Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 104): Nguyễn Thị Hoàng Bắc – Một quyển album

NTHB

Nguyễn Thị Hoàng Bắc, viết văn, làm thơ, dạy học.
Truyện ngắn đầu tiên: Mặt Trận Dài, TC Văn Học ( Mỹ) 1996
Bài thơ đầu tiên: Nổi hứng, Tạp chí Thơ (Mỹ) 1996
Viết cho các tạp chí Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Thơ (Mỹ) và Việt, Tiền Vệ  (Úc), talawas (Đức)
Sách đã in:
Long Lanh Hạt Bụi, NXB Văn Nghệ, California, 1988
Bên Lở Bên Bồi, NXB An Tiêm, 1997
Kéo Neo Mà Chạy, NXB Văn Mới, 1997
Nhện, NXB Văn Mới, 2001
Gió Mỗi Ngày Một Chiều Thổi, NXB Sống, 2016
Chúng Tôi Vì Đàn Ông, tập thơ, NXB Sống, 2018
In chung cùng các tác giả khác:
Trăng Đất Khách, NXB Làng Văn
Các Cây Bút Hải Ngoại Sau 1975
Hai Mươi Năm Văn Học Hải Ngoại, NXB Văn Nghệ
Các Cây Bút Nữ Hải Ngoại, NXB Phụ Nữ, TP HCM
Tuyển Tập Năm 2000, nhóm Việt Thường, NXB Văn Mới
Tuyển tập Thơ, 26 Nhà Thơ Đương Đại, NXB Tân Thư, 2002

MỘT QUYỂN ALBUM

Có một quyển album ảnh tôi không dám mở ra, nhưng rồi dần dần cũng quen. Chừng một vài lần sau, vài tháng, năm sau, tôi sẽ nhờn rồi sẽ mở ra bình thường cho mà xem. 

Con đường trước nhà em gái, sau khi nó mất đi, tôi đã không dám đi ngang, ở đó, có căn nhà chỉ còn chồng nó ở lại. Có việc bắt buộc phải đi, tôi bay xe qua, mắt đăm đăm trợn trừng nhìn thẳng trước, đầu ù ù lởn vởn bóng con em đi qua đi lại, cả bóng cả hình ấy, bây giờ đã đi đâu? Bây giờ chỉ còn mỗi một người đàn ông không già không trẻ, chắc lại lủi thủi đi đi về về trong căn nhà gọi là một mình một bóng?

Năm tiếp theo, mẹ tôi qua đời.

Người em rể bỗng đột ngột đem giao cho tôi một món mà anh ta gọi là quà, thật ra là quyển album ảnh cưới của hai vợ chồng họ, với lời giải thích chân thành (chua chát,) chối tội (nhận tội,) dài dòng (quyết liệt,) trong thời gian gần hơn ba năm, ba người thân yêu nhất đã lần lượt qua đời, ý hắn ta bao gồm cả bà mẹ ruột mất trước em gái tôi một năm, sống một mình phải rất nhiều nghị lực và can đảm… Thật ra những lời này ngụ ý gì?

Đã lâu, tôi không dám nghĩ lâu tới em, tới mẹ, trừ hai tấm ảnh của họ đặt trên bàn thờ, ở nơi cao, lấp ló ẩn hiện sau đám dây leo trầu bà, tôi lại càng không dám nhìn thẳng để nghĩ ngợi gì thêm. Họ ở đâu rồi, có bình an không, có gặp nhau không, thật khó hiểu, thật ngại ngần, vì triệt để không có câu trả lời. Người chết nào mà không im lặng.

Không gặp nhau nữa có tốt hơn không, cũng vậy, một quyển sách đã đọc trong vòng bao nhiêu năm đã xong, có cái hay cái dở, thì cũng nên bắt đầu dở sang một trang sách mới đi. Biết đâu sẽ gặp được cái gì đó hay hơn, nhiều hay ít. Con người vốn dĩ luôn luôn chờ đợi một cái gì vui đẹp hơn hiện tại, và đó gọi là hy vọng. Khi không còn niềm hy vọng nào, nhà nước, cơ quan từ thiện, tổ chức gây quỹ sẵn sàng bán hy vọng cho mọi người qua xấp giấy số, tiêu một khoản tiền nho nhỏ cho chút vu vơ xứng đáng, cho ngày mai, cũng nghe lồng ngực có tiếng đập hồi hộp rộn rã, còn hơn là cứ đứng chôn chân cái nhìn đông đá, gắn mắt mãi vào vũng nước không chảy đục nặng bùn lặng lờ một chỗ.

Trang đầu album dán thiệp cưới của hai vợ chồng em kèm một đoá hoa vải hồng thắm, trang sau, ảnh em gái tất nhiên đầu đội hoa, tay ôm hoa, cười, xoè tay nhận nhẫn cưới từ người chồng, hai ba trang tiếp, hai bà sui gia goá hai bên, tân giai nhân và tân lang đứng giữa, tấm ảnh bốn người giờ chỉ còn một. Chồng em gái trong ảnh giơ tay lên xem đồng hồ có vẻ sốt ruột giữa đám quan khách trùng trùng, người hay sốt ruột giờ chắc thấy đợi chờ trơ trọi quá nên trơ trơ giao trả album lại cho tôi? Nhưng sao lại giao trả? Nhưng sao lại là tôi?

Có thể có những vật mình biết là quý đấy, không nỡ vứt đi nhưng nhìn vào cứ thấy rờn rợn nên không muốn giữ, vậy nên kiếm một người mạnh bạo và giỏi chịu đựng mà cho đi? Tôi giỏi chịu đựng? Và mạnh bạo?

Sống một mình kể từ khi ly dị, nếu nói là đã quen sống một mình cũng đúng, mà nói là đã quên cô đơn là gì thì không chắc. Quen không đồng nghĩa với quên, và sống một mình không chắc là mạnh bạo và dữ dằn như người kia và nhiều người có thể nghĩ. Đồng hoá, ít nhiều sự việc thường có màu sắc cưỡng bách, xúc phạm và có lẽ chà đạp. Sử gia Việt đã chẳng hàng ngàn hàng triệu lần ca ngợi sức đề kháng bách chiến bách thắng của tộc Việt phương Nam đã kháng cự thành công và mãnh liệt, âm mưu dai dẳng, kế hoạch đồng hoá từ y phục, tóc tai, hình dáng, ngôn ngữ, tập tục, văn hoá, nhân sinh từ anh láng giềng khổng lồ thân mến phương Bắc đấy sao. Lịch sử hôm nay làm sao lại có kẻ nhè tôi mà lặp lại?

Nắng thu chiếu trên những trang ảnh màu một màu vàng lấp lánh kim nhũ, mùa thu, em gái mặc áo cưới kim tuyến vàng, đeo kiềng vàng, mẹ tôi áo vàng nhạt thêu hoa lá màu tím sậm, nổi bật trên trang sách. Chỉ lật đến ba trang tôi đã phải đóng sập lại, bụng dưới lại đau thắt, cơn đau thể xác. Vừa kiếm Mylanta uống để an ủi cái bao tử vừa tự nhắc nhở trái tim mình, cứ tự nhiên đi, đừng đập loạn xạ, đừng nhát sợ, đừng buồn nín thở. Mẹ có lẽ bên kia trời cũng đang hân hoan hãnh diện áo dài vàng thêu hoa, chuổi hạt quàng cổ xanh dắt tay cô dâu áo kim tuyến cũng vàng. Đừng nhớ hôm nào cô em đứng trong nắng thu dọi vào cửa sổ hỏi tôi, bài phỏng vấn này vậy là được chưa, chưa được hả, lúc nó đang tập tành làm nhà văn, nhà báo, và sau này có một dạo đã là nhà văn, nhà báo hay. Cứ để tự nhiên đó đi, tình cờ bất ngờ khi nào muốn xem thì dở ra xem, tình cờ bất ngờ khi nào muốn xếp xó vào một góc bụi, tình cờ lúc nào đã quên nó đang lăn lóc một xó tối nào không biết nơi tủ sách, và tình cờ bất ngờ muốn gửi hẳn nó cho người khác như người đàn ông kia đã làm thì tôi có sẽ cứ làm, và phải làm được.

Cứ nhẩn nha thủng thỉnh, cái gì đến thì sẽ đến, triết lý rẻ tiền và lười biếng này có thể sẽ áp dụng được vào khối việc nhức đầu của từng thế giới mỗi sinh linh chồng chất những kênh nước đen hôi hám đến nhức đầu. Trong kênh nước đen của tôi thỉnh thoảng vẫn hiện lên lờ mờ mà rõ rệt hình ảnh người đàn ông tôi đã bỏ cả tuổi thanh xuân ra chờ đợi và người ấy đã không bao giờ trở lại, một hôm, tôi nghe được một cú điện thoại của em trai người đàn ông ấy, chàng trai trẻ kết thúc buổi điện đàm một cách khoẻ khoắn, chị tìm gặp lại ảnh mà làm gì, bây giờ ảnh về hưu, đầu sói trọi hết trơn rồi… Vậy ra bây giờ ở nơi không xa tôi lắm, không như tôi vẫn thường khắc khoải, chiều chiều, sẽ có bóng dáng một chàng lùn, hói đầu, và không chừng chống gậy, đi dạo. Mỗi khi chạy bộ thể dục hay lái xe đi đâu, vô tình, tôi vẫn ngoái đầu vô tội vạ, vói nhìn theo mấy anh già lùn, và hói đầu, và đi dạo.

Thói quen hay tội ác rồi cũng vậy. Chúng sinh sinh ra đã được ngay cha mẹ cho ăn thịt mà sống, tuy không ăn tượi nuốt sống tôm cá gà vịt trâu bò, nhưng cũng đã là cổ họng uống máu tanh, hai môi bôi trơn mỡ. Kiếp cọp sinh ra là phải bắt nai để mạnh để sống để sinh tồn để lấy sức khoẻ mà rượt bắt con nai khác yếu ớt hơn mình cho mình, cho chồng vợ con cái mình, và cây cỏ hoa lá thực vật cũng biết xoay hướng theo mặt trời mà nẩy nở, dây leo vươn cánh tay như bạch tuột để bắt cành khô mà đứng, quy luật sinh tồn, đạp người để lợi mình, ăn chay rau cỏ cũng là ăn để sống, nghĩa là phải tiêu diệt, phải huỷ hoại một loài giống khác để bảo tồn phát huy giống nòi mình. Và tiến bộ là có mới nới cũ, không vứt cái cũ làm sao được cái mới, không có chiêu trò ác mới làm sao thắng được trò ác cũ đã bị nhờn. Công nghệ cao đã phải chặt đuôi nuôi heo cho lợi chỗ nuôi, đã không cho gà mái được đạp mái, để đẻ cho sai, đã cho ong ăn đường để nhả ra nhiều mật, đã chích thuốc kích thich cho bất cứ heo bò gà vịt hoa quả cho sây thịt sây trái mà kiếm lợi, có cái gì mà chẳng dám làm. Nước lớn buộc phải hiếp nước vừa để giữ vững vị trí siêu cường, nước vừa phải lùa nước bé nhập vào nước mình để mở rộng tổ quốc giang sơn. Tôi chạy đâu cho khỏi trong cái vòng quay của trái đất cuồng nhiệt quay không mệt nghỉ này.

Vừa bước vào nhà, đã đụng đầu ngay một cặp ngà voi to tướng nằm cong vút chễm chệ trên cái bệ gỗ trắc bóng loáng khoe khoang sự giàu có và tự đắc về vai vế thế lực của ông chủ tịch. Bà chủ tịch toe toét cười ngồi tréo ngoảy lắc đùi đắc ý khoe bàn chân không mấy còn non mang đôi giày da cá sấu thật mới tậu, bàn tay trắng lấp lánh cục kim cương sáng quắc kẹp chiếc bóp da cá sấu cùng bộ, trên vai vắt hờ cái áo lông và khăn quàng lông gấu trắng gồ ghề, bao nhiêu voi bị cưa sừng, bao nhiêu cá sấu bị bắt sống lột da giãy giụa, bao nhiêu gấu trắng gào thét bị lột lông, và bao nhiêu trẻ con châu Phi bị chặt chân để khỏi trốn chạy nhiệm vụ nô lệ phục dịch cho bọn tay sai tài phiệt săn kim cương.

Hôm nay bọn quyền chức lột lông, chặt chân, cưa sừng đang tụ họp lắc đầu, lè lưỡi, đú đởn, bàn tán, cãi cọ, ca cẩm về cái món súp thai nhi thời thượng của các chuyên gia nghệ thuật ẩm thực hàng đầu của các nhà hàng Thượng Hải đang nổi tiếng.

Ngài chủ tịch nói trước:

“Thiệt không còn hiểu nổi cái bọn lòng người dạ thú này.”

Bà chủ tiếp:

“Tụi nó đâu còn có phải là người.”

Một bà khách:

“Chắc nó hết cái ăn rồi nên mới ăn luôn cả con người.”

Vừa tru tréo ồn ào, họ vừa luôn tay thay nhau chuyền đũa gắp mời nhau những miếng thịt quay chặt đều giòn tan béo ngậy, những con chuột banh ruột ram vàng rượm nguyên con, tôm luộc giơ cẳng cong râu chín đỏ, sò huyết lông nướng hả họng đen ngòm. Kèm với nước uống là các loại rượu rắn, rít, ba ba, thằn lằn tắc kè, mật gấu Thập Bổ Đại Toàn không cường dương cường âm thì cũng dĩ độc trị độc, không bách niên trường thọ thì cũng mặt trơ trán bóng, lông tóc rậm rạp và ít chi thì cũng kích dương kích âm rậm rật được như thuở mới dậy thì.

“Bà chị thật chí lý.”

Chủ khách khen nhau trong nói cười rôm rả và cùng nâng ly.

Bà khách chí lý, nhưng không phải hết cái ăn rồi mới ăn người, chỉ là ăn hết những cái đã có thể ăn, ăn chán chê nhạt mồm nhạt miệng rồi thì cũng phải tìm cách mới mà ăn tới thịt người.

Riết rồi cũng sẽ quen mà, ăn hết rồi, hưởng thụ hết, tàn sát cạn kiệt rồi, món thịt người sắp tới cũng sẽ trở thành thực đơn quen và bình thường thôi.

Cái quyển album ảnh tôi không dám mở ra xem, nhưng rồi dần dần cũng sẽ quen, một vài lần, vài tháng, vài năm sau, tôi cũng sẽ mở ra bình thường cho mà xem. Dừng lại ở trang năm, bây giờ tôi đã thấy quen một chút, đã thấy dám phóng xe ngang nhà em gái mà không quá run tay, đã dám nhìn lên ảnh mẹ mà mũi đã bớt cay, và những lúc rảnh rỗi đã dám nhìn vào album. Như hôm nay mọi chuyện có vẻ khác. Tôi thấy vui vui, nhận ra lúc đó sao mà mọi người trẻ thế, sao mà tôi trẻ thế, mọi người chung quanh sao mà vui vẻ thế. Cuộc sống chảy một dòng xuôi cứ từ nguồn xuống bến, thay đổi bến này qua bến khác và chẳng thể chảy ngược về nguồn, nên truyện cổ mới có thể bắt đầu bằng hai tiếng buồn buồn ngày xửa ngày xưa… có một quyển ảnh album. Ngày xưa có một vĩ nhân xuất chúng tên là Einstein, và ngày nay Einstein xuất chúng có sống lại cũng trở thành một ông già ngẩn ngơ lẩm cẩm tò te hỏi thăm thằng cháu 4 tuổi làm thế nào để vào internet xem hoạt hoạ Mickey Mouse, bắn game Nintendo, và đấm đá Wifi.

Em mất sớm, chồng nó lại lấy vợ, vứt album của hai vợ chồng cho tôi để nhẹ gánh quá khứ, thì đã có gì là phi đạo đức hay nhẫn tâm? Ở quê hương tổ tiên tôi, giáo viên dạy giỏi hiếp ngay bé gái nữ sinh trong trường, và ở quê hương Blue Danube của Johann Strauss, Jr. bố lão bắt ngay con gái ruột mình làm vợ bé sinh con đẻ cái nhốt dưới hầm nhà song song với bà vợ lớn là mẹ ruột vẫn a dua khơi khơi sống với lão ở tầng trên. Ông kẹ này sau 24 năm phạm tội bị cảnh sát phát hiện và bị bắt, nhưng mà lại sắp giàu to vì đang rao bán hồi ký hãm hiếp con gái mình với giá cắt cổ, và vì quần chúng rỗi hơi tò mò vẫn muốn đọc, và biết đâu thằng cha loạn luân này sẽ nổi tiếng và sẽ hái ra tiền để vào ngồi tù như một bậc đế vương.

Mẹ tôi, em tôi, chả làm gì nên tội, cũng chả biết làm gì để nổi tiếng hay kiếm ra khối tiền, nhưng cứ phải ra đi, tuy họ rất sợ đau, sợ chết. Nhưng không sao, biết đâu chừng nếu được sống lâu hơn như những người đang sống, ra lão làng, họ lại phải mang thêm cái thói ăn thịt người nay mai, theo đà tiến hoá tất yếu của nhân loại. Ăn thịt người cũng chả sao, nếu tôi sinh ra mà đã được cha mẹ cho xơi ngay thịt người thì cứ thế tiếp tục đà xơi xơi. Có sợ hùm dữ không ăn thịt con tại vì thấy nó giống mình quá chứ chẳng phải đạo đức gì, có nhát sợ thì đã có cách xay hay xát, hay chế biến thành thịt quay chặt miếng, thịt người xào lăn, nước xương người hầm thành viên súp hay viên thuốc bọc đường cho dễ nuốt. Dĩ độc trị độc thì phải có dĩ nhân dưỡng nhân là thường.

Có một món súp thịt người tôi không dám thử ăn, nhưng rồi dần dần cũng sẽ quen, một vài lần sau, một vài tháng, năm sau, tôi cũng sẽ ăn bình thường cho mà xem. Dám có lúc tiến bộ trông thấy, vui vui hơn, tôi sẽ thấy lúc đó sao mà mọi người ăn uống ồn ào vui vẻ thế, sao mà thai nhi ở đâu hư nhiều thế, sao mà ăn rồi tôi như mọi người thấy mình khoẻ thế, trẻ thế, sao mà súp người ngọt lịm người đến thế, cho mà xem.

nthb

10/ 2009

Comments are closed.