Lê Thiết Cương
Không thể cô đọng hơn. Những hình người trong tranh của Nhi là một dạng ký hiệu, ký hiệu người.
Tranh: Đinh Ý Nhi.
Tôi luôn nghĩ rằng, chắc hẳn Đinh Ý Nhi phải có một phép màu nào đó thì mới chắt lọc được mình, cô đọng được mình lại, để chỉ còn đen và trắng. Ngay từ khi bước chân vào hội họa cho đến lần trưng bày này, ngót 30 năm, chị chỉ đi về với đen trắng, định danh mình với đen trắng. Có cả sơn dầu nhưng đa phần là bột màu trên giấy. Và đề tài ruột của Đinh Ý Nhi cũng không thể cô đọng hơn, những khuôn mặt người, những hình người. Một đề tài duy nhất. Xin được nhắc lại, chỉ một bảng màu, một chất liệu, một đề tài, trong 30 năm. Một sự khó nhân ba, một cá tính, một khác biệt. Nhi định nghĩa mình vậy.
Hội họa của Nhi là một con đường độc lập. Nó khước từ kiểu đẹp mắt, chung chung, dễ xem, dễ hiểu và nặng về trang trí. Chị không vẽ phong cảnh, không vẽ tĩnh vật hoa quả. Những khuôn mặt người nhưng không phải là kiểu chân dung hoặc chân dung tự họa quen mắt. Mà ngay cả nếu những bức chân dung ấy là tự họa thì cũng là một Nhi khác. Một loại tự họa khác. Tôi đoán là chị vẽ những câu chuyện người, thân phận người thì đúng hơn. Những khuôn mặt trong tranh của Nhi chỉ là cái chìa khóa để mở ra một thế giới khác, mở ra “cõi người ta”. Khởi đi từ cá nhân mình nhưng phải đến được với cõi người. Thông qua câu chuyện của mình để thấy được, động chạm được đến chuyện chung của mọi người thì mới có nghệ thuật. Mình và người suy cho cùng cũng là Một. Chữ người, chuyện người giản dị vậy mà bao trùm hết cả thế gian. Thiên địa nhân là một. Con người – tiểu vũ trụ, nếu hiểu được thì sẽ thấy đại vũ trụ trong đó.
Tranh: Đinh Ý Nhi.
Tranh: Đinh Ý Nhi.
Đen trắng là độ chứ không phải là màu, tất cả các màu đều ở đen trắng mà ra. Tính nhất nguyên là ở đó. Đen, trắng là một, là thái cực. 30 năm gắn mình với đen trắng vì đen trắng ở trong “vân tay” của Nhi. Đinh Ý Nhi là đen trắng.
Đặc điểm trong hội họa của Nhi là chất “như nhi” và “như nhiên”. Điểm nhìn ngây thơ hồn nhiên là câu trả lời khả thi nhất cho những câu hỏi về phận người quá nhiều vô lý, phi lý. Nghệ thuật là người. Hội họa của Nhi và đời sống của Nhi là một.
Chất “như nhiên”, “thuận theo tự nhiên” rất rõ ràng trong tác phẩm của chị. Vẽ như chơi, vô tình, “nguệch ngoạc”, vu vơ, vẽ như không vẽ. Vẽ kiểu dập xóa, tẩy xóa, chồng đè, vẽ kiểu bỏ đi, kiểu nháp, rơi vãi, chảy, loang lổ, xác xơ, tung tóe, tung tẩy, “vụng dại”. Tự nhiên vẽ thế. Vẽ như không và cũng không để làm gì, đắc mà vô đắc. Như nhi và như nhiên cũng là một gốc.
Tranh: Đinh Ý Nhi.
Vẽ với Nhi như ký, như trực họa, trực cảm. Bức tranh không cần kết thúc, không nhất thiết phải vẽ xong. Nó gần nghệ thuật đương đại vì nó là câu hỏi, hội họa hôm nay không có nghĩa vụ làm câu trả lời. Câu trả lời là ở nơi người xem. Nó xong là do cảm giác của Nhi đã hết. Những hình người trong tranh của Nhi là một dạng ký hiệu, ký hiệu người. Nhi là hội họa ký hiệu. Ở Nhi không hề có khái niệm lại, không làm lại, không chơi lại, không sống lại, yêu lại. Chỉ có một nét, không sai đúng, không tô lại, một đi không trở lại.
Triển lãm cá nhân “Người của ngày hôm qua” của họa sĩ Đinh Ý Nhi trưng bày 50 bức bột màu trên giấy, chọn lọc trong hơn 20 năm vừa qua, diễn ra vào tháng 10/2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Nguồn: https://tiasang.com.vn/van-hoa/ky-hieu-nguoi/
Ảnh của Văn Việt