Những ngôi trường đẹp từng in đậm trong dòng hồi ức (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 153)

Tương Lai

 

Cái nghềcái nghiệp của cuộc đời tôi gắn liền với ngôi trường. Trường phổ thông và trường đại học, đại học trong nước và đại học nước ngoài. Trải dài trong công việc của tôi suốt gần 70 năm qua là dạy học và nghiên cứu. Và dù nghiên cứu hay dạy học thì ngôi trường cũng chiếm một vị trí đặc biệt trong những hoài niệm của tôi. Trong những ngày này, khi sức khoẻ sút kém nhanh quá, chỉ nằm một chỗ, ghi lại những dấu ấn đậm từng đọng lại và trồi lên trên dòng chảy của hồi ức những ngôi trường vẫn hiện lên rõ mồn một. Điều này, trong thấp thoáng bóng dáng của chúng đã có trong những “Mênh mông thế sự” trước đây.

Trong bài này tôi muốn ghi lại những kỷ niệm về những ngôi trường tôi đã có dịp gắn bó, hoặc chỉ đến rồi đi cũng có khi với tư cách là một khách vãng lai, cũng có khi đứng trên bục phát biểu trước micro, nhiều hơn là trên bục giảng, viết phấn trắng trên bảng đen, hay với bút đen trên bảng trắng với ý thức rằng, những gì thầy cô viết lên tấm bảng cuộc đời sẽ không bao giờ tẩy xóa được, thì ngôi trường luôn là hình ảnh thiêng liêng có một vị trí đặc biệt trong dòng chảy của hồi ức của tôi, những hình ảnh thật đẹp.

Cái đẹp ở trong mắt người ngắm” như Platon từng nói. Định đề ấy của Platon có ảnh hưởng rất lớn đến văn hoá và nghệ thuật và sáng tạo của người nghệ sĩ, công chúng thưởng thức và thẩm định tác phẩm nghệ thuật, bởi vì Platon được xem là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất trong lịch sử văn hóa phương Tây, nhà triết học người Athen trong thời kỳ Cổ điển ở Hy Lạp cổ đại, lại là người thành lập trường đại học đầu tiên ở châu Âu. Trường này trở thành trung tâm nghiên cứu triết học và toán học.

Ý tưởng Platon thật là thật thâm thuý, nhất là đối với người nghiên cứu Mỹ học, lại là một thầy giáo như tôi. Nhưng liệu cái đẹp khách quan có đánh thức trong con người những cảm xúc đẹp đẽ và cao thượng không nhỉ?

Không chỉ những người làm nghề dạy học mới thấy một ngôi trường đẹp hay không đẹp, ví như những người khác đứng trước một ngôi trường đẹp như ngôi trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (trước kia là trường Grand Lycée Yersin), là kiến trúc được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20, thì sao ạ? Mà đẹp thật, rất đẹp. Tôi đến đây quãng đầu năm 1976 theo yêu cầu thỉnh giảng. Từ trường Sư phạm Hà Nội, bay thẳng đến Sài Gòn, lên xe bus đến Đà Lạt. Đến nơi thì Đà Lạt đã mù sương. Nhà trường mời ngay chúng tôi vào dùng cơm tối rồi về phòng nghỉ sớm vì sau một ngày đường di chuyển khá căng thẳng.

Sáng sớm, tung chăn vùng dậy, bước khỏi hành lang ra đứng giữa sân, tôi sững sờ trước vẻ đẹp thanh thoát và choáng lộng của ngôi truờng trong buổi sáng tinh mơ. Những tia sáng mặt trời mới chầm chậm sáng lên từ phía đông ngôi trường trong buổi rạng đông. Có đúng là “Cái đẹp thấy được bằng mắt chỉ là phép màu trong khoảnh khắc; đôi mắt của cơ thể không nhất thiết là đôi mắt của tâm hồn”, như nữ văn sĩ George Sand, một gương mặt độc đáo trên văn đàn Pháp thế kỷ XIX đã viết không nhỉ? Chỉ là phép màu trong khoảnh khắc thôi ư? Liệu cái đẹp có thuộc về một thế giới thầm lặng và huyền bí mà giờ đây, trong khoảnh khắc của một buổi sáng trong lành lần đầu tiên tôi đến một thành phố cao nguyên, đã thức dậy trong tôi những cảm nhận khó nói lên lời. Dường như nó thầm lặng và huyền bí thật. Phải chăng vì cuộc đời của G. Sand là một bài ca về khát vọng tình yêu, khát vọng sống và khát vọng sáng tạo nghệ thuật mà nữ văn sĩ nói về “Cái đẹp thấy được bằng mắt chỉ là phép màu trong khoảnh khắc”. Với một di sản đồ sộ, gồm 25 tiểu thuyết, 7 cuốn tiểu luận và nhiều vở kịch, tài năng văn chương của George Sand đã chinh phục được người đọc từ tầng lớp bình dân tới những người khó tính nhất. Ở bà không có điểm dừng, nó như một cơn bão táp cuốn vào đó mọi đam mê, khát vọng. Nhằm nhấn vào quan điểm độc đáo của nữ văn sĩ, mà Gustave Flaubert người được coi là một trong những nhà văn tiên phong của văn học hiện thực ở cả trong và ngoài nước, người được mệnh danh là “nhà văn buồn nhất thế kỷ” đã nói về G. Sand: “Phải quen nàng như ta đã từng quen mới biết được hết thảy những gì là nữ tính trong trái tim con người vĩ đại này”. Vì vậy, khi bà mất, đại văn hào Victor Hugo đã viết “Ta khóc thương một người phụ nữ mất đi, ta suy tôn một nữ thánh bất tử”.

Không có ý định đi sâu và đi xa đến thế, tôi chỉ muốn mượn lời của “một nữ thánh bất tử” để biểu đạt tâm trạng của tôi khi đứng trước một ngôi trường đẹp đã trải qua thăng trầm bắt đầu từ sự khám phá của bác sĩ Alexandre Yersin, người từng thám hiểm tới nơi đây vào năm 1893. Trong nửa đầu thế kỷ 20, từ một địa điểm hoang vu, người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên một thành phố xinh đẹp. Đà Lạt còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như “Thành phố mù sương”, “Thành phố ngàn thông”, “Thành phố ngàn hoa”, “Xứ hoa Anh Đào” hay “Tiểu Paris”. Với độ cao 1.500 mét so với mực nước biển và được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng bao quanh, Đà Lạt thừa hưởng một khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm. Lịch sử hơn một thế kỷ cũng để lại cho thành phố một di sản kiến trúc giá trị. Thành phố Đà Lạt trở thành đô thị du lịch hiện đại, đẳng cấp quốc tế, gắn với các thương hiệu: Thành phố Tình yêu, Thành phố Sáng tạo, Thành phố Di sản của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc, trước hết là gắn với tên tuổi của Alexandre Yersin, người đã đến đây vào năm 1893. Lịch sử hơn một thế kỷ cũng để lại cho thành phố một di sản kiến trúc giá trị, được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ XX.

clip_image002Đứng giữa sân trong một buổi sáng mù sương và tĩnh lặng, tôi suy ngẫm về vẻ đẹp của ngôi truờng tôi chỉ đến giảng một số ngày rồi ra đi, liệu có để lại được gì cho ngôi trường, đúng hơn là cho các em học sinh rồi sẽ là những cô giáo, thầy giáo, hay chỉ là những câu chữ nhạt nhoà viết lên bảng đen với phấn trắng rồi xoá đi, mà chẳng để lại được những ấn tượng gì cho những người ngồi trong môt ngôi trường đẹp thế này.

Dẫn George Sand, tôi chỉ muốn nói lên quan điểm của nữ văn sĩ về thưởng thức cái đẹp của ngôi trường mà tôi đang đắm chìm vào trong suy tưởng. Tôi nhớ đến Thái Bá Vân, bạn tôi, nhà phê bình nghệ thuật mà tôi hết lòng kính phục và yêu thương và đã nói đến trong nhiều “Mênh mông thế sự” trước đây, lần này lại xin dẫn ra đây cho rõ thêm một quan niệm của Thái Bá Vân từng viết trong “Tiếp xúc với nghệ thuật” (Hà Nội: Viện Mỹ thuật, 1998):

Thực ra, nhìn thấy, là hai điều khác nhau. Người ta không bao giờ thấy cái mình nhìn. Người ta chỉ thấy cái người ta hiểu. Khi ta nhìn, đó là đôi mắt công cụ. Khi ta thấy, đó mới là con mắt nhân sinh. Và nghệ sĩ thấy, thì đồng nghĩa với nghệ sĩ quan niệm và phát hiện Chưa có cách gì để hiểu nghệ thuật tốt hơn là hàm số Con người-Nghệ thuật Nghệ thuật cắm rễ trong xương máu và hơi thở của cùng thời đaị của chúng ta. Nghệ thuật có khả năng cứu chữa con người, xã hội. Người nghệ sĩ có thể sung sướng hay ngậm ngùi cho tận chết, nhưng nghệ thuật thì bao giờ cũng dang rộng cánh tay nhân ái, lãnh trách nhiệm bồi thường, an ủi cho những gì ta thiếu, hay trống trải trong cuộc đời. Nếu cuộc đời là bản dương thì nghệ thuật là bản âm. Không có nó, cuộc đời sẽ thiếu đi một nửa. Nó cộng với cuộc đời, mới đầy đủ một sự thật toàn diện. Nếu nghệ thuật có mục đích tìm ra chân lý, thì chân lý đó phải thể nhập vào ta trước đã (tr. 23). Dẫn Thái Bá Vân để hiểu sâu thêm quan điểm của G. Sand về cái đẹp qua đôi mắt của tâm hồn đã nói ở trên, cũng là điểm nhấn để nói về vẻ đẹp của những ngôi trường đã nằm ở độ nông sâu trên dòng chảy hồi ức, đặng nói về hình ảnh của những ngôi trường từng gây xúc động mạnh trong tôi.

Năm ngoái, nghĩa là gần 40 năm sau trở lại thăm ngôi trường của Đà Lạt buổi ấy, ngôi trường thì không thay đổi mấy, nhưng cảnh vật chung quanh đổi thay quá nhiều. Đây là lần thứ ba tôi đến Đà Lạt sau lần đi cùng ông Sáu Dân, với kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính và kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất. Mục đích chuyến đi là ông Sáu Dân là muốn chấn chỉnh lại việc quy hoạch và chỉnh đốn đô thị, vì ông đã nghe nhiều dư luận Đà Lạt đang xuống cấp nghiêm trọng. Ý tưởng của ông Sáu Dân là thành phố Đà Lạt là báu vật quốc gia, phải cố gắng giữ lại nét đặc thù có một không hai mà từ sự khám phá của bác sĩ Alexandre Yersin, lịch sử 100 năm đã để lại những giá trị độc đáo. Đi khảo sát về, ông Sáu Dân nung nấu một ý tưởng lớn, làm sao giữ lại những nét độc đáo của Đà Lạt với cách quản lý đô thị thông minh và khoa học. Ông gọi tôi cùng đi, để từ những khảo sát xã hội học đô thị mà đưa ra được những khuyến nghị về dân số và những chính sách xã hội và mức độ của sự phân tầng xã hội tương thích với quy hoạch kiến trúc. Tôi có thưa với ông một khuyến cáo của giáo sư Brahm Wiesman, giáo sư trường Đại học British Colombia ở Vancouver Canada mà tôi nhớ nằm lòng: “Vấn đề quan trọng nhất đối với các bạn trong lĩnh vực đô thị ư? Đó là sự thoả thuận hay là cam kết có tính thiết chế trong quản ký đô thị”.[1] Đáng tiếc là những ý tưởng nung nấu trong đầu của một con người hiếm có đó chưa được thực hiện, thì ông đã vội ra đi.

Chính vì thế, lần này trở lại Đà Lạt, đứng nhìn ngắm lai ngôi trường xưa vẫn thấy nó đẹp, nhưng cảnh quan xung quanh thì hỗn độn, chen lấn, dồn ép. Bàn tay con người đang làm cho cảnh quan Đà Lạt xuống cấp quá nhanh. Tôi nhớ đến những ý tưởng đáng quý của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: “Đó là một buổi sáng, thức dậy, mở cửa sổ, thấy xung quanh chỗ nào cũng mờ ảo sương mù, có cảm giác mình bỗng chốc rơi vào xứ thần tiên nào đó. Bất kỳ công trình nào sau làn sương đều biến thành lâu đài. Tôi cảm thấy buồn vì Đà Lạt mất dần đi những thứ đó. Mà sự mất mát là bởi con người. Một trong những điều làm tôi lo lắng là dự án quy hoạch lại trung tâm Đà Lạt cô gái sẽ biến cô gái má hồng e thẹn thành thành thị lạnh lùng Du khách cũng không cần đi cả hàng trăm, nghìn km để để thấy Đà Lạt cũng giống như Singapore, TP HCM. Điều quan trọng nhất của Đà Lạt là khí hậu mát mẻ và sương mù – đặc sản của Đà Lạt. Sương mù bây giờ rất hiếm Hoạt động xây dựng thiếu kiểm soát đã khiến phong cách đô thị đặc biệt của thành phố Đà Lạt biến dạng. Nếu mình đập đi xây lại hết thì Đà Lạt sẽ vô hồn.”.

Một day dứt, trăn trở nữa trong tôi, một người thầy giáo, là ngôi trường thì vẫn đẹp cho dù cảnh quan chung quanh đã làm giảm đi vẻ đẹp lộng lẫy và thanh thoát của nó, nhưng chất lượng giảng dạy của thầy và sự say mê học của trò thì sao? Liệu nó có giữ được sứ mệnh cao cả của nó không khi mà tiền và quyền cấu kết với nhau. Và trước sự cấu kết đó, con người bất lực. Bất kể có tài năng, đức độ, lương thiện, liêm khiết, cái gì đi nữa… đứng trước sự cấu kết giữa tiền và quyền, con người trở nên mong manh, rất dễ bị tổn thương.

Theo tiến sĩ Bùi Trân Phượng trên báo Người Đô thị ra vào tháng 11.2023 vừa rồi, nghĩa là đang nóng hổi, “Tôi nghĩ không có chữ nào đúng hơn của Giáo sư Hoàng Tụy là “một nền giáo dục lạc lối”. Sự lạc lối của giáo dục cộng với tình hình xã hội có những phức tạp riêng. Phức tạp không do lỗi của ai hết. Do khách quan thế giới ngày nay hỗn loạn, nhiều giá trị truyền thống bị đảo lộn, nhiều trật tự không còn được duy trì, chiến tranh bùng nổ chỗ này chỗ nọ, đủ thứ vấn đề về môi trường, rất nhiều điều khoa học chưa có lời giải kịp thời… Đây là các vấn đề toàn cầu nhưng có vẻ như ở Việt Nam trầm trọng hơn”.

Nếu nghệ thuật có mục đích tìm ra chân lý, thì chân lý đó phải thể nhập vào ta trước đã”, tôi nghĩ giáo dục cũng cùng một mục đích đó. Làm sao hiểu được cái đẹp của tâm hồn G. Sand khi chưa hiểu thấu “được hết thảy những gì là nữ tính trong trái tim con người như Gustave Flaubert nói.

Giảng dạy một tác phẩm văn học cũng vậy, không rung động từ trái tim người giảng thì làm sao rung động trái tim người học. Và, không chỉ giảng văn, mà giảng sử cũng phải như vậy. Nếu không rung động từ trái tim người thầy khi nói về ý chí quật cường và bản lĩnh của ông cha ta trong mấy nghìn năm lịch sử chống ngoại xâm, chủ yếu là chống lũ giặc bành trướng phương Bắc chưa bao giờ từ bỏ âm mưu thôn tính nước ta, cửa ngỏ tràn về Đông Nam Á để thâu tóm Biển Đông, thì làm sao truyền được ý chí và bản lĩnh đó của ông cha ta. Từ thế kỷ XI, sứ Tàu là Lý Giác đã nhận ra được ý chí và bản lĩnh đó của dân tộc ta nên đã tâu với vua nhà Tống ngầm có khuyên “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu”, tạm dịch là “Ngoài trời còn có trời, chớ coi thường”. Các cô giáo, thầy giáo ở trường này ra liệu có được mấy người gieo được vào lòng các em nhỏ bản lĩnh và khí phách đó cho học sinh. Mượn ý tưởng của Thái Bá Vân vận dụng vào việc giảng dạy: “Nếu dạy học là nhằm giúp học sinh tìm ra chân lý của cuộc sống, thì chân lý đó phải thể nhập vào người thầy giáo cô giáo trước đã”. Liệu sẽ có được bao người làm nghề dạy học thể nhập được chân lý? Cái hình tượng “mặt trời chân lý chói qua tim” xem ra xa vời và lạc lõng giữa một xã hội nhiễu nhương, bệnh hoạn, bậc thang giá trị đang khủng hoảng, tốt xấu lẫn lộn, đạo lý xã hội xuống cấp, ngành giáo dục với nhiệm vụ cao cả làm sao thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình?

Phải chăng đòi hỏi ấy là quá viển vông. Có lẽ đúng thế. Nhưng nếu không đòi hỏi như thế thì sự nghiệp giáo dục của ta sẽ đi về đâu? Không thiếu những hành động cao cả và tuyệt đẹp mà màn ảnh tivi đã hàng ngày cố gắng đưa lên về những cô giáo và thầy giáo vượt qua muôn vàn gian khổ để “đưa cái chữ” lên vùng cao. Những hiện tượng đó là có thật, đẹp thật, cao cả thật, nhưng nếu chỉ có vậy thì chưa nói lên được một sự nghiệp cao cả mà dân tộc đang đòi hỏi, những bức xúc mà cuộc sống đang đặt ra. Chính vì lẽ đó mà tôi nghĩ nhiều về những vẻ đep của những ngôi trường. Ở đó ẩn chứa những khát vọng của một thế hệ, nhiều thế hệ, cả dân tộc trong thời đại của những biến động và đột phá liên tục. Những ngôi trường, vì vậy, đã thúc giục trong tôi những khát vọng.

clip_image004Trước hết, tôi muốn nói đến ngôi trường ngày tôi bước lên bục giảng với tư cách một người thầy giáo về tiếp quản Thủ đô trong đội ngũ

Trùng trùng quân đi như sóng

Lớp lớp đoàn quân tiến về

Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa

Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu

Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay

Những xuân đời mỉm cười vui hát lên

Ngôi trường Chu Văn An buổi ấy sao mà đẹp lạ lùng. Vẻ đẹp cổ kính mà hiện đại như trong mơ ước của chúng tôi những ngày từ rừng núi Việt Bắc, nơi “thủ đô gió ngàn”, trở về Thủ đô Hà Nộiclip_image006

Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần

Như mùa xuân xuống cạnh đường nghe gió về

Hà Nội bừng tiến quân ca

Văn Cao đã đi trước thời đại, người nghệ sĩ đã dự phóng được tương lai, bài này ra đời trước 5 năm ngày giải phóng thủ đô. Chỉ có điều là khi đoàn quân tiến về thì đêm vẫn đêm và mùa xuân không xuống cạnh đường nghe gió về mà giữa đường thì có bục công an, chuyện đó là tất yếu của việc quản lý đô thị. Và rồi một trật tự mới được thiết lập, đúng sai lẫn lộn và bắt đầu có những điều không như người ta nghĩ. Những dự phóng thiên tài của những ngày đội nắng dầm mưa ở chợ Đại, huyện Ứng Hoà, Sơn Tây cuối năm 1948 gian khổ và nhọc nhằn, Văn Cao đã viết “Tiến về Hà Nội” trong bối cảnh ngặt nghèo ấy. Điều đáng nói là: Những bức ảnh ghi lại thời khắc đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa, trong sự chào đón của người dân Hà Nội và các Trung đoàn tiếp quản Thủ đô đều đi từ năm cửa ô tiến vào nội thành, càng “đúng như in với những gì vị nhạc sĩ tài ba đã hình dung (dẫn theo Hà Tùng Long, báo Dân Trí ngày 10.10.2016).

Chúng tôi về dạy ở trường Chu Văn An trong không khí ấy, tư thế ấy để góp phần vào sự nghiệp to lớn ươm lại hoa sắc hương say ngày xa để “Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay”, Những xuân đời mỉm cười vui hát lên”. Những cảm xúc thăng hoa của buổi đầu đứng trên bục giảng là những dấu ấn in đậm trong tôi.

clip_image008Đúng 40 năm sau, đứng giữa sân trường bên cạnh anh Việt Phương, người học sinh trường Bưởi năm nao tạm rời trường tham gia hoạt động cách mạng nhân kỷ niệm 100 năm trường Bưởi (ngày 9.12.1908-2108) vẫn cảnh ấy, người ấy trong tôi trào dâng bao nhiêu ý nghĩ thầm kín và xáo động tâm tư. Anh Việt Phương đứng im lặng, chắc là đang bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xưa, nơi từ đó anh ra đi, dấn thân vào sự nghiệp cách mạng. Tôi chỉ biết nắm chặt tay anh, người đàn anh thuộc lớp trước, học sinh trường Bưởi và tôi thuộc thế hệ đàn em trở về đứng trên bục giảng, với ý thức rằng “những gì thầy giáo viết lên tấm bảng cuộc đời sẽ không bao giờ tẩy xóa được” như tôi đã dẫn ra ở trên. Khi viết những dòng chữ này, nhìn kỹ lại tấm ảnh buổi ấy, tôi không sao kìm được giọt nước mắt nhớ thương người bạn, người thầy, người anh lớn của tôi gần 70 năm gắn bó, dìu dắt tôi nay đã là người thiên cổ. Những câu thơ trong tập thơ anh tặng tôi cứ như siết chặt trái tim tôi

Người ơi

Chẳng dám nói gì

Nhờ cây nhờ cỏ thầm thì giùm cho

Chỉ nhờ cây nhờ cỏ thôi ư anh Phương ơi? Tôi càng day dứt khi chính anh đã chọn tôi vào công việc chuẩn bị trở về Thủ Đô những ngày cuối năm 1954 mà tôi đã viết trong “Mênh mông thế sự”, cái đề từ mà anh nói là “Mình thích cái ý và tứ này vì nó tạo ra một khoảng trời tự do cho ngòi bút”. Và rồi cái khoảng trời tự do cố chắt chiu có được đó, tôi đã thể hiện trong những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng. Nhận giảng dạy môn Văn, tôi không có được sự thuận lợi mà các bạn tôi dạy những môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hoá, sinh có thể dựa phần nào những sách giáo khoa có sẵn. Tôi phải tự chọn bài, tự soạn bài giảng. Cái khó ló cái khôn, cũng vì vậy mà tôi được soạn bài giảng theo trình độ hiểu biết, mà điều quan trọng nhất là có rung cảm chân thành với những gì mình chọn giảng. Vì vậy mà không phải gò bó và miễn cưỡng nói lên những điều mà mình không có chút rung cảm nào, mà với trách nhiệm của người thầy, tôi có quyền tự do chọn và giảng những chủ đề tôi thích, những bài văn làm tôi xúc động nên có thể truyền cảm được tới học sinh. Tôi thực hiện nghĩa vụ trong tự do biểu cảm.

Điều này tôi giữ mãi cho mình trong giảng dạy, càng phải giữ chặt khi chúng nó không cho tôi viết lên báo chính thống thì tôi tự làm báo lấy. Hàng tuần với mục “Điểm tin đáng đọc” kèm theo một tản văn về thời cuộc với cái tên “Mênh mông thế sự” nhằm tự biểu đạt tư tưởng, tình cảm của tôi gửi đến bạn bè, thân hữu, nhất là với những bạn chưa thạo máy tính, không vào mạng được để nhận thông tin. Sau này tôi thêm bốn từ nối vào sau “Mênh mông thế sự Để gió cuốn đi” muợn ý của Trịnh Công Sơn (Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi) với ngụ ý, những gì mượn gió cuốn đi, ai nhặt được, nếu thích thì đọc, không thích thì vứt đi, chẳng phải phiền ai, cũng chẳng luỵ ai, an nhiên tự tại.

Thực ra, như đã nói, thực hiện nghĩa vụ trong tự do biểu cảm là tôi bắt đầu với việc dạy học ở trường phổ thông Chu Văn An từ những ngày đầu “tiếp quản”. Những bài giảng văn của tôi được thực hiện trên tinh thần đó. Một ví dụ, tôi chọn hai bài ngắn và nhờ hai học sinh viết phấn trắng lên bảng đen hai đoạn văn ngắn gọn. Bài thứ nhất tôi chọn là bốn câu đầu trong bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu và bài thứ hai là ca dao về “Con cò đi ăn đêm”.

Đã có sẵn bài viết trên bảng, tôi yêu cầu các em tự đọc và ngẫm nghĩ tại sao “hồn tôi là một vườn hoa lá, rất đậm hương và rộn tiếng chim” và ở bài ca dao thì thử nghĩ kỹ lời van xin của con cò mẹ “Có xáo thì xáo nước trong, đừng xáo nưc đục, đau lòng cò con”. Hãy ngồi im lặng và ngẫm nghĩ, khoan vội trả lời, đợi khi tôi hỏi mới đưa tay xin phát biểu.

Lớp học im phăng phắc, và khi tôi bắt đầu hỏi thì hàng loạt cánh tay giơ lên, nhiều câu trả lời thông minh, ngộ nghĩnh, chứng tỏ một phần nào học sinh đã tự hiểu. Từ đó tôi chỉ giảng vài điều ngắn gọn, dễ hiểu nhằm làm cho học sinh thấm được ý nghĩa sâu sắc của bốn câu thơ và của bài ca dao. Điểm đến của bài giảng là tính nhân văn sâu sắc của bốn câu thơ và bài ca dao, được hiểu một cách dung dị thích hợp với lứa tuổi của học sinh.

Ba mươi năm sau, 1976 tôi lại có dịp thực hiện nghĩa vụ trong tự do biểu cảm, thể nghiệm cách giảng đó tại trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Tôi đến thỉnh giảng theo đề nghị của nhà trường. Một lần nữa lập lại tình huống của những ngày tôi đứng trên bục giảng trước những đôi mắt hồi hộp thăm dò xem thử “thầy giáo Việt cộng” giảng dạy ra sao đây. Những nữ sinh áo dài trắng thướt tha, những nam sinh ăn mặc chỉnh tề, liệu có lo lắng bị “tẩy não” không đây. Họ, rồi sẽ thành những cô giáo, thầy giáo viết lên tấm bảng cuộc đời sẽ không bao giờ tẩy xóa được cho các em nhỏ của những gia đình đang nhiều lo toan, xoay xở cho cuộc mưu sinh trong một hoàn cảnh mới, đối diện với những thách thức khá phức tạp. Hiểu như vậy, chọn cách giảng sao đây về lý luận văn học để không “chệch khỏi đường ray” của “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” như nội dung lý luận văn học là điều bắt buộc, nhưng làm sao để không quá sống sượng và khiên cưỡng.

Tôi chọn giảng một truyện ngắn Makar Tsudra của Maxim Gorki và một bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa”. Nhà trường có trang bị máy quay ronêo nên tôi cho in một đoạn trong truyện ngắn từ trang 19 đến trang 23 và bài ca dao nói trên rồi trao cho mỗi học sinh một bản. Tôi yêu cầu các em phải tự đọc và ngẫm nghĩ kỹ mấy trang trong truyện ngắn và bài ca dao tôi sẽ giảng sau khi các em đã đọc và sẵn sàng trả lời những câu hỏi tôi đặt ra. Cả lớp yên lặng, học sinh chăm chú đọc và suy nghĩ. Tôi giảng đoạn trích Makar Tsudra trước vào buổi sáng, buổi chiều sẽ giảng bài ca dao. Sau 10 phút tự đọc và suy ngẫm, tôi chú ý quan sát nét mặt của các em để phần nào biết được họ có đang suy ngẫm về bài hay chỉ im lặng ngồi. Đợi và quan sát, để rồi bắt đầu đặt câu hỏi để học sinh trả lời. Nhiều cánh tay hăng hái giơ lên, nhiều câu trả lời đáng suy nghĩ, cũng có những câu vu vơ chứng tỏ không hiểu nổi ý tứ sâu sắc của tác giả truyện ngắn này.

Sau những câu trả lời đã trùng lắp, tôi biết rằng đã đến lúc dừng hỏi và bắt đầu giảng. Trước hết tôi đọc thật truyền cảm vào đoạn cao trào của tấm bi kịch giữa tình yêu cháy bỏng và khát vọng tự do của hai nhân vật:

“Tôi đã gặp nhiều chàng trai nhưng anh gan dạ hơn và đẹp hơn hết thảy… Trên đời này còn ít chàng trai txưgan gan dạ lắm, ít lắm Lôikô ạ. Tôi chưa yêu ai bao giờ, Lôikô, tôi chỉ yêu anh. Nhưng tôi còn yêu tự do nữa! Tự do thì tôi còn yêu hơn cả anh. Nhưng không có anh tôi không thể sống được, cũng như anh không thể sống thiếu tôi. Cho nên tôi muốn anh là của tôi, cả linh hồn lẫn thể xác, anh nghe ra chưa?

“Lôikô cười nhạt:

“-Tôi nghe ra rồi! Nghe cô nói, lòng tôi vui lắm đấy! Nào, nói nữa đi!

“-Thế này nữa nhé, dù anh có vùng vẫy ra sao, tôi cũng trị được anh, anh cũng thuộc về tôi. Thế thì đừng để mất thì giờ vô ích: Những chiếc hôn và những sự mơn trớn của tôi đang chờ anh… tôi sẽ hôn anh rất nồng nàn. Lôikô! Dưới chiếc hôn của tôi anh sẽ quên cuộc sống ngang tàng của anh… và những bài ca sôi nổi của anh, trước đây vẫn là niềm vui của bọn trai trẻ txưgan, sẽ không còn vang lên trên thảo nguyên nữa, anh sẽ hát những bài tình ca êm dịu cho tôi, cho Rađđa nghe… Cho nên anh đừng mất thì giờ vô ích, tôi đã nói như vậy, nghĩa là ngày mai, anh sẽ quy phục tôi như quy phục người huynh trưởng của anh trong trại. Anh sẽ phải phục xuống dưới chân tôi trước mặt toàn trại và sẽ hôn bàn tay phải của tôi. Lúc bấy giờ tôi sẽ là vợ anh”.

Cái cô bé quỷ quái ấy muốn thế đấy! Chưa ai từng nghe nói đến chuyện như thế bao giờ! Ngày xưa chỉ người Hắc Sơn có lệ ấy, các cụ già bảo thế, chứ người txưgan thì chưa bao giờ! Nào, anh bạn, anh liệu có nghĩ ra được một trò gì ngộ nghĩnh hơn không? Có nghĩ nát óc suốt một năm cũng chẳng ra đâu.

“Lôikô nhảy lùi ra và thét vang thảo nguyên như thể vừa bị trúng thương ngực. Rađđa run lên nhưng không hề mất tự chủ.

“-Thôi, chào anh hẹn đến mai, mai anh sẽ làm như tôi đã ra lệnh. Anh nghe ra chưa, Lôikô?

“-Nghe ra rồi! Tôi sẽ làm” – Zôbar rên rỉ và dang hai tay ra phía nàng. Rađđa chẳng thèm nhìn lại và Zôbar loạng choạng như một thân cây bị gió xô gãy, rồi ngã vật xuống đất, vừa cười vừa khóc nấc lên…”.

Đọc đến đây tôi dừng lại và hỏi: “Rồi chàng Zôbar kiêu hãnh kia sẽ làm gì?”. Vì đã có bài đã đọc và biết hành động của Zôbar nên một loạt cánh tay giơ lên xin được phát biểu. Thế là học sinh của tôi đã hiểu kết cục của một bi kịch và thông điệp của tác giả về cái giá phải trả để có tự do. Tôi đọc tiếp:

“Đây, sự tình chỉ có thế thôi các bạn ạ! Còn phải làm gì nữa? Còn phải thử. Xem Rađđa của tôi trái tim có rắn chắc như nàng đã tỏ ra với tôi không. Vây tôi xin thử, các bạn tha thứ cho tôi!”.

Chúng tôi chưa kịp đoán xem Zôbar sẽ làm gì, thì Rađđa đã sóng soài trên mặt đất, trên ngực cắm đến tận chuôi con dao quắm của Zôbar. Chúng tôi choáng người đi.

Rađđa rút con dao ném sang một bên, rồi lấy món tóc đen nhánh áp lên vết đâm và mỉm cười nói to, giọng rành rọt:

Vĩnh biệt Lôikô! Em đã biết trước là anh sẽ làm như vậy. -Rồi nàng tắt thở.

Anh đã hiểu được cô gái ấy chưa hở anh bạn? Thật là một cô gái ma quỷ, tôi nói sai xin muôn đời chịu nguyền rủa!

“-Ôi! Giờ thì tôi xin phủ phục dưới chân em, hỡi nữ hoàng kiêu hãnh! – Lôikô thét vang thảo nguyên, rồi phục xuống đất, áp môi vào chân người đã chết và lịm đi hồi lâu.

Chúng tôi cất mũ và đứng im lặng… Đanilô nhặt con dao Rađđa đã vứt đi, ngắm nghía hồi lâu, bộ ria bạc khẽ nhích nhích. Trên lưỡi dao cong và sắc, máu Rađđa vẫn hơi nóng. Rồi Đanilô tiến sát đến Zôbar và cắm con dao vào lưng chàng đúng phía tim. Người lính già Đanilô cũng đúng là cha đẻ của Rađđa.

“-Thế đấy! -Lôikô ngoảnh lại nhìn Đanilô nói rất rõ, rồi hồn chàng rõi theo Rađđa.

Chúng tôi đứng lặng nhìn. Rađđa nằm sóng soài, bàn tay vẫn áp chặt món tóc lên ngực, hai mắt mở to hướng lên khoảng trời xanh, và nằm dưới chân nàng là chàng Lôikô Zôbar gan dạ. Những món tóc quăn phủ kín hết mặt chàng.

Chúng tôi đứng trầm ngâm suy nghĩ. Ria lão Đanilô già run run, và đôi mày rậm cau lại. Lão nhìn trời và lặng thinh, còn ông già Nua, tóc bạc trắng như cước, nằm úp mặt xuống đất khóc rưng rức, đôi vai già giật bắn lên từng đợt

Cũng đáng cho người ta khóc lắm anh bạn ạ…”.

Dừng lại, nhìn vào những gương mặt đăm chiêu và cảm động, tôi tin là học sinh của tôi, những cô giáo, thầy giáo tương lai đã phần nào hiểu được tấm bi kịch lạc quan của tình yêu cháy bỏng và khát vọng tự do. Tôi chỉ giảng thêm vài điều về ý tưởng của tác giả gửi vào ngôn từ và hình tượng, nhằm đưa ra một thông điệp về cái giá phải trả cho khát vọng tự do, và cái đẹp gắn liền với cái cao cả trong tình yêu đôi lứa của nàng Rađđa kiêu hãnh và chàng Zôbar quả cảm. Từ hình tượng mang tính hư cấu tôi nói đôi điều về phạm trù cái đẹp và cái cao cả trong tấm bi kịch lạc quan với truyện ngắn của Maxim Gorki.

Với bài ca dao, tôi cũng làm như vậy:

Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!
– Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng, biết thuở nào ra?

Tôi gợi ý học sinh đọc kỹ để có thể hình dung được hành vi và cách ứng xử của hai nhân vật nam và nữ, để từ đó hiểu được ý tưởng sâu xa của bài ca dao quen thuộc. Để các em ngồi yên suy nghĩ về gợi ý của tôi. Tôi rất mừng là cả lớp im phăng phắc, những gương mặt đăm chiêu, những đôi mắt trầm lắng ngẫm nghĩ về bài ca dao với những gợi ý của thầy. Khi tôi bắt đầu hỏi, hàng loạt cánh tay giơ lên, tôi thoáng nhìn thấy các em nữ háo hức trả lời hơn, tôi mừng thầm, thế là tôi đã thành công một nửa. Nhiều ý tưởng khá dí dỏm và thông minh chen vào những ý nông cạn, các học sinh nam rơi nhiều hơn vào số này. Tôi nghĩ là đã đến lúc giảng. Tôi đọc thật truyền cảm bài ca dao, và chỉ nhấn mạnh vài ý thật gọn về thái độ loanh quanh lúng túng của chàng trai và rồi thốt ra một câu nhạt hều. Bốn từ “anh tiếc lắm thay” bộc lộ tính cách của chàng trai, không có chút gì đau khổ thể hiện một thái độ vô trách nhiệm của thói trăng hoa, chẳng có gì nghiêm túc. Đối lập lại là nỗi đau đớn của cô gái nông thôn trong trắng và thật thà. Cung bậc của nỗi đau đớn giằng xé ngày càng tăng lên trên từng câu và hình tượng “chim vào lồng, cá cắn câu” đã nâng lên mức uất hận oán trách.

Giảng đến đó tôi dừng lại và hỏi học sinh: “Vậy thì chủ đề của bài ca dao định nói gì?”. Lần này thì không đợi ngồi yên suy nghĩ, dồn dập nhiều ý kiến phát biểu. Điều thú vị là những ý kiến của các học sinh nam lại dồn dập hơn, mạnh mẽ hơn. Song ý kiến sâu sắc và thấm thía lại là một em nữ. Giọng nhỏ nhẹ nhưng dõng dạc, em nói về thân phận của người con gái nông thôn trong phong tục và tập quán xưa đã tước bỏ cái khát vọng chính đáng của người con gái, đó mới là chủ đề của bài ca dao. Tôi lấy ý kiến đó để kết thúc bài giảng.

Tôi muốn nói thêm một chuyện nữa đã làm tôi day dứt mãi cho đến tận hôm nay. Đó là tôi có kể chuyện trích giảng tác phẩm của Gorki cho anh Cao Xuân Hạo – người bạn đáng kính của tôi – nghe. Dịch giả tác phẩm của M. Gorki mà tôi chọn giảng chỉ mỉm cười, không nói gì. Khi anh lâm bệnh nặng, tôi vào thăm. Anh nằm bất động, người chỉ đắp một tấm vải trắng (có lẽ cho bệnh viện muốn tiện cho lau rửa làm vệ sinh). Tôi ngồi cạnh, anh mở mắt nhìn tôi, chìa bàn tay khẳng khiu chỉ còn da bọc xương ra khỏi tấm vải trắng nắm lấy tay tôi, cười và nói nhẹ nhàng trong hơi thở mệt nhọc không rõ tiếng, nhưng tôi hiểu ngay là anh nói “Lôikô Zôbar đâu rồi”. Tim tôi thắt lại như có mũi kim đâm, không ngăn được nước mắt cứ trào ra! Cuộc đời sao mà oái oăm tàn nhẫn làm vậy. Những “muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm[2]. Đấy là phút cuối tôi ngồi với anh. Hôm anh mất, tôi đã báo tin ngay cho ông Sáu Dân. Tôi đến nhà tang lễ rất sớm để đón ông, vì tôi biết ông cũng sẽ đến rất sớm. Đúng vậy. 6 giờ sáng đã thấy xe của ông lăn bánh vào sân nhà tang lễ. Tôi ra đón. Ông nói khẽ: “Anh viết giúp tôi mấy câu vào sổ tang giáo sư Cao Xuân Hạo”. Tôi khẽ hỏi: “Anh định ghi những gì?”. Ông Sáu sẵng giọng: “Chuyện này thì anh biết hơn tôi. Anh giới thiệu và nói kỹ về anh ấy với tôi thì anh hiểu hơn tôi chứ, sao lại hỏi tôi”. Tôi hiểu mình đang phải gánh một trách nhiệm nặng nề đây.

Viết những gì về nhà trí thức Cao Xuân Hạo, một tài năng thiên bẩm hiếm có đã từng bị vùi dập bởi sự ngu dốt và đố kỵ được nhân lên bởi giáo điều kiểu Maoít. Trong điều kiện ngặt nghèo ấy bản lĩnh và nhân cách của một người trí thức đích thực vẫn để lại cho đời những công trình ngôn ngữ học sắc sảo bậc thầy, và một sự nghiệp dịch thuật đồ sộ. Những lời ghi vào sổ tang phài là lời của chính ông Sáu Dân. Ông ngồi đọc kỹ những dòng ghi vào sổ tang, chỉnh sửa một từ, thêm vào hai dấu phẩy, rồi ký. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Trở lại với chuyện những ngôi trường như những duyên nợ của cuộc đời dạy học và nghiên cứu của tôi. Ngay khi đi dạy học tôi đã say mê nghiên cứu về triết học và mỹ học. Khi có điều kiện, tôi tạm ngừng việc dạy học để chuyển về Viện Triết học, nhưng rồi có những trục trặc không đáng cũng lại do sự ngu dốt của một thời “Maoít” ngự trị trong đầu óc một số người, tôi lại chuyển về dạy học. Được ít lâu tôi trở lại Viện Triết học, làm Phó Viện trưởng Viện Triết học với sự khuyến khích của anh Phạm Như Cương, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, rồi chuyển sang làm Viện trưởng Viện Xã hội học. Những chuyện này tôi đã kể trong nhiều “Mênh mông thế sự” trước đây, không nhắc lại nữa. Chỉ xin nói tiếp chuyện dạy học.

clip_image009Anh Huỳnh, Chủ nhiệm khoa Báo chí cuả Trường Đảng (tôi quên mất tên) do anh Tô Huy Rứa làm Hiệu trưởng mời tôi đến giảng về xã hội học cho học viên của Khoa. Tôi vui vẻ nhận lời và đề nghị một điều kiện: tuân thủ nội dung của bài học đã quy định, nhưng tôi sẽ giảng theo cách của tôi trước đối tượng là những học viên đã lớn tuổi và đã từng giữ những chức vụ nhất định. Và rồi tôi đã thực hiện nhiệm vụ giảng dạy đúng tư cách một người thầy. Tôi không nói nhiều mà chỉ đặt ra những câu hỏi cho học viên trả lời khi họ đã đọc trước nội dung bài mà sách giáo khoa đã in sẵn. Và rồi tôi chỉ giảng những điều tôi đã hỏi và học viên đã trả lời. Học viên rất hào hứng, lớp học vui và sống động, nhưng có môt học viên có biểu hiện ngang tàng, không chăm chú nghe giảng lại làm việc riêng. Tôi quan sát hồi lâu rồi mời anh ta đứng dậy nhẹ nhàng nhưng kiên quyết: “Đây là lớp học, không phải là một buổi họp hành, yêu cầu anh giữ thái độ nghiêm túc, nếu không, tôi phải mời anh ra khỏi lớp”. Cả lớp có vẻ căng thẳng, nhưng tôi không thay đổi thái độ, và anh ta lặng lẽ ngồi xuống. Tôi tiếp tục giảng. Tan học, tôi về nghỉ ở phòng chủ nhiệm khoa. Rất ngạc nhiên thấy anh ta đi cùng một học viên khác đến xin lỗi tôi, điều thú vị là chính anh ấy nói: “Em sững sờ khi thầy dẫn ra Những ý kiến không hợp thời của M. Gorki, những điều em chưa hề được nghe bao giờ, và không nghĩ rằng những ý tưởng ấy đã được nói lên từ những ngày đầu của Cách mạng tháng Mười Nga”. Đó là những đoạn tôi đã đọc cho cả lớp nghe khi nói về sức mạnh của văn hoá:

Tổ quốc sẽ ít bị đe dọa hơn, nếu có nhiều văn hóa hơn. Đối với tôi, lời kêu gọi “Tổ quốc bị lâm nguy” là không đáng sợ hơn lời kêu gọi “Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!”. Rõ ràng rằng tuyên truyền chính trị thôi, không đủ để tạo ra con người mới. Không đủ nếu chỉ tổ chức tư duy, mà người ta còn phải tổ chức ý chí, và giáo dục, phát triển và đào sâu thêm tình cảm.

Chúng ta phải làm sao cho sự giáo dục đạo đức và thẩm mỹ cho nhân dân cùng phát triển liên tục với giáo dục chính trị; chỉ dưới điều kiện này nhân dân ta mới được giải phóng hoàn toàn khỏi gánh nặng của lịch sử bất hạnh của nó; chỉ như thế nhân dân mới thoát khỏi ngục tù của các hình thái sống cũ.

Chỉ mới có một chiến thắng duy nhất – đó là sự chiếm lĩnh quyền lực chính trị; nhiều cuộc thắng lợi khó khăn hơn nhiều còn cần phải được giành lấy, nhưng trên hết chúng ta có nghĩa vụ phải chiến thắng các bệnh ảo tưởng của chính mình. (Nguyễn Xuân Xanh. Tạp chí Tia Sáng số ra ngày 2. 10. 2012)

Nắm chặt tay anh, tôi nói: “Còn nhiều điều ta chưa được biết, đấy là một thiệt thòi cho sự nghiệp chung của chúng ta, đặc biệt là cho những người sẽ làm việc trong lĩnh vực báo chí như các anh”. Cuộc nói chuyện thân mật kết thúc, tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng rồi vẫn bâng khuâng suy ngẫm. Gánh nặng đang còn đè trên vai những người thầy giáo, mà vấn đề vừa rồi chỉ mới là một ví dụ.

Suy ngẫm càng lung hơn khi tôi may mắn có dịp đến nhiều ngôi trường của nhiều nước trên thế giới, mà nhiều hơn cả là những ngôi trường ở Mỹ, nơi tôi đã gửi năm cán bộ của Viện Xã hội học sang làm nghiên cứu sinh để bảo vệ luận án tiến sĩ. Chuyện này khiến tôi phải đứng trước những thách đố phức tạp vì Viện trưởng Viện Xã hội học chỉ gửi cán bộ đi Mỹ. Thậm chí người ta vu cho tôi là nhận tiền của CIA… Nhưng tôi không nao núng trước những vu khống đốn mạt ấy. Tôi càng hiểu ra rằng, nếu vẫn rơi vào một quan điểm lạc hậu, những giáo điều của những đầu óc đang bị thít chặt bởi cái mũ kim cô Maoít, cho rằng xã hội học là môn học tư sản, nhất là ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu. Ở đó, xã hội học nằm trong Viện Triết học (chỉ có Ba Lan và Hungari là có Viện Xã hội học). Nếu Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng ấy lâu hơn nữa thì hệ luỵ của nó sẽ nặng nề vô cùng. Mãi về sau, clip_image011Giáo sư Vũ Khiêu là người có công đầu trong việc thành lập Ban Xã hội học do giáo sư Bùi Đình Thanh làm Trưởng ban rồi từ đó mà Viện Xã hội học mới muộn màng ra đời!

Chuyện này tôi đã nói thẳng với ông Lê Khả Phiêu ở cuộc gặp mặt của ông với các cán bộ lãnh đạo các Viện trong Uỷ ban Khoa học Xã hội tại Hội trường của Uỷ ban, về tình trạng nói trên. Nếu không có một sự thay đổi về nhận thức của chuyên ngành Xã hội học với nhiệm vụ đích thực của nó có tác động mạnh mẽ đến sự vận động và quản lý xã hội thì những hậu quả của nó đã nhỡn tiền và ngày càng khó sửa. Liệu nhà lãnh đạo này có hiểu được nổi hay không và có sự chỉ đạo ra sao chưa thấy được rõ, thì ông đột ngột ngột từ chức trước Đại hội IX của Đảng vào ngày 22 tháng 4 năm 2001.

Nhận trách nhiệm Viện trưởng Viện Xã hội học, tôi ý thức được rằng tôi sẽ là người lót đường để cho một thế hệ mới trẻ trung và có một trình độ toán học và một số môn khoa học khác sẽ được đào tạo có bài bản tại những nước có kinh nghiệm đào tạo xã hội học như Mỹ, Đức, Thuỵ Điển, Ba Lan, Hungari… Vì vậy tôi cố gắng chọn gửi một số cán bộ trẻ có khả năng, nhất là đã thể hiện được là có tư duy khoa học để có thể tiếp thu những tri thức khoa học xã hội học, đến học tập và nghiên cứu tại những nước nói trên. Cũng trong thời gian này, Viện Xã hội học nhận được sự tài trợ của UNDP, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (United Nations Development Programme) để thực hiện một Dự án nghiên cứu về Dân số. Người có công đầu trong việc nhận được sự tài trợ này là tiến sĩ Phạm Bích San. Một cánh cửa được mở ra, cán bộ nghiên cứu của Viện có điều kiện tiếp xúc và học hỏi những chuyên gia giỏi như tiến sĩ Terry Hull, Charles Hierhman… Cũng trong thời gian này, tôi cũng có điều kiện tiếp xúc với nhiều chuyên gia nước ngoài và đi đến những ngôi trường lớn có lịch sử và truyền thống lâu đời ở châu Á, châu Âu và đến nhiều nhất là những trường Đại học nổi tiếng ở Mỹ để trực tiếp học hỏi.

Nhưng đại học nước ngoài đầu tiên tôi đến là trường Đại học Yeongnam ở Hàn Quốc. Nơi đây đã để lại một kỷ niệm đẹp. Từ Seoul bay đến Yeongnam theo lời mời của ông Hiệu trưởng tôi dự một Hội thảo Khoa học về vấn đề Thống nhất đất nước. Sau khi đọc tham luận “Bài học của Việt Nam về đấu tranh cho công cuộc thống nhất đất nước, non sông liền một giải, lịch sử và truyền thống” tôi nhận được rất nhiều câu hỏi đầy thiện chí, đồng thời cũng có nhiều câu hóc búa và gay gắt. Đừng quên là trong cuộc chiến chống ngoại xâm để thống nhất đất nước của ta thì lính đánh thuê Nam Hàn có đến 325.000 người. Những tiểu đoàn “mãnh hổ”, “rồng xanh”, “bạch mã” của lính đánh thuê đã khét tiếng tàn ác với những vụ thảm sát cực kỳ dã man như thảm sát ở Phong Nhất, Phong Nhị, thảm sát Duy Trinh ở Quảng Nam, thảm sát Bình Hoà ở Quảng Ngãi, thảm sát Bình An ở Bình Định… Trong tham luận, tôi tránh không nhắc đến những sự kiện ấy, mà tập trung vào bài học thống nhất của Việt Nam và bài học thống nhất nước Đức với bức tường Berlin bị phá vỡ… Nhưng chính người Hàn Quốc lại nói về mối nhục của lính đánh thuê của Hàn Quốc tàn sát dân lành ở Việt Nam.

clip_image013Khi từ Đại học Yeongnam trở về, tôi đề nghị được di tàu hoả để có dịp ngắm cảnh đất nước. Ông Hiệu trưởng chu đáo cử một trợ giảng đi cùng. Thế là thay vì ngắm cảnh, tôi bị hút theo lời tâm sự của cậu trợ giảng còn rất trẻ. Chả là cha cậu từng là một lính đánh thuê Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh chống xâm lược của Việt Nam, ông đã ở trong tiểu đoàn “mãnh hổ” đã gây tội ác tàn sát dân thường ở Bình Định. Qua đọc sách báo nước ngoài, anh hiểu rõ được điều đó và vô cùng đau khổ. Anh không biết phải làm gì để trả món nợ ấy của cha anh. Gặp tôi, một người Việt Nam, anh day dứt, nước mắt giàn giụa, anh hỏi anh cần làm gì. Tôi cảm động nắm chặt tay anh: “Khi đã buộc phải cầm súng chĩa vào đối phương, thì chuyện phải nổ súng là chuyện không tránh khỏi, đó là bi kịch của một người lính cầm súng không phải để bảo vệ tổ quốc và nhân dân mình mà vì một mục đích khác. Nhưng dù sao, đó là chuyện đã qua.

clip_image015Anh thấy đó, tôi không nhắc một chữ về những “mãnh hổ”, “rồng xanh” đã tàn sát bà con cô bác ruột thịt của chúng tôi, mà chỉ nói về những bài học lớn của sự nghiệp thống nhất đất nước trên đất nước tôi, để hiểu rằng, thống nhất đất nước bằng con đường hoà bình là khát vọng của nhân dân chúng tôi, cực chẳng đã mà phải cầm súng, và đã cầm súng thì chúng tôi chiến đấu đến cùng, thà hy sinh tất cà chứ không để đất nước bị chia cắt do những thế lực bên ngoài muốn biến chúng tôi thành những con cờ trên bàn cờ của các nước lớn. Đó là chủ đề của bản tham luận của tôi mà anh đã nghe. Và bây giờ đây chúng ta là anh em, tôi rất kính trọng anh vì sự chân thành của anh”.

Tàu đã đến ga Seoul, anh bạn Hàn Quốc vẫn bịn rịn chưa muốn chia tay, anh nói vội: “Tôi sẽ đến Việt Nam, và mong được gặp ông”. Với tâm sự của một ngưởi trợ giảng rất trẻ, cũng như cách mà các giáo sư Hàn Quốc phát biểu và giới thiệu với tôi đôi điều về những trang thiết bị hiện đại của trường phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu, tôi cũng phần nào cảm nhận được, tại ngôi trường xinh đẹp này trình độ nghiên cứu, giảng dạy và học tập của sinh viên thật đáng kính nể, chúng ta còn xa mới theo kịp họ.

clip_image017Sau cuộc Hội thảo ở Đại học Yeongnam ở Hàn Quốc, tôi được trường Đại học Waseda của Nhật mời tham dự một Hội thảo Khoa học về Việt Nam trong mối quan hệ với các nước Đông Nam Á. Cuộc hội thảo diễn trong sự cởi mở và hữu nghị. Tại đây tôi gặp giáo sư Trần Văn Thọ, giáo sư của nhà trường. Trong bữa cơm tại một quán Nhật trang nhã và ấm cúng, anh Thọ đã giúp tôi nhiều ý kiến bổ ích để đưa vào bài phát biểu của tôi. Đại học Waseda là một trường Đại học danh tiếng, nơi có nhiều sinh viên Việt Nam theo học. Đây là lần thứ hai tôi đến Nhật, cách lần đầu hai năm. Dạo ấy tôi chỉ đến tham quan trong một chuyến đi trao đổi văn hoá do Bộ Văn hoá mời. Trước khi đi, ông Đại sứ Nhật tiếp và hỏi tôi muốn đi những đâu, tôi trả lời là tôi muốn thăm nông thôn và vài thành phố cổ của Nhật. Ông Đại sứ tỏ vẻ ngạc nhiên: “Việt Nam đang công nghiệp hoá, tôi tưởng ông muốn tìm hiểu công nghệ và kỹ thuật của những khu công nghiệp tiêu biểu?”. Tôi trả lời: “Những điều ấy được thấy tận mắt cũng rất bổ ích, nhưng tôi có thể tìm đọc trên sách báo, còn muốn hiểu về con người và truyền thống Nhật thì tôi muốn về nông thôn và mt vài thành phố cổ của Nhật”. Thế là trong tuần lễ trao đổi văn hoá, ngoài một vài cuộc giao đãi tiếp tân ngắn gọn, tôi dành toàn bộ thời gian về thăm nông thôn và hai thành phố cổ Kyoto được coi là thủ đô văn hóa của Nhật Bản và Kawagoe, nằm ngay cửa ngõ vào Tokyo. Tìm hiểu một vài ngôi làng Nhật Bản và hai thành phổ cổ nổi tiếng của một đất nước vươn lên từ đống tro tàn của cuộc chiến tranh với bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nakasaki, bằng ý chí tự lực tự cường, clip_image019người Nhật đã đưa đất nước mình vươn lên thành một cường quốc về kinh tế, về khoa học kỹ thuật. Nhiều câu hỏi xốn xang, day dứt trong đầu trong suốt chuyến đi.

Sau chuyến đến Đại học Waseda mấy tháng, 2013, tôi đến trường Đại học Quốc Gia Australia (ANU) dự một Hội thảo Khoa học “Viet Nam Update 2013 – Góc nhìn học thuật về xã hội Việt Nam đương đại”. Tại đây tôi gặp được nhiều đồng nghiệp quen biết cũ như tiến sĩ Terry Hull, gs Carl Thayer, gs Benedict Kerkvliet… Điều thú vị nhất là tôi được Carl Thayer mời đến thăm căn phòng làm việc của ông ở Học viện Quốc phòng Australia. Thú vị, không phải là bất ngờ được bắt tay nói chuyện với ông Bộ trưởng Quốc phòng Australia tại hành lang nhà trường, mà thú vị vì rất ngạc nhiên là trên giá sách đặt trong phòng của Carl có đầy đủ báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, dường như không thiếu một số nào. Ngạc nhiên hơn nữa là có cả báo Cứu Quốc của những năm 1945, 46. Tôi hỏi làm sao ông có đủ báo của Việt Nam như vậy, ông cười thản nhiên: “Thì tôi đặt hàng cho CIA, họ sẽ cung cấp đủ cho tôi, có vậy tôi mới nghiên cứu được chứ”. Carl đọc tiếng Việt rất nhanh và nói tương đối thạo. Ông từng là Chủ tịch Hội Hữu nghị Australia – Việt Nam. Lần đầu tiên đến Australia, ông đã mời tôi đến nhà ông dùng cơm tối. Khi ông sang Việt Nam, tôi mời cơm ông. Ông yêu cầu đi “ăn cơm bụi”. Tôi đưa ông đến phố Tạ Hiền, ăn cơm xong tôi mời ông đến ăn “chí mà phù” ở cái quán nhỏ của nghệ sĩ Phạm Bằng, để vừa ăn bát chè vừng đen (chí mà phù) vừa hỏi chuyện về nhà nghệ sĩ diễn viên kịch nói nổi tiếng phải mở thêm quán để có thêm thu nhập đủ sống. Sau cuộc dạo chơi đó, Carl nói vui với bạn bè, “Đến Hà Nội, muốn ăn ngon mà rẻ, thì cứ tìm đến Tương Lai ở Viện Xã hội học”!

clip_image021Sau chuyến đến ANU tôi may mắn có dịp đến thăm nhiều nhất là các trường Đại học của Mỹ, nơi tôi gửi năm nghiên cứu sinh theo học và nghiên cứu. Mỹ là nước đứng đầu thế giới về nhận được giải Nobel. Năng lực kinh tế của Mỹ tạo thành một nền tảng vững chắc cho nghiên cứu khoa học. Với GDP được xếp vào hàng lớn nhất thế giới, quốc gia này phân bổ các nguồn lực đáng kể để nuôi dưỡng sự đổi mới và nâng cao ranh giới của tri thức nhân loại. Mỹ luôn nằm trong top những quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển (R&D). clip_image023

Trường Đại học Mỹ đầu tiên tôi có vinh dự đươc đến thăm là Đại học Berkeley. một Viện đại học công lập uy tín hàng đầu nằm trong khu vực vịnh San Francisco, tại thành phố Berkeley, California. Xét về các ngành học, Berkeley đứng thứ tư trong lĩnh vực khoa học Xã hội. Tôi đến Berkeley là theo lời mời rất nhiệt tình của tiến sĩ Jerina. Nguyên do là quãng những năm 80, Jerina là nghiên cứu sinh của Đaị học Berkeley đến Viện Xã hội chúng tôi đề nghị giúp đỡ tìm tư liệu để bảo vệ clip_image025luận án tiến sĩ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Nay chị là một chuyên gia có uy tín ở Đại học này. Tôi có dịp tìm hiểu một cơ sở nghiên cứu, giảng dạy và học tập của một đại học được xếp vào một trong sáu trường đại học danh giá nhất thế giới (cùng với Đại học Cambridge, Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Oxford và Đại học Stanford). Chị Regina nhớ laị nhiều kỷ niệm với các cán bộ nghiên cứu của Viện Xã hội học của thời kỳ tem phiếu mà việc mời nhau đi ăn kem ở phố Tràng Tiền là hy hữu. Chị không quên chị Tâm phụ trách thư viện giúp chị tìm được nhiều thông tin, cô Phượng đưa chị về nông thôn để tìm hiểu cuộc sống của người phụ nữ nông thôn trong chiến tranh và nay vẫn đang còn nghèo nàn thiếu thốn. Và chị giới thiệu với tôi một công trình chị đang nghiên cứu hiện nay. Qua Regina, tôi hiểu được cách đào tạo nhà khoa học của Đại học Mỹ. Đây là một bài học sâu sắc khiến tôi ngậm ngùi nghĩ về mình. Đến bao giờ chúng ta mới vươn lên kịp người để có thể đào tạo được các nhà khoa học có bài bản chứ không phải người ăn theo nói leo mượn danh khoa học để đứng vào cái ghế quyền lực Phó Chủ tịch một “Viện Hàn lâm” mà tiếng đồn đến cả ông cả cha cũng không yên dưới mồ.

clip_image027Bỗng nhớ lại hình ảnh một cô gái Thuỵ Điển tôi gặp ở bãi biển Côn Đảo trong một buổi tối đi theo dõi chu kỳ trứng vích sinh nở. Để có cứ liệu bảo vệ luận án tiến sĩ, cô một mình đến đây ở nhờ trong một cái chòi của bộ đội biên phòng để tối tối ra “canh” trứng vích nở thành con. Hỏi chuyện, cô hồn nhiên trả lời: “Các anh ấy tốt lắm, họ canh cho tôi ngủ, nấu giúp tôi cơm khi tôi bận theo dõi ổ trứng vích để ghi chép, nên tôi rất vui”! Cô gái ấy là nữ sinh viên của trường Đại học Gothenburg Thuỵ Điển, nơi tôi đã đến hai lần để chuẩn bị triển khai một Dự án Nghiên cứu Xã hội học về Gia đình Việt Nam cùng với giáo sư Rita Liljestrom Chủ nhiệm Khoa Xã hội học do SAREC (Department for Research Cooperation) Bộ phận hợp tác nghiên cứu với các nước đang phát triển của Thuỵ Điển, tài trợ. Để nghiên cứu một đề tài khoa học, cô sinh viên ấy phải đến bờ biển của một nước cách xa quê hương mình đến hơn tám nghìn năm trăm cây số, nghiêm túc và can trường bám sát đối tượng nghiên cứu để, có thể đưa ra những dữ kiện chính xác cho việc chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ! Đây là một bài học cho tôi, người đang cố gắng gầy dựng một Viện Xã hội học đúng như nó cần phải thế, đúng nghĩa là một Viện Xã hội học. Đấy là dịp tôi đi cùng ông Sáu Dân trong dịp ông muốn tìm hiểu để quy hoạch lại Côn Đảo. Tôi có dẫn ông đến sặp cô nghiên cứu sinh Thuỵ Điển. Tấm ảnh tôi chụp buổi gặp gỡ ấy tôi tìm mãi không ra, tiếc quá không đưa được lên đây.

Cũng từ chuyến đến thăm Đại học Berkeley, tôi ra bờ biển sát mép nước Thái Bình Dương nhặt một hòn sỏi màu xám về đặt cạnh một hòn sỏi màu trắng tôi nhặt trên bờ biển phía đông Thái Bình Dương trong dịp tôi đến thăm trường Đại học Montreal của Canada. Đó là một chuyến đi thú vị, vì tôi được đến Đại học Vancouver nằm trên Point Grey, một bán đảo biệt lập cách trung tâm thành phố Vancouver khoảng 20 phút. Khuôn viên trường được bao quanh bởi các bãi biển, trong đó nổi tiếng nhất là Wreck Beach, vành đai xanh rộng hơn 7,63 km vuông Pacific Spirit Regional Park. Tại đây, tôi có một kỷ niệm thật ấn tượng với giáo sư Brahm Wiesman, tác giả của “Hà Nội qua con mắt của một người Phương Tây” tôi đã dẫn ra ở trên. Là một kiến trúc sư nổi tiếng, ông mời tôi đến ở nhà ông, một ngôi biệt thự xinh xắn và độc đáo xây sát vào một vách tường đá, sườn của một ngọn núi mà người ta bảo đây là một biệt thự độc nhất vô nhị ở Vancouver! Thấy cái máy ảnh của tôi bị trục trặc, ông bảo đưa ông đem đi sửa cho. Tôi ái ngại nên dùng dằng không đưa vì tôi biết chuyện này rất mất thì giờ, tôi không muốn phung phí thời gian của một nhà khoa học lớn, clip_image029nhưng ông cười: “Thỉnh thoảng tôi vẫn hay đến ngồi ở chợ, ở các cửa hàng quen biết xem người, xem cuộc sống đang chuyển động mà”. Thì ra, càng là nhà khoa học lớn thì lại càng giản dị, gần gũi với cuộc sống của mọi người, không khệnh khạng lên xe xuống ngựa để tỏ ra cao sang, oai vệ.

Từ Vancouver, tôi may mắn có dịp đi từ tây sang đông của Canada, qua Toronto đến thủ đô Ottawa và đến Đại học Montreal trong một Dự án Nghiên cứu về đô thị do SIDA (Swedish International Development Cooperation Agency – Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thuỵ Điển) trực thuộc Bộ Ngoại giao Thuỵ Điển tài trợ. Cùng di trong Dự án này còn có tiến sĩ Tô Minh Thông, Viện Quy hoạch Đô thị, giáo sư Phạm Văn Trình, Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và giáo sư Mai Hà San, Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Montreal là thành phố đông dân cư thứ hai của Canada. Đại học Montreal gồm hai trường trực thuộc École Polytechnique và the HEC Montréal, toạ lạc tại thành phố Montreal, ngay trên sườn phía bắc dãy Mount Royal. Trường có 16 khoa, 250 chương trình đại học và 350 chương trình sau đại học. Tại đây, chúng tôi được nghe những thuyết trình sâu sắc về dân cư và việc quản lý đô thị của các chuyên gia nổi tiếng trên lĩnh vực này. Càng nghe, càng hiểu ra tại sao dân Hà Nội có thể bắt cá trên vỉa hè sau một đợt mưa lớn, trẻ con ngồi trong nhà giong cần câu ra đường giật được cá chép!

Trở lại với các trường Đại học Mỹ. Sau Berkeley, tôi có dịp đến Đại học Washington Seattle, là một trong những viện đại học lâu đời và lớn nhất ở bờ Tây Hoa Kỳ. Vì không có kế hoạch làm việc với trường, nên sau khi ngắm nhìn khung cảnh rộng lớn của trường, tôi đến thăm nhà riêng của giáo sư Charles Hierhman, người bạn thân thiết của Viện Xã hội học chúng tôi. Với riêng cá nhân tôi, Charles là một nhà khoa học tôi rất mực kính trọng và thân quý. Tôi nhớ mãi những ngày tôi cùng ông triển khai một chương trình nghiên cứu về dân số học tại bốn tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Trong quá trình khảo sát tôi học được từ ông cách thiết kế một nghiên cứu khảo sát cho một mẫu hoặc cho toàn bộ dân số để hiểu được thái độ, ý kiến hành vi hoặc đặc điểm của dân số. Từ thu thập số liệu định lượng, Charles đưa ra những nhận định về sự phát triển và biến động xã hội với một cơ sở khoa học vững chắc. Đáng tiếc là công trình nghiên cứu khoa học này bị dở dang vì những lý do cá nhân, tôi quyết định từ chức Viện trưởng Viện Xã hội học vì những bất đồng với lãnh đạo. Charles cứ tiếc và nhắc lại mãi clip_image031ngay cả sau này khi hai ông bà đến thăm tôi tại nhà riêng của tôi tại thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thân sinh của Charles cũng rất gắn bó với tôi. Ở Seattle, cụ đã mời tôi đi ăn món cá hồi đặc sản ở đây, và khi đến Hà Nội, tôi đã mời cụ và hai vợ chồng Charles đến thưởng thức món chả cá Lã Vọng, cụ cũng thử nếm mắm tôm. Cho đến nay, Charles vẫn đến huấn luyện về Xã hội học cho cán bộ Xã hội học ở TP. Hồ Chí Minh do bạn tôi, anh Nguyễn Quang Vinh chủ trì. Tôi có đến dự và nói chuyện thân tình với Charles. Từng là Chủ tịch Hội Xã hội học Mỹ, một giáo sư Xã hội học có danh tiếng, nhưng ông rất giản dị, chân tình và rất yêu Việt Nam. Các tiến sĩ của Việt Nam do ông đào tạo đã trở thành những nhà nghiên cứu Xã Hội học tai năng như Vũ Mạnh Lợi. và nối nghiệp thầy, Nguyễn Hữu Minh làm Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam…

clip_image033 Rời Seattle tôi đến Đại học Brown, nơi tôi đã gửi Đặng Nguyên Anh đến làm nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ. Đại học Brown, theo tạp chí Forbes là đại học xếp hạng thứ 8 các trường Đại học tốt nhất quốc gia, Tổng thống Mỹ Fitzgerald Kennedy từng học ở đây. Tính đến tháng 8 năm 2018, 8 người đoạt giải Nobel có mối liên kết với Đại học Brown với tư cách là cựu sinh viên, giảng viên hoặc nhà nghiên cứu. Giáo sư Chủ nhiệm khoa Xã hội học đã rất thân tình tiếp đón tôi, ông giới thiệu một cách tóm tắt ngôi trường danh tiếng và Khoa Xã hội học do ông phụ trách. Tôi được bố trí ở ngay trong một căn phòng cổ kính và rất trang nhã ngay trong khuôn viên của Khoa. Trong dịp ông sang thăm Việt Nam, hai ông bà muốn thăm cố đô Huế. Đặng Nguyên Anh, tôi và con gái tôi cùng đi. Tôi đưa hai ông bà về làng Lại Thế thăm ngôi nhà vườn xinh xắn của anh tôi. Cả hai đều rất thích thú, trầm trồ ca ngợi nét cổ kính và thanh lịch của văn hoá truyền thống Việt Nam thể hiện trong ngôi nhà vườn Huế, mặc dầu ngôi nhà của anh tôi chưa phải là đẹp và tiêu biểu nhất của nhà vườn Huế. Theo đề nghị, tôi đưa hai ông bà đến thăm một ngôi chùa tiêu biểu của Huế. Vì thời gian eo hẹp nên chưa thoả mãn được những tìm hiểu kỹ càng mà một nhà xã hội học phương Tây mong muốn được hiểu về văn hoá Phương Đông với ngôi chùa là một biểu tượng sâu sắc. Đặng Nguyên Anh nay là Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. clip_image035

Ngôi trường đại học cuối cùng mà tôi may mắn có dịp đến là Đại học Chicago, trường Đại học đứng thứ 6 trong danh sách các trường đại học tốt nhất của Mỹ và Chicago là thành phố lớn thứ 3 nước Mỹ, chỉ sau New York City và Los Angeles. Với khẩu hiệu Hãy để kiến thức được làm giàu nhiều hơn; và nhờ đó làm phong phú thêm cuộc sống của nhân loại mà trường đã tạo ra được rất nhiều những nhân tài và có sự thành công vượt bậc. Nhà toán học Ngô Bảo Châu, người được giải thưởng Fields, là giải thưởng được trao cho tối đa cho 4 nhà toán học không quá 40 tuổi tại mỗi kỳ Đại hội quốc tế (ICM) của Hiệp hội Toán học quốc tế (IMU), được tổ chức 4 năm một lần, hiện đang làm việc tại Đại học nổi tiếng này. Đến nay, trường đã có 85 người nhận giải Nobel. Khoa Toán của trường hiện có 3 giáo sư đã nhận giải Fields. Giáo sư Vật lý Đàm Thanh Sơn, nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được trao huy chương Dirac – giải thưởng danh giá nhất của vật lý lý thuyết thế giới – cũng đang nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Chicago này. Khoảng năm 1980, tôi đến đây dự một Hội thảo Khoa học với tham luận “Vị thế và vai trò của Việt Nam với Khối ASEAN” do Khoa Xã hội học của Đại học Chicago tổ chức. Cuộc Hội thảo chỉ diễn ra trong hai ngày với một chương trình làm việc rất căng, phải chuẩn bị trả lời những câu hỏi khá gai góc, nên tôi không thể tranh thủ đến thăm gia đình một người bạn cũ đang ngụ tại thành phố này, chỉ hỏi thăm qua điện thoại.

clip_image037Phải đến năm sau, con gái tôi có dịp đến làm việc tại Chicago mới có điều kiện đến thăm. Cô Hồng Tuyến nhờ con đưa ra sân bay đón cháu về nhà chơi được một buổi. Thế là từ tấm Bưu thiếp đóng dấu Bưu điện Chợ Lớn tháng 9.1975 của Hồng Tuyến gửi cho tôi theo địa chỉ trường Chu Văn An tôi đã nhận được, dấu ấn của nỗi đau đất nước bị chia cắt, thì gần nửa thế kỷ, conclip_image039 gái tôi mới gặp được người đã gửi tặng con búp bê rất xinh mà cháu vẫn giữ cho đến giờ cháu đã có hai con. Chao ôi, thời gian trôi thật nhanh mà cũng thật chậm, bao nhiêu nước chảy qua cầu, trong mênh mang trời đất, quả đất tròn quá bé nhỏ để con người lại gặp con người trong những biến động dữ dội của thế sự.

Trong chuỗi biến động dữ dội ấy, những ngôi trường tôi đã đi qua, cái nghiệp tôi đã trải của nghề dạy học và nghề nghiên cứu đã đem lại cho tôi biết bao kỷ niệm buồn vui mà dòng hồi ức vẫn xốn xang những day dứt về những khát vọng của một thời dang dở. Trầm tư trong một nỗi buồn khó viết nên lời trong những gợn sóng trồi lên trên dòng chảy của hồi ức.

clip_image041Có tiếng gõ cửa, một người trạc tuổi trung niên bưng một lẵng hoa: “Mẹ tôi cho tôi đến để đưa lẵng hoa tặng thầy nhân ngày 20 tháng 11, Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Lẵng hoa rất đẹp và trang nhã. Anh hiện là cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Một dòng chảy liên tục không một chút gián đoạn trong cảm nhận về nghề và nghiệp của tôi, một thầy giáo dạy học đồng thời cũng là một người nghiên cứu từ lúc đầu xanh cho đến nay tóc bạc của tuổi U90.

Không gian đá nổi vàng chìm

Thời gian được mất đi tìm đâu đây

Câu thơ Việt Phương trong tập “Nắng” anh đề tặng tôi, phải chăng thích hợp với cái lưu luyến xốn xang về nỗi nhớ “Những ngôi trường in đậm trên dòng chảy hồi ức” của tôi.

Ngày 28. 11. 2023


[1] Tương Lai 1997. Xã hội học và những vấn đề của sự biến đổi xã hội. Hà Nội: Khoa học Xã hội, tr. 178.

[2] Cung oán ngâm khúc.

Comments are closed.