Phan Vũ với Paris…

Xuân Phượng

Cùng Vũ Thư Hiên nhắc đến anh Phan Vũ…

Tháng Sáu năm hai ngàn không trăm lẻ tám tại Paris. Triển lãm tranh mang tên “Sắc Màu Việt Nam” chuẩn bị khai mạc. Phan Vũ có bốn bức sơn dầu, treo ngay ở bức tường chính. Hơn hai trăm khách đã đứng chật cả gian phòng. Nhà văn, nhà báo các kênh truyền hình Pháp tíu tít đến chúc mừng. Vì muốn Phan Vũ thêm ấn tượng về chuyến đi Paris này của mình, tôi đề nghị anh thay tôi nói lời khai mạc. Vũ lắc đầu: “Tiếng Pháp tôi quên nhiều lắm rồi. Sợ nói không đủ ý.” “Thì anh Vũ cứ nói, chỗ nào lúng túng tôi tiếp tay cho.”

Phan Vũ, đóng đồ bộ màu đen, sơ mi trắng, cà vạt đỏ, sang trọng như bất cứ người nghệ sĩ Paris nào, bắt đầu bằng tiếng Pháp: “Thưa quý bà, thưa quý ông…” rồi im lặng. Một phút, hai phút, mọi người chờ đợi. Tôi chuẩn bị “tiếp sức” nhưng anh Vũ gạt tay và lại tiếp tục bằng tiếng Pháp: “Tôi rất thích tiếng Pháp nhưng lâu ngày quá thiếu thực hành nên quên mất rồi. Tôi chỉ nhớ tình yêu tiếng Pháp của tôi bắt đầu từ một bài hát năm tôi lên chín tuổi. Hôm nay được gặp các bạn, tôi xin hát lại bài này, gọi là một chút kỷ niệm để tỏ lòng cảm ơn.” Khách chưa kịp hết kinh ngạc cho bài diễn văn khai mạc triển lãm này thì Phan Vũ đã cất cao giọng hát: “En passant par la Lorraine avec mes sabots…” (Khi đi qua sông Lorraine với những đôi guốc của tôi). Hát rất chuẩn, giọng tenor sang sảng của một anh chàng 84 tuổi, một ông lão đang hát một bài của thiếu niên nhi đồng Pháp tuổi lên chín một cách hồn nhiên và say sưa. Cả mấy trăm người đang im lặng bỗng vỗ tay theo nhịp và vừa cười vừa hát theo. Không khí nhộn nhịp, tưng bừng chưa từng thấy…

Vài ngày sau triển lãm, tôi đưa ba họa sĩ trẻ cùng Phan Vũ đến thăm Bảo Tàng Mỹ Thuật Đương Đại Paris. Sáng hôm ấy, Phan Vũ cạo râu, chải tóc và diện chiếc sơ mi màu xanh nhạt, mới nguyên trong hộp mà phu nhân Diễm Chi đã chọn. Ba họa sĩ trẻ kia thì quần jeans, áo phông như thường lệ. Anh Vũ quay lại: “Chúng mày ăn mặc tề chỉnh vào, không nhơn nhơn như đi phố được đâu, sẽ được xem tận mắt những tác phẩm bao lâu mơ ước đấy.” Ba anh chàng vội lên khung tề chỉnh và cả đoàn kéo nhau đến bảo tàng.
Điều diệu kỳ đã đến:
Hai bức tranh tường “Điệu Múa Dở Dang” và “Điệu Múa Thành Paris” của Matisse, “Bữa Ăn Trưa” và “Cánh Cửa Sổ” của Bonnard vẽ năm 1932, rồi Robert Delaunay với: “Thành Phố Paris”, rồi Mac Chagall với “Giấc Mộng” và cùng đắm say với bức chân dung Modigliani: “Người Đàn Bà Có Đôi Mắt Xanh”.
Phan Vũ ngồi lặng người trên chiếc ghế dài đặt giữa phòng tranh, hai tay ôm đầu. Bỗng anh đứng lên và tiến đến gần người bảo vệ phòng triển lãm. Tôi đi theo anh. “Chị Phượng, hỏi giùm tôi bức tranh tường lớn nhất của Raoul Dufy “Nàng Tiên Điện Lực” vẽ năm 1937 hiện nay ở đâu?”. Người bảo vệ đứng phắt dậy, chăm chăm nhìn vào chúng tôi và lẳng lặng dắt chúng tôi đến một gian phòng dành riêng cho một bức tranh dài 60 mét với hàng trăm nhân vật. Như bị hút hồn, rất lâu Phan Vũ lặng người nhìn chăm chăm vào từng phần của bức tranh. Người bảo vệ nhẹ nhàng kéo một chiếc ghế ra hiệu cho tôi ngồi nghỉ chân, còn anh ta lại chăm chăm nhìn vào Phan Vũ. Bất ngờ làm sao, Phan Vũ nức nở khóc, nước mắt chảy dài, đầm đìa trên khuôn mặt. Người bảo vệ hoảng hốt: “Madame, madame…”. Tôi vỗ vai Phan Vũ, anh như bừng tỉnh lại, lau vội nước mắt và tựa đầu vào vai tôi. Ông già trên tám mươi bốn tuổi nói ngắt quãng: “Phải đến tuổi này tôi mới được gặp Dufy!”. Tôi phân trần với người bảo vệ về sự xúc động quá mãnh liệt của bạn mình. Ông bảo vệ nói rất khẽ: “Đây thật là một con người nghệ sĩ. Bảo tàng này có trên tám nghìn tác phẩm, mỗi năm có hơn ba triệu người đến thăm nhưng rung động trước tranh lớn của Dufy như bạn bà thì tôi chưa gặp. Tranh có hơn trăm nhân vật, có thể nói rằng tranh hơi nặng nề, hơi khó hiểu, ít ai dừng lại lâu để ngắm nhìn, vậy mà một nghệ sĩ Việt Nam đã làm tôi bàng hoàng…”.
Khi chúng tôi rời bảo tàng, trời vẫn còn sáng. Những quán café vẫn còn đông nghịt người, Phan Vũ đi loạng choạng, im lặng, ngước đầu ngắm mãi những đám mây xanh. Bỗng anh ngã sụp xuống, vấp phải một rễ cây, máu từ môi anh tràn ra. Chúng tôi vực anh dậy, hai người Pháp chạy đến giúp cầm máu, Vũ một tay áp chặt miếng bông, thì thào “Hạnh phúc quá”.

Sau đó là chuyện săn sóc Phan Vũ những ngày bị vết thương ở mặt, phải ăn cháo, phải luôn luôn nhận điện thoại của em Diễm Chi từ Việt Nam hoảng hốt gọi đến, v.v. và v.v. Xin để kể vào những lần sau. Không thể không nhắc đến tấm lòng thơm thảo, quý mến bạn bè của Trần Duy Nghĩa, đã cho đoàn chúng tôi nơi ở, nơi ăn thoải mái. Đoàn gồm sáu người, Nghĩa đã nhường phòng ngủ của mình cho tôi, và ngủ cùng tất cả họa sĩ khác trên sàn nhà. Hiên hầu như ngày nào cũng đến với chúng tôi. Những tình thương ấy làm sao quên được. Không có Paris, không có Hà Nội, không có Saigon, chỉ có những con người thông cảm với nhau, thương yêu nhau, vượt không gian, vượt thời gian…

Vũ Thư Hiên đã làm tôi nhớ lại câu chuyện của mười một năm trước. Từ nay, mỗi lần từ nước ngoài về, tôi không còn hối hả vào quầy bán thuốc lá sợi mua loại đặc biệt mang tên Prince Albert hay lang thang đến các chợ trời ngoại ô Paris để tìm những chiếc dọc tẩu bằng gỗ cây thạch thảo hay những ống tẩu bằng ngà voi đã sẫm màu năm tháng để đem về làm quà cho bạn mình nữa. Phan Vũ rất thích sưu tầm dọc tẩu cổ và hiếm cùng thuốc lá sợi loại thượng hạng. Tôi không còn có dịp lang thang đi tìm những thứ không hề để dành cho phụ nữ này nữa.
Anh đã yên nghỉ ở một nơi nào đó với Dufy vừa được bảy ngày nay…

Nguồn: FB Xuân Phượng

Comments are closed.