Tản mạn văn hóa văn nghệ và … văn gừng (13)

Thiền – Thiền tông – Thiền học và Phật pháp – Phật giáo (2)

Nguyễn Thanh Văn


ĐỨC PHẬT ĐÃ NÓI GÌ VỀ THIỀN?

– Cũng như mọi Pháp Thiền, và riêng các Pháp Thiền trước thời Đức Phật – mà thái tử Tất Đạt Đa từng thực hành – Pháp Thiền của Ngài cũng chú ý tới hơi thở, phép An Tức. Đã có những hướng dẫn khác nhau về phép thở, thiền giả chú tâm vào trạng thái tĩnh tâm, theo luồng hơi thở, hướng vào chót mũi hay một điểm nào đó – phép diện bích nghe đồn của Ngài Bồ Đề Đạt Ma chẳng hạn. Mạn phép bình thêm do Ngài Bồ Đề Đạt Ma quá nổi tiếng kèm tập quán sính văn nghệ, mê biểu tượng của dân Viễn Đông ta nên huyền thoại này có ấn tượng mạnh với tín đồ và nói riêng giới làm thơ Thiền chứ “diện bích” thì có chi là lạ với người Thiền. Không diện bích thì “diện” màn, phên, cánh cửa, thậm chí khoảng trống – phải khăng khăng diện bích mới Thiền thì Tâm Thiền đâu nữa mà thiền! – và ngay cả con số 9 năm diện bích tự nó quyết không phải là giá trị hay kỷ lục Guiness được vì khối chi các bậc sư sãi Việt (ngay cả ở thời hiện đại) có hàng thập kỷ toạ Thiền và không diện bích thì “diện” một đối tượng chi đó hoặc nhắm mắt – có quan trọng chi! Không nên dao động bởi những “data” bên ngoài, dựa vào đó mà quên thực chất vấn đề cầu Đạo và đạt Đạo. Và tất nhiên – xin nói với tâm nghiêm túc – nếu các sư dừng Thiền để ăn uống, tắm táp, tiểu tiện, đại tiện …thì quyết Ngài Bồ Đề Đạt Ma cũng thế, không thể khác; còn bảo 9 năm liền không có hiện tượng sinh hoạt vừa kể – nếu có bằng chứng thì đây mới đúng là sự lạ, tâm phục, khẩu phục – thì chắc chắn hoang đường hoàn toàn. Tôi trích nguyên văn lời của Ngài Ấn Thuận để các bạn tham khảo (Lịch sử Thiền tông Trung Quốc, trang 55, 56, tác giả: Hòa thượng Ấn Thuận, dịch giả: Hoà thượng Thích Hạnh Bình và nhóm học viên, NXB Phương Đông, 2016): “Từ “bích quán” từ trước tới nay có các quan điểm khác nhau, trong Truyền đăng lục, quyển ba, phần chú thích đề cập: “Đạt Ma dạy Pháp cho Nhị tổ rằng: Bên ngoài dứt các duyên, bên trong tâm không mối nghĩ, TÂM NHƯ TƯỜNG VÁCH (tôi nhấn mạnh – NTV), thì mới vào đạo được”. Như vậy “bích quán” có thể mang ý nghĩa “tâm như tường vách”.

Tóm lại, về điểm đang bàn liên quan hơi thở, cách hít thở, cách tập trung tỉnh tâm có chút dị biệt, linh động nhưng đại thể không khác, không phân biệt ở góc độ giá trị. Ở điểm này, Đức Phật không có lời phân biệt với cách hít thở trong phép Thiền phổ biến ở Ấn Độ thời đó và trước đó. Thậm chí, phép Thiền “Vô Sở Hữu Xứ” và “Phi Tưởng Phi Phi Tưởng” mà Đức Phật giữ lại trong các Thiền Xứ dạy đệ tử thực hành là phép Thiền Ngài học của hai Đạo sư Uddaka Ramaputta và Alara Kalama.

– Đức Phật không xem Thiền như một Pháp môn độc lập. Điểm này đã bàn qua ở trên. Chỉ thử đưa một ý dè dặt gợi từ một nhận định nổi tiếng của triết gia Heidegger: “Ở đâu thiếu nhân bản, ở đấy thường nhắc tới nhân bản”. Liệu có phải tình trạng hí luận, bỏ bê Thiền hành một thời đã thúc đẩy việc thành lập Thiền tông, đưa Thiền, nhắc Thiền thành trọng tâm, rồi hưng phấn mà dựng thành Tông Phái?

– Đức Phật không xem Thiền có mục đích tự thân mà ở trên tôi đã trình bày qua. Từ “thiêng liêng” quen thuộc với mọi tôn giáo hình như không quen dùng trong Phật pháp và Phật giáo – đặc biệt trong Thiền Tông –, nhưng cũng nhấn thêm một ý rằng cách biểu cảm mang sắc thái thiêng liêng, nghĩa là quá long trọng, thành kính dành cho Thiền là sai lệch. Nói khác đi, tự khái niệm Thiền không làm nên giá trị khởi sắc gì quá đặc biệt.

– Khái niệm Thiền lạc, Thiền hỷ có trong Phật pháp. Bạn nào đọc qua nội dung Đức Phật giải thích Tứ Thiền đều rõ Ngài nhắc Hỷ phát sinh khi đạt Sơ Thiền do chế ngự được Tham, Sân, Si (dù chưa hoàn toàn rốt ráo), và Hỷ, Lạc phát sinh do công phu Tu Định trong Nhị Thiền và Tam Thiền mà thành tựu (dù chưa hoàn toàn rốt ráo). Ngài xác nhận Hỷ Lạc loại này không thuộc về Thế Lạc chứa chấp đau khổ, nhưng đừng quên lời căn dặn không bám trụ chúng và từ bỏ để tu Pháp cao thượng có Quả cao quý hơn. Đến Thiện lạc còn phải vượt qua vì lý tưởng Giác ngộ cuối cùng, thì việc quảng bá Thiện lạc với nghĩa đen là lạc thú do Thiền đem lại như một lý tưởng tự thân của Thiền giả và Thiền pháp sao cho là đúng tinh thần Phật pháp được (tôi đang liên hệ cách nghĩ sai về Thiền và Thiền lạc trong tín đồ nói chung và cách một số Trung tâm và Khoá Thiền quảng bá lối “lợi bất cập hại”, không quy cho Thiền tông có chủ trương này). Hiểu lời dạy của Đấng Giáo chủ là biết tu theo hướng từng bước bỏ tạp tâm, xa lánh Tam Độc (Tham – Sân – Si), nhất tâm Chánh Định đem lại tịnh lạc hơn đời, nhưng hễ bám trụ, không tinh tấn với Pháp cao hơn, với Thượng Tâm là đồng nghĩa với sự nuôi dưỡng và quật cường trở lại của Ái, Thủ, Hữu – những anh chị em thân thiết của Vô Thường và Khổ! Sự kiện Sa môn Tất Đạt Đa từ biệt hai vị Đạo sư sau khi tu thành tựu hai Pháp Thiền định bậc cao “Vô Sở Hữu Xứ” và “Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ” nói lên lý tưởng Đại Tuệ – Đại Bi của một Đức Phật và các đệ tử chân truyền của Ngài không thể là dạng khát khao Thiền Lạc vốn nằm trong khái niệm “THỌ” còn trong chi phối của quy luật hành, trụ, hoại lạnh lùng mang tên VÔ THƯỜNG! Nói khác đi, nếu Sa môn Tất Đạt Đa chọn cách tu Thiền lấy Thiền và Thiền lạc làm mục đích rốt ráo, tối hậu thì tên tuổi Ngài may mắn lắm còn nằm trong ký ức tín đồ một Tông Phái trong hàng trăm Tông Phái Tâm Linh ở đất Thiên Trúc hoặc như các Đạo sư xiển dương Thiền với các Thiền lạc từ hấp dẫn tới cực kỳ hấp dẫn đang mọc ra như nấm hiện nay. Và Đạo Phật không ra đời, Chánh Pháp của Đấng Từ Phụ không có trên thế gian, và thậm chí bài viết nhỏ bé với tri thức hẳn nhiên còn giới hạn này không được viết ra vì dù nhỏ bé, nó viết ra chỉ để bàn về một đề mục do chính Đức Bổn sư Thích Ca thuyết pháp và răn dạy.

– Đức Phật giảng Thiền gắn với các Thiền quả – Ngài không phải là một nhà sư phạm ưa thuyết giảng chung chung, mơ hồ và dùng những từ bay bổng, rối rắm không có thực chất để tránh các câu hỏi. Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền là gì, các Thiền xứ là gì, tu bằng cách nào, bước nào, đạt Thiền quả gì, bước nào thêm gì, bớt gì, mục đích là gì, làm sao để giữ Thiền quả, vì sao đánh mất Thiền quả, cần tâm niệm điều chi để tránh lạc hướng …và vị trí của Thiền trong quan hệ với các Pháp Môn khác. Không chỉ hình ảnh vị Cha hiền, Thầy hiền, bản lĩnh của vị Đạo Sư đã qua mọi chặng đường, tới được đích trước khi truyền dạy, dẫn đạo mà còn là Nhà Sư Phạm đại thiên tài minh bạch trong ngôn ngữ, rành rẻ trong phương pháp, kể cả cái mà thời hiện đại, thậm chí cả âm sắc bình dân, thông tục gọi là kỹ thuật hay thậm chí – xin lỗi một số tín đồ – “mánh” (dĩ nhiên với nghĩa hiệu quả, cụ thể, không phải giọng bất kính). Điều kinh ngạc trên mọi điều kinh ngạc – cảm giác và khám phá hạnh phúc, phần thưởng cho những đứa con có lòng rốt ráo theo Phật, học Phật – là qua sự ghi lại của các bộ Kinh Vàng Nikāya và Agāma, chúng ta nhận ra và Chân Lý Vĩ Đại được trình bày một mặt sâu xa, uyên áo, thậm thâm, xúc động trí tuệ; mặt khác, lại giản dị, chân phương – không giản dị, chân phương hơn được nữa – “tình cảm” từng lời sau từng lời thấm thía tâm can và trên tất cả, cái mà tất cả Kinh sách Phật giáo đời sau không thể so sánh là trái tim ấm áp, tấm lòng từ bi và mong ước truyền công lực của Bậc Thầy của Trời Người dành cho một chúng sanh nhỏ bé lưu lạc bao đời như chúng ta đây thấm đẫm, phổ trên từng trang Kinh mỏng! Tôi xin ghép một ý cuối vào phần phân tích này là chú ý Đức Phật cẩn trọng hướng dẫn Thiền quả – Sơ Thiền cho tới Tứ thiền – không (hoàn toàn) cùng nghĩa với các Thánh quả như Quả Dự Lưu cho tới quả A La Hán. Trong một Tầng Thiền nào đó tuỳ duyên và công phu lâu đời, một vị có thể đạt Thánh quả hơn kém khác nhau.

– Đức Phật dạy mỗi Tầng Thiền đạt được khi tham thiền không có nghĩa là Thiền giả tiếp tục trụ được trong cõi Thiền đó. Nên mới có khái niệm Xả Thiền cùng với Nhập Thiền. Nói khác đi bản lĩnh tâm linh trong khi Thiền và sau khi Xả Thiền tất nhiên không phải và không thể là một. Một trạng thái kinh nghiệm được khi Thiền – Đức Phật dạy – tương đương với một Thiên Giới có thật, có thể cảm ứng với người Thiền thành công một phép Thiền trong giai đoạn cận tử. Cũng là ví dụ dzui dzui cho dễ hiểu, đại khái như chỉ đủ tiền cho vài chuyến bay tham quan từ không trung các khu dân cư, biệt thự trên đảo giữa biển khơi, trông mê hồn khác chi cõi Tiên, nên có lòng quyến luyến mà quyết chí làm ăn mua một căn cho kỳ được – mà thiếu chi người mua được thiệt! Còn lưu ý người không chịu “quyết chí làm ăn” thì mộng tất nhiên chỉ là mộng – dù có hơn người không đủ đô la tham quan Tiên Cảnh từ trên độ cao 10 ngàn mét – y như cảnh nhập Thiền hoá Phật, xả Thiền hoá Ma vậy. Các vị được Thiền sư – không bàn các Thiền sư kiêm doanh nhân – xác nhận đạt cõi Thiền nào đó e cũng nên cẩn trọng phân biệt chắc chắn có xuất biệt thự ở Tiên Cảnh và việc chỉ có mấy bức chụp cảnh Tiên theo mô đen Selfie để khoe chơi chắc phải khác nhau.

– Thiền không chỉ là ngừng Tạp niệm và giữ Tâm trống không – dù đạt được như vậy đã quý và tốt lắm rồi (chúng ta đang bàn Thiền Phật giáo, dĩ nhiên) – mà Thiền nào phải có nội dung nấy. Rõ nhất và hầu hết Phật tử có nghe qua, riêng các tu sĩ đều phải học và thực hành là nội dung từ Sơ Thiền tới Tứ Thiền mà nội dung có tính Đạo Đức (bỏ Tham, Sân, Si…), logic (từ có Tầm Tứ qua dứt Tầm Tứ, từ Hỷ do dứt bỏ Tham Ái qua Hỷ do Định sanh đến Lạc của Bậc Thánh, rồi nhất tâm niệm Xả, dứt tất cả Hỷ Lạc trước đó) và bên dưới tất cả là hương vị Triết học, Triết lý nhà Phật. Bước Thiền quán được xếp quan trọng hơn Thiền chỉ là điều được làm rõ trong Thiền Phật giáo – thực tế không phải lúc nào cũng được làm rõ và cách hiểu thông thường cho tới ngày nay vẫn là hình ảnh sư ông lim dim mắt, như như bất động, “vô ngôn” và chỉ thế – và Quán như một phép thiền gắn sâu sắc với nội dung Phật pháp (không thì lấy gì mà quán và không phải là nội dung Phật pháp thì sao gọi được là Thiền nhà Phật), mà các Phật tử được đào tạo bài bản hơn đều biết vị trí của Kinh “Tứ Niệm Xứ” trong phép Thiền  quán. Tôi chỉ xin phép bình thêm rằng nếu bước Thiền chỉ – gọi là “bước” để rõ ngay trong nội dung Thiền, Thiền chỉ không phải là tất cả, dù tuỳ căn cơ, hoàn cảnh và tâm nguyện người tu thiền chỉ chọn Thiền chỉ là sự thường – không quan hệ với kinh kệ, Phật pháp nhiều thì ngược lại Thiền quán cần hiểu biết Phật pháp đúng đắn. Việc quán đề tài Tứ Niệm Xứ là do ý nghĩa sâu sắc, bao quát và hiệu quả tu tập, tu chứng của Kinh và cũng là đề tài cụ thể, sinh động và đặc sắc mà Đức Phật từng đánh giá, nhấn mạnh và giới thiệu cho Tứ Chúng, nhưng không nên bó Thiền quán trong một Kinh nhất định lại phạm lỗi máy móc, chấp kiến. Sự thực, bước Thiền quán có đề tài hoàn toàn tự do, từ mọi Pháp trong Chánh Kinh tới đề tài có liên quan tới việc tu tập, bao gồm cả hiện tượng nhân sinh, thế đạo để hành giả tuỳ căn cơ, bản lĩnh duyên vào mà chuyển tâm, phát tuệ, không phải chuyện lẩm nhẩm một nội dung Kinh, hoặc tệ hơn trọ trẹ vài ba thuật ngữ Phật giáo Hán ngữ, Pali hay Sanskrit. Bàn rộng ra việc học Phật, học Thiền tìm chùa, tìm thầy hay theo các khoá Thiền là chuyện tích cực, nhưng phương pháp tu tâm, học Phật pháp vẫn có chỗ tương tự với phép học và giáo dục chung ngoài nhân gian. Lệ thuộc vào Thầy, lẽo đẽo theo Thầy và giáo án của sư phụ không chắc là phương pháp tối ưu. Và tựa như tình trạng giáo viên ở các lớp học đông người, ngay một vị thầy giỏi biết có trò căn cơ xuất sắc cũng đành áng theo một trình độ học viên chung chung mà giảng, nên không ngạc nhiên hiện tượng có bậc thay Giáo chủ làm nhiệm vụ Dược sư cứ nhìn mặt tín đồ là phát thuốc aspirin và thuốc ho gà mà không chẩn đoán xem tín đồ bệnh gì và thẳng thắn mà rằng không loại trừ trường hợp tủ thuốc của một số Dược sư chỉ có hai loại thuốc. Vậy tìm thầy, học thầy không có nghĩa là không lo thân, mua thêm sách, cần cù học tập, tránh phiền thầy những chỗ tự lực được, và trường hợp tu Thiền, tu Quán có thể có người nên tự lực nhiều hơn, đặt đề tài thân thuộc, sát tâm tư để tự suy nghĩ, chiêm nghiệm trước khi có cơ hội trao đổi, “vấn kế” các bậc thầy, làm được điều Đức Phật khen là “không làm phiền” Thầy (nghĩa là biết tinh tấn, tự lực ít làm bận thì giờ của Sư phụ để Sư phụ còn thì giờ, tâm lực giáo hoá chúng sinh khác và cũng còn chuyện tu học, chuyển tâm của chính Sư phụ).

– Đối với Đức Phật, Dukkha (Khổ) là căn bệnh lớn, quy mô phổ quát toàn chúng sanh – có “sanh” tất có khổ, “sanh nối sanh” tất “khổ nối khổ” – và hệ quả là lý tưởng rốt ráo mà Ngài căn dặn, cổ vũ đệ tử đạt được là Giải Thoát (triệt để) khỏi Khổ. Và dù với Đức Từ Bi, Ngài thừa nhận cả Pháp môn Niệm Thiên, hay tôn trọng cả một nếp sống bình thường tại gia lành mạnh, biết giữ giới nhưng hiểu và quảng bá lý tưởng Phật pháp như một lý tưởng “hiện tiền” hao hao tiêu chuẩn “Phường Văn Hoá”, hay y nếp tu Tân Tăng, hay đắm đuối với mô hình Cực Lạc, không đến độ như image Thiên Đường Al Qaeda hứa với binh đoàn quyết tử thì cũng dạng một Quốc Độ đại khái muốn chi có nấy, thoả ý thoả tình thì e nghịch hẳn bản ý của Đức Phật. Thiền với lý tưởng tầm Lạc – do vậy – có khi thích hợp với Đạo giáo nào khác hơn Phật giáo, trừ dạng Đạo Phật từ lâu đã tự biến dạng thành một tôn giáo bình dân với những truyền thống tâm linh có lẽ ở xứ nào trên hành tinh, hễ bước ra cổng là gặp, không cần tới chuyến đi sáu năm tầm Đạo suýt mất cả mạng sống của thái tử Tất Đạt Đa. Ở mặt nào đó, sự lưu ý này không hề thừa nếu chúng ta biết sự trở lại đây đó ngay trên các tạp chí ở nước ta tin một ông Tây có tên có tuổi khẳng định lợi ích thực tế của việc ổng thực hành Thiền là – lại xin lỗi, dù ý không phải của người viết – kéo dài thời gian làm tình và cô vợ đứng bên cạnh nhanh nhẩu xác định thành công Thiền đem lại cho gia đình mình. Một ông “Ta” cũng không thiếu tiếng tăm trả lời trên báo nhà rằng đã có phép tu Thiền (cũng) thành công, dựa vào kết hợp giao hợp sinh lý – tâm linh giữa hai vợ chồng nhà ông ngay trên giường …nhà. Có một dạng “Mật tông” được báo Việt trích đăng gọi phép tu Thiền kết hợp tâm linh và sinh lý âm dương có thể giúp đạt trạng thái Ngộ Cực Lạc cho cặp nam nữ “thiền” chung. Thiệt hết ý! Dẫn chứng không rõ có thô tháp với một số anh chị hay không, nhưng lỡ rồi đành vớt thêm rằng không rõ từ Cực Lạc có quan hệ gì với hay nhà hoằng pháp dùng nhầm với từ Cực khoái trong mục giải đáp “Chuyện khó nói” hay từ Cực sướng dân ăn chơi và giới đàn ông bên bàn nhậu hay bàn và hê hê với nhau. Nghiêm túc hơn, tôi suy nghĩ nhiều lần không hiểu cái thị hiếu quái gở và hoàn toàn bất kính dù do từ quốc độ nào hay quốc độ “nhà” vốn có tỉ lệ a dua hẳn phải đứng đầu thế giới, lại cho phép một sự liên tưởng và liên hệ giữa việc vợ chồng, trai gái với những khái niệm “Thiền” và “Ngộ” mà còn công khai lập tông phái và ‘hoằng pháp” được! Đúng như một ý thơ của Evtushenko: “Trên đời này trí tuệ thì có giới hạn, nhưng sự lố bịch thì vô giới hạn!”.

– Đức Phật có một lời dạy về Thiền rất ít được chú ý rằng tuỳ theo căn cơ, một người có tín căn mạnh – nghĩa là tuệ căn không phát triển bằng tín căn – hợp với Thiền tu, dễ tinh tấn trong Thiền định, hướng về Tâm giải thoát nhanh. Với đối tượng có Tuệ căn mạnh, thiên hướng đa văn, tiếp thu Giáo pháp tốt thì có thể Tu định (Chỉ) Ở MỨC ĐỘ VỪA PHẢI (tôi nhấn mạnh – NTV) để tạo điều kiện hỗ trợ cho Tuệ tu. Như vậy bậc Đại Sư Phạm siêu việt đã dạy một phân biệt và ứng dụng trong tu tập cực tinh tế, không máy móc vừa thích hợp theo đối tượng, vừa phân rõ căn cơ, làm rành mạch hai phép “Chỉ” và ‘Quán”, không cố chấp phép cào bằng trong tu tập, cả ở giai đoạn cao trong Tu tập, tôi muốn láy lại là không cào bằng cả trong khâu Thiền định (và không thể không láy thêm chỗ tôi có dụng ý nhấn mạnh mấy lần rằng Thiền trong Kim Ngôn và Bản Ý Đức Thế Tôn có vị trí hệ trọng nhưng không quyết không phải là ở địa vị hệ trọng nhất, duy nhất hay lý tưởng tự thân được!). Lưu ý tôi chưa hề đọc một lời dẫn nào có ý rằng người tuệ căn tốt có thể tu định ở mức vừa phải, tập trung vào tuệ tu, thúc đẩy nhanh việc đạt Tuệ Giải Thoát nhắc ở trên của chính Đức Phật thuyết trong Kinh Bộ. Nếu Đấng Giáo chủ không dạy có khi ta mất một hướng dẫn tinh tế, quan trọng vô cùng.

Tất nhiên, không được hiểu sai Phật pháp là tách biệt hai phép Thiền chỉ và Thiền quán và người Tín căn mạnh có thể xao lãng Tu tuệ hay người có Tuệ căn mạnh xem nhẹ Tu định. Ngược lại, trong văn cảnh khác Đức Phật chỉ rõ quá chú ý tu định, thiếu học tập, không kết hợp văn tu, tư tu, thiền giả sẽ dễ sa vào hôn trầm, trì trệ trí tuệ và người tu tập bất cứ pháp môn nào đều phải tu định, người lệch về Tuệ tu và thiếu công phu tu định có thể rơi vào loạn tâm. Những căn dặn kỹ lưỡng của Đức Phật làm sáng rõ nội dung của Đạo Phật là Tuệ Đạo, có hai cái tên Ngài gọi “Tâm Giải Thoát” và “Tuệ Giải Thoát” và việc một mặt Tâm giải thoát rốt ráo dẫn tới Tuệ Giải Thoát (chú ý khái niệm “rốt ráo”, và thực tế có thành tựu Tâm giải thoát mà Tuệ chưa ở mức thành tựu – khái niệm “Bích Chi Phật” liên quan ở đây) thì Tuệ Giải Thoát rốt ráo dẫn tới Tâm Giải Thoát (một lần nữa chú ý khái niệm “rốt ráo”, không có điểm “rốt ráo” không cấp bằng “Giải Thoát” được và việc một bậc Tuệ trí xuất chúng lại chưa đạt Tâm Giải Thoát tương đương dưới ánh sáng lời dạy của Giáo chủ có thể giải thích là bản thân Tuệ trí chưa đạt chuẩn “rốt ráo”). Nói thêm tưởng cũng không thừa, “Tuệ” và “Trí” dùng trong nhà Phật chỉ dạng Tuệ lực và Trí lực thấy Khổ như thật và hiểu và vận dụng Chánh Pháp để thành tựu Giải Thoát. Bậc sở đắc trí tuệ Giải Thoát vốn sinh trên đời, có hoàn cảnh sống và tu tập cụ thể trong một cõi xứ cụ thể nên có tri thức về nhân sinh thế đạo, ví dụ có thể biết cả chục ngoại ngữ phục vụ việc học tập, nghiên cứu kinh kệ hay có cả loạt học vị, kiến thức các ngành, nhưng bản chất tri thức và kiến thức thế đạo tất nhiên không phải là tri thức Chánh Pháp, Chân Lý. Và tất nhiên tự thân kho từ điển và lố bằng cấp không thể và không nên là điều kiện để tự thị và cao đạo với đồng đạo và đồng bào được. Nói rõ hơn, nếu bản thân tôi phải sa vào địa ngục, ngoài số người quen vốn căn tuệ quá ư thấp kém, không phân biệt nổi Thiện và Bất Thiện, Tịnh và Bất Tịnh lại ngẫu nhiên gặp một số vị vốn là nhà thơ Thiền nổi tiếng, thậm chí là tác giả hàng loạt sách Thiền Luận dày cộm hoặc từng là tấm gương am hiểu ngoại ngữ thời còn ở trái đất của mình, tôi sẽ không ngạc nhiên cho lắm. Và có khi lờ mờ đoán rằng thói tục nói Phật pháp, bàn và giảng chuyện Giải Thoát với tâm ngã mạn, háo danh, háo lợi và háo sát, không có thiện tâm và từ tâm bảo hiểm, khi rơi vào cõi xứ hạ cấp thì giỏi lắm là thành một dạng đại bàng, đại ca hoặc thầy bói và lang băm!

– Chuyện kể – trong Kinh Nikāya – khi Ngài Xá Lợi Phất theo lời Đức Phật tới gặp và thuyết Pháp lần cuối cho ông Cấp Cô Độc, vị trưởng giả lừng tiếng quảng đại cúng dường cho Đức Phật và các đệ tử một thời gian dài, đang hấp hối. Khi trở về Ngài Xá Lợi Phất báo sự việc cho Thầy và bị Bậc Thầy có ý quở đã thuyết pháp và thọ ký cho vị cư sĩ có tấm lòng mộ Tam Bảo sâu sắc và có công quả, căn cơ dày vào một cõi Thiên giới bậc cao mà không sách tâm, hướng dẫn vị trưởng giả tới cõi Giác Ngộ rốt ráo – đạt A La Hán Quả, nhập Niết Bàn – về sau. Khi Ngài Xá Lợi Phất xác nhận do Ngài hiểu tâm tư, ý nguyện của vị trưởng giả, biết cõi xứ ông quy về nên chiếu theo nguyện vọng này mà thuyết pháp, Đức Phật giữ yên lặng. Câu chuyện cho ta thấy lý tưởng Giác Ngộ, Giải Thoát có tính nguyên tắc của Người sáng lập Phật giáo. Đạo Phật về nguyên tắc là Đạo dẫn đến Mục Đích Lớn cuối cùng, không phải con đường dừng nửa chừng, cho người dừng nửa đường và là Đạo dành cho NGƯỜI ĐI, quyết tới ĐÍCH CUỐI CÙNG, không dành cho người có tâm xây nhà trên xe buýt hay xây biệt thự ven đường đi, có tâm lấy nhà, biệt thự nửa đường tầm Đạo làm mục đích lớn! Vậy, lý tưởng của người Tu Thiền Phật giáo không khác, nếu không e ga nhỏ thành chỗ đến và lý tưởng tu tập của Chánh Đạo vĩ đại lại hao hao hiệu quả Relaxation của một đợt trị bệnh theo liệu pháp tâm lý tâm linh không xa sân bay hay ở một khu du lịch quốc tế Âu Á có tên có tuổi nào đó.

– Hình ảnh Đức Phật trầm mặc, bình thản trong tư thế ngồi Thiền ghi đậm nét trong tâm trí nhân loại. Ngay tên hiệu “Thích Ca Mâu Ni” mà đương thời người Ấn gọi Ngài có nghĩa đen là Bậc Ẩn Sĩ/Bậc Đạo Sĩ (thích) trầm mặc/trầm lặng có họ Thích Ca. Sự an tĩnh tuyệt đối được các nghệ sĩ điêu khắc Ấn cảm hứng từ nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp truyền thần lại được rất có thể tạo ra một sự hiểu nhầm theo kiểu tác dụng phụ. Căn cứ trong Kinh và lời kể trực tiếp của Đức Phật cho đệ tử thì Giác Ngộ không hề đồng nghĩa với sự ngưng bặt sinh hoạt tạm gọi là “tư duy” của một vị Phật (theo nếp tưởng tượng của nhiều người sẽ là giai đoạn “vô ngôn”, mọi hành vi, ngôn ngữ đều được tiến hành như hoạt động của một quyền lực siêu nhiên, tự nhiên mà phát động và diễn tiến không có và không cần thiết sự tham dự mảy may nào có tính dụng sức, tính toán – đại khái bậc Đại Giác Ngộ ứng xử hệt như một Đấng Tạo Hoá mà nhân loại vẽ ra; nói “vẽ ra” vì chưa hề có một chứng cớ nào về một Đấng Tạo Hoá và trong trường hợp này thì có lẽ một Phật tử cũng có thể đồng ý một nhận xét từ thời các nhà chủ xướng chủ nghĩa xã hội không tưởng rằng “Không phải Thượng Đế sinh ra con người mà con người đã “sinh ra” Thượng Đế”) và một vị Phật cũng không có vận dụng “thao tác” lớn nhỏ nào để hiểu hay quyết định điều gì.

Để tránh sự hiểu nhầm của một số bạn Phật tử nào đó còn xu hướng hiểu Phật lực theo niềm tin chủ quan truyền thống, tôi xin phép lưu ý lần nữa tất cả dẫn chứng của người viết đều dựa vào “thông tin” từ Kinh Bộ và Kinh A Hàm – điều tôi phải nhận lỗi là công việc đáp ứng mỗi tuần một kỳ “Tản mạn” quả vất vả, và đôi khi khâu tỉ mỉ ghi chú gốc trích dẫn, trang và chương, tên nhà xuất bản, thời gian …không làm nổi; điều mà chắc chắn tôi sẽ bổ sung một khi soạn lại thành một tập sách. Sự thực trong số Kinh Đức Thích Ca trực tiếp giảng – ngay các bạn chưa đọc cũng có dịp nghe qua – thì trong thời gian ít ỏi trước khi Thành Đạo, Đức Phật vẫn suy tư, liên tưởng bằng những “thao tác” tư duy chúng ta hoàn toàn có thể hiểu và tôi xin nhấn mạnh chính trên cơ sở lý luận, phản tỉnh, tư lự (chú ý từ “tư lự” là một cách dịch từ Pali “Jhāna” và từ Sanskrit “Dhyāna” cũng nghĩa là Thiền – ý tôi nhắc chừng khái niệm Thiền Phật giáo chưa bao giờ tách rời công phu tư tưởng, tư duy và nội dung Phật pháp, không chỉ lim dim, “trống không” thưởng thức “Thiền lạc” là sở đắc được!) có sắc thái “phổ thông” này mà Diệu Pháp mở ra trước mắt Sa môn Tất Đạt Đa. Có thể trực tiếp quan sát qua lời kể của Bậc Giác Ngộ “Lúc đó ta thắc mắc rằng…”, “Ta nhận ra rằng…”, “Ta nhớ rằng…” – Liệu có thể rõ ràng, hiển nhiên hơn nữa không! Không có Thượng Đế truyền thừa, không có Thiên sứ chuyển bí kíp Giác Ngộ, cũng không có luồng điện nào từ Đường Dây Siêu Tâm Linh nổ bùng kiểu Big Bang trúng phải Ngài theo cách tưởng tượng thông tục trong đêm Thành Đạo. Những trạng thái Thiền trải qua cùng vị Phật tương lai cũng xảy ngay trong đêm cuối trước Đại Ngộ, như vậy không có sự tách biệt giữa không khí Thiền tịch mịch và không khí sáng láng của Trí Tuệ mà chan hoà trong nhau làm nền cho sự kiện Vĩ Đại bậc nhất trong mọi sự kiện Vĩ Đại từng xảy ra trên Trái Đất, nếu không nói là trên khắp cõi Ta Bà! Và nó đã xảy hoàn toàn theo “phong cách” và đúng “tinh thần” mà sau đó tất nhiên được gọi là Tinh thần Phật giáo với hương vị của Đạo và Trung Đạo.

– Lời dạy của Đức Phật về Thiền định bao gồm cả những hướng dẫn rất chi tiết, một ví dụ là kinh nghiệm khi Tâm hành giả đang ở trạng thái chùng xuống thì Thiền chỉ và Định sâu sẽ dễ bị hôn trầm, nên quán ánh sáng và quán các chủ điểm Phật pháp. Ngược lại, khi Tâm đang ở trạng thái hưng phấn quá đáng thì chính Phép Chỉ và Định lại giúp An và điều phục được Tâm.

– Khái niệm TÂM có lẽ có tần số xuất hiện cao bậc nhất trong các bài thuyết pháp của Đức Phật. Không ngạc nhiên các nhà nghiên cứu xem Phật học là Tâm học. Kinh đầu tiên trong Kinh Pháp Cú mô tả hành trạng và địa vị của Tâm /Ý “Ý dẫn đầu các pháp / Ý làm chủ, Ý tạo / Nếu với ý vô nhiễm / Nói lên hay hành động / Khổ não bước theo sau / Như xe, chân vật kéo” và “Ý dẫn đầu các pháp / Ý làm chủ, ý tạo / Nếu với ý thanh tịnh / Nói lên hay hành động / An lạc bước theo sau / Như bóng không rời hình”.

Có thể hiểu quá trình tu tập – bao gồm quá trình Thiền – ở một mặt chủ yếu chính là quá trình Tâm dạy Tâm. Phật giáo là Đạo của Bậc Đại Sư phạm nên không có chuyện “đưa con vô Nội’, “cứ rứa mà làm” hay dạy tín đồ ngày đêm cầu nguyện tha lực; ngược lại, Đức Phật xuyên suốt các bài giảng phân tích, phân biệt hoạt động của Tâm và hướng dẫn khả năng, kỹ năng điều phục Tâm theo mỗi bước Tu tập và kết quả nhất định và minh bạch. Ngay trong các từ ngữ hay thuật ngữ nói rõ hoạt động cá biệt và đa dạng của Tâm, Phật giáo cũng cung cấp đầy đủ hơn giáo lý các tôn giáo bạn, kể cả các ngành Tâm thần, Tâm lý hiện đại. Để minh hoạ và thực tế hơn, để anh chị có dịp hệ thống từ ngữ vừa là ‘sinh hoạt” gần như thường xuyên của Tâm, tôi ghi lại một số dưới đây (lưu ý có một số rất ít thuật ngữ từ các nguồn “Tâm Học” và Khoa học khác để tham khảo). Tưởng có thể đồng ý với nhau rằng Chữ không bao giờ chỉ là Chữ mà còn và chủ yếu là NGHĨA VÀ KHÁI NIỆM – ai đó định nghĩa Tri thức chính là quá trình làm chủ và mở rộng khái niệm, ở đây còn mục đích hẹp nhưng thực dụng hơn để Thiền giả có thể gọi tên những thao tác cụ thể của Tâm vào mục đích tu tập.

Tu Tâm – Điều Tâm – An Tâm – Trì Tâm – Dưỡng Tâm – Nhất Tâm – Trị Tâm – Sách Tâm – Khởi Tâm – Hồi Tâm – Quán Tâm – Tĩnh Tâm – Hộ Tâm – Thiện Tâm – Ác Tâm – Loạn Tâm – Tham Tâm – Sân Tâm – Si Tâm – Phật Tâm – Bồ Tát Tâm – Đạo Tâm – Từ Tâm – Hỷ Tâm – Bi Tâm – Xả Tâm – Vô Lượng Tâm – Vô Tâm – Nhiễm Tâm – Động Tâm – Bất Động Tâm – Tà Tâm – Niệm Tâm – Định Tâm – Thành Tâm – Chân Tâm – Phân Tâm – Chú Tâm – Đoạn Tâm – Không Tâm – Nhu Nhuyến Tâm –Khinh An Tâm – Lạc Tâm – Nộ Tâm – Ái Tâm – Cuồng Tâm – Phàm Phu Tâm – Quảng Đại Tâm – Đại Tâm – Thượng Tâm – Khổ Tâm – Vô Ngã Tâm – Minh Tâm – Ngộ Tâm – Tận Tâm – Kiên Tâm – Phân Biệt Tâm – Vô Phân Biệt Tâm – Bình Tâm…

– Cuối cùng của phần bài này mạn phép lưu ý một điểm quan trọng và rất có ý nghĩa liên quan tới hoạt động trí tuệ và tạm gọi là lối ‘tư duy” – dù được ghi nhận rõ trong kinh kệ (Đại Kinh Nikāya), nhưng tôi chưa hề gặp một lời bình hay lưu ý – tại sao? – của một vị Phật. Trái với cách nghĩ, cách bình và giải thích Phật tử thường gặp với hàm ý ở bậc cao cấp trong Tu Tập và Tu Thiền – quan niệm lệch về Thiền chỉ quá rõ – không những là khoảng trống tuyệt đối của “vô ngôn”, dứt bặt ngôn từ mà còn “thấp thoáng” – cẩn thận dùng “thấp thoáng” vì khó lòng trích dẫn một diễn ngôn cụ thể – suy nghĩ rằng một Bậc Giác Ngộ không có hoạt động gọi là “tư duy”, “suy nghĩ” và trí tuệ của các Ngài do đã viên mãn nên bất cứ ý kiến và quyết định nào trước bất cứ đối tượng nào, vấn đề nào và sự cố nào là chuyện thò tay vào túi lấy cái đã có sẵn. “Thấp thoáng” ở đây là có mùi Thượng Đế, Tạo Hoá vốn do con người và trí tuệ “cỡ” của con người sáng chế và tưởng tượng ra thôi. Cách hay nhất để tránh tư biện, rối rắm và tránh sự quy kết “phạm thượng” là trích chính Kim Ngôn của Đức Phật.

Trong Đại Kinh Nikāya, Đức Phật đã chỉnh cách hiểu một dạng trí tuệ đương nhiên và thường trực của một vị Phật về mọi hiện tượng trong nhân sinh vũ trụ và Ngài giải thích thêm một Đấng Giấc Ngộ phải có một “tâm” hướng tới một điểm cần biết trước khi thấy và quán triệt nó – xin có cách giải nôm na, hơi “hỗn” với Đấng Từ phụ của chúng ta rằng có khi hao hao thao tác bấm “button” của các đệ tử thời computer của Ngài trước khi nhận thông tin. Do chưa gặp tư liệu, hướng dẫn để tiện trích dẫn nên người viết vốn khao khát hiểu biết đành thử bình thêm Đức Phật dạy đặc điểm của hoạt động Tâm con người là khi có tâm này hiện lên thì vạn tâm khác tạm lùi lại, dạt qua một bên – đây là đặc trưng được tận dụng triệt để trong Tu Tập và Thiền – nên sự lưu trữ vạn pháp vô tội vạ của Tâm chúng sanh là chuyện dại dột của chúng sanh, không phải Tâm của người Tu Phật, nói chi đến Bậc Đại Giác Ngộ – người cần chi việc giữ trong đầu kiến thức các công thức Hoá học cần cho nồi cơm của các chuyên gia Hoá học hay các chiến thuật, binh pháp để tiêu diệt nhau của các tướng quân các phe trên thế gian. Mặt khác, Tâm “KHÔNG” là TÂM VÔ TRỤ cũng là Tâm chứa tất cả – có liên quan tới thuyết “A Lại Da Thức” đời sau? – và có năng lực nhớ tất cả khi cần cho việc hoằng pháp, cứu độ, dù không chia lìa hẳn, không trực tiếp liên quan tri thức thế gian hay cách hiểu khái niệm “Trí Tuệ” của thế gian. Cũng có nghĩa là tri thức về Bất Thiện Pháp cần cho việc hiểu thế gian và cứu độ thế gian nằm trong Tuệ Trí một Vị Phật không đồng nghĩa với sự hiện diện hay hiện diện thường trực (vô lý ngay với một phó chúng sinh như người viết bài này!) của chúng trong Tâm các Ngài.

Hãy lấy một ví dụ cụ thể để tránh mùi tư biện và thuật ngữ – dù không thể tránh nó – là tất cả các kinh sách các nguồn cho thấy ngay sát lằn Đại Giác Ngộ, Sa môn Tất Đạt Đa vẫn lần tiếp cận Chân Lý Rốt Ráo bằng Phép Tư Duy “Ta nghĩ rằng…”, “Ta đặt câu hỏi rằng…”, “Ta nhận ra rằng…” cho tới tận phút bừng tia lửa Giác Ngộ. Những vị có thiên hướng – tôi muốn nói trong giới Phật tử – ưa một dạng Chân lý thình lình hiện ra như kiểu được Mặc Khải – chính xác là được chọn để Mặc Khải –, có sự xuất hiện của Thiên sứ hay thậm chí bất ngờ Thượng đế rót thẳng vào tai một holy mission sẽ thất vọng, nhưng đành xác định trong Chánh Pháp của vị Giáo chủ phủ định sự có mặt của Tạo Hoá và Thượng đế và Giáo Pháp có dạy cụ thể bước Tự Chứng không thể có chỗ cho Chân lý đã “đóng gói sẵn” và may mắn được “Trên ban” như thế!

“Thông tin” quý giá sau đây đáng lẽ được dùng cho một bài riêng rẽ mới xứng đáng, nhưng tôi ngại rề rà – một phần tỉ lệ nội dung liên quan Phật pháp, Phật học trong mục “Tản mạn” cũng phải giới hạn hợp lý, đặc biệt vốn liếng của bản thân ở đề tài gay go này đương nhiên rất có hạn, khó chường mặt đều đặn được – nhỡ không tới tay các bạn, nên tiện thể bàn luôn. Vấn đề ở trên vừa bàn liên quan chuyện rất lớn là Tuệ Trí của một vị Phật có những đặc trưng gì – xin cẩn trọng thưa, trước hết với chư vị Phật tử, cần hiểu chính xác ý người viết là qua Kim Ngôn của Đức Phật hé lộ thông tin gì về Tuệ Trí, đặc biệt có đặc điểm gì chúng ta khả dĩ nhận thức được – và bây giờ xin đi vào nội dung Kinh Đức Phật “hé lộ” điểm chúng ta đang trao đổi (còn nhận thức có đúng đắn không người viết chịu trách nhiệm, và nói riêng nhỡ lập luận sai tất phải chịu trách nhiệm sám hối đủ một trăm phần trăm).

Trong một bản Kinh (dù nhắc lại có thừa chăng, tôi luôn y cứ Kinh Nikāya khi trích dẫn) Đức Phật nhắc Ngài A Nan tập họp các Tì Kheo ở rải rác trong khu vực Đức Phật và các đại đệ tử của Ngài đang cư trú để nghe thuyết pháp. Khi các Tì Kheo đã tụ tập đúng ý Đức Phật thì bất ngờ – trong nửa vạn trang Kinh Nikāya chỉ thấy một lần như thế – Bậc Thầy bảo Ngài A Nan cho các tì kheo quay về trú xứ của mình tiếp tục chú tâm thiền định, tu tập. Đức Phật tuyên bố nhập định dài ngày, không tiếp xúc, hoằng pháp một thời gian – sau này các vị tì kheo cũng theo sinh hoạt này của Giáo chủ mà “nhập thức” để tịnh hoá thân tâm, chuyên chú một công án, đề tài nhất định. Tôi không nhớ sau một tuần hay chín ngày – thành thật xin bạn đọc tha thứ và hứa sẽ kiểm tra tài liệu sớm –, Ngài rời thiền thất với một phong độ tươi tắn, trang nghiêm khác thường gây kinh ngạc cho thị giả A Nan. Ngài A Nan lên tiếng hỏi lý do phong thái tươi đẹp của Thầy thì Đức Phật hài lòng trả lời “Này, A Nan …trước kia khi quán vấn đề này ta thấy… và ta chỉ thấy …Nay, sau chín (?) ngày thiền định ta thấy…ta lại thấy…” (một lần nữa tôi phải sám hối vì không tìm kịp đoạn trích nguyên văn theo bản dịch của Hoà Thượng Thích Minh Châu, ghi tên bài Kinh, số trang như ý và đúng nguyên tắc trích dịch và chỉ xin anh chị niệm tình bỏ qua lỗi tôi sẽ sửa chữa ngay – lý do vẫn đề cập trong bài là ý muốn chứng minh theo logic, mà không nhất thiết kèm nội dung vấn đề cụ thể Đức Phật trao đổi với Ngài A Nan).

Tôi xin phép bình vài ý dù với đa số các bạn vấn đề đã rõ. Như ý đoạn Kinh tôi vừa dẫn, từ lời Đức Phật trực tiếp nói với vị thị giả thân thiết, Ngài diễn tả một ý tưởng rất minh bạch rằng nhờ khoảng thời gian Thiền Định Ngài đã sáng rõ hơn một đề tài vốn đã sáng rõ với Ngài trước đó.

Ta thấy gì ở nội dung Đức Thích Ca hé lộ? Cho tôi vài giây được nhớ cảm giác nửa đêm đọc Nikāya đã giật nẩy mình, dụi mắt mấy lần. Điều này có nghĩa là Ánh Sáng Tuệ Trí của một Vị Phật không đứng một chỗ sau khi đã Thành Đạo! – hoàn toàn khác với cách hiểu, cách nghĩ truyền thống xưa nay của giới tu sĩ, tín đồ và ở kiến thức giới hạn trong tư liệu cũng giới hạn của tôi, giới nghiên cứu cũng không khác. Một nhận xét khác, chỗ sáng lên của Tuệ Trí là từ Thiền định, và như tôi lưu ý ở trên không chỉ một lần, theo nghĩa đúng đắn Đức Phật giảng dạy Thiền định có Thiền chỉ để “AN” tâm và làm chỗ dựa cho Thiền quán bay bổng, bay xa và đến lượt Thiền quán làm chỗ tựa vững chắc cho Chánh Tuệ (Tuệ Trí rốt ráo!) để tiến vào bước tối vi diệu: GIẢI THOÁT. Ở đây có hai mặt phân tích thêm, Đạo Phật là Tuệ Đạo tất nhiên Giác Ngộ phải gắn mật thiết với Tuệ Trí, Chánh Tuệ. Tôi cho ý kiến rằng nói Bát Chánh Đạo là nói tắt bớt hai Thánh Đạo cuối là Chánh Tuệ (không nhầm với các chi phần Chánh Trí và Chánh Tư Duy mở đầu Bát Chánh Đạo) và Chánh Giải Thoát là rất đúng đắn (trong khi giảng Pháp có lúc thậm chí Đức Phật không kê đủ tám Thánh Đạo) và logic. Chánh Định không thể là mục đích cuối của Đạo Giải Thoát mà Chánh Định và cả Chánh Niệm đều là phương tiện để Phát Tuệ – nghĩa là chuyển qua Chánh Tuệ như bàn ở trên – để đạt Giải Thoát. Và Giải Thoát đồng nghĩa với Giác Ngộ, ý nghĩa danh xưng “Buddha” là Bậc Giác Ngộ rốt ráo, là Ánh sáng đã xác định ý nghĩa Tuệ Trí trong Đạo của Trí Tuệ.

Mặt khác, còn những Phật tử chưa thật hiểu rõ nội hàm “Trí”, “Tuệ Trí”, “Trí Tuệ”, hay mơ hồ giữa “Ngộ giải” và “Giác Ngộ”. Khi nói “Ngộ giải” là nói bước ý thức một điểm, một vấn đề (hay một công án nếu thích) cụ thể trên bước tu học của bản thân, ví dụ hiểu được một bước rằng Tham Ái gây rối tâm, tạo Sân, mà kết quả là KHỔ hay phát hiện ý của Phật pháp cái gì Sinh ắt phải Hoại để tránh tâm tư tuyệt vọng về sau. Bước “ngộ ra” rất hệ trọng với một con người mà vòng lưu sinh là duyên do từ việc kiếp kiếp “hồ hởi, phấn khởi” chạy theo các đảng THAM ÁI, đảng KHỔ, đảng HOẠI …Tuy nhiên cũng “ngộ” đó nhưng không đồng đẳng được với “NGỘ” (viết hoa) và “ĐẠI NGỘ”. “NGỘ” thế nào được khi cái mình “ngộ” bé xíu như cái tăm, cái đầu bút chì, “ngộ” cái người ta ngộ từ muôn kiếp và đến một người quen có khi cũng đã “ngộ giải” từ khi mình còn giành ăn với em, mặc quần xà lỏn không che nổi cái cần che mà rong ruổi quanh xóm.

Lại nói về khái niệm “TRÍ”. Cái huân tập bao năm, bao đời hễ nói tới tri thức, trí tuệ là chúng ta nghĩ tới cái “Trí” tìm kiến thức trong các lĩnh vực, đứng đầu là Trí trong khu vực làm ăn, học thuật, là trí nhớ tất cả mọi sự kiện thu nhặt được, nhất là trí nhớ để hơn thua với người, với đời. Đọc kinh kệ quán tính hiểu khái niệm “TRÍ” thông tục vẫn bám chúng ta, lại chỉ thiên một cách hiểu “Trí” là khả năng nhớ Kinh, giải thích Kinh, bàn bạc nội dung Kinh. Nói “chỉ” vì trong nội dung mở rộng có nghĩa này, nhưng chưa phải nghĩa rốt ráo. Thật ra, các Luận sư, Pháp sư thường giải thích tường tận đúng ý Phật. Tóm một lời là “TRÍ” hay “TRÍ TUỆ” hay “TUỆ TRÍ” trong Phật giáo là năng lực tiềm tàng trong mỗi chúng sinh qua tu học mà phát để hiểu bản chất sâu xa, chung cục bên trong cuộc tồn sinh ta đang lưu lạc là Dukkha, kết quả không tránh được của Tham, Sân và Si – không thấy sớm thì rồi buộc phải thấy mượn hơn – và nhận ra nguyên nhân đích thực và thực hiện Phạm Hạnh theo Lời Dạy của Đức Phật để vượt qua Dukkha, từng bước Giải Thoát mình và người. Không ai diễn tả ngắn gọn hơn Người đã chính mình khám phá ra Chân Lý Giải Thoát đó rằng “Ta chỉ dạy hai điều: KHỔ và GIẢI THOÁT (khỏi Khổ)”.

Cần luận quanh như trên để phân biệt một trong những địa vị tối thắng là đạt TÂM GIẢI THOÁT không đồng nghĩa với việc hiểu toàn bộ sự rối rắm nhân sinh vũ trụ và có câu trả lời – ít ra theo nghĩa biện tài, phương tiện và ngôn ngữ thuyết pháp – cho tất cả câu hỏi về Phật pháp, nói chi các sự cố lỉnh kỉnh chung quanh thế gian mà có khi quên lại tốt hơn nhiều. Ý niệm về các bậc Bích Chi Phật hay Độc Giác Phật là một ví dụ. Nhưng nói bậc đạt TÂM GIẢI THOÁT thiếu Trí Tuệ tưởng không có gì sai trái bằng vì các Ngài đã có Tuệ Trí theo quan điểm Phật giáo: thấy KHỔ, hiểu KHỔ và siêu vượt KHỔ. Nói thêm TÂM GIẢI THOÁT– qua nghiên cứu nội dung Đức Phật tận lực giảng dạy – chưa đồng nghĩa, ăn khớp hoàn toàn với TUỆ GIẢI THOÁT. Nói rõ thêm, sự Giác Ngộ tuyệt đối, đạt cả TÂM GIẢI THOÁT, TUỆ GIẢI THOÁT RỐT RÁO là TÂM và TUỆ của ĐỨC THÍCH CA MÂU NI. Và ngược lại, không khó để hiểu tác động của TUỆ GIẢI THOÁT có công năng lay động và chuyển Tâm – nhớ khái niệm TÂM TRÍ – và Đạo của thực hành, của Tuệ Chứng và Tự Chứng tất nhiên không thể xem là thành tựu khi không qua Tâm Chứng, trải nghiệm tâm linh rốt ráo.

Dù dài dòng quá rõ các bạn cho phép tôi đi cho đủ góc cạnh vấn đề – theo nghĩa trích dẫn thêm từ Kinh sách, không phải do thói quen và ý định tư biện thuần tuý – rằng việc Ngài Xá Lợi Phất nhận không thiếu danh xưng khen ngợi, tán thán từ Đức Phật, đặc biệt về khoản Trí Tuệ (Đại Tuệ, Đại Trí, Đại Biện Tài, Đại Thông Tuệ…) nhưng Ngài không thiếu lần bị Bậc Thầy quở trách công khai cho thấy không có chuyện so sánh về mọi mặt, nói riêng về Tuệ Trí, với Đức Phật và khái niệm “ Đại Trí” chính Đấng Giác Ngộ ban cho không có nghĩa là Ngộ Tất Cả và hoàn hảo tới mức không cần tiếp tục TU HỌC. Chưa nói các Phật tử đời sau, xa không khí và bài học Sư Phạm của Bậc Thầy.

Xin mạnh dạn nêu quan niệm riêng rằng trong Phật pháp và Phật giáo trước hết và trên hết chỉ có bậc ĐẠI SƯ, BẬC THẦY duy nhất theo nghĩa tuyệt đối là Đức Thích Ca và tất cả (từ các bậc Thánh A La Hán hay các vị Pháp vương, Pháp chủ, các Tổ các Tông Phái cho đến tu sĩ và một tín đồ bình thường) đều là Phật tử. Thử hỏi vinh dự nào cao quý và cao thượng hơn được là học trò Bậc Giải Thoát! Xác định như vậy trước tiên là để biết khi ngẩn ngơ tò te trước cuộc Hội Chợ vĩ đại suốt Đông Tây Kim Cổ của các Gian Hàng Triển Lãm giới thiệu Bộ Mặt và Tinh Yếu của Phật pháp và Phật giáo vừa đa dạng, phức tạp vừa mâu thuẫn và có khi chỏi nhau chan chát (chưa tính những thuyết âm mưu với những dạng Đạo Phật không có BỘ-MẶT-PHẬT)) thì câu hỏi sinh tử đặt ra đầu tiên trong các câu hỏi đầu tiên là Đức Phật Lịch sử nói gì, dạy gì và khi đã có vốn liếng “lận lưng” (cẩn thận vốn lận lưng cũng đừng “hẻo” quá) thì lập tức đối chiếu xem ý này, diễn ngôn này, phát biểu này, xác quyết này với những gì ta đã biết từ nguồn Kinh Gốc, Kinh Lớn tức Kim Ngôn, Kim Khẩu của Đức Giáo chủ để chiêm nghiệm, xét đoán và kết luận. Còn y như trong một lớp học tất có nhiều trình độ, có học trò này đáng là học trò của học trò kia, có học trò ni đáng làm thầy nhiều đời học trò nọ không ai không biết và quan hệ Thầy Trò theo nghĩa này cũng ý nghĩa, cũng “thiêng liêng” theo duyên Thiện Trí Thức với nhau. Việc tôi mạo muội với ý kiến này xuất phát từ hiện tượng đã được chính một số tu sĩ báo động là đệ tử được khuyến cáo cần biết Thầy (trụ trì), không (nhất thiết) cần biết Phật – thật bất ổn và giống hơi hướm trong các tông phái trong các tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình – và một hiện tượng các fan của các Bậc Thầy và các “bậc thầy” yêu quý Sư Phụ mềnh đến mức chín câu tán thán Trụ Trì và may không quên… để dành một câu tán thán Phật. Có lẽ cần trích một ý kiến không thể chính trực hơn của Ngài Đạt Lai Lạt Ma rằng sự tu tập và phạm hạnh của các tu sĩ Phật giáo đang có vấn đề là do “quý nữ Phật tử” và Ngài giải thích luôn là bởi tính cách cảm tính và khuynh hướng sùng mộ quá đáng của các bà, hễ thấy ai khoác chiếc áo cà sa là coi như bậc phạm hạnh, thoát tục, cứ thế tán thán, cứ thế cúng dường mà không tỉnh táo nhận thức việc cúng dường cho ai, có công đức lớn không. Các tín đồ dạng này không hiểu một sự thật đơn giản là với chiếc áo cà sa phần lớn các tu sĩ là những người tập sự, học viên đang học Đạo. Có thể đoán ý Ngài muốn nói tới khái niệm mê tín và tất nhiên Ngài không chỉ có ý nhắn nhủ riêng “quý nữ Phật tử”!

Tôi không rõ ý nói thêm sau đây có bị cho là bất nhã không – nhưng vì đã góp ý thì tránh ngoại lệ và bản thân tự dặn lòng tránh phật lòng nếu bản thân người góp ý bị góp ý lại vậy! Một lần tôi bỏ lại quầy sách một cuốn luận về Phật pháp đã chọn mua vì ngẫu nhiên tận mắt đọc một ý của tác giả, một bậc tu hành nổi tiếng cả trong nước lẫn thế giới, rằng “Đức Phật từng nói…, 2500 năm sau Hoà Thượng …nói”. Nói chính xác tôi đủ “open-minded” để đọc xong ý của tác giả trước khi thẩm định mà chưa vội nhận xét. Điều tuyệt vọng là sự so sánh – xin không trích nguyên văn – đại khái theo dạng “Đức Phật nói 7+3=10, 2500 năm sau, Hoà Thượng …nói 3+7=10”. Thiết tưởng ông Einstein có cái nhìn về vận động của Vũ Trụ khác với ông Newton và nhân loại vẫn tôn kính đóng góp của hai cả hai vị, riêng đối với ông Einstein vì quan điểm của ông đúng đắn và có tính cách mạng chứ không phải do tác giả Thuyết Tương Đối gần ống kính truyền hình hơn một Newton đã khuất núi. Nhưng nếu bản thân tôi nêu kiến thức tom góp đây đó về Thuyết Tương Đối, học thuộc lòng, nói nghe lưu loát, được công chúng thừa nhận là hấp dẫn lại có giọng “Einstein và Tôi”, “Tôi và Einstein” thì thử hỏi một người có sức học phổ thông, chưa nói bậc thức giả sẽ đánh giá thế nào. Kết luận không tránh được thì ra không phải người ít tri thức mà cả bậc thông tuệ, không phải người vô danh mà bậc đại danh lẫy lừng cũng có thể giống nhau ở chiếu ngã mạn, một khi chỉ cần chưa tới một nửa sát na phóng dật, tự mãn.

Và do BẬC THẦY CHUNG CỦA TRỜI NGƯỜI đã nhập Niết Bàn nên tưởng nhớ LỜI DẠY của Ngài, chúng ta – trước hết những ai xem mình ở trong Tứ Chúng với tinh thần “thất phu hữu trách” giữa anh chị em đồng đạo dù của một Ưu bà tắc hay Ưu bà di bình thường – nên chân thành xây dựng cho các Bậc Bề Trên, từ Sư Trụ Trì đến bậc Lãnh Đạo Giáo Hội cho tới các Ngài đạo đức cao vọng bằng góp ý chân thành nhất để các vị vẫn là những Tấm Gương trên Đường Tu Dưỡng, Hoàn Thiện Phạm Hạnh, không vi phạm cấm giới, đặc biệt việc kị nhất là thái độ suồng sã, bất kính với Phật Tổ và Di Sản Chánh Pháp vĩ đại của Ngài – dù là chiêu quảng cáo theo tinh thần văn nghệ chủ nghĩa đi nữa! Đó không phải là cách thiết thật tri ân các Sư, các Tổ hơn là phụ hoạ cả chỗ bất ổn rành rành của các Ngài hay sao?

Vì sao từ một chi tiết trong Kinh, chuyện lý do Đức Phật nhập thức trên dưới một tuần (!) lại bàn quanh các hiện tượng tín đồ, tu sĩ và – xin lỗi – cả hiện tượng danh tăng? Thưa, vì lời giải thích của Đức Phật với Ngài A Nan mở ra một nhận định so với truyền thống có ý nghĩa “KHÁM PHÁ” thực sự đáng để giới Phật học quan tâm. Nói loanh quanh dù với một quán tính đáng giữ là lòng tôn kính với Đức Phật đôi khi lại rối rắm, nên bạn đọc cho phép kẻ thất phu đòi bắt chước gương trượng phu hữu trách này được diễn tả thẳng vào vấn đề – dưới dạng các câu hỏi – là phải chăng nội dung câu chuyện Thầy Trò Đức Phật trao đổi còn rút ra được một ý tưởng mới nữa. Phải chăng một vị Phật sau khi Đại Ngộ vẫn còn thao tác TƯ TU, chiêm nghiệm – chú ý do theo sát nội dung bài Kinh tôi dùng khái niệm “TƯ TU” mà tránh sử dụng “VĂN TU” (vì Ngài tuyệt nhiên không đề cập việc tham khảo nguồn nào và quá trình nhập thức theo tôi biết là quá trình hành giả Thiền định) – và tôi cũng né chuyện dùng từ “suy nghĩ”, “tư duy” không phải do thiếu logic mà vì ngần ngại. Cũng sự ngần ngại không quá minh bạch này mà tôi không dám nhận xét quá trình Đức Phật miêu tả sự thay đổi dần rõ hơn, sáng rõ hơn trong tâm Ngài về đối tượng có là một dạng (tiếp tục) học/nghiên cứu – đại khái như cách chúng ta vẫn quan niệm hay không?

Do vấn đề mới mẻ với cả chính tôi, tôi mong nhận được sự khoan dung để “tản mạn” tiếp – chợt nhớ chủ trương “tản mạn” của mình, tôi càng tin ở sự khoan dung của bạn bè, thiện tri thức và Phật tử bốn phương hơn. Phải chăng cách hiểu của tín đồ xưa nay có kẽ hở, Đức Phật giới thiệu đây đó vài “đặc trưng” của một vị Phật – Ngài không cho nó là đề tài thiết thực cho Phật tử với chủ trương ai tới đó “sẽ thấy” và tránh mở thêm đề tài cho thói Hí Luận – nhưng chúng ta lại khư khư định nghĩa một vị Phật theo cách của mình? Nếu công bằng với người viết, các bạn thấy hắn ta đã nương theo chính ý Phật rành rành trong Kinh Gốc – xin dùng để chỉ Kinh Nikāya và Agāma – để bàn mà không dựa vào ý riêng hay nguồn nào khác. Vậy trong lập ngôn – ghi lại trong Bộ Kinh uy tín đệ nhất – một vị Phật đã Giác Ngộ đã “công khai” cho thấy bản thân Ngài có nhu cầu thời gian để làm rõ thêm một vấn đề cần thuyết giảng cho đệ tử. Và điều đó chắc chắn nói lên thế giới và không khí Giác Ngộ không có lý gì lại là sự ngưng đọng tuyệt đối và khái niệm “như như bất động” lại càng không mang nghĩa bất sinh động tuyệt đối – tuy nhiên nét triết lý này dù rất hấp dẫn không nằm trong chủ đích của bài viết hay thuộc về một bài viết trong tương lai. Xin đi sát một suy nghĩ thực tế hơn nếu chân trời Trí Tuệ không bao giờ dừng lại nếu không nói ngay cả với đối với một Bậc Giác Ngộ thì sự dừng bước ngã mạn của những học trò lớn và học trò bé của Người là một sai lầm chết người, tợ như tự đăng ký vào dàn đồng ca Phản-Trí-Tuệ vốn là nhạc hiệu của Cõi Ta Bà từ muôn kiếp nay.

Để tránh sự hiểu lầm hay hoang mang của đôi bạn đọc – tôi hy vọng hầu hết anh chị hiểu cách lập luận của tôi – cho tôi nói vói đôi lời: Đối với chuẩn Giác Ngộ của một Đức Phật Kinh Điển làm rõ là Tâm giải thoát mọi trói buộc và Tuệ nhận thức rõ nguyên nhân KHỔ, con đường GIẢI THOÁT KHỔ và năng lực thực hiện rốt ráo lý tưởng GIẢI THOÁT, đệ tử Nhà Phật không có sự nghi ngại. Đối với chuẩn cao nhất Đức Phật thường xuyên động cổ vũ chúng đệ tử thực tế là (chủ yếu) tập trung vào Tu Tâm Giải Thoát, điều kiện giải thoát vĩnh viễn khỏi thế giới của Khổ Đau. Dường như Minh Triết của Bậc Thánh soi chiếu Giới Hạn tận lực của một Kiếp Nhân Sinh cao nhất, triệt để nhất là đến mức đó và trái tim của một Đấng Từ Phụ ngay ngáy đưa con cái mau ra khỏi Biển Lửa (mượn hình ảnh trong Kinh Pháp Hoa) là ưu tiên bậc nhất. Còn ý chí Tất Cả đều thành tựu Phật quả nên hiểu như một khẩu hiệu nao nức lòng chúng sinh – một dạng ta hay gọi là Tâm Lý Chiến, đại khái như ôm choàng các cháu đường phố mà rằng “Các cháu tất thảy đều có căn cơ, đầy đủ chủng tử đậu Tiến sĩ Havard và Sorbornne cả thôi! – vốn là sản phẩm hưng phấn của cao trào Đại thừa Thuở Ban Đầu với âm hưởng lãng mạn “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” để ngày sau người ta có nhớ lại “vẫn lưu luyến chưa quên”, nhưng tin như thật thì e không như thuở …Ban Đầu nổi! Mà nói thật, chuyện các em Street Children tốt nghiệp Havard hoạ hoằn mà có đó, ví dụ các em con lai được bảo lãnh. Còn các tín đồ có thương hiệu “Phật sẽ thành” có tỉ lệ thành Phật quả không có thống kê cụ thể khó bàn và cũng khó buộc tội tôi là bi quan khi tôi thậm chí nghi hoặc tác giả câu nói nổi tiếng “Chúng sanh cuối cùng chưa thành Phật thì ta nguyện chưa thành Phật” chỉ có giá trị khẩu hiệu, nói ra khó nghe và so sánh ắt có khập khiễng gợi khẩu hiệu không tưởng của các bác cộng sản “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Ngay một vị Phật cũng không ngăn được quy luật tử sinh, luân hồi của người khác và sự hiện diện trong các cõi của các Ngài đều thuận theo Đại Duyên kết hợp nhiều mối duyên của bao sinh linh khác, không phải muốn theo trái tim chủ quan Bồ Tát chủ nghĩa là được, và cáo lỗi trước lỡ vạ miệng thì một thế giới quá nhiều Bồ Tát – tính từ thời ra lời kêu gọi quyết không rời hành tinh để cứu lẫn nhau phải hàng tỉ người hưởng ứng – đòi ở lại cứu rỗi nhau nhất định phải sớm muộn trả giá cho một logic không tranh cãi lôi thôi chi nữa là một Hành Tinh và Cõi Ta Bà siêu đại nhân mãn mà thôi!

Xin lưu ý lại tỉ lệ các tì kheo đạt “Tâm giải thoát” là áp đảo và trong khi Đức Phật không hề tỏ ý Phật quả là quả của riêng ai – câu nói “Ta là Phật đã thành và các ngươi là Phật sẽ thành” thực ra là sáng tác của kinh sách và Tinh Thần Đại Thừa, không phải lời trực tiếp của Đức Phật, nhưng nói được Tinh Thần này – thì trong suốt thời gian Đức Phật tại thế có việc thọ ký Phật quả tương lai (vời vợi) cho một số đệ tử, nhưng tuyệt đối không có trường hợp nào được Ngài ghi nhận đạt Phật quả. Một mặt việc này phù hợp với lời xác định của chính Đức Phật trong một thế giới luôn có mặt bậc A La Hán và Bích Chi Phật, nhưng không có hai vị Phật đản sinh và thuyết pháp một lần. Mặt khác giúp ta một nhận định, việc nhiều vị đạt tâm giải thoát nhưng không có hiện tượng Đại Ngộ vì Tuệ Giải Thoát có giới hạn so với chuẩn Đaị Ngộ. Và mạnh dạn hơn có thể thấy khái niệm “Phật” không đồng đẳng nếu đối chiếu lại ý thế giới luôn có (nhiều) vị Bích Chi Phật và ý không thể có hai vị Phật có mặt đồng thời. Nói cho rõ chỉ có một Đấng Giác Ngộ Toàn Diện là Đức Phật trong quan niệm rốt ráo, các vị Phật Bích Chi hay Độc Giác do thiếu hay không đủ biện tài và năng lực giáo hoá là dạng có điểm gần với khái niệm A La Hán đạt tâm giải thoát, lại nói rõ hơn nữa là các vị về tiêu chí TUỆ GIẢI THOÁT là không đầy đủ.

Tất cả những gì vừa điểm qua chắc chắn không hấp dẫn bạn đọc không quan tâm, nhưng thiết yếu để xác định tầm vĩ đại và độc đáo của Đức Phật Lịch sử Thích Ca Mâu Ni như sự kết hợp TÂM và TUỆ GIẢI THOÁT RỐT RÁO duy nhất thế gian từng chứng kiến, không thể và không nên vọng động với tư tưởng so sánh hay những thao tác đứng ngồi lấy tư thế chụp ảnh, mong che khuất Đấng Giáo chủ – và sự lạ không phải là việc trao đổi thẳng thắn, bình đẳng mà đến nguyên tắc Dân Chủ Thế Đạo còn xác lập và cổ vũ. Sự lạ là sự im thít của người xưng mình là con của Phật trước những thứ Ngụy Kinh công khai hạ thấp giá trị Chân Kinh, hay “viên dung” theo lối hoà giải suồng sã giữa Phật và Ma và thái độ a tòng với những uy danh chủ yếu do hào quang quảng cáo để sa đoạ tinh thần tới mức thà “bỏ Phật không bỏ Thầy (mềnh)”. Điều chân Phật tử cần khắc vào Tâm là Giá Trị Vĩnh Cửu của Đạo hay Chánh Pháp không bao giờ là một thứ Cam Lồ đóng gói sẵn hay biến thành một thứ chú thuật nhét gọn trong cái bao xinh xắn màu hồng để một vị Pháp chủ hay Thiền sư nào đó tiện tay lì xì cho tín đồ. Chánh Pháp của Đạo Từ Bi vừa bao dung, hỷ xả, vô phân biệt nhưng vẫn đầy thách đố và không ngừng thách thức Tuệ Trí và Tâm Tỉnh Giác của cả tín đồ đang tín thành lễ bái bên dưới lẫn các Bậc Thầy và Pháp chủ đang an nhiên tự tại ngồi chiếu trên, nhận cúng dường của hàng đệ tử. Và hiển nhiên đối với con người văn minh – tự trọng và người Phật tử văn minh – tự trọng, đó không phải là lý do quan ngại; ngược lại, đấy mới chính là Thực Tại Sống, Chiêm Nghiệm và Tu Học mời gọi những nhân cách đích thực Dấn Thân.

Và như vậy cũng để giải thích thông điệp Giải Thoát và vấn đề Trí Tuệ khai mở về mặt phương tiện cho một Vũ Trụ luôn biến động mà chính Đức Phật “hé mở”, theo nghĩa nào đó chính là biểu tượng sự từ chối vai trò “Tạo Hoá” khô cứng – nếu không nói có hương vị mê lầm – chúng sanh tạo cho Ngài và sòng phẳng trả lại cho chúng sinh một sinh lực sống động và sung mãn, gợi một cuộc tiếp tục LÊN ĐƯỜNG của những hành giả đã định được hướng, an ổn được tâm linh sau kiếp kiếp lạc loài – một CON ĐƯỜNG không hề thiếu sức hấp dẫn, tính khám phá và tinh thần tự chủ, tự cường của slogan “Je pense; donc, je suis” với khí vị Thiền quán Phương Đông cao sâu và thâm thuý!

Comments are closed.