Tiếng cồng (kỳ 7)

Tiểu thuyết của Nam Dao

*

Giáp H’mong hồi sinh. Công chúa sai vật trâu mổ lợn, sửa soạn một bữa tiệc cho cả giáp. Ðám đàn bà hối hả bắc nước đun sôi. Ðám đàn ông mài dao, chạy đi chạy lại. Dăm thanh niên không biết tìm đâu ra được vài khẩu súng mousqueton từ hồi Pháp mang ra khoác lên vai, tạo lại cái cảm tưởng một vùng tự trị từ xa xưa, khi Vua Vàng còn dẫn dắt dân tộc H’mong qua những bước thăng trầm của vùng rừng núi này. Công chúa Sao, trong bộ quần áo sặc sỡ, trở nên nghiêm trang. Nàng bỏ mặc André đứng nhìn ngơ ngẩn, dáng khổ sở, lưng như còng xuống.

Trong sân, Sa cười nói với chị Pình, rồi thoắt một cái quay người đi ra sau Vương phủ, mắt tìm bóng Hà vừa thấp thoáng đâu đó. Ðến sau lưng Hà, Sa giả vờ gọi:

– Freddy, anh ở đâu?

Ngoái người lại, Hà nhìn Sa, mỉm cười:

– Hình như Freddy ở phía trước với André. Sa ra đó mà tìm.

Chặc lưỡi, Sa nói:

– Không có Freddy thì hỏi anh cũng được! Có phiền anh không?

Nhìn Hà lắc đầu, Sa tròn mắt, miệng cười:

– Em chẳng biết ở bên Mỹ, sinh viên đi làm hè thì làm gì? Ở xứ mình, ai cũng ăn không ngồi rồi, nghề ngỗng đâu mà làm?

Ðến ngồi cạnh Hà, Sa cắn môi, giọng đanh lại, nói cương quyết:

– Sang bên đó, em sẽ tự lập. Em không sợ khổ! Cái việc Sa xin ở nhờ nhà anh hôm nọ, anh quên đi. Em buột miệng, nói mà không nghĩ!

Hà chậm rãi:

– Thường, sinh viên làm những việc như trông trẻ, bán hàng. Nhưng Sa đã đi đâu mà lo xa.

– Vâng. Ði cũng chẳng dễ gì. Mới rồi, Freddy đòi thỏa thuận lại điều kiện. Anh ấy bảo lấy Sa là Sa phải làm vợ anh ấy thật, chứ lấy rồi để ly dị thì không!

– …

– Em cũng nghĩ thêm về lời anh đã khuyên. Ðúng, ai lại bắt đầu cuộc đời một người đàn bà như thế. Em bảo Freddy, em cần thì giờ để nghĩ lại. Và Freddy cần thì giờ để tìm hiểu em…

Hà gật đầu, mắt nhìn vào ngấn cổ Sa, bỗng nhiên một chút xót xa ứa ra trong lòng. Tay cấu một ngọn cỏ may, Hà vò nát, lúng búng:

– Thế là phải… Lấy nhau, tình yêu là…

Sa ngắt lời Hà, cáu kỉnh:

– Hừ, tình yêu. Sa không yêu anh ta. Yêu làm sao được! Yêu anh ấy là em phản bội cha em à?

Ngạc nhiên, Hà ngập ngừng:

– Phản bội! Sao lại phản bội…

– Bom đạn ngày xưa, ai ném?

– Chuyện thuộc quá khứ rồi… Vả lại…

Sa sẵng giọng:

– Quá khứ thì sao? Quên đi như nó chưa hề có à? Còn hiện tại, anh thử tưởng tượng một hiện tại không cần có quá khứ xem có được không?

Bụng thót lại, Hà lắc đầu. Sa tiếp:

– Cha em bảo, hiện tại bắt nguồn từ quá khứ, ngay cả thứ quá khứ có trước cả thời huyền thoại. Chẳng hạn, anh biết, huyền thoại Lạc Long Quân – Âu Cơ chứ? Mẹ Tiên lên núi, mang theo năm mươi đứa con. Cha Rồng xuống biển, mang theo năm mươi đứa còn lại. Nhận mình là con Rồng cháu Tiên, tức là nhận cả sự chia cắt không hàn gắn cứu vãn được. Từ đó, sự chia cắt ấy nằm trong tiềm thức, biến thành bản thể. Trong từng con người, chỉ cần một cái gì khua động – một tiếng cồng, chẳng hạn – là sự chia cắt ập đến, thành hiện tại, hệt như thứ nghiệp chướng …

Mắt rừng rực lửa, một lúc sau Sa nghiến răng:

– Từ thuở huyền thoại đã thế, có thể nào nghĩ trận bom mới cách đây hai mươi lăm năm lại không có một tác động nào vào cái hiện tại này?

Im lặng nghe, Hà bỗng thấy xót thương Sa. Có cảm tưởng như đang đối thoại với người cha ám ảnh Sa trong từng câu nói, Hà dịu dàng:

– Ðó là lời cha của Sa. Còn Sa, Sa có suy tưởng riêng chứ. Nếu có dịp nói chuyện, tôi sẽ nói với cha Sa như thế này: cứ buộc vào, dây rợ ân oán móc nối nhau, lúc càng khúc mắc như một sợi chỉ rối, càng rối ta càng gỡ không ra. Còn cởi ra, nghĩa là thoát ly khỏi toàn bộ cái quá khứ kia với một cố gắng tỉnh thức ở hiện tại, ta mới thực sự uốn nắn được tương lai.

Sa cười nhạt nhưng nước mắt ứa ra, bĩu môi ngắt:

– … thế là ma nghiệp tiêu tan, định mệnh khắt khe không còn, phải thế không? Em sẽ quên quá khứ, quên những trận bom đã từng dội xuống từ bầu trời trên đầu cha em, mẹ em, rồi quên cha, quên mẹ, quên núi đồi Sapa, quên tất cả để yêu Freddy, lấy anh ta, thành một người vợ hiền uốn nắn tương lai mình vào cái vật chất ê hề trong một xã hội giàu có nhất và hùng mạnh nhất thế giới? Soi gương, em có thể bật lên hỏi một câu: “… ơ, ai đây? Còn Sa, Sa ở đâu? Có phải Sa đã chết rồi, chết hẳn để con người trong gương này tồn tại và có một tương lai?”.

Sa bật khóc, tay ôm lấy mặt. Hà cay đắng nghĩ đến chính câu mình hỏi mình, ta là ai? Choàng tay ôm vai Sa, lòng chua xót thương thân mình, Hà có cảm giác chỉ là bóng trong tấm gương soi một Hà nào đó đang vuột đi về một phương vô định. Hà bật kêu nho nhỏ: “… đừng khóc! Thôi, đừng khóc” trong khi ở đâu Freddy bước đến, ngạc nhiên nhìn hai người.

Sa quệt nước mắt, ngước lên gượng cười, ấm ức:

– Freddy! Sa đi tìm anh. Gặp anh Hà, Sa nói chuyện đi Mỹ, sẽ phải bỏ tất cả lại đây kể cả quá khứ… Buồn lắm chứ!

Freddy ngồi xuống, nhìn Hà giận dữ, gằn:

– Anh nói gì? Việc gì mà phải bỏ lại đây cái gì? Sa thích, mỗi năm nghỉ hè ta về đây! Mất mát gì đâu mà mất!

Gạt tay Hà ra, Freddy nhìn trừng trừng vào mắt, sẵng giọng:

– Ðừng có ai can thiệp nói vào nói ra. Chuyện riêng tư, miễn bàn!

*

Khi đêm về buông trên giáp, chỉ còn dăm tiếng hát ê a của đám đàn ông H’mong quá chén. Mây đen ở đâu bay lại, che mặt trăng cứ méo mó dần. Nhìn ra, rừng núi âm u mù sương. Mưa bắt đầu rỉ rả rơi, bình thản đến như một người khách quen với miền thượng du hẻo lánh này.

Công chúa tìm Sa, rồi mời cụ già vào gian thờ. Khi hai người đã ngồi cạnh, nàng chậm rãi, mắt nhìn cụ già:

– Cụ kể cho tôi nghe, cụ xưa biết tôi thế nào? Và cha mẹ tôi đã chết ra làm sao? Nhìn Sa, nàng tiếp – Sa dịch nhé, cứ chậm rãi, không có gì phải vội cả!

Cụ già gật gật đầu, tay rót một chén nước nóng. Nheo mắt, cụ cúi xuống, những nét nhăn trên trán nhíu lại cố gắng vạch lối về lại một quá khứ xa xưa. Hắng giọng, cụ ngập ngừng:

– Bắt đầu thế nào nhỉ? Ngừng nói, cụ chớp chớp mắt – Bắt đầu… bằng ngày sinh của công chúa nhé. Hoàng hậu, tên là Mẩy, chuyển dạ vào khoảng trưa. Bà quì, hai tay nắm thành giường, đau lắm, cắn răng nhưng thỉnh thoảng bật miệng kêu rên rỉ. Bọn bà mụ vây quanh, miệng giục với giọng khuyến khích, an ủi. Vua Vàng ngồi đợi ở giữa sân, tay xách cần rượu, lòng như có kiến lửa bò vào, thỉnh thoảng lại ngoái nhìn vào phủ. Khi đó, Vua chưa có con, đợi đứa đầu lòng, cả giáp hớn hở, đã sẵn sàng rượu thịt chờ tin vui. Ðến khi trăng lên đỉnh Fanxipan, một mụ đỡ chạy ra, rập đầu, nói. Vua nhăn mặt, phẩy tay cho mọi người đi hết, ngồi một mình rót rượu uống.

Trong phủ, hoàng hậu đau quá gào lên. Cứ thế, cho đến lúc trăng đi ngủ, một tiếng khóc oa oa cất lên. Vua đứng bật dậy. Bà mụ hớn hở chạy ra. Vua hỏi: “… có phải mở gian thờ không?”. Bà mụ lắc đầu. Theo phong tục, nếu là con trai thì chôn nhau dưới cột bàn thờ tổ. Nếu là con gái, chôn nhau ngay dưới chân giường. Vua nhìn trời, lúc đó sao mai lấp lánh, buột miệng gọi nó là Sao, Vàng Sao, rồi mỉm cười.

Sao lớn lên, khỏe mạnh, rồi năm sau hoàng hậu lại chửa. Lần này đẻ, được một đứa con trai kém Sao như thế là hai tuổi. Giáp thế là có kẻ kế vì, ba ngày liền ăn uống no nê. Khi đó Tây và Việt Minh đã bắt đầu đánh nhau to ở Lai Châu. Vua bảo “Người H’mong cố mà tránh, không dính vào, chỉ chết thôi!”. Ông sứ, người Pháp nhưng nói được tiếng H’mong, từ Lào Cai vào thăm Vua. Hai bên nói chuyện cả ngày. Khi sứ về, Vua nghĩ ngợi, đăm chiêu cả tuần trăng. Sau đó, Vua sai liên lạc với Việt Minh. Không tiếp họ ở phủ, Vua hẹn ven rừng, chỉ đi với già này, và bảo họ “Ông sứ có đến, nhưng người H’mong không theo ai, có súng cũng không bắn Việt Minh đâu!”. Ông Việt Minh gục gặc: “… cứ lấy súng, lấy đạn. Rồi đổi cho chúng tôi, lấy muối, gạo có được không?”. Vua thầm nhủ, thằng Tây có ngu đâu, nó sẽ biết. Vua nói: “Không, thằng Tây nó không phải con bò con trâu, cứ để người H’mong giữ súng. Con đường từ Lào Cai sang Lai Châu, Việt Minh cứ đi, người H’mong không làm gì, còn giấu cho…”.

Tháng sau, ông sứ lại đến với một đại đội lính Lê Dương. Vua lắc đầu, không nhận súng, hỏi ông sứ rằng đất H’mong tự trị sao lại có lính Tây. Ông sứ nói gì đó, Vua cứ lắc đầu. Cuối cùng, ông sứ rút lính ra đến bờ sông Ðà, và để lại hai trăm khẩu súng tay, một tiểu đội để huấn luyện người H’mong. Vua bằng lòng.

Lúc đó, chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã vào chặng đầu. Vua nói “Ai đi lính, cứ đi, nhưng phải bỏ giáp, không được ở lại!”. Ông Việt Minh tìm gặp Vua. Hai bên nói, rồi thỏa thuận. Ông Việt Minh bảo Vua bây giờ là chủ tịch khu tự trị Hoàng Liên Sơn, có nhiệm vụ dân công, giúp bộ đội kéo pháo, tải đạn. Việc này, Vua giữ kín lắm, bảo già này “Bí mật, tuyệt đối bí mật”. Nhưng con giun trong lỗ cũng chẳng bí mật mãi được. Ông sứ giận, phái hai đại đội Lê Dương tiến vào vây giáp. Vua biết đánh không được, ra lệnh cho người H’mong có súng rút lên cao, báo cho Việt Minh, rồi ở lại đợi ông sứ. Vua bảo “… nhất định không bắn vào ai!”. Ông sứ hỏi “… súng đâu? Không bắn thì trả lại!”. Ðêm hôm dó, ba tiểu đoàn Việt Minh bất ngờ tiến đánh. Ðạn bay vù vù, trâu bò, đàn bà trẻ con bị thương khóc kêu ầm ĩ. Việt Minh bắn pháo vào, rồi xung phong. Hai đại đội Lê Dương chống được, đẩy lùi Việt Minh. Ðến sáng, có tiếng máy bay bà già, rồi sau đó là tiếng bom napalm nổ rầm rầm như sấm sét, lửa bắn cháy rừng rực. Một tiểu đoàn lính Tây đến tiếp viện. Nó bị chặn đánh, nhưng vẫn tiến vào. Ðến trưa, Việt Minh bắt đầu tản quân, rút ra đóng quanh vùng. Trong Vương phủ, Vua bị mảnh bom chém vào đầu, óc phọt ra trắng xóa. Hoàng hậu thì trúng đạn, và chính ông sứ, ông ấy cũng bị thương ở bả vai. Hoàng tử chết cháy, nhìn như một con hoẵng thui. Chỉ độc một công chúa là an toàn, nhưng sợ quá, mặt tái nhợt, cứ lả người đi. Còn già – cụ già vạch lưng áo – già bị phỏng, lại trúng đạn ở đùi. Ông sứ sai bế công chúa đi, và chiều hôm đó, lính Pháp mở đường rút về Lào Cai…”.

Cụ già chép miệng:

– Thoáng một cái là hơn bốn mươi năm! Chẳng khác gì một giấc mơ…

Marthe ngẩn ngơ:

– Không, không phải mơ!

Nhắm mắt, Marthe lục lọi trí nhớ, bước xuống những bực thềm đưa tâm cảm nàng xuống sâu, xuống thật sâu, để tìm cái cô công chúa lên sáu, tên là Vàng Sao, mặt tái nhợt và lả người đi trong một trận bom. Nàng không thấy lửa napalm hừng hực mùi thuốc súng, cũng chẳng nghe thấy tiếng bom nổ như sấm sét. Thốt nhiên, tiếng đàn đá vẳng lại như ở bên tai. Nàng mở mắt, nói một mình:

– Thì ra chỉ có tiếng nước chảy xuống đá của cái thuở ấu thơ kia là còn ở lại…

Cánh cửa gian thờ mở, André ló đầu vào. Nhìn Marthe, André dịu dàng nói:

– Khuya rồi, em! Ði ngủ đi, mai ta còn về, công chúa ạ!

Ngước nhìn André, Marthe đáp, nghiêm nghị:

– Ðêm nay tôi ngủ ở đây. Ngủ một mình!

André choáng váng. Ðây là lần đầu hai vợ chồng không chia chăn sẻ gối trên dưới hai mươi năm nay.

*

Sáng sớm, đám du khách lục đục sửa soạn lên đường. Vào gian thờ, Sa chưa kịp nói gì thì Marthe nói ngay:

– Cứ về trước đi. Tôi ở lại! Tôi không đi đâu nữa.

Nhìn Marthe ngồi trơ trọi, mặt lạnh như đá, André giật mình. Lại gần, André dịu giọng:

– Em ơi! Ðường còn phải đi cả ngày…

Ngắt lời André, Marthe nghiêm trang:

– Ngồi thế này cả đêm, tôi nghĩ và đến cái quyết định vừa nói. Tôi không muốn đi đâu nữa. Tôi là người của xứ sở này, của rừng núi quanh đây…

Bên ngoài, đám du khách nghe tiếng đóng cửa gian thờ và tiếng André có vẻ bực bội. Chưa ai hiểu chuyện gì thì André bước ra, môi run lên, miệng cười nhạt, giọng mỉa mai:

– Công chúa Vàng Sao không về nữa! Vị thịt trâu sống bữa tiệc hôm qua đã trói chân nàng rồi…

Quả thật, hôm qua chỉ một mình Marthe dám ăn thịt trâu. Thịt lát mỏng, trộn với các loại rau thơm, bỏ thính và vắt chanh vào, nhưng mùi tanh vẫn sực lên khiến ngay Sa cũng chẳng dám đụng vào. Thế mà Marthe bốc thịt, nhai ngon lành trước mặt đám du khách cứ trợn mắt lên nhìn, chẳng để ý gì đến André mặt nhăn lại, lè lưỡi lắc đầu. Sa linh tính cảm thấy một nỗi đe dọa chưa định hẳn thành hình đang ùa tới. Nàng mở cửa, bước vào ngồi xuống cạnh chiếc ngai. Marthe nhìn Sa, giọng nhẹ như đến từ một nơi xa vắng:

– Sa này. Ta hỏi Lùng Thầu rồi. Ở lại đỉnh đồi này là định mệnh của ta. Sa hiểu chứ?

Giọng ngập ngừng, Sa thầm thì:

– Sa không thể ở lại, hôm nay Sa phải về. Mà, Tata – Sa đổi cách gọi Marthe – Tata cũng phải về thôi. Muốn ở phải có phép của công an Hà Nội! Tata là người nước ngoài, Tata quên rồi à?

Nghiêm mặt, Marthe hơi lưỡng lự, thốt:

– Ta gốc người ở đây, tên là Vàng Sao. Ông sứ trong chuyện cụ già kể đêm qua là người đã mang ta sang Pháp – Giọng ngậm ngùi, Marthe tiếp – lẽ ra ông phải kể cho ta hết nguồn gốc của ta. Thế nhưng ông chỉ bảo, Marthe, con gái của bố, mẹ con đã mất ở Indochine từ hồi con còn nhỏ, chẳng biết gì…

Ngưng nói, Marthe nhìn lên bàn thờ tổ Vàng, mắt đăm chìm vào một cõi vô hình, thở dài:

– Còn ta, cha mẹ và em ta đã chết, có lẽ nỗi sợ khiến ta quên hết. Và ta cứ yên trí chí là đứa con lai, mẹ Việt Nam đã chết, bố Pháp gà trống nuôi con… Tiếng Việt, ta chỉ bập bẹ biết được từ khi ta vào CNRS thành chuyên viên âm nhạc. Không biết có phải tiềm thức ta đã xui ta chuyên về nhạc dân tộc vùng Bắc Borneo. Người ở vùng đó, có lẽ chủng tộc cũng gần gũi với người H’mong ở đây. Và rồi, đêm hôm kia, ta đã nghe thấy tiếng đàn đá huyền diệu…

Mắt xa vắng, Marthe đứng lên thắp nhang cắm vào bàn thờ tổ Vàng, tay chắp lạy, hồn lắng vào cõi lặng im, miệng vẫn lẩm nhẩm. Nhìn Marthe, Sa bỗng thấy một nỗi sợ hãi ập lại. Làm sao chỉ một ngày một đêm, người đàn bà mảnh mai kia đánh đổi cuộc đời một phụ nữ sống ở mảnh đất văn vật bậc nhất thế giới kia lấy một cuộc đời một người khác leo lắt trên nẻo rừng hắt hiu này? Có phải là vì công chúa, hai cái chữ rỗng tuếch kia có tác động đổi đời, hay vì đám người H’mong đã bỏ bùa bỏ ngải gì? Không dám nghĩ thêm về truyền thuyết bùa ngải đường rừng, Sa bước đến sau lưng Marthe, nhỏ nhẹ:

– Muốn ở lại, cũng phải xếp đặt, từ từ sửa soạn chứ! Tata cứ về, rồi thu xếp sau!

Marthe không đáp, tiếp tục khấn vái. Sa rón rén bước ra. Thấy Freddy, nàng ngập ngừng:

– Công chúa cương quyết lắm. Chắc phải kiên nhẫn đợi!

Ði theo Sa, Freddy đến chỗ Hà và André. Họ đứng cuối sân Vương phủ, mắt ngóng vào, dáng bồn chồn nóng nảy. André than:

– C’est terrible(32)

Hà nhìn André thương hại:

– Nếu Marthe thật là công chúa thì… cũng hiểu được!

Lắc đầu, André bực bội nói như quát:

– Không ai là, hay thật là, cái gì cả. Chỉ có những vai trò con người gán ghép cho nhau trong một màn kịch đời khổng lồ. Marthe đang đóng vai công chúa, nhưng nhập vào vai, hành xử hóa ra bệnh hoạn… Freddy nhỏ nhẹ:

– Anh là bác sĩ tâm thần, anh biết rõ hơn mọi người. Có thuốc chữa chứ? Cứ bình tĩnh.

– Có, nhưng tôi không mang theo. Thuốc cho nhịp tim xuống, đưa cơ thể vào trạng thái nghỉ. Valium, chẳng hạn… Chữa mất thời giờ lắm, còn khỏi, hừ, không biết được!

Sa nắm cườm tay André, nói:

– Bây giờ, mỗi người nói một câu. Cái trước mắt là Tata cứ nhận tạm về Sapa vài bữa đã. Nhất định không ai nán lại, và lúc đó, thế nào Tata cũng chịu. Ở đây không nói được với ai vì ngôn ngữ bất đồng, giỏi lắm cũng chỉ sống được dăm ngày thôi. Bây giờ, Sa lại vào năn nỉ Tata, sau là đến André, rồi cứ thế…

*

Vừa xẩm tối, đoàn người đã đến đỉnh đồi. Nhìn xa xa phía dưới, bến Lú hiện ra, bên bờ có dăm con trâu thơ thẩn, chậm rãi đi vòng vòng. Marthe cắn môi, đưa mắt vơ vẩn trông về đằng sau, nơi cái giồng H’mong đầu tiên nàng đã đặt chân tới rồi gặp chị Pình. Suốt ngày, Marthe im lặng, không nói một lời với ai. Lùng Thầu và Sa đi bên, cũng đành ngậm tăm, thỉnh thoảng nhìn trộm. Nét mặt Marthe lạnh như đá tạc, toát ra một sự nghiêm nghị cứng cỏi như tôi bằng thép, rờn rợn, lạnh buốt, chốc chốc lại lóe lên như ánh dao mới mài. Ðám H’mong đi theo cũng giữ im lặng, bước chân nặng chình chịch, chốc chốc hò nhau đưa kiệu tới khênh công chúa mỗi khi đường trở nên gập ghềnh khó đi. Marthe thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng đàn đá vẳng lại. Mỗi khi ấy, nàng nhếch mép cười, cười một mình, không chú ý đến bất cứ ai, bất cứ gì. Nghĩ đến cha nuôi nàng, người mà cụ già gọi là ông sứ, nàng bỗng cảm thấy có gì như một niềm oán hận dâng lên như thủy triều. Sau sáu năm đầu, cả cuộc đời nàng trên đất người xa lạ là do cha nuôi nàng tạo ra, gầy nên, hệt như trò chơi búp bê. Một con búp bê bị bắt cóc. Nay con búp bê bỗng nhiên tỉnh mộng rồi hóa thân thành ra vị công chúa lưu lạc bốn mươi năm nay. Vị công chúa ấy đã tìm về bản quán, vái Ðức Bàn, chư thần năm biển và tổ họ Vàng. Bây giờ, trên đỉnh đồi hoang vu, nàng lại sắp sửa bước về cái thế giới dưới kia, không phải là thế giới có tiếng đàn đá đầu ngọn thác, mà là một thế giới văn minh với muôn vàn thứ âm thanh nay mỗi lúc một xa lạ với nàng.

“Công chúa, công chúa!” chị Pình tiến lại gần, miệng gọi nho nhỏ, nước mắt đỏ hoe. Marthe quay lại nhìn, rồi quàng tay qua vai chị. Theo đoàn người, cả hai bắt đầu bước xuống dốc đồi. Ðằng sau, dân giồng đã tề tựu, bước từng bước, nét mặt phảng phất một nỗi buồn ấm ức. Có thể nào công chúa về, rồi công chúa lại đi? Lời tiên tri của đức Bàn bốn mươi năm về trước không hề đả động đến sự ra đi này. Lại là một sự ra đi không có ép buộc! Thế thì sau đây ai cứu dân H’mong? Lùng Thầu nhìn công chúa, nét mặt đăm chiêu, lâu lâu thở dài thườn thượt.

Marthe nhìn về phía André, lưng nhô cao, đi giữa Hà và Freddy, người chúi như sắp ngã xuống dốc. Hai mươi năm chăn gối. A, nhanh thế đấy ư. Phải nói, André là một người chồng tốt. Anh ta chiều vợ, lúc nào cũng chu toàn cái bổn phận một người cha, một người chồng. Và được cái là khá lịch thiệp, mặc dầu tính thích giễu cợt. Thế nào anh ta cũng bảo George: “Này, con… Chúng ta thuộc gia đình vương giả. Bên ngoại, ông là Vua”. Rồi anh ta sẽ hát ông ổng:”Le bon roi d’Agobert a mis sa culotte à l’envers …”(33). Ðấy, anh ta cứ thế, đùa dai nhưng không ác ý. Dĩ nhiên, thế hệ trước anh, họ hẳn khác. Marthe nhớ lại lời cụ già. Thế ra người Pháp giúi súng bắt H’mong đánh Việt Minh. Rồi Việt Minh đánh Pháp, và cái dân tộc hồn nhiên bỗng dưng nhận hàng chục quả bom napalm từ trời rơi xuống. Marthe nghiến răng, chúng bay là bọn giết người. Nhìn ba người, André, Freddy và Hà, Marthe bỗng căm giận tất cả. Dẫu Freddy nói đi nói lại là hai mươi năm trước cha chàng chỉ bay thám thính, bom vẫn đã nổ trên Hoàng Liên Sơn. Và là bom B.52, ném kiểu rải thảm, chứ chẳng như bom thời Pháp, ít hơn và sức công phá không bằng một phần trăm bom Mỹ. Buột lời nguyền rủa, Marthe cắn môi, tay bóp mạnh vào vai chị Pình vẫn cứ khóc thút thít đi bên cạnh.

Xuống hết con dốc, đoàn người ngừng lại. Vòng ngay bến Lú là con lộ dẫn về Sapa, từ xa đã thấp thoáng đèn. Marthe nhìn chị Pình, Lùng Thầu, rồi quay sang nhìn khắp lượt đám người H’mong đưa tiễn. Họ vẫn im lặng, đầu cúi xuống. Tiến lên một bước, Lùng Thầu vòng tay:

– Thưa công chúa. Có lẽ là đến lúc chia tay…

Marthe chợt để tay lên miệng, nói khẽ:

– Lùng Thầu, có nghe thấy không? Lại tiếng đàn đá giáp H’mong ở Lũng Mây!

Ngạc nhiên, Lùng Thầu lắng tai rồi lắc đầu. Marthe kêu lên, mắt long lanh sáng:

– Ðúng, lại tiếng đàn ấy!

Không nói, không rằng, Marthe lao như bay về phía bến Lú. Hai con trâu thơ thẩn hoảng sợ, co chân nhảy dạt sang một bên. Cứ thế Marthe chạy xổ tới, bến Lú đang hút nàng như một cục nam châm hút sắt. Trước những cặp mắt thất thần, Marthe lao mình vào dòng nước, miệng há ra, uống lấy uống để. André giơ tay lên trời, rồi chạy đến, mồm rống lên:

– Marthe, làm gì thế? Lên đi, lên đi chứ!

Như người đang trầm mình trong một cơn mê sảng, Marthe cười khanh khách, miệng gào :

– Uống nước bến Lú, ta quên hết. Chỉ nhớ độc có tiếng đàn đá trong kia.

Marthe đứng lên lội vào bờ, người ướt như chuột lột, nhưng mắt sáng rực ánh lửa khi người ta cời than cho củi khô bùng cháy. Tay chỉ về phía Lũng Mây, nàng nói:

– Thôi, ta về đây! Ta phải về!

Dứt lời, Marthe không ngoảnh lại cắm đầu chạy ngược lên dốc.

Ðám người H’mong hiểu ra, lại cùng nhau hò lên: “Công chúa, công chúa…”. Chị Pình tất tả đuổi theo Marthe. André cũng vùng mình, vừa chạy theo vừa kêu:

– Marthe! Quay lại! Marthe!

Tiếng André chìm trong tiếng reo của người H’mong. Họ nhảy múa, ôm lấy nhau, cười hả hê vì cuối cùng Ðức Bàn, như cả nghìn năm trước, lại thể hiện lời tiên tri huyền diệu.

Ðám người H’mong thấp thoáng trên đỉnh đồi rồi từ từ mất dạng hệt như trong truyện trong phim ảnh. Freddy và Sa sững người ngẩn ngơ nhìn theo. Từ đỉnh trời cao vút, dăm ánh sao đêm hiện ra lấp lánh nháy mắt trêu ngươi. Hà bước lại cạnh André, chân đang quì, tay ôm mặt. Nghe André rên rỉ “Trời hỡi, Trời!”, Hà không biết làm gì hơn là ngồi xuống bên cạnh, im lặng nhìn vào núi rừng. Ðêm đã phủ xuống một lớp màn xám xịt trên mặt trái đất nhăn nhúm những đau thương bất ngờ.

Núi rừng trước mặt là một cõi hoang vu bí ẩn. Nhưng dẫu có thế nào thì thì sự bí ẩn đó cũng chẳng thể so được với cõi lòng của những con người có cái định nghiệp phải một lần ghé chân bến Lú.

N.D.

(32) Kinh quá.

(33) Đức Vua d’Agobert mặc quần trái…

Comments are closed.