Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Tương Lai

clip_image002Để làm gì… Để gió cuốn đi. Làm được như vậy không dễ chút nào, có lúc tôi tự ngẫm “e không thể”. Nhưng Trịnh Công Sơn, bằng cuộc sống của chính mình, bằng sự nghiệp của mình trong âm nhạc, hội hoạ, thi ca, tạp bút… đã làm được. Cứ như sứ mệnh cao cả mà đấng tạo hoá đã trao cho anh nói lên điều đó. Tài năng thiên bẩm của Trịnh là điều có thật. “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra” (Trịnh Công Sơn – Tôi là ai, là ai…, nxb Trẻ, 2011, tr. 257 – từ đây, các trích dẫn nếu không chỉ rõ nguồn, là từ sách này) như nhận xét của Nguyễn Xuân Khoát – con chim đầu đàn của nền tân nhạc Việt Nam – phải chăng là minh chứng của thiên bẩm đó.

Một ý tưởng của Trịnh cứ day dứt mãi trong tôi: “Người ta chia sẻ vẻ đẹp và người ta cũng chia sẻ nỗi khổ đau. Nhưng sự bất khả tư nghị (l’empensable) không ai chia sẻ đưc […] Buổi chiều tháng 5 dòng suối Loiret chảy nhẹ nhàng. Đi bộ từ bờ này sang bờ kia còn dễ dàng gấp nghìn lần những mùa lụt ở Huế. Buổi chiều ở Orléans bỗng nhiên tôi thương nhớ quê nhà quá. Có những cái đầu không bình tĩnh sẽ trách móc tôi vì sao ở một nơi sung sướng như vầy mà vẫn nhớ nhà nhớ quê. Than ôi, quê nhà chính là tôi rồi, tôi biết làm sao được”. (tr. 59)

Ai đó trăn trở khi vào vai trong một cuốn phim về Trịnh là làm sao thể hiện được cái chất Trịnh Công Sơn. Trong suy ngẫm hết sức chủ quan và có thể còn nông cạn của người viết bài này, thì có lẽ nên tìm về cái ý nằm ở đáy sâu của những tầng ngữ nghĩa người ta cất công vẽ vời ra mà chưa hiểu “quê nhà chính là tôi rồi, tôi biết làm sao được”. Quả thật “chính là tôi rồi”, và anh tự thán “biết làm sao được”. Anh viết vậy chắc là vì không muốn nói rằng cái hơi thở của con người, cảnh sắc Huế phả vào ca từ, nhạc điệu, màu sắc, âm thanh Huế đã làm nên chính mình”. Trong đó có cả cái hay, cái độc đáo lẫn cái dở, cái bất cập rất khó đổi thay cho dù dòng sông Hương êm đềm phẳng lặng nước trong vắt vẫn luôn có những lúc gầm thét, trào sôi, nước đục ngầu giận dữ.

Không biết có phải vì vậy mà Trịnh viết rằng “ở bề mặt của một số ao hồ, bể sông có thể yên tĩnh nhưng những cơn cuồng nộ ở đáy sâu vẫn sục sôi một đời sống riêng. Đó là nỗi đam mê sâu thẳm nhất của những tâm hồn muốn mãi mãi đánh thức mình, muốn mình mãi mãi là kẻ tỉnh thức để cuộc sống không còn giấc ngủ nào khác hơn là giấc ngủ của sấm sét” (tr. 47). Đấy là những dòng anh viết cho hoạ sĩ Bửu Chỉ, người bạn Huế gắn bó thân thiết của anh, và theo cảm nhận của tôi, cũng là nói cho anh, về anh “càng ngày càng đi sâu hơn vào sự nghiệt ngã của một sự chọn lựa bất khả kháng của chính bản thân mình” (tr. 46).

Phải chăng vì thế mà Trịnh Công Sơn tự cảm thấy “không ai chia sẻ được”? Trịnh Công Sơn không là toàn bích. Điều ấy chẳng có gì lạ. Tôi không giấu được, mà giấu làm gì cơ chứ, về đôi điều tôi không đồng cảm được với những bi luỵ thể hiện dấu hiệu yếm thế của Trịnh là một trong những điều đó, cho dù cũng chính anh đã viết “sự tử tế giữa con người với con người, làm mình tin rằng điều tốt là một cái gì có thể thực hiện được giữa cuộc đời này. Không có gì quan trọng cả và thế cũng không có gì đáng phải nản lòng” (tr. 103). Mạnh mẽ hơn nữa, anh “muốn mình mãi mãi là kẻ tỉnh thức” (tr. 47). Nhưng rồi chính anh lại tự thấy mệt mỏi và cô đơn

Chén rượu cay một đời tôi uống hoài

Một đời về không, hai tay quy hàng

Vào những lúc ấy anh nghe “trong từng giọng nói có màu tàn phai”!

Cô đơn như là định mệnh gắn chặt với Trịnh thấm đẫm trong ca từ và giai điệu của anh:

Trời cao đất rộng

Một mình tôi đi

Một mình tôi đi

Đời như vô tận

Một mình tôi

Một mình tôi về… với tôi

Có thể là tôi nông cạn trong cảm thức, suy bụng ta ra bụng người. Cũng có khi “chữ nghĩa ngẫm cho cùng cũng là một thứ thị phi, nó buộc vào mệnh người rồi không gỡ ra được như chính Trịnh đã viết (tr. 56)

Có người gọi Trịnh là một “thiên tài”, cũng là một cách nghĩ. Nhưng điều gì tạo nên một thiên tài, tôi nghĩ Mozart – một thiên tài âm nhạc – nói đúng, đặc biệt là rất đúng với Trịnh Công Sơn: “Sự thông minh hay trí tưởng tượng ngất trời, hay thậm chí cả hai kết hợp cùng nhau cũng không làm nên thiên tài. Yêu thương, yêu thương, yêu thương, đó là linh hồn của một thiên tài”! Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì giải thích rằng: “Khi bạn yêu thương, nếu là lòng yêu thương thật sự, bạn sẽ bắt đầu nhận ra rằng những người khác là một phần của bạn và bạn là một phần của họ. Khi nhận thức được điều đó, đã là vô ngãKhi con người yêu mến nhau, sự khác biệt, những giới hạn, biên giới ngăn cách giữa họ sẽ bắt đầu tan biến đi, và họ trở thành một với người họ thương yêu. Sẽ không còn những ghen ghét và sân giận, vì nếu sân giận người khác, là họ đang giận chính họ” (dẫn theo John C. Schafer, Cái chết, Phật giáo và chủ nghĩa hiện sinh trong nhạc Trịnh Công Sơn, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10060&rb=0206)

Tôi thường suy ngẫm và thấm thía lời tự bạch của Trịnh Công Sơn: “…với cuộc đời, tôi đã ôm một mối cuồng si bất tận. Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Đời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm” (tr. 35). Đấy chính là một trong những “phẩm chất thiên tài”, đúng hơn, e phải nói là cái làm nên một thiên tài, như ai đó đã gọi Trịnh Công Sơn. Một con người bằng xương bằng thịt giữa cuộc đời với những hệ luỵ không sao tránh khỏi của những thân phận người đa đoan giữa cuộc đời quá nhiễu nhương mà ta đang sống .

Tôi thường suy nghĩ về hai tiếng “thôi kệ” rất đáng yêu của Trịnh được lặp lại nhiều lần khi cần phải phản ứng lại những “tị hiềm” mà anh muốn quên đi. Có lần mấy anh em ngồi nhâm nhi trong căn phòng nhỏ quen thuộc của Sơn thì một nhân vật từng đặt điều vu khống và chửi rủa Sơn trên báo chí nước ngoài bước vào. Thanh Tùng, Sâm Thương lặng lẽ đứng dậy, ba người còn lại cũng nhấp nhổm, thì Sơn chìa tay với vị khách không mời mà đến chỉ vào một chiếc ghế. Cuộc nhậu trở nên gượng gạo, ngụm rượu đắng ngắt trong họng để rồi lặng lẽ chia tay. “Thôi kệ”, Sơn bắt tay rất chặt nói với tôi, người bước ra sau cùng.

Đó là sự bao dung của tấm lòng Trịnh, là “cái chất Trịnh”, một ngọn gió mát lành, trong trẻo thổi vào bầu không khí ngột ngạt oi bức của môi trường sống bị vẩn đục bởi sự tị hiềm, ở đó “chúng ta hình như thừa bạo lực nhưng lại thiếu lòng nhân ái” (tr. 59). Phải chăng vì thế mà trong ca từ và giai điệu của Trịnh người ta tìm về ảnh hưởng của Phật giáo. Không thể phủ nhận điều đó. Nhưng hiểu ảnh hưởng đó như thế nào? Học giả Thái Kim Lan viết rằng “Trịnh Công Sơn hiểu Phật giáo thấu đáo hơn triết học Tây phương, vì anh rất gần gũi với các chùa và các Thầy. Nhưng anh đã sáng tạo ra một triết lý hát hòa hợp giữa đông và tây. tưởng Tây phương ở các bài hát Trịnh Công Sơn nằm ở hình thức bên ngoài, nhưng cốt tuỷ là đông phưong. Đó là điểm sáng tạo độc đáo của Trịnh Công Sơn, đã bắt được nhịp suy nghĩ của thời đại và của thế hệ thanh niên Việt Nam.” * Thái Kim Lan là bạn học của Trịnh Công Sơn, chị từng nghiên cứu về chủ nghĩa hiện sinh đã nói rất hay rằng Trịnh Công Sơn “hát triết học như người mẹ Huế kể chuyện cổ tích – những bài hát của ông giúp họ hiểu những lý thuyết siêu hình khó hiểu này. Và rồi sau này, năm 2001 chị viết: Bây giờ nhìn lại thì thấy mình dại khờ, bởi chính những tư tưởng mới này chẳng có chi là mới so với triết lý Phật giáo cả.” (Dẫn theo John C. Schafer, bđd).

Quy mọi sáng tác và sự quyến rũ của Trịnh vào ảnh tưởng của Phật giáo thì liệu có làm hẹp lại khung trời bao la trong cảm thức về Trịnh không? Theo tôi đây là một câu hỏi nghiêm túc cho các bậc thức giả, nhất là cho giới trẻ ngưỡng mộ Trịnh. Tôi muốn nhắc lại đây ý của Cao Huy Thuần: Nhạc Trịnh Công Sơn thường có một chút của cái này và một chút của cái kia. Có một chút của cái này trong một chút của cái kia. Có một chút xuôi trong ngược. Trăm năm trong xuân thì. Chân như trong hạt lệ.” (tr. 361). Vâng, quả là thế. Thì chả phải là Trịnh đã hát như vậy sao

Bước tới hư vô, khoác áo chân như, long lanh giọt lệ
Long lanh giọt lệ
, giọt lệ thiên thu

Cũng bởi vì Trịnh chẳng muốn giải bày điều anh muốn phó thác cho cuộc đời, và đời sẽ tự cảm nhận lấy hay khước từ là quyền của họ:

Một điều giấu kín trong tim con người
Là điều giấu kín thôi

Nhưng rồi chính Trịnh Công Sơn cũng đã viết: “Tôi đang cố gắng quên Phật giáo như một tôn giáo. Mỗi người phải tự nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc đời khác đi” (Trao đổi với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Thích Tâm Thiện thực hiện, Nguyệt san Giác Ngộ số tháng 4-2001). Với Trịnh thì “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời” (https://www.tcs-home.org/paintings/but-tich/bt-1.jpg/view).

Trong cảm thức rất riêng tư đậm tính chủ quan thì trong cung bậc những giai điệu của Trịnh Công Sơn hình như tôi nghe ngân nga tiếng chuông chùa Thiên Mụ ở Huế lẫn trầm buồn chậm rãi tiếng chuông nhà thờ ở Bảo Lộc. Có chuyện gọi là “rất riêng tư” đó vì chùa Thiên Mụ bên bờ sông Hương đoạn chảy qua Kim Long giữ một vị trí đặc biệt trong tâm hồn người Huế đích thực. Còn tiếng chuông nhà thờ ở Bảo Lộc là một ngẫu nhiên thú vị để lại dấu ấn khó quên trong tôi khi liên tưởng đến “Lời buồn thánh” của Trịnh.

clip_image004Duyên do còn là vì kiến thức của tôi về Phật giáo quá nông cạn mặc dù mẹ tôi đã cho con trai út của bà quy y. Cậu nhóc Phật tử của bà chỉ còn giữ lại một hoài niệm thấm sâu vào tâm hồn tuổi thơ khi vị sư già đăt bàn tay gầy guộc của người lên đầu tôi và tay kia chìa ra trước mặt tôi một cái oản: “Con thụ lộc Phật đi để rồi biết làm điều lành”. Mẹ tôi quỳ xuống và kéo theo tôi quỳ theo “Con tạ ơn thầy đi con”. Sư cụ dắt tôi đến ngồi bên bàn trà. Bàn tay gầy guộc khẳng khiu của một cây trúc trăm tuổi rót một chén trà trao cho tôi.

Thời gian trôi đi, đến hôm nay ở tuổi 86 tôi vẫn nhớ như in cảm xúc tuổi thơ ngày ấy gắn liền với hình ảnh vị sư già đậm vẻ tiên phong đạo cốt ngày nào, đặc biệt là ánh mắt hiền từ và nhắc lời Phật dạy trong những tình huống khác nhau của mẹ tôi. Mỗi lần tôi để hạt cơm vãi ra mâm, ánh mắt hiền từ pha chút nghiêm khắc của bà nhìn vào tôi: “Mẹ nhắc nhiều rồi, hạt cơm con ăn là hạt ngọc của trời đấy” và bà lặng lẽ nhặt từng hạt đặt vào bát của bà. Hoài niệm về tuổi thơ đọng lại cho đến tận hôm nay chính là hơi ấm của bàn tay vị sư già gắn liền hương trà hoà lẫn mùi hương trầm dạo ấy và ánh mắt hiền từ và dịu dàng của mẹ tôi chính là cái thiện của Phật đã thanh lọc tâm hồn và là cái phao cứu sinh giúp tôi khỏi gục ngã trước những đa đoan và tục luỵ trên đường đời chông gai đầy cạm bẫy. Phải chăng triết lý Phật giáo đi vào tâm hồn tôi? Nó vừa dung dị vừa thẳm sâu để từ đó mà tôi thích và yêu nhạc Trịnh Công Sơn, đến với Trịnh Công Sơn.

Tôi đã cố gắng đọc cả bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam gồm ba tập, và bốn tập khác về Mâu Tử, về Chân đạo chánh thống, về Trần Thái Tông… mà Thiền sư Lê Mạnh Thát tặng. Đọc lướt, rồi đọc kỹ lại từng phần và suy ngẫm. Tự thấy kiến thức được bồi bổ thêm lên, trí tuệ cũng sáng ra đôi chút, nhưng lạ một điều trong khi mắt tôi đọc, trong đầu tôi vẫn vấn vương tiếng cười của ông.

Vâng, tiếng cười sảng khoái, vô tư của một con người từng bị kết án tử hình sau đó hạ xuống chung thân để rồi phải ngồi tù 14 năm. Nhiều tác phẩm, trong đó có những cuốn mà thiền sư, giáo sư, tiến sĩ thông thạo hơn mười ngoại ngữ đã được bộ óc siêu việt ấy hình thành trong 14 năm ngồi tù đó! Khi viết những dòng này, tiếng cười của Lê Mạnh Thát hôm ông ngồi cùng với Chu Hảo và tôi tại nhà ông, vẫn cứ ong ong trong đầu. Trong tiếng cười ấy tôi cảm nhận được sự ung dung tự tại thấm đẫm tính vị tha của nhà Phật (vị tha trong tiếng Anh là selflessness đồng nghĩa với vô ngã).

Như một đoạn phim quay chậm đoạn ông trao đổi với hai chúng tôi về chuyện chúng tôi mời ông ký vào bản tuyên bố lên án Trung Quốc xâm lược vẫn rõ mồn một trong đầu tôi. Dừng lại để dùng bữa cơm chay đã dọn lên, rồi tiếp tục bên bàn uống trà, Lê Mạnh Thát vẫn trầm ngâm. Ông chậm rãi thay bã trà để pha một ấm mới, tôi và Chu Hảo nhìn nhau biết rằng ông vẫn đắn đo suy nghĩ. Uống cạn một chung trà, ông cầm bút nhìn vào bản “Tuyên bố” chúng tôi đã dặt sẵn trên bàn. Nhìn tôi ông nói: “ hay không ký đây anh Tương Lai hè”. Tôi cười đáp lại: “Tôi đâu dám trả lời, chúng tôi đến thăm thầy với lòng thương mến và sự kính trọng, đâu dám ép, chuyện ký hay không là thầy quyết định chứ”. Nhìn thẳng vào mắt tôi ông cười to, vẫn tiếng cười sảng khoái thấm đẫm tính vị tha ấy dội mạnh vào chúng tôi, rồi đặt bút ký. Chu Hảo đứng dậy nắm chặt tay Lê Mạnh Thát. Ông lại rót thêm một chung trà mời uống cạn, rồi đứng dậy tiễn hai chúng tôi ra xe sau năm tiếng đồng hồ đàm đạo trong căn nhà ấm cúng và trang nhã của vị thiền sư mà chúng tôi hân hạnh được ông thân tình đón tiếp.

clip_image006Chính tiếng cười của Lê Mạnh Thát đã gieo vào lòng tôi một xúc động mãnh liệt giúp tôi hiểu sâu hơn triết lý Phật giáo từ những điều tôi đọc được trong những cuốn sách ông đưa tặng tôi. Nói cách khác, triết lý Phật đến với tôi không từ sự hiểu biết và mớ kiến thức đọc được mà là từ trái tim. Đầu óc tôi vẫn bị ám ảnh bởi luận điểm của Hegel: “…Ở đâu nội dung của sự tất yếu phổ biến không nhất trí được với trái tim, thì sự tất yếu ấy, xét về nội dung, không là gì cả và phải nhường chỗ cho quy luật của trái tim”. (G.W. F. Hegel. Hiện tượng học tinh thần, Bùi Văn Nam Sơn dịch. NXB Văn học 2006, tr. 769)

Để buốt trái tim, để buốt trái tim…

Trong trái tim con chim đau nằm yên,
Ngủ dài lâu mang theo vết thương sầu.
Một sớm mai chim bay đi triền miên,
Và tiếng hót tan trong trời gió lên
”.

“Con chim đau nằm yên” dài lâu trong trái tim Trịnh bỗng một sớm mai chim bay đi và tiếng hót tan trong trời gió lên. Và trong ngọn gió buổi sớm mai ấy, Trịnh hiểu về mình, nói về mình:

Đêm ta nằm nghe tiếng trăm năm
Gọi thì thầm, gọi thì thầm, gọi thì thầm

Những tiếng gọi thì thầm ấy đặt ra một câu hỏi cho Trịnh Công Sơn :

Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ

Tôi là ai mà còn trần gian thế?
Tôi là ai, là ai, là ai,
Mà yêu quá đời này

Nhưng tiếng thì thầm ấy không chỉ đến với một mình Trịnh, “tiếng trăm năm” ấy đến với cuộc đời, đến với mọi người, với những thân phận khác nhau trong những đa đoan tục luỵ, hay thanh thoát phiêu du.

Bỗng nhớ đến một kỷ niệm ấm lòng. Trong chuyến đến Nhật theo lời mời của Bộ Văn hoá Nhật. Trong bữa cơm với người giữ nhiệm vụ tổ chức chuyến thăm ấy, vị quan chức Nhật hỏi tôi muốn đi những đâu trong một tuần lễ ở Nhật. Tôi trả lời ngay muốn tìm hiểu về nông thôn, đến một thành phố cổ và vài ngôi chùa tiêu biểu nằm trong thành phố cổ hoặc ở nông thôn. Và rồi trong chuyến đi ấy, ấn tượng sâu đậm trong tôi là buổi đàm đạo với nhà sư Nhật tại một ngôi chùa cổ mà tôi đã có dịp kể trong một “Mênh mông thế sự” viết về mẹ tôi năm 2007.

clip_image008Sau khi ngắm nghía vẻ đẹp trầm tư trong u tịch của ngôi chùa cổ nằm trên một ngọn đồi vắng lặng, nhà sư Nhật mời tôi uống trà. Người phiên dịch tiếng Nhật lặng lẽ tế nhị lánh đi, vì nhà sư sẽ nói tiếng Anh. Với vốn ngoại ngữ quá hạn chế, tôi nói thật với nhà sư để ông không đi quá sâu vào triết lý mà chỉ trao đổi những điều dung dị thường nhật. Ông cười: “Tôi cũng thế thôi”. Ông giới thiệu đôi điều về ngôi chùa của ông, thoải mái trả lời vài câu hỏi của tôi rồi ông lặng lẽ với tay lên kệ sách rút ra một đĩa nhạc của Trịnh Công Sơn được dịch sang tiếng Nhật, rồi nói: “Người Nhật chúng tôi rất thích nhạc Trịnh Công Sơn. Giai điệu của bài hát này đậm chất phương Đông, rất hợp với tâm hồn của rất nhiều người Nhật. Lời ca cũng vậy. Ca từ được chuyển ngữ sang tiếng Nhật có thể chưa lột tả được thần thái của nguyên bản tiếng Việt, nhưng cũng đủ để chúng tôi hiểu và chia sẻ nội dung để càng hiêu hơn về giai điệu để đồng cảm và chia sẻ”. Rồi ông dẫn ra một câu trong đĩa nhạc. Vốn tiếng Anh của tôi quá hẻo nhưng loáng thoáng nghe, tôi đoán ra có lẽ đó là những câu trong bài Diễm Xưa:

“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…

…xin hãy cho mưa qua miền đất rộng

Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”

Phải chăng ở đây, tuy ngôn ngữ bất đồng nhưng sự đồng cảm giữa tôi và vị sư người Nhật chính là biểu hiện sự thông thái của trí tuệ phải nhường chỗ cho quy luật của trái tim”. Ánh mắt hồn hậu ấm áp của nhà sư người Nhật và cung cách từ tốn khiêm nhường khi giới thiệu với tôi về ngôi chùa của ông và câu chuyện về giai điệu và ca từ của Trịnh Công Sơn đã đi thẳng vào trái tim tôi. Trong đáy sâu của cảm thức, tôi tự hào được là bạn của Trịnh Công Sơn, người đã đến được với trái tim của bao người, trái tim của những phận người đang trong cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và tục luỵ này. Và Trịnh khắc khoải đợi chờ

Nơi đây tôi chờ

nơi kia anh chờ

trong căn nhà nhỏ

mẹ cũng ngồi chờ

Chờ trên vầng trán mẹ thắp lên bình minh

Rồi sự đợi chờ thấm đậm chất triết lý bàng bạc trong những ca khúc, những màu sắc của anh:

Đợi chờ yêu thương trên cây thánh giá
Đợi xóa sân si dưới bóng bồ đề

Ấy thế mà Phạm Duy thì lại viết: “Con người sống trong cảnh Chúa, Phật bỏ loài người. Cuộc đời còn là đám đông nhưng cũng là quán không. Con người là cát bụi mệt nhoài, bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi…” (http://www.phamduy2010.com/phamduy_viethtml/hoiky/hoiky3/chuong_20.html). Cho nên ngẫm nghĩ kỹ về chiều sâu của sự đợi chờ ấy sẽ hiểu hơn về cảm thức của Trịnh Công Sơn trong sự lắng đọng của xúc động thẩm mỹ độc đáo và đa diện trong những sáng tạo nghệ thuật của anh với tính cách một “tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo” mà anh nói về mình. Cũng vì lý do đó nếu quy mọi sáng tác của Trịnh vào ảnh tưởng của Phật giáo thì liệu có làm hẹp lại khung trời bao la trong cảm thức về Trịnh không để nói về một cảm nhận rất riêng tư là trong giai điệu của Trịnh Công Sơn hình như tôi nghe ngân nga tiếng chuông chùa Thiên Mụ ở Huế lẫn trầm buồn chậm rãi tiếng chuông nhà thờ ở Bảo Lộc.

Nhằm nói rõ hơn điều này, xin kể lại một câu chuyện: cách đây khá lâu, dễ đã hơn 20 năm, trong chuyến đi thực hiện một khảo sát xã hội học ở mấy tỉnh Tây Nguyên, vào cuối chuyến đi chúng tôi dừng lại ở xã Lộc Phát của huyện Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng. Đây là một xã Công giáo toàn tòng gồm những cư dân miền Bắc di cư vào Nam quãng năm 1955.

Tôi cho xe chạy thẳng vào nhà thờ Lộc Phát sau khi đã trao đổi với những dân quân đề nghị họ cho xe bảo vệ dừng lại và quay về trụ sở, không cần phải theo xe tôi trên một chặng đường khá dài. (Cũng xin nói thêm chuyến khảo sát dạo ấy cần phải có bảo vệ vì còn sự quấy nhiễu của FULRO (Front unifié de lutte des races opprimées). Vị cha xứ có vẻ ngạc nhiên vì lần đầu tiên có một chiếc Land Cruiser biển xanh vào Nhà thờ. Nhưng sau cuộc trao đổi thân tình, linh mục Hoàng Ngọc Giao trở nên thoải mái và niềm nở chuyện trò với tôi bên chung rượu thánh. Tối hôm ấy chúng tôi nghỉ lại ở nhà anh Tự, một giáo dân đang là Chánh Văn phòng Uỷ ban xã (nay là Phường) Lộc Phát. Đêm nằm trằn trọc không ngủ được tôi dậy ra hiên nhà ngồi thư giãn. Trong tĩnh lặng của một làng quê tôi lắng nghe và rồi chìm đắm trong giai điệu Trịnh Công Sơn vẳng lại từ của một nhà nào đó hơi xa nhà anh Tự nên có lúc ngắt quãng theo chiều gió khi mạnh khi nhẹ thổi đến.

Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Trời mưa trời mưa không dứt
Ô hay mình vẫn cô liêu.

Trong bữa ăn sáng tôi hỏi Tự về tiếng hát vọng lại đêm khuya kia. Anh cho biết đấy là từ chiếc máy Akai của nhà cuối xóm, có khi họ vặn đến hai, ba giờ sáng. Tự nói thêm là xóm anh có hai ba nhà có máy Akai, và nếu tính cả xã thì có hơn chục. Mà bọn trẻ cứ như nghiện nhạc Trịnh Công Sơn. Nhưng không chỉ bọn trẻ, ngay Cha Giao cũng thích nhạc Trịnh, có lần người cùng hát với nhóm thanh niên trong giàn đồng ca của nhà thờ đấy ạ.

Trong dịp về thăm lại Lộc Phát sau chuyến đi Ý. Dạo ấy tôi có đến Vatican. Sau khi tôi có mua một chuỗi vòng Thánh giá ở quầy bán quà lưu niệm để mua một vòng Thánh giá định để tặng ông cụ thân sinh anh Tự và một cuốn sách ảnh Vatican.

clip_image010Chị Tố Nga, người đưa chúng tôi vào thăm Vatican, biết lý do tôi mua vòng chuỗi Thánh giá đã bảo tôi trao cho chị để chị đi xin Đức Cha ban phép Thánh thì người được nhận mới thấy đấy là một ân huệ. Đúng thế. Về Lộc Phát tôi đến thăm linh mục Giao, tặng Cha một cuốn sách và hỏi ông về ý định trao chuỗi vòng Thánh giá cho cụ thân sinh anh Tự. Ông tỏ vẻ cảm động và phấn khích, và nói ông sẽ cùng đến nhà ông cụ để chứng kiến nghĩa cử đặc biệt này. Đáng tiếc là cụ ông đã khuất núi, nay phải trao cho cụ bà. Bên chén trà trong chuyện trò thân mật giữa hai chúng tôi, linh mục Giao, bây giờ đã là người bạn gần gũi, chân thành mời tôi dùng bữa trưa. Tôi có dịp hỏi ông về câu chuyện nhạc Trịnh Công Sơn mà Tự đã kể cho tôi dạo nào. Cha Giao cười thoải mái trả lời: “Đúng đấy, tôi rất thích nhạc Trịnh, có thể nói là “mê” nhạc điệu và lời ca trong những ca khúc của Trịnh. Ngoài những Thánh ca, trong những bài hát khác mà tôi đã nghe thì đứng số một là nhạc Trịnh”, ông nhắc đến Lời buồn thánh, Phôi pha, Tôi đang lắng nghe

Đúng như ai đó đã viết “ca khúc của Trịnh Công Sơn đã đạt tới chiều kích an ủi của những tôn giáo lớn […]Ôi đường phố dài, lời ru miệt mài, còn ai còn ai. Giống như không biết bao nhiêu lần buồn nản, tôi níu kéo Trịnh Công Sơn cùng vào thánh đường, cầu nguyện cho những kỷ niệm thôi bớt phôi pha… Lúc ấy, chiều Hà Nội hình như có mưa bay trên tháp chuông Nhà thờ Lớn.

Nhưng không phải chỉ là chiều kích tôn giáo dù đó là Phật, là Chúa. Trịnh Công Sơn giống như một thiên sứ mà tất những cặp tình nhân đều muốn anh chứng giám cho tình yêu của họ như Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, người thiết kế hội quán Hội Ngộ như một món quà riêng tặng Trịnh Công Sơn đã xúc động viết. Nhà kiến trúc tài hoa đã cố gắng thể hiện cho được ý tưởng của Trịnh: “…Mái nhà là một tiếng có một âm vang tình cảm cảm sâu kín trong lòng mỗi người. Chỉ có ở đó mình mới tìm mình đầy đủ nhất. Đó là cái nôi thứ hai ru mỗi đời người khi lớn lên” (tr. 547). Và chính anh đặt tên cho Quán Hội Ngộ. Người thiết kế “mái nhà” ấy tâm clip_image012sự: “Hội ngộ bây giờ [mười năm sau ngày Trịnh ra đi – Tương Lai] giống như một nơi chốn tâm linh của tình yêu mà anh Sơn là một nhân cách, một nghệ sĩ xứng đáng đại diện cho thế giới tâm linh tình yêu ấy. Cũng có khi từ một ước vọng không thành cho anh Sơn chúng ta lại có được một thánh đường đẹp đẽ từ ý tưởng một “Nhà nguyện tình yêu” của anh” (tr. 549).

Vậy là từ “đợi chờ yêu thương trên cây thánh giá, đợi xóa sân si dưới bóng bồ đề”, Trịnh Công Sơn đã đến với cuộc đời thường nhật của tất cả mọi người, tất cả những thân phận người

Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người

Còn cuộc đời ta cứ vui

Hai câu ấy ở trong bài “Để gió cuốn đi” thấm đẫm chất triết lý dội vào tim tôi, triết lý Trịnh Công Sơn. Tôi nghe ra “tiếng nói tỉnh thức” của anh, người tôi thương mến. Và thế là “Để gió cuốn đi được nối vào “Mênh mông thế sự” nhằm gửi đi một thông điệp: những ý tưởng, cảm nhận và suy tư trong mênh mông thế sự mang dấu ấn cá nhân. Vì vậy mà rất tự do và thoải mái không áp đặt và cũng chẳng van nài. “Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông”, những ý tưởng, cảm nhận và suy tư của một cá nhân sẽ tan biến vào thinh không “tan trong trời gió lên”, hay vô tình đọng lại đâu đó, làm sao biết được” mà tôi đã viết trong “Mênh mông thế sự” mở đầu cho năm 2021.

Trịnh, giai điệu của Trịnh đang chìm lắng trong tôi, thì thầm với tôi

Trời cao đất rộng

Một mình tôi đi

Một mình tôi đi

Đời như vô tận

Một mình tôi về

Một mình tôi về với tôi

Ngày 28.2.2021

 

Comments are closed.