HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000

(Thời biến đổi gien)

Kỳ 11

Bùi Ngọc Tấn

Khoảng gần một tháng sau, tôi lại nhận được điện thoại của Luyến từ Hà Nội. Chỉ nghe mấy tiếng “a lô, a lô” của Luyến tôi đã cảm thấy ẩn chứa một niềm vui kìm nén chỉ chực bùng ra. Anh có việc gì lên Hà Nội không, qua em. Nhiều tin đáng mừng. Chúng tôi đã thống nhất với nhau chỉ nói rất vắn tắt qua điện thoại. Cũng như tôi luôn nhắc Luyến tuyệt đối giữ bí mật bản thảo, chỉ những người trực tiếp đọc và duyệt được giữ thôi. Và mỗi khi đọc xong phải cho vào tủ khoá ngay. Sự nhắc nhở này về sau tôi mới biết là vô ích. Nước đổ đầu vịt. Luyến đã phô-tô nhiều bản đưa cho nhiều người. Vì yêu tập bản thảo, Luyến khoe với khá đông bè bạn, thậm chí còn đọc qua điện thoại cho một người bạn trong Đà Nẵng, tốn khá nhiều tiền cho bưu điện.

Tôi lên Hà Nội. Hà Nội luôn hấp dẫn tôi. Hầu hết các bạn chí cốt của tôi đều ở Hà Nội. Lên Hà Nội, tôi có thể nhận biết bao thông tin mà ở Hải Phòng tỉnh lẻ tôi không có được. Giờ đây tôi lên Hà Nội với niềm vui gặp bạn cộng thêm hy vọng về bản thảo nữa.

Xuống xe ô tô ở chân cầu Long Biên, nhẩy xe ôm tới Bà Triệu. Phố Bà Triệu rợp tán lá những cây cổ thụ thân thiết. Bao nhiêu kỷ niệm. Những đêm xuân mưa bụi, tôi và Vũ Lê Mai đạp xe thong thả trên phố vắng, nghe mưa trên tóc, những tối hè đi dạo cùng vợ tôi khi ấy còn là bạn là em, tiếng guốc trên hè như tiếng nhạc. Và tối đầu tiên ra tù về tới Hà Nội cũng đi trên con đường rợp lá xà cừ, lá sấu này. Đây rồi. Căn nhà 64 Bà Triệu. Đã bao nhiêu năm mới lại đặt chân tới đó. Ngôi nhà đầu tiên tôi sống và làm việc khi rời những gian tập thể của Đội Thanh Niên Xung Phong, bắt đầu cuộc đời làm báo viết văn. Tại ngôi nhà này, đời rộng mở trước mặt tôi. Tôi bước vào và thấy nó lạ lẫm làm sao dù vẫn mang số 64. Thấp bé, cũ kỹ, nheo nhếch. Nhưng tôi vẫn nhận ra. Tôi ngủ ở phòng này. Cái tin đầu tiên tôi viết là ở đây. Bài bút ký đầu tiên dài hai trăm dòng tôi viết là ở đây. Từ đây đi nhà hát Nhân Dân nghe Khánh Vân, Xuân Mai hát. Ăn Tết năm 1955 ở đây. Mồng 1 Tết tôi ngồi cho nữ hoạ sĩ Thục Phi ký hoạ, rồi hai chúng tôi đánh bi như những đứa trẻ…

Khi báo Tiền Phong chuyển về 45 Hàm Long, rồi 133 Bà Triệu, và ngay cả khi đã chuyển về Hải Phòng, tôi vẫn có việc tới đây, 64 Bà Triệu. Gặp những biên tập viên nhà xuất bản Thanh Niên Nguyễn Trí Tình, Vương Mộ Thanh, Phan Xuân Hạt về bản thảo, đề nghị tạm ứng… Vẫn là lối đi ở giữa, hai bên là hai dẫy phòng làm việc. Cửa khép. Mãi tới cuối nhà tôi mới thấy một cánh cửa mở. Có người.

– Nhà xuất bản Thanh Niên ở bên 62 kia anh ạ. Chị Luyến làm việc bên ấy.

Thì ra đây vẫn thuộc Trung Ương Đoàn, nhưng là một cơ quan khác.

62 Bà Triệu liền bên. Đó là một toà nhà mới xây, bẩy tầng. Khi tôi còn ở Tiền Phong, còn ở 64, đó là một mảnh đất rộng cỏ mọc, chỉ có một căn nhà tranh bán mái nép sát vào bức tường phía trong cùng. Giờ đây là một toà nhà hiện đại kính sáng loá cao ngất. Tôi sang 62, lễ phép báo cáo với người thường trực rồi leo từng bậc theo cầu thang xây, chứ không đi thang máy. Bởi vì từ năm 1987 đi làm phim cho xí nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, ở khách sạn Caravelle tới nay tôi chưa đi thang máy nên đã quên hẳn cách ấn nút gọi tầng. Hơn nữa cũng tò mò muốn khám phá ngôi nhà này để biết được quy mô của Trung Ương Đoàn thời mở cửa ra sao.

Tôi lang thang. Toàn người lạ. Những công việc lạ. Người ngồi trước máy vi tính. Người đang đóng gói những kiện hàng gì đó ngoài hành lang, chắc là sách.

Đến tầng bốn. Gặp Luyến. Luyến reo:

– Anh lên từ bao giờ? Giám đốc chưa đọc xong. Nhưng quyết định sẽ in.

Nét mặt nhà thơ rạng rỡ:

– Chiều nay anh lại em. Ăn cơm ở nhà em. Em sẽ mời anh Ngợi giám đốc, anh Cao Giang biên tập đến ăn cơm và cùng bàn luôn thể.

Luyến cho tôi địa chỉ. Lại một tên phố lạ với tôi. Tôi đã xa Hà Nội quá lâu rồi. Nhưng không sao. Tôi có một anh “xe ôm” tuyệt vời: Nguyễn Đức Tốn, bạn học cùng lớp với tôi, dạy đại học sư phạm đã nghỉ hưu, sẵn sàng thồ tôi tới bất kỳ nơi nào tôi muốn. Tôi ăn trưa với Lê Bầu và điện thoại cho Tốn. Tốn có mặt sau lúc nghỉ trưa. Với chiếc Honda Nhật, anh đưa tôi về nhà anh nghỉ ngơi, rồi đèo tôi tới Đoàn Thị Lam Luyến.

Nhà Tốn rất xa, tận khu Đại Học Sư Phạm. Lại phải quành ra đường cao tốc. Rồi quẹo về phố Hoàng Quốc Việt. Một đường phố dài mệt nghỉ.

Tới giáp sông Tô Lịch, chúng tôi rẽ. Sau khi loanh quanh khá lâu vì những kiểu đánh số nhà làm hoang mang mọi hệ thần kinh vững vàng nhất, chúng tôi tới được nhà Luyến.

Như một tay trong, Luyến báo lại cho tôi tình hình tập sách: Giám đốc đã quyết định in. Kế hoạch bổ sung đã được Cục Xuất Bản duyệt. Em không được biên tập quyển của anh. Mà là anh Cao Giang. Nhưng em sẽ xin với các anh ấy cho em đứng tên biên tập cùng với anh Cao Giang. Anh Phạm Đức vừa được chính thức đề bạt phó giám đốc kiêm tổng biên tập. Anh Phạm Đức rất tốt. Mãi mới được đề bạt. Ngộ nhỡ có làm sao, đáng nghĩ ngợi nhất vẫn là anh Phạm Đức.

Tôi đã gặp Cao Giang ở Sở Giáo Dục Hải Phòng khi anh cùng Lam Luyến về viết chân dung các nhà giáo ưu tú. Trong buổi gặp các nhà giáo ở sở giáo dục, tôi ngồi cạnh Cao Giang. Và để tỏ ra mình là một cây bút có thâm niên, tôi đã kịp nói với Cao Giang rằng tôi còn nợ nhà xuất bản Thanh Niên khá nhiều tiền. Hơn một nghìn đồng. Mà lương trung bình ngày ấy mỗi tháng chỉ sáu chục. Có lẽ các anh ấy đã xoá nợ cho tôi. Tôi nói “các anh ấy” vì đó là những người tiền nhiệm của Cao Giang. Những năm 63, 64 ấy xa quá rồi. Món tiền khá lớn các anh tạm ứng cho quyển tiểu thuyết Hải Đăng của tôi là kết quả của những bức thư kể lể túng thiếu khó khăn — mà Nguyên Bình gọi là những thiên tùy bút kinh tế lâm li làm những người cứng rắn nhất cũng phải mềm lòng — và sự thông cảm của nhà xuất bản ([1]). Cao Giang lơ đãng nghe. Chắc hẳn tôi không gây được ấn tượng gì, anh chẳng có một khái niệm gì về tôi. Hôm nay gặp lại anh ở nhà Luyến, anh nhìn tôi như mới gặp lần đầu, tuy chúng tôi bắt tay nhau như những người quen cũ.

Giám đốc Bùi Văn Ngợi còn trẻ, nghĩa là chỉ ngoài năm mươi. Sau này làm việc với anh, tôi “ngộ” ra một điều: Cái lớp kém chúng tôi chục tuổi, cái lớp trên dưới năm mươi ấy có nhiều người tuyệt vời biết bao!

Thế hệ nào cũng có người đáng yêu, tài năng, tâm huyết. Sự cảm thông giữa con người, giữa các thế hệ là rất lớn, là tuyệt đối. Sự cảm thông ấy vượt qua mọi khoảng cách địa lý, khoảng cách thời gian.

Càng ngày tôi càng thấm thía bài học ấy. Nó làm tôi an tâm hơn khi tuổi già đang đến, khi tôi nghĩ đến lúc mình vĩnh biệt cõi đời này. Người xấu rất nhiều nhưng người tốt cũng rất nhiều. Không ai có thể tiêu diệt hết những người tốt trên đời.

Bùi Văn Ngợi đã là thanh niên xung phong Trường Sơn, là biên tập viên rồi tổng biên tập tạp chí Thanh Niên. Anh có vẻ mặt của một thư sinh với cặp mắt rất linh lợi, nụ cười tươi, gò má xương xương và chiếc cằm hơi nhọn. Tôi nhìn anh vừa tò mò vừa kính trọng. Một người tuyệt vời đang ngồi trước mặt tôi. Một người không thể là ngây thơ, nông cạn khi quyết định in tập sách của tôi. Chỉ có thể là dũng cảm, tâm huyết, đầy trách nhiệm với nhân dân, với đất nước. Một quan chức nhưng chia xẻ với tôi tất cả. Một người duy nhất trong đội ngũ những người làm xuất bản mà tôi gặp dám dấn thân vào chông gai hiểm nguy để tập sách tôi viết đến với bạn đọc. Mà sao anh nhanh nhẹn vui tươi thế. Không một nét lo lắng trong việc in tập sách của tôi. Vẻ hoạt bát lấn át cái sâu sắc trên gương mặt anh, cái sâu sắc và cả thông minh nữa mà sau này làm việc với anh tôi càng hiểu rõ. Ngợi rút từ túi xách hai tập bản thảo khổ A4 của tôi:

– Thú thật với anh Tấn là tôi chưa đọc hết. Mới được năm trăm trang. Còn khoảng bốn chục trang nữa. Lẽ ra đã đọc xong nhưng cậu em tôi nằm bệnh viện. Thành ra hơi bị ngắt quãng. Đêm nay tôi sẽ đọc hết trong bệnh viện. Nhưng tôi đã quyết định in. Đọc vài trang là biết bản thảo như thế nào rồi huống chi chỉ còn bốn mươi trang. Bản thảo tốt. Tôi đánh giá như vậy. Nhưng có điều này chúng ta phải suy nghĩ. Trong năm nay ta và Mỹ sẽ ký hiệp định thương mại. Tập sách của anh vì vậy phải chờ cho đến khi ký xong hiệp định với Mỹ đã. Hiệp định thương mại với Mỹ sẽ đem lại lợi ích to lớn cho đất nước, cho các doanh nghiệp hàng trăm triệu, hàng tỷ đô la. Mọi công việc phải phục tùng lợi ích ấy. Không thể vì tập sách của chúng ta mà để bị ảnh hưởng.

Tôi hơi chững lại. Cái chuyện hiệp định thương mại Việt – Mỹ làm tôi hơi bất ngờ, hơi hẫng.

– Liệu bao giờ mình với Mỹ ký hiệp định thương mại hở anh?

Tôi hỏi vậy vì biết những cán bộ như anh thường được nghe phổ biến tình hình thời sự, nắm được những thông tin mà một người bình thường như tôi không thể biết. ([2])

– Khoảng cuối năm nay. Từ tháng 9 tới tháng 11.

Cũng chẳng lâu. Bây giờ đã là tháng 7 rồi. Tôi thấy chủ nhà Lam Luyến đưa mắt nhìn tôi. Hình như ý kiến này cũng bất ngờ cả với Luyến. Tôi nói vui để làm giảm sự trầm lắng của bầu không khí lúc đó:

– Số phận quyển sách của tôi lại phụ thuộc vào ông Bill Clinton ở tận Washington thì gay quá nhỉ.

Tất cả cười. Giám đốc Bùi Văn Ngợi động viên:

– Theo chỗ chúng tôi biết thì chỉ vài tháng nữa thôi. Cứ phải ký xong với Mỹ đã. Mọi công việc đều phải phục tùng lợi ích ấy. Chúng tôi nhất định in tập sách của anh. Sáng mai mời anh đến nhà xuất bản ký hợp đồng và nhận trước tiền tạm ứng.

Đó là điều tôi không ngờ tới. Đến lúc ấy tôi mới thật tin các anh quyết định in. Không hồ nghi gì nữa. Hơn thế các anh còn tạm ứng tiền nhuận bút. Tôi đâu dám nghĩ tới điều ấy dù lúc nào cũng túng. Vậy là chuyến này về có thể đưa cho vợ ít tiền. Nhưng kìa, Luyến đưa mắt nhìn tôi, bàn tay thõng xuống ghế khẽ xua xua ra hiệu đừng nhận lời. Luyến hơi nhíu mày gửi tới tôi tín hiệu không bằng lòng với ý kiến Ngợi vừa nói. Vẻ phấn khởi trên mặt tôi hẳn là tan rất nhanh. Tôi đến đây chỉ với một bản thảo đã nộp, hoàn toàn không nắm được gì hết, nhất cử nhất động làm theo ý Luyến. Luyến là người tôi quen hơn cả và cũng là người tôi tin rằng muốn tập sách của tôi được in. Tôi lấy giọng hài hước nói với giám đốc nhà xuất bản:

– Cảm ơn anh về dự định ký hợp đồng và tạm ứng đối với tôi. Tôi nợ nhà xuất bản Thanh Niên gần hai nghìn đồng từ những năm 60, nghĩa là một món tiền rất lớn so với hiện nay, tới bây giờ vẫn chưa trả được. Bởi vậy tôi không dám nhận tạm ứng nữa. Với lại tôi cũng hơi duy tâm. Tôi nghĩ có lẽ những lần trước vì nhận tạm ứng nên sách tôi viết không được in. Cho nên lần này tôi sợ. Nhận tạm ứng của các anh, có thể bản thảo của tôi lại bị trục trặc gì chăng…

Luyến lúc bấy giờ mới khẽ khàng:

– Báo cáo giám đốc. Nhà xuất bản có ký hợp đồng tạm ứng cho anh Tấn cũng chỉ được một hai triệu là cùng. Anh Tấn thì kinh tế khó khăn từ lâu rồi. Các cháu cũng đã lo lắng cho bố mẹ được tạm đủ. Phần nhà xuất bản chúng ta chỉ lo sao cho bản thảo hoàn chỉnh, sẵn sàng, khi ký hiệp định là có thể in được ngay.

Bữa cơm ngon. Vừa ăn vừa chuyện. Từ chuyện in ấn, các anh chị hỏi sang chuyện sinh sống của vợ chồng tôi, chuyện học hành làm ăn của các cháu. Trời nóng. Đang là tháng 7. Bia Tiger đá, canh cá quả. Thịt gà… Đại khái là như vậy.

Ăn xong Ngợi đến bệnh viện. Hình như em trai anh đang sống những ngày cuối cùng. Cao Giang cũng ra về. Còn lại tôi, Tốn tài xế xe ôm của tôi và Luyến. Như nhìn thấu những gì tôi đang lo lắng suy nghĩ, Luyến bực dọc bảo tôi:

– Chờ ký hiệp định thương mại với Mỹ thì biết đến bao giờ. Anh cứ để em lo. Em sẽ tìm nơi in ngay, không phải chờ đợi gì cả…

Thì ra cái lý do Luyến huơ tay ngăn tôi không ký hợp đồng, không nhận tạm ứng của nhà xuất bản là như vậy. Đúng là tôi đang hoang mang về việc từ chối tạm ứng, nghĩa là chẳng có gì ràng buộc giữa tôi với nhà xuất bản, chẳng có gì bảo đảm tập sách của tôi sẽ được in ra. Một cơ hội vàng có thể tuột khỏi tay tôi.

– Em đã phô-tô thêm một bản. Đà Linh tuần sau từ Đà Nẵng ra đây. Em sẽ gặp Đà Linh. Không. Tuần sau lâu quá. Mai có chuyến bay vào Đà Nẵng. Mai em phải đi.

Tôi không ngờ hôm sau Đoàn Thị Lam Luyến bay vào Đà Nẵng thật. Tôi không biết Đà Linh là ai, cho đến lúc ấy tôi chỉ biết một người có thể in sách cho tôi. Đó là giám đốc nhà xuất bản Thanh Niên Bùi Văn Ngợi mà tôi đã gặp! Mãi sau mới biết Đà Linh là phó giám đốc nhà xuất bản Đà Nẵng. Và nhiều năm sau này tôi có gặp Đà Linh, trong một buổi rất đông bạn bè từ Hà Nội xuống thăm tôi: Ngoài Nguyên Ngọc, Châu Diên, Dương Tường, Phạm Xuân Nguyên, còn có Đà Linh và Đỗ Hoàng Diệu, hai người bạn mới tên tuổi đang nổi như cồn. Đỗ Hoàng Diệu là tác giả tập truyện ngắn Bóng Đè mà Đà Linh là người chịu trách nhiệm xuất bản. Còn một người nữa: Dương Thắng, một “đầu nậu” sách, ông bầu của Bóng Đè.

Sau này khi đã thân nhau hơn, quan hệ giữa Luyến và tôi không chỉ là quan hệ của một biên tập viên với một tác giả, tôi mới biết Luyến bay vào Đà Nẵng không chỉ vì tôi, hay nói đúng hơn không chỉ vì Chuyện Kể Năm 2000. Trong quá trình cộng tác, hiểu nhau hơn, Luyến đã nói cùng tôi nhiều điều. Chuyến ấy Luyến bay vào Đà Nẵng còn để gặp một người bạn trai, một kỹ sư điện tử, đang có ý định chuyển sang nghiệp văn chương bằng nghề dịch tiểu thuyết từ tiếng Anh, tiếng Pháp. Trong khi đọc tập bản thảo của tôi, mặc dù tôi đã dặn hết sức giữ bí mật, không để một người thứ hai biết và đọc, Luyến vẫn thấy cần có người chia xẻ. Luyến bảo:

– Tháng ấy em mất hơn một triệu tiền điện thoại. Chỉ để đọc cho ông ấy nghe những đoạn trong tiểu thuyết của anh.

Cũng là sau này khi đã thân, Luyến mới nói cho tôi biết thái độ của các anh nhà xuất bản đối với tôi khi mới đọc xong bản thảo. Trước tiên, các anh hơi ngỡ ngàng về chuyện có một người tên là Bùi Ngọc Tấn tác giả tập bản thảo này. Nhất là lại từng ở báo Tiền Phong. Cần phải tìm hiểu thêm về . Đó là một điều thú vị thì đúng hơn một sự nghi ngờ. Cái tên Bùi Ngọc Tấn quá mới. Dễ hiểu thôi. Trước khi bị bắt, tôi chỉ là người mới vào nghề, chỉ những ai thuộc thế hệ tôi lúc ấy mới biết đến tôi. Tôi đã thành danh đâu.

Để tăng thêm niềm tin về chuyện có một gã Bùi Ngọc Tấn là tác giả tập sách, Lam Luyến đưa ra tập truyện ngắn Những Người Rách Việc in năm 1996, tôi tặng Luyến, và sang nhà xuất bản Hội Nhà Văn kiếm được quyển Một Thời Để Mất của tôi in ở đấy năm 1995 mang về. Rồi biết tôi mới in tập truyện ngắn Một Ngày Dài Đằng Đẵng, nhà xuất bản Hải Phòng năm 1999, các anh ra hiệu sách tìm mua về một quyển. Ba tập sách gần 600 trang tôi viết trong thời gian “ủ” Chuyện Kể Năm 2000 đủ thuyết phục các anh về một gã Bùi Ngọc Tấn. Đến lúc ấy các anh Bùi Văn Ngợi, Phạm Đức, Cao Giang, Lê Hùng… và có thể cả Lam Luyến nữa mới biết có một người như vậy đang sống trên cuộc đời này. Sự phát hiện trở thành một niềm cảm thông sâu sắc trong bữa cơm trưa đầu tiên chúng tôi ăn với nhau ở quán cơm Ngô Văn Sở.

Phố Ngô Văn Sở đã khác nhiều so với khi tôi còn ở đó, nhất là cái phố nhỏ Trương Hán Siêu đâm ngang chạy song song với đường Bà Triệu. Một phố biết bao thân thiết với tôi mà mấy chục năm rồi tôi mới đặt chân tới. Những khoảnh đất bao quanh những ngôi biệt thự xinh xinh đều biến thành cửa hàng cửa hiệu mặt tiền. Thay cho cành lá tươi xanh là bóng loáng những nhôm kính, những hàng hoá nhiều mầu sắc. Khi bốn chúng tôi — Phạm Đức, Cao Giang, Lam Luyến và tôi — đã ngồi quanh chiếc bàn ăn trên gác hai, khi các cháu phục vụ đã đem bia tới và chúng tôi đã uống ngụm bia đầu tiên, tôi giật mình, đặt cốc xuống bàn, chạy ra cửa sổ nhìn sang bên kia đường. Đúng rồi. Ngôi nhà đối diện bên kia đường là nơi ở tập thể của báo Tiền Phong. Chính tôi đã ở đấy. Bóc đi lớp vỏ nhôm kính phía ngoài, bóc đi mấy quầy đặt những máy phô-tô cop-py, những chai dầu gội đầu… thì ngôi biệt thự nhỏ xinh kia chính là nơi tôi đã ở trong những tháng năm đẹp nhất đời tôi. Dù không trông thấy những cánh cửa chớp, dù cái cổng gỗ chạy trên đường ray không còn nữa. Dù cái sân sau rộng rãi đã bị lấn, bị thu hẹp lại, tôi vẫn nhận ra. Từ cái sân ấy, bước qua cửa, là một cầu thang gỗ. Chiếc cầu thang lên tầng hai không có chiếu nghỉ mà lượn cong, cô nữ sinh trường phổ thông cấp ba Lý Thường Kiệt xách cặp lồng đựng bánh mì và bít tết vừa làm ở nhà còn nóng đến cho tôi nằm ốm trên chiếc giường cá nhân. Dù tất cả anh em đã sang cơ quan làm việc, cả ngôi nhà chỉ còn mình tôi, nàng vẫn bước những bước nhẹ nhàng rón rén. Kỷ niệm không còn một trời mây Đông Bắc. Mái tóc mắt yêu tiếng guốc nhẹ rụt rè thang gác. Câu thơ tôi nhẩm trong đêm thăm vợ báo tin Đinh Chương bị bắt, từ bệnh viện Hà Sắn trở về ngồi một mình trong buồng tối chờ nộp mạng chính là để nói tới cái cầu thang ấy, tới thời gian chúng tôi yêu nhau, vợ tôi còn là cô nữ sinh tóc xoã…

– Chính là nhà anh ở cũ đấy.

Cao Giang, Phạm Đức đã đứng cạnh tôi.

– Vâng. Chúng tôi ở tầng trên. Bên dưới là gia đình anh Tạ Văn Bảo.

– Anh Tạ Văn Bảo vẫn ở đấy. Kia kìa. Vẫn cái buồng ấy. Chỗ ô hẹp hẹp để máy phô-tô cop-py là anh ấy xây thêm ra cho con anh ấy làm. Anh Tạ Văn Bảo đã làm giám đốc nhà xuất bản Thanh Niên chúng tôi.

Khi tôi ở báo Tiền Phong, Tạ Văn Bảo làm trưởng phòng thanh niên công nhân. Tôi nhớ đến người trưởng phòng thanh niên nông thôn của tôi ngày ấy: Anh Đỗ Văn Thoan. Cao Giang bảo:

– Anh Đỗ Văn Thoan cũng đã làm giám đốc xuất bản Thanh Niên. Nghỉ hưu rồi. Anh ấy ở ngay cạnh nhà tôi. Anh Thoan đang bị ung thư di căn.

Tôi đã nhận ra tất cả. Không chỉ nhận ra ngôi nhà tôi đã ở cách đây non nửa thế kỷ, tôi còn nhìn thấy ngôi nhà sát nó, phía bên kia, dù đang bị che khuất. Ngôi nhà có căn buồng anh chị Xuân Thu trên tầng hai, người anh con bác tôi mà tôi quý như anh ruột, căn buồng tôi đã đổi tên là căn buồng anh chị Diệu, căn buồng thần tiên mà cô nữ sinh tôi yêu mua xôi ruốc xôi lạp xường, gọt mắc coọc, pha nước chanh và gọi tôi bằng em: Em để yên chị làm. Cứ quấy chị thôi, hư lắm, căn buồng tôi đã ngủ hai đêm khi từ trại Vĩnh Quang ra tù về Hà Nội rồi mới lên tầu hỏa về Hải Phòng với vợ con…

“Thời xưa của anh đấy. Anh nhận ra rồi chứ?”

Cái nắm tay của Phạm Đức nói vậy cùng tôi. Tôi không chỉ là một tác giả với ban biên tập, một người viết ra tập sách mang nhiều tự sự với những thăng trầm mà còn đã từng là một cán bộ Trung Ương Đoàn như các anh các chị. Giữa chúng tôi còn có cái tình của những người cùng gốc gác cơ quan, nhất là cơ quan Trung Ương Đoàn, một tổ chức của tuổi trẻ nhiều mơ ước khát vọng lãng mạn. Các anh chị rất thông cảm với tôi, một kẻ lận đận, vất vả nhưng vẫn làm việc và không chịu thua, không chịu đo ván. Tôi có thể nói vậy mà không sợ chủ quan. Điều ấy càng được chứng minh trong những lần sau, khi tôi làm việc với nhà xuất bản.

Cao Giang, trưởng phòng biên tập văn nghệ, một biên tập viên già dặn kinh nghiệm, một đảng viên và hình như cả một cấp uỷ nữa, biên tập cho tôi. Anh nhận ra những người quen trong tập sách. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy anh quen hầu hết các bạn tôi.

– Anh Vũ Bão đến đây luôn. Kỳ này chúng tôi in cho anh ấy tập hồi ký. Tập ấy cũng rất căng.

– Dạo tôi làm xuất bản bên Liên Xô, có nhận nhuận bút mang về Việt Nam cho anh Hứa Văn Định.

Cao Giang nói vậy vì trong tiểu thuyết của tôi có những cái tên ấy. Anh yêu cầu sửa. Tất cả tên bè bạn và cả tên anh Nguyễn Văn Phổ nữa. Nguyễn Văn Phổ được anh đích thân đổi thành Nguyễn Văn Phố.

Với các bạn tôi, tôi thay đổi hoặc tên hoặc họ. Rất dễ dàng. Nhưng với anh Nguyễn Văn Phổ, tôi có lời thưa lại. Tôi nhớ đến bộ quan áo số bạc mầu của anh Phổ. Tới mái đầu húi cua của Phổ. Tới cái gáo nước bằng tôn hoa thõng một bên tay khi anh đi làm, khi anh về trại. Tôi nhớ câu nói của anh làm nhói lòng tôi:“Tôi đi tù năm vợ tôi 33 tuổi. Năm nay vợ tôi 51 tuổi rồi.”

Tôi nhớ ngày tôi đến Thanh Xuân Bắc thăm anh khi cả hai chúng tôi đã được ra tù. Chúng tôi ôm lấy nhau. Câu đầu tiên tôi hỏi anh là hỏi về chị Phổ, người phụ nữ “chờ chồng từ năm 33 tuổi đến năm 51 tuổi vẫn chờ đợi và không chịu tuyệt vọng.”([3])

– Chị đâu rồi anh?

– Nhà tôi vào Sài Gòn đi tu rồi.

Quá bất ngờ. Tôi chỉ muốn kêu trời. Hoặc thét lên một tiếng. Nhưng họng tắc nghẹn.

– Chị tu ở đâu. Anh cho tôi địa chỉ. Tôi sắp vào trong ấy. Để tôi đến thăm chị.

Phổ lấy giấy bút. Tôi nhìn theo tay anh:

Sư cô Trí Tuệ

Tĩnh xá Tòng Lâm

260 Nguyễn Thị Minh Khai (Xô Viết Nghệ Tĩnh

cũ) Quận 3. Thành phố Hồ Chí Minh.

Đưa tờ giấy cho tôi, anh hỏi:

– Anh có đọc được không?

Tôi ngơ ngác, không biết anh hỏi gì.

– Mắt tôi không nhìn thấy gì nữa. Tôi viết theo quán tính. Tôi nhận ra anh vì nghe giọng nói của anh.

Tôi khóc. Hôm ấy tôi đã không giữ được nước mắt. Những giọt nước mắt nóng bỏng. Những giọt nước mắt lặn vào trong. Suốt thời gian ở tù, cùng một toán, cùng là tổ trưởng, chưa một lần Phổ nói với tôi vì sao anh phải vào tù, vì sao anh tù lâu đến thế. Trong tù không ai nói với ai điều vì sao ấy. Chỉ đến khi chiếc máy bay không người lái của Mỹ bay qua khu vực trại, tiếng rầm rầm trên trời ập đến rất nhanh và tắt đi cũng rất nhanh để lại dấu vết là một vệt khói mảnh vắt ngang bầu trời rất lâu mới tan, Nguyễn Văn Phổ ngước mắt nhìn vệt khói nói một mình:

– Tiên sư cái thằng Mỹ. Mình bị nghi là gián điệp Mỹ mà nó còn mạnh thế này thì đến bao giờ được ra hở giời?

Anh chỉ nói vậy. Qua đó chúng tôi biết anh bị nghi làm gián điệp cho Mỹ. Theo nhiều người kể lại, Nguyễn Văn Phổ tham gia quân đội ngay trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp năm 1946. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người ký giấy cho anh trở vào Hà Nội hoạt động tình báo. Tổ tình báo của anh có ba người. Anh, nhà văn Vũ Bằng, và một đảng viên ít tuổi nhất làm tổ trưởng. Năm 1954, khi hiệp nghị Genève được ký kết, cả tổ được lệnh chuyển vào Nam, nhưng Phổ đã xin được ở lại Hà Nội. Ít ngày sau anh bị bắt vì tội đã đốt — hay định đốt? — nhà in Ideo.([4]) Anh bị xử tù 15 năm. Sau đó xử lại, mức án rút xuống còn 8 năm rưỡi, và thực tù hơn 17 năm. Anh cười:

– Cái tổ tình báo của tôi chỉ có mỗi Vũ Bằng là không bị bắt. Cái anh tổ trưởng đảng viên ít tuổi kia khi vào Nam cũng bị ta bắt như tôi. Vũ Bằng thật là may…

Rồi anh rủ rỉ:

– Tôi về được ít ngày thì một cô sĩ quan công an đến nói năng rất lễ phép, tế nhị. Bác làm cho chúng cháu cái thu hoạch. Cháu biết bác cũng chẳng muốn nghĩ đến những chuyện ấy nữa nhưng đây là ý kiến cấp trên của cháu. Tôi bảo: Cô nói tôi cũng làm nữa là cấp trên của cô. Tôi viết. Cuối cùng nó lại như một bản thanh minh anh ạ. Mới nghĩ nộp ngay cũng phí. Tôi đem thuê đánh máy. Gửi Viện Kiểm Sát một bản. Tháng sau đến Viện Kiểm Sát. Anh cán bộ phụ trách việc của tôi rất phấn khởi nói: Việc của bác thế nào cũng được xử lại. Cháu đang trình viện trưởng. Nửa tháng nữa mời bác quay lại. Y hẹn, tôi tới. Anh cán bộ kiểm sát ỉu xìu: Không xong rồi bác ơi. Đồng chí viện trưởng không duyệt. Tôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì. Tù thì tù rồi. Cũng sắp về với tổ tiên rồi. Bẵng đi lâu lâu, đã quên hẳn chuyện khiếu nại, thì anh cán bộ viện kiểm sát tới nhà: Bác ơi! Bác làm sổ hưu đi. Vụ của bác xử lại rồi. Trắng án.

Tôi mừng cho anh. Anh nói cả ba lần xử đều không có mặt anh. Tôi bàn với anh về việc đòi bồi thường, nhưng anh lại quan tâm đến một chuyện khác: Làm thế nào lấy lại được cái nhà của anh. Một biệt thự ở phố Nguyễn Gia Thiều!

Tôi khuyên anh nên thực tế một chút bằng chính kinh nghiệm của mình:

– Không được đâu anh ơi. Gia đình vợ tôi đấy. Có hai ngôi nhà phố Mai Hắc Đế, mở nhà in, nhà in Giang Tả in báo Cờ Giải Phóng cho các ông ấy. Thế mà bây giờ có đòi được đâu. Bao nhiêu hộ, bao nhiêu chủ rồi. Trước bạ lại không còn…

Anh ngắt lời tôi:

– Trước bạ tên tôi. Tôi vẫn giữ.

Thế thì lại là chuyện khác. Vẫn còn tí chút hy vọng.

Anh tiếp:

– Nhà tôi cực dễ nhưng cũng cực khó…

– Thế nghĩa là sao anh?

– Nhà tôi Trung Ương đảng lấy làm trụ sở Ban Đối Ngoại.

Tôi kêu lên:

– Thế thì nhà anh phải hàng vạn cây vàng!

Tôi đã hiểu nội dung cực dễ nhưng cũng cực khó của anh. Người ta muốn giải quyết, chỉ một câu nói là xong. Anh thở dài:

– Khó lắm.

B.N.T.

([1])Thực ra tôi không vay chằng vay bửa rồi xù, quyển Hải Đăng của tôi đã được các anh vào kế hoạch và giục tôi đưa in nhưng tôi cứ nấn ná sửa thêm, và ít ngày sau tôi bị bắt, bản thảo bị tịch thu.

(2)Vẫn còn tình trạng phân phối thông tin theo cấp bậc ấy, nó tạo ra một sự phân biệt đối xử, phân biệt lòng tin và phần lớn người được tin cậy hơn thấy rằng mình phải làm thế nào để xứng đáng với sự tin tưởng ấy.

(3) Trích Chuyện Kể Năm 2000.

(4) Bởi thực ra nhà in Ideo có cháy bao giờ đâu!

(Xem tiếp kỳ sau)


Comments are closed.