Phan Vũ – Kỷ niệm và Tiễn biệt

Nguyễn Trọng Chức

Phan Vũ – Những ngày Đà Nẵng

Vậy mà đã gần tròn sáu năm kể từ ngày nhà thơ – họa sĩ Phan Vũ ra Đà Nẵng cùng tôi trong một chuyến rong chơi thật đặc biệt và đáng nhớ, mang dấu ấn một chuyến hành hương về quê nhà của tác giả “Em ơi, Hà Nội phố”. Và cũng đến giỗ đầu của ông rồi, nhanh quá!

Đâu giữa tháng 8-2014, nhà văn Thái Bá Lợi từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, nhắn gặp tôi để ngồi cà phê với nhau. Trong câu chuyện, tôi nói với anh Lợi một ước muốn của ông Phan Vũ từng bày tỏ với tôi, khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Số là, một lần gặp ông trước đó, tôi có kể về chuyến đi Đà Nẵng gần đây của mình. Thật bất ngờ khi nghe Phan Vũ bảo rằng đã lâu lắm rồi chưa có dịp về thăm quê cha đất tổ bên bờ sông Hàn. Dù rất thân với “đại lão – thi họa sĩ” nhưng lâu nay tôi vẫn đinh ninh quê quán của ông là đất Cảng. Hóa ra không phải. Cụ thân sinh Phan Vũ sinh trưởng ở Đà Nẵng nhưng sớm rời nơi chôn nhau cắt rốn ra Hải Phòng lập nghiệp để rồi cậu bé Phan Vũ chào đời ở đó năm 1925. Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Vũ đã có dịp về thăm bản quán nhưng rồi từ ngày đó cho đến tuổi đại thọ ông chưa lần nào trở lại. Ông rất muốn đến Đà Nẵng có lẽ là lần cuối trong đời nhưng chưa biết làm cách nào khi tuổi cao sức yếu. Sau lần gặp đó, tôi cứ nghĩ phải làm một điều gì đó cho Phan Vũ bởi ông đã kề cận tuổi chín mươi rồi.

Tôi cũng có những ngày thơ ấu đẹp đẽ ở Đà Nẵng và vẫn thường đến với thành phố này, nơi tôi có nhiều bạn bè, thân hữu cùng nhiều kỷ niệm êm đềm của thời tuổi nhỏ. Rồi tôi chợt nghĩ, sao không tổ chức một triển lãm tranh cho họa sĩ lão thành Phan Vũ trên quê hương Đà Nẵng của ông. Nếu được bạn hữu giúp sức điều đó không quá khó khăn. Đó là những gì tôi trao đổi với anh Thái Bá Lợi và được nhà văn nhận lời giúp đỡ ngay. Với tư cách giám đốc chi nhánh miền Trung & Tây nguyên của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, anh Thái Bá Lợi đã nhanh chóng kêu gọi được sự hỗ trợ cho chuyến trở về quê nhà của Phan Vũ. Vé máy bay và phòng khách sạn cho ông đã có một mạnh thường quân tài trợ; 20 bức tranh vẽ trong nhiều thời kỳ của ông được đóng gói và vận chuyển bằng hàng không đến địa chỉ gallery La Tour Eiffel bên sông Hàn, mà chủ nhân là họa sĩ kỳ cựu Vũ Trọng Thuấn, cũng là người tài trợ không gian triển lãm cho Phan Vũ. Mọi việc diễn ra thật tốt đẹp.

Ngày chúng tôi ra sân bay để đến Đà Nẵng, Phan Vũ không giấu được sự bồn chồn, xúc động. Có một thủ tục nho nhỏ phải thực hiện lúc check-in: do nhà thơ đã quá cao niên nên tôi phải ký giấy tờ chịu trách nhiệm về sức khỏe của ông trong chuyến bay nếu như có tình huống xấu xảy ra. Tôi nhìn Phan Vũ: ông vẫn thật tráng kiện, tươi tỉnh, đôi mắt còn tinh anh lắm! Thế là tôi ký giấy cam đoan (sau này, khi chúng tôi về lại Sài Gòn, cô Việt Nga – con gái lớn của Phan Vũ – còn bảo: “Anh liều thật, bọn em chả dám đâu!”. Thật ra, trước đó tôi đã biết được tình trạng sức khỏe của nhà thơ, biết được huyết áp của ông ổn định, biết ông vẫn minh mẫn đến độ khó tin ở một người tuổi tác như thế). Xuống phi trường Đà Nẵng, anh Thái Bá Lợi và các bạn ở văn phòng nhà xuất bản đã đứng đợi ở cửa với hoa tươi chào đón. Phan Vũ nhận bó hoa với nụ cười rạng rỡ, trông ông trẻ hẳn lại.

Chiều hôm ấy, chúng tôi bắt tay ngay treo tranh tại gallery La Tour Eiffel. Có sự hỗ trợ nhiệt tình của các họa sĩ trẻ ở Đà Nẵng. Một affiche lớn được họa sĩ Phan Ngọc Minh thực hiện treo trước phòng tranh với chân dung tự họa của tác giả và tiêu đề “Phan Vũ – 90 năm trở về quê hương Đà Nẵng”. Dù năm 2015 mới là kỷ niệm sinh nhật thứ 90 của “đại lão – thi họa sĩ” nhưng anh Thái Bá Lợi và tôi nghĩ rằng triển lãm này là một món quà mừng sinh nhật sớm Phan Vũ, bởi khó có cơ hội thứ hai để tổ chức một kỷ niệm như vậy cho ông.

Chiều 28-8-1014, trong không khí ấm áp và thân tình tại gallery La Tour Eiffel đã diễn ra một cuộc gặp gỡ của người con Đà Nẵng đi xa trở về với anh em văn nghệ sĩ, trí thức, thân hữu ở địa phương. Sau khai mạc phòng tranh Phan Vũ, tác giả bài “Em ơi, Hà Nội phố!” đã đọc vài khổ thơ trích từ thi phẩm nổi tiếng của ông trong tiếng đệm đàn guitar của họa sĩ Tôn Thất Bằng, một gương mặt hội họa quen thuộc ở Đà Nẵng đã có nhiều triển lãm tranh tại TP. Hồ Chí Minh. Có người lên sân khấu hát ca khúc được Phú Quang phổ nhạc từ thơ Phan Vũ… Và thật bất ngờ khi ông Bùi Công Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học – nghệ thuật TP. Đà Nẵng nhận họ hàng với nhà thơ – họa sĩ Phan Vũ. Đó là khi Phan Vũ thổ lộ về nguyên quán của mình, về làng quê và nhà từ đường dòng họ của Trần Hồng Hải – tên khai sinh của Phan Vũ – thì ông Bùi Công Minh nhận ra nhân vật của chuyến trở về quê hương Đà Nẵng này chính là một người bác họ của mình. Để rồi cách xưng hô “anh – tôi” đã chuyển ngay thành “bác – cháu”. Thêm một kỷ niệm lạ lùng với nhà thơ.

Sau những gặp gỡ, chiêu đãi dành cho Phan Vũ của bạn hữu Đà Nẵng, tôi có dịp đưa ông đến ngoạn cảnh chùa Linh Ứng, thăm Ngũ Hành Sơn… Rồi đến với Hội An – cũng là lần đầu tiên ông biết đến phố cổ bên sông Hoài, mời ông thưởng thức các đặc sản của Hoài phố như cao lầu Trần Phú, cơm gà Bà Buội, bánh mì Phượng…

Những ngày Đà Nẵng với triển lãm tranh được tổ chức “thần tốc” đã trở thành một ký ức thật sâu đậm với Phan Vũ mà ông thường nhắc lại những khi tôi gặp ông. Ông nói, sau Hà Nội, ông đã viết một bài thơ dài về Sài Gòn, nơi ông sống trong nhiều thập niên và sẽ viết một trường ca về Đà Nẵng thương yêu. Nhưng dự tính đó đã không bao giờ thành hiện thực. Dù vậy ông đã viết một bài thơ đầy cảm xúc về Đà Nẵng quê nhà.

ĐÀ NẴNG QUÊ NHÀ

Khung trời xanh giăng mây nhớ

Khoảng cách hun hút dặm ngàn

Từ nơi đó cha mẹ ra đi hồi còn trẻ

Tôi trở về tròn tuổi chín mươi

Một song hành hai chiều xuôi ngược không điểm gặp

Quá dài cuộc chia xa…

Bàn chân lội khắp vùng miền đất nước

Chiến trường trận mạc từ ngày gươm súng trong tay

Mái tóc giờ đây đã ngả màu trắng bạc

Tập tễnh bước đi còn đủ cuộc trở về

Không còn sức cho một vòng biển bãi

Cũng không thể xuôi theo chiều dọc sông Hàn

Ngỡ ngàng phố phường cái gì cũng lạ

Đám đông những khuôn mặt chưa gặp bao giờ

Tôi ngồi trên mạn thuyền gỗ cũ

Một bầu trời mây xốp bay bay

Những gốc cây già thẳng đứng

Những bãi xanh rì cỏ lá

Ngẩn ngơ nhìn ngắm mãi không thôi

Tình yêu quê hương một lần nở rộ

“Đà Nẵng đó con ơi”

Tiếng của cha tôi người đàn ông xứ Quảng

Oang oang lệnh vỡ

Trên bờ âu yếm gọi tên con

Ngoài khơi lộng át tiếng gió gào sóng dập

Đưa con tàu về bến bình an

Cuộc đối thoại của hai cha con

Cha 115 nằm dưới mộ

Con bên nấm mồ chín mươi tuổi vẫn là đứa trẻ thơ

Vỏn vẹn mấy câu cha yêu con

Con cũng yêu cha

Hai cha con đều thương yêu quê nhà Đà Nẵng

Suốt đời là kẻ tha hương mất gốc

Chín mươi năm lưu lạc không có quê hương

Khoảng trống không thể nào khỏa lấp

Tôi nhận quê hương khi khóc trước những nấm mồ

Đọc quê hương dọc dài danh sách ông sơ ông cố

Những trang gia phả họ Trần mở đất khai hoang

ĐÀ NẴNG ơi! Tôi được gọi tên và tự hào xứ sở…

Khung trời xanh giăng mây nhớ

Khoảng cách hun hút dặm ngàn

Qui cố hương một lần khi đời còn mảnh nhỏ

Bao tình yêu xin đóng gói mang theo

Con đường dài đã đến gần cuối đoạn

Chỉ một khúc quanh sẽ gặp lại ông bà

Đành thôi – xác dẫu chôn vùi nơi đất khách

Hồn sẽ tìm về ấp ủ quê hương…

PHAN VŨ (Sài Gòn tháng 5-2015)

(Nói thêm: Khoảng cuối năm 2018, chị Nguyễn Trinh – phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng có hỏi tôi, rằng: “Liệu anh có thể giúp tổ chức thêm một triển lãm tranh bác Phan Vũ tại bảo tàng không?”. Thật tiếc là thời gian đó, ông Phan Vũ đã yếu sức lắm rồi!)\

 

 

A

Lời tiễn biệt

TA CÒN PHAN VŨ – MỘT MÀU XANH THỜI GIAN

Cách đây một năm, trong tang lễ nhà thơ – họa sĩ Phan Vũ, tôi được người thân trong gia đình ông đề nghị đọc vài lời tiễn biệt trước khi động quan, với lý do tôi là một người bạn vong niên đã gắn bó với ông nhiều năm, cho tới ngày ông rời xa trần thế. Đây là bài viết ngắn, được đọc trước linh cữu Phan Vũ buổi sáng 19-7-2019.

Kính thưa anh Phan Vũ

Thưa… các anh chị

Thưa các bạn

Sáng nay chúng ta lại tụ hội về đây để cùng tiễn biệt lần cuối một người đàn ông theo tôi là đáng yêu bậc nhất mà cả cuộc đời thật dài của ông đã gắn bó với nhiều lĩnh vực; ông vừa là nhà thơ – họa sĩ – nhà điện ảnh – nhà hoạt động sân khấu và cả nhà báo. Tôi chỉ biết mỗi nghề làm báo nhưng không ngờ mình lại có duyên may được gặp gỡ người đàn ông đáng yêu bậc nhất đó để rồi có được một tình bạn vong niên đã trải hơn ba mươi năm, lại được ông chia sẻ biết bao ngọt bùi. Và chắc chắn là rất nhiều người trong chúng ta đã nhận được những tình cảm đẹp đẽ từ ông – từ anh Phan Vũ.

Con người đa đoan mà tài hoa Phan Vũ đã khuấy động nhiều lĩnh vực mà anh dấn thân vào. Với kịch nghệ thì kịch bản “Lửa cháy lên rồi” đã đoạt giải thưởng văn học năm 1955, rồi “Thanh gươm và bà mẹ”, rồi kịch bản phim “Dòng sông âm vang”…, (trong “Ly rượu trần gian” – tập văn xuôi duy nhất của Phan Vũ mà tôi đang cầm trên tay – có bài “Dòng dõi” anh viết về hai cha con nhà thơ Thế Lữ và đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, nhưng bài viết lại cho biết một chi tiết rất đắt là vở “Lửa cháy lên rồi” do Đoàn Văn công Nam bộ trình diễn năm 1954 đã gây được tiếng vang rất lớn thời bấy giờ), anh còn làm đạo diễn một số bộ phim như “Bí mật thành phố cấm”, “Như một huyền thoại”. Lĩnh vực thi ca thì “Em ơi! Hà Nội phố” đã đi vào lòng người bao thế hệ.

Bài thơ đầy những ký ức, kỷ niệm, cả những ám ảnh… mà không chỉ người sinh ra, lớn lên, sống lâu năm với Hà Nội mới thấy mình thấp thoáng trong những lời thơ. Tôi nghĩ ai đã qua một thời niên thiếu, một thời trai trẻ đáng nhớ thì dù ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này cũng sẽ tìm lại thời gian đã mất của mình qua nhiều khổ thơ trong bài “Em ơi! Hà Nội phố”:

Cơn mưa đầy

Chiếc thuyền giấy

Lang thang không bến đỗ

Thằng bé qua tuổi thơ

Bâng khuâng

Vội vã

Ta còn em cánh cửa sắt

Lâu ngày không mở

Nhà ai

Qua đó

Nao nao nhớ tuổi học trò…

Ta còn em giàn thiên lý chết khô

Những chùm hoa năm xưa

Thơm hò hẹn

Cuộc tình đầu ngọt lịm

Nụ hôn còn xanh mãi trên môi…

Người đàn ông đa đoan đáng yêu bậc nhất đó cứ mãi mê mải đi tìm cái đẹp. Ông bước vào thế giới sắc màu khi tuổi đã cao nhưng đã tìm được một chỗ đứng của riêng mình trong lĩnh vực hội họa. Tôi biết rồi thân quen với anh Phan Vũ ban đầu là từ công việc làm báo của mình, tìm đọc “Em ơi! Hà Nội phố” thì yêu thích ngay, thế rồi qua bè bạn gặp được anh, rủ rê anh viết cho báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật mà tôi phụ trách tòa soạn. Nhưng chính hội họa của Phan Vũ mới lôi cuốn tôi để ngày càng gắn bó với anh, đơn giản vì tôi có chút hiểu biết và viết khá nhiều hội họa.

Thế giới tranh của Phan Vũ hồn nhiên, có chút vụng dại đáng yêu như chính con người anh. Khi anh Phan Vũ triển lãm tranh chân dung cùng với hai họa sĩ còn rất trẻ vào năm 1998 tại gallery Tự Do, tôi đặt bài họa sĩ Lưu Công Nhân. Anh Nhân viết rất hoạt, rất thú vị, xin trích: “Phan Vũ vẽ cũng rất đáng yêu, cũng như Phan Vũ làm thơ, nhưng cả hai sự ấy cũng chưa đáng yêu bằng chính con người Phan Vũ, một lão già ngoài bảy mươi tuổi mới cầm bút vẽ và “tuyên bố” với một họa sĩ – là tôi: “Tao vẽ mỗi ngày một giống người mẫu hơn và người mẫu của tao càng ngày càng… khen tao nhiều hơn”. Nhìn mái tóc bạc, cặp kính lão, cái cằm lởm chởm râu của Vũ, tôi đành phải thốt lên: “Đúng là một nghệ sĩ vừa uyên bác, vừa ngây thơ… tươi roi rói!!!”. Bài viết ấy cũng có trong tập “Ly rượu trần gian”.

Nhưng trong sự nghiệp hội họa của Phan Vũ, theo tôi đáng nể nhất là các tranh tự họa của anh. Phan Vũ đã vẽ được không chỉ bộ mặt mà còn vẽ được cả hồn vía chính mình – một người không ngừng đi tìm “bản lai diện mục”. Trong nhiều tranh tự họa, Phan Vũ viết những dòng vừa là thơ vừa là những ngẫm ngợi về cuộc đời một kẻ dường như không hề cảm thấy có tuổi già!

Trong tập thơ “Ta còn em” do Nhã Nam in, có bài “Tự họa” mà tôi thích lắm, bởi không chỉ tự họa bằng sắc màu anh còn tự họa bằng thơ thật tài tình:

Gã – thằng nhóc mê tiếng kèn dụ dỗ

Lầm lạc từ số không đến vô cùng

Chẳng đoán được tay có tay không

Trong khuôn mặt ấy có gì gian dối

Thì đã thí thân cho cuộc chơi cợt nhả

Sá gì trượt chân lộn cổ

Vẽ mặt bôi râu

Cho đúng vai hề

Một đời nửa tỉnh nửa mê

Bởi độc tố thơm ngọt sữa

Gã – con ngựa quên hiệu còi khởi chạy

Phi thật nhanh nhưng chệch đường đua

Ngày ra đi một kẻ dại khờ

Ngày trở về da mồi tóc bạc

Nguyên xi thằng khờ dại

Gã trần trụi đi qua thời gian

Một mênh mông hun hút gió

Và một đam mê ảo điên rồ

Khi kim đồng hồ chỉ vào số trắng

Trong độ chênh ngày tháng

Không có gì để trối trăng

Anh Phan Vũ ơi, chắc anh cũng không có gì cần phải trối trăng, ân hận. Cả cuộc đời anh không ngừng sáng tạo, không ngừng đi tìm cái đẹp.

Buổi sáng nay, lần cuối tiễn biệt anh, tất cả chúng tôi đều bày tỏ tình cảm trân trọng nhất, yêu quý nhất đối với anh/ Xin mượn ý một câu thơ của anh để kết thúc lời tiễn biệt này:

“TA CÒN PHAN VŨ – MỘT MÀU XANH THỜI GIAN”…

Comments are closed.