Trần Ngân Hà
Một tác phẩm trong triển lãm "Về Bến Lạ" của họa sĩ Lê Thiết Cương
Có thể hiểu Lê Thiết Cương vẽ Bến lạ, và cũng có thể hiểu Biến lạ vẽ Lê Thiết Cương.
Là tôi hiểu như thế, còn bạn thì tùy thôi.
Tập thơ Bến Lạ của thi sĩ Đặng Đình Hưng xuất bản năm 1991, ít ai biết đến bởi muôn đời thơ ở xứ này là rẻ nhất, chỉ được xem hoặc bị xem là “vè” hơn một chút, bởi bất kỳ ở đâu bạn cũng thấy người ta gieo vần, vì như thế nếu bạn không phải là một kẻ tìm đến những “bến lạ”, bạn không chắc được gọi là thơ. Nhưng nếu bạn bước vào “Bến lạ” của Đặng Đình Hưng, bạn chuyến choáng rồi bứt rứt, bồi hồi – đó là những cảm trạng mà chỉ có thi ca mang lại, nó tựa như bạn vừa được tiêm vào một mũi khoáng chất của nhựa sống.
“Bến lạ gác chân lên những hình lăng của cái đồng hồ quả lắc khệnh khạng đưa những quả thịt chậm song song với những cái chai không, chìa những bộ đùi e lệ lạ và trí tuệ bông hoa ngây ngủ ngày ngay Bến lạ.
Song song, môi từng đôi
Vải, và cái thước mét
Con jơi đực, và tầu lá chuối hột
Mắt đẹp, và sa mạc tờ croquis kẻ chậm
những đường chì cuộn ốc…”.
Những năm đầu của cái gọi là “đổi mới” sau nhiều năm mang những nhục hình với các trào lưu nghệ thuật ở Việt Nam mà nổi bật là “Nhân Văn Giai Phẩm” thì một tập thơ như Bến lạ của Đặng Đình Hưng được xuất bản, quả là một sự lạ.
Có lẽ bởi người ta không hiểu gì mấy nếu đọc thơ với cái nhìn chính trị bẩn thỉu và mang đôi mắt soi mói chỉ điểm của con cú ma dơ dáy.
Không chỉ thi sĩ, những người làm nghệ thuật nói chung đều khắc khoải trong không gian chật chội và nghẹt thở cũ.
Nhưng sao tôi muốn giới thiệu với bạn đọc một triển lãm của người anh tôi quý mến, mà lại chỉ nói về thơ.
Bởi vì anh – họa sĩ Lê Thiết Cương đã viết thế này: “Ngần ấy năm tháng sống cạnh ông, sống với thơ ông nó như mưa dầm, như phù sa mỗi ngày một chút, thơ ông thấm vào tôi tự nhiên. Sự tự nhiên đi qua thích và không, hiểu hoặc không hiểu, cảm được hay không cảm được, v.v. Vì nó là như không. “Không biết”. Là “ban đầu”, là “áo trắng khỏa vào chậu trắng”. Tuy nhiên, nếu chỉ vậy thì cũng chưa đủ để vẽ những bức tranh trên cảm hứng từ thơ của ông. Như đã kể ở phần đầu, ông đâu chỉ nói với tôi về thi ca của ông. Ông còn nói với tôi về âm nhạc, văn chương, triết học, mỗi ngày mỗi chuyện. Hình như ông muốn bảo tôi rằng nên làm cái nền tri thức trước khi xây ngôi nhà nghệ thuật? Ông là người đã phát hiện ra hạt tối giản trong tôi và vun đắp tôi đi theo con đường này. Tôi không chắc rằng liệu nếu không phải là hội họa tối giản thì có thể vẽ được những bức tranh từ thơ ông hay không? đối thoại với thi ca của ông được không? Hai mươi ba bức tranh và bảy tác phẩm gốm của triển lãm Về Bến lạ là lời cảm ơn của tôi với ông – thầy Đặng Đình Hưng – người đã tặng tôi con đường tối giản để tôi về với bến của mình”.
Chàng họa sĩ nhớ lại những năm tháng xưa mà không cũ, anh may mắn có một thi sĩ – nghệ sĩ lấy từ trong anh viên kim cương nhỏ và như nói: “Hãy đừng quan tâm đến ánh sáng lấp lánh, mà chú ý đến những chi tiết sắc cạnh tạo ra những ánh sáng đó”.
Tôi hiểu như vậy và viết như thế.
Bởi Bến Lạ của Đặng Đình Hưng là cả một cõi sống ông đan xen, hòa quyện mọi nỗi niềm của cuộc đời này trong sự sống của ông.
Còn Bến Lạ của Lê Thiết Cương, thì lại là những cạnh sắc bén của đời sống, chỉ một đường nét nhưng có thể để lại mãi trên ngực ta một vết sẹo.
Phải chăng đó là cách mà họ làm cùng nhau: khi một con tim đập thình thịch thì không thể làm cho nó bình thường trở lại nếu không để nó rỉ máu?
“Tôi đã bưng
Nhẹ thôi.
/một nong nghiêng cơn mưa ở trên lưng αlfa cõng tôi Uynh đơ toa… tôi cõng fạt αlfa.
Có lẽ zẹt. Bởi ở trên ngực, cứ thình thình một tiếng đập”.
* Về Bến lạ là triển lãm cá nhân của họa sĩ Lê Thiết Cương, gồm những tác phẩm vẽ trên cảm hứng từ thơ của Đặng Đình Hưng, người mà họa sĩ coi là thầy của mình. Triển lãm trưng bày 16 bức tranh chất liệu bột màu trên giấy dó được vẽ từ 2007-2020. Cùng với triển lãm Về Bến lạ là cuốn sách cùng tên do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Triển lãm khai mạc lúc 18 giờ thứ Sáu ngày 12 tháng 3 năm 2021 tại L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội và kéo dài đến hết 12 tháng 4 năm 2021.