Mất

(Thư gởi con trai)

Nguyễn Đức Tùng

Có lần cha và mẹ đánh mất con trong đám đông. Lúc con năm tuổi.

Đó là ngày trước lễ Giáng Sinh, chúng ta dẫn con đi mua sắm. Những cửa hàng đông nghẹt người giờ cuối cùng. Lẽ ra ta phải biết rằng đó là thời khắc cần cảnh giác. Mẹ con dặn kỹ hai cha con đứng đợi một chỗ trước khi đi sắp hàng ở hiệu bán quà, người xếp hàng dài nhiều vòng. Thế rồi một cuộc gọi điện thoại bất ngờ, một chuyện quan trọng gì đó làm ta mất tập trung mấy phút, không, chưa đầy một phút. Không phải, mấy giây thôi, và con biến mất.

Làm sao con có thể biến mất được? Nhưng đúng như thế. Vì chúng ta đứng sát tường, phía trước là cây cột lớn nên phản ứng tự nhiên là ta gọi lớn lên và chạy vòng quanh cây cột. Không thấy. Chỉ cần không thấy con thôi, tâm trí đã hoảng loạn. Khi bạn hoảng loạn, mọi phán đoán đều sai. Vì người đi dày đặc, không ai có thể chú ý đến ai nên ta buộc phải len lỏi qua hàng người chạy về phía trước, nơi có nhiều khả năng tìm ra con ở đó. Ta càng chạy càng hồi hộp, càng gọi lớn tên con. Có những người quay lại giúp đỡ, nhưng càng không nhìn thấy con đâu, phản ứng tự nhiên làm ta càng di chuyển nhanh hơn. Càng đi nhanh ta càng tưởng rằng sẽ có cơ hội tìm ra con.

Không đúng.

Con biến mất. Ta không thể tìm thấy trong đám đông ấy, trong hướng vừa đi vừa chạy ấy. Nỗi sợ hãi bị mất con làm ta hoàn toàn bấn loạn. Cuối cùng mẹ con đã gọi được cho nhân viên bảo vệ, và khi tới nơi thì ta nhìn thấy con ở đó, đứng bên cạnh một người nữ bảo vệ đang bày các trò chơi trước mặt, những con thú nhồi bông và nhựa thật đẹp, một hộp vuông ru-bích (Rubik’s cube) mà con vốn mê chơi và chơi giỏi. Ta không hiểu họ tìm đâu ra những trò chơi ấy. Cô gái bảo vệ xuất hiện như thiên thần. Sau khi cuống quít cám ơn, chúng ta dẫn con trở lại chỗ cũ, hỏi cặn kẽ xem con lạc như thế nào.

Lúc ấy đã thưa người, hình như trung tâm mua bán đã đóng cửa, chỉ còn ba chúng ta, những người cuối cùng. Thì ra mọi việc xảy ra đơn giản. Con nhìn thấy một vật gì đó và chạy đuổi theo, nhưng nhớ ra liền quay lại chỗ cũ, khi con quay lại chỗ cũ thì ta vừa rời bỏ nó, hai chúng ta cách nhau một cây cột lớn, không nhìn thấy nhau trong một tích tắc, và vì không nhìn thấy cha ở đâu, con hốt hoảng chạy về một phía khác, may mắn có những người phát hiện ra đứa bé đi lạc, dẫn đến nhóm bảo vệ.

Những thất lạc trên đời phần lớn đều như thế.

Chỉ một phán đoán sai lầm. Những giả tưởng, sự hoảng loạn. Sự nghi ngờ. Càng đi xa càng lạc đường. Càng đi nhanh càng lạc đường. Không phải chỉ có trẻ con lạc mất người lớn, mà người lớn cũng lạc mất nhau. Con người không chỉ mất nhau trong đám đông, họ còn mất nhau trong cuộc đời, trong tình duyên, trong lý tưởng sống, trong hôn nhân vợ chồng, trong nghĩa tình bằng hữu.

Trước khi con sinh ra, khi còn nằm trong bụng mẹ, đã có một lần, chúng ta tưởng mất con. Lúc ấy con lên bốn hoặc năm tháng. Những người mẹ đều biết cảm giác ấy, cơn đau bụng, sự xuất huyết, sự động thai. Đôi khi trong cuộc đời sự mất đi lướt qua chúng ta, khẽ chạm vào vai bạn, rồi buông tay.

Chúng ta được tha cho. Mà không biết. Chúng ta bị nhắc nhở mà không hay. Nhắc nhở về hạnh phúc mà chúng ta đang có, số phận may mắn mà chúng ta gìn giữ. Không, bạn không có một lần nào nữa, một cơ hội nào nữa. Sự mất mát chỉ chạm tay bạn một lần trong đám đông, trong cuộc đời. Nếu bạn gặp lại nó, bạn phải đi theo. Con yêu, chúng ta không được đánh mất. Chúng ta phải giữ gìn tình bạn, tình yêu, tình thầy trò, tình mẫu tử, lý tưởng sống, tình đất nước. Giữ nắng gìn mưa.

N ĐT

Comments are closed.