Tiếng Việt thời LM de Rhodes – dạng bị (kích) động (active voice)

Trần Vũ

clip_image001[…]

Ðó là buổi sáng Alexandre Lucien Abel de Rhodes chép trong nhật ký ba chữ La Tinh Aléa Jacta Est! mang nghĩa định mệnh đã an bài mà những ai tham khảo thư khố toà thánh La Mã về sau, hãy còn nhận ra nét chữ thảo tài hoa vừa rắn rỏi, vừa bay bướm của giáo sĩ. Nhật ký Hành Trình Truyền Giáo Phương Đông của De Rhodes sau này được xuất bản, chỉ bao gồm ba phần Goa, Xứ Ðàng Trong và Xứ Ðàng Ngoài, khởi đi từ năm 1619 khi ông gặp thiếu nữ có mái tóc đen và chấm dứt lúc ông rời An Nam vĩnh viễn. Những đoạn sau khi chết, chiếm 4/5 tập nhật ký, đặc biệt thời gian ở Cao Bằng hoàn toàn bị Hội Thừa sai dập xoá. Trong bản gốc, số đăng ký quốc hội Vatican, các chương ghi lại đời sống vợ chồng với Tuyết, chỉ còn mỗi ba chữ Aléa Jacta Est, các ký tự khác đều bị thuốc tẩy giặt trắng xoá loang lổ ố vàng. Những chữ li ti, chi chít, khi mất khi hiện, gần như được viết trên bụi mà nửa thế kỷ sau, chỉ những nhà văn am tường kỹ thuật hiện thực huyền ảo mới còn có thể chú giải.

Nhưng buổi sáng đó, Alexandre de Rhodes đã viết tăm tắp trong nhật ký, những sự kiện dồn dập xẩy đến trong kiếp ma của kiếp đời ông. Từ ngày thiếu nữ thành Goa xuất hiện, đầy rẫy những hiện tượng mà De Rhodes không sao có thể giải thích. Từ những cánh buồm trắng Y Pha Nho lộng gió của các chiến thuyền cổ xưa trí súng đại bác đồng đen, không biết ở đâu trôi đến, thả neo ven sông Hiểm mỗi khi giáo sĩ xuống các xóm chài giảng kinh, đến những lần ra nhà sách Tôn Thọ Tường chầu chực đợi thu tiền sách, dù các chủ hiệu sách sau khi khấu trừ 50% hoa hồng vẫn ít khi sòng phẳng, De Rhodes đã rất ngạc nhiên chứng kiến cảnh những đoàn kỵ sĩ mũ nồi Thập Tự giá, rầm rập phi nước kiệu ngang qua phố chính thị xã. Tiếng hò reo của lũ trẻ An Nam vang dậy theo tiếng vó ngựa Thập Tự chinh vang lừng xuyên suốt khắp pháo đài đến nỗi, lính Lê Dương ở các trạm gác cũng ngỡ đã có quân viện từ chính quốc. Rất đông các sĩ quan Pháp đã tin tưởng lữ đoàn kỵ binh giáp sắt sẽ xuất hiện chống trả Việt Minh ngày Cao Bằng bị tấn công, chỉ cần cha cố rao giảng phúc âm ở tuyến đầu. Hiếm ai lúc đó không tin tưởng vào nhà thờ, như niềm tin chiến thắng cuối cùng.

Giáo sĩ cũng ghi chép cẩn thận giai đoạn ông gặp khủng hoảng, khi thiếu nữ thành Goa chưa bước chân ra khỏi cuốn tiểu thuyết An Nam “Đời Mưa Gió” về khủng hoảng oan nghiệt của một oan hồn, ngày cũng như đêm, chui rúc trong các xó hốc cho đến một hôm quá tuyệt vọng ông đã treo cổ dưới đà ngang của nhà thờ. Cha cố đã đau đớn giãy dụa oằn oại hàng giờ, đã trông thấy chiếc lưỡi của ông dài ngoằn lê thê đến gối, đã đau đớn phạm điều răn đức Chúa Trời, nhưng ông không chết được. Sáng đó, dì Louise vào lễ, dâng hoa, đã hốt hoảng ngất xỉu trông thấy giáo sĩ treo cổ dưới tượng Chúa mặt mũi tím bầm và ruột phân lòng thòng trên đất. Ðại tá Charton, tư lệnh Chiến đoàn Lê dương Cao Bằng đã phải cho lính bắt thang lên cắt dây thừng đỡ ông xuống, những lúc đó giáo sĩ ê chề xấu hổ và mang trong mình nỗi bất lực oan khiên của bóng ma. Sự sống không còn, cái chết chưa hết nhưng con người không có một chút quyền tự do định đoạt phần số của chính mình, tất cả tùy thuộc thượng đế. Nhưng Thượng đế nơi đâu? Cha cố hốt hoảng nhận ra ông tra vấn một điều chỉ có tiểu thuyết mới có giải đáp. Cứ thế ông cắm cúi chép trong nhật ký nội tâm của một bóng ma đã chết mãi mà Ngày Phán Xét Cuối Cùng không xẩy đến.

Cứ thế, cha cố ghi chép miên man, chỉ cần ông nhiễu một giọt mực, chữ sẽ đen đặc. Trong suốt nhật ký, trừ chương thành vợ chồng với Tuyết, của “Đời Mưa Gió”, mà giáo sĩ luôn đỏ mặt ngượng nghịu ít dám đọc lại, cha cố hài lòng hơn hết những chương đầu tiên khi ông mới đặt chân đến An Nam còn mang trong mình sứ mệnh thiêng liêng cùng đức tin Sáng Thế ký.

Khi đến Gia Ðịnh lần đầu tiên, De Rhodes đã biết ông đặt chân tới một vùng đất kỳ bí. Hơi nóng ngùn ngụt như thiêu, đốt liên tục suốt ngày sắc xanh hực gai góc của những cánh rừng trùng điệp ngút ngàn mà dù đứng xa ông vẫn nghe thấy tiếng trò chuyện râm ran của vạn vật. Tất cả thanh âm An Nam bật lên dưới nắng sức sống mãnh liệt hừng hực hắt dội lửa dâng lên khắp mặt đất, không chỗ nào không có tiếng nói, ngợp bóng người, như thể mỗi người đàn ông An Nam là một cây chuối xanh biết đi đứng, còn mỗi người đàn bà An Nam là một buồng chuối xum xuê quả. Mãi sau nhiều ngày De Rhodes mới hiểu do người An Nam chết yểu, chết sớm quá nhiều nên phải tận lực sinh sản. Và lý do tử tuất cao lẫn tiếng động không ngớt ầm ĩ, không ngơi nghỉ, từ sáng đến trưa, suốt chiều, đêm khuya cho đến thâu đêm, phát sinh ở thảm kịch sắc tộc Kinh thiếu chữ viết để ghi nhớ những chuyện cần nhớ. Tất cả dân bản xứ đều phải kể chuyện huyên thuyên, nói thật to, bất kể người đang ngủ cần yên tĩnh, để những điều cần nhớ được lập đi lập lại không dứt và truyền bá rộng rãi, cho phép những người đã quên có thể nhớ lại, và lưu truyền cho con cháu. Ðến mức nhiều gia trưởng lập đi lập lại lời trăn trối của tổ tiên cho đến khi tắt hơi qua đời, và kẻ thừa kế được dòng họ nuôi nấng chỉ để học thuộc bí kiếp gia truyền và lẩm nhẩm trả bài trước bàn thờ cho đến lúc kiệt sức và cứ thế con cháu thay nhau lập lại một suy nghĩ đã có từ nhiều ngàn năm trước. Ðến nỗi trong buổi giảng đầu, De Rhodes không sao truyền bá thánh kinh, vì những kẻ tò mò đến xem, không ngớt lập lại những điều gia đình căn dặn, để đừng quên, là sau khi tan lễ phải ra chợ mua bao nhiêu lạng hành tỏi, gà, rau, đậu, mắm, và ghé đến nhà ai mời giỗ, thu họ, đóng hụi chết, bao nhiêu xâu tiền kẽm, khiến buổi ra mắt sách Cựu Ước thứ nhất của De Rhodes ồn ào như một chợ cá. Chính lúc đó De Rhodes quyết định ký âm thứ ngôn ngữ kỳ lạ lảnh lót như tiếng họa mi ríu rít, với mục đích giúp dân bản xứ có thể ghi chép những điều thường nhật cần nhớ, sẽ rảnh rỗi im lặng hơn khi nghe giảng kinh, và đặc biệt thôi lập lại những điều Thiên tử ban truyền ngăn cấm Giáo hội. Chỉ một thời gian ngắn, giáo sĩ nhận ra ông đã thành công. Từ khi có chữ viết, số tử vong vì kiệt sức giảm hẳn, sắc tộc Kinh thông tin cho nhau dễ dàng việc đồng áng, lúa gạo nhiều hơn, khiến thanh niên An Nam lớn nhanh như thổi, cao đến đầu gối, rồi đến bụng, cuối cùng đứng ngang tầm ngực ông, nhưng ngưng ở đó, vì dân bản xứ có truyền thống ăn rau sống với bánh tráng cuốn ruồi nhặng chấm nước dòi, đưa đến bệnh tiêu chảy triền miên làm teo tọp thân thể. Chính các Chúa Nguyễn thời đó cũng không sao ngăn cấm được thứ chữ do De Rhodes ký âm, vì rất ít ai đọc được các sắc chỉ dụ viết bằng tiếng Trung Hoa, nên không hiểu các Chúa muốn gì.   

De Rhodes cũng khám phá, sức mạnh của sắc tộc Kinh nằm trong những đứa trẻ, đông đúc chiếm hai phần ba dân số, một phần do những cụ già yểu thọ, một phần do phụ nữ An Nam mắn đẻ, chỉ cần ăn hơn một rổ khế chua đã có thể thụ thai. De Rhodes luôn luôn ngạc nhiên trước những đứa trẻ cực kỳ thông minh, linh hoạt, sinh động và gần như không bao giờ già đi, chỉ chết non vì chiến tranh. Giáo sĩ nhớ rõ, ông đã gặp một cậu bé khôi ngô, chỉ trong một tuần lễ đã dạy ông cách phát âm của mọi miền đất An Nam với tất cả thanh sắc. Cậu bé thông thạo mọi thứ, biết hết mọi chuyện, từ cách đổi tiền quan Pháp ra tiền kẽm, lãi thấp, đến cách thuê trâu giúp ông di chuyển, đến mọi thứ trái cây, đồ tế nhuyễn bản xứ. Chỉ trong một đêm cậu bé đọc vanh vách kê khai tất cả mọi món ngon vật lạ ở An Nam và tuyên bố đã ghi chép trong hai cuốn sách do chính cậu viết. Ðiều kỳ lạ là thiếu niên không biết tiếng Pháp nhưng hiểu hết những điều giáo sĩ nói, chỉ qua cử động của đôi môi. Chính De Rhodes cũng đã tiếp thu toàn bộ văn hoá An Nam qua những điều thiếu niên kể. Mãi sau, khi rời Gia Ðịnh lên Quy Nhơn mà giáo sĩ ký âm Quy Nhin, rồi ra Quảng Ngãi mà giáo sĩ ký âm Quẩm Nghĩa, rối ra Kẻ Chợ, giáo sĩ mới biết thiếu niên tên chữ Lê Quý Ðôn, về sau chết trong trận giặc sông Gianh rồi đầu thai theo quốc giáo là Phật giáo, sẽ cho xuất bản hai bộ sách Phủ Biên Tạp Lục cùng Vân Ðài Loại Ngữ.

Alexandre de Rhodes buông bút. Tiếng gió hú lê thê trong cầu thang trôn ốc xoáy gọi những tiếng kêu lạnh lẽo khiến giáo sĩ ngẩng lên. Căn hầm đá bất chợ lạnh căm căm. De Rhodes thở ra khói. Ông nghe tiếng rơi của một vật nặng đang lao xuống nhà thờ. Sức hút trọng lực khiến gió đẩy bật những cánh cửa va đóng vào nhau rầm rập như nhà thờ có kẻ phá. Tất cả trần vách rung chuyển rùng rợn như có đám đông đang chạy rần rật huỳnh huỵch trên mái. Tiếng ngói lăn thông thốc từng lúc, giáo sĩ quyết định đóng nhật ký, ông chỉ kịp viết ba chữ Aléa Jacta Est cho một mặc cảm chịu tội sắp xảy đến, mà đã từ lâu giáo sĩ biết ông bị khai trừ khỏi hội thánh.

Tiếng gió hú the thé mỗi lúc một lạnh buốt khắp châu thân, cùng lúc mang hơi lửa bỏng rát phả vào mặt giáo sĩ. Alexandre vừa thở ra khói vừa nóng hổi. Anh nhận ra những dấu hiệu của tận thế khi lửa và băng cùng xẩy đến một lúc.

Alexandre bước lên tháp, anh trông thấy gió giật những dây chuông va đánh vào nhau. Các quả chuông chạm nẩy nhau nhưng không phát tiếng động. Thời đó ai sống ở Cao Bằng cũng biết đức tính hiếm quý của những quả chuông, mỗi khi đánh không phát âm thanh, không có tiếng động nào, nhưng tiếng chuông lại ngân lên ở Ðông Khê, cách đó 28 cây số. Phải mất nhiều phút tiếng chuông váng âm từ Ðông Khê mới vọng trở lại, đổ dồn về thị xã. Hiện tượng kéo dài và chính xác đến độ Alexandre phải thức sớm những sáng chủ nhật và đánh chuông trước vài phút cho kịp lễ. Những ngày sau cùng, khi Ðông Khê bị Việt Minh vây, antenne truyền tin của căn cứ bị pháo sập, đại tá Charton đã phải nhờ giáo sĩ đánh chuông gởi đi những bản tin mã hoá. Sáng đó các dây chuông co giật không âm thanh, trông như bầy rắn múa máy. Alexandre cảm thấy sợ, nhưng anh cũng cố gắng bước đến nắm lấy dây chuông giữ cho đừng múa lượn. Chính lúc đó các quầng lửa cuốn về nhà thờ cháy sáng lầu chuông và các tia lửa vây lấy mình anh. Trong khoảng khắc tiếng chuông ngân từ Ðông Khê réo về Cao Bằng từng tràng đại bác như tiếng sấm rền. Lẫn trong tiếng chuông Alexandre còn nghe rõ cả tiếng súng cối bắn vào đồn Ðông Khê, súng cối của kỹ sư Trần Đại Nghĩa câu dòn dã, tiếng kèn thúc quân và cả tiếng hô xung phong của trung đoàn Thủ Ðô. Alexandre nhìn thấy qua đám khói mù mịt những hình ảnh quái thai chết chóc trong lúc tiếng chuông làm vỡ tan hoang gạch ngói rơi rớt lả tả chung quanh đỉnh tháp nhà thờ. Cứ vài phút tiếng chuông đổ dồn về gióng ào ạt ầm ĩ kinh động những rên la của lính viễn chinh bị thương ngoài mặt trận. Các dây chuông co giật như phát điên, quấn lấy đôi tay Alexandre như những vòi bạch tuột nghiến thắt, khiến anh không sao giữ thăng bằng, cả người Alexandre bị nhấc bổng lên không trung theo điệu múa quỷ quái của quả chuông rồi kéo lê lết đến tận bao lơn tháp trước khi chịu lôi giật về hướng ngược lại. Ở mỗi cơn động kinh Alexandre bị các cuồng lửa bắt xém vào áo chùng làm phỏng rộp thịt da cho đến lúc tấm áo cháy tiêu và thân thể anh hoàn toàn trần truồng. Chính lúc đó Tuyết xuất hiện ở cửa tháp. Chính lúc đó Alexandre tin chắc ngày cuối cùng đã đến và Thiên Chúa sống dậy phán xét loài người.

– Blời ơi! Tận thế rồi!

Tuyết ôm chầm lấy giáo sĩ lúc đó.

– Ối em lạy anh! Em là Tuyết của Đời Mưa Gió!

Alexandre Lucien Abel de Rhodes chỉ còn kịp kêu lên “Blời ơi! Tận thế rồi!” trước khi bốc cháy. Lửa thiêng cuốn lấy thân mình ông, hỏa thiêu tấm áo chùng nhưng không thể đốt cháy linh hồn của bóng ma cha cố đã mạng vong ba trăm năm, cũng không thể thiêu đốt chữ Quốc ngữ do cha cố sáng chế từ các âm vị La Tinh. Lửa của Việt Minh chỉ có thể đốt vật chất.

Là buổi sáng 18 tháng 9-1950 khi đồn Đông Khê thất thủ, mở màn trận Đường Biên Giới.

[…]

Trần Vũ, tháng 10-2002, trích đoạn từ trung thiên truyện Giáo Sĩ

Comments are closed.