Nguyễn Viện ‘phẫn nộ’ và ‘mộng mơ’ trong Cõi người ở lại và Nu Na Nu Nống

Mỹ Hằng

BBC News Tiếng Việt

Nguyen Vien va sach

Nhà văn Nguyễn Viện – người nổi tiếng trong giới văn đàn Việt Nam và hải ngoại bởi những tác phẩm được coi là ‘phản kháng’, ‘ngoài lề’, trò chuyện với BBC nhân dịp ông vừa cho in hai cuốn mới – Cõi người ở lại và Nu Na Nu Nống Xứ Mêman – bởi một nhà xuất bản ‘ngoài lề’.

BBC: Trong nhiều tác phẩm của ông, kể cả trong Cõi người ở lại vừa được in bởi NXB Cửa, luôn thấy sự xuất hiện của tình dục, chửi thề, buồn chán, cô đơn, muốn chết…, xen lẫn các vấn đề chính trị, xã hội như Covid, dân mất đất… Vì sao?

Nhà văn Nguyễn Viện: Vâng, tôi vừa tự in hai cuốn sách mới là Cõi người ở lạiNu Na Nu Nống – Xứ Mêman. Như chị thấy, tất cả mọi vấn đề của cuộc sống như "tình dục, chửi thề, buồn chán, cô đơn, cái chết, muốn chết, Covid, dân mất đất, v.v…" đều được tôi đưa vào tác phẩm của mình.

Đấy là những đề tài tôi thường lập lại và có lẽ, tôi sẽ tiếp tục lập lại, nếu tôi còn viết được. Bởi đấy là những vấn đề vốn dĩ của cuộc sống hôm nay và muôn thuở.

Trong những đặc trưng của văn chương tôi mà chị đã đề cập, tôi chú ý đến chi tiết "chửi thề".

Thật ra, ngoài đời tôi là người không hay chửi thề. Nhưng tại sao tôi lại thích chửi thề trong văn chương? Nói như nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, "sống ở đất nước này, chỉ có thánh mới không chửi thề".

Nếu tôi không chửi thề trong văn chương của mình thì tôi sẽ phát điên đấy.

BBC: Vì sao Nu Na Nu Nống – Xứ Mêman lại dịu dàng cổ tích khác hẳn Cõi người ở lại và nhiều tác phẩm khác. Ông khác đi hay cuộc đời bỗng đẹp hơn?

Nhà văn Nguyễn Viện: Với tác phẩm Nu Na Nu Nống – Xứ Mêman, quả thật đã có khác biệt hoàn toàn với tất cả những gì tôi viết xưa nay, từ văn phong đến đề tài, tôi gọi là "cổ tích mới".

Tôi đã bỏ lại bên ngoài mọi buồn phiền, sự phẫn nộ và bất mãn trong cuộc sống. Để nâng niu và thương yêu cuộc đời này như tôi muốn nó được hướng tới. Đó là sự tha thứ, hy sinh, lòng cao thượng và tình yêu con người dành cho nhau. Như một người mơ mộng.

Tôi đã tự nhủ, nếu phải vất đi tất cả thì tôi chỉ xin giữ lại những câu chuyện cổ tích này.

Khi viết Nu Na Nu Nống, tôi nghĩ đến những đứa bé. Và tôi muốn có một món quà cho chúng.

Còn với cuốn Cõi người ở lại, gồm bốn truyện vừa, vẫn là phong cách nhất quán của tôi. Một diễn ngôn về sự tuyệt vọng và hủy diệt.

Những ám ảnh của tôi về bi kịch con người và sự thất bại của văn minh văn hóa nhân loại.

Cái nền văn minh văn hóa đày ải con người trong ngục tù tư tưởng và sự thống trị xã hội của những tham vọng quyền lực.

BBC: Việc là một nhà văn ‘ngoài lề’ – như ông tự nhận – có ảnh hưởng gì tới con đường sáng tác của ông?

Nhà văn Nguyễn Viện: Tôi viết theo suy nghĩ và thể hiện những suy nghĩ ấy của mình một cách chân thực nhất, điều đó chẳng may lại trở thành cấm kị ở Việt Nam.

Tất nhiên, viết như thế sẽ không được nhà nước cho phép xuất bản. Và rồi, một cách chẳng đặng đừng, tôi trở thành nhà văn "ngoài lề".

Sự chọn lựa này tạo ra hai hệ quả: Một là phẩm giá, tôi có tự do để viết như mình muốn. Hai là tệ hại, tác phẩm của tôi khó đến được với công chúng.

Không thể phát hành bằng sách giấy hay quảng bá trong nước, tôi chỉ còn cách xuất bản ở Mỹ và phổ biến trên các trang mạng, mà các trang mạng ấy như Tiền Vệ, Da Màu, Văn Việt… đều bị ngăn chặn bởi tường lửa.

Thậm chí, tên tôi còn là một thứ "kị húy" trên các phương tiện truyền thông nhà nước.

Sách Nguyễn Viện

BBC: Trong một thời đại mà dường như ai nấy đều kiệt sức, lo lắng, bấn loạn. Thời mà dường như nhiều người hơn tự nhận mình trầm cảm và thiền chánh niệm dường như đang lên ngôi, ông cho rằng tác phẩm của mình sẽ được tiếp nhận ra sao? Liệu có cần đến nhóm đối tượng độc giả riêng, ‘ngoài lề’, cho những ‘nhà văn ngoài lề’?

Nhà văn Nguyễn Viện: Vâng, trầm cảm là một tình trạng đang trở nên phổ biến và thiền chánh niệm là một khuynh hướng mà nhiều người chọn lựa.

Tôi nghĩ, người trầm cảm thì nên đọc tôi như một liệu pháp điều trị, có khi hiệu quả. Người thiền chánh niệm cũng nên đọc tôi như cách để quán chiếu về sự bấn loạn và an nhiên, biết đâu thành đạo.

Tôi đùa chút cho vui thôi. Thật ra, tôi biết tác phẩm của tôi thuộc loại khó đọc, không phải vì sự kiệt sức trong cuộc sống hay trong lề/ngoài lề, mà bởi chính do cách viết của tôi.

Dẫu sao, tôi không phải là nhà văn phục vụ đại chúng. Chắc chắn thế.

BBC: Trong một chia sẻ mới đây trên Facebook, ông có nói rằng "Tôi tự vui là mình vẫn còn viết được, tuy viết cũng chẳng để làm gì", đây có phải là một tự sự khiêm nhường của một nhà văn đã có tiếng tăm ở Việt Nam và hải ngoại như ông?

Nhà văn Nguyễn Viện: Tôi không khiêm nhường đâu. Tôi cũng không thích khiêm nhường. Nhưng quả thật, tôi không viết thì tôi không biết làm gì. Viết với tôi là một cách sống.

BBC: Nếu viết tiếp (và hẳn là ông đang viết tiếp), ông có nghĩ mình sẽ thôi mang vào ‘tình dục, chửi thề, buồn chán, cô đơn, muốn chết’ mà sẽ là những thứ khác?

Nhà văn Nguyễn Viện: Ngoài hai cuốn mới in, tôi cũng vừa viết xong một kịch/truyện mới. Vẫn là số phận con người với thời gian và lịch sử. Và trong thời gian và lịch sử, tôi làm thế nào thoát được sự cô đơn, nỗi tuyệt vọng và những phẫn nộ không thể kìm nén?

Vì thế, những điều như chị thấy trong văn chương của tôi, tôi sẽ vẫn tiếp tục như thế.

Và tôi vẫn sẽ theo đuổi một phong cách đẹp đẽ trong nghệ thuật ngôn từ, cho dù đó là tiếng chửi thề. Một không gian văn chương Nguyễn Viện.

BBC: Nhìn vào văn chương Việt Nam hiện này, ông thấy mang màu sắc gì, còn thiếu tốn gì? Có tác giả trẻ nào thật sự nổi bật?

Nhà văn Nguyễn Viện: Thú thật, lúc này tôi không thể đọc được nhiều vì mắt mờ. Cho dù rất chủ quan, tôi cũng có những cảm nhận của mình. Nói chung, cách nhìn về xã hội và cách viết của những nhà văn trẻ hiện nay đã rất khác với những thế hệ trước.

Họ không có những dằn vặt hay ám ảnh lớn, nhờ thế họ cũng nhẹ nhàng hạnh phúc hơn. Họ có độc giả của họ, nhưng để tìm một tác giả đáng kể thì khó.

Phải chăng, họ thiếu cái cảm thức về lịch sử hay bản thể, hoặc họ không bận tâm đến các vấn nạn chính trị xã hội?

BBC: Ông mang vào truyện của mình Phật, Chúa, các nhân vật lịch sử và văn chương nổi tiếng như Kiều của Nguyễn Du, nhưng đặt họ vào không gian đương đại với thứ ngôn ngữ thô ráp. Có nhận định từ độc giả rằng văn ông ‘lạc lõng’ và ‘khó đọc’, thậm chí gây ‘dị ứng’, nhưng lại ‘không thể dửng dưng với nó’. Có phải đó là mục đích viết của ông?

Nhà văn Nguyễn Viện: "Lạc lõng" và "khó đọc", thì không phải vì tôi muốn thế, nhưng tôi thà như thế chứ không chiều ai ngoài chiều chính tôi.

Như nhà thơ Du Tử Lê đã viết: "Nguyễn Viện là một tác giả gây chia rẽ người đọc nhất" (báo Người Việt), tôi lấy làm thú vị về nhận xét này, cũng như câu hỏi của chị.

Tôi cho rằng, nếu một tác phẩm làm hài lòng mọi người thì đấy là một thảm họa hơn một niềm kiêu hãnh.

Tôi chọn cách "không thể dửng dưng với nó" cho mọi tác phẩm của mình. Dẫu có gây dị ứng, với tôi vẫn là một tín hiệu đáng mừng, nó chứng tỏ tôi rất khác như ông Dương Tường cũng đã viết về tôi (lời bạt cho tác phẩm Thời của những tiên tri giả).

Đây mới là điều thật sự quan trọng với một nhà văn, tôi nghĩ thế.

* Sinh năm 1949 ở Hải Dương, nhà văn Nguyễn Viện có tập truyện được in đầu tiên năm 1995. Kể từ năm 2004, các tác phẩm mới của nhà văn sống ở Sài Gòn này đều do ông tự in, sau khi tiểu thuyết "Thời của những nhà tiên tri giả", ban đầu do NXB Công An Nhân Dân ấn hành, đã bị thu hồi năm 2003.

Ông được chú ý qua các tác phẩm như "Rồng và Rắn", "Thời của những tiên tri giả", "Ngồi Bên Lề Rất Trái" (2011), "Đĩ thúi và phần còn lại ở đời sau (2019)", "Thảo mai trên dốc gió" (2021).

30.12.2022

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-64100174

Comments are closed.