TRỞ VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA

Văn Việt: Cải cách Giáo dục đang là vấn đề thời sự nóng hổi. Mọi người bàn rất nhiều về các khía cạnh: triết lý GD, phương pháp GD, chương trình, sách giáo khoa… Nhưng có một vấn đề quyết định mọi vấn đề thì hình như ít được bàn: Người Thầy. Người thầy phải được “tu nghiệp theo phương pháp mới”, thậm chí phải được “đào tạo lại”… Nhưng lại có một vấn đề quyết định vấn đề người thầy: xã hội đối xử ra sao với nhân vật then chốt của Giáo dục? Bút ký “Trở về mái trường xưa” mà nhà thơ, từng là thầy giáo, Hoàng Vũ Thuật, giống như một bản “tham luận về Giáo dục”, tuy được viết và công bố đã lâu ở một vài nơi, nhưng vẫn mang tính thời sự. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Bút ký

Hoàng Vũ Thuật

Vài lần tôi bàn với em tôi, thầy giáo hiệu phó Nguyễn Thế Trọng rằng: tôi sẽ viết về mái trường xưa mình, nơi cậu bé lớp bốn yếu ớt, mảnh khảnh, tự ti và ám ảnh bởi số phận đen bạc dành cho nó không lâu sau thời kỳ cải cách ruộng đất.

Lần này thì chí quyết đã đến.

Tôi ngồi giữa mấy thầy giáo đang giờ nghỉ cho học sinh ra chơi trên chiếc băng gập ghềnh có tựa, các chốt đã long bung ra gần hết, với hai mặt bàn của sân bóng bàn được ghép lại làm nơi hội họp. Ai đó đun lửa phía sau mấy cái tủ được ngăn làm bình phong chia đôi gian nhà. Khói hun lên. Tiếng bẻ củi răng rắc. Tiếng nổ lép bép của ngọn lửa cháy trên lá tươi. Một thầy giáo đặt trước mặt tôi cái bát ăn cơm, một cái bát nữa đã bị sứt miệng được đặt chính giữa, có lẽ để dùng chung cho mọi người. Nước trong bát được rót đầy.

– Mời anh, người nhà cả!

Khá lâu thầy mới bật lên lời chia sẻ với tôi.

– Cám ơn thầy! Tôi vẫn về đều đấy chứ, mới hai tháng trước thôi mà.

Tôi ngập ngừng rồi với tay đổi lấy cái bát sứt về phần mình. Mấy thầy “ấy ấy” ngăn lại.

Đây là văn phòng. Tấm bảng xi măng đầy ắp những ô khuông ghi công việc trong tháng, trong tuần. Tôi chú ý tới dòng thông báo “điều chỉnh lương thực theo giá cung cấp 1/1 của các cháu ăn theo hộ gia đình con cán bộ giáo viên”, với cước chú: hạn chậm nhất 3-11-1988 phải nộp đầy đủ cho thầy Thạo, kế toán. À, lại điều chỉnh lương thực! Không biết nhà tôi đang dạy học ở Huế kịp thời khai báo chưa. Số lương thực các cháu bị cắt bớt vài ba cân nay được trả lại. Còn cái công việc nặng nề của giáo dục như cỗ xe cũ kỹ lạc hậu nằm hớ hênh ra đó chẳng ai điều chỉnh cân đối gì hết. Một que tre dài buộc chéo mặt cửa sổ thay cho chốt sắt. Ở ô cửa khác, một cánh mở, còn cánh kia tung bản lề vạch vuông trời làm thành tam giác nhọn. Lại tiếng bẻ củi sau tủ. Rồi khói, rồi xe đạp, áo mũ, sổ điểm, sách giáo khoa…Tất cả bày biện ra bàn, lên tủ.

Thầy Nguyễn Thế Tý, quyền hiệu trưởng, bạn tôi xuất hiện không lấy gì mừng rỡ cho lắm. Với giọng khô tĩnh, quê kiểng thầy giới thiệu với các thầy cô, cô giáo có tên là Dụy mới nhập trường cùng người chồng bộ đội đến thăm: “O dượng về nghỉ được rồi đó, ngày năm… trở lại trường” rồi dẫn tôi ra ngoài theo nguyện vọng. Thầy Tý quàng tay qua lưng tôi như ngày sống bên nhau:

– Anh định viết gì ở đây? Ở đây như rứa đó, trường cũ, thầy cũ chỉ học sinh là mới… Một ngàn hai trăm học sinh, ba mươi lớp, tám cấp hai, hăm hai cấp một. Học thì được chia làm hai buổi, bây giờ có thêm kíp trưa, tám mươi bộ bàn ghế, chín phòng học trung tâm, trong đó có một phòng học dùng làm văn phòng mà anh vừa ngồi, chưa tính hai cơ sở khác có sáu phòng. Một số học sinh không đủ chỗ phải học đứng…

Thầy kể một mạch rồi cùng tôi dừng lại trước dãy phòng ngang xây cất từ năm 1976:

– Không có cửa ngõ gì cả nên bác Chúng trực trường phải chuẩn bị từng đống nè (tre) để tấp lại mỗi khi học sinh ra về. Hẳn anh thấy vướng mắt. Nhưng nạn trộm cắp ở đây năm nào cũng có. Mỗi năm mất độ mươi cái băng, vài cái bàn. Mùa lụt năm 1983 người ta lấy cắp toàn bộ ngói của hai phòng tạm và văn phòng, khuân luôn cả bàn ghế. Cũng hè năm đó, tủ thí nghiệm không cánh mà bay, gần như toàn bộ thiết bị dạy học bay ráo…

Thầy kể như để phân trần. Gương mặt gầy với đôi mắt sắc nhìn xoáy vào tôi chờ câu trả lời.

Tôi ậm ừ:

– Thì tôi cũng biết, mấy năm trước còn lấy thúng mủng làm bàn học.

Hồi ấy tôi cũng là ông giáo làng, sáng đi tối về. Chiến tranh như cái máy ủi đã san phẳng bất cứ thứ gì dựng lên trên mặt đất. Bác Phan Đủ, cán bộ nghỉ hưu, hội trưởng hội phụ huynh giúp xã đứng ra theo dõi việc xây lại trường. Chẳng mấy chóc ba phòng ngói mọc lên đỏ chói. Phấn khởi xã lại xây tiếp phòng thứ tư. Nhưng đến đây như có bàn tay vô hình chặn đứng. Bực vì nỗi cù nhầy, vài tháng mới lên đôi ba lớp gạch, bác Phan Đủ xin nghỉ hẳn. Trận bão năm 1983 thừa cơ hất tiếp những lối gạch dang dở. Thành ra cái phòng học nằm hoang như lò gạch vứt đi, lại có sức ỳ không cho các phòng bên của chúng được lắp ráp cửa ngõ và trát xi, hoàn tất bổn phận của mình. Một đêm mưa, có người ngang qua, nom thấy bóng đen lom khom trên đống gạch vụn. Đến nơi, bóng đen biến mất, hoảng hốt người đó la lên: Ma! ma! Từ đó truyền đi câu chuyện: phòng học ấy không thể xây được nữa vì có ma học trò! Câu chuyện trên tồn tại bởi vì hồi năm 1972, đang mùa mưa, thầy trò sơ tán, tám học sinh thả trâu nhởn nhơ trên sân trường rợp cỏ. Có tiếng máy bay, các em chui vào lô cốt. Sau hai lần máy bay bổ nhào, lần thứ ba bom nổ. Trái bom được điều chỉnh chính xác nhờ tia la de phạt ngang lô cốt như cái cối xay bằng đá khổng lồ nghiền nát những thân hình bé nhỏ. Các gia đình thỏa thuận chia tám phần cuộc đời con cái mình mang về chôn cất. Mảnh tang quấn ngang trường!

Tôi nhớ lại ba mươi mốt năm về trước. Năm khai sinh của trường. Khu đất này nằm trong khu vực Pháp tạm chiếm là cứ điểm quan trọng khống chế tuyến đất rộng miền cát dọc đường một, đối diện với vùng tự do bên kia phá Hạc Hải. Đồn Thạch Xá Thượng! Sau 1954 chúng rút đi, để lại mấy lô cốt nằm bè bè trên đất, có một lô cốt cao nghều, tới hai chục mét, như cổ hươu làm đài quan sát. Cuối tiết học chính tả, thầy Thiệm gọi tôi và Phan Tiến Dũng, bạn ngồi cùng bàn ra hỏi:

– Có cách nào phá mấy cái lô cốt lấy gạch xây trường?

Tôi và Dũng đồng trả lời:

– Thưa thầy, phá thì phá cái cao nghều kia mà lấy gạch, còn những cái khác bê tông, khó lắm, vả lại cần để lại làm chứng tích tội ác nữa thầy ạ.

– Nhưng phá bằng cách nào?

– Cứ mây song nối nhau leo buộc một đầu lên đỉnh, thầy trò cùng kéo như kéo co hội hè là xong.

– Giỏi!

Thầy xoa đầu tôi và Dũng. Thầy Thiệm bàn với thầy Trần Thành hiệu trưởng rồi quyết định phương án đó. Chúng tôi đâm lo. Lô cốt chứ phải gỗ mục đâu mà dễ ợt vậy?

Sầm! Cả một khối đá sắt thép đổ nhào tóe tung. Bụi mù trời. Sợi dây song dẽo dai nằm trên đất như con rắn còn muốn trườn đi.

Thằng bạn tôi không còn sau khi học xong lớp bảy trường huyện, vào quân đội rồi hy sinh. Bác Phan Đủ đã leo đèo lội suối cõng nó về gần mái trường xưa của chúng tôi…

Ma học trò! Ba tiếng đó trầm trầm như đợt sóng ngầm từ ngực tôi tuôn ra. Mười năm nay cái phòng hoang ấy đã hình thành một chứng tích. Có phải là chứng tích tội ác không, khi những dòng phấn vẫn còn phải ghi lên bảng xi măng ở các phòng khác “Nguy hiểm! Tuyệt đối không được ra vào”, vì lý do băng xà, đòn tay rệu rã mối mọt gần hết? Có phải con ma học trò ấy cũng chặn đứng việc xây cất hai phòng ngói khu trung tâm từ đầu hè 1988? Thời kỳ mà dân chúng đâu đâu cũng bình luận: cấp ủy xã bị tê liệt vì đang giải quyết vấn đề “ai thắng ai” trong khi kinh phí bỏ ra đã 6 triệu do nhân dân góp lại.

Một lần mẹ tôi hỏi:

– Nghe nói ngày mai người Mỹ họ về làng tìm xác phi công, con lên trường, họ ra đó? Nếu ra đó con hỏi mấy ông ngoài nớ sao không đi tìm xác người miềng, toàn là lứa học trò cùng trường với con. Thằng Bong, thằng Niềm, thằng Thanh… cả thằng Thuần anh ruột của con. Họ tìm ma họ, miềng tìm ma miềng, dại chi mà dại rứa!

Anh tôi Hoàng Vũ Thuần học ở Đồng Hới lúc nhỏ đến lớp năm, cải cách phải bỏ học để thành trụ cột lao động trong nhà, đồng thời tạo điều kiện cho tôi chui lủi về tận Thạch Bắc khác xã theo học. Sửa sai, tôi mới được về trường xã. Năm 1966 anh tôi quyết chí nhập ngũ, mong sao gia đình rạng ra chút đỉnh, không ngờ tháng bảy năm sáu tám hy sinh. Giấy báo tử về cả nhà khóc như mưa. Chị Liễn, vợ anh cũng là con địa chủ, ở vậy nuôi con. Mẹ tôi, chị, cùng các cháu đùm bọc lấy nhau mà sống.

– Công việc họ, họ làm. Mình đã có nghĩa trang mẹ ạ.

– Thì con dẫn mẹ đi tìm anh con đi, xem có mồ mả không?

Tôi đuối lý, nghẹn ngào khi thấy người khóc. Không muốn câu chuyện ấy tiếp diễn, sau bữa cơm tối tôi xin phép được đi thăm bên ngoại.

Làng xóm lờ nhờ dưới bóng tre. Gió lạnh. Le lói vài ngôi sao trên nền trời. Tôi tắt qua gò đất chợ cũ. Cỏ mọc tùm lum. Rơm quấn lấy chân. Một bãi trấu từ cái máy xát nào đó lan ra mặt đường. Suýt ngã, khi vấp phải hòn đá to tướng chắn ngang. Tôi sờ ngón chân đầy máu, mới biết bức thành vuông vức dựng đứng khắc dòng chữ “Tại chợ Chè ngày….tháng….năm 1947, xảy ra trận cướp súng giặc ban ngày…” không còn nữa.

Tôi giấu kín hai vợ chồng thầy Trọng chuyện suýt ngã. Ngồi một lúc thầy Kệ đã đợi sẵn, thầy Diễn, thầy Toàn tìm xuống, thầy Toán dưới lên. Thầy Toán, hóm hỉnh biết nhiều chuyện trong làng ngoài xã. Thầy kể chuyện vợ chồng thầy Lâm mấy năm nay dạy học ở xã bên cạnh. Nửa tháng mới đây vì chuyện mẹ chồng nàng dâu không hợp tính, vợ bỏ đến trường cách đấy mười cây số sống một mình một bát. Chồng nghe theo mẹ, cứ ở vậy. Ngày nào hai vợ chồng thầy gửi thư qua lại như đang xa hàng trăm cây số, không bên nào chịu thua bên nào, bởi theo thầy Toán thì hai người không có chuyện gì. Người thì bảo mẹ chồng cũ kỹ, đi xa về chưa kịp vào bếp bà đã mắng hư nết, cứ chờ người khác nấu sẵn. Mặc trắng một chút bà lại bảo đi dạy chứ phải làm đĩ đâu cứ phải lòe loẹt. Có người lại nói, vợ thầy Lâm có tình ý riêng, nên kiếm cớ không muốn ở chung với mẹ chồng, lên trường cho dễ bề.

Vợ thầy Trọng rót ra một ly rượu. Tôi đang ý định đọc cho cả nhà nghe những bài thơ mới viết thì cái radio hỏng trên tủ tự bật tiếng. Chương trình văn hóa xã hội. Cô phát thanh viên đài tiếng nói Việt Nam đang đọc bài viết về một thầy giáo ưu tú. Thầy Trọng buột miệng:

– Chà! Giá thầy Hoàng Đại Bổn không thắt cổ tự tử, thầy Ngô Mậu Thất có được lít máu chuyền sau khi khâu dạ dày, không khéo lần này được tặng danh hiệu giáo viên ưu tú!

– Thì những thầy Nguyễn Thái Khả, thầy Hồ Y Hồng, thầy Đặng Ngọc Duyên… họ sờ sờ ra đấy sao không tặng?

Thầy Toàn cắt ngang lời thầy Diễn:

– Học trò các thầy ấy làm từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh, từ tỉnh lên trung ương thiếu gì.

Theo đà, vợ thầy Trọng xen vào:

Không thầy đố mày làm nên, ông bà chẳng đã dạy như thế, vô lẽ nhà nước họ không biết?

Tôi ngẫm phải. Lúc nhỏ, nhà giàu, mẹ tôi thỉnh thầy từ chợ Cộôc về dạy cho ba chị em chúng tôi tam tự kinh và chữ quốc ngữ. Sâu trong gian chính, mẹ tôi treo những gióng sách chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ của ba tôi để của sau này. Một hôm thầy Kiến với búi tóc lốm đốm bạc xin phép mẹ tôi lấy xuống một quyển. Tay cầm sách, không mở, thầy Kiến nói với chúng tôi:

– Các con ạ, Người tai mắt ở trong thiên địa, ai mà không bác mẹ sinh thành. Tài giỏi mấy cũng không ai từ đất nứt ra, từ trời rơi xuống cả. Các con gắng học cho giỏi đừng phụ lòng thầy…

Cải cách ruộng đất, các gióng sách bị trẩy xuống đem ra giữa sân đốt sạch. Trong ngọn khói và tàn giấy cay xè, gã đội trưởng nói “cho tiệt nòi phong kiến”. Ít lâu sau, thầy Kiến giả người thợ sửa cối xay ghé vào căn nhà tranh lụp xụp vốn là nhà bếp cũ thăm mẹ tôi. Thầy Kiến rỉ vào tai: “Họ đốt sách là đốt cả đạo lí. Tôi không còn dạy được các cháu con chị, từ nay chị là thầy. Tội nghiệp mấy đứa nhỏ…”, rồi thầy đi không trở lại. Khi cắp sách tới trường có những đứa bằng tuổi tôi nó nhìn với cặp mắt khinh bỉ, xì xồ. Tủi hổ, nhiều lần tôi trốn học dong theo mấy đứa trong làng đi tát cá, chăn trâu tận ngoài lũng Bồn Bồn, lũng Dót. Đã có lúc tôi mở quả định lấy cắp tiền ra biển chơi vài ngày, nhưng trong quả hết sạch, thế là tôi ở nhà. Mẹ tôi lại khóc kéo tay tôi đến trường, vừa đi vừa nói: “Thầy Kiến nói với mẹ, từ nay mẹ là thầy…”

Đã là thầy giáo, tôi nghĩ hai tiếng đó vừa là nghề nghiệp vừa là danh hiệu cao quý nhất. Thầy giáo cả nước ai ai cũng xứng đáng danh hiệu đó, việc gì phải phong, phải tặng nữa! Như thầy Kiến nếu còn sống đã hơn trăm tuổi rồi ai biết mà phong tặng cho thầy?

Sáng sớm đạp xe lên trường, giữa chừng trời mưa, tôi chạy vô ẩn nhà thầy Nguyện, rồi cả hai đèo nhau đi cho kịp giờ. Thầy Nguyện tốt nghiệp ban văn trường Cao đẳng, loại ưu. Đợt thi giáo viên dạy giỏi huyện năm trước thầy là một trong bốn người giỏi nhất toàn huyện với mức điểm mười chín điểm trên hai mươi. Xã tặng cho thầy tấm vải áo đang mặc. Với bút danh bằng chính tên mình – Hà Chí Nguyện, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên, thầy Nguyện từng viết kịch được dàn dựng hẳn hoi. “Thầy Nguyện đói nhất làng giáo huyện”. Mỗi năm thiếu sáu tháng ăn. Cả nhà trong cậy vào suất ruộng khoán của vợ. Ấy thế mà có vụ phải mua lương thực bù vào mới đủ. Chị vợ phải chạy chợ, bằng cách gói đủ các loại bánh bán kiếm từng đồng. Nợ hợp tác xã cứ thế chồng chất năm này qua năm khác. Có lần cán bộ thu khoán nhìn lên trần ngôi nhà tranh ba gian rách nát, lộng gió bốn phương, thấy hai cái bồ đan cật tre lớn tướng, cười hỏi:

– Nhà thầy còn hai bồ lúa căng đầy, sao bảo đã hết?

Người khác chêm vào:

– It nhất ba tạ chả chơi!

Thầy Nguyện trả lời:

– Dạ sách đó. Không có tủ, không có giá tôi đành bỏ vậy.

Họ không tin… Thầy trèo lên chỗ gác mấy tấm rầm nghiêng bồ để họ thấy. Thế là Sếch-pia, Ban-giắc, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Mác-két cùng với các triết gia, kim cổ Đông Tây nổi tiếng đổ nhào xuống một lúc: Thế là Thơ Hàn Mặc Tử, hợp tuyển Văn học Việt Nam, Con đường đau khổ, Chiến tranh và Hòa bình, Thằng ngốc, Những người khốn khổ… nằm la liệt, chồng lên nhau trên nền đất sét pha cát. Đoàn thu khoán vội vã rút lui không lời chào hỏi.

Nhiều người nói rằng, thầy Nguyện đói là phải, thời này mà đẻ tới tám đứa. Thầy đặt tên cho đàn con đông đúc của mình: Hà Chí Phải, Hà Thị Nhân, Hà Chí Nghĩa, Hà Chí Lớn, Hà Thị Như, Hà Chí Ức, Hà Chí Trai và Hà Chí Nguyên. Tôi hỏi thầy sao đặt tên con vậy. Thầy cười:

– Thì đó, phải nhân nghĩa lớn như Ức Trai mà!

– Còn Hà Chí Nguyên?

– Thì xem như giữ cho nguyên vẹn lòng mình.

Trên khuôn mặt vốn thông minh sôi nổi của thầy, tôi bắt gặp nét khắc khổ lặn vào hai gò mà trũng xanh. Không biết ước mơ, hi vọng có hão huyền, mỗi khi nhìn đàn con bằng đầu ấy? Còn bây giờ thực sự gia đình thầy đang đói.

Đến văn phòng thầy hiệu phó cho biết thầy Tý đi vắng. Thất vọng và có phần buồn, bởi lẽ nghe đâu thầy muốn tránh tôi. Tôi lững thững đảo xuống khu nhà ở.

– Ô, sao cô lại ở đây?

– Dạ, cuối cùng phải quay về làng thôi anh ạ. Hết đường rồi!

Cô Liểu cũng là lứa học sinh những khóa sau của trường. Lớn lên cô đi sư phạm về dạy tại quê nhà. Cô có ba đời chồng. Người chồng đầu tiên cùng nghề, sau nhập ngũ vào chiến trường B. Giải phóng thầy trở về trường cũ. Lúc hai vợ chồng sum họp cũng là lúc tan vỡ bởi vì cả hai cùng nghi ngờ về lòng thủy chung của nhau, cộng thêm nỗi túng quẩn ràng rịt dai dẳng. Người chồng thứ hai khá hơn, cán bộ thương nghiệp huyện. Những tưởng đời sống kinh tế ổn định thì có hạnh phúc. Sự đời thật không ngờ! Cô Liễu không sinh cho người chồng thứ của mình được đứa con nào nên đành chia tay. Quay về lập vườn, làm nhà, cô Liễu hy vọng hạnh phúc sẽ đến gõ cửa. Hạnh phúc đến thật. Một thầy giáo chết vợ, có bốn đứa con tìm đến. Họ yêu nhau cũng nồng thắm. Cô nghĩ: Ba keo mèo cắn cổ, đi bước nữa xem sao! Bán vườn, bán nhà theo chồng. Khốn nỗi, con chồng quá lớn, mà cô thì chưa hề được làm mẹ. Con chồng đong gạo từng bữa cho cô nấu. Không chịu nổi cảnh cào cào đi giã gạo thuê. Mâu thuẫn xảy ra. Thế là hết.

Tôi nhìn vào căn hộ dành cho cô Liễu hồi cư có chiều ngang chừng ba mét rưỡi, cũng như căn hộ các thầy cô khác, được ngăn bằng vách đất bùn, nhào rơm, màu tro lỗ chỗ, mái lợp cỏ lác ba cạnh ẩm móc mà nghĩ tới số phận của ngôi trường. Người xưa nói “Nhà trường đúc nhân tài“. Nhưng với cái mẽ này thì làm sao đúc nổi? May ra vì quá đau buồn mà sinh những nhà thơ như tôi; vì quá cam khổ mà thành những người lính gan góc dũng cảm! Tôi đi như chạy qua trụ sở Đảng ủy và Ủy ban xã, với ý định nói một câu gì đó. Đại loại như tín hiệu cấp bách sự cố nguy hiểm sắp xảy ra, mà thực sự đã xảy ra mấy chục năm nay xã phải biết. Nếu không chúng ta sẽ khô rang như cát trắng mùa hè trên động cao chẳng có cây gì sống nổi.

Trụ sở xã vắng teo, có lẽ họ về cơ sở, hay đang theo cái việc tìm xác phi công Mỹ. Đồng chí trưởng công an xã trực một mình. Một phụ nữ người Hải Trạch được người đàn ông làng trên dẫn tới đòi mua cái chuông nhà thờ cho giáo dân. Chị ta bảo nghe nói xã bán, còn chị thì có đầy đủ giấy tờ. Chị nằn nèo: Các anh không còn nhà thờ mà chỗ tôi thì cấp trên vừa cho xây lại, cái chuông cũ bom đạn cướp đi rồi… Đồng chí công an xã cho chị hay rằng trước đây có ý định bán để tu sửa trường lớp cho con em, bây giờ thì thôi. Tôi nói như phát biểu hội nghị:

– Tôi là một công dân quê hương, tôi đề nghị không bao giờ được bán. Còn chị không nên hỏi mua nữa. Cái chuông nhà thờ An Định đúc bên Pháp, từ thế kỉ mười tám là di sản văn hóa của nhân dân trong đó có giáo dân, nếu người ta còn theo đạo. Ta đã phá sạch chùa chiền, miêu mão, bom đánh sạch nhà thờ, thử hỏi đằng sau lưng có cái gì nữa để làm quá khứ? Nếu xã bán đi là tội lỗi

Tôi trở lại trường đầu nặng trịch, mặt rát bỏng như xát muối. Một em học sinh gái chạy ngã sấp xuống cỏ, khi trống trường vang lên hồi cuối. Sách vở tung ra. Tôi nhặt giúp em cuốn vở, phiếu nhãn: Vở đạo đức. Có thật là ta đang dạy cho em gái này đạo đức con người? Trong khi những trang thiết bị, cơ sở vật chất thì phản lại điều đó, nó cứ như ông bị trong truyện dân dan để hù dọa trẻ con! Nguyễn Trãi suốt đời phục vụ cho mục đích an dân. Ông “Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Còn hình ảnh căn phòng hoang mười năm kia với tiếng kiêu hoảng hốt: Ma học trò, các cửa sổ mắt cáo, bàn ghế mọt ruỗng… Như nhát dao bạo cường thì làm sao nói được chuyện đạo đức huống hồ đòi dạy? May thay trên đôi môi non dại của em học sinh gái nở nụ cười hồn nhiên, làm lòng tôi dịu bớt:

– Cháu cảm ơn chú!

Tôi thầm cảm ơn các thầy cô ở đây. Tâm hồn tôi luôn hướng tới người thầy bằng một biểu tượng bất di bất dịch: cao và đẹp. Ví như không ai nghỉ nhà tu hành lại đi làm việc trái với điều thiện. Con đường đi tới đắc đạo chỉ cho phép người ta tốt lên. Vậy thì tại sao lại thế này? Đổ lỗi cho ai? Tìm ai mà đổ lỗi? Bao giờ cái cảnh các nhà trường tiêu điều được phục sinh? Hay vì tại các thầy? Trời ơi, những thầy Nguyện, Thầy Soái, thầy Toàn thầy Lộc, những cô Tỏa, thầy Thường xoay xở từng bữa ăn, làm sao đủ sức kham nổi ngôi trường cùng với đàn em học sinh một ngàn hai trăm đứa lên vai mà chạy cho kịp với xã hội? Đến như thầy Lê Sĩ Dung dạy toán nổi tiếng của huyện tôi, hồi hương nghỉ hưu sau hơn hai mươi lăm năm vào sinh ra tử, nghĩa là cả cuộc đời thầy cống hiến cho vùng đất Quảng Bình cũ, vỏn vẹn trong ba lô còn một nghìn đồng bạc, đôi mét lụa đen may quần, gọi là quà cho vợ. Ra tới ga Thanh Hóa thầy bị kẻ cắp cuỗm cái ba lô cùng với sách vở và tấm thẻ đảng. Thế là thầy Dung xin vợ mất chục đồng đáo vô làm lại hồ sơ. Xã hội thì đòi thầy giáo mà chỉ đòi một chiều, chắc chắn đến thánh cũng phải giơ tay lên trời.

Chẳng rõ tại sao chân tôi bước về phía cái lô cốt thời Pháp, mà bom Mỹ đã giết chết tám em học sinh. Một con chim chài có bộ lông xanh biếc chìa cái mỏ cán bút về phía dãy nhà ngang của trường. Ma học trò! Con chim vụt bay khi tôi ngang qua.

Huế, 11-12-1988

H.V.T.

 

Comments are closed.