Thép đã tôi thế đấy và món nợ không thể nào trả

Nguyễn Hoàng Văn

Chia cách lý tình mới được kể ra gần đây về đời sống của vợ chồng Giáo sư Tôn Thất Tùng lại nhen nhúm trong tôi một mức độ thuyết phục nào đó ở con sông Gianh khó tin trên mâm cơm vợ chồng Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Nhưng vấn đề không phải là mối chia cách khó tin mà là những món nợ khó đòi, của đất nước, cho đời này và cho muôn ngàn đời sau, bởi cái tiến trình tôi luyện để tạo nên một xã hội, một cơ chế và những con người trơ y như là thép với những cách chia như thế.

Mới đây, trên Văn Việt, nhà thơ Thái Hạo đã đề cập đến khía cạnh “đạo đức xã hội” và “đạo đức cá nhân”, theo đó đạo đức của con người sẽ là “thứ què quặt bệnh hoạn nếu nó không đếm xỉa gì đến cái trách nhiệm cộng đồng”. [1] Lấy thí dụ tín đồ của một tôn giáo nào đó, vì chăm chăm đầu tư cho tấm vé cứu rỗi ở đời sau mà trơ ra như thép với chuyện đời này, cao đạo với những hơn thua phù thế, bất kể đó là những hơn thua chính đáng, thậm chí là sinh tử, thí dụ cuộc hơn thua giữa cộng đồng mà anh ta đang sống với nhóm lợi ích đang gây ô nhiễm hay gây thiệt hại kinh tế nặng nề: nếu cộng đồng chiến thắng thì anh ta cũng mặc nhiên hưởng lợi nên, do đó, phải mang một món nợ tinh thần với cả cộng đồng.

Nhưng cũng phải tính đến món nợ từ cái niềm tin của anh ta, hay, ít ra, là cách diễn dịch niềm tin để dẫn đến hành trạng của một công dân thụ động nếu không nói là vô trách nhiệm như thế. Nó có chịu một phần trách nhiệm nào hay không? Có phải gánh vác một thứ nợ đạo đức nào đó với cộng đồng, xã hội hay không?

Có tích mới dịch ra tuồng và tôi nghĩ đến con sông Gianh khó tin trên mâm cơm của ông Tôn Đức Thắng trong cái thời “chuyên chính tiêu chuẩn”. [2] Là Chủ tịch nước, ông có “tiêu chuẩn” riêng mà người vợ tào khang không thể xâm phạm và, dẫu không muốn lỗi đạo phu thê thì người vợ vẫn ngại với những sinh hoạt phê bình – kiểm điểm nên, vô hình trung, tình cảm gia đình bị chia cắt ngay trong bữa ăn. Chuyện này, nếu thực, ắt sẽ khiến chúng ta nghĩ đến hai món nợ tinh thần. Thứ nhất là khoản nợ mà người chồng phải mang vì sự kỳ thị miếng ăn, và, thứ hai, cái món nợ đạo đức mà thiết chế xã hội phải gánh khi ép buộc những vợ chồng chung tình phải sống một cuộc sống thiếu tình chung như thế.

Tôi đọc câu chuyện này đâu mười mấy năm trước mà nay không thể tìm lại trong một đại dương tràn ngập rác thông tin. Câu chuyện không thuộc loại well-documented, người viết chỉ là một cái tên như muôn vạn cái tên khác, không gắn liền với một hoàn cảnh xuất thân hay làm việc rõ ràng mà, vả lại, cũng chẳng hay ho gì việc thọc mạch mâm cơm riêng tư của gia đình người khác, bất kể đó là ai nên, ngay từ đầu, chỉ xem như đó một chuyện đọc cho vui, đọc rồi bỏ qua, không nhất thiết phải lưu giữ như một tài liệu tham khảo. Nhưng mới đây, nhân sự ra đi của bà Vi Thị Nguyệt Hồ, vợ của nhà giải phẫu tài hoa Tôn Thất Tùng, tôi lại mơ hồ nghĩ đến một xác suất khá cao về sự thật trong đó:

“Một ngày sau khi bà mất, GS.TS Đặng Hanh Đệ (86 tuổi, học trò của GS. Tùng) cùng vợ Lê Lan Phương (82 tuổi, bác sĩ gây mê) lần giở những tấm ảnh và kỷ vật của người đồng nghiệp, người bạn lâu năm.

Ông Đệ kể, hồi thập niên 1960, khi bắt đầu phụ mổ cho GS. Tùng tại Bệnh viện Việt Đức, ông Đệ nhớ hình ảnh bà Hồ đi làm bằng chiếc xe đạp cũ, bất kể ngày mưa hay nắng. Thầy Tùng là lãnh đạo bệnh viện nên lúc nào cũng có xe hơi đưa đón, song bà chỉ đi cùng xe với chồng trong những dịp đặc biệt. Mỗi trưa, bà ăn cơm độn hạt cùng mọi người và tuyệt nhiên không bao giờ nhắc đến chồng hay thể hiện mình là vợ giám đốc.” [3]

Cùng làm việc một nơi mà, mỗi trưa, vợ phải trệu trạo cơm độn cùng đồng nghiệp trong khi chồng mất dạng với “tiêu chuẩn” chắc chắn phải cao hơn thì, liệu, đến tối, khi trở về tổ ấm chung, cái mâm cơm của họ có xuất hiện một hai bến sông cách trở? Bỏ qua chuyện miếng ăn tế nhị trong gia đình không nên tọc mạch mà cũng không ai biết được, chỉ nhìn qua chuyện di chuyển bên ngoài rất rõ thôi thì, nếu là người trong cuộc, ắt hẳn chúng ta phải lấy làm khó nghĩ. Chồng thì xe hơi nhưng vợ thì cọc cạch xe đạp cũ bất kể nắng mưa và có người đàn ông nào yên lòng ngả lưng trên nệm êm của chiếc xe bốn bánh trong khi vợ phải gò lưng trên hai cái bánh tròn giữa những cơn mưa xối xả hay trong cái rét căm căm của Hà Nội những ngày Đông?

Khi “lỗi đạo” với vợ như thế, ắt hẳn Gíao sư Tôn Thất Tùng ý thức rất rõ sự tách bạch riêng-chung: tình cảm vợ chồng là chuyện riêng nhưng chiếc xe là của đảng, đảng cấp riêng cho ông để ông có sức lực và tinh thần mà phục vụ đảng sao cho hoàn hảo. Nhưng không phải lúc nào ông giáo sư cũng thế, thí dụ hồi còn ở chiến khu, khi ông sử dụng quyền hạn của mình để giúp người bạn cũ chinh phục nữ nhân viên kiêm học trò.

Người bạn này là ông Cao Văn Khánh, cũng đồng hương Huế, cũng từng sinh hoạt hướng đạo thời trẻ và lúc đó mới 30 tuổi, nhiệm chức đại đoàn phó (sư đoàn), về sau là Trung tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội. Qua sự mai mối của bạn bè, nhà chỉ huy quân sự đem lòng yêu cô gái 20 tuổi chỉ mới nhìn qua hình, lúc đó là y tá kiêm sinh viên y khoa tại quân y viện ở Chiêm Hóa do Bác sĩ Tôn Thất Tùng phụ trách. Sắp xếp để hai người gặp nhau mà bất thành, ông mai bác sĩ bèn nghĩ ra cách khác, triệu tập nhân viên và thương binh nhẹ đến nghe đại đoàn phó báo cáo tình hình chiến sự. [4]

Đây, có lẽ, là cách mối mai có một không hai trên thế giới và khi làm như thế ông Tôn Thất Tùng đã lẫn lộn chung – riêng, khác hẳn một Tôn Thất Tùng cực kỳ “chuyên chính” với chiếc xe hơi của giám đốc mà, đến đây, chúng ta chỉ có thể tạm giải thích bằng một trong hai giả thuyết. Thứ nhất, rất có thể, xã hội lúc bấy giờ ngột ngạt quá, khác hẳn không khí lãng mạn của thời kỳ đầu kháng chiến nên, với xuất thân xuất thân quý tộc và quan lại, hai vợ chồng phải gồng mình chứng tỏ sự hòa nhập đúng theo khuôn mẫu mà thiết chế chính trị đòi hỏi. Thứ hai, cũng rất có thể, qua một quá trình tu dưỡng nhiều năm dưới sự dẫn dắt của niềm tin ngày càng vững chãi, ông giáo sư đã triệt bỏ được cái tình cảm chủ nghĩa sặc mùi tiểu tư sản của mình, nghĩa là Thép đã tôi thế đấy.

Nhưng không ai có thể đoan chắc rằng một người với xuất thân, với học vấn và có quan hệ giao tế như ông mà có thể chuyên chính đến mức sắt thép như thể anh chàng vô sản nhà nòi Pavel Korchagin của Nikolai Alekseyevich Ostrovsky. Muốn nói đến một hình mẫu như thế, có lẽ chúng ta phải viện dẫn đến bậc công nông hạng gộc mà sách vở chính thống nào cũng ca ngợi là sắt thép, ông Nguyễn Chí Thanh.

Lâu rồi, bà Nguyễn Thanh Hà, trưởng nữ của Nguyễn Chí Thanh, tâm sự với hai ký giả Thiên Long và Mạnh Dương trên báo Thanh Niên về sự sắt thép của ba mình:

“Một lần khác khi thấy tôi đang trên đường đi học về nhà, ông dừng xe lại và nói: ‘Đi nhanh về nhà ăn cơm’, rồi đóng cửa xe lại rồi đi thẳng mà không cho tôi lên xe mặc dù đường về nhà còn rất xa. Khi tôi hỏi tại sao bố không chở con về nhà thì ông trả lời: ‘Đây là xe công vụ chứ không phải xe chở con đi học’..” [5]

Nguyễn Chí Thanh sắt thép với cả cô con gái bé bỏng của mình, ngay trong một chuyện nhỏ nhặt không nhất thiết phải cứng đờ như thép nên, xem ra, đã rạch ròi máy móc với trái tim thép y như là Tố Hữu, khi nhà thơ đồng hương này phân định giới tuyến trong tim:

Mà nói vậy: "Trái tim anh đó

Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ:

Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

Phần cho thơ, và phần để em yêu…"

Em xấu hổ: "Thế cũng nhiều anh nhỉ!"

Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí

(“Bài ca mùa xuân 1961”)

Từ con sông Gianh khó tin trong mâm cơm gia đình của ông Chủ tịch nước chúng ta mơ hồ nhìn ra cả con sống Bến Hải trong trái tim nhà thơ thế nhưng có thực lúc nào nhà thơ kiêm quan chức đảng này cũng rạch ròi như thế?

Đó từng là nhà thơ lên lớp người đọc về sự cảnh giác trước kẻ thù, căn dặn họ phải rạch ròi giữa lý trí và tình cảm:

Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu

Trái tim lầm chỗ để trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu

(“Tâm sự – Trả lời một bạn văn nước ngoài”, 2.1967)

Nhưng đó cũng là nhà thơ đặt “tình cảm cách mạng” vào đầu đến độ không cần phải rạch ròi cái khoảng cách với kẻ thù, mà là kẻ thù truyền kiếp từng dày công sắp đặt để ăn cắp cái nỏ thần mà chính ông ta kêu gọi phải cảnh giác:

Bên kia biên giới là nhà

Bên ni biên giới cũng là quê hương

(“Đường sang nước bạn”)

Nhà thơ này, như thế, đã cực kỳ dễ dãi trước đối thủ truyền kiếp của dân tộc. Nếu những cô gái nhẹ dạ, dễ dàng trao thân trước mấy lời lẽ đường mật của hạng Sở Khanh bị người đời cho là “dễ dãi” thì cả thể chế thời ấy cũng… dễ dãi như vậy, như hồi tưởng của nhà văn Vũ Thư Hiên trong Đêm giữa ban ngày. Tác giả viện dẫn bố mình, ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên là Thư ký của Hồ Chí Minh và sau là Vụ trưởng Vụ Lễ Tân Bộ Ngoại Giao, về sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại Việt Nam và sự dễ dãi của những con người tưởng là sắt thép:

“…. . Chính Lê Duẩn là người chủ trương mời quân đội Trung Quốc vào miền Bắc Việt Nam để trấn giữ hộ miền Bắc trong khi toàn bộ quân đội miền Bắc được đưa vào chiến trường miền Nam. Chuyện này người ta cố ý lờ đi mỗi khi nói tới Lê Duẩn. Nhưng nếu không phải Lê Duẩn thì ai có thể quyết định một việc trọng đại như thế. Cha tôi cho rằng việc ban lãnh đạo Đảng mời Giải Phóng Quân Trung Quốc vào Việt Nam là sai lầm vô cùng nguy hại. Sai lầm đó đã cho thấy hậu quả của nó trong vụ Trung Quốc xua quân vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam năm 1979 để “cho Việt Nam một bài học”, như Đặng Tiểu Bình tuyên bố.

[…] Ông tự đi thuyết phục các nhà lãnh đạo, họ đều là các đồng chí cũ của ông trong thời kỳ bí mật, kêu gọi họ cảnh giác trước chủ nghĩa bành trướng và bá quyền của nước láng giềng từng đô hộ Việt Nam cả ngàn năm. Họ nghe ông với nụ cười mơ hồ, trịch thượng. Việc nước đã có họ lo, không cần đến ông.

Ông rất bất bình việc Nguyễn Chí Thanh, người nắm thực quyền trong quân đội hồi ấy, đã đặt Cục Đồ Bản của Trung Quốc in bản đồ 1/1000, là thứ bản đồ dùng cho pháo binh. “Đó là bí mật quốc gia, không một nước nào tự nguyện trao cho nước khác. Sao nó ngu thế! Sao nó bậy thế!”, ông bực bội kêu lên.

Nhẹ dạ trước tình yêu của một Trọng Thủy đầy cơ mưu, Mỵ Châu mới “vô ý” trao nỏ thần vào tay giặc, nhưng Thủy và Châu chỉ là hai nhân vật mơ hồ trong một truyền thuyết mơ hồ. Còn Nguyễn Chí Thanh lại là con người rất có thực của một giai đoạn lịch sử rất thực và ông ta đã, cơ hồ, gom hai nhân vật huyền sử vào mình với bàn tay Trọng Thủy cùng cái đầu cộng trái tim của Mỵ Châu để hành động như một nhà chính trị dễ dãi, dâng hiến những bí mật sâu kín trên thân thể tổ quốc cho tên Sở Khanh chính trị toàn cầu.

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao, tại sao một con người rất rạch ròi riêng-chung trong việc gia đình lại mơ hồ với những ý nghĩa riêng-chung cao cả hơn, cái chung của tổ quốc trên phương diện quốc gia và cái riêng của đất nước trên phương diện quốc tế? Câu trả lời, có lẽ, nằm ở chất “thép” đã trui rèn của những người như ông ta, trui rèn theo sự diễn dịch của lý tưởng theo đuổi về một thế giới đại đồng để rồi ngây ngô dẫn dắt đất nước đi vào vòm họng của kẻ thù truyền kiếp.

Nếu sự diễn dịch của niềm tin trên đã tạo ra những con người với tim óc cứng đờ và ngây ngô như thế thì chính thiết chế xã hội cứng đờ mà họ kiến tạo lại nhào nặn nên những thế hệ công dân thờ ơ và thụ động, những kẻ chỉ biết ngây ngô yêu nước theo nghị quyết chứ không có khả năng yêu nước bằng chính cái đầu và trái tim của mình: những việc đại sự như thế, thuộc về trái tim thép và cái đầu thép của một thiểu số nấp trong cái tháp ngà của niềm tin bị diễn dịch một chiều, những kẻ mà, theo diễn tả của nhà văn Vũ Thư Hiên, luôn luôn “trịch thượng” với “nụ cười mơ hồ” .

Nụ cười thì mơ hồ nhưng hậu họa thì rất thực, rất cụ thể; thực và cụ thể qua từng thửa đất bị ăn lấn trong bản kiểm toán của Nhà xuất bản Sự Thật về hai mươi lăm năm hữu nghị mang tên Sự thật về biên giới Việt Nam – Trung Quốc xuất bản năm 1979, ngay sau cuộc chiến biên giới. Nhưng rồi cái cái bản kiểm toán cụ thể ấy, và cả cuộc chiến rất thực ấy vẫn bị bỏ qua, vẫn bị lấn lướt bởi những giọng điệu trịch thượng và những nụ cười mơ hồ để mở ra những hiểm họa mới, từ Thành Đô năm 1990.

Và đó, gom lại, chính là món nợ mà tổ quốc không thể nào đòi. Món nợ của thứ niềm tin hay lý tưởng “thép” đã tôi luyện nên những con người khắt khe và, có thể nói, bần tiện với từng miếng ăn hay cuốc xe nhưng lại cực kỳ nhẹ dạ, cực kỳ dễ dãi trong những vấn đề sinh tử của quốc gia, dân tộc. Món nợ về những thế hệ công dân tiếp nối chỉ biết yêu nước theo nghị quyết và trơ như thép, hoàn toàn thờ ơ, hoàn toàn vô cảm, hoàn toàn vô trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội và với đất nước.

Lý tưởng, dù cao xa đến mấy, cũng chẳng ra gì cả nếu không đếm xỉa gì đến những hệ quả như thế với dân tộc và với nhân quần. Mà điểm lại khoản nợ gốc từ những hậu họa mà tổ quốc đang gánh chịu và nhìn vào món lãi phát sinh từ những hiểm họa mà đất nước sẽ đối mặt thì có thủ phạm nào, bất kể là họ “đã tôi thế đấy” đến đâu, có thể gánh vác, có thể kham nổi?

Tham khảo:

[1] http://vanviet.info/van-de-hom-nay/dao-duc/

[2] http://vanviet.info/van-de-hom-nay/tiu-chuan-che-do-tham-nhung/

[3] https://vnexpress.net/nu-y-ta-duoc-xem-la-hinh-mau-dieu-duong-viet-nam-4548263.html

[4} Cao Bảo Vân ( 2021), Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, NXB Tri Thức, Chương 15 “Tình yêu”.

[5] Thiên Long & Mạnh Dương, “Con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Tôi rất tự hào về cha!”, Thanh Niên, 15.10.2007.

[6] Vũ Thư Hiên (1997), Đêm giữa ban ngày, Văn Nghệ, California, trang 253-254.

Comments are closed.