Ở chỗ mình

Truyện Hà Thúc Sinh


Lửng lơ, như chút gió, chút hơi lạnh thoảng qua, không chạm vào ai, vào cái gì. Nhẹ nhàng, như không hề gây chấn, cả ở bên trong lẫn bên ngoài. Vậy mà vẫn buốt những cơn đau êm…; vì êm nên có thể kéo dài tới vô tận mà người ta chẳng còn muốn xuýt xoa, chẳng bị cào xé tới mức gào thét, là cách hay nhứt để sống chung mãn đời cùng nó…

Truyện của Hà Thúc Sinh cho người đọc cảm nhận ấy, vô định mà luôn có điểm rơi.

VĂN VIỆT

Vầng trăng sáng như quả cam tắm mưa ngó xuống con đường dài hút. Trời đỡ lạnh nhưng mùa xuân mới chỉ thoáng một âm hao hứa hẹn. Cây cối  tháng ba còn vẽ lắm nét khô khốc lên bầu trời đêm vằng vặc u hoài. Có  tiếng còi tàu leo dốc rúc xa xa; tiếng còi tàu đêm cuối đông nặng nề, thấm thía; nó khiến người ta thấy cô đơn nhưng bởi đó người ta biết mình còn sống.

“Anh uống hết ngụm cà phê đi, còn chuyện này”.

Nghe tiếng khẽ giục, thốt nhiên lòng Hoàng cộm một cảm giác ngao ngán khác thường, không truy nguyên được, và cũng hiểu ngay khó chia nó cho ai được.

Hoàng mới đến đây vài tháng. Thành phố nhỏ ít quen biết qua lại. Cuối tuần anh hay ghé Phượng như một địa chỉ khó tránh. Hơn thập niên trước hai người gặp nhau trong một lớp kế toán bên miền tây, lâu lâu ngó nhau thăm dò, xa lạ; gặp lại bên này lại hoá thân, hoá gần gũi. Nàng hay choàng thêm cho chàng chiếc áo ấm của nàng mỗi khi hai người ra ngồi ngoài hàng ba. Chàng thích mặt tiền ngôi nhà. Nó nhìn xuống con đường độc đạo, nhấp nhô dẫn qua một công viên, một nghĩa trang rồi đến một khu rừng xa – chỗ chàng thường hy vọng có thể giúp chàng giam mình thật lâu vào một ý tưởng. Nàng khác. Nàng cần một người nghe kể những chuyện gay go mình đã đối phó với đời sống trong tuần. Và kiêu hãnh sống sót. Có thể nàng nghĩ trong thế giới thừa tĩnh lặng như của chàng người ta cần nghe một chút xao động, và tin chàng không là kẻ đi ngược điều tự nhiên ấy. Chàng hiểu. Nàng vụ thực, và vì thế nhu cầu của nàng là sự yên ổn chứ không yên tĩnh. Với nàng, có lúc kẻ thù ghê sợ nhất chính là một đời sống không tiếng va chạm.

Bỏ ngang một ý tưởng không thể tượng hình, chàng thốt hỏi, như đùa:

“Chuyện gì thế. Nhưng để hỏi em đã. Hai niềm vui cộng lại là gì Phượng ha?”.

“…?”.

“Niềm vui lớn?”.

Nàng khẽ cười:

“Lại điên!”.

Mặc, chàng lại hỏi:

“Thế còn hai cô đơn?”.

Phượng cầm hai chiếc tách đứng lên. Chàng đành lần mò trở lại với mẩu ý tưởng dang dở vừa lúc khám phá ra một điều đáng sợ: tối nay hồn chàng giống làm sao một lòng giếng cạn thấy đáy.

Một lát Phượng trở ra, hỏi:

“Anh ăn bát bún thang nghe. Nước ngọt lắm”.

Chàng lừng khừng giây lát mới nói:

“Thôi”.

“Thế để bụng đói vậy sao?”.

“Ăn hôm qua rồi”.

Phượng nắm tay chàng kéo lên:

“Nói cứ như đùa. Anh không ăn không cho anh ở lại”.

Hoàng cười thầm. Phụ nữ thương họ có lối ghì giữ kiểu tài tình như vậy.

Ngồi vào bàn ăn, chàng thành thật:

“Ăn xong anh về”.

Phượng vừa đặt bát bún nóng trước mặt chàng, vừa mỉm cười:

“Khi nãy anh hỏi gì nhỉ?”.

“Hỏi gì?”.

“Cái gì cô đơn đó”.

“À, hai…”.

“Em nhớ, giờ trả lời nghe: thành khối nước đá!”.

***

Hoàng dừng xe bên công viên, tắt máy ngồi lặng giây lâu. Dưới trăng, những cây khuyển mộc biểu tượng của tiểu bang như đang âm thầm rạo rực nở. Phượng bảo nàng thích loại hoa bốn cánh có bốn màu đỏ, hồng, trắng và mỡ gà này. Nó bền, phô nhiều sức sống. Nàng có cho chàng xem một quyển sổ tay. Sổ chẳng chép gì ngoài bốn đoá hoa ép cho từng năm.

“Thấy không”. Nàng nói. “Bốn mươi đoá là mười năm em sống chốn này”.

Chàng hỏi:

“Năm nay sao?”.

Nàng cười buồn:

“Năm nào cũng thế, đợi hôm lòng hớn hở nhất em mới ngắt hoa ép vào trang giấy. Năm nay hoa đã nở cả tuần”.

Xe chạy chậm qua khu nghĩa trang. Những cánh hoa tàn dần trong đầu Hoàng, thay vào là hiển hiện khuôn mặt lắm ưu tư, lắm hoài vọng của người bạn mới qua đời. Tai chàng còn thoảng câu nói, “Mình dạy thêm ba năm nữa sẽ hưu non vài năm. Hy vọng lúc ấy thay đổi, mỗi năm mình về dạy lũ trẻ bên nhà sáu tháng, dạy chùa, trở lại bên này sáu tháng, làm lai rai kiếm tiền. Còn lắm chuyện phải làm; có làm mới mong thoát cái ghê sợ của đời lưu dân cứ thao thức bởi ý tưởng bị xé đôi, và ghê sợ hơn nữa mỗi nửa người ấy lại bị đòi hỏi phải sống trọn vẹn như một con người. Nhưng này, cạnh tớ sẽ có cậu đấy chứ?”. Chàng hơi nghiêng đầu như trách nhỏ một người bên cạnh, “Bạn nhảm, tôi bên đó với bạn mười lăm năm bạn bền bỉ gieo hoài vọng, tôi vừa dời sang đây thì bạn bỏ đi. Bạn chơi khó tôi quá!”.

Lại có tiếng còi tàu khi xe Hoàng chạy qua cánh rừng. Tiếng còi vang dội cách hung hãn không ngờ. Chàng thốt hoảng sợ chẳng biết chuyến xe sẽ từ hướng nào lao tới, và cũng không biết mình đang đâu, không biết tiến thối thế nào. Rồi chuyến xe rầm rập lướt qua mặt chàng không xa. Nó như con quái vật đen dài bất tận, điên khùng lao dưới đêm trăng từ một nơi không rõ đến một chỗ không biết. Chàng thấy bóng người tài công đứng bất động như một kẻ chỉ trừng trừng ngó về phía trước. Những ô cửa sáng đèn soi rõ các toa xe không người. Chàng tự hỏi sao giờ này lại có chuyến xe kỳ lạ đến vậy. Chàng mở hé kính xe. Một hương thơm ngây ngất lãng đãng tràn vào – thứ hương thơm của hoa cam hoa chanh tháng này thường nở sau vườn nhà bạn chàng cách đây gần hai ngàn dặm, và chàng đã biết chắc nó không hề có ở chốn này.

Ngọn đèn hiệu của toa sau cùng đã tắt ngấm trong rừng sâu. Hoàng nhìn theo, vuốt trán; trong hơi lạnh của đêm mà chàng xuất hạn đầm đìa. Đó là lần đầu, chàng nhớ ra, sau nhiều chục năm rời bỏ tuổi thơ chàng bắt gặp lại một cậu bé yếu đuối run rẩy; cậu ta đang mang mối kinh sợ mơ hồ nhưng không thể chịu đựng nếu không có một người thứ hai chia sẻ.

Xe đem Hoàng trở về lối cũ.

***

Chỉ vầng trăng nghe rõ những gì ở hai kẻ thức khuya lấy chuyện lòng đem kể. Và chỉ những đốm sao hiểu được những tản mác giữa họ đôi khi xảy ra từ những mâu thuẫn sâu kín vốn có trong bản chất. Nhưng một tâm hồn kinh mang và một tấm lòng nhân hậu tự nó có sức hút lẫn nhau, dẫu hai đối tượng có là thế nào.

Sau cùng Hoàng khẽ thở dài:

“Cứ làm lại cuộc đời, nhúm lại nhiệt huyết, gây lại hy vọng. Thật là dễ sợ!”.

“Em hiểu. Đời người có thể gỡ gạc nhiều thứ, trừ ngày xanh. Nhưng Hoàng ạ, nghe dại em đi, cứ nghĩ mình vừa thoát sang đây hôm qua, tuần qua, mình sẽ thấy mình đầy đủ không thiếu thứ gì, kể cả sự hăm hở làm lại”.

“Phượng có phúc”.

“Chết, anh không có ý vơ sự bạc phúc vào mình đấy chứ? Nào, cho em nói thêm. Nhớ lại những năm trước coi, hồi mới sang còn lóc cóc đi học, mỗi sáng thức dậy trong ác mộng còn vây bủa, tự nhiên mình nảy được một lẽ sống và lúc đó mình đã hớn hở thừa nhận ngay nó là một thắng lợi đáng kể, phải không?”.

“Xưa khác, giờ khác”.

“Thời gian không khác, chỉ mình tự đổi khác”.

“Thôi, khuya lắm rồi, anh về đây”.

Có tiếng cười thoảng nhẹ, rồi giọng Phượng nữa giễu cợt, nửa khiêu khích:

“Không có chiến thắng cho kẻ bỏ cuộc đâu nhá. Anh sẽ về nếu muốn, nhưng phải cho em nói hết ý em chứ”.

Nói rồi Phượng thản nhiên duỗi hai chân gác trên chiếc ghế trống, khoan khoái như kẻ vừa vượt một con đường dài. Nhưng chỉ thoáng cái nàng lại nghĩ đến chàng. Chàng như một thứ thuỷ tinh trong suốt dễ vỡ. Nhưng chàng lại cứng đầu. Dẫu sao nàng yên tâm vì chính đó lại là một phần của sự lôi cuốn ở chàng. Làm sao để thuyết phục chàng cuối cùng quý nhất chỉ có sự sống, sống vui. Làm sao để chàng tin rằng người bạn chàng đã qua đời trong hy vọng, và sự tuyệt vọng chỉ là ánh mắt lệch lạc nhìn theo của người còn sống. Chàng đã đứng lên rồi. Chàng dỗi, hay chàng cần thêm một đêm tĩnh lặng để suy nghĩ, để quyết định về một hướng mới? Thốt nhiên Phượng cũng đứng lên theo, nói như reo vào vai chàng bằng niềm hoan lạc thật lòng:

“Đứng chỗ này thấy trăng đẹp quá anh ơi!”.

“Ừ”.

“Mà phải đứng ngay chỗ mình cơ, anh đồng ý không?”.

“Đồng ý gì?”.

“Đứng chỗ mình mới thấy đáng yêu nhất chỉ hôm nay, vì hôm qua trăng chưa tròn và ngày mai trăng sẽ khuyết”.

Phải lâu lắm Hoàng mới quay lại. Khuất trăng mặt chàng tối đi nhưng nụ cười lại nở sáng như một đoá khuyển mộc trắng. Cơn gió lạnh cuối mùa từ khu rừng xa bò hết con đường xốc tới.  Chàng nhẹ nắm tay nàng, và rất mau quên đi sự chừng mực cố hữu, chàng xoa xiết nó như kẻ mới tình cờ vớ được một nỗi vui.

Giọng nhỏ mà ấm, Hoàng bảo:

“Vào thôi, mai Phượng ngắt hoa là vừa”.

Comments are closed.