khác, đó là tâm trạng của người dân. Nhìn vào sự phân tầng xã hội nay thì phải chăng bộ phận trung lưu đang là lực lượng chủ lực, ở thành thị là chủ yếu, song ở nông thôn cũng không phải là không có những chuyển biến đáng kể. Bên cạnh hiện tượng số lao động trẻ bỏ nông thôn ra thành thị kiếm sống, ruộng đất bị bỏ hoang không ít, vì người già không kham nổi mà vấn đề đặt ra là ly nông đi liền với ly hương chưa thể ngăn chặn nổi. Rất tiếc là tôi không tiếp cận được số liệu cụ thể từ những khảo sát và thống kê xã hội học của những nghiên cứu trung thực, có lương tâm và bài bản để đưa ra những con số biết nói của cuộc sống thật để nói về vấn đề cực kỳ quan trọng này. Đây là vấn đề mà tôi đã trình bày và đưa ra kiến nghị trong những cuốn sách về nông dân, nông thôn, nông nghiệp.

Báo cáo Khảo sát xã hội học về Thái Bình cũng đã đưa ra những kiến nghị cụ thể. Lúc bấy giờ tình hình căng thẳng đến độ ngồi trên chiếc Land Cruiser tôi phải dặn những cán bộ trẻ cùng đi: nếu bà con nông dân chặn lại và đòi đốt xe thì bỏ chạy, không được chống cự vì không chống cự nổi và có thể thiệt mạng và như đổ thêm dầu vào lửa, gây căng thẳng thêm mà chẳng giải quyết được gì. Ấy là tôi đã ghé Thị xã, vào nhà anh Phạm Văn Bài, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh uỷ đã về hưu, người có uy tín, được dân tin, mời anh cùng lên xe, và ngồi ngay ghế trước để mọi người đều thấy thiện ý của chúng tôi là chuyện trò thăm hỏi bà con mà thôi. Thế rồi mục tiêu của chuyến đi đã được thực hiện, bà con quây lấy chúng tôi tranh nhau trình bày những bức xúc của họ.

clip_image028Sau này có dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng, mời tôi đến làm việc. “Phiêu đã nói với tôi là chuyện Thái Bình đã giải quyết xong rồi màông nói tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi lắc đầu, “Thưa anh chỉ là mới gạt đi lớp váng nổi trên bề mặt của tảng băng chìm, “Vấn đề Dân cày” mà Qua Ninh và Vân Đình [tức Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp, tác giả cuốn sách xuất bản năm 1938] đặt ra từ gần ba phần tư thể kỷ trước vẫn còn nguyên đấy”. Ông tỏ ra băn khoăn: “Anh cũng có đọc cuốn sách đó à, tôi cũng không còn giữ được cuốn sách ấy”. Tôi hứa sẽ gửi cho ông bản photo cuốn sách. Chuyện nông dân, nông thôn, nông nghiệp còn dài dài với những chuyến đi khảo sát trên chiếc Land Cruiser. Cuộc tranh cãi về bộ “Luật đất đai” hiện nay mà tôi không còn có dịp tham gia được nữa, nhưng qua báo chí và truyền thông trên mạng, thì xem ra người ta vẫn còn đang níu kéo những ràng buộc chung quanh chuyện sở hữu đất, ước mơ ngàn đời của người nông dân và khuyến cáo của Max Weber, nhà xã hôi học người Đức thế kỷ XIX, tôi vừa dẫn ở trên.

Tôi lại muốn nhắc đến Chế Lan Viên với bài thơ Đừng ngăn cản giàu tính triết lý và cũng đưa bài học đời mình trong Di cảo thơ:

Khi anh gần chạng vạng

Thì có người bình minh

Đừng lấy hoàng hôn anh ngăn cản

Ban mai của họ sinh thành

Tôi thì nghĩ, ngăn cản sẽ là điều mà bất cứ kẻ độc tài nào cũng mong muốn thực hiện. Mới đây, tôi đọc được ý tưởng của Bruce Bueno de Mesquita – bậc thầy về lý thuyết trò chơi – một trong những gương mặt đương đại nổi bật trong việc đưa lý thuyết trò chơi và mô hình toán học vào môn khoa học chính trị chính thống:Hành động xấu của nhà độc tài không phải là do đặc tính tự thân ở con người hay do sự không may khi có những người lãnh đạo có vấn đề về nhân cách”. Và: “Chính là cấu trúc chính trị đã dẫn đến những hành động như vậy”.[1]

Từ sự phân tích này tôi hiểu sâu hơn một thực trạng tâm thế của đại đa số người dân hiện nay. Theo Natasha Ezrow, một giảng viên tại Đại học Essex, “Không có bằng chứng cho thấy bản chất nội tại của con người là khát khao tự do và dân chủ. Bà nói rõ hơn:Miễn là chất lượng cuộc sống vẫn tốt và người dân được phép sống cuộc sống mà họ muốn thì họ vẫn hài lòng dưới chế độ độc tài”.[2]

Quả là cái “cấu trúc chính trị” hiện nay đang duy trì một thực trạng đời sống xã hội thuận lợi cho việc duy trì củng cố cho cái thể chế hiện hành. Nhưng một khi giới trung lưu mạnh lên, họ sẽ không hài lòng với vị thế chính trị hiện nay, càng họ sẽ cảm thấy cái áo đang mặc quá chật. Họ đang và sẽ cần phải thay đổi khi họ thấy ra cái mô hình chuyên chính hiện nay có thể gạt bỏ họ bất cứ lúc nào. Con giun xéo lắm cũng quằn.

Họ cần một cuộc sống khác, khấm khá, tốt đẹp hơn. Đó là xu thế tất yếu không thể nào ngăn cản được. Vả chăng những người đang thao túng bộ máy quyền lực từ dưới lên trên để rồi lên cao chót vót, có kẻ nào không muốn trở thành đại gia. Thì chẳng phải thực chất bộ máy kinh tế hiện nay đang vận hành theo quy luật của chủ nghĩa tư bản mà có người nói chỉ cần chuyển mấy từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” sang “mang tính hoang dã” là hoàn chỉnh cho một định nghĩa về nền kinh tế đang vận hành!

Tầng lớp trung lưu thì hài lòng về đời sống kinh tế mà họ đang có được cho gia đình vợ con họ và chính họ. Cũng không ít trong họ quan tâm đến chính trị chỉ trong chừng mức không đe doạ trực tiếp đến họ. Còn lại đông đảo người lao động lam lũ trong cuộc mưu sinh thì mong muốn chủ yếu trước mắt của họ của họ là thoát khỏi cuộc sống bi đát, lam lũ và quá bấp bênh, nên chẳng còn hơi sức nào mà quan tâm đến chính trị. Không phải là họ không chịu áp lực từ những tuyên truyền bịp bợm, nhưng cũng chẳng còn tâm trí để dấn thân cho một mong muốn thay đổi lớn lao khi một bộ máy bạo lực khổng lồ luôn cận kề bên họ. Phải chăng đó là thực trạng của vấn đề xã hội hiện nay.

clip_image030Rong ruổi trên chiếc Land Cruiser từ đỉnh Lũng Cú đến Mũi Năm Căn (cũng có những đoạn đường không do Việt lái) thực hành những khảo sát xã hội học để tích luỹ những hiểu biết, trải nghiệm những sự thật đắng cay hay niềm vui say đắm của cuộc sống, của từng thân phận người, để cố gắng đưa vào công trình nghiên cứu đang quá ít và không tránh khỏi những ấu trĩ, sai lầm, nhưng biết sao được!

Ấy thế mà cứ bâng khuâng và thao thức mãi với câu thơ của Việt Phương và day dứt tại sao anh lại viết thời điểm cuối những năm 2000:

Bao nhiêu chí lớn trong thiên hạ

Liệu có tràn đầy một đoá sen

Phải chăng Việt Phương đã dạy tôi hiểu ra một lẽ sống ở đời khi tôi đã không còn ngồi trên chiếc Land Cruiser đi đây đi đó để nhấm nháp vị đắng, vị ngọt của cuộc đời, mà chỉ có thể chống gậy đi từ giường ngủ bước vào phòng làm việc với chiếc máy tính và chiếc đồng hồ của ông bạn Đại sứ Thuỵ Sĩ Andrej Motyl tặng đã gần 30 năm và chiếc kính lúp trợ lực cho đôi mắt đang mờ dần đặt bên chân chiếc máy tính MAC, khi anh viết:

Tìm hư vô thấy đây rồi

Một cây hoang cỗi đâm chồi góc sân

Có gì mà phải phân vân

Vô biên vô tận cũng ngần ấy thôi

clip_image032Từ buổi xa xưa, tôi vốn bị ám ảnh câu nói của Phạm Thái trong Tiêu sơn tráng sĩ của Khái Hưng: “Chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy một hồ rượu. Chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy đôi mắt mỹ nhân”. Nay gặp lại câu thơ Việt Phương “Chí lớn trong thiên hạ liệu có tràn đầy một đoá sen” bỗng thấy nao nao xốn xang những nỗi niềm, cố hiểu cho ra những chặng đường đời và những hợp lý, phi lý của cuộc sống vô thường đã trải, và đang cố hiểu cho ra những gì đang trầm tích lại trong tâm hồn tôi khi nghĩ về ngày sinh 18.4 hôm nay, bước vào tuổi 88 của mình.

Thế mà “vô biên vô tận cũng ngần ấy thôi thì quả là một sự hoá giải kỳ diệu! Mấy dòng tâm sự mà anh Nguyễn Trung, người bạn chí cốt, gửi cho tôi lại tiếp tục hoá giải những uẩn khuất trong lòng tôi hôm nay: “Tôi đã đọc. Tôi đã đọc với mọi liên kết trong tình cảm của nhớ nhung và kỷ niệm tôi có được với anh, anh Việt Phương, và bao nhiêu người nữa đã xuất hiện trong bài của anh… Đọc và nghĩ ngẫm những sự việc đã xảy ra, những ý tứ, tình huống, cảm xúc… vừa mến, vừa thương và vừa phục, vừa cảm thông vừa chia sẻ… dành cho anh. Bệnh của anh làm cho anh đau đớn thân xác khi viết, song có lẽ vì thế những con chữ cũng mang theo những nỗi đau khác nhau nào đó trên đời này mà chúng ta cùng nhau đồng cảm được. Điều may mắn, sống như thế chúng ta hình như chưa bao giờ phải sống nghèo! Chào anh, cố mạnh khoẻ mà viết tiếp. Đơn giản vì kiếp tằm thì phải nhả tơ”.

Vậy là, còn sống được thì phải nhả tơ. Và phải chăng “tơ” của tôi là những mênh mông thế sự để gió cuốn đi. Nhưng tôi mong rằng đây không là “ngọn gió hư vô thổi nghìn nến tắt[3] mà là gió cuốn đi một tấm lòng như Trịnh Công Sơn viết:

Sống trên đời sống cần một tấm lòng

Để làm gì, em biết không?

Để gió cuốn đi

Để gió cuốn đi

Vâng, tôi sẽ “nhả tơ” như vậy trong quãng đời còn lại.

Ngày 18.4.112023,

Ngày bước vào tuổi 88 âm lịch

Chú thích ảnh (từ trên xuống và từ trái sang):

1: Tương Lai, Hoàng Đốp, Xích Việt

2: Chabor, Đại sứ Hungari và Tương Lai.

3: Giáo sư Phạm Huy Thông.

4. Giáo sư F. Houtart.

5. Bìa sách Xã hội học về một xã ở Việt Nam.

6: Tiếp cận một gia đình trong cuộc Khảo sát Xã hội học tại một làng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

7: Do không có ảnh của Lê Đại Thanh vì ông đã khuất núi đã lâu nên tôi đưa ảnh Lê Khanh để gợi nhớ về ông.

8: Chị Xuân Phượng vẫy chào Tương Lai từ Mũi Cà Mau.

9. Ở Lũng Cú, Tương Lai đứng hàng thứ hai, Trịnh Hoà Bình đứng hàng thứ tư.

10: Con sông Nho Quế tuyệt đẹp.

11. Tương Lai và Phạm Xuân Đại trên hồ Thuỷ điện sông Đà.

12: Tấm bưu thiếp “chia cắt” năm 1975.

13: Đồi Cù ở Đà Lạt.

14: Việt Phương, Võ Nguyên Giáp, Tương Lai.

13: Chiếc Land Cruiser với Xích Việt, Phạm Bích San, Vũ Mạnh Lợi.

14: Hình minh hoạ của báo Phong Hoá về Tiêu sơn tráng sĩ.


[1] https://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/06/150615_will_dictatorship_disappear_vert_fut

[2] https://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/06/150615_will_dictatorship_disappear_vert_fut

[3] Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt. (Chế Lan Viên – Hai câu hỏi)

Comments are closed.