Lâm Hạnh (thực hiện)
Ảnh: Thế Phong – Giàu Minh Trương
Ly Hoàng Ly là nữ nghệ sĩ có vẻ ngoài nhẹ nhàng nhưng tác phẩm của chị luôn là những trải nghiệm mang tính tiên phong với bạn nghề và công chúng yêu nghệ thuật.
Mới đây, mọi người lại xôn xao với một tác phẩm public art (nghệ thuật công cộng) của chị nơi một góc đường. Trước đó, tác phẩm trong dự án được làm từ 21 tấn thép từ mô hình thuyền và nhà cũng gây sững sờ cho người thưởng lãm.
Đây là một tác phẩm điêu khắc công cộng có thể tải được 500 kg trên nóc, tương tác trong không gian đô thị và với công chúng với đa chức năng như: nơi gặp gỡ trò chuyện dừng chân, sân khấu cộng đồng cho các vở múa, nhảy hiphop, ca hát, không gian giao tiếp hội thảo, không gian trưng bày triển lãm và cũng có thể trở thành “nhạc cụ”…
Quá trình thực hiện tác phẩm ‘Thuyền nhà thuyền’ là một thách thức to lớn đối với Ly. Làm pulic art ở Việt Nam không hề dễ nhưng Ly cứ đi, vì đã chọn là không than thở.
Nghệ sĩ Ly Hoàng Ly
Phóng viên: Càng ngày càng có nhiều người đồng hành với chị và chị đã dễ dàng làm cho họ hiểu công việc mình đang làm so với những ngày đầu. Chị đã bớt đơn độc?
Ly Hoàng Ly: Hành trình đó vẫn luôn dài đằng đẵng, những phút giây thấy mình bơ vơ đơn độc là thường trực. Nhưng may mắn là tôi có một hai cộng sự tâm giao luôn tin ở mình, luôn động viên và không bao giờ bỏ rơi mình. Và khi muốn làm, tôi phải tìm hiểu và hỏi, trong 100 người được hỏi chắc chắn sẽ có 1 người đồng hành cùng mình. Ví dụ về cơ khí, tôi gõ cửa rất nhiều xưởng không được, chỗ thì giá quá cao, chỗ thì làm không như mình muốn… nhưng tôi vẫn tiếp tục gõ cửa các nơi khác chứ nếu bỏ cuộc, dừng lại thì sẽ không bao giờ gặp và bảo rằng mình đơn độc.
* Ở nước ngoài đội ngũ kiến trúc sư hay kỹ sư được đào tạo để làm những tác phẩm nghệ thuật công cộng có đông không, thưa chị?
– Theo như tôi biết thì thường là nghệ sĩ đưa ra bản phác thảo, còn việc tính toán kỹ thuật và thi công thì có những công ty chuyên làm nghệ thuật công cộng sẽ lo. Nghệ sĩ chỉ làm những bản thiết kế mẫu, còn để làm một công trình lớn an toàn cho mọi người và an toàn trong không gian đô thị thì cần sự phối hợp của kiến trúc sư và kỹ sư, và nghệ sỹ luôn thảo luận để cho ra một công trình tổng hợp trí tuệ của nhiều người.
Tại Triển lãm Mỹ thuật Châu Á – Thái Bình Dương lần 9 ở Brisbane (Úc) được khai mạc vào ngày 24/11 vừa qua, BTC đã muốn mời tác phẩm Thuyền nhà thuyền của tôi. Họ đã tính từ chuyện vận chuyển, lắp đặt… tuy nhiên, vị trí đặt tác phẩm ở trước bảo tàng, phía bên dưới là hầm xe, trọng lượng của Thuyền nhà thuyền là 21 tấn nên không đảm bảo sự chịu lực của nền đất bên dưới và để xe cẩu vào được đến đó thì họ phải phá đi một số thứ. Cuối cùng, tác phẩm của tôi không thể đặt ở đó, dù ban đầu họ đã lên kế hoạch đặt Thuyền nhà thuyền tại bảo tàng để học sinh, sinh viên, người dân đến tương tác với tác phẩm.
Để một tác phẩm nghệ thuật công cộng ra đến công chúng không hề đơn giản, từ sản xuất đến lắp đặt phải có sự tham gia của rất nhiều người, những chuyện như tôi vừa kể nghệ sĩ đâu có tính toán được.
* Thật đáng tiếc, chúng ta vuột mất một cơ hội giới thiệu tác phẩm của một nghệ sĩ Việt Nam với công chúng nước ngoài. Hiện giờ tác phẩm ấy nằm ở đâu?
– Thuyền nhà thuyền đang nằm trong kho và tôi mong đó chỉ là thời gian tạm trú. Trong thời gian chờ có nơi đặt tác phẩm thì tôi phải thuê kho để giữ chúng. Tuy nhiên, cái thực tiễn âm thầm liên tục chuyển dịch và lưu kho cùng sự vô-chứng-kiến của không-người-xem cũng chính là cuộc trình hiện riêng biệt của tác phẩm. Nó lột tả chân dung ý niệm của dự án tiếp diễn mà công trình điêu khắc công cộng Thuyền nhà thuyền này là một phần của dự án, phản ánh đúng bản chất thực tế của việc liên tục tạm trú, chuyển dịch và tiếp biến của thân phận mọi sự trong cõi nhân sinh. Kho cũng là nơi “triển lãm” của tác phẩm.
Làm nghệ thuật cực đoan-là-Ly
* Chị đã làm được bao nhiêu thứ so với những điều đã học được tại Mỹ? (Ly Hoàng Ly tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM và nhận học bổng Fulbright học MFA tại Học viện Nghệ thuật Chicago)
– Cái lớn nhất tôi học được là tư duy làm việc. Hành trình của một người làm nghệ thuật gắn liền cả đời với sự học, mỗi tác phẩm đều phải học vì tác phẩm nào cũng mới chứ không phải là một thứ mình làm đi làm lại nhiều lần để thuần thục. Có nhiều tác phẩm trong lúc làm đã là một quá trình học nhưng khi làm xong mình vẫn nghĩ nếu làm lại từ đầu mình sẽ làm tốt hơn. Đó vừa là thử thách vừa là niềm vui. Khi mình thấy tác phẩm của mình đã hoàn hảo nghĩa là mình đã chết.
Tác phẩm Tháp mâm
* Hướng đi của chị có khác so với trước kia, thế còn quan điểm của chị về nghệ thuật có khác trước kia không?
– Tôi vẫn làm những gì mà ở đó tôi là chính mình, về chuyên môn thì đương nhiên phải luôn rèn luyện và học hỏi trên con đường mình đi, luôn luôn tò mò, muốn khám phá, nhưng phải là mình.
Một nghệ sĩ thì thường mong mỏi làm ra những tác phẩm để chia sẻ với mọi người nhưng không phải là những tác phẩm để thoả mãn ý thích của một người nào đó. Nó phải là cái nhìn của người nghệ sĩ và họ chia sẻ cái nhìn ấy với công chúng. Riêng với nghệ thuật, nếu tôi phải làm những cái không phải là mình thì rất đau khổ và tôi không chịu nổi nỗi đau khổ đó. Có những tác phẩm hoàn toàn không có thu nhập nhưng tôi vẫn làm hết mình say mê, ngược lại có những cái được trả thù lao nhiều đến đâu tôi cũng từ chối.
* Vậy thì khái niệm về sự chuyên nghiệp trong trường hợp của chị được định nghĩa như thế nào? Vì tôi nhìn thấy sự chuyên nghiệp của chị trong từng dự án, nhưng nhìn chung về hình ảnh người nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề của mình thì không…
– Việc thực hành nghệ thuật nuôi dưỡng tâm hồn tôi từng ngày, từ đó tạo ra những giá trị mà tôi không thể mua được bằng hiện kim. Tôi “sống” và “thở” được như thế này là bằng thực hành nghệ thuật.
Tôi không nhớ rõ, nhưng có một nhà thơ người Ba Lan có nói một câu mà tôi rất thích, đại khái là ông ấy rất ghét cụm từ “nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ chuyên nghiệp” vì từ chuyên nghiệp trong định nghĩa này nó giết chết sự sáng tạo. Trong ngành nghề nào cũng vậy, tôi nghĩ thái độ làm việc quyết định tính chuyên nghiệp của một người. Còn thì, mỗi người sẽ có một cách khác nhau, tôi làm như vậy vì đó là tôi còn người khác làm như vậy thì đó chính là họ, mỗi kiểu đều có cái hay riêng. Quan trọng là thái độ làm việc phải chuyên nghiệp, bất kể đó là việc thiện nguyện hay việc kiếm sống.
Tôi không thích dùng từ “chuyên nghiệp” trong sáng tạo. Sáng tạo là bay bổng, là phá vỡ mọi ranh giới kiến thức đã có, là những giây phút liên tục đối diện với bấp bênh, nhưng không để cho bất cứ gì câu thúc ngoài giọng nói trung thực từ bên trong của người nghệ sỹ.
Mơ về một không gian công cộng
* Không gian của thành phố nói riêng và cả nước nói chung đang giới hạn hay kích thích sự sáng tạo của chị?
– Bản chất của sự sáng tạo nghệ thuật là sự phản biện nghệ thuật với không gian và xã hội mình đang sống. Vì vậy, không gian môi trường sống kiểu gì thì mình phản biện kiểu đó. Việc làm nghệ thuật là phản ánh tâm tư quan điểm của mình với cuộc sống, xã hội và con người. Đôi khi từ những thử thách mình lại bật được ra cái gì đó rất khác.
* Điều thú vị nhất chị thấy ở nghệ thuật công cộng đương đại là gì? Nó có phải là sự giao hoà giữa chị và không gian mà mình đang sống?
– Tôi quan tâm đến loại hình nghệ thuật công cộng đương đại không chỉ là một tác phẩm để trưng bày, mà còn tạo ra một không gian để công chúng gắn kết và tương tác. Chẳng hạn, trẻ em thì không cần biết đó là một tác phẩm nghệ thuật công cộng mà chỉ thấy “cái đó”, “nơi ấy” chơi được thì đến chơi với nó thôi. Tôi rất muốn Việt Nam có nhiều tác phẩm nghệ thuật công cộng kiểu như vậy.
Đối với một nghệ sĩ, khi làm ra một sản phẩm thì đã xong nhiệm vụ và tác phẩm có cuộc sống tiếp theo khi mọi người sử dụng nó hằng ngày. Ngay từ những tác phẩm sắp đặt đầu tiên như Tháp Mâm làm từ năm 2000, tôi đã thích ngắm nhìn mọi người nhìn ngắm và rung lắc, chơi với nó, dù lúc đó tôi chưa biết về khái niệm nghệ thuật công cộng. Chắc vì niềm say mê đó mà sau đó, tôi có duyên học ở Chicago – một trong những thành phố nổi tiếng nhất thế giới về nghệ thuật công cộng đương đại, và tôi được đậu vào một học kỳ đặc biệt chuyên thực hành về nghệ thuật công cộng có tên People vs. Space (Con Người đối Không Gian).
* Có nên xem tác phẩm nghệ thuật công cộng là sự kết nối giữa 3 đối tượng: nghệ sĩ – công chúng – không gian sống không?
– Tác phẩm nghệ thuật nào cũng là sự kết nối giữa nghệ sĩ và công chúng nhưng tính chất đặc biệt của nghệ thuật công cộng là tác phẩm cần không gian công cộng và phải hoà hợp với không gian sống, môi trường xung quanh, với phần lớn các tác phẩm nghệ thuật công cộng thì mọi người có thể tương tác sử dụng được nó bằng cách sờ vào, chơi cùng. Còn khi xem tranh, cũng là cách bạn kết nối với hoạ sĩ về tư duy, tinh thần nhưng bạn không thể sờ vào tranh, khán giả sẽ không thể tương tác vật lý và vì vậy không thể can dự và trở thành một phần của tác phẩm được.
* Vậy thì nghệ thuật công cộng có cần nhiều nghệ sĩ không, khi mà không gian đô thị chỉ có giới hạn chứ khó được mở rộng, cảm giác như nó không thể dung nạp hết tất cả nghệ sĩ hoặc tất cả các tác phẩm nếu có quá nhiều?
– Điều đó phải đi từ quy hoạch. Tôi nhớ không chính xác, các nước phát triển khi làm một đô thị mới thì nhà đầu tư phải cam kết dành từ 1- 6 % tổng chi phí dự án dành cho nghệ thuật công cộng và tác phẩm phải hài hoà với tổng thể, với môi trường, xã hội và cư dân nơi đó. Quyền được hưởng thụ văn hoá nghệ thuật của tất cả người dân bất kể giàu nghèo (mà không ai phải trả tiền để xem) như món ăn tinh thần không thể thiếu, luôn được coi trọng.
Bài toán này phải từ chính quyền đô thị, các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư như: vị trí đặt các tác phẩm, không gian cảnh quan xung quanh, độ lớn và khoảng cách giữa các tác phẩm, giao thông bên ngoài tác phẩm ra sao, đường đi như thế nào để mọi người đến với tác phẩm đó, v.v. Nghệ thuật công cộng đương đại liên quan đến nhiều thứ, khác rất nhiều với việc đặt một bức tượng điêu khắc ngoài trời theo cách truyền thống. Ngoài ra, ở Việt Nam có quá nhiều công viên có thể đặt các tác phẩm nghệ thuật công cộng.
Tác phẩm Thuyền nhà thuyền được đặt ngoài trời
* Khi đó thì chính quyền nhà nước hoặc địa phương sẽ đặt hàng với nghệ sĩ?
– Đúng vậy. Chẳng hạn, ở Chicago sẽ có cuộc thi mở ra cho nghệ sĩ toàn thế giới, ai hứng thú sẽ gửi các thiết kế mẫu và những đề xuất. Sau đó, hội đồng thành phố và các chuyên gia sẽ chọn tác phẩm phù hợp, kiến trúc sư và kỹ sư sẽ thi công. Hoặc hội đồng thành phố mời đích danh nghệ sĩ nào đó thiết kế riêng một tác phẩm nghệ thuật công cộng cho không gian họ muốn. Tôi đang đi con đường ngược là làm tác phẩm rồi mới tìm chỗ trưng bày vì không biết phải làm sao, việc đề xuất tổ chức cuộc thi rồi mong ai đó bỏ kinh phí để mình làm tác phẩm ở Việt Nam là điều gần như không tưởng.
Tôi luôn mơ ước điều đó – một ngày, cư dân thành phố và cả nước sẽ được thưởng thức, tương tác với nhiều tác phẩm nghệ thuật công cộng. Tại Việt Nam, có nhiều khu đô thị mới nhưng bị phát triển lệch vì không có những tác phẩm văn hoá đương đại để phục vụ cho những con người đương đại. Nghĩa là, đô thị mới thì có nhưng công trình văn hoá mới thì không, từ đó dẫn đến chuyện cư dân được hưởng thụ về vật chất mà về tinh thần thì thiếu.
Sẽ rất vô lý nếu nói biết bao người dân còn không có đủ mà ăn nói gì đến thưởng thức nghệ thuật, vậy thì tại sao có rất nhiều tòa nhà mọc lên, rất nhiều người có khả năng đi nước ngoài chơi và ca ngợi các công trình nghệ thuật của đất nước khác. Chi phí cho những công trình nghệ thuật công cộng đương đại không đáng gì so với chi phí xây các tượng đài, nếu không nói chỉ là hạt cát. Tôi nghĩ, chỉ cần có tư duy về nghệ thuật công cộng, kinh phí không phải là điều bất khả thi.
Tôi đang cố gắng hết sức mình để kêu gọi sự quan tâm của mọi người. Nếu nghệ thuật công cộng đương đại được quan tâm thì có rất nhiều nghệ sĩ giỏi trong và ngoài nước sẽ tham gia. Tôi chỉ là người vừa làm vừa mày mò thôi chứ không phải là người được trang bị đầy đủ.
* Giả sử, các khu đô thị mới của TP.HCM được quy hoạch như những gì chị nói thì các tác phẩm nghệ thuật công cộng có “làm ra tiền” cho thành phố không?
– Nếu có những công trình nghệ thuật thú vị trong không gian đô thị đương đại tại Sài Gòn, thì thành phố này sẽ hoàn thiện hơn, sẽ nâng cao chất lượng sống của người dân trong cuộc sống đương đại và thu hút khách du lịch, đây chính là “làm ra tiền”. Rất nhiều nước thu hút khách du lịch bằng các công trình văn hoá, kiến trúc và nghệ thuật công cộng. Ví dụ, ai đến Chicago cũng “check in” Cloud Gate (Cổng Mây), hay còn gọi là Hạt Đậu. Từ khi có Cổng Mây và các công trình nghệ thuật công cộng khác, Công viên Thiên niên kỷ của Chicago thu hút trên 5 triệu khách đến thăm mỗi năm. Trong khi đó, khách du lịch đến ta chỉ “check in” Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố hay ở Hà Nội thì Văn Miếu, Chùa Một Cột…
Ở ta đang bị tình trạng công trình văn hoá cũ thì đập bỏ, vứt đi mà công trình mới thì không có. Tôi nghĩ, TP.HCM không thiếu không gian dành cho tác phẩm nghệ thuật công cộng (public art), điều quan trọng là tầm nhìn của chính quyền đô thị.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.