Những gợn sóng trên dòng hồi ức (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 142)

Tương Lai

Phải tạm dừng “Mênh mông Thế sự để gió cuốn đi” ở số 141 vào tháng 4.2023 vì sức khoẻ bất ổn, không ngồi được lâu trước máy tính, dòng chảy của những trang viết khó liền mạch, luôn trục trặc, bài viết xong đành phải xoá. Và rồi, tìm trên giá sách vài cuốn đã đọc đã sờn mép để nằm đọc lại để gọi trở về những cảm xúc của thưở nào nhằm thư dãn đầu óc.

Nhưng rồi, bộ “Tam Quốc Chí” không còn hấp dẫn như trước nữa. Những Alphonse Daudet, Guy de Maupassant, V. Hugo, Lev Tolstoi, Tsekhov, những “Sông Đông êm đềm” của Sholokhov, những “Bố Già” của Mario Puzo, “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” A. Duma… phải bỏ qua nhiều trang. Thậm chí “Chùm nho phẫn nộ” của John Steinbeck mà dịch giả là anh Phạm Thuỷ Ba, hay “Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust do chị Đặng Thị Hạnh – những người bạn rất thân quý của tôi – dịch và gửi tặng rmà rồi cũng phải lật vội nhiều chương… Lờ mờ nhận ra hình như sức đọc và dòng cảm xúc đọc của tôi trục trặc thế nào ấy. Mà không đọc, không viết nữa thì làm sao sống? Quả là sống dở chết dở. Sống không nổi mà chết cũng không xong.

Phải trở lại “Mênh mông thế sự” để mà sống để mà viết thôi. Nhưng e phải chọn cách viết khác vì không còn đủ sức lục lọi tra cứu lập trang tư liệu cho bài viết nữa. Chỉ có thể tìm về những mảnh ghép của cuộc sống như những gợn sóng trên dòng hồi ức. Có lẽ điều đó phù hợp với tình thế của tôi vào lúc này chăng? Thì cứ thử xem.

clip_image002 Những phút thư giãn bậc nhất của tuổi U90 của tôi là buổi sáng tinh mơ ngồi trước ban công nhìn dòng sông lặng lẽ trôi để nôn nao những dòng suy tưởng. Sông không đủ làm “nước gương trong soi tóc những hàng tre” như con sông quê hương của Tế Hanh, nhưng vẫn thừa sức lay động làm dịu mát tâm hồn với một não trạng quá nhiều những ẩn ức trong tôi. Trong mờ sương, dòng sông vẫn im lìm chảy mà vẫn như bất động. Chỉ có thể biết là nó đang chảy nhờ những gợn sóng lăn tăn xuôi theo hướng đông bắc tây nam khi mạnh khi yếu, lúc đục lúc trong, lúc tràn lên cả mặt đường, lúc dừng lại ở bờ sông với hàng cây sú, vẹt, loại cây clip_image004thường mọc ở mép những con sông chịu ảnh hưởng của thuỷ triều nước mặn hoà vào nước ngọt mà đàn cò từ đó sà xuống nước làm khuấy động sự trầm mặc kỳ thú của dòng sông trong sương sớm. Tuỳ thuộc vào dòng sông mẹ – sông Sài Gòn – mà con sông trước nhà tôi là một chi lưu thở phập phồng theo nhịp thuỷ triều lên xuống trên “con sông mẹ” tràn vào. Chẳng hiểu tại sao mà trên bản đồ mới in lại gọi tên nó là sông “Cảnh quan”, một cái tên có vẻ “sang trọng” nhưng tôi cứ ngờ ngợ sự tuỳ tiện của ai đó mới đặt cho nó. Điều đáng ngạc nhiên này không còn là ngạc nhiên nữa vì nó đã quá quen thuộc với sự buông tuồng đứt gãy văn hoá trên hầu khắp các lĩnh vực.

Chợt nhớ đến cách viết thấm đẫm tình yêu đối với những dòng sông, những con rạch trong hình ảnh của “món quà của các con sông mẹ” của cuốn sách “Thiên nhiên Việt Nam” mà tác giả là người thầy kính mến của tôi – giáo sư Lê Bá Thảo, nhà khoa học địa lý hàng đầu của Việt Nam – đề tặng tôi đang nằm trang trọng trên giá sách:

clip_image006Phần đất gọi là châu thổ, đúng ra là “châu thổ thuỷ triều”, sông Đồng Nai lại khác hẳn. Sông này khi chảy đến đây đã rất lớn và đổ ra cửa Soài Rạp, nhưng các chi lưu của nó thì hình như bị lạc giữa một mạng lưới rạch và lạch triều hỗn độn đến mức khó mà theo dõi được hướng chảy của chúng trên bản đồ. Có lẽ vì thế mà ở trong châu thổ kiểu vụng cửa sông này có vô số tên sông, nhưng trong thực tế, mỗi tên chỉ dùng để chỉ một đoạn có khi rất ngắn và cũng khó ai biết được đoạn ấy thuộc về con sông nào… Hàng trăm lạch triều nhỏ khác nối liền tất cả các con sông này với nhau, đan vào nhau thành một mạng lưới chi chít. Cũng như tất cả các sông ở vùng có triều lớn, chúng đều uốn khúc mạnh và nguồn cung cấp nước của chúng lại là từ biển đến chứ không phải chỉ từ đất liền”.

Liệu con sông con, đúng hơn là một con rạch khá rộng trước nhà tôi kia, có nằm trong số những con sông của “châu thổ thuỷ triều”, một trong những “rạch triều” mà thầy tôi viết không đây. Đứng từ trên ban công căn hộ ở tầng 16 nhìn ra xa chếch sang phía tay phải, thấy cây cầu nhộn nhịp xe qua lại mà dân ở đây gọi là cầu Rạch Đỉa, tôi nghĩ con sông tuyệt vời này, một rạch triều khá rộng uốn lượn khi mềm mại khi dập dồn tuỳ theo sức chảy của con sông mẹ chắc cũng gần gũi với tên cây cầu kia bắc ngang dòng sông này – con sông làm dịu mát tâm hồn tôi vốn nối liền với hình ảnh trầm tích lại trong sâu thẳm đáy lòng tôi về con sông con trước nhà tôi ở làng Lại Thế mà ở quê tôi gọi là “con hói” – một chi lưu của con sông mẹ là sông Hương tuyệt vời – từng in đậm vào tuổi ấu thơ của tôi. Ở gần tuổi 90, hình ảnh ấy vẫn xao động dữ dội trong tôi về những buổi sáng năm nao còn mờ sương cùng anh tôi bơi chiếc ghe nan đi dọc con hói này để tìm gỡ những cần câu cặm đang đung đưa chao đảo trên mặt nước trước sức quẫy của cá đã cắn câu.

Đúng cũng đang còn mờ sương như hôm nay tôi ngồi tĩnh lặng nhìn dòng sông trôi im lìm trước tầm mắt, mà như vẫn cuộn lên nỗi nhớ thưở xa xăm khi náo nức gào lên “nhanh, nhanh lên anh ơi, không nó kéo bay cả cần câu đã cặm sâu vào bờ đất đấy”. Trong tôi như vẫn trào dâng nỗi xúc động khó tả khi con cá trê bụng vàng óng vùng vẫy trong chiếc vợt vừa thu về đặt trong lòng chiếc ghe nan. Từ phía đông, những ánh hồng vừa le lói vừa toả dần một vầng ánh sáng kỳ diệu, vầng sáng từng đi suốt cuộc đời tôi:

Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?
(Tế Hanh)

Cảm nhận này sẽ càng thấm thía hơn với câu chuyện tôi kể lại trong một mảnh ghép kỳ lạ cứ như huyễn hoặc trong hồi ức rõ mồn một mà tôi đã có dịp kể cho nhiều bạn bè đến chơi và đứng ở ban công nhà nhìn ra dòng sông uốn lượn và sẽ còn kể tiếp trong những gợi nhớ trên dòng chảy của “bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi”.

Hôm ấy, cách nay dễ đã 40 năm, tôi đang ngồi nghe một buổi thuyết trình của ai đó tại Câu lạc bộ Lao Động ở phố Tăng Bạt Hổ Hà Nội cách nhà tôi độ nửa km, một người lạ mặt đến chạm khẽ vào vai tôi “Phiền anh lùi vào một chút cho tôi ngồi ghé bên này”. Lùi vào, tôi đưa tay “Mời anh”. Ngồi chưa yên chỗ, anh ghé vào tai tôi: “Tôi muốn nói chuyện với anh”. Ngạc nhiên, tôi cười “Thú vị quá, chuyện gì anh? Nhưng để khỏi ảnh hưởng mọi người, chúng xuống cuối hội trường đi”. Ngồi chưa nóng chỗ, anh ta lại nói “Vẫn ồn ào lắm, hay là ta về nhà anh đi, cũng chỉ vài trăm bước thôi mà”. Tôi hiểu, thế là anh ấy đã biết nhà mình, và vui vẻ đứng dậy cùng đi với anh. Trong tâm trạng vui vẻ và háo hức vì anh bạn Phan Quốc Thắng – một kiến trúc sư – vừa sửa sang lại cái hành lang thành một một phòng khách sang trọng mà tôi hằng mơ ước sau 13 năm ở một căn hộ 9m2 với bốn nhân mạng: hai vợ chồng với hai đứa con 10 tuổi và 3 tuổi, đến chiếc xe đạp sợ bị mất trộm một lần nữa thì treo niêu, nên buổi tối cũng phải đưa vào trong phòng treo ngược lên trần để lủng lẳng ngay trên giường ngủ về phía cuối.

Quanh chén nước trà nóng vợ tôi vừa pha mời khách rồi lui vào trong, tôi đang thao thao bất tuyệt về nỗi phấn khích về căn phòng khách mới với tất cả thuận lợi của nó thì ông khách đột ngột buông một câu: “Nhưng đây chỉ là nơi anh ở tạm thôi”. Tôi đang sững ra ngơ ngác. Ông bạn đưa tay nắm lấy cổ tay tôi “Anh cho tôi xem bàn tay nào”. Im lặng lật ngửa bàn tay, tôi có chút hồi hộp, tò mò nhìn người bạn lần đầu gặp mặt. Chỉ vào lòng bàn tay tôi: “Đây, anh có sao “lưu hà” chiếu vào. Ngôi nhà anh sẽ ở sẽ có một con sông chảy qua. Mà rồi, anh sẽ hành phương nam, chắc phải thế!”, ông khách nói. Câu chuyện còn dài nhưng xin hãy dừng lại đây đã… Thế rồi, con trai tôi chiều theo nguyện vọng khẩn thiết của mẹ. Thương mẹ đang bệnh con trai tôi đã từ Hungari trở về, nhưng nói nó sẽ làm việc ở Sài Gòn, có lẽ nó biết công ty P&G (Procter and Gamble) cũng có mặt tại Sài Gòn. Thế là, tôi rời Hà Nội với bao yêu thương trìu mến trong sự thăng trầm của một thân phận người giữa những mênh mông thế sự chẳng thể nào nói hết được. Quả thật,

Trông ra nhấp nhố sóng nhân tình;
Ngoảnh lại vật vờ mây thế cố…

Kho trời chung, mà vô tận của mình riêng.
Cuộc vuông tròn phó mặc khuôn thiêng
(Cao Bá Quát, Tài tử đa cùng phú)

Con tôi đã mất việc vì đất nước này đang thay đổi dữ dội. Phải rời bỏ công việc của sinh viên “trợ giảng” sau khi đã tốt nghiệp Đại học Budapest vì chính bạn bè người Hung cũng mất việc, không muốn và cũng không thể quen việc đi buôn kiếm sống, phải tìm việc làm tại công ty P&G tại Budapest và rồi con trai tôi trở về nước sau sự kiện Berlin 1989 “Bức tường Berlin” bị đập bỏ, “Hệ thống xã hội chủa nghĩa sụp đổ”.

clip_image008Bức tường mà Tổng thống Mỹ John F. Kennedy cho rằng “Một bức tường thì tốt hơn rất nhiều một cuộc chiến tranh”. Rồi Tổng thống Gorbachev thì ban hành chỉ thị nhắc nhở các vị tướng quân sự rằng “Quân đội Xô viết trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được tham gia vào cuộc xung đột giữa chính quyền ở Berlin và công dân Đông Đức”. Chính sách sáng suốt từ chối dùng vũ lực này đã ngăn chặn nguy cơ đổ máu khi Cộng hoà dân chủ Đức đổ vỡ.

Có lẽ phải có vài dòng nhắc lại về “Bức tường Berlin”, biểu tượng của bạo lực phản dân chủ của một thể chế toàn trị đáng ghê tởm: Một bức tường dựng bằng các tấm bê tông cốt thép cao 3,6 m, rộng 1,2 m có phần trên là một đường ống khổng lồ khiến việc trèo qua gần như bất khả thi. Đằng sau bức tường ở phía Đông Đức gồm một dải cát mềm (để cho thấy vết chân), đèn pha, chó dữ, những khẩu súng máy, vọng gác và lính canh với chỉ thị bắn những người bỏ trốn. Nhưng rồi vào ngày 9/11/1989, phát ngôn viên đảng cầm quyền của Đông Berlin thông báo về sự thay đổi trong chính sách du lịch. Người này nói rằng ngay từ đêm hôm đó, các công dân Cộng hoà dân chủ Đức được tự do vượt qua ranh giới. Người Đông Berlin và Tây Berlin đổ về phía bức tường đã và đang bị đập bỏ để, uống bia và mở sâm panh rồi hô to “Tor auf!” (Mở cửa đi!). Vào nửa đêm, họ tràn qua những trạm kiểm soát. Hơn hai triệu người từ Đông Berlin thăm Tây Berlin vào cuối tuần đó để tham gia ăn mừng trong một sự kiện được mô tả là “lễ hội đường phố vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới”. Giá mà dân mình rồi cũng sẽ có một ngày hội như vậy trong buông tuồng và bộn bề những “lễ hội” đang rộn ràng diễn ra để cố làm mờ đi, cho quên đi những ẩn khuất đang trĩu nặng trong lòng, đặc biệt là trong những người trí thức giàu suy tư nặng lòng yêu đất nước của mình…

Trở lại câu chuyện về “sao lưu hà”. Khi tôi đã yên vị trong căn hộ ở tầng 16 nhìn ra dòng sông đang tắm mát tâm hồn vốn tự dằn vặt với những “nhấp nhố sóng nhân tình” và “vật vờ mây thế cố”, thì tìm được số điện thoại của ông thầy tử vi mà thiết tha mời ông đến nhà khi có dịp. Và, anh ấy đã đến cùng với con trai của mình. Ông cười bảo cậu con trai: “Con mở laptop ra, tìm lá số tử vi của bác Tương Lai đi”. Trong câu chuyện thú vị, tôi không thể không dừng lại để mời ông bước ra ban công nhìn dòng sông rồi theo lối cửa bên trái bước vào phòng làm việc của tôi.

Căn phòng được thiết kế gắn với phòng khách qua một khung gỗ cực kỳ đơn giản nhưng đã làm thay đổi hẳn diện mạo của căn hộ chỉ nhờ vào một ý tưởng tuyệt vời của kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất mà cũng là do mối duyên kỳ ngộ tôi được kết bạn với anh qua những buổi cùng anh tháp tùng Ông Sáu Dân trong một số lần Ông đi khảo sát để góp vào ý tưởng quy hoạch lại thành phố Đà Lạt và huyện Côn Đảo, cũng như sau này hai chúng tôi cùng tham gia vào việc hình thành ý tưởng về “Vườn ông Sáu Dân” tại Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long – quê hương Ông sau khi Ông mất.

clip_image010Hôm rồi, trong ngày Giỗ ông Sáu Dân, một người đến ôm lấy tôi, và tôi xúc động nhận ra kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, để rồi phải lấy khăn lau mắt kính đã nhoè nước mắt: “Chỉ một ý tưởng tuyện vời của anh đã làm thay đổi toàn bộ cuộc sống và nhịp viết lách của tôi. Tất ơi, chỉ cần một ý tưởng”, tôi nói trong vòng tay đang ôm chặt của cuộc tri ngộ. Tất cũng xúc động, anh lắp bắp: “Vâng, một ý tưởng. Nhưng anh Tương Lai ơi, tôi rất vui sướng anh nói lên điều đó. Vì không phải ai cũng nhận ra nó và nói như anh”. Tôi ghé vào tai Tất: “Ước sao đất nước này có ai đó, một người nào đó, đưa ra được một ý tưởng để thay đổi được diện mạo của đất nước đang chìm đắm trong cơn mê này. Chỉ cần một ý tưởng!”. Anh Tất cũng thì thầm: “Vâng một ý tưởng”. Một lần nữa cả hai chúng tôi ôm chặt nhau. Trong đầu tôi hiện lên nụ cười của Sáu Dân khiến lại một lần nữa phải lau mắt kính đã nhoè nước mắt. Ngồi cạnh tôi bên bàn ăn ngày Giỗ, anh Lê Trọng Nhi – Việt kiều Mỹ – vừa về nước, háo hức hỏi tôi đủ chuyện. Anh nói hơi khó khăn, đôi lúc lắp bắp không ra tiếng, phải chêm vào tiếng Anh khiến tôi phải gợi lại tiếng Việt, đó là hệ luỵ của một cơn đột quỵ đã kịp được chữa lành, để hôm nay anh có mặt.

Cứ như có “thần giao cách cảm”, trong câu chuyện, mấy lần anh hỏi tôi về Chu Hảo thì ngay hôm sau, Chu Hảo gọi điện thoại cho tôi hỏi thăm về chuyện Giỗ cụ Sáu Dân mà anh chắc thế nào cũng được tổ chức tại căn phòng quen thuộc của tôi và những bạn bè thân quen. Trả lời Chu Hảo rằng chúng tôi cũng đã định như thế vào sáng Chủ Nhật tới, nhưng ngày thứ Sáu thì Hiếu Dân gọi cho tôi: sẽ như thường lệ sẽ cho xe đến đón tôi. Tôi mời thêm hai anh Huỳnh Tấn Mẫm và Lê Công Giàu sẽ cùng đi, vậy là cuộc gặp gỡ nhân ngày Giỗ như mọi năm sẽ thay bằng việc cùng đến Giỗ tại nhà Hiếu Dân để có dịp diện kiến nhiều người lâu không gặp. Chu Hảo hào hứng đòi tôi kể lại và lại nhắc phải bật video lên để nhìn thấy mặt nhau, nhưng khốn nỗi chiếc Iphone cuả tôi quá trục trặc nên không khởi động được video làm anh mất hứng nhưng vẫn dồn dập nhiều câu hỏi trong đó vẫn có một điệp khúc quen thuộc “Giá lúc này còn Ông Sáu Dân”.

clip_image012Cái điệp khúc mà tôi không muốn nhắc lại khi đã nhiều lần gợi lên trong bài Tưởng niệm đọc trong buổi Kỷ niệm “Một trăm năm ngày sinh của ông Sáu Dân” sau lời khai mạc của Huỳnh Tấn Mẫm tại căn phòng quen thuộc được thiết kế với ý tưởng của kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất như vừa kể. Buổi “Tưởng niệm” được gói gọn trong căn phòng nhỏ ấm cúng mà khi xem cái video clip do anh Thắng, lái xe của bà Xuân Phượng, một tay quay phim nghiệp dư tháp tùng người nữ đạo diễn 93 tuổi này dự buổi tưởng niệm được ai đó chuyển ngay sang Mỹ và tôi nhận được hồi âm cảm động của một người bạn trí thức mà tôi tạm chưa nêu tên: “Tôi xúc động dõi theo mà nghiệm ra rằng khó có một sự diễn đạt nào sống động hơn về sự “hoà giải và hoà hợp dân tộc” với hình ảnh những nhân sĩ trí thức tiêu biểu cho chính kiên, nghề nghiệp, tôn giáo tín ngưỡng khác nhau đứng cạnh nhau trong căn phòng nhỏ tưởng niệm 100 năm ngày sinh của người đã đầu tiên công khai kêu gọi thực hiện ý tưởng lớn đó, thật kiệm lời, kiệm phương tiện mà khó tìm được ở những hình ảnh của những buổi kỷ niệm được tổ chức hoành tráng ở khắp nơi đã được đưa lên màn truyền hình mà chúng tôi đã xem”. Trong câu chuyện thao thao bất tuyệt, Lê Trọng Nhi cũng đã nhắc đến chủ đề này, chốc chốc anh lại đưa tay quàng chặt vai tôi thì thầm vào tai: “Chúng tôi rất cảm phục các anh đã nói giúp chúng tôi nhiều điều”. Ngồi bên trái, Lê Công Giàu quay sang hỏi Nhi: “Anh nhìn nhận thế nào về xã hội Mỹ khi mà có người cho rằng nền chính trị Mỹ đang rối ren với hiện tượng “phò Trump” rồi “chửi Trump” và những cãi nhau triền miên giữa những người phê phán Biden, và tôi không rõ những người trẻ của đảng Dân chủ đang làm gì mà phải trao gánh nặng cho một ông già, quá già rồi”. Anh Nhi cười gạt quả bóng về phía tôi: “Chuyện này để nhà xã hội học cho ý kiến chứ tôi thì chẳng thể giải thích rạch ròi cho anh được”.

Đành cười, “Tôi đâu có sống ở Mỹ như anh Nhi mà giải thích hay phân tích, chỉ xin nhắc lại một ý tưởng chưa hề cũ của Alexis de Tocqueville mà Bùi Văn Nam Sơn đã dẫn ra trong tác phẩm anh gửi tặng tôi: “Les jeux sont faits (Ván bài đã ngã ngũ), thắng lợi của nền dân trị là không có gì có thể ngăn cản được và sớm muộn sẽ là chung quyết và bất khả vãn hồi. Vấn đề còn lại là phải tìm hiểu, phân tích, suy tưởng và dự báo về mọi khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực của nó”. Người nói câu đó là “người được xem là đã hiểu nước Mỹ hơn cả người Mỹ, và tác phẩm này của ông – bên cạnh bản Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ – được tôn thờ gần như là một thứ “tôn giáo chính trị”. Vào đầu thế kỷ XXI, vẫn còn có rất nhiều trí thức Mỹ tự nhận là môn đồ của ông: ‘We are all Tocquevillians now!’””. Và tôi nghĩ rằng, những “tích cực và tiêu cực” của xã hội Mỹ hiện nay thì nhà triết học và xã hội học bậc thầy đó đã tiên đoán từ hơn 100 năm trước rồi. Điều tôi nhấn mạnh những ồ ào tranh cãi, phê phán hay tán dương thì cũng nằm trong quỹ đạo của một chân lý đã khẳng định: Thắng lợi của nền dân trị là không có gì có thể ngăn cản được và sớm muộn sẽ là chung quyết và bất khả vãn hồi. Điều đáng lưu ý nhất là mỗi công dân Mỹ đều được tự do nói lên điều mình muốn, đúng sai sẽ được cuộc sống sàng lọc và lựa chọn dựa vào hiến pháp đã xác quyết. Nói nôm na, dân chủ là dân được mở miệng ra. Thì cụ Hồ cũng đã nói đi nói lại điều đơn giản và rất dễ hiểu đó thôi, đó là điều cần phải học tập và làm theo ngay nhưng người ta đã “làm theo” thế nào thì đã rõ như ban ngày. Một thể chế độc tài toàn trị “bịt miệng dân” mà gọi một cách bịp bợm là ưu việt thì làm sao lọt tai dân được ngoài việc đàn áp, bắt bỏ tù, cho vào “lò” để “củi khô củi tươi” đều thiêu rụi thì làm sao tránh sụp đổ được. Đương nhiên cũng đang có những nhà lý luận chính thống đang cao đàm khoát luận biện minh và tụng ca cho sự độc tài toàn trị mà sinh thời ông Sáu Dân có lần giận dữ với mấy anh em chúng tôi, Việt Phương, Đào Xuân Sâm, Tương Lai: “Sao các anh không có bài nào trả lời các “nhà lý luận” tệ hại ấy?”. Phải đập tan những “lý luận” kiểu đó chứ nếu không thì những thành quả của Đổi Mới sẽ bị kéo lùi trở lại, rất khó để tiếp tục tạo ra động lực mà đẩy tới”. Và hôm nay, ngày Giỗ lần 15 của Ông (8/5/2008 – 8/5/2023 âm lịch), tôi muốn nhắc lại sự phẫn nộ ấy của ông để gợi lại sự khẳng định của Tocqueville một nhà lý luận triết học xã hội học bậc thầy và cũng được xem như một nhà lý luận chính trị bậc thầy vừa nói ở trên: Thắng lợi của nền dân trị là không có gì có thể ngăn cản được và sớm muộn sẽ là chung quyết và bất khả vãn hồi”. Tôi chỉ thẳng thắn nói lại điều đơn giản ấy và cũng chỉ nói được như thế thôi không hiểu có góp gì được vào những điều các anh đang trao đổi không.

clip_image016Tiện đây, cũng xin nhắc lại ý kiến của Kim Hạnh, người ngồi phía trước Huỳnh Tấn Mẫm, trong một lần Giỗ Ông Dáu Dân tại nhà tôi mà tôi đã có dịp đưa lên Mênh mông thế sự năm 2020: “Tại sao chúng ta lại tiếp tục đặt gánh nặng trên vai một ông già 86 tuổi khi mà người ấy đã tận lực gánh vác những trọng trách khó có người làm được cho đến hơi thở cuối cùng. Vậy chúng ta thì làm gì để noi gương Ông, tiếp tục con đường mà Ông từng đi?”.

Đúng vậy Kim Hạnh ạ. Chúng ta phải làm gì đây để nhớ đến Võ Văn Kiệt mà ngày Giỗ lần thứ 15 này nhắc nhở chúng ta, tôi thầm nghĩ. Điều này tuỳ thuộc vào cách nghĩ và cách cảm của mỗi người và bản lĩnh và tính cách của họ. Cái ý tưởng trồi lên ấy cứ như nối liền với hình ảnh của con sông với “những gợn sóng trên dòng hồi ức” dẫn dắt mạch viết cho bài này gợi lên cái nhìn của một tính cách khác thường từng lay động dữ dội suy tư của tôi về dòng sông Hương hiền hoà và thơ mộng nhưng cũng có lúc cuộn sóng dữ dội với dòng chảy tuôn trào như thác. Đó là cái nhìn của Cao Bá Quát qua hình tượng thơ:

Trường giang như kiếm lập thanh thiên
(Con sông dài như lưỡi gươm dựng giữa trời xanh)

Không như cái nhìn quen thuộc trong thơ ca thường gợi lên sự khoan thai, hiền dịu của xứ Huế, Cao Bá Quát nhìn sông Hương như một lưỡi gươm dựng giữa trời xanh. Cái nhìn đó của tác giả “Tài tử đa cùng phú” tôi đã dẫn ở trên gửi gắm một thông điệp gì đây?

Lý Bạch cũng viết về sông “Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai, Bôn lưu đáo hải bất phục hồi” (Hoàng Hà từ trời nước đổ xuôi, Một mạch xuống biển không trở lại); hình tượng thơ của bậc “Tiên thơ” là bất hủ. Nhưng trong cảm nhận chủ quan của tôi, thì hình tượng của Cao Bá Quát “Lưỡi gươm dựng giữa trời xanh” nói về con sông Hương quê tôi dữ dội và mãnh liệt hơn nhiều. Hình tượng đó có sức nung nấu một ý tưởng để giục giã một hành động.

Vâng, ý tưởng và hành động.

Ngày 26.6.2023 

Chú thích ảnh:

1. Con sông và đàn cò nhìn từ ban công nhà.

2. Người dân ở Đông Berlin đập bỏ bức tường oan nghiệt.

3. Lễ Tưởng niệm 100 năm ngày sinh Võ Văn Kiệt tại căn phòng được thiết kế lại với ý tưởng tuyệt vời của kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất: từ trái sang phải, bà đạo diễn Xuân Phượng, 93 tuổi, nhà sử học lão thành 103 tuổi Nguyễn Đình Đầu.

4. Tại lễ Tưởng niệm tổ chức ở nhà tôi: từ trái sang phải: Huỳnh Tấn Mẫm, Thiền sư Lê Mạnh Thát, nhà báo Lưu Trọng Văn, Giám mục Nguyễn Thái Hợp.

5. Ngày Giỗ lần thứ 15 tại nhà Hiếu Dân: từ trái sang phải: Tương Lai, Lê Trọng Nhi, Quách Thu Nguyệt, Lê Công Giàu, Huỳnh Tấn Mẫm, Kim Hạnh và ba chị nữa tôi không nhớ tên.

Ngày 26.6.2023

Comments are closed.