Trà sáng (*)

Truyện Ngô Nguyên Dũng

clip_image002[4]

Thỉnh thoảng vị đệ tử nhẹ tay gõ một tiếng chuông. Âm thanh trong suốt, ngân dội trong không gian trầm mặc. Trầm Hương tưởng ra ngón tay ai khẽ chạm vào mặt nước tĩnh, loang thành những vòng đồng tâm. Mọi người cúi đầu. Trầm Hương lặng nhìn hai bàn tay duỗi trên đùi. Mười ngón trần trụi, không màu sơn, cũng không đeo nhẫn ràng buộc. Tay ơi! Một chéo nắng hắt lên tâm hồn nàng, dâng chút ngậm ngùi và tiếc nuối bâng quơ. Chuỗi quá khứ thăng trầm hiện ra từng hạt long lanh hoài niệm. Trầm Hương tưởng mình là một vũ nữ về chiều, ngồi ghi lại từng trang hồi ký bão nổi. Ôn lại lần cuối rồi quên, để vùi lấp tất cả xuống mộ sâu ký ức. Những rủi may, những khổ đau hạnh phúc, những hơn thua được mất… chỉ là giả tạm. Một hôm, Trầm Hương soạn ra xấp thư cũ, gom thành đống trong vườn sau, châm lửa. Những lá thư tình học trò đem theo khi vượt biên, lem luốc mực tím hòa vị mặn muối biển. Những lá thư của cha nàng, lời lẽ khuyên răn nồng nàn của một người theo Tây học, tả khuynh thất chí trước hiện trạng xã hội chủ nghĩa. Cả những lá thư của mẹ nàng chỉ vẽ nấu một món ăn, nướng một ổ bánh mà thuở nhỏ nàng hằng ưa thích. Lửa than kỷ niệm cháy xém, góc giấy quăn quéo, chữ nghĩa nám cong. Trầm Hương khép mắt.

 

Sau một đỗi nín lặng, thiền sư chậm chạp ngẩng đầu, trầm giọng:

– Tôi xin kể hầu quí vị một câu chuyện cũ ở quê nhà. Thuở ấy tôi đang tu tập với sư ông trong một ngôi chùa nghèo ở miền Trung. Đầu thập niêm năm mươi, chiến tranh Việt Pháp bùng lên khốc liệt trước khi chấm dứt. Chúng tôi tản cư về chợ. Các chú tiểu nhỏ được phép trở lại nhà. Tôi theo săn sóc sư ông về tạm cư trong một ngôi chùa giữa thị tứ. Những khuya thức giấc, nằm nghe tiếng súng, tiếng đại bác từ hướng chùa cũ vọng về, lòng tôi se lại, tưởng ra cảnh đổ vỡ hoang tàn mà không cầm được nước mắt. Rồi cũng tới ngày chiến tranh lắng dịu. Một hôm sư ông bảo tôi về lại chùa cũ thăm dò tình hình. Từ chợ trở lại chùa, sau một đoạn đường đi bằng xe ngựa, phải cuốc bộ. Tôi khởi hành lúc trời còn tối, với hy vọng tránh được cái nắng trưa. Chắc quý vị cũng biết, mùa nắng miền Trung khắc nghiệt đến chừng nào. Không may, giữa đường xe ngựa long bánh, phải dừng lại sửa, mất rất nhiều thì giờ. Vì vậy tôi đến chân núi lúc trời vừa đứng bóng. Nắng chang chang. Giữa đường tôi ghé vào một ngôi nhà tranh nghỉ mệt, xin nước uống. Gia chủ nghèo. Trong nhà chỉ kê bộ bàn ghế gỗ tạp xệu xạo, chiếc đi-văng cũ và một tủ sơn mài gỗ nứt dùng làm bàn thờ Phật và ông bà. Ông Phước, làm sao tôi quên được cái tên này, mời tôi ngồi, đem nước mời tôi uống. Chuyện vãn hồi lâu, tôi nói ra ý định về chùa cũ của mình cho ông Phước nghe. Ông ngập ngừng giây lát, rồi khuyên tôi mai hẵng đi. Nhìn ánh mắt ông, tôi thấy vẻ khẩn khoản khó diễn tả, đành nhận lời. Đêm đó, sau khi tọa thiền, đọc bài kệ trước khi đi ngủ, ông Phước vén mùng, bảo tôi ra coi cái này. Trời đêm xanh thẫm, trăng sao vời vợi, trên chỏm núi thấp, tôi thấy hực lên một vùng sáng, khi đậm khi nhạt. Ông Phước thì thầm: "Họ đốt nhà". Tôi rụng rời hiểu rằng chùa đang bị hỏa thiêu. Ông Phước không nói, tôi cũng không hỏi, ngầm hiểu với nhau, họ đang tiêu thổ kháng chiến, dời đi nơi khác. Chỉ vậy mà đang tâm đốt chùa, chỗ thờ phụng của tâm linh mọi người, là điều tôi tưởng khó tha thứ.

Kể tới đó, thiền sư ngưng lời, nâng ly hớp một ngụm nước. Vị đệ tử thong thả gõ một tiếng chuông. Mọi người lại cúi đầu thiền mặc. Lửa theo chuyện kể của nhà sư cũng trở về nhen nhúm trong lòng Trầm Hương. Lửa đã thiêu hủy những hạnh phúc bình dị của đời nàng. Để tới một lúc, nàng xuôi tay phó mặc bản mệnh. Không còn tìm kiếm, không còn chờ đợi, không mục tiêu rõ rệt.

Thiền sư tiếp giọng:

– Tôi thường thức sớm, khoảng bốn giờ. Sáng đó tôi không tọa thiền và tụng tuần kinh sớm, vì cảm thấy lòng rạo rực khó tả. Tôi khoác áo, chậm chân bước ra sau nhà. Đêm còn đặc quánh. Trăng sao còn nhấp nháy. Ánh sao mai treo thấp thoáng sau vòm cây thưa lá. Tâm tôi trở lại thảnh thơi, trống rỗng. Tôi vui chân men theo lối đất ra hướng đầm nước. Tôi thấy đầm sen này chiều qua, tự nhắc sáng này sẽ ghé ngắm cho mãn nhãn. Có tiếng nước động khiến tôi chùn bước. Nhìn kỹ lại thì nhận ra một chiếc xuồng con đang lèn lách giữa rừng sen hoa lá chen chúc. Người ngồi trong xuồng là ông Phước. Tôi thắc mắc, không hiểu gia chủ làm gì lúc sớm sủa này, nên chăm chú theo dõi. Ông Phước nhàn nhã cặp xuồng hết vào lá sen này tới lá sen nọ, nghiêng trút thứ gì đó vào xuồng, mà tôi đoán là sương mai. Cử động của ông khoan thai, thận trọng, nhịp nhàng như của một vũ công. Trong giây phút ấy tôi bỗng quên hết, tha thứ hết. Trận hỏa tai đêm qua trên núi. Những khổ hạnh khó tránh trong cuộc kháng chiến nhọc nhằn, dai dẳng. Những giằng xé miên man giữa đời và đạo trong tôi. Tôi chợt quên hết tôi. Người tôi nhẹ bâng, tưởng như mình vừa hóa thành sợi khói trong suốt. Thần trí tôi mở rộng, mạch lạc, thênh thanh như có thể đựng cả vũ trụ bên trong.

Tới đây, tiếng chuông lại vang lên. Trầm Hương không còn suy nghĩ về bản thân nữa, mà bắt đầu bị câu chuyện của thiền sư cuốn hút. Trong nàng, đôi khi, cũng rộ nở những đầm sen như thế.

– Tôi đứng mọc rễ như vậy cho tới lúc nghe tiếng ông Phước cất lên:

"Chào thầy, đêm qua thầy có an giấc?“.

Tôi thành thật:

"Không, lạ chỗ, khó ngủ. Hơn nữa, cảnh lửa cháy đêm qua làm tôi bất an".

"Thời loạn ly mà thầy, hơi sức đâu".

Ngày rựng sáng. Nắng đầu ngày xuyên qua khe lá, vạch thành những tia sáng màu sáp ong lên đầm sen. Tuyệt đẹp. Và tôi nhận ra trong giọng nói của gia chủ, trong thiên nhiên rực rỡ cái tâm an tịnh, thô tháp, chưa bị những biến động bên ngoài làm trầy trụa. Có lẽ ông Phước cũng đoán ra điều tôi nghĩ, nên ông im lặng hồi lâu. Lát sau, ông chèo xuồng tới gần chỗ tôi đứng, lấy thuốc rê ra vấn. Ông rít thuốc phì phèo, sảng khoái phà khói, cất giọng điềm nhiên:

"Sáng nào tôi cũng ra đây vớt sương. Bữa nay có thầy tới viếng, tôi cần vớt nhiều hơn nữa, để nấu nước pha trà mời thầy. Phần còn lại, tôi dành cho thằng út. Nó bị bệnh, thưa thầy. Hơn ba tuổi mà nó vẫn chưa bập bẹ tiếng nào. Thân thể nó còm nhom, yếu đuối. Mặt mày nó si dại, khờ khạo. Thầy lang bảo nó bị chứng ‘sinh thoái’, chậm phát triển, không thể chữa lành, sẽ chết sớm. Tôi buồn lắm, thưa thầy. Nghe người ta bày, nên cho nó uống sương lá sen, tôi ra đầm vớt sương; nên cho nó ăn hổ cốt hấp đường phèn, tôi cũng cầy cục nhờ người tìm mua. Ròng rã như vậy đã nhiều tháng nay".

Tôi nghe ông Phước tâm sự, sực nhớ, chiều qua có thấy vợ ông ôm đứa nhỏ nằm võng ru ngủ. Thật vậy, đứa bé trông èo uột lắm, như vừa dứt bệnh ngặt.

Ông Phước hút xong điếu thuốc thì trời đã sáng. Ông mời tôi vào nhà, thận trọng xách chai đựng sương mai như vừa nhặt được báu vật. Sau đó chúng tôi ngồi uống trà trong chái bếp ám khói. Chưa lần nào tôi được uống chén trà ngon như thế. Trà thoảng hương sen, hậu vị chát đằm, ngòn ngọt. Ngụm nước lan tới đâu, thân thể ấm tới đó. Mà trà cụ và chỗ ngồi có sang trọng gì cho cam. Ghế chũn ba chân. Bàn thấp, khắc dọc ngang vuông cờ tướng. Ấm và chén bằng đất nung đóng cao nâu xỉn. Gần đấy là hai hỏa lò, một lớn một nhỏ, lửa táp hừng hực. Vợ ông Phước ôm đứa con tật nguyền trong lòng, ngồi bên bếp lò, sửa soạn thức ăn sáng. Cử động của chị chậm chạp, máy móc, như điệu múa thường ngày đã trở thành phản xạ. Chị không để ý gì đến chúng tôi, thỉnh thoảng lại đưa tay cời lửa. Gương mặt chị rạng hồng, ánh lên niềm hân hoan lẫn chút gì như nỗi kiên tâm chịu đựng. Đứa bé nằm ngoặt đầu trong vòng tay mẹ. Nó nhận ra sự có mặt của tôi, một người lạ, ngó tôi chằm chằm. Tia mắt vô cảm. Một dòng nước miếng ứa ra mép. Tôi nâng chén trà bốc khói, hà hơi thổi, hớp từng ngụm con, uống tính vô cảm, lòng nhẫn nại, uống cả những biến thiên động địa vào lòng. Bỗng dưng tôi rạo rực, nỗi rạo rực tầm thường của kẻ đánh cá kéo được mẻ lớn, của người đi rừng tìm được gỗ trầm, của kẻ lang bạt lâu năm nhận ra chốn quê nhà đích thật không đâu khác ngoài tâm mình.

Thiền sư dứt lời, khép mắt, cúi đầu. Tiếng chuông dội loang đằm đằm nhiều lần, thanh thoát. Trầm Hương lắng người hòa cùng tiếng chuông, đầm mình vào chuyện kể của thiền sư. Biết đâu chừng, đó chính là cốt lõi của khổ đau tích lũy trong nàng bấy lâu nay. Nàng không có được cái tâm thái an lạc như của đôi vợ chồng quê mùa, chân chất nọ. Nàng giấu diếm một mảnh quá khứ, xem đó như vết nhơ cần gột rửa, như một đoạn phim tồi tệ cần duyệt bỏ.

Trầm Hương đã tự nhủ lòng, không biết bao lần, sẽ thay đổi, sẽ xếp đặt ngăn nắp đời sống tâm linh. Nhưng rồi, đâu lại vào đó. Những vòng quay phiền toái của va chạm thường ngày vẫn xoay đều, không đủ sức nghiến nát những xung đột thực tế nhơ nhuốc, tầm thường, nhỏ nhoi, vị kỷ. Trầm Hương là thế sao?

Điều tuyệt đối mà nàng và Đặng Tường đã từng nhắc nhở, khi còn bên nhau, là điều gì, ở đâu, có thật không?

………………………………………….

(*) Trích đoạn "Khung Cửa Nắng", Ngô Nguyên Dũng, tr. 140-144, NXB Văn Học, California, USA, 2000.

(**) Nguồn ảnh từ tin mạng.

Comments are closed.