(Hay “… Gà đang gáy trưa bên sông…” và dòng chảy ngầm trong tác phẩm Văn Cao)
Trọng Thành
Mùa Xuân là mùa của mầm sống trỗi dậy, mùa của hy vọng. Ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao, mà nhiều người coi là một kiệt tác, là một tác phẩm mang lại hy vọng.
Ra đời hơn nửa năm sau khi cuộc chiến huynh đệ tương tàn chấm dứt, “Mùa xuân đầu tiên” dạt dào niềm vui, và chớm lên hy vọng cuộc sống đang trở lại ‘‘bình thường’’, người mẹ được đón đàn con trở về, người vợ được trong tay người thương, người được biết quê người…
“Mùa xuân đầu tiên” hy vọng ‘‘Từ đây người biết thương người, Từ đây người biết yêu người…’’
Nhưng rút cục điều đó đã không sớm xảy ra. Việt Nam sẽ phải rất lâu mới có được một “Mùa xuân đầu tiên”, như mơ ước của Văn Cao. 20 năm sau khi ra đời, tác phẩm mơ ước về Mùa Xuân Đầu Tiên mới được phép biểu diễn trở lại trong nước.
Kể từ khi được phép biểu diễn, tác phẩm đã được một số ca sĩ nổi tiếng thể hiện. Các trình diễn của Thanh Thuý, Phương Thanh và gần đây là Lê Thu Uyên đã chinh phục được không ít công chúng. Đầu năm nay, Công ty Gia Định Audio giới thiệu hợp tuyển 12 ca khúc Xuân mang tên “Mùa xuân đầu tiên”, với tác phẩm đầu tiên là “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao, do Lâm Bảo Ngọc trình diễn.
***
Giọng ca LÂM BẢO NGỌC
Với một số khán giả, Lâm Bảo Ngọc là một phát hiện mới. Giọng ca sinh năm 1996, đúng vào lúc ca khúc được phép trình diễn trở lại, được ca ngợi là người thể hiện xuất sắc nhất kiệt tác này. Lâm Bảo Ngọc dường như đã nhập hồn với giai điệu “dặt dìu, êm dịu”, da diết của “Mùa xuân đầu tiên”. Báo chí trong nước ghi nhận, sau một giai đoạn “trầm cảm’’ phải ngừng hoạt động biểu diễn, Lâm Bảo Ngọc trở lại với một tâm thế khác, ‘‘muốn được chia sẻ cảm xúc nhiều hơn là trưng trổ giọng hát, kỹ thuật của mình như trước đây. Cô tìm đến những ca khúc nhẹ nhàng, mang tính chữa lành với giai điệu, ca từ ý nghĩa’’. Phải chăng chính vì thế mà cô đã trình diễn phần nào thành công tác phẩm lạ kỳ này?
Tuy nhiên, “Mùa xuân đầu tiên” không chỉ ‘‘dặt dìu, êm dịu’’, da diết, và ‘‘vui tươi’’. Trong tác phẩm của Văn Cao còn ẩn chứa một dòng chảy ‘‘ngầm’’, điều ít được nói rõ. Nhà thơ Thanh Thảo là một trong số hiếm hoi tác giả trong nước gần đây giải thích rõ về cái phần ngầm ẩn trong kiệt tác này: “Văn Cao chỉ viết về tình thương yêu, về niềm vui khi nhận mặt quê hương, vậy mà trong cả lời ca lẫn âm nhạc đầy yêu thương đầy quyến luyến vẫn “chạy ngầm” một dòng âm thanh xa xót, đôi lúc như nghẹn ngào. Đó là nỗi niềm thực sự của rất nhiều người Việt, và những hình ảnh âm thanh mang tính tiên báo trong ca khúc này thật chìm ẩn.”
***
NGHẸN NGÀO, XÓT XA, KHẲC KHOẢI…: DÒNG NGẦM TRONG TÁC PHẨM
Nỗi niềm nào? Nỗi xa xót nào? Nhà thơ Thanh Thảo nói rõ hơn: ‘‘sau gần 50 năm hòa bình thống nhất, lý tưởng hòa giải hòa hợp dân tộc vẫn thôi thúc người Việt chúng ta dù đang ở bất cứ nơi đâu. Làm sao để “mùa xuân mơ ước” ấy thực sự đến với tất cả người Việt Nam, không phân biệt, một mùa xuân của thực sự yêu thương và thực sự chia sẻ’. Đối với rất nhiều người, mơ ước của hàng triệu người Việt hồi năm 1976 về lý tưởng hòa giải hòa hợp dân tộc vẫn chưa được thực hiện trong hiện tại, một nửa thế kỷ sau.
“ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người“
Với Thanh Thảo, giai điệu đầy chất thánh ca của năm câu thơ nói trên “ẩn chứa sự nghẹn ngào trong đó chính là “dòng tiên báo” ở ca khúc tuyệt vời này”. ‘‘Tiên báo’’ của tình yêu, tình thương sẽ mang “mùa xuân mơ ước” “thực sự đến với tất cả người Việt Nam, không phân biệt, một mùa xuân của thực sự yêu thương và thực sự chia sẻ”.
“Một trưa nắng thôi”, ‘‘với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông….” là đủ. ‘‘Gà đang gáy trưa bên sông’’, một khoảng lặng bình an, thanh thản, nhưng cũng có thể là đỉnh điểm của nghẹn ngào, khắc khoải, xót xa, tin tưởng, hy vọng, ước mơ, cùng lo âu trĩu đọng. Hạnh phúc có vẻ như trong tầm tay. Hạnh phúc thật giản dị nhưng không phải là điều dễ dàng, nếu người không biết thương người.