Sự hoàn tất nghệ thuật (tiếng Nga: “Художественное завершение”, tiếng Anh: “Artistic finalization”)

N. D. Tamarchenko, Thi pháp học – Từ điển thuật ngữ và khái niệm thông dụng (N. D. Tamarchenko chủ biên), Nxb Kulagin Intrada, tr. 72-73 .

Lã Nguyên dịch

Theo M.M. Bakhtin, sự hoàn tất nghệ thuật là ranh giới ngữ nghĩa do tác giả – người sáng tạo tạo ra giữa nhân vật và thế giới của nó, ở phía này, và thực tại của tác giả và độc giả, ở phía kia. Cơ sở của sự hoàn tất nghệ thuật là “sự phản ứng tổng thể của tác giả đối với chỉnh thể nhân vật”, đồng thời cũng là phản ứng ở chiều ngược lại của độc giả đối với nhân vật và tác giả. Cũng có thể hiểu sự hoàn tất nghệ thuật là hình thức “chỉnh thể cuối cùng” của tác phẩm, bởi vì theo cách diễn giải như thế, hình thức là kết quả “đồng sáng tạo” độc đáo giữa tác giả và nhân vật.

Đôi khi người ta xem thuật ngữ này là thuật ngữ có tác giả (thuộc về M.M. Bakhtin). Nhưng thực ra nó và tập hợp tư tưởng gắn với nó có nguồn gốc lịch sử sâu sắc, từ thời khá xa xôi: trước hết, trong lí thuyết về kịch (đặc biệt là bi kịch), cũng như trong truyền thống tư tưởng triết học tôn giáo. Khái niệm “sự hoàn tất” có nguồn gốc trong học thuyết của Aristotle về thanh lọc (catharsis). Sau đó, có thể kể tới các bài báo của Schiller về bi kịch và cái bi, ý kiến của Goethe trong cuốn Chú giải “Thi pháp học” của Aristotle. Chuyên luận Sự ra đời của bi kịch từ tinh thần âm nhạc của Nietzsche đã tạo ra một bước ngoặt, trong đó người ta không chỉ tìm thấy tư tưởng về sự ra đời của hình thức có ý nghĩa thẩm mỹ từ hành động gặp gỡ giữa ý thức của nhân vật sân khấu và khán giả, mà còn bắt gặp cả bản thân thuật ngữ đó. Công trình trên và những bài có quan hệ với nó về nguồn gốc (đặc biệt là bài Dostoievski và tiểu thuyết – bi kịch) của Vyach. Ivanov đã tạo thành vấn đề bức thiết đối với Bakhtin. Một nguồn khác giúp Bakhtin hoàn thiện thuật ngữ là mĩ học triết học – tôn giáo của E.N. Trubetskoy, một hệ thống quan niệm được hình thành trên cơ sở tư tưởng của Vl. Solovyov trong sự tranh luận gay gắt với những tư tưởng ấy.

Đóng góp riêng thuộc về M.M. Bakhtin, tác giả Mĩ học sáng tạo ngôn từ là, thứ nhất, quan niệm về tính hoàn tất ngữ nghĩa như là đặc điểm cấu trúc quan trọng nhất của mọi phát ngôn đời sống được trình bày rất rõ trong công trình Vấn đề về các thể loại lời nói. Nhờ đó, có thể đưa khái niệm này vào lí thuyết về các thể loại văn học như đã được thực hiện trong cuốn sách về phương pháp hình thức. Thứ hai, theo quan niệm của ông, phạm vi ngữ nghĩa của nhân vật và thế giới của nó chỉ có được tính chất thẩm mĩ khi hoạt động đời sống của nó được tác giả – người sáng tạo soi sáng và đánh giá từ quan điểm “đời sống bên ngoài”, hay quan điểm “đứng ngoài”, mà không có sự tham gia của nó, của nhân vật, mục đích của nó (và phương hướng ngữ nghĩa của nó).

Tính hoàn tất ngữ nghĩa của tác phẩm đối lập với sự toàn ven hay không toàn vẹn[1], tức là đầy đủ hay không đầy đủ của văn bản: cả hai điều ấy, có thể, hoặc là sự biểu hiện ý chí của tác giả, hoặc là kết quả của hoàn cảnh trùng lặp. Ngoài những sự thực hiển nhiên khẳng định cơ sở của việc phân định như thế (sự không toàn vẹn về hình thức của Những linh hồn chết, hay Anh em nhà Karamazov không cản trở độc giả cảm thụ chúng như là những hiện tượng nghệ thuật thống nhất; sự không toàn vẹn có dụng ý tạo ra hiệu quả nghệ thuật đặc biệt), ở đây còn muốn nói tới ý nghĩa có tính nguyên tắc của ranh giới giữa thế giới của tác giả và thế giới của nhân vật giúp hiểu rõ bản chất đích thực của tác phẩm như một sự thực thẩm mĩ. Theo Bakhtin, hình thức chỉnh thể nghệ thuật được tạo ra bởi sự gặp gỡ giữa các xu hướng ngữ nghĩa của nhân vật và tác giả. Ở mặt này, nhân vật nỗ lực giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn, mang lại cho nó và số phận của nó một ý nghĩa duy nhất nào đó. Ở phía kia, bằng cách tạo ra cho mình và độc giả một hình thức thực sự của nhân vật và thế giới của nhân vật, tác giả – người sáng tạo “đáp lại” cái ý nghĩa đời sống – hiện thực khả thể của chúng. Hình thức “cần có sức nặng nội dung ngoài thẩm mĩ” để nó thực hiện chức năng của mình. Nhưng từ trong bản chất, cái thẩm mĩ lại gắn với quan điểm “đứng ngoài” của tác giả và với sự hiện thực hóa mối quan hệ “tích cực từ bên ngoài đời sống” với nhân vật. Sự định giá thẩm mĩ được phản ánh trong phương thức Hoàn tất nghệ thuật (hình thức của cái chỉnh thể) xuất phát từ thực tại mà trong đó không có nhân vật đối với chính bản thân nó: nó chỉ tồn tại đối với Người Khác (tác giả và độc giả). Điều này có nghĩa là nhân vật không thể biết và không thể nhìn thấy mình như một nhân vật. Với bản thân mình, nó là một người thật, chứ không phải là một tạo tác của trí tưởng tượng nào đó và các nỗ lực sang tạo. Ngược lại: con người có thật, khi tưởng tượng mình là nhân vật (tức là trở thành tác giả – người sáng tạo), phải từ bỏ các nhiệm vụ đời sống của riêng mình và thấy hoạt động của mình trong việc đạt được mục đích, tức là nhìn thấy hoạt động của một Người Khác (nhân vật của mình) mà trong mối quan hệ với nó, khi trước, anh ta chỉ là một nguyên mẫu.

Trong cách giải thích mới như đã trình bày, sự hoàn tất nghệ thuật chỉ là một trong ba bình diện của cấu trúc thể tài (và và cả “loại” nữa), và là bình diện quan trọng nhất, của tác phẩm văn học. Ngoài ra, nó là vấn đề trung tâm của lí luận tiểu thuyết của Bakhtin, vì đặc điểm của thể loại này là sự mô tả “cái đương đại chưa hoàn tất” và hình tượng con người không trùng khít với chính nó, với số phận và vai trò đời sống của nó. Cách giải thích truyền thống về sự hoàn tất nghệ thuật xuất phát từ các thể loại đã hoàn bị và tính hình tượng cổ điển, trong khi đó, tư tưởng về tính chưa hoàn tất của nhân vật tiểu thuyết và hình tượng thế giới của Bakhtin lại gắn chặt với cách giải thích của ông về hình tượng nghịch dị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Aristotle và văn học cổ đại. M., 1978

2. Bakhtin M.M. Tác giả và nhân vật trong hoạt động thẩm mĩ// Bakhtin M.M. Mĩ học sáng tạo ngôn từ. M., 1979

3. Bakhtin M.M. Những vấn đề văn học và mĩ học. M., 1975

4. Goethe I.V. Chú giải “Thi pháp học” của Aristotle// Goethe I,V. Tuyển tập tác phẩm (bộ 10 tập), T.10, 1980.

5. Medvedev P.N. (Bakhtin M.M.), Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học. L., “Priboi”, 1928.

6. Nietzsche F. Sự ra đời của bi kịch từ tinh thần âm nhạc// Nietzsche F. Tuyển tập (bộ 2 tập), T.1, M., 1990

7. Tamarchenko N.D. “Mĩ học sang tạo ngôn từ” của Bakhtin và triết học tôn giáo Nga. M., 2001.

8. Schiller F. Về nghệ thuật bi kịch// Schiller F. Tuyển tập tác phẩm (bộ 7 tập), T. 6. M., 1957.


[1] Dịch từ các chữ “законченность” (“toàn vẹn”, “trọn vẹn”), “незаконченность” (“không trọn vẹn”, “không toàn vẹn”) – ND.

Comments are closed.