Sài Gòn – Những ngày phong thành (18)

HƯỚNG DẪN TẬP HÍT THỞ

FB Bác sĩ Hoàng Minh Tú Vân

Ở nước ngoài, bệnh nhân ngoại trú được hướng dẫn theo dõi oxy máu tại nhà (nếu có thiết bị), và tập thở. Việc tập thở này giúp tăng lưu lượng oxy qua phổi, cũng như việc mình tập thể dục cho cơ thể khỏe mạnh, tập thở cũng làm mạnh cơ hô hấp. Chính vì vậy, F0 cần phải tập thở nhiều lần trong ngày, hạn chế nằm một chỗ, và cố gắng NẰM SẤP CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT.

Clip số 2: hướng dẫn tập hít thở tại nhà

FB Bác sĩ Hoàng Minh Tú Vân

Clip số 3: tập thở. 3 bài tập thở này do một BS VLTL mình quen hỗ trợ tự quay. Clip cũng đã được gửi cho bạn mình đang điều trị ở BV dã chiến, hướng dẫn cho BN trong đó.

Xin nhắc BN covid: TẬP THỞ NHIỀU LẦN TRONG NGÀY VÀ NẰM SẤP CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT

[Văn Việt: Xem clip số 1 – “Làm gì khi bạn bị nhiễm covid-19” tại Sài Gòn – Những ngày phong thành kì 17]

SÀI GÒN NGÀY PHONG THÀNH THỨ 16

FB Nguyễn Lam Điền

Hôm qua có việc phải bôn tẩu một phen, từ hôm "đi lọt về không lọt" chỗ giáo xứ An Lạc đã tự rút kinh nghiệm không chui hẻm nữa. Nói như bằng hữu Trung tà đạo là cứ đại nhân hành đại lộ thôi.

Nhưng duyên sự là có 1 đoạn phải đi vòng đường hẻm, nguồn tin tình gấu (not báo) nói hẻm bốn tám hai còn đi được, mình nào biết số biết hẻm gì, chạy đến mới hay té ra hẻm này sát bên cái quán chay quen. Bà quán chay mở lưng lửng cái cửa cuốn, thò đầu ra dòm dòm, mình sực nhớ chạy tới hỏi ê nay bà có chân nấm không. Bả kêu không, chỉ có mấy món ăn như mọi lần thôi. Mình kêu vậy lấy mấy miếng đậu hũ sốt cà về ăn cơm.

Ấy là trước đó ghé Cây quéo nghe hàng đậu hũ nói không bán trực tiếp, chỉ bán qua grab thôi, nghĩ bụng à đây cũng là chuyện làm cho thêm việc đây, nhưng thôi bỏ đi chứ làm gì có chuyện ship miếng đậu hũ từ Cây Quéo qua Phú Thọ chỉ để yểm trợ giới shipper, hơ hơ

Bà quán chay lấy mấy miếng đậu hũ sốt cà xong tiện mồm thế nào lại hỏi, hôm nay có phở đó, anh ăn không. Mình nói đâu ăn đây được đúng hông, ông chồng nói ngay, không được đâu, tui bỏ hộp anh đem về chứ, lẽ ra bán cho anh cũng không được phép đâu, đồ ăn giờ bán qua grab không mà.

Mình sực nhớ ra nói ờ ờ vậy lấy tô phở gói lại tui mang về, hehe

Nhưng sau đó quẹo vào hẻm mới biết hàng rào đã giăng trùng điệp không chỉ một mà đến ba lớp trập trùng nhìn từ gần ra xa thấy vô vọng quá đành trở ra.

Sau khi chui ngõ khác và vân vân thì trở lại đường lớn về nhà. Đến nhà bữa sáng thành bữa trưa chỉ khác nhau là tô phở chay nguội ngắt rồi mà mình hem để ý còn bỏ rau giá vô trộn trộn xong thấy ủa trong tô các thứ hông ăn nhập gì nhau cả. hehe

Thế cho nên sáng nay ngày rằm, nghĩ bụng phải tìm ít đậu hũ mới được, bèn chạy ra Nguyễn Duy Dương, thấy phố xá hiu quạnh các hàng đóng cửa hết trơn, lò đậu hũ Nhất Hiền sập cửa cuốn xuống trơ khấc như câu trả lời đanh thép rằng đậu hũ bây giờ không còn nữa đâu anh ơi chỉ còn lại dư âm trước lúc phong thành thôi… Nhưng chạy qua khỏi rồi, tự dưng mình ngoái đầu nhìn lại, và trùng lúc ấy thấy 1 người đàn ông trong cái ngách nhỏ bên cạnh lò đi ra, tay cầm cái gì như là một bịch đậu hũ.

Yeah, mình quay lại và cũng chỉ kịp "nhờ" lấy giùm mấy miếng. Có mấy người đến sau tấp vô đều bị xua đuổi. Lát sau nữa, lúc chạy qua lò bánh mì quay về, nhìn vào ngách ấy đã thấy có cái cánh cửa sắt đóng lại im ỉm như chưa từng có pha mua bán linh hoạt nào. hehe

[24.7.2021]

clip_image002

THẤY GÌ QUA DỊCH BỆNH?

FB Nguyễn Như Phong

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức khó lường, nhưng chắc chắn sẽ cực kỳ nguy hiểm. Qua việc chống dịch từ năm ngoái tới nay thì thằng tôi đã thấy được một số điều như thế này:

Thứ nhất: Ngay từ năm ngoái, lãnh đạo Bộ Y tế và Chính phủ (nhiệm kỳ trước) đã không đánh giá đúng mức sự nguy hiểm của con vi rút này, từ đó, không có những biện pháp đặc biệt, tháo gỡ cơ chế cũ kỹ, không phù hợp để mua vắc xin. Để đến bây giờ, khi tỉnh ngộ ra thì đã muộn. Đây có thể nói là sai lầm lớn nhất trong công tác chống dịch của ta.

Thứ hai: Đó là tình trạng cát cứ địa phương. Mỗi tỉnh thành làm một kiểu, dẫn đến ngăn sông cấm chợ, hành nhau một cách vô lối… và mạnh tỉnh thành nào thì làm kiểu của mình, bất cần biết biện pháp đó có ảnh hưởng thế nào tới các địa phương xung quanh và nhân dân… Gần đây, việc chống dịch có quyết liệt hơn, có vẻ như đã bớt đi tình trạng "nói một đằng làm một nẻo"…

Thứ ba: Qua chống dịch mới thấy "quan trí" nước ta quả là có vấn đề rất không ổn. Có mỗi việc thống nhất thế nào là "mặt hàng thiết yếu" mà không nơi nào nói giống nơi nào. Sao họ lại đưa ra cái tiêu chí "mặt hàng thiết yếu" ngớ ngẩn, máy móc như thế. Phải hiểu rằng: Tất cả những gì phục vụ cho sự tồn tại của con người, phục vụ cho sinh hoạt cần thiết… đều là thiết yếu. Với một người đói rã họng, thì bất kể cái gì ăn được, giúp mình khỏi chết đói thì đó là thiết yếu… Cực kỳ tệ hại khi có những nơi bảo bánh mỳ, sữa, thậm chí cả tiền không phải thiết yếu… Phải hiểu rằng một cây kim, sợi chỉ, một cuộn giấy vệ sinh… cũng có thể là thiết yếu.

Chúng ta đã thấy rất nhiều những cán bộ chỉ giỏi chém gió, ra văn bản thì rặt những từ chung chung, và rất thiếu tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm"…

Nhân đây, tôi cũng xin đề nghị các vị lãnh đạo bớt nói những lời có cánh đi, bớt khoe khoang GDP bằng nước này, nước khác đi, bớt khoe mẽ cán bộ của ta là "trí tuệ, kho tàng" đi, và bớt đi những lời nói theo kiểu tự "thổi kèn khen lấy"… Và đừng dựa vào vinh quang của quá khứ.

Tạm có mấy ý như vậy!

BÀI HÁT "SÀI GÒN NHỮNG NGÀY PHỐ ỐM"

Báo Pháp Luật TP HCM

Bài thơ "Sài Gòn sẽ vui" của nhà báo Nguyễn Đức Hiển đưa lên facebook cá nhân của ông hồi tuần trước đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người đọc. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp, nhạc sĩ Trần Quang Sơn và Võ Việt Phương, SV năm thứ nhất nhạc viện TP.HCM sau đó đã phổ nhạc cho bài thơ lấy tựa đề “Những ngày phố ốm”. Võ Việt Phương nói : "Em đã phổ nhạc bài thơ của bác Hiển vào đúng ngày sinh nhật 18 tuổi của mình. Đó là một sinh nhật đáng nhớ giữa những ngày SG dịch bệnh…

ẤN TƯỢNG VỚI RADIO "SÀI GÒN SẼ VUI" ĐANG LAN TRUYỀN TRÊN MẠNG

Lan Hương – Dân Việt 22/7/2021

Radio "Sài Gòn sẽ vui" như chính tính cách hào sảng và kiêu hãnh của con người Sài Gòn. Một món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa không chỉ với riêng thành phố sôi động này đang được lan truyền trên mạng.

Đại dịch Covid-19 đã khiến Sài Gòn giờ đâu đâu cũng giăng đầy dây, thương tích đầy mình. Radio "Sài Gòn sẽ vui" đã dẫn dắt người nghe bằng giọng đọc truyền cảm của một người con Sài Gòn kết hợp với những ca khúc vừa quen vừa lạ, mang đến cho người nghe từ cảm giác xót xa của thành phố bây giờ đến những hi vọng cho ngày mai.

Xin mời mọi người cùng thưởng thức:

https://www.youtube.com/watch?v=ZUqy870Ju3M

BÀI HÁT “SÀI GÒN – GỬI NHỮNG NIỀM THƯƠNG”

FB Nguyễn Phi Hùng

“Sài Gòn chợt nắng chợt mưa, yêu thương nói sao cho vừa…”

Xin dành tặng bài hát như tình yêu với Tp thân thương những ngày chống dịch.

Cảm ơn những chia sẻ của cả nhà.

Sài Gòn – Gửi những niềm thương

Sáng tác: Nguyễn Phi Hùng

Hoà âm: Quốc Duy

Mix. Đức Luân

Sài Gòn chợt nắng chợt mưa

Yêu thương nói sao cho vừa

Nhớ phố đông tập nập dòng xe

Bước chân rộn ràng sớm khuya

Sài Gòn có những nụ cười

Ấm áp chứa chan tình người

Vượt qua muôn ngàn gian khó

Gửi trao yêu thương khắp nơi

Kìa ngày mới đã đến rồi

Bình minh hé rạng chân trời

Bỏ lại ngày buồn đã qua

Niềm tin yêu dâng lên thiết tha

Sài Gòn những ngày bão giông

Bên nhau vững tin một lòng

Để bao nụ cười nước mắt

Thành lời ca .Vang mãi trong lòng

Sài Gòn trong tôi, Sài Gòn mến yêu.

NGÀY SÀI GÒN NẮNG ĐẸP *

FB Ngô Như Quỳnh

Sáng dậy thấy trời xanh nắng đẹp, không còn mưa gió xám xịt như mấy ngày qua, lòng cũng thấy rộn vui. Cảm giác như có gì đó tươi sáng sắp đến sau bao nhiêu u ám phủ lên Sài Gòn thương yêu của mình.

Vẫn như thói quen, sau khi làm đồ ăn sáng cho con và cho mình, pha 1 ly cafe, nướng cái bánh nhỏ, ra góc quen bên cửa sổ thả mắt ra dòng sông loáng nước xa xa bên những mái nhà ngói đỏ nhuộm nắng. Thảnh thơi an nhàn vô kể, không giống chút nào tâm trạng kẻ bị phong toả.

Nhớ ngày đầu nghe tin báo chung cư có F0, phường xuống giăng dây, cấm ra ngoài 21 ngày, hoảng hốt. Cho dẫu hàng ngày đọc bao tin tức nơi này nơi nọ bị, nhưng ít ai chuẩn bị tâm thế đúng nghĩa. Kể cả một kẻ chủ động và tự lập như mình, phút đó vẫn rối. Hàng loạt vấn đề đặt ra trong đầu làm thành nỗi lo lắng bất an.

Chung cư có F0, tức sẽ có xét nghiệm. Xét nghiệm em bé Ween có hợp tác ko, em còn nhỏ quá có nguy hiểm ko? Mà xét nghiệm, lỡ mình hay con bị F0 thì sao? Có bị đưa đi cách li? Có được đi chung hay mỗi người một nơi? Làm sao để được đăng kí cách li tại nhà? Mình xếp hành lí sẵn cho mẹ và con gồm những gì, thiếu cái gì chưa mua, nhờ ai mua? Rồi thực phẩm mình trữ đủ bao nhiêu ngày? Tã sữa cho con đủ chưa? Thuốc men cho 2 mẹ con đủ chưa?

Lúc đó chỉ cầu mong qua xét nghiệm, chỉ cần biết 2 mẹ con âm tính, thì phong toả trong nhà bao lâu mình cũng cam tâm tình nguyện. Ngày xét nghiệm may quá, em bé được miễn. Mình bị chọt mũi cũng nhẹ nhàng. Chung cư làm rất bài bản, mỗi lần mỗi tầng, mỗi lần mỗi nhà, ko có cảnh chen chúc chờ đợi. Tạm yên. Không thấy ai gọi đi cách li, chắc là ổn.

Vậy là yên tâm bị “nhốt”, chuẩn bị tâm lí cho 21 ngày.

Ngày đầu bối rối qua đi.

Ngày thứ 2 còn hơi bứt rứt nhẹ, đi ra đi vô ban công.

Ngày thứ 3 bắt đầu bắt nhịp với cuộc sống trong mấy bức tường.

Hôm nay ngày thứ 6, trở nên quen thuộc, thậm chí thấy dễ chịu, an toàn.

Ở trong nhà đọc tin tức dịch bệnh, người thật việc thật bao nhiêu trường hợp đau lòng. F0 trở nặng mà gọi cấp cứu ko được. Gia đình cha mẹ con cái ly tán đi điều trị. Mất còn không được nhìn mặt lần cuối. Ca bệnh tăng, y tế quá tải, tiếng kêu cứu khắp nơi.

Mới thấy, lúc này bị phong toả lại là được phong toả. Được bảo vệ trong sự an toàn. Chỗ nào phong toả tức chỗ đó bớt đi một nguy cơ lây lan. Phong toả để ở hẳn trong nhà không đi bất cứ đâu dù chỉ là tạt qua mua chút thực phẩm trong những chỗ đông người. Có gì ăn nấy. Con người là giống loài kỉ luật kém. Còn tự do là còn bay nhảy. Bị “nhốt” hẳn, không cách gì trốn được, thì chỉ có cách chấp nhận, học cách thích nghi và tìm thấy niềm vui trong đó.

Nghĩ được vậy thì thong dong đón nhận sự phong toả không phải là giam cầm bó buộc. Mỗi ngày thức dậy pha cafe ngắm mây qua cửa sổ, ăn cái bánh nướng, đọc cuốn sách thật chậm. Có thời gian chơi với con. Ngủ thoả thê. Bày biện nấu nướng cả ngày như chơi đồ hàng. Coi những bộ phim cứ hẹn lần lữa. Viết được những bài dài.

Tối qua chat với người yêu, lúc này tính mạng và sức khoẻ là quan trọng nhất, còn người còn làm lại được. Dặn nhau giữ gìn trước mọi rủi ro, để còn gặp lại trong bình an. Sống sót qua đại dịch đáng sợ này, chúng ta sẽ sống cuộc đời bình dị giản đơn. Anh nói, hết dịch anh đưa em đi biển. Chỉ vậy thôi, chừng như nghe sóng vỗ, nghe hi vọng phía cuối con đường.

Ngày Sài Gòn nắng đẹp trời xanh, mong cho những ai quanh tôi, dẫu đang ở trong cảnh ngộ nào, cũng học cách thích nghi, vượt lên và cố gắng, chúng ta cùng sống sót vượt qua đại dịch, nhé.

Saigon

24/7/2021

*Tiêu đề do Văn Việt đặt

clip_image004

THEO CHÂN CÔ GÁI SÀI GÒN VÀO SÁT ĐIỂM PHONG TỎA TẶNG QUÀ NGƯỜI NGHÈO

Thanh Phương – Vietnamnet 23/07/2021

Bắt đầu một ngày của Nguyễn Đỗ Trúc Phương là tất bật với việc đóng gói thực phẩm, hàng thiết yếu rồi tất tả chuyển tới tận tay người nghèo khắp các ngóc ngách của Sài Gòn.

“Em đang vô 1.500 phần quà để gửi đến cho đồng bào”, Nguyễn Đỗ Trúc Phương (27 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) hào hứng đăng lên trang Facebook cá nhân của cô khoe về số hàng vừa mua được để tặng người dân gặp khó khăn ở các khu cách ly và khu trọ nghèo.

clip_image006

Sau khi mua thực phẩm và các hàng thiết yếu, Phương ngồi cả ngày để phân chia thành từng phần quà chuyển đến bà con khu vực bị cách ly

Là một người nổi tiếng về làm từ thiện, cô gái trẻ Trúc Phương được người dân nghèo Sài Gòn âu yếm gọi là “cô tiên”.

clip_image008

Do số lượng lên tới cả ngàn phần quà nên Phương phải nhờ đến sự hỗ trợ đóng gói của các nhóm từ thiện khác và lực lượng bộ đội. Hàng chục người làm cật lực từ sáng tới 10h đêm, số quà đã được chia đều thành từng bịch

Năm 2019, sau khi tốt nghiệp, Phương trở về kinh doanh khách sạn tại quận 1. Ngoài công việc kinh doanh, cô tích cực làm thiện nguyện. Phương nói, làm từ thiện là đam mê của cô nên cho dù gia đình phản đối, Phương vẫn không từ bỏ.
clip_image006[1]

Hàng tấn gạo được Phương mua về, chia thành từng bịch, mỗi bịch 5kg để chia cho các hộ khó khăn đang bị cách ly.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Phương lăn lộn từ sáng sớm tới tối mịt để lo đi mua thực phẩm, gạo, sữa, đồ dùng thiết yếu rồi chuyển đến tận tay những người dân nghèo.

clip_image010

Cháo, mì gói là thực phẩm không thể thiếu trong phần quà Phương gửi tới người ở tâm dịch

Phương cho biết, mỗi ngày có nhận được hàng chục tin nhắn, điện thoại nhờ cô giúp đỡ. “Số lượng người khó khăn rất nhiều, em không thể hỗ trợ hết được, mong bà con thông cảm”, cô ngại ngần nói.

clip_image012

Các phần quà được chuyển lên ô tô đưa đến các khu cách ly

Ngày 22/7, cô gái Sài Gòn đi làm từ thiện, trao cả nghìn phần quà cho người dân nghèo, thậm chí không nề hà, Phương và các cộng sự còn vào sát điểm phong tỏa, nơi có nguy cơ cao trong lây nhiễm dịch. Cuốn vào công việc, Phương quên cả ăn, bữa sáng và bữa trưa của cô là tô mì gói.
clip_image014
Trúc Phương tự tay trao quà cho người dân trong khu cách ly ở đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7
clip_image016
Từng bịch quà nghĩa tình được Phương trao cho những hoàn cảnh khó khăn
clip_image018

Biết tin Phương tới trao quà, người dân trong hẻm 24 đường Bến Nghé (quận 7) háo hức ra ngồi đợi

clip_image020

Hàng chục phần quà được Phương tặng tới tận tay người dân

clip_image022

Nắng hay mưa, "cô tiên" của người nghèo cũng không nề hà

clip_image023
Tranh thủ tạo dáng trước khi trao quà cho bà con
clip_image024
Phương và các cộng sự vào tận những điểm nguy hiểm để trao quà cho bà con

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Giáo viên nhớ thời ‘oanh liệt’

#tuoitrecuoi #truyentranh

clip_image026

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Món đồ thiết yếu cứu vãn nhan sắc mùa dịch

#truyentranh #tuoitrecuoi

clip_image028

Comments are closed.