Đôi điều về hội họa của tôi

Giáng Vân

 

Không có mô tả.

 

“Đi”, tựa đề cho triển lãm này là gì? Là TÔI, đang trong hành trình, hành trình của riêng tôi trong hội họa. Đang “Đi” nghĩa là đang vẽ, đang sống, đang trải nghiệm đời sống, với tất cả những cung bậc buồn vui của đời người biểu đạt bằng màu, bằng hình, bằng bố cục.

“Đi” không hướng đến một cái đích cụ thể nào. Bản thân “Đi” mới chính là mục đích trong nghệ thuật của tôi. Bằng sự “Đi” để tôi tìm ra tôi. Cái "tôi" đó cũng biến đổi theo thời gian, theo trải nghiệm, theo sự thay đổi của tư duy, của mỹ cảm của riêng tôi. Tôi không nhắm cho mình một đích đến cụ thể nào. Màu sắc, tư duy, mỹ cảm… đều được biểu hiện bằng tác phẩm. Vì thế tác phẩm chính là tâm hồn tôi, là cái quãng sống, là nội tâm của tôi mà bạn có thể nhìn thấy.

Hành trình của một họa sĩ, tôi bước vào chưa lâu. Bắt đầu học vẽ đầu năm 2017, “Đi” là triển lãm cá nhân lần thứ 6 của tôi. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên vì sự dày đặc của các triển lãm ở một người có độ tuổi như tôi. Tuy nhiên có lẽ tôi đã có duyên với nghệ thuật thị giác từ rất sớm, ví dụ, làm biên tập viên, và người viết cho trang mỹ thuật của một vài tờ báo, từng lập hẳn một art gallery, hay từng điều hành kiêm giám tuyển, kiêm truyền thông… cho Trung tâm Nghệ thuật đương đại Heritage Space (tại tòa nhà Dolphin Plaza, Mỹ Đình). Và tôi có vô số bạn bè là các nghệ sĩ thị giác. Cuối cùng mới đến việc cầm cọ. Có lẽ vì thế, việc cầm cọ với tôi dù muộn, nhưng giống như trở về ngôi nhà của chính mình vậy.

Nhưng tôi vẫn đi từng bước một. Đầu tiên vẫn là bày mẫu để vẽ, vẽ trên thực địa, phong cảnh, tĩnh vật, chân dung. Bước thứ hai là thoát khỏi mẫu để vẽ cái mình thấy. Bước thứ nhất rất khó. Nhưng thoát khỏi nó còn khó hơn.

Ngày còn trẻ tôi viết thơ theo lối truyền thống, nhịp điệu vần vèo chuẩn chỉ, nhưng ngay lúc đó tôi dường như đã cảm thấy đó không phải là mình. Và tôi đã bứt ra để viết thơ tự do. Nhưng việc bứt phá bằng ngôn ngữ với tôi có vẻ dễ dàng hơn nhiều so với việc vẽ thoát khỏi mẫu.

Thử nghiệm với chất liệu, trong kinh nghiệm ít ỏi của tôi, là một điều quan trọng. Ví dụ, tôi vẽ cả sơn dầu, màu nước và acrylic và cuối cùng phát hiện mình hợp acrylic. Chất liệu này hợp lối vẽ nhanh và nhiều cảm xúc của tôi. Nhưng thời kỳ dịch Covid bùng nổ, do không thể đi đến xưởng vẽ mà ở nhà chỉ có mực tàu và giấy dó cùng vài hộp màu acrylic, tôi đã làm việc với các chất liệu này. Và điều tuyệt vời đã đến tình cờ: tôi đã vượt thoát khỏi mọi mẫu thực một cách ngoạn mục. Tôi đã vẽ cảm giác của mình về thành phố, về những giấc mơ và các dự cảm, về bóng của những bông hoa,về những khoảng mờ của cảm xúc, bằng mực tàu trên giấy dó. Trên chất liệu giấy dó cổ xưa đó, tôi đã vẽ những bức siêu thực đầu tiên của mình. Các bức tranh này đã bày và chiếm 50% triển lãm “VÂN-2021” (Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội).

Tiếp theo đó là một triển lãm xinh xắn: “ĐỜI GỐM” (Chau & CO Art Gallery-2022). Tôi vẽ màu trên gốm, rất tự do, và vẽ gốm trên toan rất nghiêm ngắn. Ở “ĐỜI GỐM” dường như tôi kết hợp được giữa diễn tả vẻ đẹp của mẫu thực và đặt nó vào không gian siêu thực của tranh. Nhiều bạn nhận xét, cũng có thể gọi tên là “khí quyển của gốm”, “ngôn ngữ của gốm”, ở đó có thể cảm nhận được một thứ khí vị huyền hoặc của Đông phương.

Tôi nghĩ rằng tôi sẽ còn trở lại với những khí quyển và ngôn ngữ của gốm.

Sau đó tôi bắt đầu với một xê ri khác, những bức trừu tượng khổ lớn hơn, vẽ thế giới phức điệu, bí ẩn bên trong, thông qua những cây, những rừng, những mùa quả và mặt trời. Tôi không ngừng phát hiện thấy hiệu ứng khác nhau của các kết hợp màu. Bảng màu trong xê ri tranh này, họa sĩ gạo cội Nguyễn Xuân Tiệp (nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia) nhận xét rằng, “Chỉ có những người đã trải nghiệm những nỗi buồn sâu thẳm về cuộc đời mới có được bảng màu này, nó đẹp một cách bí ẩn, mơ hồ, khó nắm bắt như vậy…” (Triển lãm "VÂN-2023")

Triển lãm mang tựa đề “ĐI” tại V-Art Space lần này, tôi quay lại với chất liệu giấy dó mực tàu, thêm một lượng khá nhiều màu acrylic với một lối vẽ khác: trừu tượng và biểu hiện trừu tượng là mạch chủ đạo. Ngoài ra có hai mảng khác là chân dung và tĩnh vật, hầu như cũng trên dó.

Như tôi đã nói ở trên, ở triển lãm “VÂN-2021”, chất liệu dó cổ xưa và mực tàu cho tôi khả năng vượt thoát khỏi mẫu để vẽ cái mình cảm thấy. Thì sau đó, không chỉ trên giấy dó, mà ngay trên toan và với sơn dầu và acrylic tôi cũng đã tự do hơn.

Tuy nhiên lần trở lại này với giấy dó cho tôi một cảm hứng khác. Tôi vẩy màu và vẽ các điểm nhấn để tạo ra nhịp điệu, tạo ra sự dằng dịt, và các chiều của năng lượng và cảm xúc.

Các bức chân dung thường là điểm nhấn trong hầu hết triển lãm của tôi, dù không nhiều, kể cả triển lãm đầu tiên (1-2018 tại “GIÁNG VÂN ART SPACE”), lần này chân dung cũng có mặt tại “ĐI”. Cái khác là hầu hết các chân dung đều được vẽ trên dó. Và đó đều là những bạn bè, người mình mến mộ, kính trọng, hoặc người thân thiết xung quanh. Tôi không nghiêng về tả thực, mà muốn lột tả thần thái và tính cách nhân vật. Vẽ trên dó thì không có cơ hội sửa. Vậy nên đó cũng là một thách thức không nhỏ. Vẽ trên dó vừa phóng khoáng nhưng cũng đòi hỏi sự tiết chế và chính xác của các nét vẽ.

Tĩnh vật tôi cũng không tả thực. Cái tôi muốn đạt tới, đó là sắp đặt các màu cạnh nhau, những bình hoa, màu nền, không gian và các bông hoa sao cho có hiệu quả thẩm mỹ.

Mời các bạn bước vào và "ĐI" cùng tôi!

30.4.2024

clip_image002

clip_image004

clip_image006

clip_image008

clip_image010

clip_image022

clip_image024

clip_image026

clip_image028

clip_image030

clip_image032

clip_image012

clip_image014

clip_image016

clip_image018

clip_image020

clip_image034

Comments are closed.