“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản 2024

Tạ Duy Anh

 

Gọi như vậy không chỉ để phân biệt với vở diễn cùng tên do đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng cách nay hơn 30 năm, mà còn đánh động khán giả về tầm quan trọng của “tính thời cuộc” mà một tác phẩm nghệ thuật có thể/cần phải gánh vác.

Kịch của Lưu Quang Vũ đã quá nổi tiếng. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của ông có tầm triết lý cao, tư tưởng của nó vừa sâu sắc, vừa phức tạp, phức tạp đến mức có chỗ rối rắm. Giống như bất cứ tác phẩm lớn nào, tác giả khó tránh khỏi sự hoang mang, chơi vơi trước vấn đề mình đặt ra. Chuyển tải một lúc quá nhiều thông điệp không phải lúc nào cũng tốt với một tác phẩm nghệ thuật.

Tuy nhiên, trên tổng thể, đây là vở kịch có thể nói là lớn nhất của Lưu Quang Vũ và thuộc số những tác phẩm hàng đầu của nền kịch nước nhà trong thế kỉ 20. Vì thế nói về nội dung tác phẩm là điều không còn cần thiết nữa, nhất là khi mỗi thế hệ đều có quyền hiểu, cảm thụ tác phẩm theo ý họ phù hợp với hoàn cảnh sống, đáp ứng những tiêu chuẩn, quan niệm về thẩm mỹ, nhân sinh đương thời.

Có lẽ ê kíp dàn dựng, sản xuất “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản mới [đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama và nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp, biểu diễn ở rạp Công Nhân (Hà Nội) từ đêm 12 đến 14.1 – Văn Việt] muốn nói, muốn khẳng định, muốn cho (thiên hạ, thế hệ cha anh) thấy về chính điều đó. Và nếu chỉ vậy thôi, cũng đáng để cổ vũ họ.

Những người đã “đóng đinh” ấn tượng tuyệt vời với vở diễn cũ, trong đó nhiều vai diễn được tôn vinh là những “tượng đài”, chắc chắn sẽ rất vất vả tiếp nhận, thậm chí khó chịu với vở diễn mới. Thay đổi một cách nghĩ bao giờ cũng khó khăn, chứ chưa nói đến thay đổi một định kiến! Tsuyoshi thì tôi mới chỉ biết anh ta quốc tịch Nhật, nghe nói có tài và còn trẻ, chứ Nguyễn Hoàng Điệp thì đã quá nổi tiếng về sự táo bạo, phá cách. Họ phối hợp với nhau chắc chắn không phải để tuyên chiến với “định mệnh”. Tuy thế, ngay từ việc chọn dàn diễn viên và trang phục phi thời gian, phi sân khấu, tước bỏ tối đa tính ước lệ của sân khấu (cảnh máu me nhỏ tong tong, cảnh tiết lợn đổ lênh láng một khoảng sân khấu, cảnh phun nước đỏ như máu vào mặt, thậm chí khiến diễn viên ướt như chuột lột bằng cả một chậu nước thật…), đã dự cảm trước về một cơn dông do họ tạo ra! Sân khấu giờ đây, ít nhất là trong ý nghĩ của họ, với đời sống hàng ngày, ở sát vách nhau, không còn khoảng cách?

Tuy nhiên, giữa cảm giác và thực tế luôn có một sợi tơ mảnh ngăn cách. Sợi tơ đó chính là nơi chứa đựng những gì to lớn thuộc về nghệ thuật.

Trở lại với vở diễn thể nào cũng gây cãi nhau chí tử, ta dễ dàng nhận ra nội dung của những câu thoại trong văn bản kịch được tôn trọng tuyệt đối. Một số chỗ diễn xuất còn căng thẳng, có lẽ do áp lực tâm lý. Tuy nhiên sự “gây hấn” công khai nhất là ê kíp, chắc muốn gửi chút thông điệp đề cao nữ quyền, đã biến Đế Thích trong vở cũ (cũng là trong nguyên bản kịch) từ một ông tiên cờ, thành một chị tiên cờ. Nó khiến những hình dung cũ về Đế Thích (tóc râu trắng muốt, mặt hồng hào, thong dong, cao đạo…) chả còn tí giá trị gì. Cái chị Đế Thích của vở mới ăn mặc một bộ lanh trắng toát, má phấn môi son, gợi đến một bà lớn quyền lực nhưng hơi phách lối, kênh kiệu, hơn là một bà tiên đài các, bí ẩn, mong manh. Cái bản ngã tiên hoàn toàn mờ nhạt. Mà rồi thì khán giả sẽ thấy, bà Đế Thích đó hóa ra thèm trần gian (dù nó lộn xộn, ô trọc, bát nháo nhưng vì thế mà hấp dẫn, lý thú) hơn cõi trời tưởng là thanh cao, sạch sẽ nhưng buồn tẻ và cũng rất vớ vẩn! Mâu thuẫn giằng co đầy bi hài này có trong tất cả các nhân vật, dựa trên cái trục chủ đề chính Hồn-Xác của vở kịch! Không chỉ hồn và xác mâu thuẫn, mà mọi thứ cứ lạc nhau lung tung, không tìm được nơi cư ngụ. Đây là điểm mới đáng nói nhất mà ê kíp muốn đưa đến cho khán giả.

Nhân vật Lý trưởng của vở cũ (và trong nguyên bản), là đàn ông, cũng được thay bằng “Nhân vật quyền lực” giới tính nữ, gần như phiếm danh, tóc đỏ, váy ngắn cũn, bốt da cao đến gối, ăn nói thì đặc giọng của dân anh chị, có thể sai khiến cả… triều đình (trong tưởng tượng của khán giả). Gã trương tuần, do một diễn viên Nhật đóng, giống như tên lính tuần của Diêm phủ, kẻ chuyên ném người vào vạc dầu. Nhân vật này, với ngoại hình dị dạng, xuất hiện thoáng qua, chỉ gầm gừ trong miệng, hành động như người máy, nhưng gây ấn tượng kinh hãi về kẻ thực thi quyền lực của ma quỷ.

Thông thường, vai diễn là yếu tố quan trọng làm nên thành công hoặc ấn tượng của một vở diễn. Với “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản mới, không thực sự có vai diễn nổi bật, hoặc nổi bật hẳn lên (như kiểu Trọng Khôi). Nhưng hình như điều đó cũng không quá quan trọng với ê kíp dàn dựng.

Vậy rút lại, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản mới có điều gì đáng nói? Tôi không phải là nhà phê bình sân khấu, nên chỉ xin đưa ra vài cảm nhận của một khán giả:

Ưu điểm:

-Mở ra một hướng tiếp cận mới, với một tác phẩm có thể nói đã thuộc vào hàng “kinh điển”. Nó luôn cần được hiểu lại, được khán giả sáng tạo tiếp, được nối dài đời sống. Nó phế bỏ vị trí độc tôn của tác giả, với tư cách như một người phát ngôn định hướng. Nói khác đi, thứ mà tác giả đưa ra, đặt trong một thời cuộc khác, cần được diễn giải khác và ông ta chẳng liên quan gì mấy. Bởi suy cho cùng, một tác phẩm nghệ thuật thực sự lớn không chỉ cần phải sống với thời gian, mà còn cần lớn lên với thời gian.

-Mỗi vai diễn giờ đây không còn vị thế chính-phụ, trong đó các vai phụ chỉ nhằm phục vụ cho toàn bộ ý đồ gửi vào vai chính. Mỗi vai diễn giờ đây là một nguồn phát sáng độc lập.

-Có nhiều đề xuất cách tân hình thức sân khấu.

Nhược điểm:

-Nhiều chỗ còn thiếu kiềm chế cảm xúc khi mải mê theo đuổi mục tiêu đưa ra ý tưởng, khiến hành động kịch bị cường điệu quá mức, làm mờ đi chiều sâu của điều mà cái hành động đó muốn nói.

-Người xem còn có cảm giác phải “chịu đựng” do thiếu những “xen” hài hước.

Cái gì mới cũng gây ra những phản ứng trái chiều. Thành công hay thất bại của vở diễn, còn phải chờ ở khán giả và thời gian. Nhưng điều đáng ghi nhận trước tiên là tính nghiêm túc của những ý hướng nghệ thuật mà ê kíp thực hiện.

clip_image002

clip_image004

clip_image006

Comments are closed.