Trần Doãn Nho
Tháng 9 năm nay (2023), tôi định cư ở nước Mỹ tròn 30 năm.
Trải qua ba thập niên được nhào nặn trong xã hội mới này, tôi cảm thấy – dẫu có thay đổi rất nhiều – tôi vẫn là tôi và đón Lễ Độc Lập lần thứ 247 của nước Mỹ với nhiều suy ngẫm lan man chen lẫn những cảm giác vui, buồn lẫn lộn.
Vào những ngày lễ lớn, xuất hiện dọc theo các con đường chạy quanh nơi tôi ở – một khu dân cư gần trăm ngôi nhà thuộc K., một thị trấn nhỏ nằm trong tiểu bang Texas – là những lá quốc kỳ Mỹ khá lớn cắm trước cửa mỗi nhà, do Sở Đường Phố (Streets Department) của thị trấn thực hiện. Ai muốn có cờ cắm thì phải ghi danh và đóng lệ phí tại tòa thị chính từ đầu năm. Treo (hay không treo) quốc kỳ Mỹ là chọn lựa cá nhân nằm trong quyền tự do phát biểu, không phải nghĩa vụ, nên chẳng ai phải lo công an sẽ ghé nhà làm việc nếu không treo. Ở một vài nhà, ngoài lá cờ lớn, chủ nhân còn cho treo hàng chục lá cờ nhỏ quanh quanh bãi cỏ trông rất vui mắt. Mọi năm, nhà tôi có cờ, nhưng năm nay, bận bịu, quên ghi danh nên cả dãy cờ trên đường bỗng khuyết đi một chỗ. Tôi chạnh lòng, sai đứa cháu (sinh ra ở Mỹ) lấy lá cờ nhỏ treo vào trụ của ngọn đèn đêm nằm ngay cửa ra vào. Nhìn lá cờ nhỏ bé khiêm nhường của nhà mình nằm bất động trong lúc những lá cờ láng giềng bay phần phật theo gió, tôi áy náy, cảm thấy mình đã làm một điều gì không phải đối với đất nước đã bảo bọc gia đình tôi sau ngày miền Nam thất trận! Dẫu, thực tình mà nói, là cờ chẳng gợi cho tôi một cảm giác gì sâu đậm: đó là lá cờ của… nước Mỹ, chẳng phải là của… nước tôi!
Thị trấn K. được thành lập từ năm 1860, theo thống kê mới nhất, có khoảng 8.500 nhân khẩu, trong đó, gần 57% là da trắng, 14% da đen, 19% Tây Ban Nha & Nam Mỹ, 5% các sắc dân khác hoặc tạp chủng và 5% gốc Á. Khu vực tôi ở có lẽ cũng đủ mọi sắc dân như thế. Láng giềng quanh nhà đều là người… ngoại quốc. Trước mặt là da trắng, chồng cảnh sát vợ là cô giáo dạy mấy đứa cháu tôi ở trường cấp hai (middle school); bên phải là Albany; bên trái là Mễ; sau lưng là Á Rập. Vài ba gia đình người Á châu ở cách nhà tôi khoảng hai, ba con đường. Gặp nhau giữa đường, dù khi đang lái xe hay đi bộ tập thể dục, mọi người đều vẫy tay chào hỏi nhau một cách thân thiện. Nói chung, K. là một thị trấn yên tĩnh, bình an, ngay cả những lúc cao điểm của cơn sốt bầu cử vào các năm 2016 và 2020.
Ấy thế mà vào chiều ngày 3/7 năm nay, một ngày trước ngày lễ Độc Lập, khi vào Grill Bar, tiệm ăn “láng giềng” tọa lạc không xa khu dân cư, kiếm ly bia hơi Dallas blonde giải khát, tôi có phần ngạc nhiên khi nhìn thấy tấm biển nhỏ dựng ở ngay cửa ra vào: Please don’t talk politics here (Xin đừng bàn chuyện chính trị ở đây). Tiệm này là nơi cư dân quanh vùng thường đến đây ăn uống, nhậu nhẹt vào cuối tuần, các dịp lễ hay trong những lúc có những trận đấu thể thao. Hỏi ra mới biết, chỉ vài ngày trước đó, một trận cãi vã khá dữ dội đã diễn ra trong tiệm giữa hai nhóm cư dân về chuyện nên hay không nên treo cờ trong ngày lễ. May mà cảnh sát đã đến can thiệp kịp thời, tránh được một vụ ẩu đả hay bắn nhau mà hậu quả ít ai lường trước được.
Thực ra, trận cãi vả không chỉ là chuyện treo cờ, mà dính líu đến vô số những vấn nạn mà nước Mỹ đang phải đối phó vốn được công khai thảo luận trên khắp các loại truyền thông. Mặc dù dịch bệnh đã hoàn toàn bị khống chế, kinh tế đã có phần ổn định, lạm phát tạm thời bị đẩy lùi, nhưng sự chia rẽ giữa hai hay nhiều xu hướng chính trị mỗi ngày vẫn mỗi sâu sắc, khiến quốc gia này dường như đang tách ra thành các “nước” khác nhau, mỗi “nước” theo đuổi những chính sách riêng của mình, lắm khi hoàn toàn đối nghịch nhau. Ian Bremmer than phiền, “Thuốc chủng ngừa có thể chấm dứt cơn đại dịch, nhưng chúng ta không có loại thuốc chủng ngừa nào dùng để trị căn bệnh chia rẽ về chính trị của chúng ta.”[1]
Sự đối nghịch đó diễn ra trên nhiều lãnh vực ở ngoài xã hội và có khi diễn ra ngay trong gia đình. Các cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, nhất là từ khi khi ông Trump xuất hiện trên chính trường, cùng với cơn đại dịch đã khoét sâu thêm đối nghịch. Suốt bốn năm trong vai trò của một tổng thống “không giống ai” và rồi, một ứng cử viên thất cử cũng “không giống ai”, ông Trump đã tạo nên một tác động phân cực mạnh mẽ trong xã hội Mỹ: gia đình phân rẽ, bạn bè bỏ nhau, láng giềng thù ghét nhau. Theo kết quả thăm dò dư luận do Pew Research Center thực hiện vào tháng 9/2020, 80% những người phò-Trump hay chống-Trump đều bị mất bạn hay mất người thân. Trong bài báo “A divided America will struggle to heal after Trump era”, các tác giả Tim Reid, Gabriella Borter và Michael Martina kể lại nhiều mẩu chuyện xứng đáng được cười… ra nước mắt. Gayle McCormick, 77 tuổi, ở Vancouver, bang Washington, quyết định ly thân với chồng William, 81 tuổi, vì ông này đã bầu cho Trump. Rosanna Guadagno, 49 tuổi, một chuyên gia tâm lý tại Đại học Stanford, bang California, bị người anh ruột “từ” sau khi biết bà không ủng hộ Trump. Jacquelyn Hammond, 47 tuổi, bán rượu ở Asheville, North Carolina, không nói chuyện với mẹ từ khi biết bà ủng hộ Trump. Mayra Gomez, ở Los Angeles, 41 tuổi, bị đứa con 21 tuổi bỏ đi, không nhìn nhận bà là mẹ chỉ vì bà bầu cho Trump.[2]
Gia đình “thường dân” đã thế, gia đình “quan chức” cũng chẳng kém. Kellyanne Conway là một trong những cố vấn thân cận của Trump, nhưng chồng, George và cô con gái Claudia thì ngược lại, chống Trump tối đa. Rudy Giuliani, nguyên thị trưởng New York, người hùng của biến cố 9/11, một trong những người ủng hộ Trump không mệt mỏi, nhưng cô con gái Caroline lại ủng hộ Biden. Một tháng trước bầu cử, cô viết trên tờ Vanity Fair một tiểu luận gay gắt chỉ trích thái độ phân biệt đối xử của Trump đối với dân thiểu số, phê phán cách đối phó với dịch bệnh. Susan Rice, nguyên cố vấn an ninh quốc gia của Obama, ủng hộ Biden, nhưng cậu con trai John, lại là chủ tịch của hội “Những Đảng viên Cộng hoà Đại học Stanford” (Stanford College Republicans) nhiệt thành ủng hộ Trump.
Nhiều gia đình Mỹ gốc Việt tôi quen biết cũng lâm vào hoàn cảnh đó.
Tình trạng chia rẽ trong xã hội Mỹ trầm trọng đến nỗi, niềm tự hào được làm một người công dân Mỹ giảm sút đến một mức độ kỷ lục: 38%, theo một cuộc thăm dò gần đây của Gallup. Đây là mức thấp nhất kể từ khi viện thăm dò này bắt đầu tiến hành khảo sát từ năm 2001.
Sự chia rẽ, nói không ngoa, dường như nằm ngay trong bản chất của sự hình thành và phát triển của nước Mỹ. Có lẽ cũng ít người biết rằng, nguyên ủy của chế độ lưỡng đảng không phải là một lý thuyết, mà vốn xuất phát từ sự chia rẽ phát sinh trong hàng ngũ của những người khai sinh ra nước Mỹ ngay trong thời gian phê chuẩn Hiến Pháp liên bang (vào năm 1787) giữa một bên là những người theo chủ nghĩa liên bang (Federalists) do Bộ trưởng Ngân khố Alexander Hamilton cầm đầu và một bên là những người Chống-Chủ nghĩa Liên bang (Anti-Federalists) dưới sự chỉ đạo của ngoại trưởng Thomas Jefferson. Điều này đã khiến cho vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, George Washington, không khỏi buồn lòng. Trong bài diễn văn giã từ gửi đến nhân dân Mỹ vào ngày 19/9/1796, ông than phiền, “Bây giờ hãy để tôi có một cái nhìn toàn diện hơn và cảnh báo quý vị một cách nghiêm túc nhất chống lại những tác động tai hại của tinh thần đảng phái.”[3]
Không ai nghe lời cảnh báo của ông. Càng lớn mạnh, càng phát triển, Mỹ lại càng chia rẽ.
Khẩu hiệu “đoàn kết là sống, chia rẽ là chết” rất khó có chỗ đứng trong xã hội Mỹ. Nhìn từ đâu và từ khía cạnh nào, Mỹ không bao giờ là một khối, một thể thống nhất. Dân tộc Mỹ không hề là “đồng bào” (同胞 = cùng một bọc), nghĩa là cùng một gốc, hiểu theo huyền thoại lập quốc ở một số nước Á châu. Nó là từng mảng và từng mảng ráp vào nhau, cái thì khớp, cái thì so le, cái thì chẳng bám được vào cái gì. Vốn là “vô căn”, không truyền thống, không cội rễ, ngay từ căn bản, Mỹ đã là một nước được hình thành trên sự khác biệt; đúng hơn, trên sự chia rẽ; hay nói trắng ra, trên sự đối nghịch:
– giữa người da trắng đi chiếm đất và thổ dân Mỹ
– giữa người da trắng nước này và nước khác
– giữa người Anh định cư ở Mỹ và người Anh ở chính quốc
Trong quá trình phát triển của nó, Mỹ lại càng chia rẽ:
– giữa người da trắng làm chủ nô và người da đen nô lệ
– giữa tín đồ Công Giáo và tín đồ Tin Lành; giữa tín đồ hai tôn giáo này và tín đồ các tôn giáo khác
– giữa da trắng và da màu
– giữa di dân mới và di dân cũ
vân vân.
Cái lạ là, Mỹ không hề tan rã; ngược lại, vẫn phát triển, vẫn lớn mạnh. Trong lúc nước Trung Hoa bị Đảng Cộng sản cô đúc thành một khối “vững như bàn thạch” vẫn phải đối phó với vô số khó khắn, thì ở Mỹ, sự đối nghịch, sự cọ xát nhau giữa các thành phần xã hội cũng như các quan điểm chính trị của họ dữ dội đến nỗi tưởng có lúc làm nó tan ra từng mảnh, thì dường như lại là điều kiện làm cho nó cứ ù lì… tiến tới. Thay vì ngậm miệng ăn tiền, im thin thít trước một quyền uy tuyệt đối thì người Mỹ được quyền phê phán, chỉ trích nhau và chỉ trích nhà cầm quyền một cách thả giàn. Chia rẽ và dân chủ dường như quấn quýt lấy nhau y như thế không có cái này thì sẽ không có cái kia.
*
Ngày Lễ Độc Lập trôi qua.
Đài Fox vẫn tiếp tục chỉ trích thậm tệ chính quyền Biden. Đài MSNBC vẫn tiếp tục tố cáo cựu tổng thống Trump. Các vụ giết người hàng loạt, các vụ bắt cóc, các tai nạn… vẫn xảy ra. Hàng triệu người Mỹ vẫn đi nghỉ hè vào dịp lễ. Chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ cho Ukraina. Di dân lậu vẫn tiếp tục tràn vào Mỹ. Các dân biểu Cộng hòa Hạ viện vẫn tiếp tục điều tra đứa con trai của Biden. Ông Biden, dù bị té lên té xuống và thỉnh thoảng nói hớ, vẫn điều hành công việc chính quyền hàng ngày như thường lệ. Ông Trump bị truy tố, kêu ra tòa thì ra tòa, rồi vẫn đi đây đi đó tiếp tục cuộc vận động bầu cử quy tụ hàng ngàn người nhiệt thành ủng hộ. Trong cộng đồng Việt Nam, hai phê bênh và chống Trump vẫn tiếp tục mạ lị nhau hàng ngày qua email và youtube. Các người già vẫn tiếp tục nhận medicare. Các người lợi tức thấp vẫn tiếp tục nhận trợ cấp. Luơng hưu của tôi vẫn được trả đầy đủ và đúng hạn. Các cơ quan công quyền, chợ búa, bệnh viện, trường học vẫn tiếp tục hoạt động như bình thường. Các tòa án vẫn tiếp tục xử án trong tinh thần: không ai được đứng trên luật pháp.
Ai làm việc thì cứ làm việc. Ai chửi ai thì cứ chửi. Ai yêu ai thì vẫn cứ yêu.
Nước Mỹ vẫn cứ là nước Mỹ, mở toang cửa ra cho cả thế giới nhìn vào.
Chia rẽ thì vẫn cứ chia rẽ, mà dân chủ thì vẫn cứ dân chủ. Chẳng có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy nước Mỹ sẽ suy yếu hay sẽ sụp đổ hay sẽ biến mất trong một thời gian có thể thấy trước.
TDN
(July 4th, 2023)
______________________
Tham khảo:
– Tim Reid, Gabriella Borter, Michael Martina, A divided America will struggle to heal after Trump era.
https://www.reuters.com/article/usa-election-trump-families-idUSKBN27I15T
– Ian Bremmer, Why America Is So Divided (Time Magazine)
https://time.com/5929978/the-u-s-capitol-riot-was-years-in-the-making-heres-why-america-is-so-divided/
– Gallup, Record-Low 38% Extremely Proud to Be American
https://news.gallup.com/poll/394202/record-low-extremely-proud-american.aspx
– Library of Congress, Creating the United States – Formation of Political Parties
[1] Vaccines can end pandemics after all, but we don’t have a vaccine for our political divisions (Ian Bremmer)
[2] Dẫn theo Tim Reid, Gabriella Borter, Michael Martina, A divided America will struggle to heal after Trump era.
[3] Let me now take a more comprehensive view, and warn you in the most solemn manner against the baneful effects of the spirit of party generally. (George Washington, Farewell Address, September 19, 1796)