Sài Gòn – Những ngày phong thành (6)

Nghe Podcasts [bấm vào link để nghe]

NỖI SỢ Ở KHU CÁCH LY TẬP TRUNG

Sau một tuần cách ly, hai F1 cùng phòng chuyển thành F0, Minh cũng bị nghi nhiễm. Thời gian đợi kết quả xét nghiệm PCR, Minh sợ khi phải sinh hoạt cùng 10 F0 khác trong căn phòng 30 m2.

CHỢ LỚN BUỒN ĐAU ĐỚN

Sài Gòn ngày phong thành thứ 5

FB Nguyễn Lam Điền

Các ngả đường dây giăng trùng điệp,

Đường Vĩnh Viễn không thông ra Lý Thường Kiệt được,

Đường Hòa Hảo cũng bị rào chặn họng không ra Lý Thường Kiệt được,

Tình hình thấy nản quá, những ngả đường Chợ Lớn thường ngày đông đúc rộn ràng nay vắng tanh vắng ngắt thấy sợ.

Từ Ngô Gia Tự chạy vô hướng Đề Ngạn theo ngả Hùng Vương, Hồng Bàng đường sá trống trơn, lác đác chỉ 1 vài chiếc grab dừng bên đường hoặc loanh quanh chỗ có bóng mát,

May mắn là tiệm thuốc Thuận Hưng ở đường Phùng Hưng vẫn còn bán, thuốc thuộc loại hàng thiết yếu mà. Nhưng tiệm này ngoài bán thuốc còn bán mì. Mì trứng ở đây ngon bá cháy, tương đương với các tiệm mì vịt tiềm làm tay tại chỗ chứ không hề kém cạnh. Cái này mình đã kiểm nghiệm, dự là sắp tới chú Bùm sẽ được ăn mì thoải mái… trừ cơm. hehe

13.7.2021

Cập nhật:

Trong lúc chạy xuyên Q1 về Q3 sực nhớ ra cái hồ Con Rùa, bèn ghé ngang nom xem, thấy bốn bề thanh tịnh giữa trưa, góc đường mé trong có cụ già mở hé cửa dòm dòm ngạc nhiên thấy có thằng cha ghé cái rột lại chụp hình xong chạy đi mất.

Chợ Lớn đúng là đang đau đớn, nhớ hôm trước có bằng hữu nói vô chợ An Đông thứ gì cũng có, nay ghé ngang thấy bốn bề phong cảnh vắng teo/ An Đông mà ngỡ xóm nghèo quận tư, ừ ứ ư…

Chợ Kim Biên cũng cùng một cảnh ngộ, tệ hơn là con đường Kim Biên cặp hông bên phải chợ bị rào chặn mất rồi, chỉ còn con đường Vạn Tượng phía đối xứng. Tất thảy im lìm trong nắng trưa.

Đề Ngạn đang chứng kiến một thời đoạn quái lạ chắc hồi di dân lập ấp tới giờ cũng chưa trải qua. Cơ mà cuối đường Trần Hưng Đạo sau khi qua hết mấy dãy chợ Soái Kình Lâm thương xá Đồng Khánh vân vân thì thấy nóc nhà thờ Cha Tam aka Thiên Chúa đường Phanxicô vẫn lặng lẽ trang nghiêm toát lên vẻ bình an hơn các chốn xung quanh…

[Sài Gòn – Đề Ngạn.Trưa 13.7.2021]

clip_image002

Đường Hòa Hảo không ra Lý Thường Kiệt được nữa,

clip_image004

Đường Vĩnh Viễn bị rào chặn không thông ra Lý Thường Kiệt được,

Screenshot 2021-07-13 231632

clip_image010

clip_image012

Bốn bề phong cảnh vắng teo/ An Đông mà ngỡ xóm nghèo quận tư

clip_image014

clip_image016

Thiên Chúa đường Phanxicô bình yên tịch lặng…

FB Khanh Nguyen

[VỀ VIỆC UBND QUẬN GÒ VẤP GIẢI THÍCH VỀ VĂN BẢN CÓ NỘI DUNG CHỈ TIÊU XỬ PHẠT CỦA PHƯỜNG 6]

Có vẻ báo chí vội vã, thay mặt chủ tịch P.6 Quận Gò Vấp nói cho trôi chuyện ra văn bản nội bộ, với nội dung bắt buộc sai nha, trong một ca trực phải phạt cho được 20 trường hợp – gọi là vi phạm nghị định 16.

Kiểu săn bắn tự do và man rợ đó, không có ai phạt Ủy ban P.6 cả, cũng không có ai của Ủy ban ấy phải chịu trách nhiệm cho một văn bản quyền lực đê tiện như vậy. Họ chỉ bị chấn chỉnh, và chỉ nói sẽ thông báo lại.

Nhưng người đi đường, sẽ có ai được may mắn "chấn chỉnh", có ai sẽ được "thông báo" quay đầu xe, như cách của một chính quyền vì dân, rằng anh cố, sẽ bị phạt?

Giữa đại dịch này, tay chủ tịch phường cố bòn cho được những đồng tiền xương máu của dân chúng, thật không hiểu nổi nhân cách hắn ra sao.

Nhưng có ai đặt câu hỏi, vì sao có quy định ghê tởm phải phạt cho đủ số 20 người/ca? (một ngày có đến 6 ca).

Chẳng có chính quyền nào còn tỉnh táo lại đặt ra kiểu thuế thân trên dân đen như vậy. Mục đích có thể suy ra: Lấy mỡ nó rán nó. Rõ ràng là nếu dùng số tiền phạt đó, có thể thay số ngân quỹ cần xuất ra bồi dưỡng cho các ca trực (lại còn thừa). Bọn dân đen kém may mắn sẽ chi trả tiền canh chốt, còn ngân quỹ vẫn y nguyên.

Hành động đó, thời vua Gia Long, gọi là nhũng lạm, có thể bị xử roi, bãi quan, tù hoặc đi đày biệt xứ.

Screenshot 2021-07-13 232737

Văn bản của UBND phường 6, Gò Vấp được lan truyền trên mạng xã hội

(Nguồn: https://tuoitre.vn/ubnd-phuong-6-quan-go-vap-phan-hoi-van-ban-xu-phat-theo-chi-tieu-thanh-tich-20210713134250451.htm)

CẦN LAO ……

FB Trần Ngọc Hiếu

Tui thường mua khoai mì của một chú em chở bằng xe ba bánh đạp. Khoai mì dẻo Bến Cầu (lời rao).

Chú ấy bán đàng hoàng giá phải chăng, cân đủ, vì vậy mỗi khi bán ế, hoặc khoai mới về chú thường đến nhờ tui mua giúp hoặc mở hàng.

Cách nay nửa tháng, một buổi trưa bất chợt nghe tiếng chào, nhìn thấy chú ngồi trên ghế đá trước nhà tôi, tôi ngờ ngợ nhìn không ra vì chú mang khẩu trang. Rồi chú cất tiếng hỏi thăm tôi khoẻ không, bấy giờ tôi mới nhìn ra CHÚ BÁN KHOAI MÌ.

Tôi đến ghế đá hỏi thăm, thì được biết cách đó vài hôm chú mãi miết bán xoài trước cty Pouyen mà không hay QLĐT đến, chừng phát hiện thì đã muộn. Chú bị QLĐT Phường thu giữ xe và hàng hoá, chú nói mua xe xoài hết triệu mấy, mới bán được hơn hai trăm.

Tôi nói bán hàng sao không canh chừng mà để bị bắt? Chú nói thường ngày mấy ổng đi xe hơi, hôm đó đi xe gắn máy nên không ngờ.

Chú nói: mấy hôm nay không có tiền đóng nhà trọ nên chủ nhà khoá cửa không cho vô lấy đồ, nên chú đi lang thang tìm việc làm để dành tiền mua xe bán trở lại. Tôi hỏi quê chú ở đâu? Chú nói: Vĩnh Long.

Rồi chú nói: Con ráng xin việc làm để kiếm tiền mua một chiếc xe gắn máy bò chỏng để đi bán lại, mà không xin được. Tôi nói:

– Đang mùa dịch ai nhận mà làm. Ttôi hỏi tiếp:

– Vậy chiếc xe bò chỏng chừng bao nhiêu?

Chú nói :

– Chừng 1 triệu thôi chú.

Tôi quay bước trở vô nhà lấy đưa cho chú 1 triệu, chú mừng rỡ cầm tiền nói lời cảm ơn lí nhí rồi vội vã đi liền.

Một triệu là phân nửa số tiền mà tui vừa được người quen biếu cũng cách đó mấy hôm. Khi đưa tiền tui có nói: Nè tao cho mầy mượn 1 triệu đó, thôi đi mua xe để có phương tiện mà buôn bán mưu sinh, khi nào dư dã được thì trả lại cho tao.

Một vài ngày sau thì Saigon áp dụng chỉ thị số 10. 2 ngày nay thì chỉ thị 16. Chú bán khoai mì tui cũng không biết họ tên, nhà cửa, nhưng qua cái cách nói chuyện thì chú ấy quá thật thà hiền hậu, không biết có mua được chiếc xe để làm phương tiên mưu sinh, mà nếu mua được cũng chưa chắc gì buôn bán được hay rồi lại tiếp tục bị hốt chiếc xe thêm lần nữa… Còn ở lại Saigon thì không biết sống ra sao trong những ngày Saigon giãn cách, tôi mong chú sẽ về lại xứ sở Vĩnh Long trong vòng tay người thân yêu mến rau cháo qua ngày trong mùa đại dịch.

Saigon 11.07.2021

https://m.baomoi.com/nguoi-chong-doi-to…/c/39471684.epi

Screenshot 2021-07-13 231009

 

FB Nguyen Hong Anh

Mình dịch bài thơ này từ hồi năm covid thứ nhất, không phải vì nó hay, mà vì nó giản dị dễ thương, lại hợp với tình cảnh VN lúc đó. Giờ đọc lại thấy càng hợp hơn – với SG hiện tại…

——–

  

LỊCH SỬ SẼ GHI NHỚ

(chuyển ngữ từ "History will remember" của Donna Ashworth)

 

Lịch sử sẽ ghi nhớ ngày thế giới dừng lại

Và những chuyến bay nằm lại trên mặt đất

Và xe cộ đỗ lại bên đường

Và những chuyến tàu không còn chạy nữa

 

Lịch sử sẽ ghi nhớ khi trường học đóng cửa

Trẻ con ở đằng sau cánh cửa nhà

Còn nhân viên y tế hướng về ngọn lửa

Không chạy, mà vững vàng bước đi

 

Lịch sử sẽ ghi nhớ khi người ta ca hát

Trên ban công, và trong cảnh cô đơn

Những bàn tay vẫn cùng nhau siết chặt

Tiếng hát can trường ngày nắng đến đêm thâu

 

Lịch sử sẽ ghi nhớ khi người ta chiến đấu

Trong năm tháng tuổi già và yếu đuối

Để bảo vệ phận mỏng kiếp người

Bằng cách không làm chi cả.

 

Lịch sử sẽ ghi nhớ khi vi rút rời xa

Và những cánh cửa ngôi nhà lại mở

Và người ta lại bước ra ngoài

Và ôm chặt và hôn nhau

Và khởi sự lại từ đổ vỡ

 

Tử tế hơn bao giờ.

 

 

SÀI GÒN ĐẸP LẮM, SÀI GÒN ƠI, SÀI GÒN ƠI

FB Michel Agnes Nguyen

Chiều ngày 13.07.2021. Theo lời kêu gọi của Đức Tổng giáo phận, từ chiều hôm nay, xin anh chị em trong giáo sở hỗ trợ tiền hoặc nhu yếu phẩm: bí đao, bí ngô, khoai, gạo, đậu, cá khô… để hỗ trợ anh chị em Miền Nam trong lúc khó khăn vì dịch bệnh này. Xin anh chị em đưa đến nhà xứ để Cha có phương án chuyển đến Sài Gòn. Hai Cha đang đi nướng cá và gom cá để mua ở biển Quảng Ngạn, Huế.

Cám ơn anh chị em.

clip_image002[4]

clip_image004[4]

Cha Phú và Cha Hưng dang nướng cá để hỗ trợ anh em Sài Gòn trong dịp Covid 13.07.2021

NHẬT KÝ PHONG THÀNH (4)

FB Tran Le Hoa Tranh

“Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” mình muốn thay là “ăn của người, rưng rưng nước mắt”

Câu chuyện ngày hôm nay là nhìn hình ảnh những chuyến xe chở hàng nườm nượp về Sài Gòn.

Nguyễn Ngọc Tư viết rằng: “làm việc thiện đã tốt, nhưng làm xong quên luôn còn tốt hơn”. Lâu nay mỗi khi các nơi có bệnh hoạn gì như bão lũ này nọ, Sài Gòn bao giờ cũng là địa phương giúp đỡ đầu tiên. Không phải vì người Sài Gòn giàu có gì đâu. Mà là vì người Sài Gòn, thật ra là người tứ xứ. Nghe tin nơi nào có biến, thì cũng có một phần quê hương mình. Ngong ngóng về quê, lo cho quê. Giúp rồi quên, có bao giờ nhớ?

Vì vậy nên khi Sài Gòn bệnh nặng, mới đầu, dân Sài Gòn gắng gượng tự lo cho mình, bởi biết các nơi khác cũng có hơn gì, làm sao dám lên tiếng?

Nhưng khi tin tức về Sài Gòn lan truyền, các nơi mới biết rằng, trong một đô thị hào nhoáng và hoa lệ, có ẩn chứa rất nhiều mảnh đời cơ cực. Những đồng tiền gom góp lâu nay, đâu phải chỉ từ những người giàu có. Nó còn là mồ hôi của anh chạy xe ôm, chị bán ve chai, cô bán đậu hủ, bác bán vé số,… và bao nhiêu người tha hương. Có lẽ số người nghèo của Sài Gòn cũng nhiều bằng nửa nước cộng lại. Những đồng tiền chân chính khó nhọc nhưng cũng còn kiếm được giúp họ gửi về quê nuôi con cái ăn học, lo cho cha mẹ họ, hay thậm chí, xây tạm bợ một ngôi nhà.

Vậy nên, khi Sài Gòn bị thương, tầng lớp này sẽ chịu trận trước tiên.

Người Sài Gòn cưu mang nhau. Những hộp cơm thiện nguyện, những gói quà như gạo, mắm, dầu ăn, đường,… được trao từng người. Nhưng làm sao mà lo cho xuể khi thành phố bị phong toả, những ngôi chợ bị đóng cửa, những con đường huyết mạch lương thực bị ngưng trệ, bị hạn chế? Có ai nghĩ Sài Gòn mà thiếu rau xanh, thiếu tới cả cọng hành? Mình đọc trên fb thấy có người hỏi một cửa hàng rau là có thì là không để về nấu canh, cô bán hàng nói: bây giờ mà còn hỏi đồ xa xỉ như vậy?

Đến lúc này mới thấy lòng người các nơi đổ về.

Bữa giờ xem hình mà mình cảm xúc. Quảng Bình, Quảng Trị, Bến Tre, Phan Thiết, Hải Phòng, Gia Lai, Đà Nẵng,…tiếp tế cho Sài Gòn từ nhân lực đến vật chất. Từng tấn rau củ, cá tôm, vật tư y tế,…nhập về Sài Gòn.

Mình không thuộc diện được/ bị trợ cấp. Nhưng mình nhận được rất nhiều quà từ bạn bè. Rau củ từ Đà Lạt, cá từ Phan Thiết mà khi mở ra, mình rưng rưng nước mắt. Đó là tấm lòng của người ở xa lo lắng cho người Sài Gòn. Ai cũng mong Sài Gòn mau khỏe lại.

Sài Gòn không cô đơn chút nào. Thời gian trở lại bình thường chắc còn lâu lắm, còn trông chờ vào những quyết sách thật sáng suốt kia. Nhưng ít nhất, những ân tình này người Sài Gòn sẽ không quên.

clip_image006[5]

clip_image007

clip_image009

clip_image011

DỄ THƯƠNG QUÁ NGOẠI ƠI

FB Kyo York

Dễ thương quá ngoại ơi,

Bởi người ta nói “của cho không bằng cách cho”

Ngoại chắc gửi trái bí ai ăn cũng được miễn người đang cần đúng không ngoại, không phân biệt “giang hồ, sơn móng tay, hay đeo vàng…” phải không ngoại!!!

Báo Pháp Luật có đưa tin:

“Giữa trưa nắng, cụ bà 76 tuổi chở trái bí để ‘gửi chút tấm lòng’ vô Nam. Nhiều cụ bà dù tuổi đã cao nhưng vẫn đạp xe chở theo mấy cân gạo, vài trái bí, bịch đậu phộng vừa thu hoạch đến nhờ gửi tặng TP.HCM. Trong đó có Bà Trần Thị Tư (76 tuổi, thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn) đạp xe gửi bí đao, gạo tới địa điểm tập kết lương thực. Ảnh: NVCC

Không chỉ có bà Tư, gia đình bà Nguyễn Thị Toàn (65 tuổi) vừa lỗ vụ nuôi tôm nhưng cũng gói ghém gửi tặng TP.HCM 15 quả bí ngô và 50.000 đồng.

"Năm ngoái, chúng tôi nhận bao nhiêu sự ủng hộ của người dân TP.HCM, giờ gửi lại từng đó có là gì. Trong đó cũng có con cái chúng tôi đang làm ăn, giúp thành phố là giúp con cái mình" – 1 người dân trong thôn nói.”

Có thể là hình ảnh về 1 người, xe đạp và văn bản cho biết 'Bà Trần Tháị Tư (76 tuổi, thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn) đạp xe gửi bí đao, gạo tới địa điểm tập kết lương thực. Ảnh: NVCC Không chỉ có bà Tư, gia đình bà Nguyễn Thị Toàn (65 tuổi) vừa lỗ— vụ nuôi tôm nhưng cũng gói ghém gửi tăng TPHCM 15 quả bí ngô và 50.000 đồng.'

TRANH Thăng Fly Comics

“Khoảng cách”

clip_image022

Comments are closed.