Truyện cười, giai thoại Liên Xô và Liên bang Nga (kỳ 9)

LKH sưu tầm và dịch

 

1. STALIN LÀ NGƯỜI THẾ NÀO?

M.A. Sholokhov: – Ông ấy đi lại, mỉm cười và mắt như mắt cọp.

L. Trotski: – Stalin là tay tầm thường lỗi lạc nhất.

N.I. Bukharin: – Stalin là Thành Cát Tư Hãn có đọc Marx.

N.N. Krestinski: – Stalin là người có đôi mắt hổ, gieo rắc nhiều đau buồn.

 

2. CÓ NGAY ĐÂY Ạ!
Stalin hỏi Radek:
– Cậu sáng tác tiếu lâm đấy à?
– Vâng, tôi sáng tác đấy.
– Kể tôi nghe một tiếu lâm thật ngắn xem nào.
– Có ngay đây ạ: Stalin làm Tổng bí thư.

3. SAO VỘI THẾ?
Stalin gọi phôn cho Beria: 
– Này, Lavrenti, cái tẩu thuốc bị mất rồi. Một vụ phá hoại đấy. Cho điều tra ngay đi nhé. 
– Tuân lệnh, sẽ lập tức điều tra, thưa đồng chí Stalin. 
Một tuần sau. 
– Thưa đồng chí Stalin, xin phép được báo cáo, đã tiến hành điều tra vụ mất tẩu thuốc của đồng chí. Đã phát hiện một vụ âm mưu lật đổ. Bắt 400 người. 389 người khai nhận tham gia hoạt động phá hoại, đã kết án và xử bắn hết rồi ạ. 
– Lavrenti, sao vội thế. Tôi tìm thấy tẩu hút thuốc rồi.

4. STALIN – BẠN CỦA TRẺ NHỎ

Từ bé, thế hệ tôi [tức Iu. Borev, tác giả sách này, ông sinh năm 1925.- ND] đều biết và rất thích tấm ảnh lãnh tụ bế trên tay một cô bé tóc đen. Lãnh tụ mỉm cười dịu dàng. Mặt cô bé ánh lên niềm vui hân hoan. Đó là cô bé Gelia Markirova, tộc người Mongo. Được mời tới gặp Stalin, cha mẹ bé không biết gửi bé cho ai, nên đành mang nó đi theo. Cô bé tặng lãnh tụ bó hoa mà nó có sẵn trong tay. Về sau, tất cả cơ quan nhà trẻ trên toàn quốc đều treo trang trọng tấm ảnh lãnh tụ bế bé Galia cùng với khẩu hiệu: “Đời đời nhớ ơn đồng chí Stalin vì sự quan tâm tới hạnh phúc của trẻ thơ”. Vô cùng cám ơn! Nhất là Galia cần phải ghi nhớ công ơn trời biển của lãnh tụ, vì ngay sau đó, bé thành trẻ mồ côi, cha nó bị đội cải cách ruộng đất Buriat nước cộng hoà tự trị xã hội chủ nghĩa Mongo (Daghestan) bắt giam và mẹ nó phải vào trại tập trung.

5. HOMERE CA TỤNG STALIN

Vào năm 1936, một đoàn nhà thơ (trong đó có Petrovski) đến Makhatchkala để dịch các bài thơ từ tiếng Lezgin (Daghestan) của Suleiman Stanski, một thi sĩ được Gori gọi đầy khoái chí và hào hứng là Homere của thế kỉ XX. Một ông già mù chữ được gọi đến gẩy đàn và hát bài hát về Stalin. Đám dịch giả hỏi dân sở tại xem lời bài hát nói gì. Người ta dịch lại nội dung văn bản bài thơ cho họ nghe:

Ôi, Stalin, người là đấng vương giả của vương giả

Người là vua của các vị vua

Người là hoàng đế của mọi hoàng đế

Người vĩ đại hơn những quân vương đội vương miện

Thoạt đầu, đám dịch giả chết lặng người. Sau đó, họ dịch lại thế này:

Ôi, Stalin, Người là mặt trời của nhân dân

Người là đỉnh cao của muôn ngọn núi ….

6. GỌI ĐIỆN THOẠI

Chuông điện thoại vang lên trong văn phòng.

– A lô.

– Cho tôi gặp giám đốc nhà hát.

– Vâng, tôi xin nghe đây. Ai gọi đấy ạ?

– Stalin đây.

Máy điện thoại vang lên tiếng “bíp, bíp” báo “bận”. Stalin lại quay số gọi đến nhà hát. Thư kí của Giám đốc trả lời:

– A lô.

– Cho tôi gặp Giám đốc nhà hát. Vì sao ông ấy lại gác máy thế?

– Thưa, Giám đốc vừa đột tử đúng một phút trước vì vỡ tim ạ.

 

Nguồn: Борев, Ю.Б. Сталиниада. Москва: Советский писатель, 1990

Yuri Borisovich Borev (28/5/1925 – 30/7/2019), tác giả chuyên khảo Mỹ học, xuất bản 23 lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng, tổng cộng hơn một triệu bản. Cuốn Những phạm trù mỹ học cơ bản,  do Hoàng Xuân Nhị dịch (Trường Đại học Tổng hợp xuất bản, 1974) là từ chuyên khảo này. Ông là tác giả của hơn 550 bài báo khoa học, chừng 50 chuyên khảo về mỹ học, văn hóa, lý thuyết và lịch sử văn nghệ, phương pháp luận phê bình, ký hiệu học và thông diễn học nghệ thuật, mỹ học tiếp nhận, thi pháp học, … được dịch ra hơn 40 thứ tiếng.

Cuốn Сталиниада (Staliniada) tập hợp những giai thoại, truyện cười được thu thập từ thời Stalin, bất chấp những nguy hiểm có thể có. Đến thời perestroika, một số mẩu được công bố trên báo nhưng cuốn sách vẫn bị cấm. Cuốn sách ra mắt bạn đọc lần đầu tiên ở Ba Lan; còn ở Nga, năm 1990 Hội Nhà văn mới cho xuất bản. Ngay lập tức sách được dịch ra nhều thứ tiếng, với tổng cộng hơn hai triệu bản.

Comments are closed.