Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 71) – Nguyễn Bá Trạc

Nguyễn Bá Trạc sinh năm 1943 tại Huế, tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh, du học Hoa Kỳ năm 1974, hiện định cư tại Hoa Kỳ.
Tác phẩm đã xuất bản:

Ngọn Cỏ Bồng,
Chuyện Một Người Di Cư Nhức Ðầu Vừa Phải,
Nước Mắt Trước Cơn Mưa
  (dịch từ nguyên tác Tears Before the Rain của Larry Engelmann).

image



Con ngựa trắng

Một trăm đô chẵn mang đi
Ông mua những gì ông tính chẳng ra?
Thoạt đầu hai xấp vải xoa
Mỗi nhà một xấp, sáu yards bốn quần
Hai mươi đồng một tá Bông Lan
Bảy đồng một bộ giây đàn ni lông
Mười lăm đồng cái áo vải bông
Hai pounds bột ngọt, chẵn một trăm đồng, ông ơi.

Đối với nước Mỹ kỷ luật và ngăn nắp, ông Nguyễn không phải là một công dân tốt. Thuế má không sòng phẳng. Đến kỳ hạn không khai. Lương khoán chưa trừ thuế, lãnh được đồng nào tiêu hết đồng ấy. Gửi đồ về Việt nam thì hồ hởi, mà đến hạn đóng thuế là hết tiền, ù lì cả ba năm nay.

Đối với ngân hàng, ông Nguyễn không phải là một thân chủ được ưa chuộng. Theo thói quen chi tiêu ở Mỹ, ông cũng có một trương mục, một tập chi phiếu, nhưng không chịu giữ kế toán, dù việc ấy chỉ đòi hỏi có hai phép tính cộng trừ đơn giản. Ông đều đặn bị phạt vì cứ lầm lẫn ký những tấm chi phiếu nhiều hơn số tiền ông có. Tên ông bị ghi trong các cuốn sách, nằm trong cái máy điện toán nêu rõ những người có tín chỉ xấu. Những người bị ghi tên trong ấy là những người thiếu tín nhiệm. Không nên cho vay tiền. Không được mua chịu. Ngân hàng lễ phép gửi thư đến xin lỗi, không nhận ông làm thân chủ.
Đối với sở lái xe và nhân viên Cảnh sát, ông Nguyễn là một người ẩu tả. Trong vòng ba năm, trên bốn mươi tấm giấy phạt lưu thông. Bằng lái xe bị rút hai lần. Số tiền chậm đóng phạt đến kỳ hạn tự động tăng lên gấp đôi, gấp ba trong máy điện toán, thành những con số quá lớn. Sự vi phạm lặp đi lặp lại chừng ấy chuyện: Vượt đèn đỏ. Không chịu dừng ở bảng Stop. Chạy quá nhanh hay quá chậm trên xa lộ.

Tại sao ông ta cứ lôi thôi như vậy?

Nói cho ngay, ông Nguyễn không có gì gọi là tác phong chống xã hội. Ông chưa bao giờ can án. Sức khỏe thể chất tương đối tốt. Sức khỏe tinh thần không đến nỗi đáng than phiền. Khi có gì vui, biết là vui. Có gì buồn biết là buồn. Ấy là lẽ thường tình. Lửa cháy bỏ tay vào không đau, không phỏng, thì đó mới là chuyện đáng ngạc nhiên. Còn đối với một người Việt Nam xa lìa gia đình, bạn bè xứ sở, một mình với bao âu lo, nhớ nhung, phiền muộn… trí óc chìm đắm vào những biến cố, những câu hỏi, những duyệt xét… Nghĩ cho kỹ, quả đấy là chuyện thường tình.

Buổi sáng: đánh răng, súc miệng. Đi làm. Trưa ăn. Chiều về ăn. Tối đi ngủ. Cuối tuần loanh quanh chợ búa mua bán nhặt nhạnh vải đen, thuốc tây, kem Bông Lan, giây đàn, bột ngọt, chờ đầy thùng là gửi về nhà cho cha mẹ, anh em, vợ con bán lấy tiền mua thực phẩm. Thời khóa biểu không lấy gì bận rộn, nhưng lúc nào cũng kể là bận rộn. Tại sao?
Ông Nguyễn đâu có sống một nơi? Ông sống một lúc đến hai không gian: Hồn ở xứ Mỹ mà vía luẩn quẩn chạy đi, chạy về tận xứ sở bên kia quả đất. Đang ngồi trong sở làm đầy những máy móc và bóng đèn néon, thoắt một cái, lang thang trong một con hẻm với những tàng cây trứng cá ở Sài Gòn. Không những vậy, cùng một lúc ông sống với hai thời gian: Hiện tại và quá khứ. Lui tới vẩn vơ hoài mấy chục năm xưa. Có khi lui tuốt về cái lớp học tại một ngôi chùa Hà Nội đọc ê a bài vỡ lòng cùng với những đứa bạn đau mắt hột, chốc đầu. Thoắt một cái, đứng nhởn nhơ trong Đại Học Xá huýt sáo, chải đầu, ăn mặc đẹp đẽ sửa soạn đi dạo phố Sài Gòn.

Không gian, thời gian cứ vụt qua vụt lại lộn xộn đủ hết ngày.

Trái đất, trong thời đại xa xưa kể ra rộng lớn kinh khủng. Đi một vòng quả đất thực là một công trình vĩ đại. Vác lều chõng từ Hà Nội vô Huế đi thi phải mất ba tháng ròng. Dẫu vậy, cái gì chẳng thay đổi? Máy bay, phi thuyền làm cho quả đất thu nhỏ lại. Vệ tinh bay ra ngoài không gian chụp ảnh, quả đất còn bằng quả cam. Chế độ quân chủ, phong kiến đã lỗi thời. Nếu bây giờ giống Hỏa Tinh đến tấn công địa cầu thì mâu thuẫn Tư Bản Cộng Sản cũng trở thành lỗi thời luôn.

Nhưng dù cho không gian có theo tiến bộ mới mà thu hẹp lại như vậy… và vận tốc của ý nghĩ có nhanh cách mấy… cũng không giúp cho ông Nguyễn đang ngồi lái xe vẩn vơ thả hồn về căn nhà cũ cùng với đàn con ở khu Bàn Cờ, vụt một cái, phải thắng xe cho kịp cái đèn đỏ bật lên ở Mỹ.

Thường là không kịp.

Cho nên vận tốc ý nghĩ vẫn kể là chậm. Không gian vẫn lớn. Và ông Nguyễn vẫn thường xuyên bị xe Cảnh sát ào ào đuổi theo hú còi bật đèn pha sáng rực chặn lại vì những chuyện lôi thôi cũ rích: Vượt đèn đỏ. Không dừng bảng Stop. Lái xe quá nhanh hay quá chậm trên xa lộ.

Trời đất xứ Mỹ đang ngả sang một màu trắng xóa.

Dãy núi xanh đã chuyển qua xám bạc, đỉnh núi lởm chởm tuyết. Chiều tối buông xuống rất mau. Người ta sắm sửa ăn mừng lễ Giáng Sinh, nhưng trong lòng ông Nguyễn vẫn chưa ngưng nghỉ giữa quá khứ hiện tại, bên này và bên kia trái đất.
Sự lộn xộn về không gian thời gian có những cái phiền hà hơn ba tấm giấy phạt, mấy tín chỉ ngân hàng.

Trong những giờ phút cô quạnh, trí nhớ dẫn người ta trở về sục sạo tận cùng những hang hốc ở bên kia trái đất lúc người ta mới sinh ra đời, lúc người ta chưa sinh ra đời, từ những biến động lịch sử được viết rất kỹ hoặc rất sơ sài cẩu thả mà bây giờ người ta mới đủ thì giờ đặt nhiều dấu hỏi.

Nó đưa người ta trở về những vùng Thượng du, Trung du nghe tiếng gà Lạng Sơn eo óc gáy, mặc dầu người ta chưa đặt chân đến đấy bao giờ. Nó lơ đãng như chuyến đò trên sông Hương chậm rãi rời bến Thừa Phủ một đêm trăng, đi ngược lên vùng Thiên Mụ, Quan Thánh, hốt nhiên đưa tay vờn xuống nước, nắm phải chéo áo của những ông vua triều Nguyễn đã rước binh đội Tây phương về tận Việt Nam. Hay lủi thủi trong một đêm Hè… Hay là đi mò mẫm bắt mấy con ve sầu ở đường ga Hàng Cỏ… Hay là nhìn những ông lính Ma Rốc của quân đội Liên Hiệp Pháp… Hay là nhìn những cây gạo nở ra nụ hoa đỏ và tơ trời bay vướng vít thuở ấu thơ.

Đối với ông Nguyễn, trí nhớ và óc phân tích có làm cho ông phiền phức, bởi vì, nếu trí nhớ và óc phân tích dắt về những hạnh phúc cũ thì trái tim hiện tại đau nhói. Còn nghĩ đến những cái buồn bã cũ thì trái tim mới cũng vẫn cứ đau đớn như thường.

Trí nhớ là một con ngựa chạy mơ hồ mà khó cản. Hễ nó muốn đi đâu, nó đi. Nó trở về tận Đà Lạt phóng dong dả trên những ngọn đồi xanh vào một buổi chiều màu nắng nhẹ hều như mây khói. Lúc bấy giờ ông chỉ muốn bà nắm tay ông dắt nhau dạo chơi trong cái nắng nhẹ hều ấy. Nó chạy lui, chạy tới, soải mình phi điên cuồng trong cõi thời gian, không gian xa lơ xa lắc. Nó đưa ông về ngôi trường xưa. Nó đưa ông đến thăm những người bạn cũ. Những nấm mồ của mấy triệu người đã chết. Những thân thuộc trong Nam ngoài Bắc sau mấy cơn khóc lóc phân ly. Những người tù. Những người ngồi bó gối trong trại cải tạo. Những đàn ông, đàn bà, trẻ con chết chìm trên biển cả. Bom đạn, mìn chông, hầm bẫy. Súng Nga, súng Mỹ, súng Nhật, súng Tiệp. Vó ngựa Mông Cổ. Gươm dao mã tấu của người Tàu đủ các triều đại.

Ông ngồi chống tay ở sở làm nghe tiếng chuông điện thoại reo không muốn nhấc lên. Ông nhìn ra cửa sổ thấy mùa đông thứ mười đã trở về. Trí nhớ khắc khoải duyệt xét từ bản thân đến mỗi người yêu dấu. Mỗi người quen biết. Tất cả những người trong một xứ sở thân yêu nơi ông sinh ra đời vào một mùa nước lụt, ba năm sau có hàng triệu người chết đói và trong mấy ngàn năm, tai ương gần như không bao giờ dứt.

Trí nhớ và óc phân tích đưa ông về khắp các hang hốc tối tăm ẩm mốc từ lúc người Pháp mới đến Việt Nam với chiến thuyền, những khẩu đại bác, những đôi giày bốt. Những mảng tường thành bị bắn sụp. Những anh hùng Việt Nam điềm tĩnh uống thuốc độc hoặc ngồi lặng lẽ tự cấu ruột mà chết. Trí nhớ đưa ông về những mùa Giáng Sinh. Những vụ cấm đạo Gia Tô. Những vụ bắt giết giáo sĩ. Những người truyền giáo. Những người đầu tiên theo đạo bị xem là nhịp cầu cộng tác với binh đội Âu Châu mở màn cho cuộc xâm chiếm, đô hộ Việt Nam và lịch sử… Lịch sử và chính trị, tất cả những cái nhức nhối ám ảnh mỗi người Việt Nam bất cứ ở đâu khắp trên mặt đất này.

Mùa Giáng Sinh mà trí nhớ phải khắc khoải với các băn khoăn có màu sắc chính trị thì thiệt là một điều không phải. Bởi những mâu thuẫn nào cũng trôi qua. Bởi những người Công giáo ngày nay không phải là những người theo đạo “Hoa Lan” mấy trăm năm trước. Bởi những trang sách ấy đã lật qua.

Bởi Giáng Sinh là một mùa vui vẻ yêu thương.

Bây giờ là mùa Giáng Sinh.

Các con đường trong thành phố đang treo đèn kết hoa. Các cửa sổ có gắn giây điện và những bóng đèn tí hon xanh đỏ đầy màu sắc. Nhà nào cũng sửa soạn một cây thông xinh xắn đặt ngay trong phòng khách. Người Mỹ vui vẻ trang trọng đón chờ lễ Giáng Sinh như người Việt Nam ăn Tết Nguyên Đán bằng tất cả tâm hồn.

Khí trời mỏng manh, trong trẻo. Không gian rung lên những âm thanh nhẹ nhàng như tiếng chuông bạc mang ông Nguyễn chập chờn trở lại 25 năm xưa. Lúc bấy giờ, các cô gái mặc áo trắng đứng xếp hàng ở nhà thờ Đà Nẵng hát bài “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”.

Ông Nguyễn êm ả nhớ đến cô con gái đầu tiên. Cô gái có nụ cười tươi như hoa mai, ngọt như hoa lan, đã tặng ông một xấp vải may áo sơ mi vào mùa Giáng Sinh. Cảm giác ấy thật hồi hộp cho cậu con trai mười bảy tuổi. Ông hồi tưởng cái khung gỗ và tấm ảnh bà Thánh Thérèse mà cô gái kèm theo gói quà, dúi vào tay ông lúc tan học.

Bây giờ, trái tim đã cũ quá, khô quá, để có thể rung động lãng mạn và thánh thiện như hai mươi lăm năm trước.

Dẫu vậy, con ngựa trong trí nhớ vẫn chạy về mùa Giáng Sinh trong thành phố xưa, thong thả trao lại cho ông tất cả những chi tiết bé nhỏ như là: Ông về ấp úng nói chuyện ấy với bà mẹ. Mẹ bảo: “Rứa thì con cũng phải mua cho nó một món quà.” Bà mẹ mở cái kim băng ở túi áo cánh đưa cho ông ba tờ giấy năm đồng. Ông đạp xe đi khắp phố tìm kiếm mà không biết mua gì cho một cô con gái. Mua cái gì? Một đôi dép nhung màu đỏ. Nhỏ hơn chân ông, nhưng vẫn to gấp rưỡi chân cô gái.

Đêm Giáng Sinh hôm ấy, khi những hồi chuông đổ dòn dã, cô ta mặc áo dài trắng, đi đôi dép nhung đỏ rộng quá khổ, tay vân vê cái khăn mù xoa trắng. Cùng với các cô gái khác cũng mặc áo dài trắng, họ đứng thẳng hàng trên bục gỗ bên ngoài nhà thờ, ngước mắt nhìn lên, cất tiếng hát bay khỏi vùng trời thành phố.

Vào lúc ấy, ông nghĩ, tất cả mọi linh hồn đều xếp hàng im thật im, lắng nghe tiếng hát tỏa ra, cất lên, thấm vào sâu thẳm. Những tiếng ngân nga, dịu dàng, vui mừng như tiếng chuông đong đưa, lúc lắc trong không gian của những ngày xưa cũ.

Đêm Thánh xa vời đêm Thánh xưa
Một vùng thanh vắng đứng như mơ
Một người áo trắng quàng khăn trắng
Linh hồn vô nhiễm hát nên thơ

Người áo trắng quàng khăn trắng với linh hồn vô nhiễm không phải là một vị Thánh. Cô theo cha mẹ dọn đi Nha Trang, không bao giờ họ còn gặp lại. Nhưng mãi mãi, bao giờ cô cũng là một linh hồn vô nhiễm.

Sự hiểu biết của ông Nguyễn về các Thánh Thần đạo Gia Tô quả thật mù mờ… Trừ bà Thánh Thérèse trong tấm ảnh mà cô gái đã tặng hồi Trung học, tất cả sự hiểu biết của ông về đạo Gia Tô cũng mù mờ như vậy. Cuốn Thánh Kinh thỉnh thoảng mang ra đọc, ông chỉ nhớ có một đoạn thơ mộng:

– “Kìa con chim ngoài trời không phải gieo hạt trồng lúa mà cha ta cũng lo cho nó có đồ ăn đầy đủ, kìa hoa huệ ngoài đồng nội không phải se chỉ dệt vải mà cha ta cho những bộ áo quần xinh tươi, đến Vua Salomon cũng không sánh kịp…”

Dạo ở Hà Nội lúc còn bé, đi ngang nhà thờ lớn, ông thường đứng nhìn người ta bày bán các tấm hình in tận bên Ý. Lúc bấy giờ, kỹ thuật ấn loát ở Việt Nam hãy còn thô sơ. Tấm ảnh Thiên Thần bay lơ lửng. Chàng chăn chiên mịn màng đẹp đẽ. Các bà Thánh với vòng hào quang kim nhũ. Tấm gương màu rực rỡ. Kiến trúc Gothique và bài thánh ca tạo ra các cảm giác cao cả. Những điều ấy cho đến nay vẫn còn đưa ông tìm đến những ngôi nhà thờ trong suốt mấy chục Giáng Sinh trôi qua.

Trí nhớ, một con ngựa màu trắng cất thẳng đầu chạy trên cánh đồng lúa vàng, băng qua những đồi cỏ xanh, về một vùng tuyết lạnh nhìn lên bầu trời đong đưa những tiếng chuông bạc. Tiếng chuông ấy rung lên hoài mỗi mùa Giáng Sinh. Nói cho đúng lý ra, trí nhớ nên dừng lại đây, bên cạnh cô con gái mặc áo trắng, đi đôi dép đỏ rộng quá khổ. Cô đứng với các bạn, mãi mãi nhìn lên trời cất tiếng hát cho một nhân loại hòa bình thân ái. Bình an cho người dưới thế. Tiếng hát như vậy bao giờ cũng đẹp đẽ. Dẫu cho người Hồi Giáo, người Phật Giáo, người Ấn Độ Giáo, hoặc ngay cả người Hỏa Tinh xuống địa cầu nghe thấy cũng phải biết lòng mình êm ả, vì ai chẳng yêu mến những điều như vậy.
Và khi người ta lẩn thẩn nghĩ đến những cái êm ả đẹp đẽ mà lỡ quên đi, không dừng kịp thời ở bảng Stop, ở đèn đỏ, không giữ kế toán trương mục… thì việc hồ sơ lái xe, tín chỉ ngân hàng xấu hay tốt, xét ra chỉ… đáng yêu chứ không phải là đáng trách.

NGUYỄN BÁ TRẠC

(Trích Ngọn Cỏ Bồng)

Tài liệu của saimonthidan.com


Ông Khó Tính

Bạn tôi, ông Khó Tính. Lúc còn ở Sài Gòn vốn làm nghề mô phạm. Kể cả trường công lẫn trường tư, sĩ tử theo học kinh nghĩa có đến mấy nghìn. Gặp lúc can qua, học trò thì đông mà chả mấy ai hiển đạt: cứ học nửa chừng lại bị gọi đi lính, ba phần chết tiệt mất hai. Số còn lại trở về chống gậy, đi xe lăn. Thầy trò nhìn nhau nghẹn ngào, chửi thề những câu tục tĩu.
Chửi đủ thứ chuyện. Chửi trời bất nhân, chửi người bất nghĩa, chửi cộng sản bạo tàn, chửi bọn tự xưng Quốc gia là đám Việt gian dốt nát. Thiên hạ sau lưng xì xào nói này nói nọ. Nghe đến tai, ông chỉ cười khẩy.
Thân hình mập mạp, mặt khó đăm đăm, nhưng tâm địa dễ thương cảm. Nhìn xác trẻ chết banh vì bom đạn, ông thường chảy nước mắt mà khóc.
Tính tình cổ quái, hay thích kết giao với những tay giang hồ dị khách, đêm đêm nắm tay nhau lên tận nhà thờ Ba Chuông ăn thịt chó. Rượu say ngất ngưỡng, gối đầu vào chai lăn kềnh ra mà ngủ.
Trong đám đi lại có một anh mỗi lần rượu vào là thơ ra. Giọng ngâm khàn khàn như vịt đực. Bài thơ đắc ý chỉ có mấy câu cụt ngủn:
Trước mặt là Cộng Sản
Sau lưng là kẻ thù
Ngập ngừng tôi đứng giữa
Giật mình nghe tiếng hô…

Sau này anh được cộng sản cho đi học tập. Nghe nói học mãi vẫn không khá. Vẫn giật mình mỗi lần nghe tiếng hô, và vẫn cất giọng khàn khàn ngâm bài thơ cụt ngủn.
Khi cộng sản từ Bắc tiến vào Nam, xe tăng vừa ì ạch tiến sát cửa dinh Độc Lập thì ông Khó Tính quyết định dắt vợ cõng con xuống tàu lánh xa bạo ngược. Cuối cùng trôi giạt đến Mỹ. Đất lạ quê người, tiếng Anh ăn đong, kinh nghĩa nói không ai hiểu. Sớm đi hái trái, tối đóng đồ hộp, sau rốt mày mò theo nghề điện tử làm kế sinh nhai độ nhật.
Từ ngày xa nhà, tính tình lại còn khó chịu hơn. Mặt mày hầm hầm, mồm lúc nào cũng nói chuyện một mình. Chiều chiều đứng chống nạnh bắt con tập võ ta. Đứa đi quyền, đứa dang chân xuống tấn. Người bản xứ cho là lạ, tò mò rủ nhau nhìn trộm qua hàng rào như đi xem xiếc. Ban đêm bắt con học Việt Sử. Đứa nào không thuộc thì co giò mà đá, hàng xóm gọi cảnh sát đến còng tay dẫn đi.
Càng cay đắng, càng chửi, càng chê. Chê người gì mà nhiều lông lá, chê nhà chọc trời nhìn thêm mỏi mắt, có ngày động đất nó đổ xuống đầu cho mà khốn nạn. Lại chửi trời nhiều hơn, chửi tục hơn, gọi trời là thằng, không kiêng nể gì nữa.
Bạn bè tan tác, chỉ còn một hai người bạn cũ may gặp lại nơi đất khách. Bạn lái xe đi du lịch về khen phong cảnh xứ này đẹp. Ông Khó Tính lừ mắt bảo: “Cái gì mà anh chẳng cho là đẹp?” Mùa thu lá vàng bay lả tả, bạn khoái chí ngâm nga: “Rừng phong thu đã nhuộm mùi quan san”. Ông hằn học nói: “Đây là lá Mapple chứ đâu phải lá phong chó gì đâu mà anh gọi là rừng phong?”
Bạn khen biển, ông chê lạnh, tắm cóc sướng bằng Long Hải, Vũng Tàu. Bạn khen núi, ông bỉu môi: “Tôi lấy làm ngờ về cái thẩm mỹ của anh. Núi trọc thế này so sao được gót chân Đại Lãnh?”
Bạn ngượng, không còn dám mở mồm khen điều gì. Bụng bảo dạ: “Bọn Đông Dương ta khối đứa bị bệnh tâm thần” có ý thương xót mà lui tới thăm viếng nhiều hơn.
Khi vườn sau, khi sân trước, khi điếu thuốc, khi miếng trầu, khi chè chuyên năm bẩy chén, khi Kiều lẩy một đôi câu. Hai người quan hệ mật thiết: tiết canh, chả cá, mời mọc qua lại ăn nhậu chuyện trò và thường xuyên chửi đổng.
Một hôm nhận được bao trà từ Việt Nam gửi sang. Bạn thân ái mời ông Khó Tính đến. Nước đun sủi tăm, trà trút vào bình, chủ khách ân cần đối ẩm.
Được đôi tuần, bạn lên tiếng hỏi:
“Trà uống được không?”
Ông Khó Tính:
“Cũng được, nhưng thua Đỗ Hữu.”
Bạn cười giòn:
“Bố ơi, chính hiệu trà Đỗ Hữu Bảo Lộc vừa gửi sang.”
Ông Khó Tính:
“Thảo nào. Có điều cái nước máy chát quá!”
Bạn chồm lên:
“Biết tính bố thích trà Bảo Lộc, phải hứng nước mưa pha trà đấy, không phải nước máy đâu.”
Ông Khó Tính tuột giày gãi nách ngáp:
“Nước mưa ở Mỹ uống vào đắng cả mồm!”
Chuyện ông Khó Tính chê nước Mỹ chẳng bao lâu được truyền tụng, các ông độc thân vui tính la cà tiệm cơm tiệm phở kể lại cười rúc rich. Người ta thêm thắt về đủ mọi thứ chuyện làm ông Khó Tính càng thêm bực bội.
Nhưng, ít ai biết chuyện ông Khó Tính còn bực mình đến cả hình hài của ông:
…..Giận mình mang nặng hình hài
Chẳng bằng mây trắng về bay lưng trời…

Tài liệu của saimonthidan.com

Comments are closed.