Nhà thơ Ý Nhi: Về thế hệ các nhà thơ miền Bắc trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ

Nhà thơ Ý Nhi là một trong những cây bút gạo cội của văn giới Việt Nam. Quá trình sáng tác của bà trải dài từ giữa thập niên 1970, thuộc thế hệ nhà văn kháng chiến chống Mỹ, đi qua thời Đổi mới và văn học hiện đại ngày nay. Với thực tiễn sáng tác đó, cùng với công tác biên tập thơ cho nhà xuất bản Hội Nhà văn trong nhiều năm, bà đã sống cùng, sống với và quan sát thấy sự thăng trầm của một thời đại văn nghệ và những gương mặt văn nhân cùng thời.

Những kinh nghiệm quý báu đó phần nào được truyền tải, từ góc nhìn của người trong cuộc, qua bài phỏng vấn ngắn dưới đây.

Nguyễn Hồng Anh thực hiện

clip_image002

(Từ trái qua) Phạm Tiến Duật, cô phiên dịch, Phạm Hổ, Nguyễn Xuân Sanh, Yevtushenko, Ý Nhi, Xuân Quỳnh, Thúy Toàn, Thái Bá Tân, Tế Hanh.

(Ảnh: nhà thơ Ý Nhi cung cấp)

HA: Là nhà thơ thuộc thế hệ kháng chiến chống Mỹ, nhưng chiến tranh vọng vào trong thơ Ý Nhi không đáng kể, so với những nhà thơ cùng thời như Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Thanh Thảo… Vì sao bà không chọn đề tài có thể xem là dòng chính của văn học nghệ thuật thời điểm đấy?

YN: Xin nói một chút về thơ trong kháng chiến chống Pháp. Nhiều nhà thơ của phong trào Thơ Mới như Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Yến Lan… đã thực sự tham gia vào cuộc chiến, với vị thế và công việc của những người làm văn nghệ. Tuy vậy, họ hầu như không để lại tác phẩm thi ca có giá trị nào cho giai đoạn này. Vì sao vậy? Tôi đã hơn một lần muốn tìm ra nguyên cớ để trả lời cho hiện tượng này, cho sự “cách biệt” giữa con người công dân và sự sáng tạo nghệ thuật của các nhà thơ (*).

Sau họ, các nhà thơ Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt…những người được coi là các nhà thơ trẻ của cuộc kháng chiến và nắm giữ vai trò quan trọng trong lãnh vực văn hóa văn nghệ, cũng không có mấy sáng tác được chú ý. Giữa lúc họ có thể bước vào một thời kỳ sáng tạo mới thì vướng vào vụ Nhân văn – Giai phẩm.

Rốt cục, dường đã có một khoảng trống đáng tiếc.

Đến kháng chiến chống Mỹ thì hình thành cả một lớp nhà thơ nhà văn khá hùng hậu cùng số lượng bài vở cũng “hùng hậu”. Họ gồm những nhà thơ sinh từ khoảng 1940 đến 1950. Họ xuất hiện vào khoảng từ 1960 đến sau 1975, kéo dài đến những năm 80 với đề tài chiến tranh, bên cạnh vài đề tài khác. Thơ của họ gần như chiếm trọn các trang báo (chuyên ngành và trang văn nghệ của các báo, tạp chí khác). Tất nhiên, đề tài được quan tâm nhất chính là cuộc chiến tranh đang diễn ra (giữa hai miền) được gọi là cuộc chiến tranh chống Mỹ, với khuynh hướng ngợi ca – ngợi ca người lính, ngợi ca những chiến công, ngợi ca lòng yêu nước. Khuynh hướng ngợi ca này tràn ngập văn đàn trong một thời gian dài, kể cả sau khi chiến tranh kết thúc. Văn học giai đoạn này gần như không có chỗ cho những cảm thức khác, không có mất mát, thương đau, tổn thất… thậm chí, không có thơ tình yêu theo cái nghĩa nguyên thủy của nó. Các nhà phê bình văn học cũng tập trung ngợi ca tinh thần công dân, ý thức công dân của các nhà thơ và tác phẩm của họ.

Có thể nói, đây là giai đoạn của một nền văn học ngợi ca.

Tôi bắt đầu làm thơ trễ hơn các nhà thơ cùng thời. Khi Bằng Việt,Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh… đã có những bài thơ viết về chiến tranh thì tôi vẫn còn đang đi học ở Đại học Tổng hợp, nơi có mục đích đào tạo các nhà nghiên cứu, chứ không phải các nhà thơ. Bản thân tôi cũng không nghĩ đến việc trở thành… một nhà thơ. Bởi vậy, việc tiếp cận với không khí sáng tác văn nghệ có phần chậm hơn. Thực ra, tôi cũng có một số bài thơ viết về chiến tranh được in trên báo Văn Nghệ hay Tạp chí Văn nghệ vào lúc này nhưng các bài viết còn khá non nớt, hời hợt. (Gần đây, tôi nhờ anh Lại Nguyên Ân tìm giúp bài thơ Tiễn đưa của tôi trên báo Văn Nghệ. Đọc lại, tự thấy mình thực sự đã hô khẩu hiệu – một cách chân thành. Phần thơ Nỗi nhớ con đường – in trong tập thơ chung với Lâm Thị Mỹ Dạ, NXB Văn học, 1974 cũng vậy). Có lẽ đến 1983, sau chiến tranh khá lâu, Cát mới thực sự là bài thơ viết về chiến tranh của tôi.

Tóm lại, so với bạn bè, thơ về đề tài này của tôi quá ư nghèo nàn, có lẽ do cái tạng của tôi.

HA: Thơ Ý Nhi là thơ thế sự, giàu chất triết lý, có những bài thể hiện giọng bâng khuâng, tâm thế phân đôi, như “Một buổi chiều ở Praha” và nổi tiếng nhất là “Người đàn bà ngồi đan”, rất mới so với giọng thơ chung của thời đại. Giọng thơ mới này xuất hiện trước khi Đổi mới (1986). Trong các nhà thơ cùng thời, có ai đi cùng con đường này với bà không?

YN: Thời gian đầu, nói như nhà thơ Hoàng Hưng và một số nhà phê bình văn học khác, tôi cũng nhập vào “dàn đồng ca” của thế hệ mình. Nhưng giai đoạn sau, khoảng những năm tám mươi, tôi tách ra (có thể là vô thức) để đi theo con đường riêng. Ngay cả những bài thơ dễ được/bị coi như viết về chiến tranh như Người lính, Hai người của tôi thì cũng không hẳn là về chiến tranh hay hậu chiến. Với tôi, nó mang một ý nghĩa khác, rộng hơn, sâu hơn về cuộc sống. Đó là cuộc đời với phận người nói chung thôi. Hình ảnh “người lính” trong đó lạc lõng với những người xung quanh, không hoà nhập được với cuộc đời này vì anh đã đi trước họ rồi, anh phải chịu những thiệt thòi mà người khác không phải chịu. Bài thơ Hai người cũng vậy, đơn giản, họ là hai người đã chịu nhiều mất mát, đi bên nhau, nương tựa vào nhau mà thôi.

Lúc này, nhiều nhà thơ khác cũng đã “tách” khỏi dàn đồng ca của giai đoạn chiến tranh, để mở những lối đi cho mình. Họ vẫn có thể viết về chiến tranh nhưng với một cách nhìn khác, một tâm tưởng khác, một cách biểu hiện khác. Chiến tranh là một vết thương khó lành.

Thực ra, đó là điều hoàn toàn tự nhiên, là nhu cầu tự thân của lao động sáng tạo. Và, nhiều nhà thơ cùng thế hệ với tôi đã đạt được những thành tựu đáng trân quý. Ta có thể kể đến Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Hoàng Hưng,…

Còn về Đổi mới? Người ta thường nghĩ nhờ có Đổi mới nên mới ra đời tác phẩm mới. Tôi không nghĩ vậy. Tất nhiên sáng tác có chịu sự ảnh hưởng của thời đại, nhưng sự thay đổi xã hội bao giờ cũng bắt đầu từ sự thay đổi từ bên trong, từ tư tưởng của các cá nhân. Một số sáng tác với hệ thống triết mỹ mới đã được viết từ trước 1986 (cái mốc được đánh dấu cho thời kỳ đổi mới), như truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn. Tôi nghĩ khi viết Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh không bị chi phối bởi những gì xảy ra bên ngoài xã hội. Điều chi phối nhà văn, chiếm lĩnh toàn bộ tâm cảm của ông chính là cuộc chiến mà ông tham dự với vai trò một người lính.

Với riêng tôi, mọi sự thay đổi, có lẽ bắt đầu từ bài thơ Một buổi chiều ở Praha, viết vào năm 1981, trong chuyến thăm Tiệp Khắc. Điều này cho thấy tự do trong sáng tạo của các nhà văn là điều quyết định, nó không chờ đợi sự cho phép. Và, tôi khá ngờ vực những tác phẩm được viết bởi sự cho phép. Tuy nhiên, cần thừa nhận, sự thay đổi trong nhận thức, trong các hoạt động xã hội là vô cùng quan trọng. Ví dụ, sự đổi mới của báo Văn nghệ dưới thời nhà văn Nguyên Ngọc đã thực sự khuyến khích tài năng Nguyễn Huy Thiệp. Cùng với ông là Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương và nhiều nhà văn nhà thơ khác. Cũng vậy, khi Nỗi buồn chiến tranh ra đời, nó không những được chấp nhận mà còn được đánh giá rất cao, được quảng bá, chính là nhờ không khí lành mạnh của thời kỳ đổi mới. Tiếc rằng, không khí đó chỉ ít lâu sau đã bị vẩn đục.

HA: Bà đánh giá như thế nào về dòng văn học kháng chiến chống Mỹ nói chung?

YN: Thật sự đó là dòng văn học có thành tựu. Tôi cho thế hệ đó là một thế hệ rất đẹp trong nền văn học Việt Nam, một thế hệ đáng nhớ, đáng trân trọng. Họ đã sống và viết với nhiệt huyết của những người chiến sĩ. Nhiều người trong số họ là những người lính thực sự như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Trần Vũ Mai, Ngô Thế Oanh… Những người khác, sống trong những tỉnh thành, những làng quê đang bị ném bom khủng bố, đang chịu đựng những khó khăn do cuộc chiến gây ra. Họ là những nhà thơ của một cuộc chiến. Tuy nhiên, qua sàng lọc của thời gian, thành tựu để lại không còn nhiều.

Có thể tác phẩm của thế hệ ấy rất hữu ích thời đó, vì thấm nhuần ý thức công dân của một giai đoạn đặc biệt. Nhưng cần có độ lùi để có một sự nhận chân giá trị của tác phẩm văn học. Sau mấy chục năm nhìn lại, giá trị ấy rõ ràng đã bị thu nhỏ lại. Không những các nhà xuất bản, khi làm các tuyển tập (như tuyển tập Tinh hoa thơ Việt của NXB Hội Nhà văn) chọn rất ít những bài thơ viết vào thời kỳ chiến tranh của họ, mà các tác giả, khi làm tuyển tập cho chính mình, cũng dành sự ưu tiên cho thơ giai đoạn sau (khoảng từ 1985 trở đi). Có thể, vì giai đoạn sau khá dài, lúc này các nhà thơ đã trưởng thành (tuổi tác, nghề nghiệp, trải nghiệm), nên các thành tựu thơ của mỗi người phong phú hơn, sâu sắc hơn, có giá trị nghệ thuật cao hơn.

Dù vậy, “sự lãng quên” thành tựu thơ thời chiến tranh vẫn là một dấu hỏi, chờ đợi được tìm hiểu, giải thích. Ngoài sự “cách biệt” giữa con người công dân và sự sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ, liệu còn có nguyên nhân nào sâu xa hơn?

HA: Bà nhìn nhận thế nào về đề tài hậu chiến trong văn chương Việt Nam?

YN: Tôi rất thích một truyện ngắn của Elsa Triolet, vợ của Aragon, viết về chiến tranh: Truyện kể về một người phụ nữ rất nhiều năm đợi người chồng từ mặt trận về. Khi chồng sắp được về nhà, bà tất bật lo toan, sửa soạn nhà, chăm chút bản thân trong hy vọng. Thế nhưng, khi người lính trở về thì bà lại từ chối cuộc gặp vì cảm thấy nhan sắc mình đã tàn tạ. Đó là một truyện chiến tranh hay, về người ở hậu phương, nhưng cho thấy sự tàn phá của chiến tranh đối với cả một đời người, sự tổn thương sâu sắc nhất có khi không phải là trên chiến trường. Văn học hậu chiến Việt Nam cũng vậy, với những tác phẩm rất có giá trị như Bến không chồng, Nỗi buồn chiến tranh,… Tôi nghĩ sự ngoái nhìn lại một cuộc chiến như thế thấm thía hơn là khi chúng ta đang cầm súng trên chiến trường.

HA: Theo quan sát của bà, mảng đề tài về chiến tranh có còn sót lại nơi thơ ca đương đại Việt Nam không?

YN: Có lẽ không còn, đã qua một thế hệ khác, sống một cuộc đời khác và chiến tranh đã không còn ở độ gần nữa. Mừng cho họ.

Sài Gòn, 11/10/2022

clip_image004

(Từ trái sang) Thanh Thảo, Bùi Minh Quốc, Ý Nhi, Trần Ninh Hồ, Bằng Việt ở Alma Ata

(Ảnh: nhà thơ Ý Nhi cung cấp)

(*) Trong bài viết về Tế Hanh: “Đời tôi thực hay mộng. Đời tôi buồn hay vui” (Ý Nhi, Kỷ niệm không có mưa, NXB Đà Nẵng, 2018), tôi đã nhắc đến điều băn khoăn này: Tế Hanh viết rất ít hay, có thể nói, ông gần như không viết được. Và không chỉ riêng Tế Hanh. Nhiều nhà thơ của phong trào thơ mới như Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên đều hăng hái tham gia Cách mạng tháng Tám và kháng chiến giải phóng dân tộc nhưng cũng viết ít và không để lại dấu ấn. Và, không chỉ các nhà thơ. Tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này là một công việc đòi hỏi nhiều công phu và xin bàn vào dịp khác.

Comments are closed.