(Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện)
-
Sau 44 năm không còn tiếng súng đạn pháo, liệu tháng Tư 1975 trong lòng bạn vẫn còn là tháng Tư đen, và mỗi người trong chúng ta dường như đều có mỗi cách riêng để nghĩ về hoặc truy điệu cho Ngày 30/4 chăng? Ví dụ bạn có cảm hứng sáng tác một chút thơ “riêng tư” nào cho tháng Tư như thắp lên nén hương lòng chẳng hạn? Nếu bạn không làm thơ thì bài thơ tháng Tư hay tác phẩm nào khiến bạn xúc động nhất, tỷ như lúc trước tôi rất tâm đắc những linh cảm tiên tri của thi sĩ Vũ Hoàng Chương trong mấy câu thơ: “Nhổ neo rồi thuyền ơi xin mặc bến”, hoặc “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ”,…
Thận Nhiên:
Thật ra, sau ngày 30/04/1975 thì Việt Nam vẫn còn hai cuộc chiến tranh với Campuchia và Trung Quốc chứ không hẳn không còn tiếng súng như chị nói, và chúng không kém phần đẫm máu, nhưng có vẻ như nhà nước Việt Nam không muốn nhắc đến, hay muốn hư vô hóa chúng đi; điều này làm tôi có cảm tưởng như trong mỗi thời đoạn xương máu người Việt không được xem bình đẳng, xương máu cũng bị cân đo theo sự thay đổi của thời cuộc.
Tuy sự kiện 30/04/1975 là một dấu ấn đậm nét tệ hại trong chiều dọc thời gian của đời mình nhưng trong tôi không có cái gọi là “tháng Tư đen”. Với ai khác thì tùy, nhưng riêng mình, tôi không thú vị với ý tưởng bôi đen hay tô đỏ lên tên của một tháng như vậy. Chỉ gọi nó một cách trung tính là ngày 30/04/1975, không phải đặt tên theo cảm xúc cho một thời điểm lịch sử. Khi có hứng, hay tinh thần có nhu cầu, thì tôi sẽ viết chứ không nhất thiết “thắp lên nén hương lòng” vào mỗi năm như một món nợ phải trả định kỳ. Thỉnh thoảng tôi vẫn viết lai rai những cảm xúc của mình về chiến tranh. Văn Việt trả lời rằng sẽ đăng loạt 5 bài thơ thời hậu chiến của tôi trong dịp này. Và dưới đây là một bài thơ khác, bài này tôi viết vào 2013, giờ đọc lại, rồi viết thêm một câu cuối.
kỷ vật chiến tranh
trong đêm đầu tiên không còn tiếng súng
chúng tôi chất vỏ xe, quần áo lính, giầy sô, bàn tủ ghế hư
và đủ mọi thứ
mà người ta vất bỏ sau cuộc chiến
thành một đống giữa ngã tư đường
chúng tôi đốt lửa
nhảy múa và hò reo
sòn đố mì la fa son…
hòa bình, hòa bình đã đến
lửa tàn
cơn hứng khởi nguôi
mọi đứa trẻ trở về nhà
tôi lượm cái mũ sắt về làm cối giã
đám con nít không còn nhảy múa
chúng bắt đầu hát theo loa
sóc bom-bo, tiếng đàn ta-lư, lá đỏ, trường sơn đông tây,
mùa xuân trên thành phố…
những giọng hát cao lanh lảnh
cọc cọc cọc cọc…
tôi giã củ mì khô theo điệu nhạc
kẻ chết để tang người sống
-
Nếu chỉ một lần cần quay lại cuốn phim Hà Nội vứt bỏ Hiệp Định Đình Chiến Paris, để mang danh nghĩa giải phóng Miền Nam, giữa đôi mắt “quan sát” ráo hoảnh của Liên Hiệp Quốc, liệu bạn còn nhớ cảm giác hụt hẫng mất mát, khi cả nhà cùng mở đài phát thanh nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng kéo cờ trắng buông súng? Cảm giác sững sờ tê điếng ấy nếu có thử hỏi có giống giống cảm giác lặng người bên vỉa hè Sài Gòn chan hòa nắng đẹp tự do của nhà văn Dương Thu Hương, vì chợt nhận ra chiếc mặt nạ bịp bợm tuyên truyền dối trá của cách mạng giải phóng? Thật tình hình ảnh vẫn còn ghi đậm trong tâm trí của bạn về Ngày 30/4 là gì? Bạn có chứng kiến cảnh những người lính VNCH cởi quân phục vất đầy đường, hay đại khái những âu lo tang thương “khi đàn bò vào thành phố” như thế?
Thận Nhiên:
Năm đó tôi 13 tuổi. Thú thật, tôi không có cảm giác hụt hẫng mất mát, hay sững sờ tê điếng gì cả vào buổi sáng hôm ấy khi nghe radio, với ba và chú tôi, ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Thậm chí ngược lại, tôi thở phào nhẹ nhõm, có chút mừng vui, nghĩ rằng mình và gia đình đã thoát chết, chiến tranh chấm dứt, vậy là hòa bình rồi, mình sẽ không đi lính và chết trận, Sài Gòn sẽ không thành chiến địa tang thương, và từ lúc này lịch sử đã sang trang, mình sẽ góp tay xây dựng lại từ đầu.
Sự tệ hại chỉ bắt đầu từ vài tháng sau đó.
Hình ảnh vẫn còn ghi đậm trong tâm trí về ngày 30/4 là một người bị trúng đạn chết ở kho Tân Cảng, tôi đến đó lấy gạo trong kho vác về. Tôi đạp dép lên vũng máu của ông ấy, chiếc dép sút quai, trầy trật nhầy nhụa máu và gạo. Lòng tự hỏi sao anh ấy lại chết vào buổi sáng hòa bình? Sao lại có sự vô lý đến như vậy?
Tất nhiên, tôi cũng thấy những người lính VNCH vượt sông Sài Gòn, vất quân phục quân trang, rồi tan hàng. Một nhóm khác đã bố trí súng đạn để tử thủ ở cây cầu bắc sang Thanh Đa, nơi tôi đang sống, cũng thu xếp rút đi. Tôi cảm thương, vì đó là hình ảnh của một thế hệ, những người thân thiết trong gia đình tôi. Tôi cầu mong họ về với gia đình bình an.
Lo âu? Có, nhưng lúc ấy không có nỗi lo âu nào lớn hơn nỗi lo sẽ chết đi trong chiến tranh, mà nay nó đã không còn. Thế nào đi nữa thì chúng tôi là những người sống sót.
Cũng như cụm từ “tháng Tư đen” ở trên kia, tôi nghĩ cụm từ “đàn bò vào thành phố” cũng là một sự biểu thị không thích đáng. Hãy thẳng thắn và trung thực. Dù sao vào thời điểm đó họ – đội quân miền Bắc – là những người thắng trận, cách gọi ví von bỉ thử như vậy chỉ nói lên thứ tâm lý AQ. Gọi họ là bò, mình là người mà thua bò thì quá tệ, đúng không nào?
Tôi nghĩ, họ – những người lính miền Bắc trong buổi sáng hôm ấy – là những kẻ may mắn đã sống sót sau một cuộc chiến ngu xuẩn được dẫn dắt bởi bọn lãnh đạo sắt máu theo chủ nghĩa Cộng sản, theo Nga theo Tàu, phản bội dân tộc. Và những người lính miền Nam là những thanh niên không may mắn, ngay cả khi sống sót, trong cuộc chiến bị định đoạt bởi một đồng minh bội tín, và bộ máy cầm quyền rệu rã vì tham nhũng.
-
Với chính sách ngu dân, Việt Cộng đã mở những chiến dịch truy lùng truy diệt và thiêu hủy toàn bộ sách vở sách báo của văn hóa, văn học Miền Nam. Họ còn trâng tráo đến độ quy tội đó là thứ văn hóa nô dịch, đồi trụy, phản động. Nghe nói học giả Vương Hồng Sển đã có lần viết thư năn nỉ họ và tuyên bố đòi được chết theo sách, nếu toàn bộ sách quý trong thư phòng của ông bị đốt cháy. Bạn nghĩ gì về “tội ác” cố tình diệt chủng nền văn minh văn hóa của Miền Nam này? Và giả thử bạn cũng là nạn nhân của một tủ sách gia đình đáng quý, liệu bạn xử trí ra sao lúc ấy? Còn nếu bạn đã lên tàu vượt biên hay di tản, thì thử hỏi cuốn sách nào vào thời buổi đó được bạn vội vã trân quý mang theo? Tôi nghe nhà thơ Trần Mộng Tú nói là chỉ kịp vác theo cuốn Truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm thì phải?
Thận Nhiên:
Chuyện truy lùng và thiêu hủy sách vở, văn hóa miền Nam thì nhiều người đã nói, không có gì mới để nói thêm. Có nhắc lại thì cũng không thể làm cho nó trở nên tệ hại hơn. Ba tôi là nhà giáo, ông cũng mang mấy bao tải và thùng giấy đựng sách tiếng Anh, tiếng Pháp giao nộp cho mấy tay Cách mạng Ba mươi chất lên xe ba gác mang đi. Chỉ vất sách ngoại ngữ vì ông nghĩ đơn giản là cách mạng chống Pháp và Mỹ, còn tiếng Việt thì vô hại với họ. Ngờ đâu! Tôi chỉ hơi hơi tiếc, nhưng sau một biến cố lớn như vậy thì sách vở không còn là thứ quan trọng thiết yếu; và trong cơn bão lớn của thời cuộc, của lịch sử, thì tâm trí mọi người như bị ngây mê, vùi đi mọi cảm xúc. Giữ được cái mạng mình là may rồi, sá gì mấy cuốn sách, và thực tế là lúc đó sách không quý bằng gạo, nước mắm, đồ hộp, nhưng thứ có thể ăn được.
Năm sau, 1976, tôi bắt đầu lần lượt mang những cuốn tự điển trong nhà ra chợ trời bán. Tôi thành chuyên gia bán tự điển và sách cũ từ vỉa hè Lê Lợi đến chợ Đặng Thị Nhu. Chỉ sách còn giữ lại trong nhà, tất cả khoảng 20 cuốn tự điển và nhiều chủng loại, tác giả khác nhau. Từ Dương Quảng Hàm, Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Tuân, Trần Trọng Kim… và nhiều tác giả ngoại quốc khác đều nằm chung sạp. Tiền bán mỗi cuốn, mỗi bộ, đủ cho mẹ tôi đong gạo một ngày. Từ dạo ấy, tôi cảm nhận giá trị tri thức một cách thiết thực hơn khi nó được quy ra lương thực. Tri thức càng dày, càng xưa cũ, thì nồi cơm độn càng nhiều cơm hơn khoai sắn. Tôi tiếc nhất là cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Nó ra đi sau cùng.
Nếu tôi đã lên tàu vượt biên hay di tản, thì thử hỏi cuốn sách nào vào thời buổi đó được vội vã trân quý mang theo ư?
Nếu có thể mang theo đường, gạo, nước, thuốc men… thay vì mang sách thì tôi sẽ mang theo những thứ đó. Nhưng nếu chỉ được mang theo sách thôi thì tôi xin đi tay không để dễ xoay xở thoát thân, để chạy cho lẹ, như khi bị công an rượt chẳng hạn. Na [mang – Văn Việt] theo sách trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy để ngày sau trau dồi tri thức, để làm sang đẹp tâm hồn ư? Không, nó không thực tế. Và, đỏm dáng.
-
Cách đây khoảng hơn một năm, không chỉ trong giới cầm bút mà hầu như đâu đâu cũng nghe người ta bàn tán về một thứ hội nghị gặp gỡ giao lưu kiểu hòa hợp hòa giải dân tộc về văn học văn chương trong và ngoài nước, do chủ tịch Hữu Thỉnh của Hội Nhà văn Việt Nam chủ xướng gọi mời. Hẳn nhiên khi đụng phải phản ứng từ chối mạnh mẽ của nhà văn “quân đội” Phan Nhật Nam, người ta cũng đâm ra muốn đặt lại vai trò liệu nhà văn có thể lãnh nhận sứ mệnh to tát như thế để mở ra những cuộc đại đoàn kết dân tộc? Thật tình hễ nghe người ta “khuyên bảo” về hai chữ đoàn kết, tôi không biết có bao giờ họ muốn dang tay ra đoàn kết với người dân… thật, hay chỉ cốt đoàn kết có tính cách cục bộ trong những đảng viên của Hội Nhà văn Việt Nam với nhau mà thôi? Và như thế bạn nghĩ có phương cách gì để những vết thương được ngừng ung mủ, chảy máu? Thử hỏi làm sao để chúng ta có thể “giải phóng” những uất ức của Ngày Quốc Hận 30/4, và sau 44 năm liệu ai mới thực sự giải phóng ai?
Thận Nhiên:
Những người đã chết thì chắc không cần phải hòa giải với nhau, hoặc có thì những người còn sống không thể biết.
Cơ hội và sự cấp thiết của việc hoà giải của hai bên thuộc thế hệ đã từng cầm súng giết nhau đã trôi qua và không còn. Hiện nay thế hệ những người đã tham dự vào cuộc chiến của cả hai bên Nam Bắc đã lùi dần và sắp đi khuất khỏi chính trường cũng như đời sống. Họ, những người không còn thủ vai chính trong xã hội, thậm chí sắp chết, thì có hoà giải hay không cũng đã muộn rồi. Những ông cụ trên dưới 80 tuổi chẳng cần hoà giải với nhau để ngồi uống trà đánh cờ, đàm đạo chuyện thế thái. 44 năm rồi mà họ đã không hoà giải được với nhau, thì vấn đề đó hoàn toàn vô vọng, không thể giải quyết được, và không còn cần thiết nữa.
Vấn đề của hôm nay, mâu thuẫn của hôm nay, đều đã khác. Nói theo giọng hoa hoè hoa sói là lịch sử đã sang trang. Hiện nay, vấn đề mâu thuẫn là giữa đảng Cộng sản và nạn nhân, là nhân dân; giữa bọn lăm le phản quốc, bán nước cho Trung Quốc, và nhân dân. Hoà giải đã là cái kẹo cao su không còn chất ngọt, chỉ còn bã, thì nhai làm gì nữa?
Vai trò của nhà văn trong thời đại này chẳng là gì cả, nếu có là sự hoang tưởng tào lao. Nhà văn chỉ có khả năng khiêm tốn là nói lên những cảm nhận trung thực về thực trạng đời sống theo cách riêng của mỗi người, vậy thôi. Việc “nghĩ có phương cách gì” là nằm ngoài khả năng của tôi, và họ.
Như đã giải thích trên kia, với tôi, ngày 30/04/1975 là một ngày không cần đặt tên, và hoàn toàn không có cái “Ngày Quốc Hận 30/4” hay “tháng Tư đen”. Cuộc chiến tàn khốc ấy đã kéo dài hơn 20 năm, thì phải chấm dứt bằng một cách nào đó. Nó không thể kéo dài thêm nữa. Cách nó thật sự chấm dứt không thể làm vừa ý hai bên và tất cả mọi người.
Lại nữa, câu hỏi “ai mới thực sự giải phóng ai?” lại là một cụm từ mang tâm lý AQ khác. Chẳng có ai hoàn toàn giải phóng ai cả. Chẳng ai đại thắng và chẳng ai đại bại cả!
Nhưng cuộc chiến đó là sự thất bại đau đớn cho cả dân tộc Việt Nam. Nên nhìn lại để hiểu chúng ta nhược tiểu như thế nào!