Khi chủ nghĩa tinh hoa bất nhẫn là thứ công việc đòi hỏi

 David Marchese, The New York Times ngày 11/11/2023

Quyên Hoàng dịch

clip_image002[7]

Andrew Wylie. Ảnh: Mamadi Doumbouya

Tôi tự hỏi trong số rất nhiều đại văn hào mà Andrew Wylie đại diện, có ai từng cân nhắc sử dụng câu chuyện đời ông hay chưa. Chất liệu thô ở đây chắc chắn là đáng giá: có cha là nhà biên tập cấp cao tại nhà xuất bản Houghton Mifflin, Wylie lớn lên thành một kẻ lêu lổng nhà giàu, ông theo học trường nội trú St. Paul’s School, sau đó bị đuổi học, và rồi theo học Harvard, nơi ông xúc phạm một trong số các cố vấn luận án tốt nghiệp, và sau tất cả chuyển đến sống ở New York trong thập niên 1970 để trở thành một nhà thơ và cây bút phỏng vấn. Tại đây, ông giao du với hội nhóm của Andy Warhol, hành xử không khác gì một kẻ hoang dại và rồi, vào năm 1980 và trước nhu cầu có công việc ổn định hơn, ông bắt đầu lột xác thành một nhà đại diện cực kỳ thành công cho các tác giả văn học.

Nhiều năm trời, khách hàng của hãng Wylie Agency phải kể đến Philip Roth, Saul Bellow, Martin Amis và John Updike. (Tất cả các trước tác, bản quyền, v.v. của họ, cùng các tượng đài lớn khác như Jorge Luis Borges và Italo Calvino, đều do công ty ông đứng ra đại diện.) Kho tác giả đương đại mà Wylie đại diện gồm Sally Rooney, Salman Rushdie và Karl Ove Knausgaard, cùng vô vàn tên tuổi lớn nhỏ khác. (Nhiều nhà báo của tờ The New York Times cũng do Wylie đại diện.) Sự thâu tóm các tác giả với tâm thế háu mồi khiến Wylie có lúc bị gọi là Chó Rừng, có vẻ vì ông còn bất nhẫn đeo đuổi khách hàng của các nhà đại diện khác.

Cái danh tiếng khiến người khác nể sợ ấy, cùng những đổi thay đáng kể giúp chuyển hóa cục diện văn đàn trong cách ông tiếp cận công việc của một nhà đại diện (ví như việc ông tập trung khai thác giá trị các tác phẩm còn/không được lưu hành của tác giả và thái độ kiên quyết rằng các nhà xuất bản phải trả khoản tạm ứng hậu hĩnh cho tác phẩm văn chương chất lượng và xuất chúng – ngay cả khi trước mắt nó chưa bán được nhiều), đều là yếu tố khiến Wylie, ở tuổi 76 và là một diễn giả có tiếng bộc trực, được xem là một nhân vật huyền thoại trong ngành xuất bản. “Tôi đã nghĩ, Chà, liệu ta có thể gây dựng cơ đồ chỉ dựa vào những gì mà mình muốn đọc hay không,” ông nói, có phần khiêm tốn. “Điều đó khiến tôi nhận ra, một cách đúng đắn, rằng những cuốn best-seller đều bị thổi phồng giá trị quá mức và các tác phẩm trường tồn mãi mãi lại quá bị xem nhẹ”.

Ông đã nghĩ đến giá trị thương mại của nhiều loại tác quyền khác nhau ở thời điểm các nhà đại diện khác không quan tâm đến chúng1. Dường như tác quyền ở đây còn liên quan đến trí tuệ nhân tạo – Ôi lạy trời, đừng bàn đến trí tuệ nhân tạo. Tôi chán nghe về nó lắm rồi, và tôi không nghĩ bất cứ thứ gì mà chúng tôi đại diện có nguy cơ bị sao chép dựa trên hoặc thông qua các cơ chế hoạt động của trí tuệ nhân tạo.

1 Ví dụ: Wylie từng thuyết phục Norman Mailer ký hợp đồng với mình nhờ việc giải thích cho vị tác gia này thấy 12 cuốn sách của ông, vốn bình quân đã được dịch thành 12 thứ tiếng, đã không còn được tái bản/lưu hành, và nếu Wylie có thể giúp tạo ra tiền bản quyền thậm chí lên đến 1.000 USD cho mỗi tác phẩm, tác giả sẽ có thêm nguồn thu nhập mới trị giá 144.000 USD.

Ông không nghĩ một ứng dụng trí tuệ nhân tạo đủ độ tân tiến, vốn không hẳn là điều quá xa vời, được huấn luyện dựa trên các sáng tác của Elmore Leonard2, chẳng hạn, sẽ không thể tạo ra một bản sao y hệt, bán được như tiểu thuyết của ông ấy? Không hề. Nhưng hãy xét đến cái danh sách best-seller. Nó có phần dễ bị đe dọa bởi trí tuệ nhân tạo vì các cuốn sách trong đó đều được viết ra mà không cần tài năng xuất chúng khi xét đến cái bản chất chúng phô bày. Stephen King dễ bị đe dọa bởi trí tuệ nhân tạo. Danielle Steele còn dễ bị đe dọa hơn bởi trí tuệ nhân tạo. Viết lách càng tệ thì càng dễ bị đe dọa bởi trí tuệ nhân tạo. Tôi từng trò chuyện với Salman Rushdie lúc ở từ Frankfurt, và ông kể có người đã hướng dẫn ChatGPT viết một trang văn theo kiểu Rushdie. Ông bảo tôi nó vụng về một cách kì khôi3. Tôi còn nhận được email đứng ngồi không yên từ các tác giả bảo tôi nên lo ngại về trí tuệ nhân tạo. Nó ở ngoài kia, và không ai biết nên phải làm gì với nó, nhưng nó chả liên quan gì đến những người mà chúng tôi đại diện. Nó chỉ liên quan với những người vốn phổ biến hơn trong văn hóa đại chúng.

Trước tác, bản quyền, v.v. của nhà văn trinh thám đại tài này là do hãng Wylie Agency đại diện.

Đơn giản là phù phiếm, tôi cũng thử hỏi ChatGPT tạo ra bài phỏng vấn theo “kiểu” viết của David Marchese. Tôi thấy các kết quả đề ra đều nhàm chán và thiếu sáng tạo, khiến tôi sau đó rơi vào hố sâu nghĩ rằng có khi A.I. đã chuẩn xác và sự viết lách của tôi QUẢ THỰC là nhàm chán và thiếu sáng tạo. Ai mà biết được.

Ông lý giải thế nào về tính mâu thuẫn trong việc các cuốn sách dở tệ nhưng bán siêu chạy là điều cho phép các nhà xuất bản trả những khoản tạm ứng lớn cho các nhà văn mà ông đại diện? Đó là quan điểm của các nhà xuất bản.

Quan điểm của ông thì sao? Khác.

Hãy giải thích sự khác biệt này. Một là, mục tiêu của những người mà chúng tôi đại diện không phải là trở nên nổi tiếng như ca sĩ Beyoncé. Nó không dính dáng trực tiếp với cái gọi là độ phổ biến rộng rãi trong văn hóa đại chúng. Đặt trường hợp bạn muốn mời khách đến nhà ăn tối. Bạn muốn mời tất thảy mọi người? Hay bạn muốn một danh sách chọn lọc gồm vài nhân vật thông minh, thú vị, hiểu biết và có thể tung hứng với bạn lúc đàm thoại? Tôi nghĩ là vế sau. Có những người tôi không muốn tham gia vào bữa ăn tối này. Họ đáng sống, nhưng họ không cần đến nhà tôi để được thết đãi.

Ông có tiếng trong ngành là một nhân vật – nói thế nào nhỉ – có tính khí nóng nảy. Thậm chí thái độ ngầm khi nhắc đến ông là nỗi khiếp sợ. Ông nghĩ vì sao người ta lại e sợ ông đến vậy? Thời xưa khi chúng tôi không có khách hàng, và vì vậy không có doanh thu, và vì vậy không có tiền mua thức ăn, chúng tôi không khác gì những kẻ chưa ăn gì trong suốt vài tuần: Đó là những kẻ có phần hung hãn hơn trong việc giành giật miếng bánh hamburger. Khi bạn không có gì trong tay, cách bạn biểu hiện trong tình cảnh ấy sẽ là thái độ hung hãn: “Đưa tôi cái gì đó để ăn đi. Làm ơn.4 Đó là giai đoạn đầu của chúng tôi, và người ta thấy nó là hung hãn. Một khía cạnh khác – và đây là chuyện nghiêm túc và có thật – là khi tôi khởi nghiệp có một hãng đại diện tôi sẽ không nêu tên. Một hãng đại diện hàng đầu cho rất nhiều khách hàng. Không ít các khách hàng đó phải tất tưởi mò đến văn phòng của hãng này. Tôi tự nhủ: Sao điều này lại đang diễn ra? Nó không liên quan đến chất duyên của người đại diện, vì tôi không có nó. Tôi nghĩ: Đó là vì cái cách mà dòng tiền vận hành. Tiền đi từ nhà xuất bản đến nhà đại diện rồi mới đến nhà văn. Các hãng đại diện lớn, vì họ có tiền từ các nhà xuất bản, nên nghĩ Tôi là ông chủ của các nhà văn, và đối đãi với nhà văn một cách trịch thượng. Thái độ của họ là: “Anh chả biết gì về kinh doanh, tôi cơ. Tôi có 300 khách hàng. Tôi kiếm được 750.000 USD/năm. Anh không biết gì cả, nên anh phải nghe theo tôi”. Tôi nghĩ, Quái lạ: Cách dòng tiền vận hành đã khiến giới đại diện có nhận thức sai lầm về bản chất thật sự của ngành này, rằng họ đúng ra phải là thuộc cấp của nhà văn. Nếu bạn có cái thái độ kia, nó không chỉ đi trật hướng, mà còn khiến bạn không thể thực sự thấu hiểu công cuộc sáng tác của một nhà văn. Bạn sẽ bảo: “Không, anh ngớ ngẩn vừa thôi. Anh có biết gì đâu, anh chỉ là một cây viết. Còn tôi là người đại diện.” Đây là cách nhìn nhận sai lầm về mọi thứ.

Việc in nghiêng cụm từ này không thể diễn tả hết cái phong thái nhất mực, sói già mà Wylie thốt lên cái cụm từ “làm ơn”.

Có khoảnh khắc nào trong sự nghiệp khiến ông thấy việc bênh vực cho nhà văn không ăn nhập với những thứ giúp các cuốn sách của họ được tìm đọc rộng rãi hơn? Ví dụ ở đây có thể là, tôi không chắc, rằng nhà văn muốn một thiết kế bìa hoặc nhan đề nào đó cho sáng tác của họ, nhưng nhà xuất bản lại cho rằng các lựa chọn khác sẽ giúp sách được bày bán tốt hơn. Tôi không hề có ý thiếu tôn trọng những người đồng nghiệp giỏi giang trong ngành, nhưng thực tế là nhà xuất bản thường đề xuất thiết kế bìa xấu khủng khiếp, không ăn nhập gì với nội dung sách. Lúc đó, bạn cần bảo: “Cảm ơn nhé, nhưng nó xấu khủng khiếp và không ăn nhập gì với nội dung sách. Anh có thể thuê ai có não hoặc thử thiết kế lại hay không?”. Phản ứng của họ trong mọi trường hợp suốt 40 năm trời là, Chúng tôi đã cho khảo sát nội bộ, và mọi người đều ưng thiết kế này. Số lần tôi nghe những lời này phải nói là quá thể. Họ luôn yêu thích những thành quả yếu ớt đến từ cái khát vọng tầm thường của họ. Tác giả đôi lúc bảo tôi, “Lạy chúa, Andrew, anh nghĩ sao về thiết kế này?”. Và tôi nói, “Nó rõ xấu không thể tả, nó chả liên quan gì đến nội dung sách, tôi nghĩ mình cần bảo họ nên thử lại lần nữa.”

Có ví dụ nào cho thấy một nhà xuất bản hay ai đó trong ngành bất đồng ý kiến với ông và sau này quan điểm của họ lại thành ra đúng? Tôi nghĩ điều đó từng xảy ra bao giờ.

Phải có lúc nào chứ. Khi bạn sống một cuộc đời đẹp và may mắn, nó thành ra vậy đấy.

Đây là tâm thế phủ nhận? Chỉ lưu giữ những ký ức chọn lọc, tốt cho mình? Là việc mọi sự xảy ra theo cái cách bạn đã trù định để chúng xảy ra theo ý bạn.

Ông không hề nghĩ ra ví dụ nào cả? Tôi không, nhưng ký ức của tôi không hoàn hảo tuyệt đối.5

clip_image004[7]

Andrew Wylie năm 1972

5 Wylie thực ra có kể với tôi một khoảnh khắc ông (hơi bị) sai, trong trường hợp cụ thể của cuốn “The Plot Against America” của Philip Roth: “Tôi từng nghĩ, Ôi Philip, đây không phải là tác phẩm hay nhất của ông. Và, tất nhiên, nó là cuốn sách thực sự thành công”.

Cảm nhận của tôi là ngành xuất bản trước đây đa phần được vận hành và đong đầy bởi những con người vốn mê sách và hứng thú với văn học, và giờ thì có một bộ phận trong ngành có thể hứng thú với hoạt động phân tích dữ liệu hơn, và họ để tâm đến các bảng biểu lẫn các cụm từ thường được tìm kiếm trên mạng. Ông có thấy mình phải nói chuyện khác đi với họ? Tôi cho rằng có không ít các doanh nghiệp hoạt động trong ngành xuất bản đã thuê một bộ phận nhân sự chỉ chuyên về kinh doanh trong cái nỗ lực vô ích nhằm thu về lợi nhuận đáng kể hơn. Nhưng nó khá là khôi hài, bởi nhóm người này thường không hiểu sự khác biệt giữa việc bán một thiết bị công nghệ và việc bán một cuốn tiểu thuyết hay. Cái lợi thế mà họ mang lại cho các công ty xuất bản thường phản tác dụng bởi họ đưa ra các phán đoán sai lầm và kì khôi, do họ không biết thực chất cái mình đang bán ở đây cái gì. Thực tế là những nhà xuất bản giỏi giang nhất thường là những người biết đọc sách, và cái cách mà họ thông hiểu cuộc chơi thường đến từ những thứ họ hay đọc thay vì tấm bằng thạc sĩ từ Trường Kinh doanh Harvard.

Ông có ví dụ cụ thể cho các phán đoán sai lầm và khôi hài đó không? Câu trả lời là có, có đấy, nhưng tôi sẽ không bàn đến chúng.

Các nhà xuất bản có trở nên tốt hơn chưa trong việc bán sách của các nhà văn do ông đại diện? Tôi không chắc nữa. Quy trình, theo tôi thấy, là thế này: Hồi xưa – thập niên 1980, 1990 – người ta luôn bàn luận về số lượng quảng cáo trên tạp chí, báo giấy mỗi khi một cuốn sách được phát hành. Rồi thì các nhà xuất bản bắt đầu tuyên bố, và rồi dứt khoát, rằng quảng cáo trên báo in không giúp bán sách được nữa. Tôi không thấy nó logic. Vì sao các bộ phim chiếu rạp, chương trình truyền hình nên được quảng cáo trên báo in nếu chúng không mang lại kết quả khả quan? Điều mà họ nên nói là, nếu họ muốn nói lên sự thật, vốn là thứ các nhà xuất bản đôi khi lảng tránh, rằng khoản kinh phí cho nguyên trang quảng cáo trên tờ The New York Times là thứ không thể được thu lại trực tiếp từ số lượng sách được bán ra nhờ trang quảng cáo ấy. Điều đó có nghĩa, kinh phí quảng bá này là thứ gây bất lợi cho bảng cân đối kế toán của nhà xuất bản. Dù thực ra chúng lại là điều có lợi cho bảng cân đối kế toán của một tác giả, vì anh ta chắc chắn không phải bỏ tiền cho trang quảng cáo ấy. Nay thì các nhà xuất bản tuyên bố, dưới góc nhìn thật lòng của họ, rằng cách duy nhất để bán sách là thông qua các nền tảng mạng xã hội và mấy thứ tương tự thế. Tôi đã tham dự nhiều cuộc họp với các nhóm người sành sỏi được thuê trong ngành xuất bản, nói năng như thể họ đến từ một hòn đảo xa xôi và thấu tỏ tương lai 50 năm sau – nghe không khác gì khoa học viễn tưởng. Họ nói, chúng tôi làm này, chúng tôi làm nọ, nhưng kết quả không đo lường trực tiếp được. Tôi thấy mình phản đối dữ dội việc họ tự xem trọng các kỹ năng làm việc trên mạng xã hội và cho rằng chúng có thể tác động lên lượng người mua sách. Tôi thì không tin vào chúng.

Lượng độc giả quan tâm đến dòng sách mà ông hứng thú đại diện có thay đổi hay không trong nhiều năm qua? Không hẳn. Vì sự thống trị của hệ thống đưa sách đến tay bạn đọc6 trong ngành xuất bản, các nhà xuất bản thường dồn nguồn lực lớn hơn cho những cuốn sách ngu xuẩn làm nên danh sách best-seller.

6 Với Wylie, điều này đồng nghĩa với nhà bán hàng trực tuyến Amazon (ở thời điểm hiện tại) và hệ thống nhà sách Barnes & Noble (thời xưa) dưới trướng nhà sáng lập Leonard Riggio.

Tôi sẽ đặt lại câu hỏi: Liệu vị thế của các tác gia hàn lâm có thay đổi hay không ở nước Mỹ? Tôi cho rằng đó là cách nhìn nhận sai lầm.

Cách nhìn nhận đúng ở đây là? Mục tiêu của anh là gì?

Có tầm quan trọng với nền văn hóa? Không. Tuyệt đối không, Ai quan tâm cái [từ chửi] gì cơ chứ? Anh muốn trở nên quan trọng trong cái nền văn hóa này đó hả? Tôi thì không.

Vậy mục tiêu của một nhà văn nên là gì? Chất lượng của một tác phẩm. Cái vẻ đẹp trác tuyệt của một thứ gì đó được diễn đạt cực kỳ điệu nghệ.

Giá trị thương mại thực hoặc có thể cảm nhận được của một tác phẩm văn học chất lượng có tác động hay không đến bản hợp đồng mà ông thương lượng cho các nhà văn mình đại diện? Chà, chúng tôi ráng vận dụng sự duyên dáng trên mức cần thiết trong quá trình thương lượng.

Lời thốt ra từ “Chó Rừng” cơ đấy. Có vài người xem nỗ lực duyên dáng của chúng tôi là giả dối, nhưng họ đã sai.

Tôi không chắc ông đã đọc cuốn sách của Harriet Wasserman hay chưa, người đại diện cũ của Saul Bellow7 ấy. Lạy trời.

Nhan đề sách là “Handsome is Adventures with Saul Bellow”, phát hành năm 1997.

Trong sách có một giai thoại kể rằng có ai đó gọi điện cho bà ấy bảo, bạn muốn gặp Andrew Wylie chứ? Bà nói bà thà lau chùi phòng vệ sinh nam trong ga tàu điện ngầm ở góc Đường 42 và Đại lộ số 8 bằng lưỡi hơn là phải gặp ông. Và có câu nói từ Roger Straus8 bảo Andrew Wylie là cái thằng [từ chửi]. Vì sao ông lại bị xem là một thằng [từ chửi]? Tôi không biết. Đó chỉ là những lời buôn chuyện từ Harriet và Roger, và họ là những người hoàn toàn tốt. Harriet cảm thấy thất vọng vì Saul Bellow bỏ bà để chuyển đến chúng tôi. Roger thì thấy khó chịu vì Philip Roth9 không thích mình là mục tiêu cho cách đối đãi trịch thượng của Roger10.

8 Nhà đồng sáng lập nhà xuất bản quyền uy Farrar, Straus & Giroux (FSG).

9 Tôi thấy điều này khá thú vị: Wylie bảo rằng, khi ông mới quen Roth, nhà văn bảo: “Để tôi nói anh nghe về cái sự vụ Philip Roth nhé? Có 30.000 độc giả. Vài người trong số đó sẽ già đi, và họ chết, và họ sẽ được thay thế bởi những độc giả trẻ hơn. Nhưng họ không bao giờ ở tuổi 35, mặt khác, họ 25 tuổi. Có 30.000 người như vậy”. Roth thực ra đã sai.

10 Các tác phẩm của Roth được FSG xuất bản trước khi ông chuyển sang nhà xuất bản Simon & Schuster.

Tôi để ý đã có lúc ông tự gọi mình là một kẻ trống rỗng11. Ừ. Vài người tôi biết đã phản đối chuyện đó. Nhưng căn bản, trong mắt tôi, nó đúng. Tôi thực sự không xem nó đơn thuần là sự thiếu hụt nhân cách. Tôi từng phỏng vấn người khác vì tôi không biết nên làm gì với đời mình12. Tôi từng nghĩ: Mình sẽ trò chuyện với Mick Jagger. Mình sẽ trò chuyện với Andy Warhol, và mình sẽ tìm ra câu trả lời.

11 Wylie, trả lời phỏng vấn Tạp chí Harvard năm 2010, nói: “Tôi cảm thấy tôi không có cá tính gì của riêng mình, nên tôi luôn thường trực tìm kiếm cho mình một cá tính. Đây có thể là lý do khiến tôi trở thành một nhà đại diện cực kỳ tận tâm! Một nhà văn tìm đến tôi, người ấy sở hữu cái cá tính đã phát triển toàn vẹn cùng một hệ tư tưởng lớn lao được bày tỏ. Tôi thành ra mê mẩn bởi những mối lưu tâm của họ, cái trí tuệ và cái phương thức họ viết lách mà không gì khác có thể khiến tôi bị sao nhãng”.

12 Wylie và nhà văn Victor Bockris từng thực hiện và xuất bản các cuộc phỏng vấn với họa sĩ Salvador Dalí, nhà văn William S. Burroughs và nhà làm phim François Truffaut, được đăng tải trên nhiều ấn phẩm định kỳ.

clip_image006[6]

Wylie với nhà nhiếp ảnh Robert Frank năm 1985.

Tôi hiểu cái động lực ấy. Nếu bạn là một người phỏng vấn giỏi, và tôi nghĩ bạn khá đấy, bạn sẽ phải quên đi cái tôi và đặt mình vào vị trí cái con người mà bạn đang trò chuyện cùng để những gì mà họ nói trở nên cực kỳ quan trọng trong lúc đôi bên đàm thoại. Giả dụ toàn bộ giá trị đời bạn là dựa trên việc bước vào góc nhìn của người khác? Chúng tôi đại diện cho khoảng 1500 cây viết. Đó là cánh đồng phủ đầy giấc mơ. Bạn từ bỏ chính mình, là thứ không gây hứng thú, nó tẻ nhạt, và bạn bước vào góc nhìn của họ và nó cực kỳ giàu đẹp.

Tôi thấy lối suy nghĩ đó vừa thú vị vừa khó hiểu. Chà, một cách logic nó có thể bị xem như là một khiếm khuyết. Bạn chả có gì trong tay, nên bạn trườn vào bộ quần áo của người khác.

Ông cảm thấy như vậy à? Ừ. Nó không phải là thứ cảm giác xấu, tôi muốn bổ sung nhanh ở đây. Nó là thứ cảm giác tốt. Nếu bạn tương tác với mọi người theo kiểu ngụ ý bạn biết tất cả mọi thứ và họ chả biết gì, ít nhiều sẽ chả có gì thay đổi. Mỗi ngày sẽ đều đều như nhau. Bạn là người luôn nắm rõ bức tranh toàn cảnh. Điều đó không khiến tôi hứng thú bằng việc nằm trên băng chuyền xoay vòng của tri thức nơi hôm nay bạn có góc nhìn của người này, ngày mai bạn có góc nhìn của người khác, và bạn không có được chúng từ xa. Bạn thực sự đã bước vào góc nhìn của người đó. Hình ảnh tôi từng có trong đầu: Susan Sontag13, Chúng tôi sẽ cùng ăn tối, luôn là ở một nhà hàng mà bà ấy thấy hợp – tôi từng không biết gì về nhà hàng –và ấn tượng của tôi sau bữa tối là khi chúng tôi bước ra phố, bạn sẽ không thể phân biệt được Susan Sontag và kẻ kia. Tôi đang tháp tùng Susan Sontag? Tôi chính là Susan Sontag.

13 Một khách hàng khác của Wylie.

Có lẽ ông sẽ đồng ý rằng văn chương đa phần ít khi mô tả những kẻ trống rỗng là mãn nguyện hoặc thậm chí là theo chiều hướng tích cực. Chà, chẳng phải đó là tất cả những gì mà “Don Quixote” muốn nói lên hay sao? Có khá nhiều nhân vật trống rỗng.

Sự trống rỗng đó có mặt hay không những lúc ông tương tác với gia đình? Gia đình tôi thường nghĩ tôi có phần hách dịch. Nhưng đó chắc chắn là vấn đề của họ, không phải của tôi.

Ông có bao giờ nghĩ về việc viết một cuốn tự truyện? Không, không, và không. Trước hết, nó sẽ chẳng thú vị gì, và thứ hai, mối quan hệ giữa chúng tôi với những người chúng tôi làm việc cùng không khác gì bác sĩ tâm thần và khách hàng của họ. Bạn không đi tiết lộ bí mật của họ. Nếu tôi tiết lộ bí mật, nhiều người sẽ lên cơn tháo dạ.

Với một người phàm tục như tôi, một kẻ nhà quê trong việc kinh doanh, ông sẽ có lời khuyên gì để tôi chiếm ưu thế trong một cuộc thương lượng? Nếu bạn tin vào thứ bạn đang bán, sẽ đến lúc niềm tin ấy sinh sôi nảy nở ở người khác. Nếu bạn chỉ muốn kiếm tiền, nó không mang tính thuyết phục gì cho lắm. Nhưng nếu bạn thực sự nghĩ bạn đang có trong tay tác phẩm của một thiên tài, đó là điều sẽ khiến người khác tin vào bạn. Đặc biệt nếu bạn còn đại diện cho những con người đa phần đã được công nhận là thiên tài. Nếu bạn không đại diện cho một ai có tác phẩm chất lượng và bạn xuất hiện trước họ, bảo rằng đây là tác phẩm của một thiên tài, có chăng lời nhận định của bạn sẽ bị đối xử với thái độ lạnh nhạt. Nhưng nếu bạn đại diện cho Orhan Pamuk và Sally Rooney và Salman Rushdie và Saul Bellow, Italo Calvino và Borges và Naipaul và Nabokov, và bạn bảo đây là tác phẩm của một thiên tài, phản ứng sẽ là, chà, cái người này có vẻ biết mình đang nói gì đó, vì hãy nhìn cái lý lịch của anh ta kìa. Lý lịch càng mạnh, lời đề nghị càng mang tính thuyết phục.

Có thứ gì liên quan đến chiến lược lâu dài mà ông thấy mình đắn đo, như tầm 15 năm trước chẳng hạn, khi nghĩ về tác quyền của các tác giả trong thời đại số? Không hẳn. Các cuộc chiến nhiều năm qua vẫn vậy. Nó chỉ xoay quanh việc làm sao để đem lại lợi thế thổi phồng lợi nhuận cho mảng phân phối. Ý tôi là, họ chỉ là bầy lũ những kẻ đưa tin. Bạn không cần phải cúi lạy trước Amazon. Không hề. Thế nhưng, “Chà, sao chúng tôi có thể không cúi lạy cơ chứ?”

Câu trả lời ở đây là? Nó giống như tiệc tối nhà bạn: Bạn muốn ai ai cũng tới nhà? Phòng sẽ chật ních. Hay bạn muốn ít khách hơn nhưng họ thật sự hay ho?

Nhưng các nhà xuất bản rất muốn mời mọi người đến chơi nhà, đúng không? Ừ. Họ tham lam. Danh sách best-seller là ví dụ cho sự thành công đạt được số lượng bạn đọc rộng nhất có thể. Nhưng ai là người đang đọc bạn? Một lũ người ba phải và không có giáo dục. Bạn muốn dành thời gian trong ngày với những người này ấy hả? Tôi thì không, cảm ơn.

Thời đại này, tỏ vẻ khinh thường văn hóa đại chúng là điều không hay. Ông có xem đó là thái độ giả tạo? Ông có muốn đưa ra lời biện hộ cho chủ nghĩa tinh hoa văn hóa? Không hẳn. Tôi cho rằng phần lớn tôi đơn thuần được mách bảo bởi cái gu của tôi, và có chăng đó là cái bản tính kỳ quái và tự phụ trong tôi. Tôi không là týp người sẽ bao giờ đặt chân đến Công viên giải trí Disney. Có nhiều người thích đến đó. Tôi không nhất thiết thấy họ lố bịch. Tôi chỉ đơn thuần không có cái gu như họ.

Ông có thể kết lời bằng vài dòng thơ14 được không? Bữa trước tôi có đọc một cuốn tiểu thuyết, và tôi sẽ không nói cho bạn nhan đề, nhưng lúc đọc cuốn tiểu thuyết này tôi thấy rất vui, và nó là một tác phẩm tinh tế và cực kỳ thú vị. Nó khiến tôi nghĩ về James Joyce và cái điều khiến những gì mà ông ấy đã đạt được trở nên thú vị. Và nó khiến tôi nhớ về một đoạn trích dẫn tôi đã nhớ sai. Tôi từng nghĩ nó là “mùi hương của những giác quan”, nhưng rồi tôi tra lại sách, và nó là “mùi hương của những âu yếm”. Nhưng nếu bạn xét đến một người đọc thông thường, cái người chỉ hay đọc sách best-seller, và bạn bảo, xem này, đây là một câu từ thú vị do một bậc thầy văn chương sáng tác: “Mùi hương của những âu yếm xâm lấn toàn thân anh. Với làn da thớ thịt mịt mờ đói thèm, anh câm lặng thèm khát tôn thờ chúng15 – đa phần họ sẽ bảo, “Anh đang nói cái quái gì vậy?” Nhưng đó mới là thứ khiến ta hân hoan vô bờ: cái cách hành câu như thế và tính cẩn trọng của nó và sự chuẩn xác của nó và sự tinh tế của nó và sức mạnh mà nó chạm đến ta.

14 Tôi được bảo, bởi một người quen biết Wylie, rằng ông có tài viện dẫn thơ hay.

15 Đây là trích đoạn từ cuốn “Ulysses” của James Joyce.

Tôi nhờ ông kết lời bằng một bài thơ và ông nổi hứng chọc ngoáy người khác. Con người ông là vậy nhỉ? [Cười] Ôi trời, tệ quá nhỉ. Tôi muôn phần xin lỗi. Tôi yêu đại đồng nhân loại – tôi chỉ không yêu nổi Công viên giải trí Disney mà thôi.

Bài phỏng vấn này đã được biên tập và rút ngắn từ hai cuộc trò chuyện nhằm làm rõ ý hơn cho bạn đọc.

Comments are closed.