Phỏng vấn nhà thơ Du Tử Lê: “Dù tôi có lên tiếng hay không, sự thật vẫn còn đó”

Trong sự kiện văn chương rất náo nhiệt suốt thời gian qua trong nước, một trong những người được coi là ” trong cuộc” là nhà thơ Du Tử Lê, nhưng ông lại chẳng hề lên tiếng. Thật đáng để thắc mắc. Khi hẹn ông trao đổi về chuyện này, tôi thấy rõ ông ngập ngừng ít lâu, nhưng rồi nhận lời.

Thế nhưng việc nhận lời của nhà thơ Du Tử Lê cũng rất oái ăm: Ông đề nghị phần trao đổi không được nhắc đến cụ thể tên của một người nào, cũng như xin dừng “bẫy” ông vào đại cục của một đợt phán xét căng thẳng có liên quan đến ông, hiện tại,

Du Tử Lê nói ông chỉ muốn im lặng. Trong phần hỏi-đáp rất ngắn dưới đây, nhà thơ Du Tử Lê có giải thích về sự im lặng của ông, với nhiều ngụ ý.

clip_image001

1. Văn nghệ Việt Nam, hay nói rõ hơn là văn nghệ ngôn ngữ Việt, vẫn xảy ra rất nhiều scandal từ nhiều năm nay. Gần đây chẳng hạn. Nhưng giữa xôn xao ấy, điều rất lạ là ông từ chối lên tiếng và trả lời với nhiều nơi, dù có liên quan đến mình. Ông có thể cho biết vì sao?

DTL: Tôi từ chối lên tiếng, trả lời chỉ vì đơn giản, tôi nghĩ, đó cũng là một thứ tai nạn. Khi một tai nạn xảy ra, tôi tin cả hai phía đều không ai mong muốn. Vì thế, trước tấm lòng của những nhà báo nghĩ tới và hỏi tôi, tôi chỉ có một câu trả lời, rất thành thật là:

“Cám ơn. Mong mọi chuyện sớm qua”.

2. Trong một lần trò chuyện, ông có nói rằng mình thấy sợ hãi cuộc sống bên ngoài nên đã chọn cách tồn tại và im lặng. Nhưng đôi khi im lặng có biến mình thành phía khác của sự thật và cái đúng không, theo ông?

DTL: Anh cho tôi một câu hỏi rất sâu sắc. Tôi từng bị đôi người cho rằng: Khi tôi chọn cách “tồn tại và im lặng” thì vô tình hay hữu ý, tôi đã “phản bội sự thật!” Tôi đã cổ súy cho cái sai! Dung dưỡng cái không đúng!…

Câu trả lời quen thuộc của tôi là: “Xin lỗi! Đó là tính trời! Biết sao giờ?”

Tuy nhiên hôm nay, ở đây, bằng vào tình thân có giữa chúng ta, tôi xin nói rõ quan điểm của mình:
– Tôi cho rằng, đứng trước sự thật, chúng ta chỉ có duy nhất, một sự thật. Trường hợp nào thì cũng không thể có hai sự thật… Cũng vậy, khi chúng ta đúng trước cái sai, cái không đúng…

Cũng khởi từ tình thân chúng ta có với nhau thì, Tuấn Khanh cho tôi được thêm rằng:

“Im lặng đôi khi mang ý nghĩa của sự tha thứ, im lặng đôi khi còn vì hoàn cảnh… Nhưng tôi vẫn thấy: Tôi im lặng vì tôi biết, với thời gian, sự thật vẫn nguyên vẹn đó. Và tôi không có khả năng đánh tráo hoặc đổi thay nó được”.

Nói cách khác, trước sự thật hay đúng sai, dù tôi lên tiếng hay không thì cũng chẳng vì thế mà nó bị biến dạng, dù lúc nào, ở đâu.

3. Thế giới văn nghệ nhìn qua thì rất đẹp, nhưng thật sự bên trong đầy những tai ương. Có thể là ghen ghét, có thể là bất phục… từ đó dẫn đến chuyện giày xéo lên nhau. Ông đã bao giờ đứng trước một bối cảnh như vậy? Đối diện với nó, ông đã làm gì?

DTL: Tôi xin trả lời anh ngay rằng, trong quá khứ, tôi không chỉ phải đối điện với những tai ương như anh mới nói, mà tôi còn từng là nạn nhân những tai ương đó nữa.

Gần đây nhất, có người đã thay đổi một vài chữ ở một vài đoạn thơ, trong một bài thơ của tôi, rồi tung lên Internet với những kết án, chụp mũ, nguyền rủa bằng những ngôn ngữ không thể bình dân hơn! Lập tức hàng chục cá nhân khác nhao nhao “ném đá” tôi, như nấm độc mọc sau mưa!
Tôi vẫn chọn thái độ im lặng.

– Tại sao?
Bởi vì tôi nghĩ, nếu việc chụp mũ, ném đá tôi là một “khoái cảm”, dù là thứ khoái cảm thấp hèn hay bệnh hoạn, tâm thần… thì, tôi nghĩ chí ít, tôi cũng đã làm được một việc… “hữu ích” là đem lại cho đám người đó, những giây phút “khoái cảm bệnh hoạn” ấy.

Giả dụ có một ai đó, đủ liêm sỉ, dương danh với đầy đủ tên tuổi, địa chỉ thực và, nếu tôi thấy kẻ đó đáng cho tôi quan tâm, thì tôi chắc chắn tôi sẽ nhờ đến tòa án, như đã từng. Ngoài ra, tôi sẽ không để những chuyện đó ảnh hưởng tới công việc hàng ngày của mình. Tuấn Khanh hiểu, quỹ thời gian của tôi còn lại quá ít, để mất thì giờ vào những chuyện như thế.

4. Sau năm 1975, khi nền văn nghệ của người Việt hải ngoại hình thành, đã có một sự ngăn cách rõ về tư tưởng, quê hương…. Thậm chí việc không nhìn nhận nhau thông qua lăng kính chính trị cũng khiến sự cách biệt này lớn hơn nữa, tạo ra một khoảng không dễ dàng “vay mượn” lẫn nhau mà không cần nhìn nhận – đã có rất nhiều chuyện như vậy với cả hai phía. Đứng ở phía của một người làm văn nghệ ngôn ngữ Việt, có được trải nghiệm về việc không được nhìn nhận, ông cảm thấy thế nào?

DTL: Tôi vẫn quan niệm, giữa “nhìn” và “không” nhìn nhận có một “bản lề” lớn. Bản lề đó là “sự im lặng của đám đông”.
Động lực khiến tôi còn có thể tiếp tục làm việc tới ngày hôm nay, chính là sự tin tưởng của tôi, vào đám đông thầm lặng đó.

5. Chúng ta đã nói về sự cách biệt của người Việt, văn chương Việt, nhưng giữa nghịch cảnh ấy, vẫn có những động thái cá nhân đi qua biển, bơi về phía nhau, tạo dựng một khung cảnh mới: Người Việt trong nước bác bỏ kiểm duyệt gửi sách ra hải ngoại để in, người Việt hải ngoại thì tìm cách để lọt qua các khe hở để tiếp cận đồng bào mình. Thưa ông, đó có là một dự báo về tương lai?

DTL: Cám ơn câu hỏi này của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Tôi từng nói ở nhiều nơi rằng, chính thể nào rồi cũng sẽ qua đi. Cái còn lại sau cùng, vĩnh cửu vẫn là dân tộc, là đất nước. Mà, văn hóa nghệ thuật là một phần quan yếu của dân tộc đó. Nên nó sẽ tồn tại, sẽ sống sót đó, dù ở thể trạng nào.

6. Giả sử tôi đã lấy gì đó trong văn nghiệp của ông, gọi tên là của mình. Có thể đó là nỗi ám thị về ham muốn cái đẹp, có thể là kẻ trộm vặt, nhưng nếu tôi gọi điện thoại để thú nhận với ông. Chỉ một câu thôi, ông sẽ trả lời ra sao, thưa ông?

DTL: Tôi xin trả lời Tuấn Khanh ngay, rằng: “Cảm ơn và, hãy quên đi.”

(Ghi lại)

Nguồn: https://nhacsituankhanh.wordpress.com/2015/10/26/phong-van-nha-tho-du-tu-le-du-toi-co-len-tieng-hay-khong-su-that-van-con-do/

Comments are closed.