KHÁI NIỆM LỢI ÍCH NHÓM, NHÓM LỢI ÍCH VÀ CÁC LỢI ÍCH NHÓM Ở VIỆT NAM(*)
Nguyễn Hữu Đễ (**)
Ở nước ta những năm gần đây đã nói nhiều đến lợi ích nhóm, nhưng nội dung của nó còn nhiều cách hiểu không thống nhất. Nhiều ý kiến đã đồng nhất nó với khái niệm nhóm lợi ích. Khi bàn đến vấn đề này có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Vì thế bài viết này tiếp cận theo hướng coi lợi ích nhóm như là yếu tố cản trở sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế và của xã hội. Từ cách tiếp cận này, bài viết xác định nội hàm của khái niệm lợi ích nhóm và chỉ ra những biểu hiện cụ thể trong lĩnh vực kinh tế mà các lợi ích nhóm gây ra những tác động tiêu cực cho sự phát triển của nền kinh tế của nước ta hiện nay.
Theo các tài liệu nước ngoài, khái niệm nhóm lợi ích tuy có nhiều cách định nghĩa khác nhau, nhưng đều thống nhất ở nội dung cơ bản: Nhóm lợi ích là tập hợp những người cùng mục đích, có chung lợi ích. Phương thức hoạt động chủ yếu của nó là tìm cách tác động lên chính quyền ( nghị viện, chính phủ, các hội đồng địa phương) hoặc khai thác sự đa nghĩa trong một số điều khoản luật nhằm đạt được những lợi ích cho nhóm, tiêu biểu là những hoạt động vận động hành lang (lobby). Trong lịch sử hình thức hoạt động này đã tồn tại từ rất sớm khi các nước đều đánh giá cao vai trò quan trọng cả chính khách trong hoạt động ngoại giao giữa các nước cũng như những chính sách lớn trong phát triển đất nước.
Ở nước ta, trong những năm gần đây vấn đề lợi ích nhóm đã được đề cập nhiều và bắt đầu từ sự khẳng định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu kết thúc Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 10 – 10 – 2011 khi nói đến những cản trở đối với việc tái cấu trúc nền kinh tế của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đó là tư duy nhiệm kỳ, cục bộ địa phương và lợi ích nhóm. Như đã biết, vấn đề lợi ích nhóm vốn đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội ở nước ta. Nó đã xuất hiện và phát triển một cách tự nhiên cùng với các đổi mới trong đời sống kinh tế – chính trị của đất nước những năm qua. Sự tồn tại của nó trước kia thường gắn liền với các tổ chức Đoàn thể xã hội, ngành nghề. Tuy nhiên, lợi ích nhóm chỉ thực sự trở thành vấn đề bức xúc khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường với những tác động tiêu cực của nó.
Nhưng tại sao ở các nước, các nhà lý luận chỉ nói và bàn đến nhóm lợi ích mà không bàn trực tiếp đến lợi ích nhóm? Còn ở nước ta tại sao các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước lại chỉ nói “Lợi ích nhóm”, những nhà quản lý thì nói đến lợi ích cục bộ và nhiều nhà nghiên cứu lúc nói “ Nhóm lợi ích” lúc nói “lợi ích nhóm”?
Trước hết, nói về khái niệm nhóm lợi ích. Đây là khái niệm được xác định tương đối rõ ràng đối với các nước phát triển với nội dung chủ yếu đã nêu trên. Đặc trưng của nó là tính tổ chức và cơ chế hoạt động nhằm đạt được lợi ích cho nhóm của mình. Đó là tính bền vững có chủ đích của tổ chức và cơ chế hoạt động nhằm đạt được lợi ích cho nhóm của mình. Đó là tính bền vững có chủ đích của tổ chức với phương thức hoạt động chủ yếu là vận động hành lang. Vì thế, tuy có những nhóm lợi ích tác động tiêu cực nhưng đa số là mang tính tích cực khi nó giúp chính quyền tiếp cận nhanh những thông tin bổ ích trước khi đưa ra một chủ trương, một quyết sách cho sự phát triển đất nước. Sự tác động có tầm ảnh hưởng to lớn đối với chính quyền thường được đề cập chủ yếu là các nhóm lợi ích kinh tế. Ở đây có thể chia các nhóm lợi ích thành hai loại: Nhóm lợi ích công – các hiệp hội, Đoàn thể – vận động cho lợi ích của một số đông hoặc toàn xã hội như bảo vệ môi trường, các công đoàn, hội nông dân….và nhóm lợi ích tư thường là các tập đoàn, công ty trong lĩnh vực kinh tế chỉ vận động cho lợi ích cục bộ của công ty, tập đoàn mình. Chính những nhóm lợi ích tư lại thường có khả năng cấu kết chặt chẽ và vì thế, thường thành công hơn những nhóm lợi ích công trong việc hưởng lợi từ các chính sách của nhà nước do họ có tiềm lực tài chính hơn trong vận động hành lang. Vậy thì với nghĩa này, ở Việt Nam có tồn tại các nhóm lợi ích hay không? Có thể khẳng định là có và chúng phát triển dần cùng với sự hoàn thiện của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nước ta.
Chúng ta hãy xét định nghĩa của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên khi ông cho rằng, khái niệm nhóm lợi ích ở Việt Nam hiện nay là một số ít người có khả năng chi phối, hoặc thao túng, điều khiển cán bộ quản lý, từ đó có những quyết định, chủ trương tạo ra “siêu lợi nhuận” cho các thành viên trong nhóm, bất chấp thiệt hại của Nhà nước và của nhân dân. Có ý kiến khác cho rằng, khái niệm nhóm lợi ích hiện đang đề cập được hiểu là sự chi phối tiêu cực của một nhóm người, nhóm doanh nghiệp, ngành có lợi ích tương đối thống nhất, gần gũi nhau, liên kết nhau và được thực hiện một cách bất minh thông qua những tác động chính sách mà công luận không thể giám sát được, pháp luật không thể điều chỉnh được. Một cách công bằng, khái niệm lợi ích nhóm phải được hiểu rộng hơn. Trong xã hội hiện đại, khi tồn tại nhiều giai tầng, nhiều ngành nghề, nhiều tuyến lợi ích đan xen, lúc thì thống nhất, lúc thì mâu thuẫn nhau về lợi ích trong việc chiệu tác động của chính sách nhà nước, thì việc tồn tại các lợi ích nhóm là một thực tế phải chấp nhận. Nhưng phải chăng ở nước ta chỉ tồn tại các lợi ích nhóm chứ không có nhóm lợi ích theo nghĩa phổ biến mà nước ngoài đã công nhận? Qua rất nhiều lý giải khác nhau thì ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại rất nhiều tổ chức doanh nghiệp hoạt động theo đúng nội dung của khái niệm nhóm lợi ích như đã nêu trên. Vì vậy, theo nghĩa này và trên thực tế, chúng ta thấy ở Việt Nam đã và đang tồn tại các nhóm lợi ích. Chúng ta có thể kể đến một loạt các nhóm lợi ích tiêu biểu ở Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế như Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam ( VASEP), Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA), Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HOREA)….
Ngoài ra, bên cạnh các hiệp hội, nhóm lợi ích có tổ chức và đăng kí hoạt động chính thức như trên, ở Việt Nam hiện nay còn tồn tại rất nhiều các nhóm lợi ích nhỏ lẻ khác, đôi khi chỉ liên quan tới một số công ty, cá nhân.. tập hợp lại như một liên minh tự nhiên khi lợi ích chung của họ bị ảnh hưởng. Nhìn chung, thời gian qua các nhóm lợi ích đã tích cực hoạt động nhằm bảo vệ lợi ích cho các thành viên của mình, như VASEP điều phối việc tham gia vụ kiện chống bán phá giá cá da trơn ở Mỹ của các công ty thủy sản Việt Nam, hay VAFI thường xuyên đưa lên ủy ban chứng khoán Nhà nước các kiến nghị liên quan đến chính sách phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam có lợi ích cho nhà đầu tư…Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy trong thực tế là đa số các trường hợp lợi ích nhóm sẽ mâu thuẫn với lợi ích cộng đồng, thậm chí với lợi ích quốc gia. Ngoài ra, trong một số trường hợp còn có thể tồn tại một liên minh không chính thức giữa các nhóm lợi ích của Việt Nam với các nhóm lợi ích của nước ngoài. Ví dụ, trước đây, trong dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam được đề xuất người ta có thể thấy các nhà thầu Việt Nam, những người trong tương lai có thể được hưởng lợi từ việc triển khai dự án này, đã nhận được sự hậu thuẫn lớn từ các đồng nghiệp Nhật Bản. Đây là những nhóm lợi ích thuộc về lĩnh vực kinh tế. Các tổ chức đoàn thể, như Công đoàn, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh,… cũng là những nhóm tổ chức hoạt động nhằm đấu tranh và bảo vệ quyền lợi của nhóm mình. Ở nước ta các đoàn thể xã hội, các hội hoặc hiệp hội đã và đang hình thành, hoạt động bảo vệ và mở rộng lợi ích hợp pháp, chính đáng của các thành viên của mình. Tuy nhiên, do tổ chức lỏng lẻo và năng lực yếu, nhiều tổ chức này chưa làm tốt vai trò của mình trong việc bảo vệ và phát triển những lợi ích hợp pháp của các thành viên.
Khi nói về các nhóm lợi ích hoạt động trong lĩnh vực kinh tế là muốn nói tới ảnh hưởng tiêu cực của nó đói với chính quyền. Đây là những nhóm thường cấu kết với những người có quyền ra quyết định hoặc có thể tác động đến chính sách vì lợi ích riêng của họ mà làm tổn thương đến lợi ích của các nhóm khác, lợi ích của số đông, đặc biệt là lợi ích quốc gia. Vì thế, đã có ý kiến khẳng định rằng, bản chất của nhóm lợi ích ở Việt Nam hiện nay là một tổ hợp có tổ chức của những người cùng chung một số mục đích, cùng chung lợi ích và họ tìm mọi cách tác động đến cơ quan, người có quyền theo hướng có lợi cho mình. Khi họ đạt được mục đích riêng thì lại xâm hại đến lợi ích chung của toàn xã hội. Như vậy, tính tiêu cực của nhóm lợi ích chính là vì lợi ích riêng mà làm tổn hại đến lợi ích chung. Còn ở các nước phát triển thì các nhóm lợi ích hoạt động trong lĩnh vực kinh tế nhờ có luật lobby rõ ràng mà kết quả sự ra đời của chính sách sẽ làm cho cả hai bên có cùng lợi ích. Nghĩa là các nhóm lợi ích hoạt động lobby để nhằm tới cái mà họ đáng được hưởng nếu quyết sách ra đời đúng thời điểm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp sẽ xảy ra xung đột giữa các nhóm lợi ích với nhau; do đó, cũng dễ dẫn đến những tiêu cực trong hành động lobby. Điều này giải thích tại sao các nước đó đang cố hoàn thiện các điều luật về lobby. Ở các nước phát triển, các nhóm lợi ích sử dụng những phương thức hợp pháp, từ vận động hậu trường, tài trợ cho việc lập chính sách đến vận động phiếu bầu, phản đối qua công luận…Tuy nhiên, nếu ở nước nào tồn tại một nền chính trị không minh bạch thì hình thức vận động hiệu quả nhất vẫn là mua chuộc quan chức.
Còn ở Việt Nam, khi nói về các nhóm lợi ích dạng này người ta sẽ dễ dàng liên tưởng đến những “Sân sau” của các công ty nhà nước, những tập đoàn độc quyền có khả năng ảnh hưởng đến chính sách Chính phủ, thao túng thị trường ( sữa, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, điện lực, ô tô…); những lĩnh vực phát triển sử dụng nhiều tài nguyên và tài sản quốc gia. Đặc biệt, ở Việt Nam, việc có tiền vẫn chưa đủ mà còn cả quan hệ thân quen mới đạt ưu thế trong lobby. Đây cũng là điều kiện làm tăng khả năng tham nhũng trong cán bộ lãnh đạo chính quyền. Nhìn chung, ở đâu cũng vậy, các nhóm lợi ích đều muốn hai thứ từ nhà nước: Các đặc trợ từ chính sách ( thuế, trợ cấp, quyền độc quyền…), và sự ưu ái của các quan chức thực thi chính sách ( các hợp đồng với nhà nước, sự bảo kê…) để đem lại những siêu lợi nhuận.
(*) Bài viết là kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ số 18/HĐKH – KHXH “Lợi ích nhóm và tác động của nó đến chính sách phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam hiện nay”
(**) Phó Giáo sư, tiến sĩ, Trưởng phòng, phòng Triết học xã hội, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
________________________________________
Bài đăng trên tạp chí Triết học số 10
Nguồn: http://triethoc.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=266e8abb-f3dc-4386-bb06-bac63187b6a5